Luận giải “Kim Cương Kinh” (Phần 1)



Tác giả: Tần Chính

[ChanhKien.org]

Lời của Ban biên tập: Loạt bài này được viết dựa trên lý giải của tác giả đối với luận thuật trong “Kim Cương Kinh”. Chúng tôi cho rằng bài viết này có giá trị tham khảo nhất định đối với việc giảng chân tướng cho các nhân sĩ trong giới tôn giáo nên đã đăng lại tại đây. Đối với các đệ tử Đại Pháp không có liên quan đến việc giảng chân tướng cho các nhân sĩ tôn giáo thì không cần thiết phải đọc. Hy vọng mọi người dĩ Pháp vi Sư, làm tốt ba việc mà Sư phụ yêu cầu chúng ta làm.

(Theo Ban biên tập báo Nhân Dân: “Luận giải Kim Cương Kinh” là những tâm đắc thảo luận nghiên cứu Kinh Kim Cương giữa tiên sinh Tần Chính với bạn bè trong giới Phật giáo).

Lời nói đầu

Nhân loại rất khó tiếp thu những bài học kinh nghiệm trong lịch sử, cho dù luôn chú ý “tổng kết bài học kinh nghiệm”.

Năm xưa khi Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp, Bà La Môn giáo khi đó đã mạt Pháp vậy mà họ đã cản trở và thậm chí hãm hại Ngài và đệ tử của Ngài bằng nhiều cách.

Khi Giêsu giáng trần, những văn sĩ Do Thái giáo suy đồi đã gây ra sự thù hận của cả xã hội đối với ông, cuối cùng đóng đinh chúa Giêsu lên thập tự giá. Khổng Tử chu du lục quốc truyền bá tư tưởng Nho-Đạo của mình, bị vây hãm tại Khuông, bị nguy khốn tại Trần, ông bị mọi người chế giễu là “lang thang như con chó mất chủ”. Lão Tử nhìn thấu thói đời thay đổi nóng lạnh thất thường, nếu không có quan Doãn Hỷ một đệ tử kiên trì, e rằng Ngũ Thiên Ngôn (Đạo Đức Kinh) cũng coi như không có, không để lại được cho người đời sau. Tuy nhiên thời gian dần dần trôi đi, Phật giáo trong suốt quá trình hơn 2500 năm đã thịnh hành trên thế gian; Cơ Đốc giáo trải qua cuộc bức hại tàn khốc hơn 300 năm của đế quốc cổ La Mã đã trở thành tôn giáo trụ cột trong thế giới Tây phương ngày nay; tư tưởng Nho giáo của Khổng Tử đã trở thành tư tưởng cốt lõi của Trung Quốc mấy ngàn năm nay, còn Tiên pháp cao diệu của Đạo gia cũng được rất nhiều người say sưa bàn luận. Giờ đây, có lẽ con người đã quên mất những sự việc trong quá khứ của họ, càng không biết rút ra bài học kinh nghiệm để có thái độ đúng đắn với sự việc hiện nay.

Bài viết này giải mã “Kim Cương Kinh” và “Tâm Kinh” mà các môn đồ Phật giáo từ ngàn xưa đến nay coi là chuẩn tắc. Kỳ thực, việc diễn giải Kinh không phải là điều chúng tôi mong muốn, nhưng chúng sinh ngày nay đều bằng tình cảm chứ không phải lý tính mê đắm vào những luận thuật mà bản thân họ không hiểu. Thêm vào đó, những giải thích sai lầm và ngụy biện của nhiều kẻ có dụng tâm xấu khiến cho những luận thuật này trở thành định hướng giác ngộ cho mọi người, cản trở mọi người đưa ra chính kiến. Nhất là những nhân sĩ, cư sỹ trong Phật giáo, mong rằng họ có thể tịnh tâm suy xét lập trường của mình, dùng lý tính để cân nhắc sự lựa chọn hiện tại. Lịch sử cuối cùng sắp bước qua một thời đại hỗn loạn rối ren xưa nay chưa từng có, bước sang một kỷ nguyên tươi sáng và tráng lệ vô tỉ, nhưng sự thay đổi và đào thải lại là ranh giới liên quan đến vận mệnh cuối cùng của sinh mệnh. Vì thế có bài thơ rằng:

Diễn nghĩa:

Than ôi!…
Nguy thay chúng sinh!
Chính Pháp lăng trì, tà sư thuyết rằng
Thiên Địa không còn chính niệm, chỉ lấy tiền làm gốc.
Đâu biết sinh mệnh! Đâu biết thăng trầm!
Lời răn dạy đã quên, chỉ nhớ để đầu trọc.
Nước suối dơ bẩn muốn giặt áo, không phân biệt được đâu là vết bùn.
Cửa Phật đã không còn tịnh nữa,
Lấy gì để thanh tịnh? Lấy gì để gột rửa tâm?

Đã từng là kinh thành ngàn năm học tập, nay chỉ còn danh bóng.
Mưa gió từ đâu đến gõ cửa bình minh, ai có thể nhìn rõ?
Mây mù phảng phất kể chuyện ngàn năm, mấy người đã biết được Chân?
Lẽ nào luân hồi ba ngàn kiếp, vẫn còn chưa yên?
Mong được gió trời quét sạch tai họa, tái tạo tân địa cầu và thân thể!
Núi thu âm vang gọi cầu Chính Pháp,
Nước đục ầm ầm mong được trong xanh.
Tứ đại phong tục giáo hóa ai tái tạo?
Luân chuyển càn khôn thức tỉnh khỏi cơn mê.
Hãy quy chân, quy chân,
Cho tam tài trong sáng và thuần khiết!

Ván cờ sắp tàn cuộc, thang mây bắc lên trời.
Mà sao thiên hạ vẫn còn si mê, chỉ biết chơi bời mê mẩn.
Ai có thể đào hồ để gột rửa tâm, ta xin đổ máu vì chúng sinh.
Đổ đi dơ bẩn trả lại trong sạch, lại nghe bên tai tiếng Thiên nhạc âm vang!
Than ôi!
Hãy tỉnh! Hãy tỉnh! Hãy tỉnh!

