Đọc “Nữ giới” của Ban Chiêu thời Đông Hán, đàm luận về vẻ đẹp của sự khiêm nhường



Tác giả: Đồng Hân

[ChanhKien.org]

1. Tán tụng Ban Chiêu làm gương sáng cho hoàng hậu và phi tần

Hán sử hoàng hoàng tục tài cao,
Nữ giới truân truân trước đức hạo.
Hậu phi sư phạm Tào đại gia,
Thiên cổ lưu phương chính khôn đạo.

Tạm dịch:

Trong lịch sử huy hoàng triều Hán liên tiếp xuất hiện người tài,
Lời răn dạy của Nữ giới hiển lộ ra đức lớn.
Tào đại gia (Ban Chiêu) làm gương sáng cho hậu phi,
Đạo Khôn nhu thuận dịu dàng, tiếng thơm lưu danh thiên cổ.

Ban Chiêu của thời Đông Hán tài đức song toàn, là người ở Bảo Kê, Thiểm Tây ngày nay. Năm 14 tuổi, Ban Chiêu được gả cho Tào Thế Thúc, chồng bà hoạt bát hướng ngoại, bà lại dịu dàng hiền thục, đời sống phu thê hòa thuận vô cùng êm ấm.

Ban Chiêu có đạo đức cao thượng, “Nữ giới” là tác phẩm bà viết vào những năm cuối đời, được coi là cuốn sách điển hình của việc giáo dục nữ đức thời Trung Quốc cổ đại, xếp ở vị trí đầu tiên trong bốn cuốn Nữ tứ thư: “Nội huấn”, “Nữ luận ngữ”, “Nữ phạm tiệp lục”, có ảnh hưởng vô cùng to lớn và sâu rộng; vì thế mà về sau bà được giao viết tiếp “Hán thư” cũng như các tác phẩm văn học xuất sắc khác, bà được xếp vào danh sách những bậc tài nữ nổi danh nhất thời Trung Quốc cổ đại, ngang hàng với Thái Văn Cơ, Lý Thanh Chiếu, Trác Văn Quân v.v.

Phụ thân của Ban Chiêu là Ban Bưu, là một học giả, nhà sử học nổi tiếng, ông dốc lòng biên soạn sử sách vào những năm cuối đời, lập chí viết “Hán thư”. Huynh trưởng là Ban Cố kế thừa chí hướng của cha, mất hơn 20 năm khổ tâm sáng tác cuốn “Hán thư”, khi chưa viết xong đã bị liên lụy một vụ án oan mà chết. Ban Chiêu sau nhiều năm nỗ lực, cuối cùng tiếp tục hoàn thành viết tiếp “Hán thư” – một cuốn sử thư quan trọng chỉ sau “Sử ký”. “Hán thư” được nhiều người lần lượt viết trong 40 năm, nhưng khi đọc thì tựa “Hậu tiên bễ mỹ, như xuất nhất thủ” (cuốn sách phần trước hay sau đều hay ngang nhau, như cùng một tay bút viết ra vậy). Ban Chiêu không màng danh lợi, tác giả cuốn “Hán thư” chỉ đề tên một mình anh trai là Ban Cố, bà đã thật sự làm được mỹ đức khiêm nhường kính thuận của người phụ nữ mà mình đã đề xướng ra, khiến người người khen ngợi.

“Hán thư” khi vừa ra mắt thì độc giả không lý giải được những nội dung trong đó, Ban Chiêu đã có cống hiến rất lớn trong việc truyền bá và phổ biến cuốn sách. Học giả nổi tiếng đương thời là Mã Dung đã phải quỳ ở bên ngoài Đông Quan Tàng Thư các để tận tai lắng nghe lời giảng giải của bà. Vì tài đức của mình, Ban Chiêu được Hán Hòa Đế nhiều lần hạ chỉ mời vào cung, để Hoàng hậu với các phi tần bái làm sư, học kinh sử. Thời đó, danh xưng tôn quý nhất đối với những người phụ nữ có phẩm đức tốt đẹp và học thức cao là “Đại gia” (đọc là 姑 /gū/- cô), vậy nên mọi người gọi bà là “Tào Đại gia”.

