Đạo của chữ Hán (4)



Tác giả: Chiếu Viễn

[Chanhkien.org]

3. Đạo lý về cầu học và ngộ đạo

Chiểu theo lý luận của Đạo gia, con người đến với thế gian không phải để làm người mà là để phản bổn quy chân, “Phục quy vu vô cực” (Chương 28 trong Đạo Đức Kinh). Cầu học ngộ đạo như thế nào, trong Hán tự đều có đáp án.

1. Chữ Trí (智)

Kết cấu của chữ Trí (智) gồm có chữ Tri (知) ở bên trên và chữ Nhật (日) ở bên dưới; Trí có nghĩa là không gì là không biết, điều gì cũng minh bạch. Nếu như xuất phát từ kết cấu của Hán tự này mà xét, thì “Nhật Tri” (日知) chi vị Trí – có hàm nghĩa là mỗi ngày đều cần thu thập tri thức, minh bạch đạo lý, kiên trì không buông lơi thì tất thành Trí giả.

2. Chữ Huệ (慧)

Hàm nghĩa của Huệ (慧) là thông minh, có tài trí. Đây là một chữ hình thanh kiêm hội ý, kết cấu gồm chữ Tuệ (彗) và chữ Tâm (心), Tuệ chính là cái chổi dùng để quét dọn rác rưởi và bụi bặm, Tâm chính là nhân tâm, phàm là chỉ các chủng dục vọng chấp trước. Con người sống không có trí huệ chính là bởi vì tâm bị bụi trần che mờ, là cần thời thời khắc khắc “quét dọn”. Vậy nên từ kết cấu của chữ này có thể nói rằng, trí huệ của con người là đến từ việc không ngừng thanh trừ các chủng nhân tâm của chính mình chứ không phải là tăng thêm hoặc gia cường cho chúng. Lão tử có câu rằng: Vị học nhật ích, vị Đạo nhật tổn. “Tổn thất” của người cầu Đạo chính là nhân tâm của chính mình, như vậy mới có thể sản sinh trí huệ chân chính. Hơn nữa Huệ (慧) và Hội (会) là hai chữ đồng âm (đều có cùng một âm đọc là “huì”), có nghĩa rằng nếu thường xuyên Huệ 慧 – quét dọn thì nhất định sẽ có Hội 会 – thu hoạch, biết được.

3. Chữ Học (学)

Chính thể của chữ Học được viết là: 學 , còn có một cách viết khác là 斆 . Phía trên của chữ Học là một chữ Hào (爻) , vốn là chỉ quẻ Hào trong Chu Dịch, cổ nhân cũng giải thích thành Hiệu: có ý là bắt chước, noi theo, cũng có thể diễn nghĩa thành Đạo: văn chương, đạo lý, nếu như phía trên lại thêm lên kết cấu hai bên thì sẽ giống với hình ảnh như hai bàn tay đang nâng sách lên (nhìn ký tự 𦥯). Chữ Tử (子) bên dưới là có ý chỉ việc học phải bắt đầu từ khi còn là một đứa trẻ, cũng là chỉ việc học cần phải nhân lúc còn trẻ. Lại nói chữ Tử (子) và chữ Phốc (攵) bên phải kết hợp lại sẽ thành chữ Tư (孜) có nghĩa là cần cù, siêng năng, cẩn thận mà không lười biếng, buông lơi. Trong Thuyết văn giải tự có giải thích như sau về từ Học: giác ngộ dã. Cũng nói là học tập là bảo chứng và sự đảm bảo cho giác ngộ, muốn đạt được giác ngộ thì nhất định phải cần mẫn học tập, chăm chỉ nỗ lực, không được buông lơi, hời hợt.

