Chúng tôi nói với tương lai (2): Đại Pháp khai truyền 

Tác giả
Ngày đăng 18-05-2025

Tác giả: Tiết Băng

[ChanhKien.org]

Trường Xuân là nơi được gọi là thành phố mùa xuân phía Bắc Vạn Lý Trường Thành. Cách ga tàu không xa có công viên Thắng Lợi. Khi cơn sốt khí công lan rộng khắp cả nước, nhiều người dân thành phố Trường Xuân đã đến đây mỗi sáng để luyện tập đủ các loại khí công. Ngoài luyện công, mọi người còn thích tụ tập và trò chuyện về chủ đề khí công. Một ngày tháng 05/1992, một vị thanh niên lạ mặt đã tham gia cuộc trò chuyện của nhóm những người đam mê khí công này.

Ông Lý, một học viên Pháp Luân Công Trường Xuân kể: “Mỗi buổi sáng trong công viên, nam nữ già trẻ đều có người luyện, bởi vì khi đó họ đều muốn có một thân thể khỏe mạnh, mà tất cả môn phái, tất cả các công pháp đều có. Hơn nữa, sau khi luyện công xong, nhiều người sẵn sàng trò chuyện với nhau về chủ đề này. Người này nói, hôm nay tôi cảm thấy rất tốt, toàn thân nóng bừng; người kia nói, ôi tay tôi ngứa ran…, chính là có các dạng như vậy. Sau đó Sư phụ đã đến dạy, nhưng không ai trong số họ biết Sư phụ. Sư phụ nói một chút về công pháp, công lý và bản chất của khí công, tiếp đó liền biểu diễn một vài động tác. Từ trước đến giờ họ chưa từng nhìn thấy loại công pháp công lý này, rất nhiều người liền muốn theo học Sư phụ”.

Người thanh niên này chính là Sư phụ Lý Hồng Chí. Rất nhiều người không quen biết, vì thế đã trở thành lứa học viên đầu tiên nghe ông giảng Pháp truyền công.

Vào ngày 13/05/1992, lớp học Pháp Luân Công đầu tiên đã được tổ chức tại đây. Không lâu sau khi mở lớp, đã xảy ra một việc như vậy.

Năm 1999, chương trình “Sức khỏe ABC” của Đài truyền hình giáo dục Cát Lâm đưa tin: “Khi tôi đang làm việc, một đống lương thực đổ sập, các bao tải đập vào chân tôi làm tôi bị thương, sau đó phần eo cũng bị ảnh hưởng. Sau một thời gian tôi dần trở thành một người không thể đi lại được, một người bị liệt. Tôi luôn phải nằm sấp, chống khuỷu tay vào giường, sinh hoạt không thể tự mình chăm sóc, và khuỷu tay của tôi chống đến mức không còn da nữa. Người hàng xóm nói với tôi, có một lớp khí công, họ chữa bệnh bằng khí công, và bảo tôi đi. Sau đó, chồng tôi đến bệnh viện để bàn với tôi, hỏi tôi có đi không? Tôi nói đã như thế này, còn đi gì nữa. Mà đi cũng không dễ dàng. Bản thân tôi không thể tự đi, cần phải dùng cáng khiêng tôi. Tôi làm sao có thể đi được chứ? Sau đó, họ về nhà bàn bạc, sáng hôm sau thì khiêng tôi đến đó. Sau khi đến đó, họ liền đi vào và đặt tôi ở ngoài sảnh. Sau khi đặt tôi ở sảnh, lúc họ vào trong tìm vị trí, Thầy Lý liền đến và hỏi tôi ‘chị bị bệnh gì?’ Tôi nói tôi bị thoát vị đĩa đệm ở bên hông. Thầy Lý nói kêu người khiêng lên bục đi. Lúc đó các con và người nhà của tôi liền đến và khiêng tôi lên trên bục. Sau khi khiêng lên bục, Thầy Lý hỏi tôi có thể hợp tác với thầy không? Tôi nói được. Tôi cảm thấy lúc đó dường như chỉ trong nháy mắt, chưa đầy ba giây, Sư phụ đã nói ‘chị ngồi dậy đi!’ Quả nhiên tôi liền ngồi dậy được. Sư phụ bảo ‘chị xuống đất đi!’ Lúc đó tôi nghĩ, người tôi ngay cả nằm ngửa cũng không thể, làm sao có thể ngồi dậy được? Tôi thực sự đã ngồi dậy được. Bảo tôi xuống đất, tôi đã xuống đất. Sau khi xuống đất, Sư phụ nói: ‘Chị đi đi, chị đã khỏi rồi’. Tôi liền đi một vòng quanh sân khấu”.

