Đạo của chữ Hán (3)



Tác giả: Chiếu Viễn

[Chanhkien.org]

2. Nhận thức đối với đại Đạo và sinh mệnh

Trong “Chu dịch – Hệ Từ Thượng” có câu: “Hình nhi thượng giả vị chi Đạo, hình nhi hạ giả vị chi khí”. Sở dĩ “Đạo” (道) chính là chỉ quy luật vô hình vô tướng của vũ trụ; sở dĩ của “Khí” (器) chính là chỉ vạn vật chúng sinh hữu hình hữu sắc. Dưới đây chúng ta sẽ thông qua việc phân tích những Hán tự bên dưới để lý giải nhận thức của văn hóa truyền thống trên hai phương diện “Đạo” và “Khí”.

(1) Chữ “Đạo” (道)

Bổn nghĩa của “Đạo” (道) là chỉ con đường, trong nguyên lý Thái Cực, Đạo chính là pháp tắc, quy luật của vũ trụ, là căn bản tạo thành thời không vũ trụ và vạn vật chúng sinh. Tất cả sự tồn tại đều là sự thể hiện của Đạo, tất cả tư tưởng quan niệm của chúng sinh cũng đều là sự thể hiện của Đạo trong các cảnh giới và tầng thứ khác nhau. Sở dĩ cách nói “đầu đầu thị Đạo” (rõ ràng đâu ra đấy) là có hàm nghĩa này. Từ kết cấu của chữ “Đạo” (道) mà xét thì chữ này gồm có hai bộ là bộ “thủ” (首) và bộ “sước” (辶) ghép lại. Chữ “thủ” (首) vốn có nghĩa là chỉ [cái] đầu, suy rộng ra là chỉ vương [chủ], chúng sinh trên mặt đất vốn dĩ là vương trên thiên thượng; chữ “sước” (辶) là chỉ con đường [phương pháp] hồi quy, quy chân (quy vị), từ đó kết hợp lại mà gọi là “Đạo” (道). Nếu như giải thích một cách cụ thể hơn thì hai [nét] chấm bên trên chữ “thủ” (首) chính là chỉ đôi mắt, chữ nhất (一) ở giữa đại biểu cho “nhất tâm nhất ý” (sự chuyên tâm, chuyên nhất); chữ “tự” (自) bên dưới đại biểu rằng phải dựa vào chính mình và chữ “sước” (辶) ở dưới cùng đại biểu cho sự tiến hành liền mạch, không dừng lại. Cũng là nói rằng, chỉ cần xác định rõ phương hướng, nhất tâm nhất niệm mà hành động thì cuối cùng nhất định sẽ đắc Đạo.

(2) Chữ “Sư” (师)

Chính thể của chữ “Sư” được viết là: 師. Cổ nhân cho rằng chữ “Sư” (師) là có liên hệ với chữ “đôi” (duī 垖), đôi có nghĩa là đồi đất, [đống] đất nhỏ, còn có liên hệ với chữ “táp” (zā 帀) có nghĩa là bao vây xung quanh; nhìn xung quanh đều là những đồi đất nhỏ, biểu thị số nhiều. Hàm ý chỉ thầy [cô] giáo, tiên sinh, người dạy học, cũng là chỉ mọi người, quân đội, v.v.. ngoài ra còn có nghĩa là noi theo, học tập. Nếu như đứng tại góc độ đại Đạo mà xét thì chữ “Sư” (師) vốn nên được giải thích theo chữ “nhất” (一) và chữ “soái” (帅). “Nhất” (一) là chỉ về Đạo, còn “soái” (帅) có nghĩa là “soát” (率) trong nghĩa thống lĩnh, dẫn đầu. Bởi vậy nên chính thể của chữ “sư” (師) nghĩa là: dựa vào người Đạo soái làm sư phụ [người dẫn đầu]. Cũng là nói rằng, phàm là sư giả (người làm thầy) thì đầu tiên [tiên quyết] nhất phải là người truyền Đạo, hiểu Đạo, đắc Đạo. Là người học trò, đệ tử thì tôn [trọng] thầy cũng chính là tôn [trọng] Đạo, [mà] trọng Đạo mới là chân chính tôn [trọng] sư phụ.