Đàm luận thứ nhất

1. “Kim Cương Kinh” và “Tâm Kinh” vốn là những tác phẩm kinh điển mà Phật giáo Đại thừa coi trọng nhất, là sự khai thị của Đức Phật về chân lý vũ trụ mà đương thời Ngài đã lĩnh ngộ. Đối với các học giả mà nói, đó là tiêu chuẩn mà họ thường xuyên tham chiếu, xem xét để tu chính bản thân, đề cao bản thân. Bởi vì ý nghĩa ban đầu của Kinh là như vậy, không phải là thứ để con người đọc giải trí, mà cần lý giải và hấp thụ tâm Pháp rồi thực hành theo. Nếu như đọc không hiểu, cứ mãi mê muội không lý giải được, thì không chỉ uổng công vô ích, mà nếu nghe theo lý giải sai lầm sẽ khiến bản thân rơi vào ngục tù “mê châu” mà không biết, như vậy càng đáng buồn hơn. Bởi vậy, tác giả viết mười bài đàm luận về “Kim Cương Kinh”, mong muốn bắt đầu từ ý nghĩa nguyên gốc của kinh điển, kết nối quá khứ và tương lai, xin quý độc giả chớ vội dựa vào tình cảm mà cho rằng đó là điên khùng, nếu quý vị thực sự muốn tìm kiếm ý nghĩa của sinh mệnh, ý nghĩa thực sự của Phật Pháp, vậy thì hãy bình tĩnh đọc tiếp. Nếu chỉ dựa vào tình cảm sở thích thiên vị để duy hộ, bảo vệ người nào đó hay tôn giáo nào đó, vậy thì trong mắt của người tu Đạo chân chính, người như vậy thật ngu dốt, ngoan cố và nực cười, không đáng nhắc tới.

2. Tên đầy đủ của “Kim Cương Kinh” là “Kim Cương Bát-Nhã-Ba-La-Mật-Đa Kinh”, xưa nay tín đồ Phật giáo giải thích hai chữ Kim Cương là “bất động”, lại có người gọi là “như như bất động” (giữ nguyên mãi không thay đổi), kỳ thực sinh mệnh mê trong tình, nói “bất động” ấy chỉ là sự miễn cưỡng, không tin thì quý vị hãy quan sát đối chiếu với tâm của mình. Một người chưa đạt đến cảnh giới hoàn toàn ở trong Pháp, vẫn đang hướng tới viên mãn mà lại nói mình “bất động tâm”, đây là nhìn mà không thấy, tự lừa dối hoặc tự đề cao chính mình. Kim cương là hình ảnh ẩn dụ mô tả cảnh giới chân thật của Phật tính bất biến, chứ không phải là đặc tính của “đá kim cương” mà mọi người nhận biết. Khái quát một cách đơn giản, đây là một loại cảnh giới viên mãn trống rỗng, tự tại, chứa đựng tất cả mà lại không hòa nhập vào tất cả, đối với người tu luyện mà nói đó là một loại trí huệ tối thượng, nên gọi là “Bát nhã”. Bởi vì loại cảnh giới ấy chỉ có thể đạt được bằng tự bản thân trải nghiệm, nếu không chân chính thực tu mà lại nói một ngàn kể một vạn, thì rốt cuộc cũng giống như tả mùi vị của quả lê cho người chưa từng ăn lê, tả về tuyết cho người chưa từng nhìn thấy cảnh tuyết, tả mùi thơm say mê, vị ngọt của quả mít cho người chưa từng thưởng thức mít vậy.

3. “Kim Cương Kinh” là cảnh giới chân thật của “tính không” tự tại siêu thoát ra ngoài Tam giới và Phật tính vô lậu đã được Tu Bồ Đề và các đại Tỳ Kheo giảng ra trong một lần giải thích Pháp. Người ta trong quá trình tu luyện, thông qua đại Đạo chính Pháp, kiên định thực tu, chỉ chăm chỉ tu hành, không nghĩ đến thành quả, thì tự nhiên có thể hiểu rõ và đạt được, đạt được thì tự nhiên minh bạch. Đó không phải là điều cầu được từ bên ngoài, mà là kết quả tự nhiên của quá trình tu chính Đạo để đạt được viên mãn. Tại tầng thứ ấy, hết thảy Phật Đạo Thần đều là đặc tính, giống như con người đều có hình tượng con người, cho nên cũng không phải như nhiều người không rõ tình huống cuối cùng chỉ dựa vào tình cảm để suy đoán.

4. Vì đây là lời giải thích Pháp, tức là giải thích Pháp lý khi trả lời thắc mắc của đệ tử, nên tất nhiên có tính nhắm thẳng. Giống như một giáo viên giỏi giải đáp những vấn đề vướng mắc cho học sinh, để họ buông bỏ sự ràng buộc của cái khung cố hữu khi họ sắp đột phá được giới hạn, giống như khai mở hành trình mới. Thí dụ, một thầy giáo vật lý trước tiên giảng về cơ học kinh điển của Newton, thầy đã giảng rất nhiều định nghĩa, định nghĩa ấy rất quan trọng để học sinh trong giai đoạn này dựa vào đó nắm vững các quy luật vật lý trong thế giới mặt phẳng, hơn nữa những định nghĩa này thực sự có thể giải quyết rất nhiều vấn đề trong thực tế. Tuy vậy bất kỳ định nghĩa có giới hạn nào cũng chỉ có tác dụng trong khuôn khổ của định nghĩa đó, khi vượt ra khỏi phạm vi của định nghĩa thì ngược lại trở thành chướng ngại to lớn đối với việc tiếp tục tìm tòi chân lý, cho nên phải “phá vỡ” nó. Ví dụ nói về “Thuyết tương đối” của Einstein, nhân tiện nói một chút, thuyết này rất sai lầm, đó không phải thuyết tương đối của Einstein, chỉ bất quá là ý Thần an bài để ông khai mở lý thuyết này cho mọi người, chẳng qua ông chỉ nói rõ một tầng diện chân lý nhất định mà thôi. Tương tự như thế, Thích Ca Mâu Ni giảng Như Lai Pháp, không phải là Như Lai Pháp của gia phái Thích Ca Mâu Ni, cũng chỉ bất quá là ý Thần an bài Ngài đến để giảng đạo lý này cho nhân loại, kỳ thực ở tầng thứ ấy ai ai cũng đều biết rõ Như Lai Pháp giống như người ta biết ăn cơm vậy. Thích Ca Mâu Ni cũng giảng rằng Như Lai có nhiều như số cát của sông Hằng, cho nên những người thông minh tuyệt đối sẽ không dùng tình cảm để cản trở chính mình, mà phân tích một cách bình tĩnh, lý trí, cầu được chân Đạo vì lợi ích của chính mình. Còn như những chúng sinh ngu muội bất quá chỉ suốt đời nghiên cứu Kinh sách, thì đến chết vẫn không đạt được điều gì.