Sau khi tổ chức thành công hai khóa học ở Trường Xuân, một ngày vào tháng 06/1992, Đại sư Lý Hồng Chí đến Bắc Kinh, mở ra cánh cửa lớn của Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học Khí công Trung Quốc, gặp người phụ trách phê chuẩn mở rộng khí công để đề xuất xin phép truyền bá Pháp Luân Công trên toàn quốc. Khi Đại sư Lý Hồng Chí đến Bắc Kinh, không ai biết ông là ai. Khi đó, cơn sốt khí công đã thịnh hành gần 20 năm, cả nước có hơn 2.400 loại môn phái khí công đang lưu truyền khắp cả nước, với cả trăm triệu người tham gia luyện tập khí công. Trong nội bộ giới khí công cũng hình thành cục diện rắc rối phức tạp. Đối với Hiệp hội Nghiên cứu Khí công, nơi tập trung rất nhiều môn phái khí công mà nói, việc tiếp nhận đề nghị yêu cầu truyền Pháp của một người lạ, đòi hỏi phải tiến hành trắc nghiệm về rất nhiều phương diện.

Ông Diệp, học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh kể lại: “Toàn bộ khí công Trung Quốc vào thời điểm đó có mấy nghìn loại, bạn làm sao có thể khiến cho Hiệp hội Khí công biết bạn giỏi? Vì vậy, ông nhất định phải giảng ra sứ mệnh của ông là truyền Pháp lên cao tầng, sứ mệnh của ông là khôi phục danh tiếng cho giới khí công và ông muốn chỉnh đốn lại mọi sự hỗn loạn trong giới khí công. Vì vậy, khi Sư phụ nói về việc thực sự giải quyết các vấn đề ở cao tầng và thực sự giải quyết những chuyện hỗn loạn trong giới khí công, mọi người đều hết sức vui mừng. Vì vậy, khi Sư phụ vừa nói, chỉ trong vòng mấy phút, mọi người đều bị thuyết phục rồi. Nói được vài câu, họ liền kéo Sư phụ ra nói chuyện hơn một tiếng đồng hồ. ‘Anh không thể đi, anh phải ở lại Bắc Kinh. Chúng tôi đáp ứng mọi yêu cầu của anh, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ anh’”.

Những nhân vật có thẩm quyền trong giới khí công đã bị công pháp và công năng siêu thường của Đại sư Lý Hồng Chí thuyết phục mạnh mẽ, và nhất trí thông qua các cuộc trắc nghiệm và đánh giá về lý thuyết. Ngay lập tức, người ta thành lập Hội Nghiên cứu Pháp Luân Công, là một phân hội trực thuộc của Hiệp hội Nghiên cứu Khí công Trung Quốc, và được mở rộng trên toàn quốc.

Đây là băng ghi hình hướng dẫn các bài tập Pháp Luân Công được phát hành chính thức vào tháng 09/1994. Trước đó, Hội nghiên cứu Khí công và Ủy ban Thể thao Quốc gia đã lần lượt sản xuất chương trình hướng dẫn động tác của Pháp Luân Công. Năm bài tập nhẹ nhàng và uyển chuyển này được nhanh chóng lan truyền khắp thành phố, một số người trong nghề đã ngay lập tức bị thu hút bởi những động tác đơn giản nhưng lại cao thâm khác thường này.

