Đạo địa ngục trong lục đạo luân hồi



Tác giả: Quá Khách

[ChanhKien.org]

Nguồn hình: Chánh Kiến sưu tầm và thiết kế.

Truyền thuyết kể rằng sinh mệnh trong tam giới phải luân hồi trong lục đạo: đạo Thiên Thần, đạo nhân gian, đạo A Tu La, đạo súc sinh, đạo ngạ quỷ và đạo địa ngục; sáu loại hoàn cảnh sinh tồn khác nhau; đạo địa ngục là nơi khổ nhất trong số đó, trong tôn giáo cũng như các truyền thuyết dân gian đều có rất nhiều mô tả về tình cảnh nơi địa ngục. Phật vì sao lại giảng về địa ngục? Vì để có thể khởi lên tác dụng như một lời khuyên răn cảnh báo thế nhân, khiến cho người ta sẽ không đến mức dám làm những việc bại hoại một cách vô độ.

Tống Nhan Bính đã từng miêu tả địa ngục như sau: “Những kẻ khi sống làm điều ác, bị áp giải vào đường nước sôi, đường lửa, đường dao. Vạc nước sôi như vách núi lở, gươm dao dựng đứng như thế núi cao sừng sững. Rưới đồng nung lỏng khắp thân cho xác thịt nát rữa, nuốt viên sắt đến mức đầy miệng bốc khói. Bị chặt, đập xác thịt đến mức máu huyết chảy đầm đìa, hàn băng giá rét thấu xương khiến da thịt tê cóng nứt nẻ. Thân thể thịt nát xương tan, gió nghiệp thổi lại sống lại, hết mệnh chết đi quỷ La Sát lại cho uống thuốc tái sinh”. Những lời này đã kể hết ra những cảnh tượng khủng khiếp kinh hãi của địa ngục, khiến người ta khiếp đảm, kinh hãi.

Nói địa ngục đạo là một đạo trong luân hồi, mà lại không giống những đạo khác ở chỗ, sinh mệnh ở những đạo khác vẫn có cơ hội tiếp tục luân hồi, nhưng phần lớn các sinh mệnh khi đã đến nơi đây sẽ vĩnh viễn không có cơ hội được chuyển nhập luân hồi nữa; tam giới là bãi rác của vũ trụ, đây chính là nơi những rác thải bị tiêu hủy. Sinh mệnh trong đạo ngạ quỷ tuy rằng rất khổ, nhưng có thể đi các nơi tìm thức ăn; còn với những tội nhân trong đạo địa ngục thì không được tự do, không thể chạy trốn trong khi chịu những hình phạt tra tấn.

Địa ngục là một phạm vi thời không rộng lớn, bên trong có vô số thời không nhỏ hơn, Phật Thích Ca Mâu Ni từng giảng về 18 tầng địa ngục, còn thấp hơn nữa thì Ông không giảng, người vào thời đó nói chung tư tưởng đều khá đơn giản, mô tả về 18 tầng địa ngục cũng đã đủ để khiến người ta cảm thấy khủng khiếp. 18 tầng địa ngục mà tôn giáo giảng là: Địa ngục Bạt Thiệt (rút lưỡi), địa ngục Tiễn Đao (kéo cắt), địa ngục Thiết Thụ (cây sắt), địa ngục Nghiệt Kính [1], địa ngục Chưng Lung (lồng chưng), địa ngục Đồng Trụ (trụ đồng), địa ngục Đao Sơn (núi đao), địa ngục Băng Sơn (núi băng), địa ngục Dầu Oa (vạc dầu), địa ngục Ngưu Khanh (hố trâu), địa ngục Thạch Áp (đá đè), địa ngục Thung Cữu (cối giã), địa ngục Huyết Trì (bể máu), địa ngục Uổng Tử (chết oan), địa ngục Trách Hình (phanh thây), địa ngục Hỏa Sơn (núi lửa), địa ngục Thạch Ma (cối xay đá mài sát), địa ngục Đao Cư (đao cưa).

Tầng tầng thời không của địa ngục không phải được sắp xếp theo từng tầng như kiểu tầng hầm, mà chúng là những cấu trúc thời không khác nhau đồng thời tồn tại ở cùng lúc cùng chỗ; những thể sinh mệnh đến đây phải chịu hình phạt trong thống khổ mà hoàn trả lại hết thảy những nợ nghiệp đã tạo ra ở đời trước.

Cái khổ trong địa ngục chủ yếu là cực lạnh, cực nóng và cô độc, chúng ta có thể hình dung cảnh tượng thống khổ khi chỉ mặc quần áo mỏng manh sinh sống ở Bắc Cực và Nam Cực hoặc khi bị lửa cháy bừng bừng thiêu đốt, bạn cảm thấy bạn có thể chịu đựng được trong bao lâu? Sự cảm nhận đối với thống khổ của các sinh mệnh trong địa ngục lại mẫn cảm hơn nữa, cảm giác cực lạnh và cực nóng khắc nghiệt trên trái đất đối với họ mà nói chỉ như trải qua một kỳ nghỉ vậy.

