Những thành phố tiền sử dưới đáy biển: Cần phải nghĩ lại về nguồn gốc nhân loại chúng ta
“Chúng nhận ra rằng những người đó đã chống lại và quyết định tiêu diệt chúng. Hàng ngàn con báo rời hang động và xé xác người đàn ông đã cầu khẩn con quỷ trợ giúp. Nhưng con quỷ vẫn không lay chuyển bởi những lời cầu xin của họ. Thấy thế, Inti, thần mặt trời đã khóc. Nước mắt của nàng chứa chan khiến trong 40 ngày thung lũng tràn ngập nước” – Huyền thoại của người Inca về Hồ Titicaca.
Hãy xem xét một giả thuyết nhân loại học thừa nhận khả năng trên Trái Đất đã từng tồn tại một nhân loại tiền sử có trình độ phát triển kỹ thuật cao cấp. Một vài bằng chứng khẳng định rằng những người tiền sử dường như đã sở hữu một nền khoa học kỹ thuật cao hơn rất nhiều so với tưởng tượng của chúng ta. Nhiều bằng chứng ủng hộ cho ý tưởng này là việc khám phá ra hàng tá những thành phố cổ đại nằm dưới đáy các đại dương khắp hành tinh.
Những trường hợp đáng ngạc nhiên như những cấu trúc kim tự tháp Yogaguni ở vùng bờ biển Nhật Bản, hay thành phố ngầm “Mega city” được khám phá một cách tình cờ ở vùng bờ biển Đông Bắc Cuba, tiếp tục khiến các nhà nghiên cứu liên hệ đến những điều từng một thời chỉ được xem như những thần thoại địa lý – những câu chuyện kể như về châu Atlantis, lục địa Mu, hay là vùng đất Thule. Việc cứ mỗi vài năm lại khám phá ra thêm một công trình ngầm dưới biển nào đó ủng hộ cho giả thuyết về đế chế tiền sử này.
Kiến trúc đô thị ở một thời đại không thể tin nổi
Một ví dụ điển hình của các tàn tích khảo cổ học mô tả ở trên được tìm thấy tại độ sâu 120 bộ dưới mực nước biển tại vịnh Cambay, thuộc vùng bờ biển Tây Ấn Độ. Thành phố khổng lồ này tình cờ được khám phá trong một cuộc điều tra nghiên cứu về vấn đề ô nhiễm môi trường, theo ước đoán có thể tồn tại từ cách đây khoảng 9.000 năm.
Dùng một máy dò siêu âm, các nhà điều tra nghiên cứu đã thành công trong việc nhận diện các cấu trúc hình học xác định tại độ sâu khoảng 120 bộ. Tại hiện trường, họ khám phá ra những vật liệu xây dựng, đồ gốm, các mảng tường, những bồn chứa, những tác phẩm điêu khắc, xương và răng người. Các giám định niên đại bằng phóng xạ Cacbon C14 chứng tỏ rằng những mẫu vật này khoảng 9.500 năm tuổi.
Trước khám phá đó, những nhà nhân loại học nghĩ rằng vùng này không tồn tại nền văn minh nào 2.500 Trước công nguyên trở về trước. Thành phố cổ đại này, vì thế, còn cổ hơn cả nền văn minh Harapa, một thời được tin rằng là nền văn minh cổ nhất tiểu lục địa Ấn Độ.
Một trường hợp đáng ngạc nhiên khác vào năm 1967, khi tàu ngầm Aluminaut một tàu ngầm nghiên cứu thăm dò có khả năng lặn sâu hơn bất kỳ tàu nào khác trong thời đó – ngẫu nhiên khám phá ra một “con đường” nằm dưới vùng bờ biển Florida, Georgia, và Nam Carolina. Tìm thấy tại độ sâu gần 3.000 bộ, con đường trải dài thẳng tắp đến hơn 15 dặm Anh.
Còn đáng ngạc nhiên hơn, con đường này được lát bằng một loại xi măng phức tạp tạo thành từ nhôm, silic, canxi, sắt, và manhê. Bất kể tuổi của nó, con đường được khám phá không có mảnh vỡ vụn nát bởi một dòng chảy ngầm đã giữ nó sạch sẽ.
Con đường bị quên lãng này vẫn chứng tỏ nó là một đại lộ quan trọng khi những chiếc bánh lái đặc biệt của tàu Aluminaut cho phép nó thực sự du hành dọc theo con đường cái bí ẩn này. Sau đó, các nhà khoa học đang thăm dò khu vực này đã khám phá ra một loạt những kiến trúc làm bằng đá nguyên khối tại một đầu của con đường. Công nghệ kỹ thuật nào có thể kiến tạo ra một con đường lát đá dài mà có thể giữ được tình trạng tốt qua 10.000 năm?