5. Bởi vì giải thích Pháp, nên đối với đại Tỳ Kheo mà nói thì không cần phải giảng về tầm quan trọng của những bài học cơ bản như chịu khổ, hành thiện, tiêu nghiệp nữa… Năm xưa Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp, tất nhiên cũng là “dùng hình tượng con người mà hành tẩu tại thế gian, lấy ngôn ngữ con người mà hiển thị Pháp lý”. Đây là điều cần thiết do Thiên định, vì sinh mệnh của con người nơi này đã trở nên không còn tốt mà rơi rớt xuống, chính vì lòng từ bi mà Thần đã cấp cho con người thêm một cơ hội nữa, nên đã tạo ra không gian mê này, cho con người một nhục thân với năng lực thấp mà phải chịu nhiều phiền não, thần thức bị khóa lại, mong rằng con người ở trong mê mà ngộ được một chút, ngộ ra thì có thể quay trở về, ngộ không ra mà càng trở nên bại hoại hơn thì sẽ bị tiêu hủy. Vậy nên không có vị sư phụ chính truyền nào lại lấy phương thức thần thông đại hiển đến truyền Đạo truyền Pháp, nếu như vậy thì không có chuyện ở trong mê mà ngộ Đạo, nếu không còn mê nữa thì cả những kẻ thập ác bất xá cũng muốn đến tu, những ma làm loạn cũng sẽ tu theo, ai mà không muốn tu chứ? Nhưng mà, nếu làm như vậy thì trước hết người truyền Pháp truyền Đạo đã phá hoại Pháp lý của vũ trụ, người đó phải rớt xuống trước tiên, phải chịu hủy diệt. Ai dám làm như vậy? Vì trước đây con người chỉ được biết đến Phật ở cảnh giới cao nhất là Như Lai, cao hơn nữa thì không cho phép con người biết, vũ trụ có nguyên tắc “ẩn” mà. Người đời sau không hiểu vì sao nên cho rằng Như Lai là “Phật cao nhất”, họ dùng quan niệm đẳng cấp của con người, tâm biến dị háo danh để đo lường những việc ấy, luôn muốn hơn người một bậc, kết quả khiến bản thân càng thêm mê muội, nực cười. Họ đã không truy xét một câu hỏi: giả sử Như Lai là cao nhất thì Như Lai được tạo ra như thế nào? Nhất định còn có Pháp để tạo ra Như Lai phải không? Cho nên, sau này khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc thì luôn phát sinh tranh đấu với Nho giáo và Đạo giáo nguyên thủy của Trung Quốc, có lúc rất kịch liệt, ba cuộc đàn áp chống lại Phật giáo trong lịch sử Trung Quốc chính là trong thời điểm rất cực đoan này. Lúc bấy giờ tam giáo thường xuyên tranh luận lẫn nhau, các cuộc tranh luận diễn ra trong cung đình còn do Hoàng đế đích thân chủ trì, vậy nên những môn đồ Thích Giáo liền thêu dệt ra một số câu chuyện như Thích Ca Mâu Ni khi hạ thế chào đời đã đi liền bảy bước, nói rằng: “Trên trời dưới đất chỉ có ta là tôn quý nhất”. Đó là phỉ báng Phật Thích Ca Mâu Ni chứ không phải ca tụng Ngài. Nếu Ngài làm như vậy thì trước tiên Ngài sẽ rớt xuống. Huống chi việc dùng phương thức thông qua đầu thai chuyển sinh thành người còn ẩn chứa nội hàm viên dung vô cùng quan trọng: vì Ngài hiểu được nỗi khổ của con người cho nên mới từ bi; bản thân trải nghiệm việc “cùng sống” với con người, mới có thể hiểu rõ thế giới nội tâm của con người, thấu hiểu những nỗi khổ cùng trạng thái, đặc điểm, tính cách thực sự của họ, mới có thể trực tiếp cứu độ con người. Ở phương Tây có một câu chuyện kể về một Thiên thần và một cô bé, câu chuyện có rất nhiều điều bổ ích, có thể làm bằng chứng phản biện cho điều này. Chính vì sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni khai ngộ đắc Đạo, bề ngoài thì người thường nhìn không ra, vì con người mê trong hành động và nhận thức của nhục thân, năng lực rất thấp kém, cho dù tận mắt nhìn thấy thần thông thì ngay lúc đó chỉ kích động một chút, sau đó lại không tin. Chính vì vậy mà khi Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp, có người tin, có người không tin, thậm chí cũng có kẻ hãm hại Ngài. Ngay cả những người tin Ngài cũng phân thành thượng sỹ, trung sỹ, hạ sỹ. Những bậc thượng sỹ vừa nghe Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng chân Pháp, khởi nguồn từ tâm liền sinh ra tín tâm thanh tịnh, theo yêu cầu của Thích Ca Mâu Ni xuất gia tu hành, theo Đức Phật nỗ lực tinh tấn cầu chính giác viên mãn. Những đệ tử thường xuyên bên cạnh Thích Ca Mâu Ni này chính là các đại Tỳ Kheo thường được nhắc đến trong Kinh sách, chính là các đệ tử Thượng tọa bộ. Còn những bậc trung sỹ hoặc những người có đức tin thuần khiết nhưng vẫn còn đắn đo e ngại hay không buông bỏ được trách nhiệm nơi thế tục, chính là các đệ tử ở tầng thấp hơn vào thời điểm đó, còn có những người nửa tu nửa không theo kiểu ba ngày đánh cá hai ngày phơi lưới. Xưa nay các bậc Thánh giác truyền Pháp phổ độ cũng không tránh khỏi tình huống như vậy.

6. Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi đả tọa dưới cây bồ đề bảy bảy bốn mươi chín ngày dứt bỏ hết những dục vọng phiền não và chấp trước của con người và đạt khai ngộ, Ngài cũng không phải lập tức đạt đến quả vị Như Lai, trong 49 năm truyền Pháp tiếp theo, Ngài vẫn dần dần thăng hoa lên, mãi đến những năm cuối đời mới đạt đến cảnh giới Như Lai. Bộ Kinh này chính là ghi chép lại những lời Ngài giảng vào những năm cuối đời, do vậy đối với tín đồ Phật giáo mà nói đương nhiên rất quan trọng vì đó là lời Như Lai giảng Pháp. Rất nhiều người cho rằng Thích Ca Mâu Ni nhờ đả tọa bảy bảy bốn mươi chín ngày dưới cội bồ đề mà khai ngộ, nhưng họ đã quên mất quá trình tu hành và sáu năm tu khổ hạnh trước đó của Ngài, kỳ thực đó là hoàn thành quá trình tiêu giảm nghiệp lực của sinh mệnh. Sau khi Thích Ca Mâu Ni khai ngộ, Pháp đầu tiên Ngài truyền chính là La Hán Pháp, trong đó khổ hạnh là bài học rất cơ bản, con đường chủ yếu trong Pháp của Ngài chính là “Giới – Định – Huệ”. Khi Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, ở Ấn Độ còn chưa có chữ viết, năm xưa Thích Ca Mâu Ni dẫn dắt đệ tử cũng không cần họ đọc Kinh sách vì không có Kinh sách mà đọc, mỗi ngày có ba việc: Thích Ca Mâu Ni giảng Pháp, sau đó dẫn họ đi khất thực, kế tiếp là đả tọa thực tu, tu thiền định. Ngày ngày đều như vậy. Thời kỳ đầu, Thích Ca Mâu Ni dẫn các đệ tử tu hành trong rừng rậm và trong các sơn động, mỗi ngày ăn một bữa, ngủ đêm dưới gốc cây, mỗi ngày chỉ gần chính ngọ mới đi xin một bữa cơm, sau đó là trường kỳ đả tọa tập thể, nhập định thâm sâu. Đó là việc vô cùng vất vả khổ cực. Bởi vì khổ cực, một số đệ tử còn chịu không nổi nên ban đêm lén lút cởi bỏ áo cà sa chạy về nhà, đã có lúc xảy ra sự việc như vậy. Bất kỳ môn chính Pháp nào đều không ép buộc người ta phải ở lại đó, những điều này cũng tất yếu trở thành một phần trong cơ chế khảo nghiệm và đào thải: Đạo Pháp tự nhiên. Những điều này cũng tất yếu trở thành khảo nghiệm, chỉ có kiên định thực tu, ý chí kiên cường, cuối cùng mới có thể khai ngộ đắc chính quả. Thời đó do luyện công tập thể, thực phẩm xin được có lúc rất ít, thêm vào đó Ấn Độ vốn có khí hậu ẩm ướt, người ta rất thích ăn những đồ ăn như hành, gừng, tỏi. Lúc bình thường con người sinh sống nơi thế tục vẫn chưa cảm thấy có vấn đề gì lớn, chỉ là miệng có mùi lạ mà thôi, vì nhân tâm không tịnh. Nhưng một khi trường kỳ nhập định thâm sâu, tu thiền định trở thành bài học rất quan trọng, thì vấn đề này sẽ trở thành nổi cộm. Học thuyết ngũ hành cổ xưa của Trung Quốc giảng về ngũ hành phối hợp ngũ khí, vạn sự vạn vật trong cảnh giới này của thế giới chúng ta đều có thể được lý giải dựa trên cái lý này, người thường cảm thấy hành, gừng, tỏi giúp ích cho việc điều trị một số bệnh, bởi vì bản thân nó bao gồm chút độc tố, thuộc tính âm, khí của nó rất đục. Khi người ta thiền định thâm sâu, mùi vị vô cùng hắc ấy sẽ ảnh hưởng đến việc nhập định, nên năm xưa ngoại trừ việc giới cấm các hành vi ác đạo rõ ràng như tham, dâm, sát, thì hành, gừng, tỏi cũng được coi là “huân”, không cho phép ăn, huân chính là không trong sạch. Quả đúng thời đó không có cấm thịt, thịt cũng không bị coi là huân. Bởi vì dân số Ấn Độ lúc bấy giờ không như hiện tại, có rất ít người, toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ tổng cộng có hơn 200 quốc gia, rất nhiều nơi đều là rừng rậm nguyên thủy, phương thức canh tác nông nghiệp còn chưa phổ cập, thức ăn rất ít ỏi, thậm chí rất nhiều người dựa vào săn bắt để duy trì sự sống. Phật Thích Ca Mâu Ni muốn các đệ tử buông bỏ những suy nghĩ thế tục, nên đã dùng phương thức đoạn tuyệt để nhanh chóng cắt đứt tham sân si dục của con người, Ngài đã lập nên chế độ xuất gia một cách cực đoan. Để giải quyết vấn đề lương thực, Ngài dẫn các đệ tử đi xin ăn, đi hóa duyên, người xin ăn không thể lựa chọn đồ ăn, đương nhiên không thể chọn có thịt hay không.