Ông Thiệu Hiểu Đông, khi đó là cố vấn học thuật khí công y học thuộc Hiệp hội Khoa học Nghiên cứu Nhân thể nhớ lại: “Vào tháng 08/1993, khi tôi đến Bắc Kinh, tôi đã đến công viên Trung Sơn Bắc Kinh, gần đền Thanh Âm, kết quả đã nghe được một âm thanh đặc biệt dễ chịu. Chính vì nghe được âm thanh đó nên tôi đã lần theo âm thanh đó mà đi đến, và nhìn thấy mấy chục người đang luyện công ở đó. Khi tôi nhìn thấy bài công pháp này, là công pháp trước giờ tôi chưa từng nhìn thấy, tôi liền đứng đó xem từ đầu đến cuối. Đặc biệt là nhìn thấy họ luyện một bài gọi là Pháp Luân Trang Pháp và nhìn thấy tư thế đứng của họ, khi đó tôi vô cùng kinh ngạc. Bởi vì trong bài luyện Trang Pháp của họ khi đó có tổng cộng bốn tư thế, trong bốn động tác Trang Pháp có một động tác Đầu tiền bão luân, còn một động tác Phúc tiền bão luân, một động tác Đầu đỉnh bão luân và một động tác Lưỡng trắc bão luân. Trong bốn thế đứng này, có ba thế đứng trạm trang ở vị trí cao. Tư thế trạm trang cao này trước đây đòi hỏi sau khi luyện đến trình độ rất cao trở lên, tầng thứ rất cao mới có thể thực hiện được. Vì tôi là bác sỹ nên tôi biết, người mới tập khí công, nếu như mới bắt đầu liền tập trạm trang cao như thế này, đặc biệt là người bệnh cao huyết áp là điều cấm kỵ. Bởi vì huyết áp vốn đã cao, vị trí tay của bạn lại cao hơn, sẽ dẫn đến huyết áp tăng lên. Cho nên lúc đó tôi thấy rất lạ, nghĩ tại sao công pháp này lại có thể như vậy? Vì vậy sau khi họ tập xong, tôi liền đến hỏi họ và họ nói với tôi đây là Pháp Luân Công. Tôi liền hỏi những học viên này, trong số các bạn có ai bị cao huyết áp không? Họ nói có. Tôi nói thế huyết áp của bạn thế nào? Họ nói huyết áp hạ rồi. Tôi hỏi có ai bị huyết áp thấp không? Họ nói có chứ. Họ cho biết vốn bị huyết áp thấp và lượng đường trong máu thấp. Tôi hỏi luyện công này cảm thấy thế nào? Ông ấy nói rằng ông ấy đã trở lại bình thường. Sau đó tôi hỏi họ, các bạn đã từng nghe bài giảng của ông Lý Hồng Chí chưa? Họ nói tất cả chúng tôi đều đã tham gia lớp học và nghe giảng. Cho nên lúc đó tôi đã tự hỏi liệu tôi còn có cơ hội tham gia lớp học Pháp Luân Công này không?”

Pháp Luân Công lúc này đã trở thành nổi bật trong giới khí công. Bất cứ nơi nào Đại sư Lý Hồng Chí đến, chính quyền địa phương và Hiệp hội Khí công đều ủng hộ ông mạnh mẽ, các kênh truyền thông đưa tin chi tiết. Ba mươi mốt tỉnh, thành phố và khu tự trị trên cả nước tới tấp gửi thư để tìm hiểu về công lý và công pháp của Pháp Luân Công, tìm kiếm tài liệu và đặt mua sách.