(3) Chữ “Thần” (神)

Kết cấu của chữ “Thần” (神) là chữ “thị” (示, chữ 礻 cũng được viết như 示 ) thêm vào với chữ “thân” (申). “Thị” (示) là biểu thị cho sự biến hóa của thiên tượng, cũng mang nghĩa là triển hiện, biểu hiện. Chữ “thân” (申) có nghĩa là dẫn Đạo, gợi mở, mở ra, cũng có thể lý giải thành diễn hóa hay sáng tạo. Đối với con người mà nói thì triển hiện và biểu hiện lớn nhất chính là thiên địa vạn vật và nhật – nguyệt – tinh – thời (mặt trời – mặt trăng – các vì tinh tú và thời thần). Bởi vậy người xưa cho rằng bậc “dẫn xuất” và tạo ra vạn vật chính là Thần. Đồng thời, lại vì con người là ở trong mê nên Thần không trực tiếp dùng diện mạo chân thực mà triển hiện cho con người thấy được, tuy nhiên sự tồn tại và sinh cơ bừng bừng của thiên địa vạn vật lại chính là sự biểu hiện của Thần lực. Con người đối với thiên địa vạn vật thì cần có tâm tôn trọng và hàm ân thì đó cũng chính là thể hiện sự kính ngưỡng đối với Thần.

(4) Chữ “Phật” (佛)

Kết cấu của chữ “Phật” là một chữ nhân đứng (亻) bên cạnh một chữ “phất” (弗 – trừ bỏ). Trong Phật giáo, người tu hành giác ngộ được gọi là Phật. Từ kết cấu của chữ “Phật” mà nói thì “phất nhân” (弗人) chính là Phật, là phất giả cũng là phi giả. Cũng là nói rằng, Phật chính là cần trừ sạch từ nhân tâm cho tới nhân tượng [hình dạng con người], chỉ cần vẫn còn giữ thân người thì dù cảnh giới cao đến đâu cũng không xứng đáng được gọi là Phật. Lấy một ví dụ: nếu như động vật có thể tu thành, thì cho dù động vật đó có tu đến cảnh giới của người, tuy nhiên nếu vẫn giữ hình dạng của động vật thì không thể nói đó là người được. Đạo lý ở đây cũng là đồng dạng như vậy.

(5) Chữ “Tăng” (僧)

Bổn nghĩa của chữ “Tăng” (僧) là chỉ người xuất gia tu hành trong Phật giáo. Kết cấu của nó là một chữ “nhân đứng” (亻) kết hợp với một chữ “tằng” (曾). Nghĩa của chữ “tằng” (曾) là từng [trải] qua, đã từng; vì vậy đứng trên kết cấu chữ mà xét thì “Tăng” (僧) có nghĩa là người đã từng là một người thường. Từ trên sinh mệnh cao tầng mà xét, thì người xuất gia bất kể là Phật gia hay Đạo gia, một khi bước ra khỏi người thường và trở thành một hành giả chuyên tu thì đã không còn là người thường nữa, một nửa của họ đã là Thần rồi. Bởi vậy yêu cầu đối với họ là rất cao. Đồng thời thân phận tăng nhân ấy cũng thời thời khắc khắc thức tỉnh bản thân người tu hành rằng mình đã không còn là người thường nữa, đối với tự thân phải có tiêu chuẩn thật cao.

(6) Chữ “Quỷ” (鬼)

Chữ “Quỷ” (鬼) được tổ thành từ ba chữ: chữ “phất” (甶), chữ “nhân” (人) và chữ “mỗ” (厶); trong đó nghĩa của từ “phất” chính là chỉ cái đầu của con ma, “mỗ” (厶) cũng có nghĩa là “tư” (私 – tư tâm, vị tư). Trong “Thuyết văn giải tự” có giải thích rằng: nhân chi sở quy vi quỷ. Bởi vậy, từ kết cấu của chữ “quỷ” mà nói, thì nếu như một người bề ngoài giống như hình tượng của quỷ (chỉ chữ “phất” – 甶), đồng thời nội tâm cũng giống như quỷ (chỉ chữ “mỗ” – 厶) thì tương lai người đó sẽ quy về quỷ đạo. Có những lúc tôi nhìn thấy những thanh thiếu niên có kiểu tóc dựng đứng lên, nội tâm thì đầy tư tâm ích kỷ, thực sự tôi rất lo lắng cho họ.