7. Nói đến khất thực, Phật giáo sau này gọi là hóa duyên. Kỳ thực khái niệm hóa duyên rất lớn, xin ăn là phương pháp bất đắc dĩ mới chọn dùng để phù hợp với trạng thái tu luyện lúc đó, đồng thời trong quá trình khất thực, các đệ tử phải đề cao tâm tính, nối duyên kết duyên, dùng các phương thức khác nhau để kết thiện duyên với chúng sinh. Vì phương thức quản lý sinh mệnh mà tín đồ Phật giáo chọn dùng, nhất định sau khi họ tu thành sẽ có thể mang lại lợi ích cho nhiều chúng sinh hơn, nên trước mắt họ mượn người ta cái ơn một bữa cơm, sau này báo đáp lấy siêu thoát làm trọng, đó cũng là sự viên dung từ bi của Phật gia: vừa giải quyết được vấn đề về phương thức tu luyện, vừa kết được thiện duyên cứu độ chúng sinh trong tương lai. Sau đó Phật giáo truyền đến Trung Quốc, bởi vì các cao tăng Phật giáo Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đến Trung Thổ là được Minh Đế Lưu Trang thời Đông Hán mời đến, quan niệm phần đa ở Trung Quốc lại cho rằng “người khất thực” chung quy không thể nào là người đại đức đại trí, người Trung Quốc rất khinh thường, cho rằng đó là không làm mà có ăn, nên đã xuất hiện một số thay đổi về hình thức tu hành trong Phật giáo. Từ góc độ Hoàng thất mà nói, để cho các bậc Thánh giả được mời đến lại đi khất thực, quả là mất thể diện, vì vậy Quốc vương đã xây cho họ nơi cư ngụ, ban đất cho họ và cung dưỡng họ. Đầu tiên họ nghỉ ngơi tại Hồng Lư Tự (cơ quan phụ trách việc tiếp đón và thể thức lễ nghi với những sứ đoàn từ các triều hoặc nước khác đến). Lưu Trang nằm mơ thấy một con ngựa trắng mang Kinh sách đi về phía Đông, nên đặt tên là “Bạch Mã Tự”, từ đó về sau nơi cư ngụ của hòa thượng đều thêm chữ “Tự” (chùa) vào. Vì muốn Phật Pháp được truyền bá rộng rãi hơn ở Trung Thổ, Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan cũng phải điều chỉnh để phù hợp với xu thế thời đại và tập tục địa phương, sau này chỉ khi đi vân du bốn phương thì các hòa thượng mới cầm bát đi xin ăn. Nhưng lúc ban đầu chế độ “vân du” rất nghiêm ngặt, cũng chỉ có “một bình một bát”, không mang theo thứ gì khác. Trong chùa Phật giáo yêu cầu xuất gia (tứ đại giai không mà Thích Ca giảng có nội hàm cao hơn, không phải không có, mà là hoàn toàn không chấp trước, sau này trở thành câu cửa miệng của họ). Xuất gia nghĩa là không có nhà, chùa không phải là nhà, cũng không được xem như nhà mà phải xem như trường học. Chùa chính là trường đại học của Phật giáo, tu viện chính là lớp học của Phật gia, đó mới là thực chất. Đã là trường học thì cần có một quá trình dạy học và thăng cấp, chế độ trong chùa thời đó rất nghiêm khắc, cũng quy định ngày ăn một bữa, đọc Kinh trong thiền đường, đả tọa trong thiền phòng, thiền phòng đều là giường chung, mọi người đều cùng nhau tinh tấn. Để phổ cập kiến thức mới, hai tôn giả đem bộ phận then chốt trong giáo nghĩa của Phật Thích Ca Mâu Ni dịch thành một bản Kinh sách đơn giản khái quát, đó chính là cuốn “Tứ Thập Nhị Chương Kinh” (Kinh Bốn Mươi Hai Chương). Bởi vì khi đã nhập Phật môn thì mục đích rất minh xác, chính là phải kiên định, dũng mãnh cầu chính giác, tận sức nhanh chóng phá mê khai ngộ, chịu khổ thực tu, đoạn tục diệt dục đương nhiên chính là ý nghĩa tất yếu, không được lựa chọn thực phẩm hay nơi cư ngụ. Chùa chiền xưa kia cũng không có nhiều tượng như bây giờ, chủ yếu là Kinh sách, sau này dần dần Phật giáo đi vào giai đoạn “tướng Pháp” (chính là con người chưa có ngộ tính và trí huệ cao như trước nữa, ngày càng bị hậu thiên ô nhiễm, nên phải xây dựng một hình mẫu, dùng sự trang nghiêm bề ngoài mà thu hút chúng sinh đến tu học Phật Pháp), vì vậy các bậc đại đức trong các triều đại đều không ngừng góp phần hoàn thiện các kiến trúc của chùa chiền, tăng thêm giáo cụ và hoàn thiện thêm giới luật. Trước đây hòa thượng không nấu ăn, nhưng sau này xây chùa, khi nấu ăn mùi thịt thơm ngon bay đến rất hấp dẫn người ta, vấn đề này cũng trở nên nổi cộm, vì để bảo đảm không gian thanh tịnh cho việc thiền định và đọc Kinh, sau này đã quy định không cho phép ăn thịt. Thịt dần dần bị loại khỏi bàn ăn của tín đồ Phật giáo, việc này tất nhiên cũng nảy sinh một số tranh luận, đó cũng là thể hiện khả năng viên dung của Phật Pháp, nhưng ý nghĩa của việc không cho ăn thịt là không để con người khởi chấp trước mạnh mẽ đối với thịt, chứ không phải không ăn thịt đại biểu cho điều gì. Bởi vì bản thân việc chấp trước đối với đồ ăn ở thế gian chính là một chướng ngại to lớn, nuôi dưỡng sự ngu muội của nhục thân, cho nên sau này có những tín đồ Phật giáo đã làm ra các món ăn chay nào là “Đại tiệc hoàng gia Mãn-Hán”, “Hoa bầu dục xào chay”, “Thịt nạc hầm chay” v.v., còn nói hùng hồn đầy lý lẽ rằng chúng ta không ăn thịt, thực sự hoàn toàn đảo lộn khái niệm về không ăn thịt. Chấp trước đối với mùi vị thức ăn của họ còn tệ hại hơn nữa, lại còn cảm thấy bản thân “tu được thanh tịnh”, trong mắt của người tu Đạo chân chính, đó là điều thật đáng cười. Giống như một người nghiện cờ bạc, sau này vì điều kiện hạn chế nên không đánh bạc nữa, nhưng vẫn còn lấy hạt ngô hay viên sỏi nhỏ thay tiền đánh bạc, trong tâm không có thay đổi. Ngoài miệng nói rằng tôi không đánh bạc nữa, nhưng then chốt ở chỗ tâm chấp vào đánh bạc của bạn có còn hay không. Không chấp vào ăn và mặc nơi thế gian đều là không chấp trước mà tự nhiên viên dung, cũng không thể nói mặc áo cà sa màu vàng xám như đất thì là “thanh tịnh”. Phật mặc cà sa màu vàng kim rực rỡ, Đạo mặc áo choàng màu tím hoa lệ, họ có chấp trước không? Họ vẫn là Phật, Đạo, họ không có những thứ khái niệm như chúng ta. Còn một người mà tâm phàm không thay đổi, thì cho dù mặc quần áo thô, ngủ giường đất, ăn cơm thừa, nhưng trong tâm không buông bỏ danh lợi tình thì đó bất quá chỉ là trạng thái ngụy tạo, giả tu.