Địa ngục nổi tiếng nhất ở đây có tên là địa ngục Vô Gián hay còn gọi là Vô Gián đạo, những người bị đọa vào địa ngục Vô Gián đều là những người cực kỳ ác độc, đã phạm phải những tội cực kỳ nghiêm trọng; chẳng hạn như là phá hoại quy luật của vũ trụ; tại sao phá hoại quy luật của vũ trụ lại là trọng tội? Phật Pháp đã tạo ra toàn thể vũ trụ, phá hoại quy luật của vũ trụ sẽ bị đánh nhập vào địa ngục Vô Gián. Trong địa ngục Vô Gián vĩnh viễn không có hy vọng được giải thoát, không có cảm thụ nào khác ngoài thống khổ. Các địa ngục khác, chẳng hạn như địa ngục rút lưỡi là nhẹ nhàng nhất, âm sai dùng cái kìm sắt lớn kẹp lấy lưỡi của phạm nhân còn sống kéo ra ngoài, rồi liền thẳng tay rút lưỡi ra, sau đó đổ vào một loại nước thuốc, lưỡi có thể mọc lại ngay lập tức, sau đó lại bị rút ra. Khi thụ hình bị tra tấn thì đau đớn thống khổ không tả xiết, khi không bị tra tấn thì còn có thể thuyên giảm đi một lúc. Nhưng ở đây thì khác, Vô Gián có nghĩa là gì? Nghĩa là phải chịu tra tấn thụ hình không ngừng nghỉ, thân thể lúc nào cũng liên tục bị ngọn lửa thiêu đốt. Dây thần kinh cảm giác đau đớn của con người khó mà chịu đựng nổi được sự thiêu đốt của lửa, trong địa ngục Vô Gián, chủ yếu là bị ngọn lửa cháy mạnh thiêu người nên cũng còn được gọi là “địa ngục thiêu đốt A Tỳ”.

Vô Gián đạo vẫn chưa phải là địa ngục đáng sợ nhất, bên dưới còn nhiều địa ngục còn hơn cả thế nữa! Các lạp tử của thân thể từ hồng quan đến vi quan bị tiêu hủy từng tầng từng tầng, cuối cùng đi đến tận cùng địa ngục, ngay cả nguyên thần cũng bị tiêu hủy, hình thần toàn diệt, không còn nguyên thần thì phải chăng không cảm nhận được thống khổ đau đớn nữa? Trong kinh Phật từng giảng, rằng sẽ không để cho người đó cảm thấy thoải mái như vậy, còn phải cho người đó lưu lại một chút ý thức, biết và cảm nhận được bẩn và khổ, và họ sẽ vĩnh viễn chịu đựng như vậy.

Thời gian trong địa ngục khác với thời gian nơi không gian nhân loại, người ta thường nghe nói rằng đến nơi địa ngục phải chịu khổ hàng trăm, hàng vạn năm; đó là thời gian ở nơi đó, nhưng so với thế gian con người thì có thể chỉ là một vài ngày hoặc vài tháng, còn ở trong hoàn cảnh đó kỳ thực đã qua hàng vạn năm, mọi thứ trong không gian đó đều biến đổi trở nên nhanh hơn chậm hơn tùy theo thời gian, nếu nhanh lên cũng không cảm giác thấy nhanh, và nếu chậm đi thì cũng không cảm giác được là chậm. Trên thực tế, thời gian trong không gian nhân loại chúng ta nhanh hơn trước kia rất nhiều lần, mọi vật tham chiếu (như đồng hồ) đều biến đổi nhanh theo, nên không hề cảm giác được bất kì điều gì thay đổi. Trong kinh Phật từng giảng rằng tương lai sau hàng trăm triệu năm nữa Phật sẽ hạ thế độ nhân; đó cũng không phải là thời gian của nhân gian, mà là thời gian của cung Đâu Suất, khi quy đổi thành thời gian nơi không gian nhân loại, vừa đúng là thời điểm hiện nay. Một ngày phương trời, nghìn năm mặt đất; đó là một nhận định chung, thời gian của các không gian khác so với thời gian nơi không gian nhân loại thì thường nhanh hơn.

Khi nói đến địa ngục, không thể không nhắc đến một vị đại giác giả, đó chính là Địa Tạng Vương Bồ Tát, Ông đã lập thệ nguyện rằng “Địa ngục bất không, thệ bất thành Phật” (Địa ngục chưa trống không, thề không thành Phật). Rất nhiều người lý giải rằng Ông muốn siêu độ giải thoát tất cả chúng sinh trong địa ngục. Kỳ thực không hẳn là mang ý nghĩa này, làm sao có thể cứu độ được một sinh mệnh với tội nghiệp trầm trọng đến mức không thể cứu được đây? Thiện ác hữu báo, sinh mệnh thập ác bất xá nên phải bị tiêu hủy triệt để, như vậy mới phù hợp với lý của vũ trụ. Phật phải duy hộ lý của vũ trụ, trong đó đương nhiên là bao gồm việc phải hoàn toàn tiêu hủy những kẻ ác không đáng được cứu vớt. Liệu nguyện vọng làm cho địa ngục trở nên trống không này trở thành hiện thực có thể được chăng? Có độ khó nhưng không nhất định là tuyệt đối không có khả năng; nếu như có cơ hội trải qua việc đại canh tân của toàn thể vũ trụ, và có vị Đại Giác Giả cực cao cực cao chính Pháp trong mỗi từng không gian khác nhau; những sinh mệnh không phù hợp tiêu chuẩn sẽ bị đào thải và tiêu hủy triệt để, những sinh mệnh phù hợp tiêu chuẩn sẽ đắc được siêu độ và đề cao, khi ấy địa ngục chẳng phải trống không hay sao?

Có thể một ngày nào đó địa ngục sẽ trở nên trống không, hoặc có thể đây chỉ là một nguyện vọng tốt đẹp.

Chú thích của người dịch:

[1] Nghiệt Kính: là một cái kính, có thể soi ra những loại tội, nghiệp mà linh hồn người đã chết tạo ra khi còn sống.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/286602



Ngày đăng: 11-02-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.