Luận giải “Kim Cương Kinh” (Phần 2)



Tác giả: Tần Chính

[ChanhKien.org]

Lời của Ban biên tập: Loạt bài này được viết dựa trên lý giải của tác giả đối với luận thuật trong “Kim Cương Kinh”. Chúng tôi cho rằng bài viết này có giá trị tham khảo nhất định đối với việc giảng chân tướng cho các nhân sĩ trong giới tôn giáo nên đã đăng lại tại đây. Đối với các đệ tử Đại Pháp không có liên quan đến việc giảng chân tướng cho các nhân sĩ tôn giáo thì không cần thiết phải đọc. Hy vọng mọi người dĩ Pháp vi Sư, làm tốt ba việc mà Sư phụ yêu cầu chúng ta làm.

(Theo Ban biên tập báo Nhân Dân: “Luận giải Kim Cương Kinh” là những tâm đắc thảo luận nghiên cứu Kinh Kim Cương giữa tiên sinh Tần Chính với bạn bè trong giới Phật giáo).

Đàm luận thứ hai

1. Tiếp theo chúng tôi sẽ giải thích cụ thể về “Kim Cương Kinh”. Giáo đồ chân chính của Đức Phật nhất định phải hiểu rõ rằng khi Đức Phật thuyết Pháp giảng Kinh, Ngài đều đã nói rõ rằng “Ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp” (tạm dịch: Tất cả Pháp ta giảng ra giống như chiếc bè qua sông, Pháp còn nên xả huống chi không phải Pháp). Ngài chính là muốn mọi người nhận thức chân lý của vũ trụ mà Ngài giảng, dùng nó để tu luyện, thực sự hiểu Đạo và khai ngộ, chứ tuyệt đối không phải dùng tình cảm người thường mà làm theo lời Ngài giảng, còn bản thân không hiểu rõ ý nghĩa chân thật, chỉ biết mù quáng đọc thuộc lòng, không có cách nào hiểu được nội hàm chân chính của những lời Ngài giảng để tu thân luyện Đạo (người xưa làm như vậy là vì tu luyện phó nguyên thần, nói thẳng là không phải chủ ý thức tu luyện; trên thực tế trong lịch sử chưa từng có người tu thành, người tu thành chỉ là phó nguyên thần mượn cái thân người này để tu luyện chứ không nhập Tam giới, thành tựu trong lịch sử xưa nay đều như vậy). Khi thực sự có người có thể khai mở chính kiến, nhưng lại do đụng chạm đến danh lợi tình của con người, động đến tâm của người phàm tục mà phản đối một cách không lý tính, kỳ thực cũng bất quá là mượn danh nghĩa của Phật, thực chất bên trong cái mà họ luôn luôn duy hộ là lợi ích và hư danh của bản thân, là cảm tình và kiêu ngạo ngông cuồng của bản thân mà thôi. Từ xưa đến nay đã có rất nhiều người giải thích về bộ kinh này, nhưng người có trí tuệ cần phải biết rằng, chân lý là bất biến, không vì sự khác biệt về thời gian xưa nay mà giải thích khác nhau, những gì người xưa làm ra không nhất định đều là vàng ngọc tinh xảo, tất nhiên cũng có cả rác rưởi cặn bã, điều này bạn không thể không thừa nhận. Người thời nay nếu thấu hiểu chân lý của vũ trụ, thì điều họ nói ra cũng là lời đại Đạo còn mãi muôn đời. Cho nên Khổng Tử nói: “Thuật nhi bất tác, thiết tỉ ngã ư Lão Bành” (tạm dịch: Truyền lại Đạo của các bậc Tiên vương mà không tự mình sáng tác, tôi thầm tự ví bản thân với Lão Bành).

2. Trước hết chúng ta xem đoạn thứ nhất:

“Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Xá Vệ quốc Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên, dữ đại tỳ kheo chúng thiên nhị bách ngũ thập nhân câu. Nhĩ thời Thế Tôn thực thời; trước y trì bát, nhập Xá Vệ đại thành khất thực, ư kỳ thành trung; thứ đệ khất dĩ, hoàn chí bổn xứ. Phạm thực ngật, thu ý bát, tẩy túc dĩ, phu tòa nhi tọa.” (Tạm dịch: “Tôi nghe như vậy: Một hôm đức Phật ở nước Xá Vệ tại rừng Kỳ Thọ trong vườn Cấp Cô Độc cùng với 2.500 chúng đại Tỳ Kheo. Khi ấy đến giờ ăn, Đức Thế Tôn, Ngài mặc y mang bát vào đại thành Xá Vệ khất thực. Trong thành ấy, ngài theo thứ tự ghé từng nhà khất thực xong rồi trở về tịnh xá. Ăn cơm xong Ngài dọn dẹp y bát, rửa chân tay, sắp xếp chỗ ngồi rồi tọa thiền”).