(7) Chữ “Ngoạn” (玩)

Kết cấu của chữ “ngoạn” (玩) là một chữ “ngọc” (玉) thêm vào một chữ “nguyên” (元). Nghĩa của từ này là trò chơi, sự thưởng thức, cũng có nghĩa là trêu đùa, bỡn cợt, coi thường. Từ kết cấu của chữ này mà xét, thì “ngọc” (玉) chính là chỉ đối tượng của sự chơi đùa, “nguyên” (元) chính là chỉ trạng thái sinh tồn tiên thiên, nguyên thủy của sinh mệnh. Bởi vì sinh mệnh trong cảnh giới cao tầng vốn là không có khổ và nạn, mọi thứ đều là phi thường hạnh phúc và đại tự tại, mà chúng sinh vốn dĩ là vương trên thiên thượng, cho nên nói rằng thiên tính của con người vốn là thích chơi đùa. Tuy nhiên, con người là ở trong ngũ hành, cũng giống như Tôn Ngộ Không bị trấn áp dưới núi Ngũ Hành Sơn, lúc này muốn “chơi đùa” thì đã không được nữa rồi. Hơn nữa con người khắp thân đều là tình và dục [vọng], chỉ cần ham chơi chính là sẽ trở nên buông thả, được chẳng bằng mất. Bởi vậy chỉ có trân quý thời gian, tu Đạo quy chân, cuối cùng đạt được trạng thái của vương thì mới đạt được hạnh phúc vĩnh hằng và đại tự tại, sau đó thì mới có thể lại “chơi đùa” một cách thoải mái. Hơn nữa, chữ “ngoạn” (玩) còn đồng âm với chữ “hoàn” (完 – kết thúc, hết), nên đối với con người mà xét, một khi ham chơi [bời] thì nhất định là sẽ phải kết thúc (完蛋 đi đứt, hỏng cả).

(8) Chữ “Tính” (性)

Kết cấu của chữ “tính” (性) là một chữ “tâm đứng” (忄) thêm một chữ “sinh” (生) bên cạnh. Tâm chính là chỉ tinh thần, còn “sinh” chính là chỉ sinh mệnh. Từ kết cấu của chữ này có thể thấy rằng, “tính” chính là chỉ đặc trưng tinh thần vốn có, vì vậy mới nói bản tính của con người là khó thay đổi. Đối với con người mà nói, bản tính mỗi người là khác nhau bởi vậy mới gọi là “cá tính”. Vậy thì bản tính của con người được tạo thành như thế nào? Trong “Trung Đường” có câu nói rằng: thiên mệnh chi vị tính. Thiên chính là chỉ Phật pháp, Đại Đạo, cũng là nói “tính” chính là đặc tính sinh mệnh sơ khai và nguyên thủy nhất mà Phật pháp (Đại Đạo) ban cho con người. “Tính” cũng còn được gọi là bản tính, chân tính hay thiên tính. Mà giới tính nam nữ của con người chỉ là đặc trưng của hậu thiên của nhục thân khi con người luân hồi tại nhân gian, điều này được đặt định dựa trên nguyện vọng và nhân duyên của người đó, hoàn toàn không có quan hệ gì với bổn tính [tiên thiên] của họ. Bởi vì, bản tính của tất cả sinh mệnh đều là do Phật pháp (Đại Đạo) ban cho vì vậy bản tính của chúng ta cũng chính là thể hiện của Phật pháp (Đại Đạo). Chúng sinh đều có Phật tính, đều có Đạo tâm vì vậy người xưa mới nói rằng: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Con người vốn dĩ trở nên không tốt là bởi vì tư tâm đã làm mê mờ mất bản tính, vậy thì quá trình không ngừng loại bỏ tư tâm tìm về bản tính chân thực của mình chính là quá trình ngộ Đạo đắc Đạo của một con người.

