Đạo của chữ Hán (2)



Tác giả: Chiếu Viễn

[Chanhkien.org]

3. Khải thị của chữ Hán

Dựa theo nguyên lý thái cực, thì tất cả Hán tự đều là một chỉnh thể viên mãn vô lậu. Chỉnh thể này bao hàm tất cả nội hàm về thiên địa vũ trụ, đối nhân xử thế cho đến các phương pháp tu luyện ngộ Đạo, v.v. Hơn nữa những nội hàm này chỉ có thể đứng trên cơ điểm [của người] tu luyện mới có thể liễu ngộ được tận tường. Sau đây, tôi xin phép đem một chút nhận thức nông cạn tại tầng thứ tu luyện hữu hạn của mình viết ra, hy vọng có thể khiến người đọc có những cảm ngộ sâu sắc hơn.

1. Nhận thức về thiên, địa, nhân.

Trong tác phẩm “Dị truyền – Tự quái” có viết: “Trước có thiên địa, sau có vạn vật; có vạn vật sau có nam nữ”. Con người sống giữa trời và đất, vấn đề đầu tiên cần suy ngẫm đó là mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, cho đến việc nguồn gốc của sinh mệnh là gì và sẽ đi về đâu, v.v. Mà câu trả lời cho những vấn đề này, vốn đã có sẵn trong Hán tự Thần truyền, ví dụ như những chữ Hán dưới đây.

(1) Chữ “Thiên” (天)

Kết cấu của chữ “Thiên” (天) là chữ “nhất” (一) và chữ “đại” (大) kết hợp lại với nhau. Trong “Thuyết văn giải tự” có giải thích: Thiên là đỉnh trên, là trí cao vô thượng. Chữ “Thiên” lấy nghĩa từ chữ nhất, chữ đại. Khi đứng trên kết cấu bề mặt của chữ có thể luận thuật rằng: đệ nhất đại (cái to lớn nhất) chính là “Thiên”. Lại đứng từ góc độ văn hóa Thần truyền mà xét, chữ “nhất” (一) có mang hàm nghĩa chỉ về Đạo, vậy nên có thể nói rằng: Đại Đạo (Sáng Thế Chủ) ấy chính là “Thiên”. Đạo chính là pháp tắc và quy luật của vũ trụ, nội hàm và ý chỉ của Đạo chính là Thiên ý. Đối với con người mà nói, thì thiên ý là điều không thể được làm trái, thuận Đạo mà hành chính là thuận theo thiên ý.

(2) Chữ “Địa” (地)

Kết cấu của chữ “địa” (地) có bộ “thổ” (土) kết hợp với chữ “dã” (也); “thổ” là thuộc tính của “đất” (地 – địa), còn “dã” (也) là trợ từ ngữ khí, cũng là muốn nói rằng bản chất của địa chính là “thổ”. Trong Hán tự cổ đại, “thiên địa” còn có hàm ý chỉ về thời không, “thiên” đại diện cho thời gian, “địa” đại diện cho không gian. Từ cảnh giới cao tầng mà nhìn, vạn vật chúng sinh và tất cả những gì tồn tại trong thế giới của chúng ta đều là thổ (đất), không khí là thổ, thân thể người là thổ cho đến ngũ hành “kim mộc thủy hỏa thổ” cũng đều là biểu hiện tột cùng của thổ. Trong cái nhìn của sinh mệnh cao tầng, con người [từ cõi cao] đến mặt đất cũng bằng như đang bị vùi trong đất (khi chữ “thổ” [土] ghép với chữ “lí” [里 – nghĩa là bên trong] sẽ tạo thành chữ “mai” [埋] – có nghĩa là chôn, vùi, che lấp). Vậy nên mới nói rằng, con người thời thời khắc khắc đều bị “vùi” trong mê, cái gì cũng không biết, hoàn toàn bị mê lạc tại nơi đây.

