Vén bức màn văn minh tiền sử: (Phần 13) Những di tích dưới đáy đại dương



[Vén bức màn văn minh tiền sử là cuốn sách viết về văn hóa tiền sử, và là một phần của loạt sách Chánh Kiến được chính thức xuất bản.]

CHƯƠNG 3: NHỮNG HUYỀN THOẠI VĨNH CỬU

3.1. Những tàn tích dưới đáy đại dương thách thức quan điểm về lịch sử loài người:

[Chanhkien.org]

Những nghiên cứu đã cho thấy hiện nay các nhà khoa học ước tính rằng trái đất đã được hình thành từ 4,6 tỷ năm trước. Các loài linh trưởng tiền-hominid đã không xuất hiện cho đến Kỷ Pleistocene, kỳ thứ tư của đại Tân Sinh (kỷ thứ ba), là thời kỳ Băng Hà, vào khoảng 1,8 triệu năm trước. Dựa trên các nghiên cứu hóa thạch, một số nhà khoa học tin rằng các hoạt động xã hội và văn hóa đã không xuất hiện cho đến thời kỳ Holocen, khoảng 12.000 năm trước, trong thời gian suy tàn và kết thúc của của kỷ Băng Hà cuối cùng. Vì thế, trong thời gian 7.000 năm tiếp theo, các nền văn hóa đã không phát triển nhiều và vẫn còn ở trong thời kỳ Đồ Đá. Những bản ghi chép về chữ viết và các ký hiệu đầu tiên xuất hiện khoảng 5.000 năm trước. Thời kỳ trước thời gian đó được gọi là thời kỳ Tiền Sử.

Tuy nhiên, trước sự bối rối của các nhà khoa học, ngày càng có nhiều di tích tiền sử được phát hiện dưới đáy đại dương đang thách thức quan điểm này. Những kiến trúc sư của các di tích dưới đáy biển không chỉ có kỹ năng xây dựng khéo léo và nghệ thuật tinh xảo, mà còn cho thấy những dấu hiệu của một văn minh tiên tiến. Hơn nữa, họ biết ngôn ngữ viết và đã có thể xây dựng các kim tự tháp. Công nghệ hiện tại cho thấy rằng khu vực này đã nằm trên mực nước biển 10.000 năm trước hoặc lâu hơn nữa. Như vậy hiển nhiên rằng nền văn minh tiên tiến đã tồn tại trong suốt thời tiền sử, rất lâu trước thời kỳ Đồ Đá Mới. Vì các nguyên nhân không rõ, các nền văn minh này đã biến mất và để lại các tàn tích dưới đáy biển. Dưới đây là một số bằng chứng cho thấy sự tồn tại của chúng.

Thành phố chìm dưới đáy đại dương —Những tàn tích xung quanh hòn đảo Yonaguni ở Nhật Bản

Ở mũi phía nam của đảo Yonaguni trong quần đảo Ryukyu, khoảng nửa thế kỷ trước, các thợ lặn đã tìm thấy những tàn tích của các công trình xây dựng nhân tạo ngay trong đại dương. Địa điểm bao gồm một cấu trúc hình vuông được phủ bởi san hô, một bậc thềm khổng lồ với những gờ và góc, giống như những con phố, cầu thang, và một tòa nhà hình vòm. Người ta có thể nói rằng những tàn tích trông giống như một bệ thờ trong thành phố cổ. Nó bao phủ khoảng 200 mét từ Tây sang Đông, và khoảng 140 mét từ Bắc tới Nam. Điểm cao nhất của nó vào khoảng 26 mét.

Tantich1

Tantich2

(Bên trên) Các kiến trúc đổ nát: một cầu thang ở góc bên phải nằm dưới đáy đại dương tại đảo Yonaguni thuộc quần đảo Ryukyu.

Giáo sư Masaaki Kimura đã cung cấp bức ảnh.

(Bên dưới) Bậc thềm khổng lồ với những bậc thang của tàn tích dưới đáy biển tại đảo Yonaguni.

Giáo sư Masaaki Kimura đã cung cấp bức ảnh.