Vào tháng 06/1994, tại Tế Nam, thành phố suối nổi tiếng của tỉnh Sơn Đông, lớp học Pháp Luân Công lần thứ hai được tổ chức. Bài giảng Pháp lần này ở Tế Nam sau này được coi là một lần giảng bài toàn diện nhất. Ngày đầu tiên của lớp học, Ngài Lý đã giảng rõ mục đích của việc mở lớp học:

“Tại đây chúng tôi cũng không giảng trị bệnh; nhưng chúng tôi nói điều chỉnh toàn thể thân thể của học viên, sao cho chư vị có thể luyện công. Chư vị mang cái thân thể có bệnh, thì chư vị hoàn toàn không thể xuất [hiện] công; do đó mọi người cũng không nên tìm tôi để trị bệnh; tôi cũng không làm việc ấy. Tôi ra công chúng có mục đích chủ yếu là đưa con người lên cao tầng, đưa con người lên cao tầng một cách chân chính.” (Chuyển Pháp Luân)

Đối với hầu hết những người lần đầu tiên tham gia lớp học Pháp Luân Công mà nói, khí công có nghĩa là rèn luyện thân thể, chữa bệnh khỏe thân. Trong bài giảng của mình, Ngài Lý đã chỉ rõ cho mọi người những đạo lý sâu xa ở trong đó:

“Trước đây có người tại công viên luyện công cũng vậy, ở nhà luyện công cũng vậy, rất dùng tâm luyện, rất cung kính, luyện được rất khá. Nhưng một khi ra khỏi cửa đã không phải là người ấy rồi, lại hành xử như bản thân xưa kia, nơi người thường lại vì danh lợi mà tranh mà đấu; hỏi công người ấy có thể tăng trưởng được không? Hoàn toàn không thể tăng được; bệnh người này cũng không lành được, cũng lại vì lý do ấy. Vì sao có người luyện công một thời gian lâu mà bệnh vẫn chẳng hết? Khí công là tu luyện, là điều siêu thường, không phải là môn thể thao nơi người thường; cần phải coi trọng tâm tính thì mới có thể lành bệnh hoặc tăng công.” (Chuyển Pháp Luân)

Trong chín ngày giảng bài, Đại sư Lý Hồng Chí đã dùng lời lẽ dễ hiểu để giảng một cách có hệ thống Pháp ở cao tầng. Ông chỉ ra khí công chính là tu luyện, tầng khác nhau có Pháp của tầng khác nhau. Ông giảng giải luyện công vì sao không tăng công, mối quan hệ giữa công pháp Phật gia và Phật giáo, người tu luyện đối đãi với mất và được như thế nào, trị bệnh tại bệnh viện và trị bệnh bằng khí công, và quan hệ giữa khí công và rèn luyện thể dục. v.v, giải thích rõ những vấn đề khiến mọi người cảm thấy lẫn lộn, chẳng hạn như thiên mục (con mắt thứ ba), phụ thể, luyện tà pháp, tẩu hỏa nhập ma, v.v. Rất nhiều nội dung giảng Pháp khiến cho hầu hết những người có mặt chấn động tâm can và mãi mãi không quên.

“Vậy Phật Pháp là gì? Đặc tính căn bản nhất trong vũ trụ này là Chân-Thiện-Nhẫn, Nó chính là thể hiện tối cao của Phật Pháp, Nó chính là Phật Pháp tối căn bản. Phật Pháp tại các tầng khác nhau có các hình thức thể hiện khác nhau, tại các tầng khác nhau có các tác dụng chỉ đạo khác nhau; tầng càng thấp [thì] biểu hiện càng phức tạp. Vi lạp không khí, đá, gỗ, đất, sắt thép, [thân] thể người, hết thảy vật chất đều có tồn tại trong nó cái chủng đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn ấy; thời xưa giảng rằng ngũ hành cấu thành nên vạn sự vạn vật trong vũ trụ; [ngũ hành kia] cũng có tồn tại chủng đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn ấy. Người tu luyện đến được tầng nào thì chỉ có thể nhận thức được thể hiện cụ thể của Phật Pháp tại tầng ấy; đó chính là quả vị và tầng tu luyện [của người ấy]. Nói chung, Pháp rất lớn. Đến điểm cực cao mà giảng, thì rất đơn giản; bởi vì Pháp kia giống như hình dáng của kim tự tháp. Đến nơi tầng cực cao thì ba chữ có thể dùng để khái quát, đó chính là Chân-Thiện-Nhẫn; thể hiện tại các tầng cực kỳ phức tạp. Lấy con người làm ví dụ, Đạo gia xem [thân] thể người như một tiểu vũ trụ; con người có thân thể vật chất; nhưng chỉ cái thân thể vật chất ấy không thể đủ cấu thành một con người hoàn chỉnh được; còn phải có tính khí, tính cách, đặc tính, và nguyên thần mới có thể cấu thành một con người hoàn chỉnh, độc lập, và mang theo cá tính tự ngã. Vũ trụ này của chúng ta cũng như thế; có hệ Ngân Hà, có các thiên hà khác, cũng như các sinh mệnh và nước, vạn sự vạn vật trong vũ trụ này; [tất cả những thứ ấy] chúng đều có phương diện tồn tại vật chất; đồng thời chúng cũng có tồn tại đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn. Dẫu là vi lạp vật chất nào thì cũng bao hàm chủng đặc tính ấy, trong vi lạp cực nhỏ cũng bao hàm chủng đặc tính ấy.” (Chuyển Pháp Luân)