(3) Chữ “Đê” (低) – thấp, cúi xuống, hạ xuống

Trong tiếng Hán hiện đại, hàm nghĩa của chữ “đê” (低) là chỉ địa thế hoặc vị trí dưới mức tiêu chuẩn hoặc mức bình quân bình thường, đối nghĩa của nó là chữ “cao” (高 – cao lớn). “Đê” cũng được dùng với nghĩa chỉ về đẳng cấp thân phận hoặc địa vị ở thấp hơn. Ngoài ra, chữ “đê” còn có ý nghĩa là kéo xuống, làm trĩu xuống. Kết cấu của nó là một chữ “nhân” (亻) kết hợp với một chữ “để” (氐). Hàm nghĩa của chữ “để” (氐) là đến nơi (như chữ chí trong từ Bắc chí Nam), đạt đến. Dấu chấm (丶) dưới chữ “để” (氐) cũng có nghĩa chỉ chữ “nhất” (一), đại diện cho mặt đất. “Nhất” (一) lại có hàm ý chỉ về Đạo, ngụ ý của chữ muốn nói về Đạo [ở nơi] thấp nhất. Đồng âm (trong tiếng Hán) với chữ “đê” (低) có chữ “để” (底 – đáy) và chữ “địa” (地 – đất, mặt đất). Bởi thế cho nên, đứng trên kết cấu của chữ “đê” (低) mà nói thì con người khi đến trên mặt đất này, chính là đã đến tới tầng thấp nhất của sinh mệnh, cảnh giới của con người cũng là thấp nhất, cho nên trong khi xử sự thì cần khiêm nhường, từ tốn, thấp điệu, không có gì để mà kiêu ngạo cả.

(4) Chữ “Thị” (视)

Nghĩa gốc của chữ “thị” (视) là “chiêm” (瞻 – ngửa mặt lên nhìn – như chiêm tinh), là “khán” (看 – nhìn), chính thể của chữ “thị” (视) được viết thành: 視. Đây là một chữ hình thanh thanh kết hợp hội ý. Chữ “nhị” (二) bên trên chữ “thị” (示, chữ 礻còn được viết như 示 ) trong Hán cổ đại là thông với chữ thượng – “上” đại diện cho trời, ba nét bên dưới đại biểu cho “nhật” (日 – mặt trời), “nguyệt” (月 – mặt trăng), “tinh” (星 – vì sao, tinh cầu). Hàm nghĩa của chữ “thị” (示) trong Hán cổ là: Trời giáng thiên tượng cho thấy cát hung, triển hiện cho con người. Trong chữ “kiến” (見 – nhìn) có chữ “mục” (目) và chữ “nhi” (儿); mục là chỉ đôi mắt, nhi là chỉ người, [hình] ảnh nhập vào trong mắt thì là “kiến” (nhìn thấy). Vậy thì từ kết cấu của từ “thị” (視) có thể thấy rằng: việc thiên thượng triển hiện ra hình tượng vạn vật để con người nhìn thấy được thì chính là “thị” (視). Âm đọc của chữ này là “thị” (示), vậy nên trọng điểm của chữ này là nằm ở chữ “thị” (示); ý nói “thị” (示) tại tiên, “kiến” (見) tại hậu. Con người muốn nhìn thấy điều gì, muốn phát hiện ra điều gì không phải là dựa vào bản sự to nhỏ của con người mà ở tại việc thiên thượng muốn triển hiện cho con người điều gì, muốn để cho con người nhìn thấy điều gì. Cũng có thể nói rằng, điều mà đôi mắt thịt của con người nhìn được không phải là toàn bộ, điều còn chưa được phát hiện thì còn là vô cùng vô tận.