Đặng Thái hậu khi lâm triều nhiếp chính còn cho phép Ban Chiêu tham dự vào chuyện chính sự, lấy mỹ đức và trí huệ của mình tận trung với nước. Sau khi Ban Chiêu từ trần, Hoàng thái hậu đích thân mặc y phục trắng khóc tang người thầy nhiều năm của mình, còn phái sứ giả trông coi việc tang sự. Con trai Tào Thành nhờ đại đức của mẫu thân mà được phong chức Quan nội hầu.

2. Nữ giới – Tác phẩm mẫu mực cho hạnh phúc của người phụ nữ

“Giới” (诫, /jiè/) trong “Nữ giới” 《女诫》 mượn thanh từ chữ “戒” (/jiè/), có nghĩa là khuyên răn, cảnh cáo. “Nữ giới” tức là khuyên bảo, nhắc nhở người phụ nữ tuân thủ theo những sách dạy về phụ đức – một trong tứ đức của người phụ nữ.

Câu đầu tiên của lời mở đầu trong “Nữ giới” đã nói “Bỉ nhân ngu ám, thụ tính bất mẫn” (Dịch: Tại hạ Ban Chiêu kém cỏi, chẳng tường sự lý, bẩm sinh lại không thông minh cũng chẳng có tài cán), đã thể hiện được vẻ đẹp của khiêm tốn – một đức tính tốt đẹp quan trọng nhất của người phụ nữ xuyên suốt trong tác phẩm “Nữ giới”. Cổ nhân nói “Nữ tử vô tài tiện thị đức”, thật ra ý nghĩa của câu đó là: Người thật sự có tài sẽ không tự cho vì có tài mà ngạo mạn, đây là một loại mỹ đức. Nữ đại tài Ban Chiêu đề xướng đức khiêm nhường, chính là một người thực sự đạt được khiêm nhường.

Vậy tại sao Ban Chiêu lại viết “Nữ giới”? Bà lo lắng các con gái trong nhà “hội lệnh vị lai đích phu gia thất diện tử nhục một liễu tôn tộc” (tạm dịch: làm gia đình nhà chồng phải mất mặt, bôi nhọ cả dòng họ). Kỳ thực, nếu mở rộng ra, nếu như hoàng hậu phi tần mà làm không tốt thì sẽ làm mất thể diện hoàng gia, thậm chí mang đến tai hoạ cho cả cha mẹ mình cùng họ hàng. Bà là người thầy mà các hậu phi trong cung đều tôn kính gọi là Tào Đại gia, tác phẩm của bà tất sẽ ảnh hưởng đến các phi tần, rộng hơn nữa là ảnh hưởng tới mọi tầng lớp danh gia vọng tộc và toàn thể xã hội. Vậy nên “Nữ giới” của Ban Chiêu tuyệt đối không chỉ viết cho các con gái trong nhà, bà trong tâm mang chứa thiên hạ, quan tâm đến tương lai, đây là tấm lòng chân chính của bậc thánh hiền. Minh chứng chính là tác phẩm của bà khi đó liền được hoàng thất, danh gia vọng tộc cùng người dân sao chép rộng rãi, sau đó lưu danh 2000 năm và nhận được sự tôn sùng rộng rãi của các giai tầng nhiều triều đại.

Bà nói rằng mình “Thân hoạn tật bệnh” (Thân mang bệnh tật), “Ngã tương ly khứ” (Tôi sắp rời đi), có lời rằng “Nhân chi tương tử, kỳ ngôn dã thiện” (Người ta sắp chết, lời nói tốt lành). Với trái tim thuần thiện chân chính, bà chỉ mong người đời sau trân quý những đạo lý có thể nói là bà đã dụng tâm giảng giải. Tóm lại, từ lời mở đầu vắn tắt này, chúng ta có thể thấy được một người mang đức lớn, khiêm tốn thận trọng, cần cù thiện lương, biết cảm ân, có trách nhiệm, coi nhẹ danh lợi, có kiến thức thâm sâu. Vậy nên những điều bà nói nhất định là lời chí thiện, rất đáng để chúng ta nghiêm túc đọc và thưởng thức.

“Nữ giới” chính văn gồm bảy phần, đó là: “Ti nhược”, “Phu phụ” (Đạo vợ chồng), “Kính thuận”, “Phụ hạnh” (Đức hạnh phụ nữ), “Chuyên tâm”, “Khúc tòng” và “Hoà thúc muội” (Hoà thuận với anh chị em chồng), trong cuốn sách giảng thuật ba loại “quan hệ” mà làm một người vợ hiền đức cần phải xử lý tốt, chính là kính thuận với chồng, hết lòng vâng theo cha mẹ chồng, khiêm tốn hòa thuận với các chị em dâu, anh chị em chồng.

