[Nhân vật anh hùng thiên cổ Trung Quốc] Vua Nghiêu, Thuấn, Vũ (6): Đại Vũ trị thủy sông Hoàng Hà
[ChanhKien.org]
4. Trị thuỷ sông Hoàng Hà
Tên gọi Hoàng Hà được xuất hiện sớm nhất trong Hán Thư, đương thời gọi là Hà hoặc Đại Hà.
Ở những niên đại xa xưa về trước, thượng du và hạ du sông Hoàng Hà không liên thông với nhau, sự “dịch chuyển của Hoàng Hà” một triệu năm trước đã khiến thượng du sông Hoàng Hà bẻ góc ở Tích Thạch hiệp khiến nước chảy vào Lâm Hạ – bồn địa Lan Châu, nối liền với vùng hạ lưu. “Sự dịch chuyển của bồn địa Cộng Hòa” (bồn địa Cộng Hòa có trung tâm nằm tại huyện Cộng Hòa tỉnh Thanh Hải) diễn ra 150.000 năm trước đã khiến thượng du sông Hoàng Hà bị xâm thực lên đầu nguồn Long Dương hiệp, hạ du bẻ góc ở Tam Môn hiệp khiến nước chảy về phía Đông rồi đổ ra biển.
Dẫn nước ra biển
Sông Hoàng Hà là dòng sông chính để xả lũ ở Ung Châu, Dự Châu và Ký Châu. Đây cũng là công trình trị thuỷ trọng yếu. Theo tính toán của Đại Vũ, việc trị thuỷ bắt đầu từ Ký Châu. Ký Châu thời kỳ Đại Vũ ứng với vùng đất là toàn bộ tỉnh Sơn Tây, phía Bắc sông Hoàng Hà ở tỉnh Hà Nam, nửa phía Tây tỉnh Hà Bắc đến phía Nam núi Âm Sơn ở Nội Mông Cổ, phía Đông kéo dài đến khu vực phía Tây sông Liêu Hà ở tỉnh Liêu Ninh ngày nay. Đây là kinh kỳ của vua được nhắc đến trong thiên “Vũ Cống” sách Thượng Thư, tức là nơi mà Thiên tử trực tiếp quản lý.
Biển Đông Hải (biển Hoa Đông ngày nay) có hai con quái vật gây trở ngại cho việc trị thuỷ và làm hại nhiều nhân công trị thuỷ, một con là Thiên Ngô và một con là Võng Tượng. Vũ đã thỉnh cầu Thần Đông Hải Ngu Quắc hàng phục hai con quái vật này.
Ngu Quắc lại gọi thủ hạ của mình là Ứng Long phụ giúp Vũ trị thuỷ. Ứng Long từng giúp Hoàng Đế đánh bại Xi Vưu, ông nắm rõ thuỷ mạch, địa mạch như lòng bàn tay, vì vậy có thể rất dễ dàng vạch ra lộ tuyến đào kênh.
Tại các khu vực Thanh Châu và Duyện Châu, Vũ bắt đầu mở đường, từ núi Vương Ốc để dẫn nước sông Tễ chảy vào sông Hoàng Hà, rồi theo hướng Đông chảy vào đầm Hà Trạch. Sông Ung Thủy chảy đến đầm Hà Trạch hợp với sông Thư Thủy (Thanh Thuỷ Hà) rồi chảy vào đầm Lôi Hạ. Sau đó theo Đông Bắc nhập vào sông Vấn Thủy, rồi lại chảy về phía Bắc, ở đó chuyển hướng về phía Đông chảy ra biển lớn.
Nhờ sự giúp đỡ của Ứng Long, chín kênh sông đã được đào tại khu vực hạ du sông Hoàng Hà ở Ký Châu, Thanh Châu và Duyện Châu để dẫn nước chảy ra Đông Hải. Ở đây Vũ đã đào núi Kiệt Thạch, khiến nước tích ở phía Tây của núi Kiệt Thạch chảy ra biển lớn.