“Như thị ngã văn” có nghĩa là tôi đã nghe được bộ kinh này từ đức Phật vào khi đó. Tại sao phải thêm bốn chữ này ở đầu? Vì năm đó trong quá trình Thích Ca Mâu Ni dẫn theo các đệ tử truyền Pháp cũng đã phát hiện một vấn đề, đó là các đệ tử khi giúp Ngài truyền Pháp độ nhân luôn luôn thuận miệng nói ra Pháp mà đức Phật giảng, làm người khác không biết rõ lời đó là do ai nói. Như vậy một mặt điều này dẫn đến sự sùng bái sai lầm, mặt khác, bởi vì sự tu luyện của các đệ tử chưa cao, nên khi họ thuật lại lời của Thích Ca Mâu Ni mà không nêu rõ đó là lời Thầy giảng, vì vậy đã không có nhân tố và lực lượng của Phật Thích Ca Mâu Ni trong ấy. Bản thân họ được chúng sinh trong mê sùng bái cũng lại nảy sinh tâm lý hiển thị và hoan hỷ, đây là cái tâm rất xấu, vô tình làm trái với lời Thầy dẫn đến loạn Pháp. Theo thời gian lâu họ thậm chí còn trộn lẫn những điều mà họ đã ngộ được ở cảnh giới tương đối thấp vào Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng, nên rất nhanh chóng làm rối loạn Pháp của Thích giáo. Cũng giống như Nho giáo sau khi Khổng Tử mất, một số đệ tử đưa Hữu Tử thay thế vị trí của Khổng Tử, vì họ cảm thấy lời nói của Hữu Tử giống như Khổng Tử, sau này mới phát hiện ra điều đó hoàn toàn sai lầm. Thạch anh và kim cương có ngoại hình giống nhau, dường như thể hiện cùng độ bóng nhưng tính chất thực tế là hoàn toàn khác nhau. Vì vậy trước khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni viên tịch niết bàn Ngài đã thuyết giảng cho Ananda đệ tử hầu cận bên cạnh Ngài một bộ kinh điển cuối cùng và cũng rất quan trọng trong cuộc đời Ngài, gọi là “Đại bát Niết Bàn Kinh” (Niết bàn Kinh). Trong bộ kinh này có những khai thị rất rõ ràng về việc truyền bá Thích giáo như thế nào sau khi Ngài nhập niết bàn và các đệ tử làm thế nào để nhận thức được tương lai của Phật giáo (“Niết Bàn Kinh” được truyền lại sau này, có những chùa đã cất giữ đến 36 quyển, kỳ thực hầu hết đều là người đời sau mượn danh làm giả, hãy thử nghĩ Phật Đà trước lúc lâm chung liệu có thể giảng nhiều lời như vậy chăng? Đâu có nhiều lời giảng như vậy? Giống như Chu Hy đã nói với đệ tử trước khi lâm chung, cũng chỉ là vài chục chữ, chủ yếu giảng đại ý làm sao để tu thân thành Thánh. Các bậc Thánh hiền xưa nay đều như vậy). Bộ kinh ấy có ba phương diện lớn mà người đời sau cần chú trọng. Thứ nhất chính là liên quan đến vấn đề lưu truyền Phật giáo, Thích Ca Mâu Ni biết Pháp của Ngài sẽ lưu truyền đến Trung Quốc, Ngài đã giảng rằng vùng đông thổ Trung Quốc sẽ là nơi thắng địa của Pháp của Ngài. Vấn đề thứ hai vô cùng quan trọng là vấn đề các tăng nhân Phật giáo phải tu như thế nào sau khi Ngài niết bàn và quản lý tăng đoàn ra sao. Ngài đã giảng ba điểm:

(1) Sau khi ta niết bàn, các đệ tử phải “lấy giới làm thầy”, nỗ lực tu hành dựa vào Giới Định Huệ;

(2) Mỗi khi trích dẫn Pháp của ta giảng, nhất định phải thêm “Như thị ngã văn” ở trước, để tránh sai sót hỗn loạn.

(3) Đối với những kẻ loạn Pháp hoại Giáo, tất cả phải áp dụng phương pháp “mặc tấn chi” (chính là mặc kệ họ, bài trừ họ, không cấp cho họ thị trường).

