Đạo của chữ Hán (5)



Tác giả: Chiếu Viễn

[ChanhKien.org]

4. Đạo đối nhân xử thế

Con người là anh linh của vạn vật, tất cả tồn tại trong trời đất đều là vì con người mà được an bài. Trong sự từ bi mà thiên thượng dành cho con người còn có những yêu cầu nghiêm khắc đối với con người để con người minh xác về việc làm thế nào để đối nhân xử thế, sau đây chúng ta hãy cùng nhau phân tích các Hán tự bên dưới để nhận thức thêm về vấn đề này.

(1) Chữ Nho (儒) Kết cấu của chữ Nho (儒) là gồm một bộ nhân đứng (亻) kết hợp với một chữ Nhu 需 (Nhu có nghĩa là nhu yếu, chỉ sự cần thiết), “Nhân chi sở nhu vi Nho”, đạo lý mà con người cần minh bạch chính là những lời giáo đạo của Nho gia. Bởi vì Hán tự là văn hóa Thần truyền, vì vậy quy phạm của Nho giáo chính là tiêu chuẩn làm người do Thiên định, lại thông qua những luận thuật của những bậc Thánh hiền trong Nho gia mà biểu lộ và giáo hóa cho con người. Nho gia giảng Ngũ thường chính là: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Thế nhưng, thế nhân ngày hôm nay đã biến dị đến nỗi trở thành “bất Nhân, bất Nghĩa”, “bất Lễ”, “bất Trí”, thậm chí còn tệ hại đến mức điều gì cũng không tin (trở thành bất Tín), vì vậy đều đã không phải là những con người bình thường nữa.

(2) Chữ Lễ (礼) Chính thể của chữ Lễ được viết là (禮), chữ Lễ được tổ thành từ ba chữ, đó là: chữ Thị (示). chữ Khúc (曲) và chữ Đậu (豆). Thị là biểu thị cho sự gặp mặt, biểu thị cho thành ý; chữ Khúc biểu thị cho tư thế khom lưng, cúi gập, thể hiện sự cung kính; còn chữ Đậu (hạt đậu) là biểu thị cho đồ vật quý giá, bởi vì đậu có thể làm ra dầu (dầu đậu phộng, trong hàng ngũ cốc thì đây được xem là vật phẩm có giá trị nhất). Nghĩa của chữ Lễ này chính là: trong tư thế khiêm cung, tay đem theo vật phẩm có giá trị mà cúi người hành lễ với người khác để biểu thị sự lễ phép, lễ độ, lễ tiết, lễ nghi. Con người hiện đại ngày nay cũng vẫn gọi việc biếu tặng là sự “biểu thị” cho một điều gì đó. Khổng Tử có một câu nói rằng: “Bất tri lễ, vô dĩ lập dã.” Lễ là tiền đề để an thân lập mệnh, muốn hành đạo lý thì trước tiên phải hiểu lễ nghĩa (chữ “Lý” trong từ “Đạo lý” đồng âm với chữ Lễ trong từ “Lễ nghĩa”, cùng đọc là “lǐ”), có Lễ rồi mới có Lợi (lợi ích) (Lễ và Lợi cũng có âm tương đồng, Lợi trong tiếng Trung âm đọc là “lì”). Trong Chu Dịch, quẻ Ly là một trong tám quẻ, Ly vi Hỏa, vi Nhật, vi Văn, vi Lễ, vi Lệ; điều đó cũng để nói rằng Lễ chính là tượng trưng cho văn minh, cổ nhân cho rằng nam nữ là có khác biệt, già trẻ là có tôn ti trật tự, hai người khi kết giao với nhau thì cần dùng Lễ mà đối đãi với người kia, như vậy mới khiến cho trật tự xã hội được ổn định. Vì vậy cổ nhân mới nói: “Lễ giả, thiên địa chi tự dã” (Trích trong “Lễ Ký”).