(5) Chữ “Nhân” (人)

Kết cấu của chữ “nhân” (人) là một nét phẩy (丿) kết hợp với một nét mác ( 乀 ) , tượng trưng cho một âm, một dương. Theo lý luận của âm dương, thì tinh thần thuộc về dương, vật chất thuộc về âm; tinh thần và nhục thân kết hợp lại thì thành người (nhân). Ngoài ra, một âm một dương ở đây còn để chỉ người nam và người nữ, “cô âm bất sinh, độc dương bất trưởng” (nếu chỉ dựa vào một yếu tố âm dương thì không thể có sự sinh trưởng của sự vật). Chữ “nhân” đồng âm với chữ “nhâm” (壬), trong học thuyết ngũ hành, nhâm là một trong mười thiên can (thập can) – đại diện cho nước trong biển lớn. Đồng thời chúng ta cũng nhìn thấy, kết cấu của chữ “hài” (孩 – đứa trẻ) là chữ “hợi” (亥) đứng cạnh chữ “tý” (子). Hợi và tý đều là hai trong số 12 địa chi, xét theo ngũ hành thì đều thuộc thủy. Bởi vậy mới nói rằng, bản chất của thân thể người chính là nước. Mà nước trong tiếng Trung có âm đọc là “thủy”, “thủy” (水) lại đồng âm với “thùy” (谁 – ai?), bởi thế con người là không biết bản nguyên sinh mệnh của mình là ai. Hơn nữa, “thủy” (水) còn đồng âm với “thụy” (睡 – giấc ngủ), cũng là nói con người chấp mê bất tỉnh. Mặc dù là như vậy, trong văn hóa truyền thống thì ba ngôi “Thiên – Địa – Nhân” được gọi là “tam tài”, thế nên trong không gian vật chất này thì con người là tôn quý nhất, con người là anh linh trong vạn vật.

(6) Chữ “Tử” (死)

Kết cấu của chữ “Tử” là chữ “ngạt” (歹) thêm vào chữ “chủy” (匕). Trong văn cổ của tiếng Hán, chữ “ngạt” được viết thành chữ “歺” (cũng đọc là “ngạt”), nghĩa của nó là [một nắm] xương tàn. Chữ “chủy” (匕) trong cổ văn chính là cách viết ngược của chữ “nhân” (人 – chỉ người), khi cốt [phần xương] [và] nhục [phần thịt] của một người phân ly cũng chính là nói người đó đã chết (tử). Chữ “ngạt” (歹) lại có nghĩa là bất hảo, bại hoại, ác. Con người vốn [phải] tử vong (chết đi) là vì trong sinh mệnh của con người có sự thúc đẩy của các nhân tố tà ác, bại hoại. Lão tử viết: “Cường lương (hoành hành bạo đạo, hành ác) giả bất đắc kỳ tử ” cũng là có nghĩa như vậy. Bản tính của con người là lương thiện; trong cảnh giới tiên thiên, sinh mệnh là vĩnh hằng (mãi mãi tồn tại). Nhưng trong nhân tính thì có thiện có ác; thiện thì chủ sinh, ác thì chủ “tử’ (bị diệt vong), bởi vậy nên con người là có sinh có tử. Người nào trọng đức trọng đạo, bỏ ác hành thiện thì mới vượt thoát ra khỏi sinh tử.

(7) Chữ “Tội” (罪)

Kết cấu của chữ “tội” là chữ “tứ” (四) kết hợp với chữ “phi” (非), nghĩa của nó phàm là chỉ những hành vi vi phạm pháp luật hoặc đạo đức. Trong văn hóa của Đạo gia, “tứ” trong ngũ hành thuộc kim, kim là chủ về “sát” (giết chóc). “Tứ” (四) lại đồng âm với “tư” (私), chữ “phi” (非) bên dưới là chỉ về sự sai lầm. Bởi vậy trong văn hóa Thần truyền mới nhìn nhận rằng, ngay khi có tư tâm mà phạm lỗi thì [đã] là có tội, chứ không chỉ là vi phạm pháp luật thì mới gọi là có tội.

Kết cấu của chữ “phạt” (罚) cũng như vậy, trên là chữ “tứ” (四) đại diện cho tư tâm và tội lỗi, bộ phận bên dưới biểu thị cho phương thức của sự trừng phạt: chữ “ngôn” (言) bên trái là biểu thị cho lời nói, sự phê bình, huấn giới, cảnh cáo, v.v. thuộc về sự trừng phạt trên lĩnh vực tư tưởng hoặc tinh thần; bộ đao đứng bên phải (刂) chính là biểu thị sự trừng phạt về thân thể, nhẹ thì dùng cực hình, nặng thì sẽ chém đầu.