Bởi vì năm xưa Thích Ca Mâu Ni không giảng đến thể hiện chân thực của Pháp lý vũ trụ tại tầng của Ngài, cho nên đối với chủ thể bề ngoài của con người không hiểu rõ nguyên nhân mà nói thì đọc toàn bộ “Kim Cương Kinh” chỉ lờ mờ chẳng hiểu gì, vì chỉ có phó nguyên thần không nhập Tam giới mới hiểu rõ. Mà bề ngoài của con người chỉ có một chút cảm giác, bởi vì con người có tình cảm rất phong phú, tác dụng của tình cảm sẽ sinh ra định kiến rất mạnh mẽ, có những điều chúng ta không hiểu rõ nhưng vì mọi người bảo sao hay vậy nên chúng ta càng thần thánh hóa nó. Kỳ thực năm xưa Thích Ca Mâu Ni cũng vì chịu hạn chế bởi các nhân tố của cựu vũ trụ nên có rất nhiều việc còn chưa làm được, nhưng Ngài đã để lại cho con người giới luật. Nếu cứ theo giới luật mà làm thì kỳ thực con người đã có thể đạt được tiêu chuẩn của người tu luyện rồi. Mặc dù nói rằng chủ thể của các đệ tử đã chuyển sinh và tu luyện lặp đi lặp lại trong 2500 năm qua, nhưng họ chưa thực sự được cứu độ, những người được cứu độ đều là phó nguyên thần. Nhưng Phật Thích Ca Mâu Ni biết được việc Phật Chủ hạ thế Chính Pháp trong thời kỳ mạt pháp, nên Ngài đã an bài tất cả cho đệ tử của Ngài một cách tỉ mỉ cụ thể: các đệ tử chuyển sinh tu luyện lặp đi lặp lại, mỗi một đời đều rất khổ, vì mỗi một đời trong thân thể của họ đã tu xuất được một Đại Giác Giả, vậy nên uy đức đã tích tụ được là vô hạn. Sau khi viên mãn Ngài không bao giờ rời khỏi Tam giới, tại Vô Sắc giới, nơi cao nhất trong Tam giới, một tầng trời đã được sáng tạo ra, gọi là Đại Phạm Thiên, ở đó Ngài luôn luôn dõi theo đệ tử của Ngài. Đệ tử của Ngài đều có thọ ký, trên trán có một phù hiệu chữ 卍 của nhà Phật. Đến cuối cùng khi truyền Đại Pháp, Ngài đã an bài cho các đệ tử đồng hóa với Đại Pháp, cuối cùng Ngài sẽ dẫn đệ tử của Ngài rời khỏi Tam giới. Đệ tử của Ngài thấp nhất cũng phải tu đến thế giới Đại Phạm (ở trên tầng thứ sáu của vũ trụ), quả vị thành tựu được là phi phàm. Bộ phận quan trọng thứ ba, chính là trong bộ kinh ấy đã giảng về quá trình Thành Trụ Hoại của bộ Pháp do Thích Ca Mâu Ni truyền, tức là vấn đề vận mệnh của Phật Pháp. Trong 500 năm sau khi Thích Ca nhập niết bàn là thời kỳ “Chính Pháp” của Thích giáo, điều này hoàn toàn khác với Chính Pháp của cả vũ trụ mà chúng ta nói đến hôm nay. Lúc bấy giờ đó chỉ là sự quy chính của một bộ phận của tiểu vũ trụ, vả lại thể hiện tại thế gian chỉ là Bà La Môn giáo đã bại hoại rồi. Tại bộ phận này của Pháp giới, Phật Pháp do Phật Thích Ca Mâu Ni truyền ra là để quy chính. Nó giống như là đã thay bộ y phục mới, chỉ có thế thôi. Thí dụ, nếu một cô gái đang ở độ tuổi xinh đẹp nhất như nàng Tây Thi, lúc đó đổi bộ y phục tốt hơn cho cô, thay thế bộ y phục cũ của cô, đó là một việc thực sự tốt. Nhưng nếu như cô ấy đã già nua lụ khụ, thì dù đổi bộ y phục đẹp như tiên nữ cho cô cũng hoàn toàn vô nghĩa (không khiến cô ấy đẹp hơn được). Chính Pháp hôm nay đúng là canh tân tái tạo triệt để, hoàn toàn không có quan hệ gì với tất cả mọi thứ của cựu vũ trụ, hoàn toàn không có quan hệ gì với lịch sử của cựu vũ trụ, phương thức áp dụng cũng khác, đó chính là vì sự từ bi của Phật Chủ đã cấp cho các sinh mệnh của cựu vũ trụ một cơ hội để nhận thức và đồng hóa với Pháp mới, chứ không phải như quá khứ áp dụng biện pháp hủy diệt triệt để rồi làm lại từ đầu. Nghĩa là dựa vào những gì Thích Ca Mâu Ni giảng, thì Pháp của Ngài trong thời gian 500 năm sau khi Ngài niết bàn là thuộc về thời kỳ “Chính Pháp”, chính là Pháp này của Ngài đã được chúng Thần của vũ trụ xác lập thành Chính Đạo Chính Pháp để cứu độ chúng sinh trong Pháp giới. Trong giai đoạn này, người có căn khí vừa nghe Pháp của Ngài giảng thì có thể nảy sinh tâm tịnh tín, thụ trì tu hành, tinh tấn cầu chính quả, vì thời gian ấy Pháp chưa bại hoại. Thêm 500 năm nữa, lúc bấy giờ thuộc thời kỳ “Tượng Pháp”, ở giai đoạn này, trạng thái của chúng sinh không giống nhau, vì các quan niệm phức tạp và nhân tố khác, nhất định phải dựa vào những bức tượng hữu hình, những ngôi chùa Phật giáo trang nghiêm, các bài giảng Pháp rõ ràng thuận tiện hơn mới có thể khiến chúng sinh đắc được hàm ý sâu xa của Pháp để có thể tu hành, giai đoạn này chính là giai đoạn Phật giáo lưu truyền và thịnh hành tại Trung Quốc. Lại thêm 500 năm sau, Pháp mà Ngài giảng đi vào thời kỳ “Mạt Pháp”, chúng sinh nghiên cứu đến bạc đầu cũng rất khó mà thành tựu. Nguyên nhân căn bản là Pháp của Ngài đã đi vào giai đoạn hoại diệt, vậy đến hôm nay, thật ra đã là thời kỳ “Mạt kiếp” của mạt Pháp, cho nên nơi nào cũng thấy đều là “hòa thượng” tay đang lần chuỗi tràng hạt mà lại nghĩ đến đủ thứ âm nhạc đồi trụy, gái đẹp và đồ ăn ngon. Năm xưa ma quỷ cũng đã nói rõ ràng với Thích Ca Mâu Ni rằng đến lúc Pháp của Ngài đi vào thời kỳ mạt Pháp, chúng sẽ phái đồ tử đồ tôn xuất gia vào chùa, gây họa loạn Pháp của Ngài. Lúc đó Thích Ca Mâu Ni đã rơi lệ, đã mạt Pháp rồi, Ngài cũng không có cách nào nữa. Nhưng Ngài biết, đến thời kỳ mạt Pháp, Đức Phật Di Lặc sẽ hạ thế truyền Pháp mới. Bởi vì Phật cận kề Tam giới là mười năm thay đổi một lần. Năm đó một trong các đệ tử của Ngài sắp tu thành Di Lặc, điều này đã gây hỗn loạn trong tín đồ Phật giáo, vì Di Lặc vốn là Phật thừa (Phật quả, quả vị cao nhất), nhưng trong Phật giáo lại luôn luôn xem Ông là Bồ Tát, đó là chuyện gì vậy? Kỳ thực đó chính là thời kỳ mạt Pháp, Vô Thượng Vương vĩ đại của Vạn Vương chi Vương, Phật Chủ của vũ trụ sẽ lấy danh hiệu Di Lặc hạ thế truyền Pháp mới, đó là điều mà Pháp giới có thể biết được. Và “chức danh” của ngài tại Pháp giới, chính là “Chuyển Luân Thánh Vương” của “Vạn Vương chi Vương”, cũng được gọi “Pháp Luân Thánh Vương”. Lịch sử chính là như vậy, Pháp giới giống như luân phiên túc trực, nhưng hôm nay không phải là bản sao của quá khứ, mà là toàn bộ vũ trụ đang Chính Pháp, người tu luyện chân chính là đang tu luyện trong Chính Pháp, đã vượt rất xa vấn đề một cá nhân tu luyện. Hơn nữa các nhân tố được gắn liền với mỗi người tu luyện đã không còn là vấn đề viên mãn của cá nhân nữa, kỳ thực những điều ấy đều đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho biết trước trong “Kinh Kim Cương”, chỉ là người ngày nay không hiểu rõ mà thôi, chúng ta sẽ nói đến ở phần tiếp theo.