(3) Chữ Giáo (教) Chính thể của chữ Giáo được viết là: 敎, “Thượng sở thi, hạ sở hiệu vi Giáo” (bên trên thi triển, bên dưới bắt chước theo thì được gọi là Giáo), cũng là nói Giáo tức là quá trình truyền thụ đạo lý, kỹ thuật, kỹ năng tới người học. Chính thể của chữ Giáo gồm có chữ Hào (爻), chữ Tử (子), chữ Phốc (攴). Chữ Hào (爻) có nghĩa là chỉ sự học tập, bắt chước theo; chữ Tử (子) là chỉ đứa trẻ, học trò; chữ Phốc (攴) có nghĩa đôn đốc, thúc giục. Trong “Trung Dung” có một câu nói rằng: “Tu đạo chi vị giáo”. Cũng là nói rằng, mục đích căn bản của giáo dục là dạy người ta minh bạch phương thức tu đạo. Thế nhưng, giáo dục của Trung Quốc ngày nay là dựa vào thuyết tiến hóa và thuyết vô thần là cơ sở, điều được giáo dục cho học sinh là lấy mạnh hiếp yếu, không hề giảng giải về Thiện và Đạo đức, hoàn toàn là đã đi ngược lại với chuẩn tắc của Đạo.

(4) Chữ Dục (育) Hàm nghĩa của chữ Dục là sinh dưỡng, giáo đạo,v.v.. Trong “Thuyết văn giải tự”, Dục được giải thích là: Dưỡng tử sử tác Thiện dã. Trong cổ văn, bên trên chữ Dục là chữ Tử (子) được viết ngược, bên dưới là chữ Nhục (肉). Chữ Tử được viết ngược ngụ ý là nghịch tử, là đứa con không vừa ý, không thuận theo quản giáo của cha mẹ, còn bộ Nhục (肉) tì biểu thị cho nhục thân, cho thân thể. Như vậy, từ kết cấu của chữ Dục mà nói, thì dưỡng dục con cái không chỉ là đảm bảo cho con có một cơ thể khỏe mạnh, mà còn phải giáo đạo cho con trọng đức hướng thiện, bằng không đứa trẻ không chịu quản giáo, không có ước thúc thì cũng bằng như nghịch tử, đây cũng là đạo lý mà các bậc sinh thành cần phải minh xác.

(5) Chữ Hòa (和) Kết cấu của chữ Hòa bao gồm một chữ Hòa 禾 (cây lúa) kết hợp với một chữ Khẩu 口, chữ Khẩu biểu nghĩa, còn chữ Hòa dùng để biểu thanh; nghĩa của chữ Hòa là hài hòa, hòa điệu. Bộ Khẩu được dùng để biểu nghĩa trong chữ Hòa, là muốn chỉ rằng biểu hiện cơ bản của Hòa trong quan hệ giữa con người với con người là chỉ sự thiện hòa, tùy hòa, không có tranh chấp cãi vã hay đấu khẩu với người khác. Vì vậy trong “Thuyết văn giải tự” Hòa được giải thích thành: Hòa, tương ứng dã. Hòa và Hợp (合) lại đồng âm, có ý tụ họp, tập hợp; Hòa lại đối nghĩa với Xung (冲) (phàm sự việc gì gặp xung đột sẽ trở nên đổ vỡ). Hòa là tập hợp điều gì? Là tập hợp của nhân lực và tài vật, người xưa viết Hòa vi quý, hòa khí sinh tài, gia hòa vạn sự vinh… Nếu như đứng dưới góc độ tu dưỡng đạo đức mà nói, thì bản chất của Hòa chính là thiện lương và khoan dung.