Chương 1: Ti nhược

Chương đầu “Ti nhược” giảng rõ ba việc quan trọng nhất mà người phụ nữ cần làm: an phận ở vị trí khiêm nhường, chịu khó siêng năng làm việc, trợ giúp chồng việc kính Thần tế tổ, nói đơn giản là Khiêm, Cần, Kính. “Khiêm” thể hiện ở: “Khiêm nhượng cung kính, tiên nhân hậu kỷ, hữu thiện mạc danh, hữu ác mạc từ, nhẫn nhục hàm cấu, thường nhược uý cụ” (tạm dịch: Làm phụ nữ thì phải khiêm tốn, nhường nhịn, tận tụy, cung kính. Trước là nhường người khác, sau mới đến mình. Dù bản thân làm điều tốt cũng không khoe khoang tự mãn, còn làm việc sai thì không được thoái thác trách nhiệm. Hàm dưỡng đức nhẫn nhục, không tranh biện với người. Thường giữ tâm kính sợ, dè dặt cẩn thận). “Cần” chính là thức khuya dậy sớm hơn người khác. Dù việc giản đơn hay nặng nhọc cũng không nên có tâm kén chọn, phụ nữ phải tự mình lo chuyện nhà, đối với mỗi việc đều cần làm tốt, trước sau vẹn toàn. “Kính” tức là phụ nữ cần có phẩm hạnh thuần chính, dung mạo đoan trang, giữ mình trong sạch, giữ gìn những đồ tế tự sạch sẽ và đầy đủ. Phụ nữ làm tốt được ba chuyện đó thì tiếng thơm sẽ lưu mãi muôn đời. Ngược lại, nếu không làm tốt thì cũng bằng như làm bản thân phải hổ thẹn vậy.

Chương 2: Phu phụ (Đạo vợ chồng)

“Phu phụ chi đạo, tam phối âm dương, thông đạt thần minh” (Dịch nghĩa: Đạo nghĩa vợ chồng là sự phối hợp âm – dương, cảm ứng thần minh). Cổ nhân kính Thiên, tin tưởng vào Thần linh, mà quan hệ vợ chồng là xuất phát từ Thiên đạo, vợ chồng hòa thuận sẽ được Thần Phật ban phúc. Thiên nhân hợp nhất, nhân pháp thiên địa, nam tôn nữ ti có nguồn gốc từ quy luật thiên tôn địa ti, đương nhiên cũng là lẽ bất di bất dịch. Lương duyên do trời ban, sự hòa thuận êm ấm giữa vợ chồng được Thần Tiên thừa nhận và bảo chứng, thuận theo Đạo của người phụ nữ cũng chính là thuận theo Thiên ý, mà đã phù hợp với Thiên đạo thì gia đình tất hưng thịnh.

Cổ nhân cho rằng đạo phu phụ (vợ – chồng) có trước tiên, sau mới đến đạo phụ tử (cha – con), rồi mới tới đạo quân thần (vua – tôi), từ đó có thể thấy đạo vợ chồng xếp ở vị trí đầu tiên. Mối quan hệ vợ chồng có hài hoà ngay chính thì sẽ mang đến bầu không khí gia đình ấm áp, con cái sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thiện lương hoà thuận đáng giá ngàn vàng. Quan hệ vợ chồng tốt rồi, quan hệ cha con ổn thỏa thì cha tất sẽ nhân từ, con cũng sẽ hiếu thuận. Con cái tôn kính cha mẹ thì lớn lên cũng sẽ tôn kính và trung thành với bậc quân chủ.

Vậy nên nói rằng vợ chồng hoà hợp thì gia đình sẽ hoà thuận, thiên hạ tự nhiên sẽ thái bình. Từ thời xưa, các bậc thánh vương đều vô cùng chú trọng đến sự hài hoà tốt đẹp trong mối quan hệ vợ chồng, như Hiên Viên Hoàng đế – người đặt nền móng văn minh Trung Hoa, khai sáng nền văn minh 5000 năm, được sự trợ giúp của Hoàng hậu Luy Tổ tài đức và Mô mẫu; Đế Thuấn đại đức có sự phụ trợ của hai người vợ là Nga Hoàng và Nữ Anh hiền đức trí huệ; câu chuyện về đức lớn của tổ mẫu Thái Khương, mẫu thân Thái Nhậm và thê tử Thái Từ của Chu Văn Vương đều là ba đời hoàng hậu hiền đức (được xưng là Tam Thái nhà Chu) và được truyền lại lưu thành giai thoại, đó đều là những điển hình mẫu mực của quan hệ vợ chồng thuận hòa.

