Dự ngôn về ngày hôm nay (Phần 3): Thiệu Ung và thơ dự ngôn “Mai Hoa Thi”



[ChanhKien.org]

Phần 2: Thơ dự ngôn của Khang Tiết tiên sinh Thiệu Ung – “Mai Hoa Thi”

Thiệu Ung, tự là Nghiêu Phu, thụy hiệu là Khang Tiết, sinh vào năm Chân Tông thứ tư thời Bắc Tống, tức năm 1011, mất vào năm Thần Tông thứ mười, tức năm 1077, hưởng thọ 67 tuổi. Ông sinh ra ở Phạm Dương tỉnh Hà Bắc, sau đó theo cha di cư đến Cộng Thành, đến cuối đời thì ẩn cư tại Lạc Dương. Vì Thiệu Ung sống ẩn dật lâu ngày nên ông không nổi tiếng như Gia Cát Khổng Minh thời Tam Quốc, nhưng bất luận là xét về tài năng hay phẩm đức, thì ông cũng đều không thua kém gì Gia Cát Lượng. Trình Hạo, một trong những người sáng lập Lý học thời Tống, sau khi thảo luận với Thiệu Ung đã từng thốt lên rằng: “Nghiêu Phu, nội thánh ngoại vương chi học dã!” (Dịch nghĩa: Nghiêu Phu có đức hạnh của một bậc Thánh nhân và học vấn của bậc đế vương).

Ngay từ thuở thiếu thời, Thiệu Ung đã ôm chí lớn, hạ quyết tâm chăm chỉ đọc sách, ông đọc hết tất cả các loại sách. Trong cuốn “Tống sử, Thiệu Ung truyện” có ghi chép lại như sau: Thiệu Ung “Sử vi học, tức kiên khổ tự lệ, hàn bất lô, thử bất phiến, dạ bất tựu tịch giả số niên” (dịch nghĩa: Thuở đầu, vì việc học tập, ông tự gắng sức chịu đựng gian khổ, mùa đông không dùng lò sưởi, mùa hè không dùng quạt mát, ban đêm không nằm nghỉ, liên tục mấy năm sống như vậy). Sau này, nhằm mở mang kiến thức, ông còn đi chu du về phương Tây để học hỏi thêm, vượt qua sông Hoàng Hà, sông Phần, sông Hoài, sông Hán Thủy đến các nước Tề, Lỗ, Tống, Trịnh. Sau khi trở về, ông nói “Đạo tại thị hĩ” (dịch nghĩa: Ta đã có Đạo ở đây rồi), thế là ông không đi vân du nữa. Thời bấy giờ có một cao nhân tên là Lý Đĩnh Chi, thấy Thiệu Ung học tập không biết mệt mỏi liền truyền dạy cho ông những bí quyết của Dịch học là “Hà Đồ”, “Lạc Thư”, “Phục Hy bát quái”. Thiệu Ung có căn cơ hơn người, có thể thấu hiểu đạo lý và tự ngộ ra những điều huyền diệu trong đó, cuối cùng đã trở thành bậc thầy Dịch học đương thời và một học giả uyên thâm nổi tiếng gần xa. Ông đã tự hình thành cho mình một vũ trụ quan độc đáo, nắm vững quy luật diễn hóa của đất trời và sự thịnh suy của âm dương. Trong “Tống sử” có ghi chép như sau: Thiệu Ung không những có thể kể một cách rõ ràng, tường tận những sự việc xa xôi từ cổ chí kim cho đến những điều nhỏ bé như tính chất, cảm xúc của cây cỏ trên trời dưới đất, mà ông còn có trí tuệ hơn người ở chỗ có thể biết trước được sự việc trong tương lai. Một vị tổ sư khác về Lý học thời Bắc Tống là Trình Di đã nói về ông như sau: “Kỳ tâm hư minh, tự năng tri chi” (dịch nghĩa: Cái tâm của ông vô dục vô cầu không kiêu ngạo, nên có thể biết được quy luật của vạn vật). Về sau, ông cũng đã xây dựng những học thuyết của riêng mình thông qua hai tác phẩm “Hoàng cực kinh thế” và “Quan vật nội ngoại thiên” với tổng cộng hơn 100.000 từ.

Thiệu Ung cho rằng diễn biến của lịch sử là tuân theo định số. Dựa vào tài năng dịch số thiên bẩm, ông đã dùng các khái niệm nguyên, hội, vận, thế để tính toán ra sự đổi thay của đất trời và sự tuần hoàn của lịch sử. Hai cuốn sách có ảnh hưởng rất lớn đến Dịch học đời sau là “Thiết bản thần số” và “Mai hoa tâm dịch” đều do Thiệu Ung viết. Người đời sau kính trọng gọi ông là “Thiệu Tử”. Sau tuổi trung niên, ông coi nhẹ danh lợi, ẩn cư ở Lạc Dương, chuyên tâm viết sách và dạy học. Các học giả nổi tiếng lúc bấy giờ như Phú Bật, Tư Mã Quang, Lã Công đều rất kính trọng ông, đã cùng nhau đóng góp và mua tặng ông một căn nhà vườn, đề tên là “An Lạc Oa”, Thiệu Ung cũng tự đặt hiệu cho mình là “An Lạc tiên sinh”. Thiệu Ung không chỉ là một bậc kỳ tài cái thế, tinh thông kim cổ, mà ông còn có phẩm đức ôn hòa hiền hậu, đối đãi chân thành với mọi người. Điều này khiến cho danh tiếng của ông trở nên nổi tiếng gần xa. Những nơi ông đi qua các quan chức sĩ phu ở đó đều mong được mời ông ở lại, có người còn gọi nơi mà Thiệu Ung đã từng tá túc là “Hành Oa”. Từ đó có thể thấy uy danh của ông trong lòng mọi người.

