Cặp cha mẹ Trung Quốc “đặc biệt”
Tác giả: Đệ tử Đại Pháp đại lục
[ChanhKien.org]
Tôi là một đệ tử Đại Pháp trẻ sinh sau năm 2000. Cha mẹ tôi đều là những học viên cũ đắc Pháp trước năm 1999. Khi còn nhỏ, tôi không cảm thấy cha mẹ mình khác biệt gì với cha mẹ của những người khác. Theo năm tháng lớn lên, khi trò chuyện với bạn bè về gia đình của mỗi người, tôi ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với những người lớn tuổi là người thường (tức không phải là đệ tử Đại Pháp) và tìm hiểu thêm về các hiện tượng xã hội. Khi hiểu rõ về nhiều hiện tượng xã hội, tôi phát hiện ra rằng có rất nhiều điểm khác biệt giữa cha mẹ của người tu luyện Đại Pháp và cha mẹ của người thường:
Đối xử với thành tích và thứ hạng như mây trôi nước chảy
Ở Trung Quốc đại lục có một thuật ngữ gọi là “con nhà người ta”, dùng để chỉ một hình mẫu xuất sắc mà các bậc cha mẹ Trung Quốc thường dùng để so sánh và thúc giục con mình. Cách nói phổ biến là “Con nhìn con cái nhà xx, rồi nhìn vào con đi…!”
Cha mẹ người Trung Quốc có thói quen so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Vì vậy, họ thường xuyên để ý đến điểm số và thứ hạng của con mình. Hồi cấp 3, trong lớp có một bạn nữ bị cha đánh vì không đạt được kết quả như mong muốn trong kỳ thi.
Đối với cha mẹ tôi, khi nhìn thấy bài thi của tôi, điều đầu tiên họ quan tâm không phải là điểm số trên đó, mà điều đầu tiên họ sẽ hỏi là liệu tôi có biết nguyên nhân sai ở mỗi bài hay không? Do cẩu thả qua loa? Hay là không biết? Nếu qua loa thì lần sau con hãy cẩn thận hơn. Nếu chưa nắm chắc kiến thức, sau khi thầy giải thích vì sao sai thì đã hiểu rõ chưa? Trong mắt họ, kỳ thi chỉ là công cụ để kiểm tra tình trạng nắm bắt kiến thức chứ không phải là tiêu chuẩn để đánh giá một đứa trẻ có ưu tú hay không, hay là một công cụ mang đến thể diện cho bản thân. Suy nghĩ này không giống với thái độ của hầu hết các bậc cha mẹ Trung Quốc đối với thành tích. Một phần là bởi vì danh lợi là thứ họ coi nhẹ rồi, mặt khác, tiêu chuẩn về sự xuất sắc của họ khác với tiêu chuẩn của các bậc cha mẹ Trung Quốc. Họ cho rằng người có đầy đủ những phẩm chất tốt như sự thiện lương, chân thành và không vụ lợi mới là những đứa trẻ xuất sắc.