(9) Chữ “Nguyên” (元)

Bổn nghĩa của chữ “nguyên” (元) chính là chỉ [cái] đầu, to lớn, nguyên vẹn, v,v. có hàm nghĩa chỉ về sự khởi đầu, tiên thiên, cũng là chỉ nguyên thủ, thủ lĩnh v,v..Kết cấu của chữ này là một chữ “nhất” (一) kết hợp với một chữ “ngột” (兀). Nhất chính là chỉ về Đạo, cao mà bằng phẳng chính là chỉ “ngột” (兀). Đối với một sinh mệnh mà nói, sinh mệnh căn bản và cao nhất của sinh mệnh đó chính là nguyên thần, mà nguyên thần của con người thì rất gần với Đạo, bởi vì nguyên thần của con người chính là sự thể hiện của ý chí vô cực (Đạo); vì thế cho nên chúng sinh là bình đẳng, không to không nhỏ, không thiện không ác. Đối với con người mà nói, thì cảnh giới sản sinh ra nguyên thần của con người mới là cảnh giới cao nhất, trở về cảnh giới đó chính là [quá trình] phản bổn quy chân.

(10) Chữ “Quang” (光)

Trong thời cổ đại, chữ “quang” (光) được viết là: “灮”, tại đây có chữ “hỏa” (火) kết hợp với chữ “nhi” (儿), nhi chính là chỉ về người. Diễn nghĩa ra chính là: lửa trên thân người chính là quang. Xung quanh thân [thể] một người bình thường đều có sự tồn tại của ánh quang huy, tục ngữ có câu “Trên đầu người tốt ba thước [là] có [ánh] lửa (ánh quang huy)”. Ba thước ở đây là chỉ phạm vi trường sinh mệnh của một người; sinh mệnh cao tầng xem phạm vi của tam giới chính là [không gian] nơi ba thước này, bởi vậy mới có cách nói: trên đầu ba thước có thần linh. Hơn nữa, cho dù bản sự và năng lực của một người có [to] lớn đến đâu cũng không thể vượt ra ngoài ba thước này, vì vậy Tôn Ngộ Không mãi mãi cũng không thoát được ra ngoài bàn tay của Phật tổ. Cảnh giới của người tu luyện trong Đại Đạo càng cao thì ánh quang huy mà họ phát ra càng mãnh liệt, càng rực rỡ, thế nên những người ở gần họ hoặc có duyên phận với họ đều sẽ được thọ ích. Khi ánh quang huy của một người trở nên mờ tối (xám xịt) thường là lúc người đó [tâm tình] đang ảm đạm hoặc gặp chuyện xui xẻo. Khi tinh thần của một người đang ở vào trạng thái phấn chấn, toàn thân tràn đầy chính khí, chính là lúc ánh quang [huy] có thể chiếu rọi lên người khác, là lúc mà người này mãn nguyện nhất, là lúc thuận buồm xuôi gió, tâm tưởng sự thành.

(11) Chữ “Khư” (厶)

Trong tiếng Hán cổ đại âm đọc và hàm nghĩa của chữ “khư” (厶) hoàn toàn giống với chữ “tư” (私) ngày nay. Chúng ta hãy nhìn vào tượng hình của chữ “khư” (厶) chính là một hình tam giác. Đại bộ phận kết cấu khuôn mặt của động vật, đặc biệt là các loại cáo, chồn, nhím, rắn, chuột đều có hình tam giác. Ngày hôm nay, rất nhiều những người trẻ thích làm phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh khuôn mặt của mình thành hình chữ V, cũng chính là hình tam giác lộn ngược. Thực ra đây không phải là tướng mạo của một người có phúc phận mà chính lại là khuôn mặt khiến người ta bị giảm phúc phận. Chúng ta thường thấy hình tượng bà phù thủy trong các bộ phim nước ngoài chính là điển hình cho khuôn mặt chữ V này. Ngoài ra trong nhân tướng học, thì người có đôi mắt hình tam giác đa phần đều chỉ người nham hiểm thâm độc, tà ác tự tư. Chúng ta cũng biết rằng vào năm 1999, cơ quan hàng không vũ trụ của Mỹ đã chụp được hình ảnh các đám mây của trái đất hợp thành hình mặt quỷ, đôi mắt của [chiếc] mặt quỷ này chính là một đôi mắt có hình tam giác điển hình.