4. Chữ Điển (典)

Hàm nghĩa của Điển là dùng để chỉ tiêu chuẩn và pháp tắc, cũng chỉ những thư tịch mà có thể làm tiêu chuẩn hoặc pháp tắc. Chữ Điển trong Hán tự cổ đại vốn là chỉ thư tịch (kinh sách) của Ngũ Đế, sự chỉ dạy của bậc thánh hiền giác giả cũng gọi là Điển. Trong “Nhĩ Nha Thích Ngôn” Điển được giải thích là Kinh. Trong Thuyết văn giải tự nhận định rằng Điển (典) được tạo thành từ chữ 冊 (册)và chữ 丌, 冊 chính là thư tịch, 丌 nguyên là chỉ tấm đệm lót đồ vật, từ đó diễn nghĩa thành thùng sách, giá sách, hình tượng của chữ này biểu thị rằng cần quý trọng thư tịch, kinh sách, việc này cần được xem trọng. Chữ Điển (典) lại đồng âm với chữ Điên (巅) – chỉ đỉnh, chóp, ngọn, từ đó có thể giải thích rằng: tiêu chuẩn và sự giáo dục cao nhất chính là kinh điển. Bất luận là làm người hay tu Đạo thì đều cần dựa vào tiêu chuẩn cao nhất mà yêu cầu bản thân, như vậy mới không phụ tấm lòng dạy dỗ của bậc thánh hiền giác giả.

5. Chữ Định (定)

Kết cấu của chữ Định (定) là một chữ Miên (宀) kết hợp với một chữ Chính (正), nghĩa bản nguyên của nó chỉ là sự an tĩnh. Chữ Miên này trong tiếng Hán cổ cũng là một Hán tự độc lập, âm đọc của nó là “mián”, chỉ về những kiến trúc nhà cửa có mái che, cũng có thể hiểu là nhà, là phòng. Bộ phận bên dưới là biến thể của chữ Chính (正). Như thế nào là Chính, thứ nhất là tâm cần đoan chính, thứ hai là tư thế cần đoan chính. Nếu như tiếp tục giảng sâu hơn thì “Chỉ vu Nhất” vi Chính (“止于 一” 为正) – chữ Chỉ (止) và chữ Nhất (一) kết hợp lại thành chữ Chính (正), Chỉ (止) chính là đến, đạt đến, Nhất (一) có nghĩa là Đạo. Vì vậy, nếu như đứng trên kết cấu của chữ này mà nói thì có thể diễn giải rằng: an tĩnh ở bên trong phòng, sau đó để tâm thái của mình hợp nhất với Đạo, đây chính là “Định” (定). Bởi vì, khi hợp nhất với Đạo rồi thì lúc này chính là trạng thái tri Đạo, đắc Đạo, vì vậy cổ nhân nói rằng Định có thể sinh Huệ, chính là có ý như vậy.

6. Chữ Bút (笔)

Chính thể của chữa Bút được viết là: “筆”, chỉ công cụ dùng để viết hoặc vẽ, cũng dùng để chỉ sự ghi chép. Kết cấu của chữ này gồm có bộ Trúc (竹) và bộ Duật (聿). “Duật” (聿) là chữ gốc của chữ Bút, trên chữ tiểu triện là miêu tả đôi tay đang cầm bút. Vào thời cổ đại, thân bút lông đều được làm bằng trúc, vậy nên trong chữ Bút là có bộ Trúc đi cùng. Xét trên một phương diện khác, kết cấu của chữ Bút (筆) có thể nói là do ba bộ phận hợp thành, lần lượt là bộ Trúc (竹), bộ Duật (𦘒), bộ Nhất (一). “Trúc” (竹) là chỉ nguyên liệu chế tác nên bút, “Duật” (聿) là chỉ kỹ thuật tay, kỹ thuật viết chữ; còn Nhất (一) chính là Đạo. Cũng là nói rằng, dùng bút viết chữ, sáng tác văn chương là để thể hiện ra Đạo, nguyên tắc của nó cũng chính là Đạo. Ngược lại, người đại lục hôm nay dùng chữ “笔” , là có bộ “Trúc” (竹) và bộ “Mao” (毛) hợp thành, ngoài việc chỉ có thể biểu đạt kết cấu của một cây bút ra (gồm có thân là trúc và phần lông dùng làm ngòi) thì chữ “笔” này còn có hàm chứa một ý nghĩa khác: đó là ngày nay, đại bộ phận những gì mà người dân đại lục viết ra đều phải nằm trong cái khung chật kín của hệ tư tưởng Mao Trạch Đông, bao gồm cả sách giáo khoa trong trường học, bất luận là môn tự nhiên hay môn xã hội đều phải nằm trong khung thước của tư tưởng Mao, căn bản là không suy xét đến việc đây có phải là Đạo hay không, vì vậy nên đã rời xa chính Đạo mất rồi.