Ở Trung Quốc đại lục còn có một từ gọi là “gà con”, chủ yếu ám chỉ việc một số bậc cha mẹ dốc hết phần lớn thời gian, tiền bạc và nguồn lực, kiểu ‘bơm máu gà’ để nuôi dạy con cái, không ngừng răn dạy con cái phấn đấu và học tập. Loại nuôi kiểu “gà con” này phần lớn xảy ra ở những gia đình trung lưu, có học thức, vì họ không thể chấp nhận con mình trở thành người tầm thường và sợ con mình lớn lên sẽ không đạt được trình độ như mình. Mặc dù “gà con” là một hiện tượng ở quy mô nhỏ, nhưng việc học sinh Trung Quốc theo học các trường luyện thi khác nhau từ khi còn nhỏ là một hiện tượng phổ biến. Nếu cuộc đời được so sánh với một cuộc chạy marathon, thì hầu hết các bậc cha mẹ Trung Quốc đều sợ con mình sẽ thua ở vạch xuất phát, cho nên họ nghĩ mọi biện pháp, và nỗ lực rất nhiều chỉ để con mình có thể chạy nhanh hơn, xếp hạng cao hơn những người khác trong cuộc đua này. Khi còn đi học, tôi không hề học luyện thi cho đến cấp ba. Khi lên cấp ba, tôi nhận thấy mình thực sự không theo kịp môn toán nên đã xin cha mẹ đăng ký cho tôi học thêm. Yêu cầu của cha mẹ đối với việc học của tôi là ở trên lớp chú ý nghe giảng, sau giờ học chăm chỉ hoàn thành bài tập về nhà và nỗ lực học tập. Họ không yêu cầu tôi phải đứng đầu danh sách, cũng không yêu cầu tôi đa tài đa nghệ, chỉ muốn tôi không thẹn với lòng làm tốt những điều mà một học sinh nên làm là đủ rồi. Vì vậy, chỉ cần là không cần thiết thì cha mẹ sẽ không đăng ký học thêm cho tôi. Mà tôi luôn nghe lời cha mẹ, làm tốt những điều học sinh nên làm và chịu trách nhiệm về việc học của mình. Cứ như vậy, mặc dù lên cấp ba tôi mới bắt đầu tham gia lớp luyện thi, nhưng tôi đã không bỏ lỡ bất kỳ điều gì. Tôi thi đỗ đại học vào Học viện Mỹ thuật xếp hạng thứ nhất toàn quốc, đồng thời lại có được một tuổi thơ trọn vẹn và đầy màu sắc.
Sở dĩ cha mẹ tôi có thể an nhiên tiếp nhận việc học của tôi như vậy là bởi vì họ biết rất rõ rằng cuộc đời con người do Thần chú định. Cuộc đời không phải là một cuộc chạy marathon, mà là một màn kịch có sẵn kịch bản. Mỗi một người đều dần dần từng bước đi theo kịch bản do Thần viết sẵn mà diễn. Con người nghĩ là thông qua nỗ lực của bản thân mà có được tiền tài, danh lợi và cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng họ lại không biết rằng những thứ đó là do phúc của người ta mang lại, mà phúc là do đức đổi thành. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta đối xử tiêu cực đối với cuộc sống hay chờ đợi miếng bánh từ trên trời rơi xuống. Bởi vì người tu luyện chúng ta muốn trở thành người tốt, thậm chí tốt hơn cả người tốt, vậy thì là một học sinh, chúng ta phải chăm chỉ học tập, là một thành viên của xã hội thì phải làm tốt công tác. Chỉ có điều chúng ta chăm chỉ học tập, chăm chỉ làm việc cũng không phải là để giành được bất cứ điều gì trong người thường. Nó chỉ đơn giản là để hoàn thành tốt những trách nhiệm, nghĩa vụ mà thân phận xã hội mang lại cho chúng ta và không mong đợi được hồi báo.
Mặc dù chúng ta làm việc mà không cầu báo đáp, nhưng chúng ta thường sẽ nhận được kết quả tốt. Chính như Sư phụ của chúng ta đã giảng:
“Trong xã hội người thường, bất cứ thứ gì chư vị cũng đều có thể thông qua chấp trước mà đạt được, thậm chí là chấp trước truy cầu hơn nữa, tuy nhiên Lý trong không gian khác thì hoàn toàn trái ngược, là ngược lại, khi chư vị nỗ lực muốn đạt được, chấp trước muốn [có được] mà thực thi, thì sẽ chẳng có gì cả. Vừa hay là khi chư vị càng buông bỏ, càng không quản nó, thì chư vị mới có thể đạt được, cho nên gọi là “vô cầu nhi tự đắc” (“Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sĩ”).