(12) Chữ “Đại” (大)

Kết cấu của chữ “Đại” (大) là một chữ “nhất” (一) thêm vào một chữ “nhân” (人). Trong tiếng Hán cổ đại, “nhất” là đại biểu cho Đạo, ví như trong “Thuyết văn giải tự” có giải thích rằng: nhất, sơ khởi của Đạo chính là nằm tại “nhất”, kiến lập thiên địa, hóa thành vạn vật. Trong “Hoài Nam Tử Thuyên Ngôn” có giải thích: nhất dã giả, vật vật chi bản dã (nhất là bổn nguyên của vạn vật). Trong cuốn “Lão tử” có viết: Thánh nhân bão nhất dĩ vi thiên hạ thức, đắc nhất nhi vạn sự bị (Bậc Thánh nhân lấy “nhất” làm phương thức của thiên hạ, đắc “nhất” mà có được mọi điều). Bởi thế cho nên, từ kết cấu của chữ “nhất” mà xét, thì người đắc Đạo chính là [người] “to lớn” nhất. Bởi vì người thường đều có tư tâm, chữ “tư” (私 – trong từ tư tâm 私心 ) có cùng âm đọc với chữ “tư” (丝 – trong từ “ty hào” 丝毫, có nghĩa là nhỏ bé, ít), cũng tức là tư tâm sẽ khiến con người ta trở nên nhỏ bé, tư tâm quá nặng thì là kẻ “tiểu nhân” (小人).

(13) Chữ “Pháp” (法)

Hàm nghĩa của chữ “Pháp” (法) vô cùng rộng lớn. Trong xã hội nhân loại, pháp trước tiên là chỉ về pháp luật, chế độ, pháp tắc. Còn có một tầng ý nghĩa nữa là chỉ về tiêu chuẩn, quy phạm hay Đạo lý để người ta noi theo và học tập v.v.. Từ cảnh giới cao mà xét, pháp chính là căn nguyên tạo ra thiên địa vũ trụ và vạn vật chúng sinh, là quy luật vận hành của thiên địa vũ trụ, đồng thời cũng là yêu cầu chung đối với sinh mệnh trong toàn thể vũ trụ. Phật gia gọi nó là Phật pháp, Đạo gia gọi đó là Đại Đạo. Chúng ta hãy cùng luận bàn về kết cấu của chữ “pháp” (法). Ba dấu chấm thủy “氵” thêm một chữ “khứ” (去) thì cấu thành chữ “pháp” (法) ; pháp giống như dòng nước chảy qua, nước có thể đem đến sinh cơ và tưới nhuần vạn vật, đồng thời có thể loại bỏ sự cấu bẩn, khiến cho những gì được nó đi qua sẽ trở nên tươi mới, mà lại công bình và công chính. Trong “Đạo Đức kinh” có viết: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh” (Bậc thượng thiện là như nước, nước thiện lợi đối với vạn vật mà không tranh giành). Pháp của vũ trụ đã tạo ra chúng sinh, làm lợi ích cho chúng sinh, tẩy tịnh chúng sinh và cứu độ chúng sinh. Chữ “pháp” (法) và chữ “phạt” (罚) là đồng âm. Người xưa cho rằng, pháp chính là hình phạt, là dùng để ngăn chặn cường bạo, là tiêu chuẩn để trừng phạt tội ác. “Pháp” (法) còn đồng âm với một từ “phạt” khác (伐); không phù hợp với pháp thì sẽ bị thảo phạt (đánh dẹp). Ngoài ra “Pháp” (法) còn đồng âm với từ “phát” (发) nghĩa rằng: chỉ cần phù hợp với Pháp thì nhất định sẽ hưng vượng phát đạt.