8. Tiểu thừa là cơ sở của Đại thừa, giống như tiểu học là cơ sở của đại học. Đối với những người không hiểu rõ thì Tiểu thừa chú trọng “trước tướng” (vẫn còn hình dạng), Đại thừa chú trọng “không”, họ đứng trên góc độ tham lam và tư niệm của con người, đương nhiên tu Đại thừa “cao hơn”. Vậy, bạn mong muốn một bước lên đến đỉnh của tòa cao ốc 50 tầng, bạn chỉ thích lên tầng thứ 50 nhưng lẽ nào bạn không cần tốn công sức để trèo lên 49 tầng bên dưới sao? Đạo lý đơn giản như vậy! Giống như việc học Nho gia, “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện” (Mục đích của sự học rộng cốt làm sáng cái đức của mình, cốt khiến cho người ta tự đổi mới, cốt khiến cho người ta dừng ở chỗ chí thiện). Tốt biết mấy, một bước trở thành Thánh hiền. Nhưng nếu một người không có nền tảng học “tiểu học”, rèn luyện thành thục tâm Pháp, lễ nghĩa, đạo hiếu kính trở nên tự nhiên, chẳng qua chỉ thuộc lòng câu chữ, thì thực chất chỉ là kẻ tiểu nhân ngụy quân tử mà thôi. Vì vậy vào giai đoạn chính Pháp và tượng Pháp của Phật giáo, cũng chính là khi Pháp của Thích Ca Mâu Ni chưa bại hoại, những người chân tu đều biết rằng Đại thừa phải bắt đầu từ Tiểu thừa, chịu khổ hành thiện, khổ tu thiền định, chứ không phải là đàm luận bừa bãi về các giáo lý Phật giáo. Thiền chính là sự khái quát của cảnh giới Không, nhưng Không không phải là giả Không, cảnh giới của Không thực sự là sự viên mãn tràn đầy Pháp tính, đối với cảnh giới bên dưới là không gì không bao hàm, không gì bị bỏ sót, không gì không biết mà lại tự nhiên không gì chấp trước. Chẳng hạn tại cảnh giới của Như Lai, đối với tất cả những gì trong một nghìn thế giới bên dưới tầng thứ Như Lai, tất cả những suy nghĩ của chúng sinh, kể cả suy nghĩ của trâu ngựa Ngài đều biết, nhưng suy nghĩ của Ngài sẽ không tiến nhập vào trong đó. Như Lai cũng không đích thân cứu độ chúng sinh, Như Lai chỉ có nguyện vọng đó còn việc cụ thể là do Bồ Tát làm.