Năm 1986, những thợ lặn địa phương đã đặt tên thành phố dưới nước này là “Khu lặn của tàn tích dưới đáy biển.” Nó đã thu hút rất nhiều sự chú ý khi các phương tiện truyền thông tường thuật về nó. Ngay sau khám phá này, Đại học Ryukyu đã thành lập một “Đội thăm dò khảo cổ dưới đáy biển” (UAET), và bắt tay vào một dự án nghiên cứu dài 8 năm. Dưới biển phía đông nam (của) hòn đảo Shihuan và trong những vùng lân cận, nhiều di tích đã được phát hiện, gồm một công trình làm bằng đá, một cấu trúc giống như hang được bao quanh bởi những chiếc cột, một bức tượng đầu người, một cấu trúc vòm, và những bức tượng hình rùa. Khám phá đáng ngạc nhiên nhất là “Chữ tượng hình”, được khắc vào một bức tường đá và đã được để lại bởi một nền văn minh cổ, được cho là một nền văn hóa nhân loại rất tiến bộ.

Nếu nhìn từ phía trên, có những con phố và nông trại nằm xung quanh các tàn tích. Khu vực tàn tích rộng nhất dài 100 mét và cao 25 mét, được xây dựng từ những tảng đá khổng lồ. Theo nhóm thăm dò UAET của Đại học Ryukyu, một mô hình máy tính đã cho thấy, nơi có thể có một bệ thờ của một ngôi đền, chính là nơi mà người cổ đại tụ họp và tổ chức các nghi lễ thờ phượng. Có hai cái hang với những chiếc cột hình bán nguyệt nằm ở phía Bắc của ngôi đền. Các nhà khảo cổ tin rằng chúng là một nơi để tắm rửa trước một nghi lễ. Có một cổng hình vòm ở phía Đông của đền thờ, nơi có hai tảng đá khổng lồ gối lên nhau. Phần đỉnh cho thấy những lỗ nhân tạo hình chữ nhật nằm bên trong những phiến đá. Có lẽ, những phiến đá đã được tạo hình bằng máy móc và được sử dụng như là những viên đá nền của thành phố.

Ngoài ra, dưới đại dương, xung quanh “Lishenyan” nổi tiếng nằm ở phía đông nam đảo Yonaguni, một bức tượng đầu người cao vài feet đã được phát hiện. Những đường nét trên mặt người vẫn có thể được nhận thấy rất rõ ràng. Sau đó, ở gần bức tượng đầu người khổng lồ, các nhóm chữ tượng hình đã được tìm thấy. Điều này chỉ ra rằng những người xây dựng các tàn tích dưới đáy biển này thuộc về một nền văn minh rất tiến bộ.

Tantich3

Tantich4(Bên trên) Bức tượng đầu người cao vài feet nằm ở phía đông nam đảo Yonaguni.

Giáo sư Masaaki Kimura đã cung cấp bức ảnh.

(Bên dưới) Nhóm chữ tượng hình được phát hiện từ những tàn tích dưới đáy biển.

Giáo sư Masaaki Kimura đã cung cấp bức ảnh.

Masaaki Kimura là một giáo sư địa chất tại Đại học Ryukyu. Ông đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9 năm 1999 rằng người ta có thể thấy rõ ràng chúng là các công trình nhân tạo. Có những đường phố, cầu thang vuông góc với lỗ tròn trong phiến đá mà dường như đã được thiết kế để chèn cột đá, v.v.. Việc phát hiện ra bức tượng đầu người và những chữ tượng hình đã tạo ra sức thuyết phục đặc biệt rằng các tàn tích dưới đáy biển tại phía nam đảo Yonaguni bắt nguồn từ một nền văn minh tiền sử.

Kim tự tháp kỳ lạ dưới đáy biển

Ngoài những phát hiện ở phía Nam đảo Yonaguni, các khám phá quan trọng đã được thực hiện ở phía Tây của đảo. Năm 1990, các thợ lặn đã tìm thấy một kim tự tháp khổng lồ được xây dựng từ các khối đá. Kim tự tháp này rộng 183 mét, và cao 27,43 mét. Nó được xây dựng từ các phiến đá hình chữ nhật, và có 5 lớp. Cũng có một số nhỏ các công trình xây dựng gần đó tương tự như kim tự tháp khổng lồ. Những kim tự tháp mi-ni này bao gồm các lớp đá, có chiều rộng khoảng 10 mét và chiều cao khoảng 2 mét.

