[ChanhKien.org]
Chương 2: Dự đoán học về thời không
Ở chương trước, chúng ta đã nói đến câu chuyện và trải nghiệm của các nhà dự ngôn, tin rằng quý độc giả đã có phần nào lý giải đối với vấn đề “dự ngôn” này. Rất nhiều bậc thầy về dự ngôn thời cổ đại Trung Quốc đồng thời cũng là người “toán mệnh”, tinh thông Kinh Dịch, Bát quái và quy luật Âm Dương Ngũ Hành. Trong cuộc đời họ, có không ít những ví dụ ghi chép về việc chiêm bốc đoán số, nhưng những năng lực này so với những đại tác phẩm tiên đoán về tương lai lịch sử nhân loại thì cũng chỉ có thể xem như là phần điểm xuyết mà thôi. Vậy, vì sao các nhà dự ngôn lại có thể biết trước được tương lai? Ở chương này, chúng ta sẽ từ góc độ khoa học hiện đại đi thẩm định một chút cái gọi là “dự ngôn” với tư cách là một loại khoa học dự trắc vượt ngoài thời không, một loại khoa học xuyên thời không…
1. Bàn luận về dự đoán học qua môn bi-a
Giả như chúng ta đang ngồi trước màn hình ti vi theo dõi trận đấu tranh quán quân của giải vô địch thế giới môn bi-a, thì lúc này, không khí tại hiện trường đang vô cùng nghiêm túc, căng thẳng tột độ, những người xem đều căng mắt chờ đợi, vào lúc hình ảnh được truyền đi khắp nơi trên thế giới, ngay cả khán giả trước màn hình truyền hình cũng bị nhiễm bầu không khí căng thẳng ấy, sẽ dự đoán xem ai sẽ là người giành ngôi quán quân của kỳ thi đấu năm nay.
Tại bàn bi-a vận động viên sẽ quan sát toàn bộ sự phân bố của các quả bóng, trong đầu đã ước lượng được phương hướng, góc độ và đường đi để đánh bi vào lỗ, thế là ảnh về quá trình đánh bóng đã sớm hiện lên trong não của người chơi, những cơ thủ hàng đầu thậm chí còn có thể dự tính được đường đánh bi liên tiếp của các cú đánh tiếp theo, quả nhiên, bóng gần như di chuyển đúng theo dự đoán của tuyển thủ, từng cú đánh chính xác đưa bóng vào lỗ, khán giả không ngừng phát ra những tiếng cảm thán đầy kinh ngạc. Khán giả nín thở cổ vũ cho tuyển thủ mình yêu thích, suy đoán ai sẽ là người chiến thắng cuối cùng, từng màn đấu trí, quả bóng rơi vào lỗ, giữa những reo hò cổ vũ vang dội, quán quân cuối cùng của giải đấu đã được xác định qua cách đó!
Hiện tượng tương tự thường phát sinh trong đời sống thường nhật của chúng ta, thấy nhiều rồi thành quen thuộc, chúng ta sẽ không cảm thấy kỳ quái. Nhưng nếu chúng ta chú ý một chút, thì trong đó có biết bao nhiêu cái gọi là dự đoán, dự tri, thậm chí là dự ngôn?
Trước hết, bản thân chơi bi-a chính là một hoạt động mang tính dự đoán, trước khi đánh bóng đều tính toán, đều có thể dự đoán, dĩ nhiên độ chính xác vẫn có sai biệt, càng chính xác thì đánh càng tốt, nói cách khác, đánh tốt thực ra chính là vì độ chính xác trong dự đoán cao. Mà đối với tuyển thủ chuyên nghiệp, chúng ta có thể nói họ là cao thủ trong việc dự đoán. Như đã miêu tả ở phía trên, họ không chỉ có thể dự đoán quá trình di chuyển của quả bóng, mà còn có thể dự biết toàn bộ quá trình va chạm liên hoàn của các quả cầu. Rốt cuộc họ đã làm thế nào? Những dự đoán, dự tri tuy khiến người thường phải trầm trồ thán phục, nhưng tuyệt đại đa số mọi người sẽ không cho đó là chuyện kỳ lạ. Vì sao vậy? Bởi vì về cơ bản, bi-a có thể được lý giải một cách hợp lý dựa theo “nguyên lý va chạm” và “bảo toàn động lượng”. Đây là hiện tượng vật lý thuộc phạm trù cơ học cổ điển Newton.
