Thuyết Tiến Hóa – Sai lầm khoa học lớn nhất của nhân loại (Phần 4-2)



[ChanhKien.org]

Phần 4 – Các kết quả nghiên cứu của sinh học phân tử hiện đại thách thức thuyết tiến hóa

4.2. Có phải đột biến chậm lại dẫn đến quá trình tiến hóa tăng nhanh?

Trong nghiên cứu sinh học phân tử, tỉ lệ đột biến gen ở cấp độ cá thể có xu hướng giảm từ sinh vật bậc thấp đến sinh vật bậc cao. Tức là sinh vật bậc càng cao thì càng không dễ dàng phát sinh đột biến dẫn tới tiến hóa. Tuy nhiên, kết luận rút ra từ nghiên cứu cổ sinh vật học trên các mẫu hóa thạch lại ngược lại: nếu một loài đang tiến hóa thì trên tổng thể sẽ thể hiện ra “quy luật tiến hóa tăng tốc”, tức là sinh vật bậc càng cao thì tiến hóa càng nhanh [5], nói cách khác là sinh vật càng cao thì càng dễ xảy ra đột biến. Sự mâu thuẫn này không cách nào giải thích được bằng thuyết tiến hóa.

Các nhà khoa học trong các lĩnh vực khác nhau lấy thuyết tiến hóa làm căn cứ, sau khi nghiên cứu tỉ mỉ cẩn trọng, lại đưa ra những kết luận hoàn toàn trái ngược nhau như vậy. Có phải vấn đề nằm ở bản thân xuất phát điểm của các nghiên cứu này – thuyết tiến hóa? Hay vấn đề nằm ở chính các nghiên cứu? Khi đề cập đến vấn đề này, chúng tôi thấy rằng trong đó có một số khái niệm mà các nhà sinh vật học thuộc chuyên ngành khác không hiểu rõ ràng. Thực ra cái này không khó hiểu như toán, lý, hóa, tư duy logic khá đơn giản, chỉ là vấn đề nằm ở một số danh từ. Bài viết này sẽ sử dụng ngôn ngữ phổ biến nhất để giải thích vấn đề thực chất một cách đơn giản, chúng tôi tin rằng những lý luận cao siêu từng đóng vai trò là “tháp ngà” sẽ phải hổ thẹn trước mắt độc giả.

4.2.1. Tỉ lệ đột biến gen bình quân ở cấp độ cá thể có xu hướng giảm từ sinh vật bậc thấp đến sinh vật bậc cao

Sinh học phân tử hiện đại đã chứng minh rằng gen là vật chất cơ bản của sự sống, là cơ sở sinh trưởng phát triển và biến dị di truyền. Ngoại trừ gen của một số loại virus bậc thấp ra thì gen được cấu thành từ các phân tử DNA, phân tử DNA là phân tử dạng chuỗi do rất nhiều phân tử nhỏ bazơ liên kết với nhau tạo thành.

Khi một tế bào phân chia làm đôi, thì trước đó gen đã được sao chép ra một bản, kết quả của sự phân chia này là tạo ra hai gen gần như giống nhau hoàn toàn, quá trình này được giữ ở mức độ ổn định cao. Trong quá trình sao chép, do các nguyên nhân này khác gây ra sai sót sẽ tạo ra đột biến gen, đây là nguyên nhân chủ yếu gây đột biến gen. Thuyết tiến hóa hiện đại cho rằng đây là nguồn gốc của sự tiến hóa lên sinh vật bậc cao. Nhưng tỉ lệ xác suất phát sinh đột biến trong tự nhiên là rất thấp, khoảng một phần mười nghìn đến một phần tỉ. Tỉ lệ xác suất đột biến của sinh vật nhân thực (còn gọi là sinh vật nhân chuẩn) bậc thấp tương đối cao, khoảng một phần nghìn, trong khi ở sinh vật bậc cao, rất nhiều gen có tỉ lệ đột biến là một phần trăm nghìn đến một phần trăm triệu [1].

Ngoài ra, theo thuyết tiến hóa thì các sinh vật trong quá trình tiến hóa đã tạo ra nhiều cơ chế nhằm giảm thiểu xảy ra đột biến.

Bản thân đột biến gen là một trạng thái bệnh nên còn được gọi là biến đổi khiếm khuyết, chỉ có hại cho bản thân sinh vật. Phần lớn các đột biến đều gây dị dạng, tỉ lệ sống sót trong điều kiện tự nhiên rất thấp và cho đến nay vẫn chưa tìm thấy dấu tích của việc đột biến dẫn đến tiến hóa lên sinh vật bậc cao. Một số học giả đã mở rộng khái niệm đột biến và gọi mọi biến đổi gen, kể cả sự trao đổi gen giữa các cá thể khác nhau là đột biến, thực chất chỉ đột biến theo nghĩa hẹp mới mang ý nghĩa tiến hóa lên sinh vật bậc cao. Lấy một ví dụ: nếu một đứa trẻ trông không giống cha mẹ của mình, điều này nếu được gọi là đột biến gen thì không có ý nghĩa tiến hóa nào cả, bởi vì đứa trẻ vẫn là người, chỉ là trông khác với cha mẹ mà thôi.