Chương 3: Kính thuận

“Âm dương bất đồng tính” (Đặc tính âm – dương hai bên là khác nhau), người nam lấy cương cường làm quý, người nữ lấy nhu nhược làm mỹ đức. Người làm vợ cần lấy cung kính để tu thân, biết nhu thuận để tránh cương cường. Phu thê là quan hệ thân mật nhất, mỗi người đều biết rất rõ mọi thứ về nhau, đặc biệt là khuyết điểm của đối phương, người vợ nếu như không thể luôn khiêm cung, thì sẽ dễ khinh thường người chồng, hành vi vì thế mà trở nên phóng túng, chỉ vì chút chuyện nhỏ mà tranh biện phải trái đúng sai, nếu không được như mong muốn thì hẳn sẽ oán trách, nếu như cơn giận trong lòng không thể khống chế được thì sẽ mắng nhiếc thậm chí đánh cả chồng, như vậy thì ân nghĩa vợ chồng cũng chẳng còn, thì chỉ có thể phân ly. Vậy nên người vợ cần lấy đạo kính thuận để đối đãi với chồng, tôn trọng trân quý lẫn nhau như vậy thì vợ chồng sẽ tự ân ái hòa thuận.

Chương 4: Phụ hạnh

Người vợ hiền huệ có bốn quy phạm hành vi tốt đẹp, chính là bốn mỹ đức: Phụ đức, phụ ngôn, phụ dung và phụ công. Tứ đức chính là vẻ đẹp của nội tâm, chứ không phải vẻ bề ngoài thông minh tuyệt đỉnh, khéo ăn khéo nói, biết trang điểm rạng rỡ diễm lệ hay có tài nghệ khéo léo hơn người. Phụ đức là phụ nữ phải nhã nhặn trầm tĩnh, không màng danh lợi, cẩn trọng giữ tiết tháo, tâm biết hổ thẹn, cử chỉ phù hợp. Phụ ngôn tức là phải biết lựa lời mà nói, không nói những lời xấu xa, thô tục, lựa thời điểm mà nói, tránh để người khác phản cảm. Phụ dung là thân thể phải thanh khiết sạch sẽ, quần áo gọn gàng chỉnh tề, trang điểm phải phù hợp. Phụ công là không nói đùa cười cợt, biết chuyên tâm may vá, dệt vải và nấu ăn ngon. Ban Chiêu đặc biệt nhấn mạnh rằng, làm được bốn điều này không hề khó, chỉ cần chân thật dụng tâm thì người vợ nào cũng có thể làm được.

Hoàng hậu Trưởng Tôn của vua Đường Thái Tông thời Đường chính là một mô phạm điển hình cho Tứ đức, câu chuyện “Triều phục tiến gián” của bà làm người người phải thán phục. Ngụy Trưng là một trung thần ngay thẳng, ông khi khuyên can là can gián kịch liệt, có lúc còn làm Thái Tông tức giận. Trưởng Tôn Hoàng hậu thấy vậy liền thay triều phục trang hoàng lộng lẫy, lại đến cung kính bái kiến Thái Tông, chúc mừng vua rằng: “Quân chủ thánh minh thì bề tôi tất trung trực, Bệ hạ hiện có được đại thần chính trực như vậy, thực chẳng quá rõ Bệ hạ là một bậc minh quân hay sao?” Bà trong lúc Hoàng đế nóng giận liền ở ngay thời cơ thích hợp nhất, dùng nét mặt tươi cười cung kính dịu dàng khéo léo khuyên can, đạt được hiệu quả tốt nhất, thành tựu nên thời Đại Đường hưng thịnh của bậc quân chủ thánh minh, hoàng hậu hiền đức và đại thần trung trực. Trưởng Tôn Hoàng hậu quả là sự viên dung hợp nhất của mỹ đức và trí huệ siêu thường, có thể được gọi là bậc hiền hậu thiên cổ.