3. Nguồn gốc của câu “Như thị ngã văn” đã là như vậy, câu nói này không chỉ thể hiện sự tôn trọng và nguyện ý khi trích dẫn lời giảng của Đức Phật, mà còn minh thị cho người đời sau một sự thực rõ ràng. Mọi người biết rằng, trong lịch sử ngoại trừ Lão Tử trực tiếp viết cuốn “Đạo Đức Kinh” 5.000 từ, Trang Tử viết hàng loạt bài phú để làm sáng tỏ Đạo ra, còn lại Pháp mà Thích Ca Mâu Ni, Giêsu và Khổng Tử giảng kỳ thực đều là được đệ tử của họ sau này dựa vào hồi ức mà ghi chép lại. Cho nên Phật giáo là “Như thị ngã văn” (ta nghe như vầy), Cơ Đốc Giáo dựa vào “Sách Phúc âm” do các đại đệ tử để ghi chép một cách vụn vặt sự tích truyền Pháp và những lời nói của Chúa Giêsu, Đại Thành Nho gia dựa vào “Sách Tử viết” để nhớ lại mà ghi chép lời của Khổng Tử. Điều này sẽ dẫn đến một vấn đề, các kinh sách đều được ghi lại dưới hình thức trích dẫn, ngoại trừ Kinh Thánh “Tân Ước” có những miêu tả chi tiết hơn về tình huống lúc nói, “Luận Ngữ” của Khổng Tử đa số thuần túy là những câu nói, hoàn toàn không có ngữ cảnh và ghi chép về tình huống lúc nói, và rất nhiều phần trong kinh sách Phật giáo cũng như vậy. Điều này gây ra rất nhiều hiểu lầm cho người đời sau, nhất là những người khi đọc những kinh sách đó mang theo chấp trước mạnh mẽ và tình cảm của con người thì lại càng dễ hiểu lầm hơn. Vậy điều tôi cần nói là ngữ cảnh rất quan trọng. Thí dụ khi nói chuyện với học sinh giỏi toán, có thể trực tiếp coi vi tích phân như một thuật ngữ phổ thông thì vừa đề cập đến các em đã hiểu rồi, nhưng đối với một học sinh không có kiến thức toán học cao cấp nhưng kiến thức lịch sử lại rất phong phú, thì có thể phải tốn nhiều thời gian hơn để giải thích nguyên lý vi tích phân. Vậy chẳng phải vì trước kia chưa giải thích vi tích phân mà thấy rằng vi tích phân không quan trọng, cũng không phải sau này vì đã giải thích vi tích phân tường tận mà thấy rằng vi tích phân hết sức quan trọng, vượt trên những thứ khác. Tu Bồ Đề và rất nhiều đại đệ tử, những đệ tử Thượng Tọa Bộ ấy luôn theo bên cạnh Thích Ca Mâu Ni. Trong quá trình truyền Pháp bảy lần bảy bốn mươi chín năm, rất nhiều người đều là mấy chục năm theo bên cạnh Đức Phật, họ đã nghe rất nhiều bài giảng Pháp của Đức Phật tại các tầng thứ khác nhau. Bởi vì Thích Ca Mâu Ni cũng từ khi khai ngộ “Kim Cương Tọa” dưới gốc cây Bồ Đề, một mạch thăng hoa, đến những năm cuối đời mới chứng ngộ được quả vị Như Lai. Như thế trong quá trình sau này Ngài liên tục giảng Pháp, liên tục thăng hoa, Ngài phát hiện ra rằng Pháp mà Ngài giảng trước đây có tính cuộc hạn, càng về sau tính cuộc hạn càng rõ, thậm chí lấy tiêu chuẩn của Pháp ở tầng cao hơn mà xét Pháp Ngài giảng năm đó thì có rất nhiều điều là sai, nhưng trong một tầng thứ lúc đó thì Pháp ấy lại có tác dụng chỉ đạo. Vì các đệ tử này đều đã theo Đức Phật mấy chục năm, đã nghe Ngài giảng Pháp rất nhiều, nên khó tránh khỏi chấp trước vào Pháp mà Ngài giảng trước kia và sinh ra nghi hoặc đối với Pháp mà Ngài giảng sau này. Lại bởi vì Tu Bồ Đề và các đại đệ tử trong giai đoạn này đã sớm trải qua những bài học căn bản năm xưa, họ đều đã nắm vững những điều ấy, cho nên khi Thích Ca Mâu Ni không còn nhấn mạnh sự quan trọng của Giới và Định, điều đó không thể nói Giới Định Huệ không quan trọng! Những người cả cuộc đời tụng “Kinh Kim Cương” mà không chiểu theo Giới Định Huệ để nghiêm khắc yêu cầu bản thân, tu luyện khổ hạnh, thì đọc một vạn lần cũng không hiểu ý nghĩa trong đó. Vì Đức Phật giảng Pháp tất nhiên là giảng có tính nhắm thẳng, giống như một danh y trị bệnh sẽ không đưa ra tất cả các toa thuốc cho mọi bệnh nhân, hoặc chuyên dùng một vị thuốc nào đó. Về trí huệ, tính không của viên mãn thì hoàn toàn là vị tha, hoàn toàn tách rời tính không, hoàn toàn vì để phá mê khai ngộ cho người khác mà giảng Đạo thuyết Pháp. Cho nên người đọc nhất định phải minh bạch bối cảnh, nguyên nhân giảng “Kinh Kim Cương” năm xưa mới có thể thật sự hiểu rõ được nguồn gốc của bộ kinh ấy. Người đời sau đem bộ kinh ấy phân thành 32 đoạn, kỳ thực cũng chỉ là lý giải của người đời sau thêm vào đó. Kỳ thực đây chính là một bộ Pháp được giảng có tính nhắm thẳng, chủ yếu là nhắm vào tâm Pháp chân thực ở cảnh giới cao hơn được giảng bởi các vị Bồ Tát, La Hán đã đạt đến xuất thế gian Pháp, đây là chương trình học ở giai tầng cao. Còn người đời sau nói tụng niệm bộ kinh này có thể được sự bảo hộ của Đức Phật, đương nhiên trong thời kỳ Phật giáo chính thường, bởi vì đằng sau Pháp của Thích Ca Mâu Ni là có Thần đang quản, nên đương nhiên là có sức mạnh, nhưng một người tu luyện chân chính không phải mong được một chút bảo hộ, mà là cần phải chân tu, vậy thì nhất định cần phải hiểu rõ ý nghĩa thực sự trong đó, dùng Pháp này để tu hành và giác ngộ, chứ không phải là để truy cầu một chút tín tức hay một sự bảo hộ thông thường.

