Khám phá lục nghệ (3): Ngũ xạ



Tác giả: Trọc Thế Thanh Liên (Đại Lục)

[ChanhKien.org]

Từ xạ 射 chỉ xạ tiễn, tức là bắn cung. Đây là một trong những nội dung chủ yếu trong cuộc sống của nam giới thời cổ đại. Từ việc đi săn bắt tìm thức ăn hay tham gia chiến đấu công phá thành trì cho tới gia nhập quân đội hay tuyển quan…đều không tách khỏi nghề xạ tiễn. Ngũ xạ chính là chỉ năm phương pháp bắn cung thời cổ đại.

Bắn cung như thế nào mới đạt đến thiên đạo? Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu về tiêu chuẩn yêu cầu đối với nghề bắn cung thời xưa. Trong sách “Lễ ký – Xạ nghĩa” của Khổng Tử, có ghi chép rằng: thời xưa khi chư hầu, khanh, đại phu tham gia bắn cung trước tiên phải cử hành lễ nghi tương ứng; từ đó khiến chư hầu hiểu rõ cái nghĩa quân thần, còn khanh, đại phu thì hiểu rõ được thứ tự trưởng ấu. Người bắn cung trong các bước tiến, thoái, xoay người, đều phải hợp với lễ nghi, tư thế ngay chính, ý chính tâm thành, tay cầm cung tên một cách vững chãi, sau đó mới nói đến mục tiêu bắn cung. Thông qua việc bắn tên có thể quan sát được đức tính của người bắn. Thời xưa thông qua việc bắn cung, thiên tử có thể tuyển chọn được chư hầu và các quan viên như khanh, đại phu… Do đó, thiên tử sẽ cử hành một cuộc thi bắn cung lớn gọi là “xạ hầu”, tức là từ việc bắn cung có thể thăm dò được thái độ của chư hầu.

Từ việc học tập người xưa, chúng ta có thể thấy rằng nghệ thuật bắn cung có hàm chứa đạo nhân nghĩa bên trong. Bắn cung trước hết phải chính kỷ (chính lại bản thân mình), gồm cả hai phương diện là chính lại ngoại hình, dáng dấp bên ngoài và chính cái tâm bên trong. Chính kỷ rồi mới tới xạ tiễn (bắn cung), sau đó rồi mới nói đến chuyện bắn trúng đích. Nếu như bắn chưa trúng thì không được oán hận người vượt trội mình, mà phải quay lại tìm xét nguyên nhân ở bản thân, tiếp tục chính kỷ tu thân, đặt công phu tập luyện.

Chúng ta hãy cùng xem câu chuyện Kỷ Xương học bắn cung.

Kỷ Xương theo danh sư Phi Vệ học bắn cung. Thầy Phi Vệ nói: “Ngươi hãy trở về, trước tiên luyện tập việc nhìn không chớp mắt cho ta”. Khi trở về nhà Kỷ Xương liền nằm dưới chân bàn đạp khung cửi mà vợ anh dệt vải, hai mắt nhìn chằm chằm không chớp mắt vào bàn đạp khi đôi chân kia chuyển động. Sau hai năm, Kỷ Xương đã đạt đến trình độ dù có dùi đâm vào khoé mắt cũng không chớp mắt. Kỷ Xương bèn đi tìm thầy Phi Vệ, lần này thầy Phi Vệ nói: “Ngươi hãy trở về, luyện sao cho đôi mắt ngươi nhìn thấy vật nhỏ như vật lớn, nhìn vật cực nhỏ mà cũng như đang hiện rõ trước mắt”. Kỷ Xương về nhà tìm một con rận, dùng sợi lông trâu nhỏ nhất cột con rận treo lên cửa sổ, ngày ngày nhìn con rận không chớp mắt. Cứ nhìn như vậy con rận càng ngày càng lớn lên. Sau ba năm, anh nhìn con rận như đã trở nên lớn bằng cái bánh xe. Kỷ Xương cầm cung lên, bắn vào con rận ấy, đầu mũi tên xuyên qua chính giữa con rận mà sợi lông trâu treo con rận vẫn không đứt. Kỷ Xương bẩm lên thầy Phi Vệ, thầy anh cao hứng nói: “Ngươi học thành tài rồi”. Sau này, Kỷ Xương trở thành cao thủ thiện xạ, bách phát bách trúng.

Việc luyện cho đôi mắt nhìn mà không chớp và nhìn vật nhỏ như vật lớn thì có rất nhiều phương pháp, còn rèn tâm pháp thì chỉ có một cách duy nhất. Tâm pháp trong xạ nghệ mà Kỷ Xương học được chính là chuyên tâm nhất chí, thành ý chính tâm. Tầm mắt nhìn được cũng chính là sức chứa của tâm, tâm thái thuần khiết thì tầm nhìn cũng rộng mở.

Trong việc học bắn cung của người xưa, các phương pháp luyện tập chỉ là yếu tố bề mặt, thực chất thì thành ý chính tâm mới là nhân tố quyết định. Quá trình học tập xạ tiễn cũng là quá trình tu chính lại cái tâm của người học. Tâm tính cao thì xạ nghệ mới cao được. Hay nói cách khác kỹ nghệ thiện xạ là nhờ đức hạnh tốt, tâm tính cao. Thế nên mới có việc thiên tử thông qua tổ chức cuộc thi xạ tiễn để tuyển chọn quan lại.

(còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/53673



Ngày đăng: 27-07-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.