9. Khi mà Pháp của Thích Ca Mâu Ni chưa bị phá hoại, nếu vũ trụ không phải đang ở trong thời kỳ chỉnh thể Chính Pháp, vậy thì nếu nghiêm khắc chiểu theo Giới – Định – Huệ của Thích Ca Mâu Ni mà tu thì phó nguyên thần có thể tu thành. Vì Thích Ca Mâu Ni đến từ vũ trụ tầng thứ sáu, và thế giới Cực Lạc mà tín đồ Phật giáo nói đến nằm ở trung tâm của vũ trụ tầng thứ hai, cho nên người đời sau không lý giải được sự tu trì trong thế giới Cực Lạc, dường như chỉ dựa theo “A-Di-Đà Kinh” mà cải biến và tham ngộ ra Pháp môn Tịnh Độ, cho rằng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” là có thể khai ngộ, người ta lý giải một cách đơn giản như vậy, thậm chí có những tín đồ Phật giáo thời kỳ mạt Pháp không hiểu rõ lại đem nó ra gạt người gạt mình. Thật ra tầng thứ của Thích Ca Mâu Ni rất cao, Ngài trực tiếp xuyên qua sáu tầng vũ trụ mà xuống đây, mang theo Pháp thâm sâu của “thế giới Đại Phạm” mà Ngài sáng tạo từ vũ trụ tại tầng thứ sáu, đồng thời cũng phải cứu độ rất nhiều chúng sinh bị rớt xuống khỏi thế giới Phật ở cảnh giới bên dưới, đó là nguyên nhân mà Ngài giảng về những thế giới này và Kinh sách của thế giới ấy. Vì con người không biết, chúng sinh trước kia từ thế giới nào rơi xuống đương nhiên đều có khát vọng quay về cố hương, mà thế giới của các vị Thần và chư Phật khác với kết cấu bản nguyên của bạn. Ví như bạn sinh ra là người phương Đông đã quen với tư duy và lối sống của phương Đông, nếu cưỡng ép đưa bạn sang phương Tây sống, bạn sẽ không vừa ý, hơn nữa cha mẹ thực sự của bạn có thể không để bạn đi. Cho dù người khác có ý định tốt, muốn bạn có cuộc sống tốt hơn một chút, cha mẹ chẳng phải sẽ chạy theo họ đòi bạn sao? Vậy người kia rất có thể bị xem như kẻ buôn người. Lòng tốt đặt không đúng chỗ. Thần Phật không làm như vậy. Vậy thì Thích Ca đã giúp rất nhiều vị Phật ở tầng thứ mà Ngài đến, viên dung thế giới và nguyện vọng của họ, nhưng những vị Phật ấy có thể không đích thân đến thế gian làm sự nghiệp phổ độ như Thích Ca Mâu Ni, như thế thì toàn bộ con đường dường như là Thích Ca Mâu Ni tu vậy, mãi đến tầng thứ sáu của vũ trụ (tôi chỉ có thể nói như vậy), tiện đường thì rẽ qua thế giới Cực Lạc và thế giới Lưu Ly, rồi mang theo những thứ trong thế giới ấy trên đường trở về. Nếu trong tâm bạn luôn nhớ đến Phật A Di Đà thì Phật A Di Đà sẽ đến giúp bạn, Pháp thân của Ngài sẽ hộ pháp cho bạn, chăm sóc bạn, bảo hộ bạn, giúp bạn diễn hóa công, đến khi bạn phải ra đi, Ngài sẽ đón nhận bạn đến thế giới Cực Lạc. Nhưng vì đặc điểm và quy luật của toàn bộ con đường tu luyện này là do Thích Ca Mâu Ni mở ra, bạn phải theo Giới – Định – Huệ mà tu, cho dù niệm Phật hiệu bề ngoài rất đơn giản, nhưng tâm Pháp và tu luyện chân chính ắt phải tuân theo Giới – Định – Huệ, đó cũng là không nói mà tự hiểu. Hơn nữa, có một thiên cơ, đó là: Phật, Đạo, Thần chỉ độ người của thế giới họ rớt xuống. Không phải là Phật, Đạo, Thần có vẻ như bo bo giữ mình, kỳ thực là họ không thể giải quyết được vấn đề của các thế giới Phật khác, lấy ví dụ Phật ở tầng thứ Như Lai trên Thiên thượng giống như các đại luật sư, nhưng mà họ có phân chia công việc, có sở trường khác nhau, có người giỏi về vụ án loại này nhưng lại ít hiểu biết hoặc thiếu kinh nghiệm trong việc giải quyết vụ án loại kia. Nếu bạn tìm nhầm luật sư, thì tuy người đó có tiếng tăm nhưng không nhất định hiệu quả bằng luật sư bình thường xử lý vụ án của bạn. Chính là ý nghĩa này. Nên Phật, Đạo, Thần từ bi có thể giúp bạn, bạn tụng niệm tên họ, chân thành sùng bái họ, thì họ có thể điểm hóa hoặc an bài cơ duyên cho bạn. Điều thật sự có thể giải quyết được tất cả vấn đề, chính là việc hồng truyền Pháp của vũ trụ. Năm xưa trong phạm vi nhỏ, Thích Ca Mâu Ni từ tầng thứ sáu của vũ trụ xuống, cũng có thể tự nhiên viên dung Pháp của thế giới ở tầng tương đối thấp như thế giới Cực Lạc và thế giới Lưu Ly. Các Giác Giả không có những ý kiến luận bàn nực cười và ngu ngốc như của những người đó, nhưng nếu họ hiểu rằng nguồn gốc của Thích Ca Mâu Ni có thể được người ta biết thì họ sẽ không hồ đồ.