Tiếp đến là khán giả, hầu như tất cả khán giả đều đang vô tri vô giác tiến hành dự đoán, đoán xem cuối cùng ai sẽ là người chiến thắng, thậm chí rất nhiều người quan tâm đến trận đấu hoặc có người hứng thú với bi-a cũng sẽ dự đoán kết quả trận đấu. Cho nên, mặc dù không xem truyền hình trực tiếp, họ vẫn sẽ thông qua báo chí, nghe tin tức để kiểm nghiệm xem dự đoán mình có chính xác hay không.
Một hình thức dự đoán điển hình khác, chính là của các bình luận viên thể thao. Khi chúng ta xem truyền hình trực tiếp, các bình luận viên ngoài việc phân tích kỹ thuật và thành tích thi đấu quá khứ của tuyển thủ, thông thường họ còn dựa vào trạng thái thể chất và tinh thần của tuyển thủ trong ngày thi đấu để dự đoán thắng bại. Chỉ là, trong nhiều trận quyết đấu gay cấn, thường xuất hiện những biến số lớn, cho nên kết quả trận đấu thường rất khó dự đoán chính xác, phải đợi đến giây cuối cùng mới có thể biết được đáp án sau cùng. Từ đó có thể thấy, vô luận là dự đoán đó có chính xác hay không, hầu như ai cũng đang dự đoán tương lai, từ điểm này chúng ta có thể nhận ra rằng, dự đoán là một hoạt động tâm linh rất phổ biến.
Giả như khi xuất hiện một tình huống đặc biệt nào đó: như có một khán giả rất đặc thù, không những có thể dự ngôn chính xác người thắng cuộc trong một giải đấu quốc tế, mà thậm chí còn dự đoán được từng chi tiết của cả quá trình thi đấu, quả bóng nào vào lỗ nào, thứ tự ghi điểm, cho đến chi tiết sai sót của trận đấu và cách người chiến thắng xoay chuyển tình thế, chuyển bại thành thắng… Khi đó, chúng ta sẽ đánh giá khả năng dự đoán ấy như thế nào?
Cũng có những người sẽ hoài nghi rằng đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, bởi vì dùng các loại lý luận khoa học như vật lý, tâm lý, thống kê… đều không thể giải thích được tình huống này. Xét từ góc độ thống kê, xác suất xuất hiện một sự trùng hợp như vậy thực sự quá thấp, thậm chí còn nhỏ hơn rất nhiều so với xác suất xúc xắc liên tục ra mặt sáu trong mười lần, tức (1/6)¹⁰. Bởi vì bi-a không chỉ là hiện tượng vật lý đơn thuần, mà nó còn bao gồm cả thay đổi trên thân thể và tâm lý của con người, như tình trạng mệt mỏi, căng thẳng cảm xúc, v.v… tất cả đều có ảnh hưởng lớn đến kết quả thi đấu. Cũng có lẽ chúng ta sẽ dùng các hiện tượng siêu năng lực, công năng đặc dị để giải thích những hiện tượng này, khiến cho nó mang theo sắc thái thần bí, bởi vì điều này vượt quá phạm vi lý giải thông thường của con người, cho nên chỉ có thể coi nó như một sự kiện nguyên nhân không rõ ràng để xử lý. Nhưng, một khi đã bị xếp vào loại phạm trù này, thì rất dễ khiến nó bị gạt ra ngoài tri thức hiện đại, như vậy, rốt cuộc chúng ta nên nhìn nhận “hiện tượng dự ngôn” này như thế nào?
