Thiển đàm về trà đạo



Tác giả: Thiên Tuyết

[ChanhKien.org]

Nguồn hình: Chánh Kiến sưu tầm và thiết kế.

Trà đạo Trung Quốc có thể được quy thành sáu yếu tố, còn được gọi là sáu cảnh giới, chính là: Trà tâm, lá trà, nước trà, lửa, trà cụ (bộ dụng cụ pha trà), và hoàn cảnh. Trà tâm ở đây là nói về tâm tình của con người, vị trí của nó đứng đầu trong sáu yếu tố, như vậy chúng ta có thể thấy tính trọng yếu của nó. Trà đạo lại cũng có bốn điều không nên làm, đó là: Tâm bất kính không làm, ý bất tĩnh không làm, thân bất tịnh không làm, cảnh bất tịnh không làm.

Nói về “tâm bất kính không làm” ở đây là nói về người trong khi pha trà, cần có tâm kính trọng đối với Thiên, Địa, Thần minh. “Ý bất tĩnh không làm”, nghĩa là nếu chủ ý thức không thanh tĩnh thì không nên pha trà đãi khách, nếu không, cảm xúc không tốt sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của khách thưởng trà. “Thân bất tịnh không làm” có ý chỉ về thân thể cần khỏe mạnh và sạch sẽ. “Cảnh bất tịnh không làm” điều đó có nghĩa là hoàn cảnh khi thưởng trà phải thanh tĩnh và trang nhã.

Có thể thấy rằng, tu dưỡng phẩm chất của một người làm trà giỏi, ấy là cần phải trau dồi rèn luyện trong suốt cuộc đời. Trà được chuẩn bị pha chế trong tâm thái tự nhiên, thong dong tự tại mà lại trang nhã, rửa trà phải đạt đến cảnh giới tuyệt kỹ, rồi sau đó cẩn thận tỉ mỉ chia trà, những động tác trong đó tựa như nước chảy mây trôi, cũng là triển hiện ra đạo đức trà đạo của người làm trà.

Trong trà đạo có câu nói rằng cảnh tùy tâm chuyển, ý nói là phải điều chỉnh tâm cho đoan chính trước khi pha trà. Giữ phong thái đoan chính, tâm thái thiện lương, đó là tố chất cơ bản mà một người pha trà phải có. Người viết cho rằng, yếu tố cốt lõi liên quan đến động tác trong trà đạo chỉ là liên quan đến vấn đề kỹ thuật, kỹ xảo, chỉ cần dụng một chút tâm tư là có thể trong khoảng thời gian ngắn nhất nắm bắt được.

Nhưng, điều tinh túy trong trà đạo chính là chú trọng nội hàm tu dưỡng của người pha trà. Động tác chẳng qua là dùng để biểu đạt tình cảm và sự tu dưỡng ở trong đó mà thôi. Người pha trà có tu dưỡng cao thượng sẽ thanh lọc tâm hồn khách thưởng trà, thăng hoa tình cảm và đạo đức của họ thông qua các nghi lễ, động tác thầm lặng, không cần đến lời nói.

Hiện nay, nhiều người mới bắt đầu học về thưởng ngoạn dùng trà, mới chỉ học mấy động tác qua loa, liền cho rằng đã ổn, cho rằng vạn sự thuận lợi rồi, thậm chí còn mở lớp rầm rộ rồi tự xưng là thầy giáo. Thầy giáo biết qua loa được chút vỏ nông cạn bên ngoài, và lại truyền sự hiểu biết nửa vời nông cạn của mình cho những người học thiếu hiểu biết…

Mỗi lần suy nghĩ về điều này, tôi không khỏi bật cười, và không khỏi tiếc nuối cho sự suy tàn của trà đạo trên thế gian.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/63894



Ngày đăng: 19-06-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.