4. Vì kinh điển của Phật giáo là 500 năm sau khi Thích Ca Mâu Ni không còn tại thế mới được người đời sau chỉnh lý lại, trải qua lịch sử ba lần thu thập đã cho thấy rất nhiều chỗ năm đó đã có chút sai sót rối rắm rồi. Không cần nói 500 năm, mà ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, mọi người đều biết rằng nếu mười người lần lượt truyền một câu chuyện, truyền đến người cuối cùng thì có thể đã hoàn toàn không giống như lúc đầu rồi. Tuy nhiên người xưa tĩnh tâm hơn so với người hiện nay, những đồ đệ Phật giáo với căn cơ rất tốt có thể hiểu rộng nhớ giỏi, nhưng cũng là có hạn. Do tầng thứ tu hành có hạn, các giai đoạn của tu hành và can nhiễu của các nhân tố phức tạp. Có ba phương diện khiến những lời giảng của Thích Ca Mâu Ni được lưu truyền đến hôm nay đã xảy ra biến đổi rất lớn, rất nhiều chỗ đã không còn là nguyên nghĩa lời của Thích Ca Mâu Ni giảng nữa. Thứ nhất là vì các đệ tử có những lý giải khác nhau đối với ý nghĩa chân chính của Pháp mà Đức Phật giảng nên những ghi chép lúc ban đầu có biểu hiện sai biệt, điều này đặc biệt thể hiện nổi cộm ở sự trùng lặp từ đoạn thứ mười bảy về sau. Kỳ thực lúc ấy họ không hiểu rõ Thích Ca Mâu Ni đã nói những gì ban đầu, nên họ đã đính kèm thêm ở đằng sau một cách kiến giải khác có tính đại biểu để tham khảo. Vì vậy, ngay từ ban đầu khi chỉnh lý thành văn bộ kinh này thật ra đã không đầy đủ. Thứ hai chính là trong quá trình sao đi chép lại và lưu truyền đã xảy ra sai sót nhầm lẫn và người truyền bá đã gán thêm vào những lý giải của bản thân mình. Thứ ba là quá trình phiên dịch. “Kinh Kim Cương” được lưu truyền từ nơi này sang nơi khác, đầu tiên được Cưu Ma La Thập dịch đã có nhiều sai sót trong đó, khi Cưu Ma La Thập dịch Kinh, ông thường xuyên đọc lời dịch của mình và người khác ghi lại, quá trình này cũng rất dễ xảy ra sai sót, lẫn lộn hoặc thêm bớt câu chữ. Đến thời nhà Đường, nhà sư Huyền Trang đến chùa Na-lan-đà nơi huy hoàng cuối cùng của Phật giáo Ấn Độ để thỉnh Kinh, bộ “Kinh Kim Cương” ấy cũng đã không còn như lúc mới biên soạn nữa. Cũng có nghĩa là vào giai đoạn hậu kỳ của sự phát triển Phật giáo tại Ấn Độ, nhiều tăng nhân vì không buông bỏ được tâm danh lợi, tâm hiển thị nên việc thêm những đàm luận của bản thân vào trong kinh điển là chuyện thường. Cho dù Pháp sư Huyền Trang rất uyên bác, khảo chứng và đính chính tỉ mỉ chính xác, cũng khó tránh khỏi phân biệt không đầy đủ. Không lâu sau khi ông trở về Trung Quốc, Phật giáo Ấn Độ biến dị thêm một bước nữa, khiến cho diện mục hoàn toàn thay đổi, nó kết hợp với Bà La Môn giáo mà hình thành một chủng tôn giáo đầu Ngô mình Sở. Phật giáo đã tiêu mất tại Ấn Độ. Vậy nên trong quá trình phiên dịch này lại thêm vào những nhân tố như sự lý giải, tầng thứ của người phiên dịch và hoàn cảnh lịch sử đương thời, khiến cho Pháp do Thích Ca Mâu Ni giảng được lưu truyền đến hôm nay, kỳ thực những lời nói chân thực trong ấy không đến một phần mười. Người thực sự có công năng vừa nhìn vào kinh điển Phật giáo liền thấy rất nhiều thứ được gọi là “kinh điển” này hoàn toàn không phải do Thích Ca Mâu Ni giảng, mà đó là những thứ người đời sau gán ghép thêm vào. Lấy “Kinh Kim Cương” và “Tâm Kinh” ít sai lầm lẫn lộn nhất mà xét, thì cũng là pha trộn loang lổ khó chấp nhận. Những lời chân chính mà Đức Phật giảng thì chói sáng ánh vàng kim, trong quá trình phiên dịch tuy rằng tâm rất chính nhưng những từ ngữ mà ý nghĩa cảnh giới vốn không được dịch đúng thì phát ra ánh sáng âm u, còn những từ ngữ sai lầm lẫn lộn thì có màu đen đen. Thế thì tu sao đây? Có bao nhiêu người càng đọc càng mơ hồ, ngoài việc không hiểu rõ ý nghĩa của Kinh văn, một nguyên nhân nữa là năng lượng tạp nham của chính những Kinh văn hỗn loạn đó.