Suy luận theo thuyết tiến hóa thì mọi sinh vật đều cố gắng hết sức để tránh bị đột biến gen, cụ thể:

(a) Từ sinh vật nhân sơ đến sinh vật nhân thực, sự xuất hiện của nhân tế bào giúp bảo vệ gen tốt hơn, tránh khỏi bị tổn hại có thể dẫn đến đột biến.

So sánh tế bào nhân thực và tế bào nhân sơ (Ảnh ancestry.com)

(b) Các đại phân tử DNA từ các chuỗi đơn không thể sửa chữa đột biến thành các chuỗi xoắn kép có thể sửa chữa được, tới các sinh vật cao cấp hơn thì có hai bộ gen (bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội, thường chỉ dùng một bộ), xu hướng này rõ ràng là để giảm tỉ lệ đột biến.

c) Gen của đa số sinh vật là phân tử DNA chuỗi xoắn kép, cơ chế sao chép của gen phức tạp làm giảm đáng kể đột biến. Tính ổn định nhiệt động lực học, vai trò của enzyme trong quá trình lựa chọn chính xác nguyên liệu, vai trò của enzyme trong việc loại bỏ các thành phần sai, ba yếu tố này giúp giảm tỉ lệ lỗi xuống còn một phần triệu. [2]

(d) Độ chính xác và phức tạp trong cấu trúc ADN được sao chép càng làm giảm tỉ lệ đột biến [2] Sinh vật càng cao thì cấu trúc của hệ thống gen càng phức tạp nên tỉ lệ đột biến càng thấp.

(e) Cơ chế sửa chữa đột biến của các DNA bị hư hại càng giúp giảm thiểu đột biến. [2]

(f) Gần đây, người ta còn phát hiện rằng tại vị trí mà DNA bị hư hại có thể tạo ra các DNA có độ chính xác cao hơn, kết cấu này ở các sinh vật bậc cao phức tạp hơn so với các sinh vật bậc thấp. [3]

Vào thời đại của Darwin, người ta không biết đến sự tồn tại của gen, cũng không biết những biến đổi bên ngoài ảnh hưởng đến thế hệ sau như thế nào. Nếu không có biến đổi gen thì các thay đổi tính trạng bên ngoài không thể di truyền và càng không có bất kỳ ý nghĩa tiến hóa nào. Thuyết tiến hóa hiện đại nhận định rằng biến đổi gen là căn nguyên của tiến hóa, bởi vì chỉ có biến đổi gen mới có thể di truyền và tích lũy, mà đột biến gen là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến biến đổi gen.

Ngoài ra, sự tiến hóa của các sinh vật bậc cao phức tạp không thể có được nhờ sự biến đổi một gen duy nhất, mà phải thông qua sự điều tiết một số gen liên quan, giống như một chương trình máy tính phức tạp không thể biến thành một chương trình cao cấp hơn do một lỗi ngẫu nhiên. Vậy thì sự thay đổi của một số gen liên quan sẽ làm giảm tỉ lệ đột biến tổng thể của sinh vật bậc cao. Nói cách khác, vì đột biến gen có xu hướng giảm trên quần thể lớn, nên có thể kết luận rằng quá trình tiến hóa có xu hướng giảm ở sinh vật bậc cao.

4.2.2. Thuyết tiến hóa qua nghiên cứu hóa thạch phát hiện “quy luật tiến hóa tăng tốc” trên tổng thể

Thuyết tiến hóa hiện đại căn cứ trên các sự kiện thực tế trong nghiên cứu cổ sinh vật học tổng kết ra một quy luật gọi là “quy luật tiến hóa tăng tốc”, nó cho rằng sự tiến hóa của sinh vật có xu hướng phát triển tăng tốc, tức là hình thái sinh bậc càng cao thì tiến hóa càng nhanh. [5]

Theo cách nói của thuyết tiến hóa, phải mất 1,4 tỉ năm để tiến hóa từ sinh vật nhân sơ không có nhân tế bào thành sinh vật nhân chuẩn nguyên thủy có nhân tế bào; lại phải mất 900 triệu năm nữa động vật không xương sống bậc thấp mới xuất hiện trên diện rộng; 100 triệu năm sau, động vật không xương sống bậc cao tiến vào thời kỳ hưng thịnh; 60 triệu năm sau, động vật có xương sống – cá xuất hiện; 40 triệu năm sau, động vật lưỡng cư xuất hiện; từ nhân loại nguyên thủy đến nhân loại tiến nhập vào nền văn minh chưa đến 3 triệu năm; và nền văn minh nhân loại phát triển cho đến nay chưa đầy 10 nghìn năm. Điều này thể hiện rõ xu hướng tiến hóa tăng tốc.

Lược đồ thời gian tiến hóa sự sống dựa theo giả thuyết của thuyết tiến hóa (Ảnh flexbooks.ck12.org)

Như vậy, đây rõ ràng là hai kết quả đối lập nhau.