Như trên đã trình bày, dự ngôn nổi tiếng trong và ngoài nước trong lịch sử là một loại “dự đoán học về thời gian dài của tương lai”, tùy theo sự phát triển của khoa học, bởi vì khoa học không cách nào giải thích chúng, nên chúng bị đại đa số người xem nhẹ, dần dần bị phủ lên một lớp màn thần bí, chìm khuất trong lịch sử.
Trên thực tế, ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc, các triều đại nối tiếp nhau đều có sự xuất hiện của dự ngôn và những nhà dự ngôn. Không chỉ dân chúng tin vào lời dự ngôn, mà các bậc đế vương lại càng tin tưởng không chút nghi ngờ. Hai nghìn năm trước, tại phương Tây, không lâu sau khi Chúa Giê-su đản sinh, các nhà thông thái (các nhà dự ngôn) đã từ phương Đông xa xôi vội vã đến Jerusalem để tìm kiếm vị “Đấng cứu thế vĩ đại trong tương lai của người Do Thái”. Việc đó đã khiến cho vị vua thống trị thời bấy giờ là vua Hê-rốt lo ngại, dẫn đến một cuộc đại tàn sát. Khi ấy, tất cả trẻ nhỏ dưới hai tuổi trong thành Bethlehem đều bị tàn sát, cha mẹ của Giê-su đã sớm đưa ông trốn sang Ai Cập. Cùng thời điểm ấy ở phương Đông, Trung Quốc đang ở vào thời đại đại thống nhất sau khi Tần Thủy Hoàng đánh bại sáu nước, chỉ vì trên một tấm bia đá dự ngôn có khắc bốn chữ “vong Tần giả Hồ”, Tần Thủy Hoàng vì để bảo vệ vương triều, không tiếc quốc lực, đã động viên toàn dân xây dựng Trường Thành, lại còn phái tướng quân Mông Điềm xuất quân chinh phạt người Hồ (Hung Nô) ở phương Bắc. Dù vậy, kết quả lại là nhà Tần bị diệt vong trong tay con trai thứ hai của Tần Thủy Hoàng là Hồ Hợi. “Hồ” làm cho nhà Tần bị diệt vong lại không phải là người Hồ (Hung Nô), mà chính là Hồ Hợi, thật trớ trêu thay. Đến thời nhà Thanh, bởi vì “Thôi Bối Đồ” thời Đường quá mức chuẩn xác, hoàng đế đã ra lệnh cấm và kiểm soát, từ đó có thể thấy, các lời dự ngôn trong lịch sử vốn được con người tin tưởng, mà hơn nữa độ chính xác của chúng luôn được coi trọng ở mức độ cao.
Cùng với sự biến đổi của thời đại, khoa học phương Tây cận đại phát triển nhanh chóng. Tư tưởng đặt trên cơ sở khoa học đã thẩm thấu vào mọi lĩnh vực khoa học và lĩnh vực khác, ngay cả văn học, nghệ thuật truyền thống, thậm chí là triết học cũng đều chịu ảnh hưởng. Do đó, con người hiện đại ngày càng khó nhận thức được bản chất của dự ngôn. Nhưng nếu như ngày nay chúng ta đứng từ góc độ của khoa học hiện đại để xem xét, thì độ chuẩn xác cao của dự ngôn và việc dự ngôn vượt qua thời không lâu dài để đưa ra mô tả chính xác về tương lai lại chính là điều mà khoa học hiện đại không thể làm được. Nhà vật lý học nổi tiếng Niels Bohr (giải Nobel Vật lý năm 1922), người phát hiện ra kết cấu của nguyên tử, từng nói: “Dự đoán chính xác đã là điều khó, dự đoán chính xác về tương lai lại càng khó hơn”. Nếu mục đích của khoa học là nhằm khám phá điều chưa biết, mà bản thân khoa học cũng là môn dự đoán học, như thế “dự ngôn” không phải là đề tài tốt nhất cho việc khám phá khoa học sao?