(8). Chữ “Trừng”

Chữ “trừng” (惩) trong chữ chính thể được viết thành: 懲, có hàm nghĩa chỉ giới cấm, sự trừng phạt, cảnh cáo. Bộ “chinh” (征) chỉ âm, bộ “tâm” (心) chỉ nghĩa. Từ trên kết cấu mà nói, thì phía trên chữ “trừng” (懲) là chữ “chinh” (征), dưới là chữ “tâm”. Ý nghĩa của chữ “chinh” (征) là chinh phạt, chinh phục. Trong tiếng Hán cổ chữ chinh này cũng là tương thông với chữ “chính” (正), còn chữ “tâm” (心) là chỉ nhân tâm, tư tâm. Cũng là nói rằng, khi thượng thiên muốn trừng phạt ai, xử phạt ai thì mục đích thực sự vẫn là hướng vào nhân tâm người đó, để tiêu diệt hoặc chính lại tư tâm của họ, khiến họ vì thế mà [biết] chế ước tự thân không tái phạm, chứ không phải đơn thuần là chỉ vì để xử phạt hoặc hủy đi người đó. Đối với người tu luyện mà nói thì là để kịp thời tìm ra và loại bỏ đi những tư tâm và quan niệm của mình, nhanh chóng bỏ nó đi, cải biến nó để giảm thiểu những phiền phức hoặc khỏi bị trừng phạt. Đây chính là ngộ tính tốt. Chúng ta thường nói người ngộ tính cao thì thường ít phải chịu khổ cũng chính là có nguyên nhân như vậy.

(9) Chữ “Khách” (客)

Nghĩa của chữ khách là khách trong khách mời, người ở nơi khác đến, người ở nhờ hoặc là người lưu lạc từ nơi khác đến, v.v. Chữ khách cấu thành từ bộ miên (宀) và bộ các (各). Trong tiếng Hán cổ, bộ “miên” (宀) là chỉ những chỗ ở có mái che, từ đó diễn nghĩa thành nhà, phòng ở, nhà nghỉ, v.v. Chữ “các” (各) có nghĩa là bản thân, mỗi [một] người. Từ kết cấu của chữ này mà nói, thì mỗi người chúng ta bất luận là sinh sống ở nơi đâu, thậm chí sinh sống ở ngay trong nhà của mình thì cũng đều như một người từ nơi khác đến, là một vị khách, đều đang là những người tha hương sống trên đất khách, hơn nữa mỗi người đều có lai lịch của riêng mình. Vì sao lại lý giải như vậy? Bởi vì từ nguyên lý thái cực mà xét, trong thời không này của chúng ta, tất cả mọi thứ tồn tại bao gồm cả nhục thân của con người đều được cấu thành từ ngũ hành, mà tự kỷ chân chính của chúng ta (nguyên thần), lại không phải là ngũ hành, mà là chúng ta đến nơi ngũ hành này và làm khách ở nơi đây. Trong không gian của ngũ hành, thì “Ngũ hành” chính là chủ [nhân], tất cả sự vật đều phải chiểu theo quy luật vận động và phát triển của ngũ hành, trước nay chưa bao giờ phát triển theo nguyện vọng chủ quan của bất kỳ cá nhân nào. Chúng ta tuy rằng thân tại nơi đây nhưng chưa từng được làm chủ. Lại bởi vì khách phải thuận theo chủ, vậy nên Đạo gia mới giảng vô vi, giảng tùy kỳ tự nhiên. Lão tử có một câu nói: ta không dám làm chủ, chỉ là làm khách (Ngô bất cảm vi chủ nhi vi khách) (Trích “Lão tử” chương thứ 69), cũng là có ý đó.