Tôn trọng và lắng nghe
Trong dịp tết năm nay, khi đang ăn tối ở nhà bà nội, bác trai và bác gái đột nhiên bày tỏ sự không hài lòng với việc tôi tu luyện Đại Pháp. Hai bác cho rằng tôi đang học cái xấu theo cha tôi. Tôi cười muốn mở miệng phản bác lời họ nói, nhưng bác gái ngay lập tức nói to hơn và nhanh hơn át không cho tôi nói. Và có lẽ vì trước mặt người lớn, tôi thường rất ngoan ngoãn nghe lời, cho nên họ cho rằng tôi quá nghe lời cha mẹ mà không có chủ kiến riêng. Bởi thế, họ cũng có một số ý kiến về việc tôi vừa mới tốt nghiệp đại học đã về quê sống với cha mẹ. Họ nghĩ rằng những người trẻ tuổi nên đi tìm một sân chơi cao hơn và rộng hơn, chẳng hạn như học cao học hoặc đến một thành phố lớn để xây dựng tương lai mới là bình thường.
Tôi vốn nghĩ đây là một cuộc trò chuyện bình đẳng, nơi cả hai bên có thể trao đổi suy nghĩ của mình trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Dù sao trong gia đình chúng tôi có ba thành viên là người tu luyện, từ trước đến giờ đều là trao đổi ôn hòa như thế. Nhưng trong cuộc đối thoại này tôi không được phép bày tỏ bất kỳ quan điểm gì. Người lớn nói chuyện với trẻ con, trẻ con chỉ có thể lắng nghe. Bởi vì trẻ con không hiểu cái gì nên nói gì cũng sai, và bởi vì là người lớn nên nói cái gì cũng đều đúng, luôn mang tác phong đại gia trưởng độc đoán. Cha mẹ ở Trung Quốc chịu ảnh hưởng rất sâu của văn hóa đảng. Họ giỏi kiểm soát và áp chế nhưng lại không biết lắng nghe và tôn trọng.
Nhiều cha mẹ người thường cho rằng con cái họ chọn học tập hoặc phấn đấu ở xa quê là xuất phát từ chí hướng. Nhưng nhìn từ góc độ người trẻ, đây lại không nhất định là lý do cơ bản nhất. Tôi đã thấy nhiều cư dân mạng trẻ phàn nàn về mâu thuẫn và áp lực nặng nề khi sống với cha mẹ kiểu Trung Quốc. Họ mong muốn sau khi tốt nghiệp mau chóng độc lập về tài chính để có thể sớm xa cha mẹ. Không ai không mong muốn có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, nhưng sự ép buộc và kiểm soát của cha mẹ khiến con cái không cảm giác được sự tôn trọng, ấm áp khi ở nhà. Là một cá thể độc lập lại không thể có suy nghĩ hay tiếng nói của riêng mình, ai sẽ muốn ở mãi trong hoàn cảnh như thế chứ? Thế là người trẻ không thể không cao chạy xa bay.
Trong gia đình chúng tôi, cha mẹ tôi chưa bao giờ chỉ vì tôi là đứa trẻ, trải nghiệm cuộc sống không phong phú bằng họ mà coi tôi không ra gì. Mỗi khi tôi cảm thụ được điều gì đó, ngay cả khi tôi bày tỏ một cách ấp úng, cha mẹ cũng sẽ nhìn vào mắt tôi và rất kiên nhẫn nghe tôi nói mà không cảm thấy sốt ruột. Ngay cả khi cách nghĩ của chúng tôi khác nhau, cha mẹ cũng sẽ không phê phán tôi một cách trịch thượng. Họ chỉ bình tĩnh bày tỏ quan điểm của mình sau khi tôi nói xong. Cha mẹ cũng không bao giờ áp đặt suy nghĩ của họ lên tôi mà còn khuyến khích tôi tự mình suy nghĩ.
