Trang chủ Right arrow Văn hóa Right arrow Văn hóa truyền thống

Thần Châu sử cương (9): Những huyền diệu trong chữ viết đều gửi gắm hết vào các dự ngôn

23-05-2025

[ChanhKien.org]

Đến thời nhà Hán, cùng lúc với việc thi hành chính sách “Bãi truất Bách gia, độc tôn Nho thuật” (Loại bỏ các trường phái Bách gia, chỉ tôn sùng Nho gia) thì các “Dự ngôn sấm vĩ” (1) cũng đã trở thành một nhánh “Vĩ học”, bên cạnh “Kinh học” (gồm Ngũ kinh và Tứ thư) trong học thuyết của Nho gia; đương nhiên có rất nhiều nhà Nho học, kể cả các thế hệ đời sau, thậm chí đã kịch liệt phê phán, cho rằng nó làm hỗn tạp tính chính thống của Nho giáo. Tình huống này cũng chính là đặc trưng điển hình và phổ biến nhất trong thời đại tín sử, là hiện tượng “Đạo phế” mà Lão Tử từng giảng trong câu: “Đại Đạo phế, hữu nhân nghĩa. Trí huệ xuất, hữu đại ngụy” (Tạm dịch: Khi Đại Đạo không còn được nữa thì mới sinh ra nhân và nghĩa; khi trí huệ xuất hiện thì mới có đại xảo trá ngụy biện).

Nơi thế gian con người có thiện ác đồng tại, thật giả song hành, lý “tương sinh tương khắc” đã biến xã hội thành muôn màu muôn vẻ, nhưng lại là vàng thau lẫn lộn, càng lệch xa quỹ đạo càng khiến loại hiện tượng này thêm phần nghiêm trọng. Lấy Tần Thủy Hoàng làm ví dụ, vì đã tàn sát bách tính nên ông chính là bạo quân, nhưng ông lại có công lao thống nhất Trung Quốc. Trong lịch sử cũng có nhiều bạo quân nhưng không ai đạt được công lao như Tần Hoàng Vương, vậy là sự bạo ngược đã trở thành cái giá phải trả cho thống nhất. Cứ thế, những người được tôn thành “anh hùng” theo nghịch lý này đều đã xuất hiện trong xã hội hiện đại, đây cũng là một ví dụ đầy tính đối lập. Cũng như việc “dự ngôn” trở thành “Vĩ học”, minh chứng rằng Nho gia đời nào cũng có nhân tài, bởi vì “sấm vĩ” gắn bó rất mật thiết với Dịch lý, cũng bởi vì Khổng Tử dạy học chính là tùy trò mà dạy, nên Dịch lý vào thời đó xác thực lại chẳng gặp được người kế tục. Kinh Dịch chính là một trong Ngũ kinh, tuy nhiên vấn đề không nằm ở đạo thống mà là do trong lịch sử có rất nhiều kẻ đã mượn những lời sấm giả để danh chính tước quyền đoạt lợi, khiến các nhà Nho học đời sau lại không cách nào phân biệt, đây mới chính là vấn đề. Nếu như quy “Dự ngôn sấm vĩ” vào loại “quái lực loạn thần” (những chuyện kỳ lạ và ma quái) thì chẳng khác nào nói việc Khổng Tử chú giải Kinh Dịch cũng là “quái lực loạn thần”. Những chuyện như thế này đã làm đứt gãy ngọn nguồn, khiến vấn đề không thể nào giải thích rõ được, che lấp cả chân tướng, đây cũng chính là đặc điểm lớn nhất của thời đại tín sử: có thiện thì sẽ có ác, có chân ắt sẽ có giả, có “mâu” (cây thương, ngọn giáo) thì sẽ có “thuẫn” (cái khiên, lá chắn), “mâu” vì “thuẫn” mà sinh, “thuẫn” vì “mâu” mà xuất, “tương sinh tương khắc” đầy “mâu thuẫn”.

Trong thời đại mâu thuẫn này, thế sự khiến con người vì đó mà buồn, mà vui, mà đắm chìm trong mâu thuẫn. Nếu đã vậy thì một khi “không ở trong mâu thuẫn, bước ra ngoài tương khắc” há chẳng phải sẽ thấy được chân tướng sao?! Ngẫm kỹ lại thì một câu nói đơn giản “vong Tần giả Hồ” dường như đã siêu việt khỏi mâu thuẫn, bước qua lịch sử mà nói lên tất cả. Những lời dự ngôn nổi tiếng lưu truyền qua các triều đại Trung Quốc, đối với người hiện đại mà nói, tuyệt đại đa số đều đã trở thành lịch sử, chúng ta thử ngoảnh đầu nhìn lại hết thảy, liệu có thấy được sự thật nào chăng?

Một số dự ngôn nổi tiếng gồm có: “Mã Tiền Khóa” của Gia Cát Lượng vào cuối thời nhà Hán, dự ngôn của Bộ Hư Đại sư vào triều Tùy, “Thôi Bối Đồ” thời nhà Đường, “Mai Hoa Thi” của Thiệu Ung thời Tống, “Thiêu Bính Ca” của Lưu Bá Ôn thời Minh v.v… Chúng ta hãy lấy “Mã Tiền Khóa”, một dự ngôn súc tích và dễ hiểu, để nhìn lại đoạn lịch sử trải dài 1800 năm của Trung Quốc từ cuối thời nhà Hán đến nay, tác giả Gia Cát Khổng Minh là một nhân vật đa mưu túc trí tiêu biểu trong lịch sử Trung Quốc, chính sử có ghi chép rằng ông “chưa ra khỏi lều tranh đã định trước được thiên hạ sẽ chia làm ba”, điều này đã triển hiện đầy đủ trí huệ và tầm nhìn xa trông rộng của Khổng Minh. Thời đại Tam quốc không chỉ là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử trước đó mà sau này cũng không lặp lại nữa, khách quan mà nói thì cái gọi là “tầm nhìn xa trông rộng” ấy thực chất là hàm chứa năng lực tiên tri đặc biệt. Nhân vật Đạo gia ai ai cũng biết này là một Nho sinh, thân thường khoác bát quái bào, tay cầm quạt lông vũ, đầu vấn quan cân (một loại khăn che đầu làm bằng dây thao xanh), một đời truyền kỳ của ông đã được khắc họa trọn vẹn trong tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa”. Có lần trong lúc chinh chiến, Khổng Minh đã đứng trước ngựa mà gieo vài quẻ bói, từ đó tiên đoán được những chuyện đại sự trong tương lai, 14 quẻ bói này được đặt tên là “Mã Tiền Khóa” (quẻ bói gieo trước ngựa). Ấy vậy mà “Mã Tiền Khóa” này lại bị lu mờ bởi chính tài hoa sắc bén của Khổng Minh, do đó độ nổi tiếng hiển nhiên không bì được “Thôi Bối Đồ”, thế nhưng thuận theo thời gian, càng về sau này người ta càng nhận ra được những điều trong đó khiến thế nhân phải chấn động.

Chú thích:

1: “Dự ngôn sấm vĩ” là các dự ngôn thường gắn với những lời sấm truyền, chủ yếu được thể hiện qua văn tự hoặc hình vẽ, nội dung thường rất thần bí, khó giải.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/74797

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Loạt bài