(10) Chữ “Khốn” (困)

Kết cấu của chữ “khốn” là một chữ “mộc” (木) nằm bên trong một chữ “khẩu” (口), nguyên nghĩa là chỉ hoàn cảnh gian nan, tìm không ra lối thoát. Từ kết cấu chữ mà nói, chữ “khẩu” (口) bao bên ngoài là đại biểu cho bức tường bốn mặt hoặc khuôn khổ có sẵn, dẫn nhập sâu hơn chính là chỉ quan niệm cũ, phương cách cũ. Trong văn hóa truyền thống, “mộc” (木) vốn là chủ về sinh (sinh sôi, phát triển), cũng đại diện cho sự [duỗi] “căng ra” và phát triển lên. Nếu như “mộc” (木) bị giới hạn trong một phạm vi (cái khung) có sẵn (ý chỉ chữ khẩu 口) thì không còn đường sống và cũng khó có thể phát triển vươn ra ngoài, vì thế mà sẽ trở nên “khốn” khó. Trong “Quảng Nhã” giải thích chữ “khốn” (困) có nghĩa là “cùng” (穷 – cuối, hết). Trong “Dịch truyền” có viết: dịch cùng tất biến, biến tất thông, thông tất cửu. Chữ “biến” (变) ở đây có nghĩa là chỉ sự chuyển biến quan niệm, điều chỉnh tư duy. Cũng là nói rằng, khi chúng ta ở trong hoàn cảnh khó khăn, chỉ có cách nhanh chóng chuyển biến quan niệm mới có thể tìm ra lối thoát, mới có thể hanh thông lâu dài.

(11) Chữ “Tình” (情)

Kết cấu của chữ “tình” (情) gồm có ba chữ là “tâm” (心), “chủ” (主) và “nguyệt” (月). Tâm chính là nhân tâm hoặc tư tưởng quan niệm. Chủ là chủ đạo, là quan trọng nhất. Chữ “nguyệt” (月) trong cổ văn chỉ về thân thể (nhục thể). Kết hợp lại mà giải thích, thì bổn nghĩa của chữ “tình” chính là chỉ sự chấp trước và vướng mắc vào thân xác thịt của con người. Bởi vậy, định nghĩa của “tình” (情) trong “Thuyết văn giải tự” là: âm khí của con người có cái dục. Sở dĩ bản chất của tình cảm nam nữ chính là một loại dục vọng.

(12) Chữ “Tỉnh” (醒)

Nguyên nghĩa của chữ “tỉnh” (醒) là chỉ sau khi say rượu trở lại trạng thái bình thường, cũng có nghĩa là giác ngộ, minh bạch. Hàm nghĩa của chữ “túy” (醉) thì lại hoàn toàn ngược lại. Ở bên trái của hai chữ này đều có một chữ “dậu” (酉), chính là viết tắt của chữ “tửu” (酒 – rượu). Bên phải của chữ “tỉnh” (醒) là một chữ “tinh” (星), chữ “tinh” này lại được tổ thành từ một chữ “nhật” (日 – mặt trời, ban ngày) ghép với một chữ “sinh” (生) . Bên phải của chữ “túy” (醉) là một chữ “tuất” (卒). Cách viết của hai chữ này là có một thâm ý rằng: con người khi trong hồng trần mà tỉnh ngộ ra thì mới có thể lại nhìn thấy trời đất mới, đạt được một sinh mệnh mới; lại như chấp mê bất ngộ thì nhất định sẽ dẫn vào “tử lộ” (con đường chết). Chữ “tuất” (卒) cũng cùng nghĩa với chữ “vong” (亡 – chết, cái chết).