Chương 5: Chuyên tâm

Người hành đại Đạo mà không lầm đường lạc lối là chuyên tâm, người nữ không xa rời đạo hạnh chính là chuyên tâm. Chuyên tâm ở đây là một đức tính tốt đẹp của con người, chính là chỉ phẩm hạnh thuần chính, trung trinh không đổi. Chồng chính là trời của vợ, không ai trong thiên hạ có thể nhảy thoát khỏi trời, nên người vợ cũng không thể rời xa chồng được, đây là Thiên lý, Thiên đạo.

Một biểu hiện của chuyên tâm là mắt không nhìn những điều không nên nhìn, tai không nghe những điều không nên nghe, miệng không nói những lời hồ ngôn loạn ngữ. Còn không chuyên tâm thể hiện ở việc người vợ ra ngoài trang điểm diêm dúa, cử chỉ lẳng lơ, ở nhà thì ăn mặc tùy tiện, tư tưởng lơ đễnh. Đứng núi này trông núi nọ, tâm tham dục không có điểm dừng, trông thấy nam nhân phong lưu tuấn tú, lắm tiền nhiều của, tài hoa, quyền lực thì không nhớ tới ân nghĩa vợ chồng, quên rằng người bạn đời trời ban tặng mới thực sự là mối lương duyên, đây chính là phản bội lại thiên đạo nhân luân.

Chương 6: Khúc tòng

Người xưa nói rằng ngay cả thanh quan trung thực cũng khó giải quyết được việc tranh chấp trong gia đình, mỗi người mỗi ý, buộc phải phân ra người đúng người sai thì làm mất tình thân mật. Cha mẹ chồng là ân nhân dưỡng dục nên chồng, phải nên thuận theo giống như đối với cha mẹ ruột của mình vậy. Như thế, cha mẹ chồng sẽ thích mình, chồng cũng sẽ theo thuận theo tâm ý mình. Người vợ cứng đầu chọc giận cha mẹ chồng, người chồng vì lòng hiếu thảo liền phát sinh mâu thuẫn với vợ. Vâng theo cha mẹ chồng là một cách tốt để giải quyết mâu thuẫn gia đình.

Chịu ủy khuất để cầu toàn vẹn chính là tự tư, là sự khuất phục thụ động, bấm bụng bất lực. Nhưng nếu uốn mình để cầu toàn vẹn là lý trí, trí huệ, là vì lo cho cả đại cục mà chủ động nhẫn nhượng, là một hành vi cao thượng. Việc “cầu” gia đình hạnh phúc hòa thuận “toàn” vẹn, mà nghe theo cha mẹ chồng, chính là một đức hạnh tốt đẹp, lòng dạ bao dung rộng lớn của người vợ.

Chương 7: Hòa thúc muội

Người làm vợ chung sống với các anh chị em chồng, nhất định phải khiêm tốn, không thể kiêu căng tùy thích mà mất đi hòa khí. “Thất nhân hoà tắc báng yểm, ngoại nội ly tắc ác dương” (Dịch: nếu như có thể chung sống hòa thuận với cả nhà, cho dù mình phạm lỗi vẫn có thể được che giấu, tiếng xấu không đến nỗi lan truyền ra ngoài khiến người cười chê), chung sống hòa thuận với các cô dì chú bác, mọi người đều sẽ thích bạn, chồng sẽ càng kính trọng bạn, tiếng thơm hiền đức vì thế mà truyền tới quê nhà, cha mẹ cũng được nở mày nở mặt.

“Khiêm tắc đức chi bính, thuận tắc phụ chi hành. Phàm tư nhị giả, túc dĩ hoà hỹ”: Khiêm nhường là căn bản của phụ đức, thuận theo đó là chuẩn tắc của phụ hạnh, hai điều này làm được tốt rồi thì sẽ được các em trai em gái và chị em dâu của chồng yêu thích, cuối cùng gia đình sẽ hòa thuận hạnh phúc.

3. Thưởng đọc “Nữ giới” – tìm về bản tính thiện lương

Trong “Nữ giới”, Ban Chiêu nhấn mạnh quan hệ hòa hợp tốt đẹp giữa vợ chồng, từ góc độ của người làm vợ mà xét thì chính là tìm về chính mình, một người vợ thông minh hiền thục sẽ cảm hóa được chồng mình, có thể làm được danh lợi thì dành cho người, sai sót thì nhận về mình, tự khắc sẽ được người chồng yêu thương trân trọng, mâu thuẫn cũng sẽ giảm thiểu. Gia đình là tế bào của xã hội, vợ chồng thuận hoà thì quan hệ gia đình sẽ tốt đẹp, xã hội của chúng ta sẽ tốt đẹp, đây là đức đại thiện của Ban Chiêu, cũng là nguyên nhân căn bản khiến hậu thế đặc biệt sùng bái và tôn trọng bà.