Các nhà địa chất học của Trường Đại học Ryukyu tham gia vào nghiên cứu này đã kết luận rằng đây là một công trình nhân tạo, và không có nguồn gốc tự nhiên. Nếu không, phải có một đống đá từ hiện tượng xói mòn, chứ không phải chỉ có một viên đá duy nhất được tìm thấy. Hơn nữa, có những dấu tích còn lại giống như những con phố xung quanh kim tự tháp, cũng chỉ ra rằng điều này không phải là một sản phẩm tự nhiên. Thợ lặn địa chất học từ Đại học Boston ở Hoa Kỳ nhận thấy rằng các cầu thang khổng lồ đã được xây dựng từ một loạt các lớp đá cao 1 mét, giống như bậc thang kim tự tháp. Mặc dù người ta có thể đưa ra giả thuyết rằng một cấu trúc như vậy đã được hình thành do đá bị phá vỡ bởi sự xói mòn trong nước, nhưng những đoạn cầu thang sắc nét như vậy chưa bao giờ được tìm thấy xuất phát từ một quá trình tự nhiên. Các nhà khảo cổ học tại Đại học London tin rằng những người xây dựng đó phải có được trình độ ít nhất là trên các nền văn minh cổ đại như Lưỡng Hà và sông Ấn.

Theo một giáo sư địa chất học tại Đại học Tokyo, khu vực đó đã chìm xuống đáy biển khoảng 10.000 năm trước, có nghĩa là, vào cuối kỷ Băng Hà. Tuy nhiên, dựa trên sự hiểu biết của khoa học hiện đại, con người vẫn còn nguyên thủy, và săn bắn động vật để ăn vào thời đó. Chắc là họ đã không có khả năng xây dựng những kiến trúc hình kim tự tháp như vậy. Một số người tin rằng nó đã được tạo ra bởi một số nền văn minh chưa được biết đến. Người ta có thể tự hỏi liệu một nền văn minh tiến bộ và thịnh vượng như vậy đã thực sự tồn tại hay không. Những tàn tích dưới đáy biển này liệu có phải chỉ tồn tại ở Nhật Bản không? Câu trả lời là Không.

Bức tường thành cổ Hujing dưới đáy biển ở Bành Hồ, Đài Loan

Theo những bản ghi chép trong các Văn thư lưu trữ huyện Bành Hồ cổ, trong đó viết, “Nếu ta nhìn từ trên cao ở Hujing, một đoạn dài của tường thành dưới đáy biển có thể được nhìn thấy. Nó thường được gọi là “Bể nước sâu Hujing”. Năm 1982, các thợ lặn chuyên nghiệp đã tìm thấy vị trí chính xác của thành phố Hujing bị chìm dưới đáy biển.

Tường thành cổ này có hình chữ thập. La bàn đo được rằng nó nằm chính xác ở vị trí hướng Bắc-Nam, và hướng Đông-Tây ở góc vuông. Bức tường thành được xây dựng chủ yếu bằng đá ba-dan và có rong biển trên bề mặt của nó. Nó có kích thước khoảng 160 mét từ Tây sang Đông, và khoảng 180 mét từ Bắc sang Nam. Nó dày khoảng 1,5 mét trên đỉnh và 2,5 mét tại đáy. Một số phần là không trơn nhẵn do xói mòn; tuy nhiên, các mạch ghép nối giữa những tảng đá thì rất khít. Ở phía Bắc có một cấu trúc dạng đĩa tròn. Đường kính của bức tường thành bên ngoài là khoảng 20 mét, với một bức tường bên trong khoảng 15 mét.

Vào thời điểm đó, một số người nghĩ rằng thành phố bị chìm thật sự là một phần mở rộng của Hujing xuống đáy biển. Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà địa chất cho thấy rằng nếu bức tường được hình thành từ các khối đá tự nhiên, thì nó phải liền mạch và có duy nhất một khối. Mặt khác, nếu nó đã được con người tạo ra, thì nó phải có các phần riêng biệt. Hơn nữa, nếu tường thành rất dài và thẳng, thì rất có khả năng nó đã được con người tạo ra. Cụ thể là, những tảng đá đều có cùng kích thước, với những góc vuông, và khoảng trống giữa các tảng đá được lấp kín. Ngoài ra, những chỗ rỗng trên bức tường có hình chữ thập, với mạch ghép phẳng và trơn tru. Điều này hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn xây dựng hiện nay.