(13) Chữ “Sầu” (愁)

Kết cấu của chữ “sầu” (愁) là chữ “thu” (秋) thêm vào một chữ “tâm” (心). Trong Hán cổ cũng có khi được viết thành: “愀”. “Thu – tâm” (秋 – 心) là sầu, ưu lự, âu sầu. Căn cứ theo “Sử ký – Thái sử công tự thuật”: “Phu xuân sinh hạ trưởng, thu thâu đông tàng, thử thiên đạo chi đại kinh dã. Phất thuận tắc vô dĩ vi thiên hạ cang kỷ” (Mùa xuân là mùa sinh sản, mùa hạ tăng trưởng, mùa thu thu rút lại, mùa đông ẩn tàng, đó là quy luật vận hành của thiên nhiên, không thuận theo như thế thì không phải là quy luật của thiên hạ). Tư tưởng Đạo gia của Trung Quốc cổ đại cho rằng, mùa xuân thuộc mộc, chủ về sinh; mùa thu thuộc kim, chủ về sát. Vì vậy “thu thâu” (秋收) cũng là thu lại [sinh] mệnh của vạn vật, vì vậy vạn vật gặp phải mùa thu, thì trong tâm lo lắng, do vậy gọi “thu tâm” là “sầu”. Đồng thời chúng ta biết rằng, thời cổ đại xử quyết phạm nhân, cũng hầu hết là sau mùa thu mới trảm. Mà cho dù là thu hoạch hoa màu hay là xử quyết phạm nhân, thì đao và nông cụ đều là làm từ kim loại, mùa thu trong ngũ hành thuộc kim, có thể thấy được cái uy ở trong đó. Vạn vật nhìn thấy, trong tâm đều lo lắng. Còn trong 10 thiên can, Canh và Tân đều là thuộc kim trong ngũ hành, kim lại chủ sát Canh, Tân này lại đồng âm với từ canh tân (đổi mới), vũ trụ cần tịnh hóa, Thiên Địa cần canh tân, do vậy năm Canh Tý và Tân Sửu quả thật khiến người ta phải sầu vậy.

(14) Chữ “Tẩu” (走)

Trong tiếng Hán cổ, chữ “tẩu” (走) có nghĩa là chạy, còn có nghĩa là tách rời, rời đi. Trong xã hội hiện đại ngày nay cũng được dùng để chỉ người qua đời, ly thế. Kết cấu của chữ “tẩu” (走) bên trên có một chữ “thổ” (土), bên dưới là một chữ “chỉ” (止). Từ cảnh giới cao mà xét thì tất cả những gì tồn tại trong tam giới đều là đất (thổ); “chỉ” (止) là đình chỉ, tĩnh chỉ, bất động; bất động dưới đất, tĩnh chỉ dưới đất chính là “tẩu” (走). Trong quan niệm của một sinh mệnh cao cấp, thì khi một vị Thần từ cảnh giới của vị đó mà đến thế gian để làm người thì cũng bằng như đã bị vùi vào trong đất, sẽ chết tại nơi đây. Vậy nên Lão tử mới có một câu nói rằng: xuất sinh nhập tử. Đại ý là nói rằng: khi một con người được xuất sinh trong nhân gian thì cũng chính là lúc sinh mệnh tiên thiên của anh ta nhập tử (chết đi). Đối với con người mà nói, thì cái chết của một con người chính là nhục thân trở nên bị “bất động dưới đất”, nhập thổ vi an. Chữ “tẩu” (走) này còn một tầng ý nghĩa khác, đó là con người trong thế gian bất luận cho rằng bản thân có bản sự to lớn như thế nào, có thể chạy nhanh đến mức nào thì đối với sinh mệnh cao tầng mà nói thì đều là [đang] bị khống chế cho “bất động dưới đất”, về căn bản là không có động, cũng động không được.

Đối với con người mà nói, nếu muốn giải thoát ra khỏi cảnh giới này thì cần phải cải biến trạng thái “tĩnh chỉ” này, lập tức bắt đầu hành động, siêu việt khỏi không gian bị coi toàn là “đất” này thì mới có thể “tẩu” thoát ra ngoài được.