7. Chữ “Sử” (史)

Trong Thuyết văn giải tự có giải thích: Sử 史 là người ghi lại sự việc, kết cấu của nó gồm có bộ Hựu (又) và bộ Trung (中), Trung có nghĩa là chính, nghiêm chính. Chữ Hựu (又) là chỉ về tay (bàn tay). Chữ Sử đồng âm với chữ Thực (实), chữ Sự (事), chữ Thị (是) (đều đọc là “shì”). Cũng là nói rằng, lịch sử là do con người viết ra, dùng để ghi lại những sự việc trọng đại, nhưng cần đảm bảo được lập trường khách quan, trung chính, phải thực sự cầu thị, không được mang theo tư tâm hay vì duy hộ lợi ích của cá nhân hoặc một đoàn thể nào đó mà viết ra. Tuy nhiên, sách giáo khoa của chúng ta hôm nay đa phần đã không còn đảm bảo được yêu cầu này.

8. Chữ Ý (意)

Kết cấu của chữ Ý (意) là một chữ âm (音) và một chữ Tâm (心), “Tâm âm (âm thanh của trái tim) vi Ý” (“心音”(心声)为意), chỉ tâm ý của con người; đồng thời chữ Ý còn có thể được phân tách ra thành chữ Lập (立), chữ Nhật (日) và chữ Tâm (心). Chữ Lập biểu thị đỉnh thiên lập địa, chữ Nhật biểu thị chính đại quang minh, chữ Tâm dùng để chỉ suy nghĩ của nội tâm. Chúng ta thấy trong các tác phẩm điện ảnh, hoạt động nội tâm của nhân vật có lúc cũng được dùng phương thức thuyết minh để biểu lộ ra ngoài cho người xem được thấy, kỳ thực từng ý từng niệm và tất cả suy nghĩ của chúng ta, không chỉ có tồn tại hình tượng mà còn có cả tồn tại âm thanh, khi niệm đầu của bạn vừa phát xuất ra xong thì những sinh mệnh cao cấp lập tức liền nhìn thấy, đồng thời cũng nghe thấy, chính là nói tất cả tư tưởng và niệm đầu của chúng ta đều không có một chút riêng tư nào cả. Vì vậy làm người thì tâm nên ngay chính, nội tâm cần quang minh.

9. Chữ Tư (思)

Chữ Tư, ngoài nghĩa mà mọi người vẫn thường lý giải được trong tiếng Hán hiện đại thì trong tiếng Hán cổ chữ Tư còn có một hàm nghĩa khác. “Tư viết dung, ngôn tâm chi sở hư, vô bất bao dã.” – trích trong “Thượng thư hồng phạm”. Dựa trên nguyên tắc tạo chữ mà xét, chữ Tư là một chữ hội ý kiêm hình thanh, gồm có hai bộ là chữ Tâm (心) và chữ Tín (囟), Tín dùng để chỉ âm đọc. Tín là chỉ bộ não. Cổ nhân cho rằng tư tưởng là do tâm và não bộ hợp tác mà sản sinh. Bổn nghĩa của Tư (思) là suy xét, nghĩ, cân nhắc.