5. “Nhất thời”, là nói ngày ấy. Ngày nào? Chính là ngày giảng bộ kinh ấy. Lúc ấy Thích Ca Mâu Ni ở đâu? Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc rừng Kỳ Đà nước Xá Vệ, cùng với 2.500 đại Tỳ Kheo. Lúc ấy Ấn Độ giống như thời đại Xuân Thu của Trung Quốc, có hơn 270 quốc gia, nước Xá Vệ là một nước chư hầu tương đối lớn, trưỏng lão Cấp Cô Độc là một hành giả trợ Pháp rất nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo, kỳ thực ông là Đại Bàng Kim Sí Điểu (chim đại bàng cánh vàng) tọa tiền hộ Pháp của Đức Phật chuyển thế, chính là đến để hỗ trợ Đức Phật truyền Pháp. Lúc đó ông ở nước Xá Vệ, biết được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khai ngộ truyền Pháp, sau khi chuyển bánh xe Pháp tại vườn Lộc Uyển, cứu độ sáu người Kiều Trần Như thì bắt đầu truyền bá Pháp đến các nước khác, ông rất mong Đức Phật có thể đến nước Xá Vệ truyền Pháp. Bởi vì năm xưa rất nhiều quốc gia còn chưa hiểu rõ về Phật Thích Ca Mâu Ni và Pháp của Ngài, họ chỉ nghe được danh phận hoàng tử của Thích Ca Mâu Ni và truyền kỳ về Ngài, nhưng rất nhiều nơi vẫn là thiên hạ của Bà La Môn giáo vốn đã bại hoại. Trưởng lão Cấp Cô Độc nghĩ nếu có thể mời được Đức Phật thần thánh đến đây thì đó sẽ là một vinh diệu lớn biết mấy, nên ông muốn tìm một nơi cư ngụ rất tốt làm Pháp đàn, tìm kiếm mãi nơi đó chỉ có thể là hậu hoa viên của Thái tử nước Xá Vệ – vườn Kỳ Đà, nơi xinh đẹp thanh nhã nhất, liền đến gặp Thái tử, thỉnh cầu trang viên ấy. Thái tử đương nhiên luyến tiếc, nhưng lại không muốn người ta nói rằng ông không kính Phật Pháp, không hướng thiện Đạo. Thái tử đã nêu ra một điều khó khăn cho Trưởng lão Cấp Cô Độc, nói rằng phải trong vòng ba tháng nếu ông có thể chuyển gạch bằng vàng đến phủ kín vườn này của ta, thì ta sẽ bán vườn này cho ông. Trưởng lão Cấp Cô Độc ưng thuận ngay. Đó thực sự là một niệm tịnh tín (tin tưởng sâu sắc), sức mạnh ấy thật tuyệt vời, giống như Nặc Cự La, một vị Thần sức mạnh vô song trong 500 vị La Hán, theo lệnh sư phụ vân du đến núi Nhạn Đãng, hỏi tiều phu rằng: “Núi này tên gì?”, tiều phu trả lời: “Nhạn Đãng”; “Làng này tên gì?”, tiều phu trả lời: “Phù Dung”. Thế là ông vui mừng nói: “Đúng là điều sư phụ ta đã dặn”. Ông liền dựng nhà nơi đây, khổ tu giảng Đạo. Vì khi ông ra đi, sư phụ đã bảo ông: “Ngươi đi về hướng Đông, đến núi có tên chim, làng có tên hoa, hãy ở lại nơi đó, giảng Phật Pháp của ta”. Sau này thi tăng Quán Hưu đời Đường làm thơ khen rằng: “Nhạn Đãng kinh hành vân mạc mạc, vân tưu yến tọa vũ mông mông” (dịch nghĩa: Hành thiền ở núi Nhạn Đãng sương dày đặc, tĩnh tọa ở thác Vân Thu mưa lâm thâm), người đời sau hầu như chỉ để ý vẻ đẹp của ý cảnh, sự thanh nhã của sơn thủy, đâu biết người năm xưa đã chịu đựng trong hiu quạnh cô đơn mà khổ tu. Một bình một bát, không áo không đồ ăn, trong tâm chỉ có Pháp, chỉ có sư phụ, những điều sư phụ răn dạy, dù gian nan hiểm nghèo, nhất định tuân theo. Cái tâm như vậy, thực sự là bậc Kim Cương. Vì Trưởng lão Cấp Cô Độc có một khả năng Thần thông, có thể nhìn thấy những bảo vật dưới đất, nên trong vòng ba tháng đã gom đủ số vàng như thế, liền đến mua vườn Kỳ Đà của Thái tử. Thái tử kinh ngạc, con người ai cũng đều có Phật tính, Thái tử vô cùng cảm phục sự cao siêu xuất chúng và lòng kính tín đối với Đức Phật của Trưởng lão Cấp Cô Độc nên đã quyên tặng vườn hoa. Sau này vườn ấy chính là “Bố Kim Lâm” mà các tín đồ Phật giáo truyền tụng.