Ở khu vực núi Xích Thành và núi Vương Ốc, có bảy người biết thuật địa hành làm hại người. Tiên nhân Tây Thành Vương Quân nhận uỷ thác của phu nhân Vân Hoa, thu phục được bảy Địa tướng này, họ hợp với bảy vị Thiên tướng do phu nhân Vân Hoa phái đến thành mười bốn vị Thiên – Địa tướng trợ giúp đắc lực cho Vũ trong việc trị thuỷ sau này.
Trong một động đá ở núi Vương Ốc (một trong ba mươi sáu động Trời của Đạo gia), Tây Thành Vương Quân từ trong một hộp đá trời sinh lấy ra một bộ sách tu luyện tặng cho Vũ, nói rằng: “Nếu có thể chiểu theo những điều nói trong sách này chăm chỉ tu luyện, thì xuất phàm thành Thánh không phải là chuyện khó”. Ông lại nói với Vũ rằng: “Nếu tu thành đắc Đạo, thì hãy để cuốn sách này vào vị trí ban đầu của nó”.
Mở núi Để Trụ
Thuỷ Kinh Chú ghi chép: “Để Trụ, là tên núi. Thời Vũ trị thuỷ, ngọn núi chắn nước, vì vậy Vũ xẻ núi để sông chảy qua. Sông Hoàng Hà phân dòng, chảy quanh núi mà thoát đi, đỉnh núi đứng giữa dòng nước trông như cột trụ, nên gọi là núi Chỉ Trụ vậy”. Vũ xẻ núi phân sông Hoàng Hà thành hai dòng, nước sông bao quanh núi chia hai dòng chảy qua, ngọn núi này tựa như một trụ đá rất cao lớn, đứng sừng sững giữa dòng nước Hoàng Hà chảy xiết, mặc cho dòng nước đêm ngày xung kích vẫn sừng sững bất động. Vũ đặt tên núi là Chỉ Trụ Sơn. Thành ngữ “trung lưu chỉ trụ” (cột đá giữa dòng) chính là bắt nguồn từ đây. Từ đó “trung lưu chỉ trụ” trở thành một biểu tượng tinh thần được truyền tụng muôn đời của dân tộc Trung Hoa.
Cự Linh đục Hoa Sơn
Thời viễn cổ, núi Thú Dương ở bờ Đông sông Hoàng Hà (nay là núi Điều ở Sơn Tây) và núi Thái Hoa ở bờ Tây sông Hoàng Hà là nối liền với nhau, nước sông Hoàng Hà chảy tới đây, bị núi chặn lại. Như vậy các vùng Hoa Âm, Đồng Quan, Triêu Ấp bị biến thành một hồ nước. Muốn thoát nước ở đây thì ắt phải đục mở hai ngọn núi này. Điều này hiển nhiên không phải sức người có thể làm được. Vì vậy, phu nhân Vân Hoa thỉnh mời Cự Linh Thần Tần Hồng Hải ra tay đục Hoa Sơn, đồng thời hội hợp chúng Thần, trong đó dẫn đầu là Tây Vương Mẫu. Có thể nói là cuộc đại hội tụ của các Thần Tiên.
Thân thể của Cự Linh Thần Tần Hồng Hải dần dần biến lớn, rồi thân hình của Ông biến thành không biết cao đến nhường nào, Ông duỗi hai bàn tay khổng lồ, nắm chắc đỉnh núi ở phía Nam Hoa Sơn, rồi thuận thế vươn chân đạp hết sức vào chân núi ở mặt phía Bắc, hai núi bị tách ra, nước sông cuồn cuộn thoát qua khoảng không do Ông đạp mà chảy về phía Đông. Tay trái Cự Linh Thần ấn giữ lên núi Hoa Sơn, nên chỗ đó được gọi là Tiên Chưởng. Nhưng vì dùng lực quá mạnh, nên Hoa Sơn bị nứt tách ra thành hai nửa, một ngọn cao và một ngọn thấp. Nửa cao hơn chính là núi Hoa Sơn ngày nay, còn gọi là núi Thái Hoa, còn nửa thấp hơn chính là núi Thiếu Hoa. Đại thi nhân Lý Bạch viết: “Cự Linh bào hao phách lưỡng sơn, hồng ba phún lưu xạ Đông Hải” (tạm dịch: Cự Linh gầm thét tách hai núi, sóng lũ phun trào tận biển Đông), chính là nói về câu chuyện này.