(6) Chữ Hiếu (孝) Hàm ý của chữ Hiếu là chỉ sự phụng dưỡng và tùy thuận của con cái đối với cha mẹ. Kết cấu của chữ Hiếu là chữ Lão (老) được tỉnh lược, lại thêm vào một chữ Tử (子), Lão ở bên trên và Tử ở bên dưới, phụ mẫu “thị thiên”, con người nên thuận thiên nhi hành, vì vậy cần giảng hiếu thuận. Trong văn hóa truyền thống nhận định rằng, Hiếu là căn bản của văn minh và đạo đức nhân loại, là khởi đầu của Lễ, “bách thiện Hiếu vi tiên” (trăm việc lấy Hiếu nghĩa làm đầu). Vì vậy, chữ Giáo (教) trong chữ “Giáo dục” (教育) thì chữ Hiếu (孝) được đặt ở phía trước, điều đầu tiên mà giáo dục cần phải đạt được đó là dạy người ta hiếu đạo. Cũng bởi vì phụ mẫu là căn bản của sinh mệnh của chúng ta, hiếu kính với phụ mẫu cũng như việc tưới nước bón phân vào gốc cây, vậy thì tự nhiên gốc sẽ sâu mà cành lá sẽ đủ đầy, đối với con người mà nói thì cháu con sẽ hưng thịnh. Đồng thời chữ Hiếu (孝) và chữ Hiệu (效) đồng âm (cùng đọc là “xiào”), Hiệu chính là noi theo, học tập theo, bởi vì hành vi của chúng ta chính là tham chiếu cho con cái, bởi vậy phàm là những ai không hiếu kính với cha mẹ thì bản thân con cháu của họ cũng sẽ không hiếu kính với người đó. Thế nên, từ góc độ này mà nói, thúc đẩy đạo hiếu chính là khởi tạo hạnh phúc cho tuổi già của bản thân và tương lai cho tất cả mọi người trên thế gian. Hiếu lại đồng âm với Tiếu – cười, nụ cười (笑) (cùng đọc là “xiào’), “Tử nữ Hiếu tắc phụ mẫu Tiếu, Tử nữ bất Hiếu phụ mẫu bất Tiếu” (con cái hiếu thuận thì cha mẹ cười vui, con cái bất hiếu thì cha mẹ buồn rầu – không vui).

(7) Chữ Dũng (勇) Kết cấu của chữ Dũng (勇) gồm có chữ Dũng (甬) thêm vào với chữ Lực (力), hàm nghĩa của nó là kiên dũng quả cảm, không lụy không sợ. Chữ Dũng (甬) bên trên là thông với chữ Dũng 涌 (trong chữ này có bộ Thủy 氵 chỉ nước), có nghĩa là dũng mãnh như nước từ trong suối nguồn chảy ra; đồng thời chữ Dũng (甬) còn thông với chữ Vĩnh (永) (cùng đọc là “yǒng”), như vậy còn mang hàm nghĩa chỉ về sự trường cửu lâu dài. Chữ Lực (力) bên dưới có hàm ý là biểu thị lực lượng, sự chuyên cần cố gắng, cổ nhân thường đem những gì mà tinh thần chạm đến đều gọi là Lực. Cũng là nói rằng, Dũng không chỉ là chỉ sự đảm lược và dũng khí của con người, cũng không phải chỉ sự dũng mãnh trong một chốc lát, càng không phải là biểu hiện bừa bãi bề ngoài, mà mà một trạng thái tinh thần cần được bảo trì lâu dài từ đầu đến cuối, là phẩm chất cần có của người nghiên cứu học vấn và của những người tu đạo.

(8) Chữ Giá (嫁) Kết cấu của chữ Giá là chữ Nữ (女) thêm với chữ Gia (家), chữ Gia ở đây là mang nghĩa là trở về nhà, người phụ nữ “về nhà” thì gọi là Giá (嫁). Trong tiếng Hán cổ đại, người phụ nữ khi xuất giá cũng gọi là Quy (归), Quy cũng mang hàm nghĩa là chỉ sự trở về. Bởi vì trong quan niệm của văn hóa truyền thống, đối với nữ nhân mà nói, nhà mẹ đẻ thì vẫn không phải là nhà của mình, mà chỉ là nơi gửi gắm nuôi dưỡng tạm thời, nhà chồng mới thực sự là nhà của mình, bởi vậy mới nói: “Nữ đại đang giá”, nghĩa là người con gái sau khi trưởng thành rồi thì cần nên “xuất giá” (trở về nhà). Ngày nay có rất nhiều người trẻ tuổi không thể hiểu được sự lý giải này, kỳ thực mọi người chỉ cần nghĩ một chút về mẹ của mình, hoặc nghĩ về bà nội, bà ngoại của mình thì sẽ thấy được nơi nào mới thực sự là nhà của họ.