Ông Lý Hữu Phủ, khi đó là Phó nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Nhân thể của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc nói: “Tôi đã cực kỳ chấn động. Các vấn đề như bản tính của con người, đặc tính của vũ trụ, mối quan hệ giữa vũ trụ và con người, con người sinh ra để làm gì, toàn bộ đều được giảng ra hết. Hơn nữa đặc biệt là giảng ra làm thế nào có thể phản bổn quy chân, con người làm thế nào có thể đồng nhất với đặc tính của vũ trụ, đồng hóa với đặc tính của vũ trụ. Điều này được giảng rất rõ ràng, hơn nữa đều có thể thực hiện được, từng bước từng bước chỉ cho bạn cách làm như thế nào. Việc này rất chân thực. Nó không giống bất cứ thứ gì ở trong tất cả các tôn giáo kia. Có những thứ bạn có thể hiểu về lý thuyết, nhưng làm sao thực hiện thì lại mù mịt. Bạn không biết cách thực hiện chúng. Ở đây là chỉ cho bạn một cách thực tế, từng bước từng bước đi như thế nào. Cho nên tôi vô cùng chấn động, lúc đó tôi cũng rất cảm động, liền quyết định phải tu luyện trong môn này”.

Sư phụ Lý Hồng Chí bắt đầu giảng Pháp vào năm 1992, nhiều mâu thuẫn trong xã hội khi đó cũng tập trung vào năm này. Quan chức kinh doanh, mua quan bán tước, hành vi không lành mạnh, hành vi hủ bại, phân phối không công bằng, giá cả tăng gấp đôi, thị trường chứng khoán không ổn định, người lao động nhập cư tràn vào các thành phố, và cơn sốt toàn dân tham gia kinh doanh, v.v. dẫn tới những quan niệm về giá trị quan của rất nhiều người đã phát sinh biến đổi căn bản. Những quan niệm như “chỉ chạy theo lợi” và “tiền là tất cả”, thậm chí đã trở thành chuẩn mực đạo đức được chấp nhận rộng rãi.

Ông Tiết Tân, nguyên là cán bộ Bộ Nông nghiệp nói: “Khi chúng tôi đến vùng nông thôn, mới đầu nghe nói chỉ có hai hoặc ba người đến đó. Sau khi đến đó, chúng tôi đến chính quyền tỉnh trước, sau đó ở tỉnh cử người đi theo chúng tôi, lại xuống đến cấp thành phố. Thành phố cử người đi theo xuống cấp huyện thị, sau đó lại đến cấp thị trấn, rồi đến cấp thôn. Cho nên khi đến giờ ăn, thì có một nhóm người rất đông, khoảng 20 đến 30 người”.