Tôi nghĩ đây có thể là do tu luyện Đại Pháp yêu cầu chúng ta phải hành xử theo tiêu chuẩn “Chân, Thiện, Nhẫn”, loại bỏ tư tâm, và luôn nghĩ đến người khác. Một người ích kỷ sẽ không chú ý đến cảm xúc của người khác, trong lời nói và hành động tất không để ý đến người khác, có thể sẽ không tôn trọng người khác. Một người lúc nào cũng vì người khác, đứng trên góc độ của người khác để suy nghĩ vấn đề, đồng cảm với đối phương, hiểu đối phương, thì sẽ tôn trọng người khác. “Nhẫn” sẽ khiến người ta bao dung sự khác biệt giữa người khác và mình, mà người không đủ thiện lại không đủ nhẫn, thấy người hoặc sự vật không phù hợp với quan niệm của mình, thì sẽ muốn áp chế đối phương, cưỡng ép cải biến đối phương.
Không lừa dối và nói là làm
Ở nơi làm việc tại Trung Quốc có một câu gọi là “bánh vẽ lớn”, ám chỉ việc ông chủ vì để nhân viên có thể bán sức lao động lâu dài hơn, chăm chỉ hơn mà đưa ra một số điều kiện hấp dẫn, nhưng thực tế không thành hiện thực. Việc này cũng tồn tại trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Có một câu chuyện trong “Hàn Phi Tử – Ngoại trữ thuyết tả thượng” thời Chiến Quốc, kể rằng có một hôm con trai của Tăng Tử khóc và đòi đi chợ cùng với thê tử của Tăng Tử. Thê tử của Tăng Tử vì để con trai quay về đã nói dối mẹ đi chợ về sẽ giết heo cho ăn. Mặc dù cô ấy chỉ là nói đùa, nhưng Tăng Tử vì để giữ lời hứa đã thực sự đem giết con heo.
Gia đình lẽ ra là nơi ấm áp và an toàn nhất nhưng nếu cha mẹ nói dối con cái, sẽ gây tổn hại lớn đến niềm tin giữa các thành viên trong gia đình.
Cha mẹ tôi luôn lấy “Chân, Thiện, Nhẫn” làm quy tắc ứng xử, vì thế từ nhỏ đến lớn đối với tôi họ luôn nói là làm, sự việc không xác định thì sẽ không tùy tiện hứa hẹn, nhưng dù là chuyện rất nhỏ cũng tuyệt đối không nói dối tôi. Ví dụ, một lần ở trường cấp ba, lớp chúng tôi đi thi ở nơi khác, tất cả giáo viên, học sinh và cha mẹ đều ở cùng nhau. Sinh nhật của tôi đúng vào dịp này. Thế là, cô giáo và các bạn cùng lớp đã mua một chiếc bánh bông lan chuẩn bị cho tôi một niềm vui bất ngờ và bảo mẹ giữ bí mật với tôi. Tuy nhiên, hành vi bất thường của mọi người khiến tôi đoán được họ định làm gì. Vì vậy, tôi hỏi mẹ có phải mọi người chuẩn bị một sinh nhật bất ngờ cho tôi không. Nếu là một người thường, hoàn toàn có thể phủ nhận để giữ được sự bất ngờ, và chắc chắn sẽ không cảm thấy lời nói dối nhỏ nhặt có vấn đề gì, nhưng mẹ không trả lời tôi. Tuy sự bất ngờ không có, nhưng tôi rất vui vì mẹ đã tuân thủ nghiêm ngặt được “Chân” và không nói dối tôi.