(9) Chữ Hảo (好) Kết cấu của chữ Hảo là một chữ Nữ (女) thêm vào một chữ Tử (子), nghĩa của nó là Mỹ, Thiện. Nếu như từ trên kết cấu của chữ này mà xét, thì sự kết hợp của nam nữ là Hảo. Trong “Dịch truyền” có một câu rằng: có trời đất sau đó có vạn vật, có vạn vật sau đó có nam nữ, có nam nữ sau đó có vợ chồng, có vợ chồng sau đó có cha con… Cũng là nói, mối duyên vợ chồng là duyên phận tối sơ khai và nguyên thủy nhất giữa người Nam và người Nữ, đồng thời cũng là duyên phận đẹp nhất, thiện nhất và tốt nhất, bởi thế cho nên giữa vợ chồng với nhau nên dùng tâm tình thuần mỹ và tâm thái thiện lành nhất để đối đãi, như vậy mới là “tối Hảo” (tốt nhất).

(10) Chữ Quan (官) Kết cấu của chữ Quan (官) bên trên là một chữ Miên (宀), kết hợp với một chữ Dĩ (㠯) ở bên dưới, chữ này được dùng để chỉ những người đảm nhận chức vụ trong chính phủ. Trong tiếng Hán cổ đại, chữ Dĩ (㠯) là thông với chữ Dĩ (以), là chỉ làm việc, tiến hành công tác. Chữ Quan (官) còn thông với chữ Quản (管), có nghĩa là trách nhiệm, quản lý. Các cấp bậc chính phủ trong xã hội nhân loại đều là sự thể hiện của Pháp vũ trụ tại thế gian, mà ở trong đó, những quan chức không cùng giai tầng, bất luận là có chức vị cao hay thấp thì đều là người chấp pháp hành sự, cũng giống như ngũ quan của con người, mỗi bộ phận có một chức vụ, và công năng của mình. Hơn nữa, chữ Quan (官) lại đồng âm với chữ Quan 关 – quan ải (trong tiếng Hán cùng có âm đọc là “guān”), cũng là nói rằng, mỗi sự việc mà người làm quan phải xử lý cũng chính như một quan ải đối với họ, có thể xử lý tốt hay không là còn xem người này có công chính chấp pháp, công tư phân minh hay không, bởi vậy mới nói rằng làm quan cũng chính là tu hành, đây chính là yêu cầu của thiên thượng đặt ra đối với nhóm người này, bất luận là họ có ý thức được điều này hay không. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, cơ hồ như xuất phát điểm của tất cả những người làm quan đều là vị tư, bởi vậy họ căn bản là không có quan niệm về sự tu hành, quan chức ngược lại lại trở thành một con đường sa đọa và bại hoại nhanh nhất của bộ phận những người này.

(11) Chữ Chính (政) Hàm nghĩa của chữ Chính là trị lý các sự vụ của quốc gia, kết cấu của nó gồm chữ Chính (正) kết hợp với chữ Phốc (攵), Phốc chính Phác (攴). Phác có nghĩa chỉ hành động đánh, gõ, nguyên nghĩa là chỉ người thống trị thông qua việc sử dụng roi da mà trị vì dân chúng. Còn hàm nghĩa của Chính là chỉ sự sửa đổi, uốn nắn, quy chính. Cũng là nói rằng, mục đích của việc chấp chính là giáo đạo bách tính trăm họ đi trên con đường chính đạo, nhưng tiền đề là người chấp chính phải tự mình đạt được sự quang minh, chính đại. Vậy nên Khổng Tử nói: Chính giả chính dã, tử soái dĩ chính, thục cảm bất chính (trích trong chương Nhan Uyên – Luận Ngữ), hàm nghĩa của nó là: ý nghĩa của Chính (trong chính trị) có nghĩa là Chính 正 – chân chính, nếu như người thống trị có thể luôn khởi tác dụng dẫn dắt đi đầu, lại thể hiện sự quang minh chính đại thì ai có thể dám làm điều không tốt đây. Khổng Tử còn nói: “Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng sinh cộng chi” (Trích trong chương Vi chính – Luận Ngữ), có nghĩa là: nếu như người thống trị có thể dựa vào đạo đức mà tiến hành sự thống trị của mình, tức là lấy “Đức trị thiên hạ”. thế thì người trong thiên hạ sẽ tự khắc sẽ thuần phục người ấy. Nếu như không giảng đạo đức, không hành đức chính, vậy thì điều được gọi là chính trị sẽ hoàn toàn biến chất trở thành việc người trị người, cũng bằng như chuyên chế, bạo ngược và ác chính vậy.