6. Con người trong thời đại theo chủ nghĩa duy vật ngày nay khó mà lý giải được cảnh giới thực tại của những sinh mệnh cao hơn và giá trị mà những sinh mệnh đó hướng tới. Giống như Trưởng lão Cấp Cô Độc, có người nghĩ, nếu như tôi có năng lực ấy thì chẳng phải tôi đã thành phú ông sao? Trong thế giới ngày nay, có người vì tư tâm của bản thân mà biện bạch nói rằng nếu tôi có nhiều tiền tôi sẽ làm công việc từ thiện. Kỳ thực những lời thiển cận ấy hoàn toàn ngược lại với đặc tính của vũ trụ, sở dĩ một sinh mệnh có năng lực siêu thường là vì họ có tâm tính siêu thường. Vì của cải vật chất trong vũ trụ, vốn cũng là biểu hiện ý chỉ của Thần, trong thời kỳ bình thường, những thứ ấy nên phụng sự cho Chính Pháp. Thái tử nước Xá Vệ một niệm động Phật tính mà đã hiến tặng vườn hoa này, sau này ông nghe Đức Phật giảng Pháp thì lập tức chứng ngộ được quả vị A La Hán, kỳ thực từ khía cạnh “xả đắc”, chúng sinh nên biết rằng quả báo chân chính của việc dùng đúng tài nguyên để trợ Pháp là vô lượng. Nhưng Đức Phật không để ý những điều này. Cho dù ở trong cung điện đẹp như vậy, cũng chỉ bất quá là Ngài lợi dụng nơi này ở nhân gian làm giảng đường, để cho đệ tử và chúng sinh có một nơi tốt đẹp để nghe Pháp mà thôi. Ngài quyết sẽ không như con người mà sinh bất cứ niệm tham nào đối với những thứ ở không gian này, thường thì Ngài ở một thời gian rồi đến nơi khác, tiếp tục giảng Pháp truyền Đạo, Pháp mà Ngài truyền sẽ không thay đổi. Cho nên dù ở trong cung điện đẹp đẽ, Ngài vẫn bưng bát đi khất thực hóa duyên, vẫn duy trì giới luật ngày ăn một bữa như thuở ban sơ khi khổ tu trong rừng rậm hay hang động, điều này sẽ thấy rất rõ ràng ở phần sau. “Dữ đại Tỳ Khưu thiên ngũ bách nhân câu” (tạm dịch: Ngài cùng 1.500 đại Tỳ Kheo tất cả đều đủ cả), điều đó chứng tỏ rằng ngày ấy Đức Phật đã mở “Pháp hội” cùng với đệ tử Thượng Tọa Bộ để chứng giải Pháp lý. Mà một chữ “câu” (đủ cả), nói lên sự giản dị dễ gần của Đức Phật và tình yêu thương gắn bó mật thiết của Ngài với các đệ tử. Kỳ thực chính là các đại hòa thượng đang luận bàn với nhau, còn Đức Phật vốn lúc đầu chủ yếu là nghe, xem xét những vấn đề nổi cộm chung tồn tại ở một số khía cạnh nào đó của các đệ tử. Bởi vì đều là đệ tử Thượng Tọa Bộ, rất nhiều trong số họ là các vị La Hán, Bồ Tát đã đạt được thành tựu ban đầu, cho nên nhắm vào họ mà giảng “Kinh Kim Cương” cũng là việc tự nhiên.