Nếu như nhìn từ một góc độ cao hơn, Tư (思) và Tư (私- tư tâm) là đồng âm (cùng được đọc là “sì”). Bởi vì Hán tự có một đặc điểm gọi là: đồng âm đồng nguyên. Những chữ đồng âm với nhau có tác dụng: dẫn giải, thay thế, bổ sung, giải thích hoặc tương phản để làm nổi bật cho nhau. Bởi vậy vốn dĩ “tư tưởng” (思想) chính là “tư tưởng” (私想) – tính toán những điều tư lợi cho bản thân, cũng chính là đang “tưởng tư” (想私) – nghĩ tưởng điều riêng tư. Ngoại trừ Thánh nhân giác giả, thì những nhà tư tưởng trong xã hội nhân loại đại đa số đều là những nhà “tư tưởng gia” (私想家) – những người nghĩ tưởng những điều riêng của bản thân mình, không có quá nhiều giá trị nhận thức.

(10) Chữ Tưởng (想)

Trong tiếng Hán hiện đại, Tưởng có nghĩa là tư duy, hoài niệm, niệm đầu, suy đoán, hy vọng,v.v.. Tưởng là chữ tượng thanh, cấu thành từ hai chữ Tượng (相) và Tâm (心). Đây là một chữ hình thanh kiêm hội ý. Trong đó Tâm là để chỉ nhân tâm, hàm nghĩa của Tượng là để chỉ dung mạo, dáng vẻ, hình tượng v.v…Từ kết cấu của chữ này mà nói, tâm chi tướng vi tưởng (心之相为想). Cũng là nói tất cả tư tưởng niệm đầu của con người đều là có hình tượng, cũng đều là sống, trên cảnh giới cao tầng mà nhìn thì “nghĩ điều gì” chính là “điều gì đang suy nghĩ”, vì vậy con người hễ động niệm thì những sinh mệnh bên kia sẽ đều nhìn thấy, hơn nữa những tư tưởng và niệm đầu này đều không phải là suy nghĩ chân chính của bản thân, điều này cũng chính là nguyên nhân giải thích cho việc những ý nghĩa xấu của con người dễ bị tà ma dùi vào mà thao túng người đó phạm tội, làm việc xấu. Bởi vậy Đạo gia mới giảng: thanh tĩnh vô vi. Trong Dị Truyền cũng có giảng “Dị vô tư dã, vô vi dã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố”. Cũng là nói rằng: trí huệ trên cao tầng không phải là điều mà con người có thể tưởng tượng ra được mà là sau khi tĩnh tâm nhập định dùng tâm mà cảm ứng, cảm nhận ra được. Đồng thời chữ Tưởng (想) còn đồng âm với chữ Hưởng (响 – Hưởng là âm hưởng, tiếng động), tư tưởng của con người ngoài tồn tại hình tượng còn có cả âm thanh, giống như tiếng thuyết minh trong điện ảnh vậy. Bởi vậy cổ nhân mới có câu: nhân sinh nhất niệm, thiên địa tất tận tri. Người trên thế gian, không ai là có bí mật cả.

(11) Chữ Ngộ (悟)

Kết cấu của chữ Ngộ là một chữ Tâm đứng (忄) thêm vào một chữ Ngô (吾), Tâm đại biểu cho nhân tâm, đối với người tu luyện mà nói thì là chỉ vấn đề tâm tính, Ngô là chỉ bản thân mình. Bổn nghĩa của từ Ngộ có nghĩa là minh bạch, hiểu, thức tỉnh. Từ kết cấu của chữ Ngộ này mà xét thì khi gặp phải sự việc gì đầu tiên cần phải tìm vấn đề tâm tính ở bản thân mình mới là ngộ tính cao. Bởi vì khi chúng ta gặp phải bất kỳ phiền phức hay vấn đề gì thì trên bản chất mà nói đều là có quan hệ đối với tâm tính của tự thân chúng ta, vì vậy muốn thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn đó thì nhất định cần phải tìm nguyên nhân từ tâm tính của chính mình, có câu nói rằng “Cảnh tùy tâm chuyển” chính là có ý nghĩa như vậy.