Tương truyền Hán Vũ Đế năm đó khi lên Hoa Sơn, cảm thán công đức của Cự Linh Thần nên đã xây dựng động Thần Cự Linh dưới núi Hoa Sơn.
Bài thơ “Hoa Nhạc” của Vương Duy đời Đường tán tụng rằng:
Tích văn Càn Khôn bế, Tạo hóa sinh Cự Linh.
Hữu túc đạp phương chỉ, tả dụng thôi tước thành.
Thiên địa hốt khai sách, Đại Hà chú Đông minh.
Toại vi Tây trì nhạc, hùng hùng trấn Tần kinh.
Tạm dịch:
Xưa nghe Càn Khôn đóng, Tạo hóa sinh Cự Linh.
Chân phải đạp lấy thế, tay trái đẩy tạo thành.
Trời đất bỗng phân tách, Hoàng Hà trút biển Đông.
Liền thành núi phía Tây, sừng sững trấn Tần kinh.
Vũ khai Long Môn
Khai phá Long Môn, là công trình then chốt trong việc trị thuỷ sông Hoàng Hà, cũng là công trình trị thuỷ trọng yếu. Công trình này rất lớn, bao gồm cả Hồ Khẩu, Mạnh Môn và Long Môn.
Tại đây, Hoàng Hà bị núi Lữ Lương chặn lại, làm hồng thuỷ tắc lại ở đây. Núi Lữ Lương có một cái miệng núi, giống như miệng ấm (Hồ Khẩu), nếu đục thêm mở rộng ra, thì có thể xả nước lũ. Vì thế, Vũ đục Hồ Khẩu. Thuỷ Kinh Chú chép lại: “Vũ trị thuỷ, bắt đầu từ Hồ Khẩu”.
-
-
Thác nước Hồ Khẩu trên sông Hoàng Hà(Ảnh: Leruswing/Wikipedia)
Xuôi về phía hạ du của Hồ Khẩu khoảng năm dặm là núi Mạnh Môn được gọi là “cửu hà chi đăng”. Nước sông chảy đến đây phân thành hai dòng, từ hai bên Cự Thạch ào ạt chảy qua, đến sau núi Mạnh Môn lại hợp thành một dòng. Tương truyền hai đảo núi này vốn là một núi nằm chắn ngang dòng nước Hoàng Hà khiến nước lũ lan tràn khắp nơi, nên Đại Vũ đục mở núi này ra làm hai để nước theo dòng chảy thông suốt. Nước sông Hoàng Hà sau khi chảy ra khỏi Mạnh Môn, chảy vút xuống, thẳng tới Long Môn.
Núi Long Môn vốn là một ngọn núi lớn nối liền với dãy núi Lữ Lương, nằm chắn dòng chảy sông Hoàng Hà khiến cho nước sông Hoàng Hà chảy tới đây không thể chảy tiếp, phải quay đầu chảy ngược về thượng du, dẫn đến vùng thượng du ở núi Mạnh Môn đều bị ngập nước. Vũ tách mở núi Long Môn làm hai, như hai cánh cửa, để nước sông từ trên vách núi cheo leo tuôn chảy xuống.
Người đời sau nhớ lại công đức trị thuỷ của Đại Vũ, gọi nó thành Vũ Môn. Trong dân gian còn có truyền thuyết, Đại Vũ đục núi tới đây, đục mãi không thông, liền hoá thân thành rồng để phá đá mở núi, nên cũng gọi là Long Môn.
Ở gần Long Môn có một cái khe, gọi là khe Lý Ngư (cá chép), cá chép ở đây bơi ngược dòng lên thượng du của Long Môn, con cá nào có bản lĩnh nhảy qua được Long Môn thì sẽ hóa thành rồng, nên mới gọi là “cá chép vượt Long Môn”.