Một khám phá tương tự gần đây hơn xảy ra vào năm 2004, khi sóng thần đánh liên tục vào các bờ biển Đông Nam Á cũng làm bóc ra hàng tấn cát khỏi bờ biển Tamil Nadu, Ấn Độ. Cơn bão đã dọn sạch cát bụi bao phủ nhiều năm dẫn đến việc khám phá ra thành phố cổ bí ẩn của Mahabalipuram.
Theo như huyền thoại địa phương, thành phố Mahabalipuram đã gánh chịu một cơn lũ lớn, nhấn chìm nó trong vòng một ngày cách nay 1.000 năm, khi những vị Thần trở nên ghen tị vì vẻ đẹp của nó. Những dân cư địa phương kể lại chi tiết rằng 6 ngôi đền bị bao phủ bởi nước, nhưng ngôi đền thứ 7 vẫn còn nằm trên bờ biển. Một đội 25 thợ lặn từ Cơ quan nghiên cứu khảo cổ Ấn Độ (Archaeological Survey of India) đã thăm dò khu vực bao quanh bao phủ bởi những cấu trúc nhân tạo, nằm tại độ sâu khoảng từ 15 đến 25 bộ dưới mặt nước biển.
Quy mô của những đống đổ nát ngầm dưới đáy biển bao phủ vài dặm vuông, cách bờ biển khoảng 1 dặm. Những đánh giá thủ cựu về niên đại của những kiến trúc này là khoảng từ 1.500 đến 1.200 năm tuổi, mặc dù một số nhà nghiên cứu cho rằng chúng có thể lên đến 6.000 tuổi.
Các cấu trúc kim tự tháp Yonaguni
Được đánh giá bởi một số nhà khoa học là khám phá khảo cổ học của thế kỷ, các cấu trúc tình cờ được phát hiện ở vùng bờ biển Nhật Bản cho thấy kiến trúc cổ trong dạng thức những cây cột trụ, những hình lục giác, những cầu thang, những đại lộ, những hành lang cuốn, và ngay cả một kim tự tháp có bậc thang.
Trong khi hầu hết những kẻ bảo thủ cho rằng các cấu trúc Yonaguni là sản phẩm của hoạt động địa chất lớn của khu vực, những góc xác định của những tảng đá và sự sắp xếp của chúng trong mối liên hệ lẫn nhau cho thấy địa điểm này có thể là di tích của một thành phố đã bị ngập chìm.
Bằng chứng ủng hộ lập trường này bao gồm cấu tạo hóa học của những tảng đá phấn (không tồn tại một cách tự nhiên trong khu vực), 2 lỗ cửa sâu khoảng 6,5 bộ sát ngay các cấu trúc này – mà không nhà khảo cổ học nào dám phân loại chúng như là một kiến tạo tự nhiên. Toàn thể thành phố ngầm của Yonaguni được ước tính bởi một số chuyên gia ít nhất khoảng 10.000 năm tuổi.
Khảo cố học đại dương chỉ mới trở thành một ngành học thuật khả dĩ trong vòng 50 năm trở lại đây với sự xuất hiện của thiết bị lặn dùng khí ép. Theo nhà khảo cổ học đại dương Tiến sĩ Nick Flemming, ít nhất 500 địa điểm nằm ngầm dưới mặt nước biển là những phần còn lại của một vài dạng cấu trúc hay đồ tạo tác nhân tạo đã được tìm thấy khắp thế giới. Một vài tính toán cho thấy gần 1/5 những địa điểm này là nhiều hơn 3.000 năm tuổi.
Tất nhiên, một số địa điểm đã bị cuốn sạch bởi các trận lụt, nhưng những địa điểm khác có thể được tìm thấy tại đáy biển thông qua các dịch chuyển kiến tạo địa chất. Bởi nhiều nơi trong số này lúc ban đầu được xây dựng trên những vùng đất khô ráo vững chắc, Trái Đất về mặt địa lý có thể khác hẳn so với những gì chúng ta biết hiện nay.
Hơn nữa, những con người này có thể đến từ một kỷ nguyên nào đó xa xôi hơn nhiều so với những gì chúng ta hiểu vào buổi đầu của nền văn minh nhân loại.
Nếu thế, có phải nền văn minh đương đại của chúng ta là loài người vĩ đại nhất đã từng được biết đến, hay chỉ là một đỉnh cao nhỏ bé trong nhiều đỉnh cao của cuộc tuần hoàn trải dài vào trong quá khứ xa xăm? Câu trả lời có thể được tìm thấy tại đáy của các đại dương.
(Theo The Epoch Times)
Ngày đăng: 19-10-2010
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.