(12) Chữ Thủ (守)

Kết cấu của chữ Thủ (守) là một chữ Miên (宀) thêm một chữ Thốn (寸), bổn nghĩa của nó là bảo hộ, trông nom, bảo trì. Trong Thuyết văn giải tự có giải thích: Thủ cũng giống như Thủ quan, bộ Miên (宀) có nghĩa là quan phủ, bộ Thốn (寸) có nghĩa là pháp tắc, pháp luật. Nghĩa của chữ Thủ có nghĩa là con người cần tuân thủ pháp luật, không thể làm xằng bậy. Hơn nữa đối với người tu luyện mà nói, thì lời giáo huấn của giác giả, thượng sư chính là chuẩn mực. Vào bất cứ thời điểm nào và ở bất cứ đâu đều có thể tuân thủ theo lời giáo huấn của Thượng sư thì sẽ giữ vững được chính mình.

(13) Chữ Đức (德)

Kết cấu của chữ Đức là gồm một chữ Xích (彳) và một chữ 㥁 ghép lại với nhau, chữ 㥁 là dùng để chỉ thanh đọc. Chữ Xích là có liên quan đến việc đi lại, có thể dẫn nghĩa ra là để chỉ hành vi, cách thức tiến hành sự việc. Chữ 㥁 còn có thể viết như 悳、惪, kết cấu của chữ 㥁 là gồm 4 chữ ghép lại với nhau: Thập (十), Mục (目), Nhất (一), Tâm (心). Trong đó Thập Mục là chỉ mọi người, còn Nhất Tâm là dùng để chỉ sự nhất trí, cũng có thể lý giải là dùng để chỉ thiện tâm và chân tâm. Bởi vậy trong Thuyết văn giải tự mới nhìn nhận rằng, chữ Đức (德) có nghĩa là bên ngoài thì đắc được lòng người, bên trong thì đắc được bản thân mình. Cũng chính là nói rằng vừa đáp ứng được sở nguyện của đại chúng, lại vừa phù hợp với yêu cầu về phẩm chất bản tính của chính mình thì được gọi là Đức. Vì vậy chúng ta mới nói rằng: dĩ Đức phục nhân (dựa vào Đức mà thu phục lòng người), Đức cao vọng trọng. Đồng thời, chữ Đức (德) còn đồng âm với chữ Đắc (得), có Đức thì mới có sở Đắc, có phúc phận, vô Đức thì vô sở Đắc, không có phúc phận. Một con người có bao nhiêu Đức thì có bấy nhiêu phúc phận, bởi thế cổ nhân mới có câu: “Thiên hạ duy hữu đức giả cư chi” (trong thiên hạ chỉ có người có Đức mới được sinh sống, cư trú). Trong Hán ngữ cổ đại, chữ Đức còn có hàm nghĩa là thăng lên, thăng chính là đề thăng, vì Đức là phù hợp với Thiên đạo, bởi thế cho nên người có Đức lớn thì sẽ dễ dàng đề cao cảnh giới của bản thân, trong giới tu luyện nhìn nhận rằng đây là người có căn cơ tốt.

(14) Chữ Bổn (本)

Hàm nghĩa của chữ Bổn là chỉ rễ của cây cỏ. Thuyết văn giải tự viết: mộc hạ viết bổn – 木下曰本 (chỗ cuối cùng của thảo mộc, bộ rễ thì viết thành bổn). Ngoài ra Bổn còn có nghĩa là sơ khởi, nguyên lai, căn nguyên, kết cấu gồm chữ Mục (本) và chữ Nhất (一). Trong học thuyết ngũ hành, Mộc chủ sinh, vì vậy chữ Bổn này ngoài ra còn đại biểu cho sinh mệnh, chúng sinh. Mà nghĩa của Nhất (一) chính là chỉ Đạo. Thuyết văn giải tự có viết: duy sơ thái thủy, Đạo lập vu nhất, tạo phân thiên địa, hóa thành vạn vật. Vì vậy từ kết cấu của chữ Bổn có thể nói, bản nguyên của sinh mệnh chính là Đạo, Đạo chính là gốc của vạn vật. Đối với người tu Đạo mà nói, nếu như nội tâm xa rời Đạo, chính là đã quên mất Bổn. Kỳ thực chính sinh trong thế tục ai ai cũng đều như vậy.