7. “Nhĩ thời, Thế Tôn thực thời, trước y trì bát, nhập Xá Vệ đại thành khất thực. Ư kỳ thành trung, thứ đệ khất dĩ, hoàn chí bổn xứ. Phạm thực ngật, thu y bát, tẫy túc dĩ, phu toà nhi tọa” (tạm dịch: Khi ấy đến giờ ăn, Đức Thế Tôn mặc y mang bát vào đại thành Xá Vệ khất thực. Trong thành ấy, Ngài theo thứ tự ghé từng nhà khất thực xong rồi trở về tịnh xá. Ăn cơm xong Ngài dọn dẹp y bát, rửa chân tay, sắp xếp chỗ ngồi rồi tọa thiền”). “Nhĩ thời” (Đến giờ) cũng chính là đến lúc quy định đi khất thực. Xin mời xem tiếp: “Thế Tôn thực thời, trước y trì bát, nhập Xá Vệ đại thành khất thực” (Khi Thế Tôn mặc y mang bát vào đại thành Xá Vệ khất thực), lời ghi chép này nói lên điều gì? Thứ nhất, Thích Ca Mâu Ni rất chú trọng hình ảnh của bản thân trước công chúng, mặc áo cà sa là để biểu thị sự khác biệt với người tại gia, cũng là đang tuyên truyền cho Phật giáo. Lúc ấy áo cà sa của Phật giáo là màu vàng rất tươi sáng rực rỡ, điểm này có sự khác biệt rất lớn với loại vải màu vàng đất sau này truyền đến Trung thổ và được các hòa thượng mặc ngày nay. Đó là vì người đời sau buông bỏ không được chấp trước đối với trang sức y phục, nên sau này mới cải thành màu sắc ấy. Thứ hai, Thích Ca Mâu Ni đã dùng tấm gương bản thân để dạy các đệ tử, bản thân không như một số người xuất gia sau này, Ngài không coi một chút chức vụ trong chùa là quan chức, không để đệ tử giúp Ngài đi khất thực, mà là bản thân tự đi làm việc ấy. Từng là hoàng tử nhưng Thích Ca Mâu Ni vẫn dẫn đệ tử đi khất thực, kiểu tu khổ hạnh và đạo làm thầy như vậy thực sự khiến người ta cảm thấy sự từ bi mà Đức Phật năm xưa đã phó xuất. Khất thực, chính là ăn xin. Vậy thời ấy, một mặt là vì mức sống của con người còn tương đối thấp, mặt khác, thế lực của Bà La Môn giáo còn rất lớn, người dân vẫn còn chưa hiểu biết sâu sắc đối với Phật giáo, có thể tưởng tượng rằng với sự tôn nghiêm của Đức Phật, Ngài cũng tất nhiên đương đầu với rất nhiều lời cự tuyệt, không hiểu thậm chí chỉ trích, tất cả đều được ghi lại trong những truyện cổ Phật giáo thời kỳ đầu. Nhưng khuôn mẫu mà Đức Phật tạo ra là gì? Một câu “thứ đệ khất dĩ” (theo thứ tự ghé từng nhà khất thực) đã nói rõ rằng Thích Ca Mâu Ni khất thực là đi từng nhà mà xin ăn, mỗi nhà có thể chỉ cho một chút ít, có lẽ một số nhà hoàn toàn không cho họ cơm ăn. Vậy cũng không phải mỗi ngày đều có thể xin được đủ cơm ăn, việc bữa no bữa đói cũng là chuyện thường tình. “Thứ tự khất thực”, từ góc độ Đức Phật kết duyên với chúng sinh, đó cũng là biểu đạt tính không của Phật, tính không phân biệt. Chỉ cần xin được vừa đủ cơm để ăn một bữa thì sẽ “hoàn chí bổn xứ” (trở về chỗ cũ), điều gì trên thế gian có thể động đến tâm của Đức Phật? Tôi không nói ở đó náo nhiệt lắm các bạn hãy xem đi, ở đó có điều kỳ lạ gây xúc động lòng người lắm. Xuất gia chính là đoạn tuyệt với nhân duyên ở thế gian, nỗ lực tinh tấn, chưa viên mãn thì không ngừng nghỉ, Đức Phật lấy đó làm tấm gương sáng cho các đệ tử, thời ấy làm đệ tử là phải nghiêm chỉnh tuân theo không được làm trái. Còn như những người được gọi là xuất gia ngày nay, họ được phân thành cấp bậc, có người còn được phân xe riêng, ra ngoài chỉ chọn nơi náo nhiệt mà đến, thậm chí biến Thánh địa Phật giáo thành nơi “thương mại kinh doanh”, không những đã hoàn toàn rời xa Phật Thích Ca Mâu Ni, mà lại còn lấy danh tiếng của Ngài để làm những việc bại hoại. Thời mạt thế tà sư đi rao giảng Pháp nhiều như cát sông Hằng, đây cũng là trạng thái của thời kỳ mạt pháp mà Thích Ca Mâu Ni tiên đoán năm xưa khi Ngài sắp nhập niết bàn. Hòa thượng ngày nay hỏi có mấy người thực sự từ bỏ danh lợi tình ở chốn nhân gian để toàn tâm toàn ý tu hành chứng ngộ?

Câu tiếp theo: “Phạn thực ngật, thu y bát, tẩy túc dĩ, phu tòa nhi tọa” (Ăn cơm xong Ngài dọn dẹp y bát, rửa chân tay, sắp xếp chỗ ngồi rồi tọa thiền). Đức Phật đã dùng cơm cùng với các đệ tử, đương nhiên đều là cơm có được từ việc đi hóa duyên, dùng cơm xong, thu dọn chén bát, gấp lại áo cà sa đã mặc khi ra ngoài, đều là đích thân Ngài làm việc ấy, Đức Phật không có bảo người nào đó rằng con là đệ tử của ta, con phải rửa bát xếp áo cho ta. So sánh với sự biến dị của các nhà sư có chức vụ sau này, điều đó thật tuyệt vời. Vì đã đi bộ rất nhiều khi ra ngoài, nên Ngài lấy nước rửa chân, sau đó ngồi xếp bằng, chuẩn bị giảng Pháp cho các đệ tử. Đoạn thứ nhất của phần mở đầu này, tuy chỉ vẻn vẹn vài chục chữ, nhưng đã kể ra trí tuệ, tính không của viên mãn và sự từ bi vô lượng của Đức Phật, người ta chẳng phải rất hiếu kỳ rằng Phật nghĩ như thế nào, làm việc thế nào sao? Từ bi bình đẳng là gì? Từ đoạn trên là có thể lĩnh ngộ được. Cho nên đặc biệt chú thích đơn giản rằng: Từ bi, bình đẳng, viên dung, tâm tính của tính không luôn rực rỡ mà là để tùy tự nhiên. Khi đạt đến cảnh giới Phật thì việc đi, ngồi, nằm của ông đều là Pháp.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/zj/articles/2007/9/18/48442.html



Ngày đăng: 20-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.