Graham Hancock, một nhà văn người Anh, đã được công nhận trên toàn thế giới với những cuốn sách của ông, chẳng hạn như Fingerprints of the Gods (Dấu tay của các vị Thần). Trong tháng 8 năm 2001, ông và vợ ông đã tham gia với các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Nhật Bản để khám phá khu vực này. Ông giải thích rằng những viên đá từ thành phố bị chìm dưới đáy biển rõ ràng là khác với cấu trúc bằng đá tự nhiên, khiến chúng nhiều khả năng là có nguồn gốc nhân tạo. Ông nói một cách tự tin: “Thiên nhiên không tạo ra những cấu trúc như vậy, trái ngược với những kiến trúc nhân tạo, nơi mà sự chú ý lớn được dồn vào những chi tiết như vậy.” Rõ ràng là, các khối đá của thành phố bị chìm dưới đáy biển Hujing đã được định vị chính xác theo phương Bắc-Nam, và Đông-Tây. Ngoài ra, các khối đá này có bề mặt rất phẳng và mịn. Chúng được xếp rất khít với nhau đến nỗi chỉ một con dao mỏng mới có thể đi vào giữa các mối nối. Quan điểm của Hancock là điều này đã được con người tạo ra, và không thể là một sản phẩm của tự nhiên.

Hancock cũng cho rằng, hiện có một mô hình chủ lưu được thiết lập trong xã hội con người. Tuy nhiên, mô hình chủ lưu này không thể giải thích các khám phá khảo cổ gần đây. Liệu những công trình kiến trúc ngày nay và các kiến trúc tiền sử là có mối liên hệ với nhau? Trên thực tế, lịch sử hiện thời không thể lý giải được những văn minh cổ đã biến mất. Đây là gợi ý cho chúng tôi biết về họ. Nói cách khác, rất có thể những phát hiện này, chẳng hạn như thành phố dưới đáy biển Hujing và những phát hiện tương tự, có chứa đựng các bằng chứng bị che đậy của những nền văn minh loài người trong quá khứ.

Tàn tích trong Tam giác Bermuda và các công trình kiến trúc dưới đáy biển ở Bahamas

Năm 1958, một số nhà khoa học Mỹ đã tìm thấy những cấu trúc kỳ lạ trong quá trình nghiên cứu đáy biển xung quanh đảo Bahamas. Những công trình này có các họa tiết hình học cụ thể, trải dài ra cho đến một vài dặm. Mười năm sau, những bức tường đá khổng lồ, 400-500 feet chiều dài, đã được tìm thấy ở ngay gần đó. Các phần mở rộng đã hình thành một góc vuông chính xác với những bức tường chính. Bức tường bao gồm các khối đá khổng lồ với kích thước hơn 1 foot vuông. Sau đó, những bậc thềm phức tạp hơn, đường giao thông, bến cảng, cầu, và những thứ tương tự như vậy đã được xác định. Toàn bộ di tích được bố trí như một bến cảng.

Ngoài ra, các nhà khoa học châu Âu đã tìm thấy, trong quá trình nghiên cứu đáy biển Tam giác Bermuda, một kim tự tháp khổng lồ dưới nước chưa được biết đến. Kim tự tháp có cạnh là 300 mét, và 200 mét chiều cao. Có hai lỗ trống khổng lồ trong kim tự tháp, rõ ràng là nhân tạo. Nước biển cuộn qua hai cái lỗ trống khổng lồ này, tạo thành một xoáy nước khổng lồ và do đó tạo ra một xoáy nước gần đó. Điều đó cũng làm cho bề mặt nước vẩn đục. Rất khó để đánh giá kim tự tháp này được xây dựng khi nào. Nó đã được xây dựng từ hàng chục ngàn năm trước khi đất bị chìm xuống biển.