10. Thích Ca Mâu Ni giảng bộ Kinh này vào những năm cuối đời của Ngài, sau khi Ngài đã chứng ngộ quả vị Như Lai. Bởi vì khi giảng bộ Kinh này Ngài đã nhấn mạnh tầm quan trọng phi thường của Kinh ấy. Thời đó mười đại đệ tử của Ngài như Xá Lợi Phất, Đại Già Diệp, Mục Kiền Liên v.v. đã hết sức để tâm, vì lúc ấy Ấn Độ không có văn tự, họ chỉ có thể truyền miệng. Dù trí huệ của họ rất cao, trí nhớ rất tốt, cũng khó tránh khỏi có lúc nhớ nhầm lẫn, hơn nữa mãi đến 500 năm sau khi Thích Ca Mâu Ni không còn tại thế Phật giáo mới tổng kết ra Kinh sách. Đến thời đại A Dục Vương, Phật giáo mới bắt đầu được quốc gia tôn sùng, có điều kiện phát triển tốt hơn một chút. Vậy trong quá trình khẩu truyền dài đến 500 năm, có thể có chỗ nhớ sót, nhớ sai hoặc nhầm lẫn không? Chắc chắn là có. Có những đệ tử sau này đem những điều lý giải của mình lẫn lộn vào trong ấy không? Chắc chắn là có. Cho dù các đệ tử vô cùng thận trọng ghi chép lại những điều trong giai đoạn “Chính Pháp” của Phật giáo, nhưng trong quá trình truyền bá tất nhiên không tránh khỏi điều đó. Kim Cương Kinh đã thể hiện rõ ràng điều này. Người đời sau chia bộ Kinh thành 32 đoạn, từ đoạn thứ 17 thì bắt đầu xuất hiện những nội dung bị lặp lại, kỳ thực là do những điều người ta hồi tưởng ra không giống nhau, tổ sư của họ đều là các đại đệ tử của Thích Ca Mâu Ni trước khi Ngài niết bàn, người đời sau không phân biệt rõ là chuyện gì, vậy nên thêm những điều đó ở phần sau để tham chiếu. Mục đích là không để thiếu sót, lỡ ra điều mà Thích Ca Mâu Ni giảng còn có ý nghĩa nào đó thì sao? Sau này khi Cưu Ma La Thập dịch Kinh sách, các chữ trong Bối Diệp Kinh (Kinh khắc trên lá bối) cũng bị khuyết thiếu. Trong quá trình Cưu Ma La Thập dịch Kinh sách, hầu hết đều dịch nói bằng miệng để đệ tử của ông ghi lại, những lời truyền miệng đó nguyên ban đầu là có tên người X nào đó nhớ lại, có tên người X nào đó nói như vậy, nhưng đã bị họ bỏ hết đi. Và những điều mà Huyền Trang phiên dịch cũng tham chiếu theo bản dịch của Cưu Ma La Thập, do vậy người đời sau một mặt đọc không hiểu ý nghĩa của Kinh và không phân biệt được điều sai trong đó, mặt khác do ảnh hưởng của tình cảm, nên dù nhìn thấy lặp đi lặp lại nhiều lần cũng không dám nghi ngờ, vẫn còn duy hộ bằng tình cảm, cho rằng đang duy hộ Phật Thích Ca Mâu Ni. Kỳ thực Cưu Ma La Thập cũng vậy, Pháp sư Huyền Trang cũng vậy, trong quá trình dịch thuật tất nhiên cũng trộn thêm vào những lý giải của họ đối với Phật Pháp. Sau này trong quá trình sao đi chép lại, lại thêm kể từ sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, tam giáo (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo) liên tục xảy ra tranh chấp, vì muốn giành phần thắng nên những người duy hộ Phật giáo đã thêm thắt từ ngữ vào trong các bản dịch, do vậy đã khiến cho bộ Kinh này có một số phần trở nên quá đơn giản, một số phần lẫn lộn quan niệm của cá nhân không còn là nguyên văn lời của Đức Phật, một số chỗ thêm vào nhân tố phân tranh hơn thua của tam giáo đương thời, có chỗ dịch không chính xác, vì thế khiến cho bộ Kinh này trở thành một trong những bộ Kinh Phật khó giải thích nhất từ xưa đến nay. Đến ngày nay, e rằng khó mà tính được bao nhiêu người đã cố gắng giải thích câu chữ trong cuốn Kinh này, nhưng chỉ rất ít người thực sự tìm được ý nghĩa thâm sâu trong đó, mà chỉ có người tu luyện Đại Pháp mới có thể hiểu rõ nó, bỏ đi những lý giải sai lầm để giải thích lại nó một cách rõ ràng. Dựa trên thực tế, chúng ta có thể thấy rõ ràng những nhân tố ở phía sau đó, trong thời kỳ xã hội còn duy trì đạo đức, đằng sau bộ Kinh sách đó là có Thần hộ Pháp, nên xưa kia mọi người cũng biết rằng người thường tụng niệm bộ Kinh này cũng có thể được bảo hộ. Nhưng cổ nhân kính Phật, thường không dám khinh nhờn Kinh Phật, nên phải mời cao tăng đại đức đến niệm Kinh, chứ không dám tự mình niệm. Chúng ta thấy rằng “Kinh Kim Cương” được lưu truyền trên thế gian hôm nay thật sự là những cuốn Kinh pha tạp, tất cả những chỗ phù hợp với nguyên nghĩa của Thích Ca Mâu Ni đều lấp lánh ánh hào quang, còn những chỗ dịch không chính xác nhưng chưa lẫn lộn sai lầm thì ánh sáng âm u hơn, mà những chỗ bị người đời sau lẫn lộn sai lầm thì đều đen tối. Mặc dù nguồn gốc của Thích Ca Mâu Ni rất cao, nhưng trong Pháp lý của cựu vũ trụ, Pháp của Ngài chỉ có thể độ phó nguyên thần không nhập vào Tam giới, đối với bộ phận chính, những đệ tử chân chính của Ngài, Ngài đã mở ra một tầng trời trong cõi vô sắc, tầng cao nhất trong Tam giới, gọi là Đại Phạm Thiên, liên tục ở đó trông coi các đệ tử của Ngài tích lũy uy đức to lớn trong nhiều lần chuyển sinh, các sinh mệnh rơi xuống từ các tầng thứ khác nhau, có thể mượn thân người để tu luyện, cũng đã giúp viên dung những sự việc của thế giới Cực Lạc, thế giới Lưu Ly v.v. Nhưng những sinh mệnh của chủ thể thì chưa nhảy ra khỏi Tam giới, đó cũng là ý nghĩa chân chính mà năm xưa Ngài từ bi giảng “thực vô chúng sinh đắc diệt độ giả” (thực sự không có chúng sinh nào được độ). Bởi vì Thích Ca Mâu Ni đến để dựng lập văn hóa của Phật trải đường cho Đại Pháp phổ truyền. Ngài suốt đời chịu vô số khổ nạn, khi Đại Pháp hồng truyền, Ngài cũng đã an bài cho các đệ tử chân chính của Ngài đến để đắc Pháp. Sau khi họ đồng hóa Pháp của vũ trụ, Ngài sẽ dẫn họ rời khỏi Tam giới, đệ tử của Ngài thấp nhất cũng phải tu đến tầng thứ sáu của vũ trụ, đó là năm xưa được sự an bài của Ngài một cách có hệ thống. Đệ tử chân chính của Ngài đều được thọ ký, trên trán có một phù hiệu chữ “Vạn”. Người thực sự có công năng chỉ liếc qua là nhìn thấy. Cho nên, không phải cứ cạo trọc đầu, ngoài miệng niệm “A-Di-Đà-Phật” thì là đệ tử của Ngài.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/48408



Ngày đăng: 12-09-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.