Cách hạ du của Long Môn vài trăm dặm là Tam Môn hiệp nổi tiếng, Vũ phá một hòn núi chặn dòng Hoàng Hà thành mấy phần, khiến nước sông phân dòng chảy quanh núi thoát đi, nhìn như ba cái cổng, nên nơi này được gọi là Tam Môn, tức là: Quỷ Môn, Thần Môn, Nhân Môn.
Vũ đục Long Môn, công đức lưu truyền thiên cổ, học giả Cố Viêm Vũ thời nhà Thanh có bài thơ “Long Môn”, tán tụng công tích đục Long Môn bất hủ của Vũ như sau:
Cắng địa Hoàng Hà xuất, khai thiên thử nhất môn.
Thiên thu bằng Đại Vũ, vạn lý hạ Côn Luân.
Tạm dịch:
Đất dài Hoàng Hà đổ, trời mở ở cửa này.
Ngàn năm công Đại Vũ, vạn dặm xuống Côn Luân.
Khi Vũ đục Long Môn, ông có đến một động trời, gặp một vị Thần. Vũ liền trò chuyện, vị Thần cho Vũ xem đồ hình Bát quái khảm trên bảng vàng. Bên cạnh lại có tám vị Thần. Vũ nói: “Hoa Tư sinh Thánh tử, là ngài sao?” Đáp lại: “Hoa Tư là nữ Thần Cửu Hà, cũng là người sinh ra tôi”. Rồi tìm thẻ ngọc truyền cho Vũ, thẻ ngọc dài một thước hai tấc, ứng hợp với số của 12 canh giờ, dùng để đo lường thiên địa. Vũ liền cầm lấy thẻ ngọc này để sửa trị thuỷ thổ. Thần ấy có thân rắn, chính là Hy Hoàng. Thập di ký quyển hai thuyết rằng, Vũ gặp Hy Hoàng, Phục Hy tặng Vũ thẻ ngọc, dùng cho việc đo lường đại địa, núi non sông ngòi.
Tiếp theo Vũ lại trị thuỷ núi Lương Sơn và các chi mạch. Trị thuỷ vùng Thái Nguyên, một mạch đến phía Nam núi Thái Nhạc, lại tiếp tục trị thuỷ sông Hành Thủy và sông Chương Thủy.
Cự Linh mở núi Thái Hoa, dùng thần lực đục Long Môn, chín con sông thông suốt, lũ lụt ở Ký Châu được bình ổn. Đến đây việc trị lũ lụt ở Ký Châu, Duyện Châu, Thanh Châu về cơ bản đã ổn định.
Tiêu diệt Tương Liễu
Khổng Nhâm sau khi bị cách chức vẫn không hối cải, trái lại càng ngang ngược hơn nữa, đối kháng với triều đình, lợi dụng thủ hạ là Tương Liễu tác oai tác quái ở một phương. Nước được phong cho Khổng Nhâm nằm ở phía Tây của Ung Châu, Khổng Nhâm và Tương Liễu câu kết nhau làm việc xấu, giết hại sinh linh, bạo ngược bách tính, dựa vào địa thế hiểm trở đối kháng triều đình, can nhiễu việc trị thuỷ. Vậy nên Vũ giết Tương Liễu, bắt giữ Khổng Nhâm áp giải đến Đế đô.
Thuấn kiến nghị lên Nghiêu Đế, lưu đày Cộng Công đến U Châu.
Trị thuỷ Ung Châu
Sau khi xử lý xong chuyện Khổng Nhâm và Tương Liễu, việc tiếp theo của Vũ là trị lũ lụt ở Ung Châu. Ưng Thiệu nói: “Ung Châu, cũng gọi là Ủng Châu, tứ bề có núi, vì thế mà nước ứ tắc, âm khí cũng tụ lại không thông”. Phía Tây của Ung Châu là đầu nguồn sông Hoàng Hà, sau khi đục mở Hồ Khẩu, Long Môn, khiến cho rất nhiều nước ứ tắc ở đây được thoát ra, nhưng vì có núi Tích Thạch ngăn trở nên lượng nước khổng lồ vẫn bị tắc lại ở thượng du.