Khi Thiệu Ung còn sống, ông đã nổi tiếng với khả năng “biết trước sự việc”. Có lần Thiệu Ung tạt qua sân vườn ngắm hoa mai, thấy trên cây hoa mai có hai con chim đang tranh giành nhau mà rơi xuống đất, ông cho rằng: “Việc không xảy ra thì không đoán, việc không có nguyên nhân thi không đoán, hôm nay hai con chim vì tranh nhau cái cành mà rơi xuống đất, thật kỳ lạ”. Bởi vì lúc đó là giờ Thân (15 giờ đến 17 giờ) ngày 17 tháng 12 năm Thìn nên ông lấy số 5 (tương ứng với năm Thìn, thứ 5 trong 12 can), số 12 (tương ứng với tháng 12) và số 17 (tương ứng với ngày 17) cộng lại với nhau thành 34, 34 chia cho 8 còn dư 2, ứng với quẻ Đoài trong Tiên thiên quái, đây là quẻ thượng. Sau đó lại lấy 34 cộng với số 9 (tương ứng với giờ Thân, thứ 9 trong 12 can) bằng 43, 43 chia 8 còn dư 3, ứng với quẻ Ly trong Tiên thiên quái, đây là quẻ hạ. Tiếp đó lấy 43 chia cho 6 được số dư là 1 (mỗi quẻ có 6 hào nên chia cho 6), vậy là hào động biến. Vì vậy, quẻ trở thành Trạch Hỏa Cách – Trạch Sơn Hàm với quẻ hỗ là Càn, Tốn. Theo đó Thiệu Ung suy đoán rằng, tối mai sẽ có một người con gái vào vườn ngắt hoa, người làm vườn nhầm tưởng đó là kẻ trộm nên liền đến đuổi đi, người con gái ấy vì thế mà hoảng loạn sợ hãi, không may ngã xuống đất và bị thương ở đùi, tuy nhiên vết thương không mấy nghiêm trọng. Sau đó quả nhiên sự việc đã xảy ra đúng như lời ông nói.

Còn có một câu chuyện khác xảy ra vào giờ Dậu một buổi chiều tối mùa đông (khoảng 6 giờ chiều). Thiệu Ung đang sưởi ấm bên bếp lò thì đột nhiên nghe thấy có người gõ cửa, đầu tiên là gõ một tiếng, tiếp đó là gõ liền năm tiếng, người đó nói rằng muốn mượn đồ. Thế là, Thiệu Ung liền gieo một quẻ và đoán được rằng người hàng xóm muốn mượn chiếc rìu. Sau khi Thiệu Ung nói ra kết quả thì con trai ông không tin, đến khi mở cửa ra hỏi thì quả nhiên là người đó đến mượn chiếc rìu. Thiệu Ung giải thích rằng, vị khách lần đầu tiên gõ một cái tức quẻ thượng là Càn, tiếp đó gõ năm cái tức quẻ hạ là Tốn. Sau khi biết được quẻ thượng và quẻ hạ, thì lấy số của quẻ thượng và quẻ hạ cộng với nhau thì được hào động là bốn hào, bởi vậy trong quẻ chủ, quẻ hỗ và quẻ biến có ba quẻ Càn, Càn thuộc kim, quẻ thể là Tốn thuộc mộc, thứ mà vị khách kia muốn mượn là đồ vật thuộc kim và mộc, hơn nữa là kim ngắn mộc dài, do đó nó chính là cái rìu.

Con trai ông nói: “Kim ngắn mộc dài thì là cái cuốc, không phải là cái rìu”.

Thiệu Ung đáp rằng: “Bói quẻ cũng cần suy luận cho hợp tình hợp lý, dựa vào quẻ thì cuốc và rìu đều đúng, nhưng xét về lý thì buổi tối mượn cuốc để làm gì? Chắc hẳn là người ta mượn rìu để bổ củi”.

Ngày nay, không còn nhiều người biết đến Thiệu Ung và các tác phẩm của ông, nhưng dân gian vẫn lưu truyền một số câu nói cảnh tỉnh thế nhân của ông. Ví như câu: Kế hoạch của một năm bắt đầu từ mùa xuân, kế hoạch của một ngày bắt đầu từ buổi sáng sớm, kế hoạch của một đời bắt đầu từ sự cần cù. Bậc kỳ tài tiên tri Thiệu Ung đã đưa ra những dự ngôn rất chính xác về sự phát triển lịch sử của hậu thế, tác phẩm truyền đời “Mai Hoa Thi” của ông là những dự ngôn về những diễn biến lịch sử trọng đại xảy ra ở Trung Quốc sau khi ông qua đời. Đương nhiên, giống như tất cả những tiên tri khác, ông đã sử dụng những ngôn từ vô cùng khó hiểu và không dễ lý giải. Có những phần nếu như không phải là người hiểu biết về Đạo học thì sẽ không dễ mà hiểu được.

Phần dự ngôn về những sự kiện lịch sử trong bài thơ “Mai Hoa Thi” sẽ được giải thích chi tiết ở quyển hai. Quyển ba sẽ nói về những dự ngôn cho thời đại hiện nay và tương lai.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/62622



Ngày đăng: 16-12-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.