(12) Chữ Công (公) Hàm nghĩa của chữ Công là chỉ lợi ích của quần chúng, chính trực vô tư, còn có nghĩa là bình đẳng, không được thiên lệch. Kết cấu của chữ Công gồm một chữ Bát (八) bên trên, bên dưới thêm vào một chữ Tư (厶), trong cổ văn Trung quốc, thì chữ Bát là thông với chữ Bối (背), Bối chính là ly khai, vi phạm, mà chữ tư (厶) lại thông với với chữ Tư – tư lợi (私), như vậy thì: Bát Tư vi Công – nghĩa là không có (ly khai) sự tư lợi mới được gọi là Công. Đứng trên kết cấu chữ mà nói, chữ Tư nằm bên dưới chữ Bát, vì vậy chữ Công còn có một tầng ý nghĩa khác, đó là trong xã hội nhân loại phàm là những ai dấy lên cờ hiệu công chính thì chính là đang che giấu mục đích tư lợi của mình, tất cả các chính đảng đều thuộc vào loại này. Hơn nữa, chữ Công lại đồng âm với chữ Công – trong từ “công đức” (功). Công chính là công đức, công đức là cội nguồn của phúc phận. Vì vậy làm người thì cần công tâm, có công tâm mới có công đức, có công đức rồi mới có được phúc phận.

(13) Chữ Cuồng (狂) Kết cấu của chữ Cuồng là gồm một chữ Khuyển – con chó (犭) thêm vào với một chữ Vương (王), hàm nghĩa của nó là chỉ con chó dại, sau này diễn nghĩa ra để chỉ người mà thần kinh mất kiểm soát, cũng là chỉ tâm thái cuồng nhiệt, mãnh liệt, không bình thường. Trong “Quảng Vận” có giải thích rằng: người bệnh là người mà tâm không thể đo lường được việc được mất, chính là cuồng. Từ kết cấu của chữ này mà xét, thì bộ Khuyển (犭) là đại diện cho thú thính, bộ Vương (王) là đại biểu cho việc xưng vương, xưng bá. Cũng là nói rằng, Cuồng là một trạng thái bệnh lý của con người, nếu như làm người mà không có nhận thức thanh tỉnh về chính mình, không có sắp đặt được chính tâm thái và vị trí của chính mình, nếu trong mắt chỉ coi mình là nhất thì đây chính là “Cuồng nhân” vậy.

(14) Chữ Ngụy (诡) Hàm nghĩa của chữ Ngụy có nghĩa là gian trá, bịp bợm, còn có nghĩa là quái dị, bất thường; Ngụy gồm có hai bộ ghép thành: bộ Ngôn (言) và bộ Nguy (危). Ngôn là chỉ ngôn ngữ, kế sách, cách nói năng; Nguy là chỉ sự nguy hiểm, nguy hại, cũng chính là nói Ngụy chính là thông qua những kế sách, lời nói của mình mà khiến cho người khác lâm vào tình cảnh nguy hiểm. Ngụy (诡) lại đồng âm với chữ Quỷ (鬼) (cùng có âm đọc là “guǐ”), vì vậy Ngụy kế chính là Quỷ kế. Những kẻ ma quỷ và tà ác khi hại người thường dùng Ngụy kế (quỷ kế) là vì vậy. Những kẻ đa đoan ngụy kế thường có nội tâm hắc ám, tự tư tà ác, dễ nhập quỷ đạo, ma đạo, cuối cùng hại mình hại người. Bởi vậy, làm người thì cần thành thực, chính trực, thản đãng vô tư, lợi người lợi mình mới là chính Đạo.