Sách Thượng Thư – Vũ Cống chép rằng: “Vua Vũ đi khơi sông Hoàng Hà từ núi Tích Thạch đến núi Long Môn, rồi nhập vào biển lớn”.
Núi Tích Thạch nằm ở miền Đông Nam Thanh Hải, là một nhánh của dãy núi Côn Luân, tên gọi theo tiếng Tây Tạng là núi A Ni Mã Khanh (Amne Machin), biểu thị ý nghĩa là nguồn gốc của sông Hoàng Hà. Núi này cao 6.282 mét so với mực nước biển.
Sông Hoàng Hà đổ ra biển Bột Hải, Bột Hải cổ đại là một vùng rộng lớn bao trọn cả hồ Trát Lăng trong đó. Có thể nói rằng, sông Hoàng Hà khởi nguồn từ vùng Tạp Nhật Khúc và Ước Cổ Tông Liệt Khúc cổ đại chảy đến núi Ba Lan Nhang Mã và núi Thác Nhĩ Đóa Tắc thì bị chặn lại, hình thành nên hồ lớn nhất ở thượng nguồn sông Hoàng Hà là hồ Trát Lăng. Tại hồ Trát Lăng, sông Hoàng Hà chảy quanh trong hồ, rồi từ phía Đông Nam của hồ tán loạn chảy ra, giữa đường lại chảy qua một vực núi dài khoảng 20km, rộng khoảng hơn 300 mét, sau đó phân thành chín nhánh đổ vào hồ thứ hai là hồ Ngạc Lăng, rồi lại chảy vào núi Tích Thạch do Vũ dẫn dòng.
Sông Hoàng Hà quấn quanh núi Tích Thạch mà chảy về phía Đông Nam đến Thanh Hải rồi chảy vào Tứ Xuyên thì bị núi Dân chặn lại, dòng nước mạnh chuyển hướng, đột ngột bẻ về phía Đông Bắc, xuyên qua huyện Mã Khúc tỉnh Cam Túc ở giữa núi Tích Thạch và núi Tây Khuynh, chảy ngược lại Thanh Hải, hình thành một khúc uốn cong rất to, đoạn sông này chính là khúc cong thứ nhất trong “cửu khúc Hoàng Hà” (Hoàng Hà uốn chín khúc). Đây là nơi Vũ bắt đầu trị thủy Hoàng Hà, Vũ đục thông núi Tích Thạch, khiến cho nước tích tụ ở Ung Châu có thể thoát đi. Vũ lại đục núi Tây Khuynh và núi Chu Ngữ (ở phía Tây Nam huyện Cam Cốc). Đến lúc này, lũ lụt ở Ung Châu đã được bình ổn.
Vách đá trên núi Chu Ngữ có vết tích hàng chữ “Vũ điện Chu Ngữ” được lưu lại từ thời Đại Vũ trị thủy.
Vũ đục núi Tích Thạch thấy được một miếng huyền ngọc, sách Thượng Thư – Toàn Cơ Kiềm kể rằng: Vũ khai Long Môn, thông Tích Thạch, ngọc huyền khuê xuất hiện, trên đó có khắc chữ “Diên hỉ ngọc, thụ đức Thiên tứ bội” (tạm dịch: Đây là ngọc Diên Hỷ, theo mệnh Trời ban cho).