Biết sai liền sửa chữa, không làm ra vẻ
Có một người bạn cho tôi xem bản ghi âm cuộc trò chuyện giữa cô ấy và mẹ cô, nội dung là mẹ cô ấy có chuyện nhớ nhầm. Người bạn đó muốn sửa sai cho mẹ, nhưng mẹ cô ấy lại nghĩ là cô ấy nhớ nhầm, làm thế nào cũng không tin bản thân mình nhớ nhầm. Thế là, người bạn tìm người cha làm chứng và ghi âm lại cuộc trò chuyện với ba rồi mở cho mẹ nghe. Mẹ cô nghe xong chỉ nói một câu: “Sao con cố chấp như thế làm gì?” Người bạn cảm thấy bất bình. Cô ấy cảm thấy dựa vào cái gì trẻ con sai lại bị la mắng, bị chỉ trích, mà người lớn sai không những không chịu thừa nhận sai, thậm chí còn trách trẻ con cố chấp.
Trong gia đình chúng tôi, các thành viên trong gia đình sẽ cùng giúp đỡ nhau. Khi thấy vấn đề, mọi người đều sẽ đưa ra và cố gắng hết sức để sửa chữa nó. Bởi vì cha mẹ tôi không chỉ coi tôi là con của họ mà cũng coi tôi là đồng tu, là một người bình đẳng mà đối đãi. Tuy nhiên, khi mới bắt đầu cũng có lúc tôi đưa ra vấn đề nhưng đối phương không nghe, thường là do cách tôi chỉ ra vấn đề khiến người ta khó chấp nhận. Chẳng hạn như tôi thấy mẹ tôi vượt quan tâm tính với ai đó mà lúc đó không vượt qua được và cách xử lý của bà khiến tôi rất khó chịu, tôi sẽ mang cảm xúc cá nhân mình nói ngay tại chỗ. Lúc đó, vì mẹ tôi để cảm xúc chiếm thế thượng phong, lý trí không đủ, bà không thừa nhận và cảm thấy bản thân không có vấn đề như tôi nói. Nhưng thường sau khi bình tĩnh lại, bà có thể nhìn ra vấn đề của chính mình, bà sẽ chân thành cảm ơn tôi đã cho bà nhìn thấy chỗ thiếu sót của mình. Sau này, tôi cũng nhận ra cách đưa ra vấn đề của mình không ổn, khiến mọi người khó tiếp nhận. Thế là, sau này khi nhìn thấy vấn đề gì của bà, trước tiên tôi sẽ ghi nhớ. Đợi đến khi bà có tâm trạng bình tĩnh, tôi mới đưa vấn đề ra thảo luận mà không đưa thêm bất kỳ quan niệm cá nhân nào, bà liền nhanh chóng tiếp thu.
Đây là bởi vì, Đại Pháp yêu cầu chúng ta hướng nội khi gặp vấn đề. Khi người khác chỉ ra vấn đề của chúng ta, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến không phải là: “Bản thân bạn đang không ổn lại còn quan tâm đến tôi!” mà là dùng các Pháp lý của Đại Pháp làm tiêu chuẩn để suy nghĩ xem bản thân có phải là có chỗ nào đó chưa đúng. Nếu bản thân có vấn đề thì hãy nỗ lực khắc phục. Không có gì đáng xấu hổ khi thừa nhận sai lầm của mình. Chỉ có nhìn thẳng vào sai lầm của mình thì mới có thể sửa chữa chúng và như vậy sẽ ngày càng tốt hơn. Mà việc luôn phủ nhận lỗi lầm của mình và ngược lại cho rằng người khác không tốt sẽ chỉ khiến trong tâm chất đầy oán hận, lại khiến con người trì trệ không tiến lên được.
Hướng nội tìm cũng khiến gia đình chúng tôi hòa thuận và hiếm khi gây ra mâu thuẫn. Cho dù thỉnh thoảng xảy ra mâu thuẫn cũng sẽ nhanh chóng qua đi và không ai để bụng. Bởi vì khi gặp mâu thuẫn chúng tôi đều nghĩ đến vấn đề của riêng mình mà không phải chỉ trích, oán trách lẫn nhau, như thế không thể nào dẫn đến cãi nhau. Nếu mọi người đều có thể hướng nội tìm thì tôi nghĩ xã hội chúng ta sẽ trở nên hài hòa và thân thiện hơn.