(15) Chữ Thuật (术)

Chính thể của chữ Thuật được viết là: 術 , hàm nghĩa là dùng để chỉ kỹ năng, kỹ nghệ, phương pháp, sách lược, v.v.. Kết cấu của nó được hợp thành từ ba bộ: bộ Xích (彳), bộ Thuật (术) và bộ Xúc (亍). Trong đó chữ Xích và chữ Xúc có nghĩa chỉ hai bên chân trong tư thế bước đi, bước chân trái viết thành Xích (彳), còn bước chân phải viết thành Xúc (亍), cả hai hợp lại ghép thành chữ Hành (行). Chữ Hành (行) có nghĩa là cần nhi hành chi, chăm chỉ luyện tập, lại có nghĩa chỉ sự thông suốt không trở ngại. Mà kết cấu của chữ Thuật (术) là bên trên chữ Mộc (木) viết một dấu chấm. Trong nguyên lý Thái cực, Mộc là chỉ về Đạo, trong thể hiện căn bản của Đạo thì dấm chấm chính là biểu hiện của Thuật (术), sở dĩ Đạo thuật (Pháp thuật) chính là có ý này. Trong xã hội nhân loại, kỹ năng và hình thức tồn tại của các ngành nghề đều là Thuật (术), ví như nghệ thuật, võ thuật, số thuật, y thuật, toán thuật, phương thuật cho đến các lĩnh vực khác như kiến trúc, nấu ăn, nuôi trồng v.v.. Phương pháp, sách lược chính là tâm thuật, động tác chân tay chính là kỹ thuật. Vô luận là tâm thuật hay kỹ thuật đều là sự thể hiện của Đạo, hình thức biểu hiện của nó là kỹ năng sinh tồn của con người, đối với con người mà nói thì là không thể thiếu được, nhưng kỳ thực sự tồn tại của nó đều là để con người từ trong đó có thể ngộ Đạo tu Đạo. Thuật là dựa vào Đạo mà làm căn bản, Đạo lại dựa vào Thuật để biểu hiện ra. Không có Đạo cũng là không có Thuật, không có Thuật cũng khó để nhận thức được Đạo. Đạo cao bao nhiêu thì Thuật cao bấy nhiêu, Đạo là dựa vào Ngộ tính mà đắc được, người ngộ tính không cao thì Thuật sẽ không tinh thông.

(16) Chữ Lộ (路)

Kết cấu của chữ Lộ (路) là một chữ Túc (足) ghép với một chữ Các (各), bổn nghĩa của chữ này là chỉ Đạo, đồ (途) (con đường). Trong đó nghĩa của chữ Các (各) là chỉ sự đặc biệt, cá nhân, không giống nhau, Túc (足) lại có nghĩa là chỉ bàn chân. Bởi vậy từ kết cấu của chữ này mà xét thì con đường chính là ở dưới bước chân của mỗi người, không hề có một hình mẫu hay công thức nào đó, dù cho mọi người có cùng đi trên một con đường, cũng không thể có hai người mà bước chân của họ là hoàn toàn tương đồng. Đối với người tu Đạo mà nói, bởi vì nguyên lai của sinh mệnh là không giống nhau, cho nên nơi quy về của mỗi người cũng không giống nhau, vậy nên có thể biểu hiện của mỗi cá nhân là vô cùng khác biệt, tuy nhiên chỉ cần chiểu theo chính Đạo mà bước đi thì người đó nhất định sẽ không bị sai đường.