Ông Tiết, một người dân thành phố ở Phúc Kiến nói: “Tôi đã đến Phúc Châu để nhập viện, nhưng không thể nhập viện, vì vậy tôi đã tìm một người quen, đi cửa sau và tốn tiền để vào. Sau khi nhập viện, anh phải tìm một bác sỹ giỏi để điều trị, lại phải đi cửa sau, lại phải tốn tiền. Thậm chí ngay cả chụp X-quang cũng phải đi cửa sau, không đi cửa sau anh sẽ không có chỗ. Có người phải dựa vào quyền lực, có người phải dựa vào mối quan hệ, và có người dựa vào tiền bạc. Nếu không có những thứ này, sẽ rất khó để làm bất cứ điều gì”.

Mỗi một niên đại đều có giai điệu riêng truyền tải tâm thái và cảm xúc của con người. Ca khúc này nhà nhà đều biết, rất nổi tiếng vào đầu những năm 90, nó phản ánh chân thực sự chán ghét và bất lực của con người trước sự dối trá và lạnh lùng của cuộc sống hiện thực.

Mê trung đắc Pháp
Lộ đoạn lâm già vụ, lạc thủy đấu tinh sơ;
Thu hàn tịnh túc thảo, thính phong bất tri xứ.
Ỷ nham phán giả mị, thê mê chức như ti;
Sư hiện mộng thốt tỉnh, huyễn tẫn hiện chân đồ.

Tạm dịch nghĩa:

Trong mê đắc Pháp
Đường bị cắt đứt, rừng cây phủ đầy sương mù, sao trời thưa thớt sau khi rơi xuống nước;
Cái lạnh mùa thu chạm vào thảm cỏ dưới chân, nghe thấy tiếng gió nhưng không biết gió thổi từ đâu.
Tựa vào vách đá mong chợp mắt, cảnh buồn dệt như tơ;
Trong mơ gặp Sư phụ rồi đột nhiên tỉnh giấc, ảo ảnh biến mất, lộ ra con đường chân chính.

Đây là bài thơ do một học viên sáng tác sau khi học Pháp Luân Đại Pháp. Khi đó, trong một môi trường xã hội mà tiền bạc là tối thượng và đạo đức đang trượt dốc, việc có cơ hội được đích thân nghe Sư phụ Lý Hồng Chí giảng giải về Đại Pháp Đại Đạo là một sự việc hiếm có. Cũng bởi nhờ như vậy, rất nhiều học viên bất chấp khó khăn đã vượt hàng ngàn dặm để theo chân Sư phụ và tham dự các lớp giảng Pháp của ông ở khắp nơi.

Vào tháng 12/1994, Sư phụ Lý đã tổ chức lớp học Pháp Luân Công cuối cùng của mình tại Quảng Châu, Trung Quốc. Lớp học này có quy mô lớn chưa từng có, rất nhiều người từ Tân Cương và Hắc Long Giang xa xôi đến đây chỉ để có cơ hội lắng nghe Phật Pháp.

Ông Cao Đại Duy, học viên Pháp Luân Công Quảng Châu nói: “Vì các nơi trên khắp cả nước đều biết đây là khóa giảng cuối cùng, nên các đệ tử khắp nơi thông qua các loại phương thức, bao xe, thuê xe và đi máy bay đến Quảng Châu. Địa điểm tổ chức là Nhà thi đấu Quảng Châu và chỉ có sức chứa từ ba đến bốn nghìn người. Vậy mà lập tức có tới hơn 6.000 người, rất nhiều người ngay cả việc ăn ở cũng rất khó khăn. Những người cầu Đạo đó, họ ngồi đả tọa suốt đêm xung quanh Nhà thi đấu chờ đợi. Sau khi Sư phụ biết được tình hình, liền thương lượng với đơn vị tổ chức và thế là cuối cùng để tất cả học viên xung quanh nhà thi đấu đều được vào trong, họ vào trong và ngồi trên lối đi. Trên lối đi xung quanh hội trường chính đều lắp đặt màn hình vô tuyến, để mọi người đều có thể nghe được Sư phụ giảng Pháp”.