Sự tồn tại của những nền văn minh tiền sử

Trái đất đã không giống như thế này ngay từ lúc khởi đầu của nó. Nó đã trải qua vô số các thay đổi lớp vỏ, núi lửa, lũ lụt, thời kỳ băng hà, v.v.. Trái đất như nó hiện diện bây giờ đã chứng kiên vô số thay đổi. Chúng ta hãy lấy “Vùng đất cổ gần mặt nước” như một ví dụ. Nơi này sâu 2.600 mét, và chỉ cách Vịnh Nhật Bản 90 km. Tuy nhiên, 67-25 triệu năm trước đây, nó ở trên cao của Thái Bình Dương, khoảng chừng 120 km về phía đông quần đảo Nhật Bản. Vì vậy, không khó khăn để hình dung rằng nếu nền văn minh này đã tồn tại trong thời tiền sử, các thảm họa tự nhiên và sự tái sắp xếp địa chất đã thay đổi cảnh quan, và chỉ còn lại rất ít dấu tích được mãi mãi lưu giữ dưới đáy biển.

Nền văn minh Mu huyền thoại

Vào cuối thế kỷ 19, Đại tá người Anh James Churchward đã làm nhiệm vụ đóng quân ở Ấn Độ. Ông ta khá may mắn khi có được chữ khắc Naccal từ một tu viện trưởng của một ngôi đền Hin-đu. Đó là một ngôn ngữ rất khó hiểu. Sau nhiều cố gắng, Churchward và một thầy tu nổi tiếng đã giải mã lịch sử của một nền văn minh tiền sử vĩ đại. Năm 1926, Churchward đã xuất bản một cuốn sách, The Lost Continent (Lục địa đã mất) nói về nền văn minh Mu.

Vị trí của lục địa Mu

Theo chữ khắc, Lục địa Mu nằm ở Thái Bình Dương. Mu là một nền văn minh vĩ đại và thịnh vượng, trong đó có văn học, nghệ thuật, kỹ năng nghề thủ công tiên tiến, và cũng đã phát triển máy móc. Con người vào thời gian đó có kỹ năng xây dựng tuyệt vời, và đã có thể xây dựng các tòa nhà khổng lồ, kim tự tháp, tượng đài bằng đá, lâu đài, và đường xá. Những con đường lát đá gọn gàng và sạch sẽ, và những kênh đào đã được tìm thấy tại thủ đô và tất cả các thành phố lớn khác. Tất cả các bức tường đều chói lọi và được trang trí bằng vàng. Mọi người sống một cuộc sống xa hoa. Những cư dân trên Lục địa Mu là những hoa tiêu rất giỏi đi biển. Người ta cho rằng họ đã đi du hành qua tất cả các đại dương. Họ thậm chí còn phát triển một đế chế thực dân hùng mạnh. Vào lúc đó, Lục địa Mu được gọi là “đỉnh cao của văn hóa thế giới.”

Tuy nhiên, Lục địa Mu thịnh vượng đã biến mất. Nó đã bị chìm xuống đáy đại dương sau một thảm họa bất ngờ. Bi kịch khủng khiếp bắt đầu với một đợt phun trào núi lửa mãnh liệt, theo sau là những trận động đất và các cơn bão mạnh. Mọi thứ xảy ra cùng một lúc. Dung nham núi lửa phun ra ngoài, đi kèm với các trận động đất mạnh. Đất dâng cuồn cuộn như sóng biển, lửa và khói mù mịt che kín cả bầu trời. Tất cả mọi thứ sụp đổ như đồ chơi, và ngay lập tức bị bao phủ bởi dung nham và nước biển. Không có cảnh báo từ trước, toàn bộ Lục địa Mu đã chìm xuống đáy Thái Bình Dương.

Người ta có thể nghĩ rằng câu chuyện này là một huyền thoại. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, người ta có thể thấy khả năng của một nền văn minh loài người từng hiện hữu.

Những di tích dưới đáy biển cung cấp bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của các nền văn minh tiền sử. Tuy nhiên, rất khó để tìm ra những khám phá này trong các sách giáo khoa. Các nhà khảo cổ học và sử gia hiện đại không muốn thách thức kiến thức lịch sử hiện tại, vì điều đó có thể không tương thích với các lý thuyết hiện hành. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng chỉ là vấn đề thời gian để những nhà nhân chủng học và sử gia thay đổi các khái niệm mà họ có, và để chấp nhận những sự thật lịch sử.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2003/3/30/21021.html
http://www.pureinsight.org/node/1678



Ngày đăng: 12-05-2010

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.