Gương mẫu bằng lời nói, việc làm – Dạy dỗ trẻ trước tiên phải tự mình làm tốt
Có lần, khi tôi đang trò chuyện với một người bạn về tầm quan trọng của giáo dục gia đình, cô ấy kể một câu chuyện như thế này: cô ấy đang ăn ở một nhà hàng, nhà hàng đó có máy bán đồ uống tự động. Sau khi trả tiền đồ uống xong, nhà hàng sẽ đưa cho bạn một cái cốc, sau đó bạn có thể lấy đồ uống từ máy bán đồ uống và được lấy thêm không giới hạn. Cô nhìn thấy một bà mẹ trong nhà hàng bắt con trai mình dùng cốc nước mà cô mang đến để lấy đồ uống. Cậu bé trông khoảng sáu, bảy tuổi, do dự nói rằng nếu họ không có cốc của nhà hàng thì không thể lấy đồ uống. Mẹ cậu không kìm chế được nói: “Bảo đi thì đi đi! Quản lắm thế làm gì!” Thế là cậu bé liền đem cốc của mình đi lấy đồ uống.
Nghe xong câu chuyện tôi thấy hơi buồn. Trẻ con bản chất vốn ngây thơ và thiện lương, nhưng từ nhỏ đã được dạy chiếm dụng món lợi nhỏ và phá hoại quy tắc. Khi còn nhỏ chính là lúc xây dựng nhận thức đúng sai, cần sự hướng dẫn đúng đắn từ người lớn. Người lớn không phải chỉ nói đạo lý trên miệng, mà còn phải làm cho trẻ thấy. Bởi vì trẻ em sẽ học hỏi từ người lớn, sẽ nghĩ rằng những gì người lớn làm thì chắc là đúng rồi. May mắn thay, cha mẹ tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, bình thường luôn lấy “Chân, Thiện, Nhẫn” làm quy tắc ứng xử, và cũng lấy điều này làm căn bản để giáo dục tôi, khiến tôi trở thành một người thiện lương, biết nghĩ đến người khác.
Tôi từng nói chuyện với một người bạn về cuốn “Chuyển Pháp Luân”, cuốn sách đã chỉ đạo chúng tôi tu luyện. Tôi đã nói về một số ảnh hưởng của việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đối với cha mẹ tôi trong xử lý mối quan hệ cha mẹ và con cái. Sau khi nghe điều này, bạn tôi nói với vẻ ngưỡng mộ: “Giá như cha mẹ tôi cũng có thể đọc được cuốn sách này sớm hơn thì đã tốt rồi”.
Tôi đã từng nghe câu nói như thế này: gia đình là đơn vị nhỏ nhất của xã hội, gia đình hòa thuận thì xã hội mới ổn định. Pháp Luân Đại Pháp đã mang lại cho tôi một gia đình hòa thuận và hạnh phúc. Nếu như ngàn ngàn vạn vạn gia đình trở nên hòa thuận như vậy, thì tôi nghĩ xã hội này sẽ trở nên tốt đẹp hơn bây giờ. Tôi chân thành hy vọng rằng mỗi một người đều có thể đọc cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” này. Đây không chỉ là cuốn sách chỉ đạo người tu luyện phản bổn quy chân mà còn là cuốn sách dạy con người làm người tốt. Là một thành viên trong gia đình, cuốn sách này sẽ nói cho bạn cách xây dựng một gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Là một thành viên trong xã hội, cuốn sách này sẽ nói cho bạn biết cách đối đãi việc học tập hoặc công tác như thế nào, và như thế nào để làm một người tốt và làm một người có ích cho xã hội. Là một người truy tìm chân lý, cuốn sách này sẽ nói cho bạn biết ý nghĩa nhân sinh và nguyên do của khổ nạn và hạnh phúc trong cuộc sống.
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/283932
Ngày đăng: 13-10-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.