(17) Chữ Tự (寺)

Kết cấu của chữ tự là một chữ Thổ (土) kết hợp với một chữ Thốn (寸), Thốn (寸) có nghĩa là chỉ pháp luật, phép tắc. Cổ nhân cũng đem chữ Thốn (寸) lý giải thành chữ Thủ (守), Thủ Pháp vi Thốn ( 守法为寸 – nghĩa rằng pháp luật, phép tắc là nghiêm minh, có chuẩn tắc, thước đo). Ở thời cổ đại, Tự là tên chỉ nơi làm việc của các cơ quan nhà nước (công sở, công thự), ví dụ như: Đại Lý Tự (tương đương với pháp viện tối cao), Quan Lộc Tự (nhà ở của thị vệ và người hầu), Thái Thường Tự (nơi quản lý các việc lễ nhạc và thờ cúng trong tông miếu), Hồng Lư Tự (nơi quản lý việc ngoại giao, lễ nghĩa, v.v..), Thái Bộc Tự (nơi quản lý các việc liên quan đến xe và ngựa), v.v.. Sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, thì nơi tu luyện của người xuất gia cũng được gọi là Tự. Bất luận là tại nơi công sở hay là trong tự viện, thì đều là sự thể hiện của Pháp vũ trụ nơi nhân gian, bởi vậy trong văn hóa Thần truyền thì việc làm quan cũng là việc tu hành, cũng là để cho bộ phận những người như các bậc trung thần lương tướng có thể tu luyện, ai ai cũng đều như vậy. Nếu như đứng từ kết cấu của chữ này mà xét thì: Thốn thổ vi tự (寸土为寺) , thốn thổ chính là tấc lòng, là nhân tâm. Như vậy đối với bất kể người nào mà nói, thì chỉ cần trong tâm có tồn Pháp thì bất luận là thân tại nơi đâu cũng đều như trong tự viện, cũng đều là trong tu hành.

(18) Chữ Hý (戏)

Chữ Hý (戏) còn có một cách viết khác là: 戯 , Hư Qua vi Hý (虚戈为戏 – binh khí giả là hý), những vật dụng bày biện trên sân khấu đều là đạo cụ, đều là giả, đều là để diễn cho người khác xem. Đời người cũng như một vở kịch, nếu như mọi người đều biết rằng bản thân mình chính là diễn viên, tất cả mọi người đều đang trong một vở kịch, vậy thì sẽ chẳng có ai lại coi những sự tình phát sinh trong vở kịch này là sự thật cả, cũng chẳng có ai sẽ chấp trước vào các vai diễn khác là như thế nào, lại càng không tham luyến với những đạo cụ được bày đặt ra trong vở kịch đó, với những thứ vốn được coi như tiền tài, dù rằng là một món đồ trong tay mình đang cầm chắc nhưng cũng biết rằng đây không phải là của mình, đều là vì tình tiết trong vở kịch cần đến chứ không phải thực sự là bản thân mình cần đến. Vì thế tại sao cần coi những điều này là sự thật, cần gì tính toán lại cần gì mà phải vì nó mà phiền não đây?

Dựa trên những phân tích phía trên chúng ta thấy rằng, đối với nguyên tắc làm thế nào để nghiên cứu học vấn cho đến tu đạo, thì trong Hán tự Thần truyền đều có những khải thị ở những tầng thứ khác nhau, hơn nữa lại hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của Đại Đạo. Từ trong đó mà thể ngộ đến việc trong quá trình học tập hay tu đạo của chúng ta hàng ngày, có một điểm then chốt đó là cần chăm chỉ đọc sách, chăm chú thể hội hàm ý và yêu cầu trong mỗi một câu chữ, chú ý đến từng ý từng niệm của bản thân, kiên trì không buông lơi thì nhất định sẽ thành công.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/259205



Ngày đăng: 11-12-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.