(14) Chữ “Chủ” (主)

Hàm nghĩa của chữ “chủ” (主) là quân, thượng, tông, tể v.v. người nắm giữ quyền lực tối cao và toàn bộ tài vật chính là “Chủ” (主). Kết cấu của chữ “Chủ” (主) là một chữ “chủ” (丶) và một chữ “vương” (王) ghép thành. “Chủ” (丶) có hàm nghĩa là chế định pháp luật, phân biệt vạn vật, là tiêu chuẩn xác định thị phi, xác định chủ ý v.v.. Chữ “vương” (王) chính là chỉ vị “nguyên thủ” thống nhất một quốc gia hay một thế giới. Vì vậy từ kết cấu của chữ “Chủ” (主) có thể nói, vị “chủ” (丶) ở trên “vương” (王) chính là “Chủ” (主), bậc phân phong cho các vị vương khác chính là Chủ, người thống lĩnh và chưởng quản các vị vương chính là Chủ, “vạn vương chi vương vi chủ” (Chủ là vương của vạn vương). Phép tắc của Chủ chính là pháp luật, ý đồ của Chủ chính là thiên ý, tất cả phúc phận và vinh diệu của các vị vương đều là do Chủ ban cho, điều Chủ muốn chính là quan trọng nhất. Đối với con người mà nói, không nắm giữ được Chủ ý (ý của Chủ vương) chính là trong tâm không có pháp tắc, trong tâm có phép tắc thì mới thuận tùng theo thiên ý, mới được thượng thiên bảo hộ và ban phúc.

(15) Chữ “Miếu” (庙)

Chính thể chữ “miếu” (庙) được viết là: “廟”. Trong tiếng Hán cổ đại chữ miếu và chữ “mạo” (貌) là tương thông với nhau. Bởi vì vào thời kỳ tôn giáo chưa được thành lập, những bức tượng trong miếu đều là hình tượng của tiên nhân, mục đích là để cho hậu nhân có thể nhớ được dung mạo của những vị tiên nhân trước đó mà tiến hành các nghi thức tế lễ. Cho nên trong “Thuyết văn giải tự” có giải thích từ “miếu” thành tôn kính dung mạo của tiên tổ. Trong các miếu thờ của cả ba tôn giáo Nho Thích Đạo, tượng của thánh hiền và giác giả chiếm phần lớn, mục đích là để cho người tu hành và thế nhân khởi lên sự thành kính và kính ngưỡng đối với lời giáo huấn của các vị giác giả thánh hiền, từ đó mà minh bạch ra ý nghĩa [chân chính] của sinh mệnh. Chữ “miếu” (庙) lại đồng âm với chữ “diệu” (妙), vì thế khi thế nhân ở trong miếu [thờ] thì có thể minh tỏ diệu lý, ngộ diệu Đạo. Chính thể của chữ “miếu” (廟) là có chữ “quảng” (广) và chữ “triều” (朝) hợp thành. Trong đó chữ “quảng” là tượng trưng cho điện đường, chữ “triều” là tượng trưng cho [hành động] lạy chầu, thờ phụng. Thế nhưng tự miếu ngày nay đang dần dần mất đi chức năng này, bởi vì những người xuất gia và hộ miếu (coi giữ tự miếu) ngày nay đã coi đây như một chức nghiệp, lợi dụng Thần – Phật – Bồ Tát và thánh hiền giác giả nhằm mục đích kiếm tiền. Những con người như vậy dưới cái nhìn của Thần Phật là có tội, kết cục của bọn họ nhất định là “bất diệu” (不妙 – không tốt, không linh diệu, ở đây là cách nói chơi chữ có liên quan đến từ “diệu” – 妙 giải thích bên trên).

Từ những Hán tự bên trên chúng ta thấy rằng, trong văn hóa Thần truyền thì nội hàm của những chữ như “Đạo” (道), “Thần” (神), “Chủ” (主), “Pháp” (法) v.v.. thật là bác đại tinh thâm, đã vượt xa khỏi phạm vi những điều vốn được luận thuật trong tất cả tôn giáo. Đồng thời nội hàm của những Hán tự khác được bàn đến cũng đã làm phong phú thêm nhận thức của chúng ta đối với các sinh mệnh trong các cảnh giới khác nhau. Mà những nhận thức này chỉ có những người tu Đạo chân chính trong những tầng thứ chân tu khác nhau mới có thể từng bước thể ngộ đến được. Chỉ cần dụng tâm tham ngộ, mỗi người đều sẽ có những nhận thức riêng của mình. Hay chăng đây cũng chính là biểu hiện cho nội hàm viên mãn vô lậu của Hán tự?

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/259204



Ngày đăng: 29-11-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.