Tại sao lại có những kết quả mâu thuẫn như vậy? Cần biết rằng xu hướng tiến hóa tăng tốc được minh chứng bằng các nghiên cứu hóa thạch “có thật”; mà đột biến gen là cơ chế tiến hóa duy nhất lại có xu hướng giảm tốc theo nghiên cứu sinh học phân tử. Chứng cứ của nghiên cứu sinh học phân tử không phải là bịa đặt, lập luận hoàn toàn dựa trên logic của sự tiến hóa. Hai bên đều chiểu theo tư duy thuyết tiến hóa mà nghiên cứu, nhưng kết quả sao lại đối nghịch với nhau như vậy? Chỉ có thể là sai từ gốc rồi, đó chính là vấn đề căn bản của thuyết tiến hóa.

Vấn đề nan giải gần đây của thuyết tiến hóa là sự xuất hiện sinh vật xảy ra dưới phương thức bùng nổ, chẳng hạn như sự bùng nổ của sinh vật kỷ Cambri. Lúc này các loài sinh vật xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn với số lượng lớn và đa dạng, tuy nhiên về cơ bản chúng không thay đổi sau khi xuất hiện, một thời gian sau lại bị tiêu hủy và biến mất. Thuyết tiến hóa thậm chí còn mâu thuẫn hơn với những sự thật này.

Đây quả thực là “Bất thức Lư Sơn chân diện mục; Chỉ duyên thân tại thử sơn trung” (Dịch nghĩa: Không biết được diện mạo thật của núi Lư Sơn, chỉ vì thân đang ở trong núi ấy) [6]. Từng có người nói: các hiện tượng sống rất phức tạp, con người hiện nay còn lâu mới nghiên cứu hết được. Kỳ thực, ở đây chỉ sử dụng tư duy logic chứ không phải nghiên cứu chi tiết, chúng ta cần nắm bắt được tư duy tổng thể chứ không phải vướng mắc loanh quanh trong vấn đề cục bộ. Nếu có vấn đề về tư duy tổng thể khi nghiên cứu thuyết tiến hóa, thì đó chẳng phải là vấn đề của chính thuyết tiến hóa sao?

Còn có người nói: “Thuyết tiến hóa có nhiều chứng cứ lập luận hỗ trợ như vậy, làm sao có thể dễ dàng phủ nhận được?” Đây là lối nói thông thường nhất mà thuyết tiến hóa sử dụng để tự bao biện cho nó. Có lẽ cũng có người nói: “Quá trình tiến hóa quá phức tạp, các hình thức tăng tốc, giảm tốc, giữ tốc độ trung bình đều có thể xảy ra mà không có mâu thuẫn gì cả”. Trên thực tế, đây chính là vướng mắc vào tiểu tiết, cục bộ. Chỉ thấy cây mà không thấy rừng.

Những phân tích và trích dẫn trong bài viết này dựa trên sự phát triển tổng thể của sinh vật trên vĩ mô. Từ tỉ lệ đột biến gen giảm trên tổng thể cho thấy xu hướng tiến hóa giảm tốc trên vĩ mô. Nghiên cứu về tiến hóa sinh học phân tử cho thấy tiến hóa giảm tốc cũng không phải hiện tượng cá biệt, ngược lại mô hình tiến hóa tăng tốc của thuyết tiến hóa cũng ở tầm vĩ mô và xảy ra ở nhóm động vật lớn. Vì chúng vừa có tính vĩ mô vừa mâu thuẫn với nhau nên đủ để phủ định tính hợp lý của thuyết tiến hóa.

Khoa học là nghiêm ngặt, nếu một lý thuyết tự mâu thuẫn với chính nó thì còn có ý nghĩa gì nữa? Khoa học lấy sự thật làm cơ sở, khi một lý thuyết về cơ bản trái ngược với sự thật, chúng ta chỉ có thể tin vào sự thật. Phân tích phản chứng dẫn chúng ta đến kết luận rằng bản thân thuyết tiến hóa đã tự mâu thuẫn. Tất nhiên, nếu tiếp tục đọc các bài viết khác trong loạt này, độc giả sẽ còn phát hiện thêm rằng thuyết tiến hóa quả thực có quá nhiều vấn đề.

4.2.3. Tài liệu tham khảo

1. Thuyết tiến hóa sinh vật, tác giả Lý Nan, 153, 158 Nhà xuất bản giáo dục Nhân Dân, xuất bản lần đầu năm 1982.

2. Hóa sinh, Trần Đồng, Vương Kính Nham chủ biên, Tập II, 337-338, Nhà xuất bản Giáo dục Đại học, tái bản lần thứ hai năm 1991.

3. Tạp chí Science, Johnson R.E. và cộng sự, 283, 1001-1004, (1999)

4. “Nghiên cứu tính phổ biến của tiến hóa giảm tốc phân tử” Hạ Phúc Sơ, Thông cáo khoa học, 1996, 24, 2264-2268

5. Tương tự như 1, 185-186, 106-107

6. Hai câu thơ trong bài thơ “Đề Tây Lâm bích” của Tô Thức (Tô Đông Pha) – nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời nhà Tống

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/16720



Ngày đăng: 20-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.