Từ lớp học Pháp Luân Công đầu tiên được tổ chức tại Trường Xuân vào ngày 13/05/1992 đến lớp học cuối cùng tại Quảng Châu vào tháng 12/1994, Đại sư Lý Hồng Chí đã tổ chức tổng cộng 54 lớp học kéo dài 10 ngày trên khắp cả nước. Từ những con số này, mọi người không khó để hình dung, Ngài Lý đã bôn ba khắp nơi, ngựa không dừng vó như thế nào trong suốt hai năm rưỡi qua. Sư phụ Lý cũng chưa bao giờ nói về những khó khăn thực sự gặp phải trong quá trình mở lớp và mọi người cũng không cách nào hiểu được. Nhưng trong một xã hội khắc nghiệt như Trung Quốc, có thể đem bộ Đại Pháp hoàn toàn khác biệt với tư tưởng tuyên truyền của chính quyền truyền bá ra một cách hoàn chỉnh, những vất vả và rắc rối phức tạp là điều nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Điều này có nghĩa là trong quá trình này, Ngài ấy không thể đi sai một bước, Ngài ấy phải làm chính một cách tuyệt đối. Ngài Lý Hồng Chí đã làm được điều đó.

Bà Nhiếp Thục Văn, học viên Pháp Luân Công ở Thượng Hải kể lại: “Sau khi chúng tôi đến Quảng Châu, vì mức sống ở Quảng Châu rất cao, cho nên chúng tôi đã chọn một khách sạn tương đối rẻ và ở lại đó. Kết quả là lúc buổi tối đi ngủ, lũ chuột liền chạy qua người. Có rất nhiều gián và chuột. Vậy là có hai nhóm không chịu được, nói rằng nơi này thực sự quá tệ, buổi tối đi ngủ chuột bò cả lên người họ. Vì vậy, hai nhóm đã rời đi vào ngày hôm sau, rời khỏi khách sạn này và tìm một khách sạn khác có điều kiện tốt hơn một chút. Cuối cùng sau đó, chỉ còn lại một nhóm không rời đi. Kết quả là khi họ đang ăn cơm ở nhà ăn, họ nhìn thấy Sư phụ đang ăn ở đó. Sư phụ cũng ở trong khách sạn này”.

Nguyện

Mang mang thiên địa ngã khán tiểu
Hạo hãn thương khung thị thùy tạo
Càn khôn chi ngoại cánh vô ngân
Vi liễu hồng nguyện truyền Đại Đạo

Lý Hồng Chí

Ngày 01/01/1990

Tạm dịch:

Thiên địa mênh mang, ta thấy nhỏ
Gầm trời to lớn, hỏi ai làm
Ngoài càn khôn này còn lớn nữa
Vì hồng nguyện ấy Đại Đạo truyền

Đây là bài thơ “Nguyện” của Sư phụ Lý Hồng Chí viết ngày 01/01/1990, trước khi ông xuất hiện trước công chúng. Hai năm sau, ông đã thực hiện được nguyện ước to lớn này bằng sự phó xuất không ngừng nghỉ. Vào tháng 12/1994, Sư phụ Lý đã tổng hợp và chỉnh lý nội dung các bài giảng Pháp ở các nơi của mình và chính thức xuất bản cuốn “Chuyển Pháp Luân”. Đến lúc này, ông đã đem bộ Đại Pháp của vũ trụ truyền bá trọn vẹn ra trước thế nhân.

Đại Pháp đã được truyền ra, nhưng có bao nhiêu người có thể tin và có bao nhiêu người có thể thực sự tu luyện đây? Khi kết thúc lớp học lần cuối ở Quảng Châu, Ngài Lý đã bày tỏ nguyện vọng tha thiết của mình:

“Tại lớp, những điều tôi giảng đều là những điều chỉ đạo mọi người tu luyện lên trên cao tầng; trong giảng Pháp tại quá khứ đều không có ai giảng những điều ấy. Những điều tôi giảng đã minh [bạch] phi thường, kết hợp với khoa học hiện đại và nhân thể học hiện đại mà giảng, hơn nữa điều giảng có tầng rất cao. Chủ yếu là vì mọi người, để cho mọi người sau này có thể đắc Pháp một cách chân chính, tu luyện lên trên; ấy là xuất phát điểm của tôi. Trong quá trình tôi truyền Pháp truyền công có rất nhiều người cho rằng Pháp này tốt lắm nhưng thực hiện lại khó quá. Thực ra tôi thấy rằng khó hay không khó; đối với một người nào đó mà xét, một cá nhân hết sức phổ thông, vốn không muốn tu luyện, thì vị ấy sẽ thấy tu luyện quả thực là khó quá, không thể nghĩ bàn, không [thể] tu thành. Họ là người thường, họ không muốn tu luyện, thì họ sẽ thấy rất khó. Lão tử giảng: “Thượng sỹ văn Đạo, cần nhi hành chi; trung sỹ văn Đạo, nhược tồn nhược vong; hạ sỹ văn Đạo, đại tiếu chi; bất tiếu bất túc dĩ vi Đạo.” [Đối với] người tu luyện chân chính, tôi nói rằng [nó] rất dễ, [nó] không phải là cái gì đó cao quá không với tới được. Thực ra có rất nhiều học viên lâu năm ngồi tại đây và học viên lâu năm không có mặt ở đây đã tu luyện lên đến tầng rất cao rồi. Tôi không giảng cho chư vị điều ấy vì e rằng chư vị sẽ sản sinh tâm chấp trước, [sản sinh] nhân tố thấy khoan khoái tự mãn cá nhân v.v, sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng công lực của chư vị. Làm người tu luyện chân chính có quyết tâm, họ có thể Nhẫn được vững chắc; với các chủng lợi ích trước mắt họ có thể vứt bỏ các tâm chấp trước, có thể coi chúng rất nhẹ, chỉ [những ai] có thể làm được như thế thì mới thấy không khó. Người nào mà nói là khó, thì chính là vì họ không vứt bỏ được những thứ ấy. Bản thân công pháp tu luyện không hề khó, bản thân việc đề cao tầng cũng không khó gì hết, mà chính là tâm con người không vứt xuống được, nên họ mới nói là khó. Bởi vì đang trong lợi ích hiện thực thì rất khó vứt bỏ nó được, lợi ích kia đang ở đó, chư vị nói xem cái tâm ấy vứt bỏ như thế nào đây? Họ thấy rằng khó, trên thực tế chính là khó ở chỗ này. Khi phát sinh mâu thuẫn giữa người với người, chúng ta không Nhẫn được cái khẩu khí kia, thậm chí còn không thể đối đãi với bản thân mình như là người tu luyện; [thế thì] tôi nói rằng không được. Thời tôi tu luyện trong quá khứ, có rất nhiều cao nhân đã giảng cho tôi câu này, họ nói: “Nan Nhẫn năng Nhẫn, nan hành năng hành”. Thực ra đúng là như vậy. Nếu không ngại gì thì khi về nhà chư vị hãy thử đi. Khi gặp khó khăn kiếp nạn, hoặc khi vượt quan, chư vị hãy thử xem: khó Nhẫn, chư vị hãy cứ Nhẫn xem sao; thấy thật khó làm, nói là khó làm, chư vị cứ làm xem cuối cùng có làm được chăng. Nếu chư vị có thể thật sự thực hiện được như vậy, thì chư vị sẽ phát hiện rằng ‘liễu ám hoa minh hựu nhất thôn’!

Bởi vì tôi giảng đã nhiều rồi, giảng nhiều quá chư vị khó nhớ hết được. Điểm yêu cầu chủ yếu mà tôi đề xuất là: mong rằng mọi người từ nay trở đi trong quá trình tu luyện, hãy thật sự coi mình là người luyện công, tiếp tục tu luyện một cách chân chính. Tôi mong rằng các học viên mới và cũ đều có thể tu luyện trong Đại Pháp, đều có thể công thành viên mãn! Mong rằng mọi người về nhà hãy tranh thủ thời gian để thực tu.” (Chuyển Pháp Luân)

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.ntdtv.com/b5/2023/08/18/a103769005.html

Ban Biên Tập Chánh Kiến

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.

Các bài khác

Loạt bài

Tu luyện Đại Pháp