(15) Chữ Dạng (样) Chính thể của chữ Dạng viết là 樣, có nghĩa chỉ về hình dạng, tiêu chuẩn, dạng bản. Kết cấu của nó được hợp thành từ ba chữ: Mộc (木), Dương (羊) và Vĩnh (永). Trong nguyên lý của Thái cực thì Mộc đại biểu cho Đạo, cũng chính là Chân (真), mà chữ Dương lại thông với chữ Tường (祥), chính là Thiện (善), Vĩnh (永) lại đại biểu cho sự vĩnh hằng bất biến. Cũng chính là nói rằng: Dạng chính là tiêu chuẩn, là pháp tắc, là hình mẫu (tấm gương), sẽ không tùy theo biến hóa của thời không mà biến hóa. Đối với con người mà nói, muốn sống cho tốt thì không chỉ là chăm chăm nhắm vào việc đoạt lợi ích cho chính mình mà điều đầu tiên cần phải làm là cần khiến cho đạo đức và sự tu dưỡng của bản thân mình phù hợp với tiêu chuẩn của Chân và Thiện, đây mới là Thánh nhân, mới là một “hình mẫu tốt”.

(16) Chữ Tôn (尊) Hàm nghĩa của chữ Tôn là chỉ sự cao quý, tôn trọng, cũng dùng để chỉ người có địa vị và chức phận cao. Trong Hán văn cổ đại, thì chữ Tôn cũng được giải thích với nghĩa là chiếc cốc đựng rượu. Kết cấu của nó gồm một chữ Tù (酋) thêm vào một chữ Thốn (寸), chữ Tù là chỉ chức quan trưởng quản trông coi việc nấu rượu, ngoài ra còn có nghĩa chỉ về sự xa xưa hoặc sự thành thục. Chữ Thốn trong Hán cổ đại diện cho pháp tắc, quy ước. Vì vậy nói rằng: người trưởng quản pháp tắc chính là Tôn. Cũng có thể nói chỉ những người thành thục lý tính, trong tâm có pháp tắc, hành sự có ước chế mới thực sự là người cao quý chân chính, mới được người khác tôn trọng. Những kẻ vô pháp vô thiên, tùy tiện cuồng vọng thì không đáng được tôn trọng, cũng chẳng có chút tôn nghiêm nào có thể nói đến.

(17) Chữ Cải (改) Hàm nghĩa của chữ Cải là cải biến, tu chính, gồm hai bộ ghép thành: đó là bộ Kỷ (己) và bộ Phốc (攴), Phốc có nghĩa là gõ, đập, diễn nghĩa thành thúc giục, đôn đốc. Nghĩa của chữ Kỷ (己) chính là nói rằng cần cải biến chính là bản thân mình. Con người chỉ có thể cải biến chính mình, rất khó để cải biến người khác. Trong “Dị truyền” có viết: người quân tử khi thấy việc thiện thì sẽ chuyển biến, có lỗi lầm thì sẽ lập tức sửa đổi.

(18) Chữ Quý (贵) Hàm nghĩa của chữ Quý là chỉ vật có giá trị cao, địa vị cao hoặc chất lượng cao. Kết cấu của nó gồm có ba bộ ghép thành, đó là bộ Trung (中), bộ Nhất (一) và bộ Bối – tiền tài (贝), từ kết cấu mà nói thì “cư Trung, thủ Nhất, trưởng Bối” vi Quý. Trong đó, “cư Trung” có nghĩa là chỉ địa vị người làm quan, “thủ Nhất” là kiến thủ chính Đạo, kiên định nguyên tắc, “trưởng Bối” chính là trưởng quản và sở hữu tiền tài. Trong thế đạo hôm nay, bất luận là người của giai tầng nào thì đa số đều không thủ chính đạo, không trọng quy tắc, bởi vậy đều là những người “phi Quý”, dù có địa vị và tiền bạc đến mấy thì người đó cũng chỉ là “tiện nhân” mà thôi.

Từ việc phân tích các Hán tự bên trên chúng ta thấy rằng, văn hóa Thần truyền quy phạm mọi phương diện của xã hội nhân loại, từ quy phạm làm người của Nho gia, đạo nghĩa vợ chồng, mục đích của việc giáo dục cho đến làm quan chấp chính v.v… đều có những yêu cầu rất rõ ràng, đó là phải phù hợp với đạo của vũ trụ được thể hiện tại nhân gian. Xã hội nhân loại nếu muốn vĩnh hằng dài lâu, đời sống con người muốn trở nên cao quý lại có tôn nghiêm thì trong tâm tưởng con người đều cần thời thời khắc khắc bảo tồn chính Đạo.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/259206



Ngày đăng: 21-01-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.