(15) Chữ “Phản” (返)

Nghĩa gốc của chữ “phản” (返) là hoàn trả lại, chỉ sự hồi quy, quay trở về nhà. Trong tiếng Hán cổ đại, chữ “phản” (返 – trở về) và chữ “phản” (反 – ngược lại) là có thể dùng thay thế cho nhau, trong “Đạo Đức Kinh” có viết: phản giả đạo chi động. Nghĩa trên bề mặt thì là ‘vật cực tất phản”. Ở tại một góc độ khác mà lý giải thì có nghĩa là khi đạo tâm của một người nảy nở thì sẽ xuất hiện suy nghĩ phản hồi về gia viên (ngôi nhà chân chính). Vậy thì làm thế nào mới có thể phản hồi về lại gia viên? Điểm quan trọng chính tại chữ “phản” (反 – ngược lại) nằm bên trong chữ “phản” (返 – trở về). Đó là khi tất cả nhân tâm dục vọng biểu lộ ra ngoài thì không nên thuận theo chúng, mà phải có hành động loại bỏ hoặc là đi ngược lại [phản lại] với chúng thì mới gọi là “phản” (反 – ngược lại), một mạch như thế thì được gọi là “phản” (返 – trở về). Bởi vậy mà Trương Tam Phong mới có một câu nói rằng: “Thuận tắc phàm, nghịch tắc tiên” (thuận theo thì là phàm nhân, còn đi ngược lại là tiên) cũng là có hàm ý như vậy.

Ở trên, khi nói về chữ “tình” (情) [tôi] liền liên tưởng đến các chữ đồng âm (trong tiếng Hán) là: “thanh” (青 – thanh niên, người trẻ), “khanh” (卿 – mình, anh chỉ tiếng gọi nhau), “thanh” (清 – lạnh, mát), “khinh” (轻 – nhẹ), “khánh” (庆 – mừng vui), v.v. Các cặp đôi tình nhân khi trẻ thường gọi nhau quấn quýt – anh anh em em (卿卿我我 – khanh khanh ngã ngã) , đối với người tu đạo mà nói, chỉ khi đem những điều đó thanh trừ đi hết thì mới có thể “khinh trang thượng trận” (mặc áo giáp nhẹ mà ra trận), nội tâm nhẹ nhõm (“khinh” 轻 – nhẹ), đó mới là sự việc đáng để chúc mừng (ý chỉ chữ “khánh” – 庆).

Đồng âm (trong tiếng Hán) của chữ “tỉnh” còn có chữ hành (行 – hành động, giỏi giang), chữ “hạnh” (幸 – hạnh phúc), chữ “hưng” (兴 – hưng thịnh, vui vẻ). Ngụ ý của điều này là muốn nói rằng thế nhân chỉ khi thức tỉnh mới được gọi là tài giỏi (能行), mới là may mắn (幸运), mới có thể hưng thịnh, và như thế mới đáng để vui mừng (高兴). Không tỉnh [lại] thì là không được (不行 – bất hành), sẽ [phải] bất hạnh (不幸), càng không nói đến chuyện được “hưng vượng phát đạt” (兴旺发达). Nếu như cứ một mực mê đắm thì sẽ trở thành “tội nhân” (罪人), vậy thì sẽ triệt để kết thúc. (Ở đây chữ “túy” – 醉 trong chữ “trầm túy” – 沉醉 , tạm dịch là “mê đắm” có âm đọc giống với chữ “tội” – 罪 trong chữ “tội nhân” – 罪人, âm Hán Việt của 2 chữ này tuy có khác nhau nhưng trong tiếng Hán đều được đọc là ‘zuì’).

Từ sự phân tích các Hán tự bên trên chúng ta ngộ ra rằng, con người sinh ra giữa trời và đất kỳ thực là đã đến [nơi] tầng thấp nhất của vũ trụ này, làm một vị khách trú [ngụ] tại nơi đây, cũng bằng như là bị chôn vùi trong đất và sẽ phải chết tại nơi này. Đây chính là phương thức trừng phạt “lưới mở một mặt” của Đạo [pháp] của vũ trụ đối với những sinh mệnh có tội. Chỉ cần con người ở đây thanh tỉnh trở lại, buông bỏ tất cả nhân tâm, bước ra khỏi ngũ hành thì mới có thể quay trở về gia viên tiên thiên của mình và trở thành sinh mệnh may mắn và hạnh phúc nhất [trong vũ trụ].

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/259203



Ngày đăng: 18-10-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.