Hiện tại rất nhiều người không thích những tác phẩm kinh điển, cho rằng toàn là đạo đức giả, quá nhiều quy tắc, rất phiền phức. Ví dụ, nghe rằng “không nói đùa cười cợt với người khác” liền cảm thấy người thời xưa không cho nữ nhân cười đùa, vậy thì quá cứng nhắc tẻ nhạt rồi, đây chẳng phải “gò bó”, “cầm tù” người ta hay sao? Nữ nhân cổ đại có thể thông thạo cầm, kỳ, thi, hoạ, có thể ngâm thơ thưởng trà, ca hát nhảy múa, có thể thường ngày may đo trang phục, nấu nướng món ngon, những hoạt động đó thực ra vô cùng thú vị, quá trình liên tục nâng cao tay nghề rất vui vẻ, lại bồi dưỡng được tính nết, cảnh giới của sinh mệnh và đạo đức dần dần được thăng hoa, càng là tốt đẹp không gì sánh được. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, người vợ mang tâm đức hạnh thì làm việc gì cũng sẽ hạnh phúc vui vẻ.

Nói đến “giới” trong “Nữ giới”, hiện tại mà có người hễ nhắc đến là thấy phản cảm, phụ nữ ngày nay không muốn học “Nữ giới”, nhưng phụ nữ thời xưa lại muốn học, tại sao vậy? Chủ yếu là do quan niệm biến dị hiện nay tạo thành, người người đều vị kỷ, huênh hoang, tâm người ta nhỏ hẹp đến mức chỉ dung chứa nổi bản thân mình, không suy nghĩ đến người khác, không nghĩ cho gia đình, càng không nói đến quan tâm xã hội.

Tâm con người là một trường, bạn thật sự khiêm cung thì người nhà sẽ theo đó mà khiêm tốn, người người trong xã hội cũng cứ thế mà khiêm nhường, cuối cùng bạn sẽ có được sự tôn kính của mọi người. Bạn muốn “giải phóng”, “tự tung tự tác”, chồng bạn cũng muốn “tự tung tự tác”, con cái cũng muốn “giải phóng”, mỗi người trong xã hội đều muốn bành trướng tự ngã, muốn sao làm vậy, thì bạn sẽ sống trong cái ác, không ngừng bị quấy rối, làm hại, cuối cùng thứ bạn nhận được chỉ là phiền não và thống khổ.

Cổ nhân có trí tuệ, nhìn xa trông rộng. Con người khởi xướng điều gì thì cuối cùng sẽ nhận lại điều đó, “gieo nhân nào gặt quả nấy”, “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Xã hội là một chỉnh thể, là một trường, buộc phải có trật tự, xã hội chính là một tầng Pháp, tầng Pháp duy hộ cảnh giới sở tại ấy vô cùng quan trọng. “Giới” chính là thể hiện của một tầng Pháp, là sự chủ động duy hộ của mỗi cá nhân đối với tầng Pháp ấy. Mỗi người đều tự ước thúc bản thân, ngược lại, ở trong xã hội như vậy, bạn lại có được không gian lớn nhất, bạn sẽ sống trong những điều thiện, không ngừng được người khác quan tâm, giúp đỡ, bạn sẽ vô cùng hạnh phúc. Từ đây cũng thấy rằng, con người ngày nay ích kỷ chú trọng vào tự ngã, tự cho rằng mình thông minh, nhưng thực ra là rất ngốc. Cổ nhân thuần phác, trông thì có vẻ “ngốc”, kỳ thực là trí tuệ chân chính, như vậy mới có thể đạt được hạnh phúc chân chính và dài lâu.

Thưởng đọc “Nữ giới” của Ban Chiêu từ góc độ mới, thành tâm hy vọng tất cả mọi người đều có thể trân quý ngày hôm nay, trong thời buổi đen tối hỗn loạn mà mọi nơi đều tràn ngập ma tính này, có thể tôn kính và nghe theo lời giáo huấn của bậc thánh hiền, hồi quy truyền thống, đề cao đạo đức, tìm về bản tính thiện lương, cùng mở ra một tương lai tươi sáng của nhân loại.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/251129



Ngày đăng: 09-04-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.