“Đại Vũ trị thuỷ bắt đầu từ Tích Thạch”, trong đó eo Tích Thạch là công trình trọng yếu. Eo Tích Thạch nằm ở giao giới giữa huyện tự trị dân tộc Salar – Tuần Hóa và huyện tự trị dân tộc Thổ và dân tộc Hồi – Dân Hòa, toàn bộ eo dài 25 km, hai bên bờ núi cao xuyên qua mây, vách đá sừng sững, ở trong eo nước Hoàng Hà cuồn cuộn từ phía Tây chảy xuống, tiếng nước chảy xiết vang động như sấm. Thuỷ Kinh Chú ghi chép về núi Tích Thạch như thế này: “Hà Bắc núi non trùng điệp, rất đẹp, trên ngọn núi có đá dựng đứng cao mấy trăm trượng, dựng cao chót vót, đua nhau vươn cao. Phía dưới là vách đá hiểm trở, vách đá không có bậc, vách dựng đứng, có nhiều hõm đá”. Eo Tích Thạch có kết cấu trong eo có eo. Trong đó có một eo yết hầu, nước chảy theo hướng Bắc Nam dài khoảng 6 mét, là miệng eo Cáo Nhảy. Nước sông Hoàng Hà cuồn cuộn, ầm ầm như sấm động, đến gần thì không biết là đang ở nơi nào. Trên vách đá dựng đứng của eo Tích Thạch có nhiều nơi còn lưu lại dấu vết rìu búa chặt đá thời Đại Vũ trị thủy. Nổi tiếng nhất là “Phủ ngân nhai”, còn lưu lại chồng chất dấu tích những vết rìu trên vách đá màu trắng xanh.
Tiếp đó, Vũ lại đục núi Điểu Thử Đồng Huyệt, núi Khiên, núi Kỳ, núi Kinh ở thượng nguồn sông Vị Thủy, khiến cho sông ngòi ở Quan Trung đổ vào sông Vị Thủy rồi theo dòng chảy về Đông, sông Vị Thủy thông suốt vô trở, chảy thẳng vào Hoàng Hà; sông Kinh Thủy, sông Tất Thủy, sông Thư Thủy, sông Lạc Thủy từ phía Bắc chảy vào sông Vị Thủy, sông Phong Thủy từ phía Nam chảy vào sông Vị Thủy. Tại Đồng Quan ở phía Bắc núi Hoa Sơn (Hoa Âm), Vũ điều hướng dòng sông Hoàng Hà từ phía Nam đến chảy về hướng Đông, giải quyết việc nước không tràn lan khắp nơi ở phía Nam. Dải đất bình nguyên ở vùng từ Kỳ Sơn đến sông Thiên Thủy nước đã được thoát, sông Nhược Thủy (phía Tây Bắc núi Hợp Lê) chảy về hướng Tây, ở địa khu núi Tam Nguy đã bình ổn cho con người định cư.
Tiếp theo Vũ lại trị thuỷ sông Phần Thủy, khiến cho nước lũ tích ở khu vực Thái Nguyên và Hoắc Thái Sơn chảy vào sông Phần, mối nguy hại hồng thuỷ ở phía Bắc và phía Tây đã được triệt để giải trừ.
Như vậy, Vũ đục thông núi Tích Thạch, dẫn nước vào Hồ Khẩu, chảy qua các núi Lôi Thủ – núi Trung Điều – Eo Tam Môn – núi Để Trụ (Chỉ Trụ) – núi Tích Thành – núi Vương Ốc – núi Thái Hành – núi Hằng Sơn – núi Kiệt Thạch, khiến các sông ngòi vùng Nam Hà của sông Hoàng Hà từ Đồng Quan thông suốt chảy về Đông, qua Mạnh Tân nhập vào sông Lạc Thủy rồi đến Đại Ngũ (Vũ Thiệp Cương hoặc Thành Cao, Hà Nam), lại hướng về Đông chảy qua chỗ sông Cộng Thủy, sông Kỳ Thủy, sông Trọc Chương (sông Giáng Thủy) rồi nhập vào sông Hoàng Hà (nằm giữa Phì Hương và Chu Khúc ở Hà Bắc ngày nay), lại phân thành chín nhánh sông chảy về phía Bắc, cùng nhau nhận nước từ sông Hoàng Hà, rồi dẫn nước ra biển một cách thuận lợi. Đến đây toàn bộ thuỷ thổ hệ thống sông Hoàng Hà đã được bình ổn.
Sông Hoàng Hà từ khi Đại Vũ trị thuỷ về sau, mặc dù ở vùng hạ du có mấy lần đổi dòng, nhưng tổng quan lại, Hoàng Hà có lợi chứ không có hại, thực sự trở thành con sông mẹ của dân tộc Trung Hoa.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.epochtimes.com/b5/16/3/31/n7475816.htm
Ngày đăng: 05-10-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.