[Nhân vật anh hùng thiên cổ Trung Quốc] Vua Nghiêu, Thuấn, Vũ (1): Hồng thủy ngập trời, Phục Hy sáng thế



[ChanhKien.org]

Lời nói đầu

Trung Quốc, thời cổ được gọi là Thần Châu, tức là mảnh đất của những vị Thần.

“Bàn Cổ khai thiên địa”, “Nữ Oa tạo ra loài người”, “Phục Hy vẽ Bát quái”, “Thần Nông nếm trăm loài thảo dược”, “Thương Hiệt tạo chữ”, những truyền thuyết này đã triển hiện ra cho chúng ta một bức tranh lịch sử rõ nét. Sáng Thế Chủ tuần tự từng bước từ sáng thế, tạo ra con người, tạo nên môi trường sinh tồn và sinh sống cho con người, rồi truyền cho con người văn hóa để giáo hóa con người, từ đó quy phạm hành vi đạo đức của con người. Từ cơ sở đó, Sáng Thế Chủ đã an bài các vị Thần Phật hạ thế để truyền Pháp độ nhân, hướng dẫn con người tu luyện, đã tạo nên văn hóa tu luyện cho con người để con người phản bổn quy chân, quay về với thiên quốc.

Từ những ghi chép cổ xưa cho thấy, Sáng Thế Chủ đã khai sáng ra tam giới nơi con người tồn tại. Từ rất xa xưa, Bàn Cổ đã nhận sứ mệnh của Sáng Thế Chủ để sáng tạo ra tiểu vũ trụ có rất nhiều thiên hà, trong đó có hệ Ngân Hà này của chúng ta.

Tiếp theo đó, một số vị Thần đã dựa theo hình tượng của bản thân để tạo ra con người sinh sống trên Trái Đất này của chúng ta. Có ghi chép nói rằng, Nữ Oa đã dựa trên hình tượng của bản thân Bà rồi dùng bùn đất để tạo nên con người. Kinh Thánh cũng có ghi chép rằng, Thượng Đế đã dựa trên hình tượng của Ngài rồi dùng bùn đất tạo ra con người. Trong các nền văn hóa khác nhau đều đề cập đến việc các vị Thần khác nhau đã tạo nên những chủng người khác nhau, đồng thời họ cũng tạo nên vạn vật trong trời đất để làm cho thế giới nơi con người sinh sống thêm phồn vinh, đa dạng.

Thế giới tự nhiên lúc mới được tạo ra rất khắc nghiệt, ở đó toàn là gió gào chớp giật. Cần phải làm cho mưa rơi như thế nào, tuyết bay ra sao v.v. để phù hợp với con người? Qua biết bao nhiêu niên đại điều chỉnh, các vị Thần mới dần dần thuần phục được giới tự nhiên để tạo ra môi trường sinh tồn và sinh sống phù hợp. Khi bốn mùa xuân hạ thu đông phân định rõ rệt thì con người bắt đầu có thể an cư lạc nghiệp.

Con người lúc mới được tạo ra cũng giống như một đứa trẻ sơ sinh, điều gì cũng không biết, họ không có chút nhận thức nào về môi trường tự nhiên, cũng không có năng lực thích ứng với tự nhiên và xã hội. Lúc này, Thần phải trực tiếp bảo hộ con người, tạo ra môi trường sinh tồn và sinh sống cho con người, bồi dưỡng cho con người năng lực sinh tồn, dần dần làm phong phú nội hàm tư tưởng của con người, khiến cho họ có thể tự lập được.

Tộc Hữu Sào dạy con người lên cây làm tổ, tránh mưa gió, ngăn các tác hại từ môi trường.

Khi tộc Toại Nhân “dùng đá để lấy lửa”, là cột mốc đánh dấu việc con người đã tự biết lấy lửa, từ đó kết thúc thời kỳ lấy lửa từ trời. Trong thần thoại Hy Lạp cổ có câu chuyện Thần Prometheus lấy trộm lửa trao cho con người. Phục Hy có Thần lực rất lớn, ông trông lên quan sát trời, trông xuống quan sát đất, từ đó vẽ ra Bát quái, đã lưu lại cho con người công cụ để câu thông với Thần. Tức là, Bát quái ngay từ đầu vốn đã có những thần thông kỳ diệu để câu thông với trời đất và tự nhiên.

Trong thời kỳ Phục Hy còn phát sinh trận đại hồng thủy hủy diệt. Theo ghi chép của Sở Bạch Thư thì trận hồng thủy này rút đi để lại là một mặt đất hỗn độn, thế là Phục Hy tiến hành sáng thế, quy chính bốn mùa trên mặt đất cùng sự vận hành của Mặt Trời, Mặt Trăng và các ngôi sao, điều hòa âm dương.

Đến thời Thần Nông, dần theo sự sinh sôi đông lên của con người thì nhu cầu về lương thực cũng tăng lên, khi này Thần Nông đã dạy con người trồng cấy, truyền dạy rộng cách trồng ngũ cốc, chế tạo lưỡi cày, khai sáng ra thời đại con người biết trồng cấy. Thần Nông còn được người đời sau gọi là Thần Ngũ cốc. Ông dùng cây cuốc màu đỏ đào các loài thảo mộc, nếm thử trăm loài thảo dược, từ đó bắt đầu có y dược, vì thế ông còn được tôn xưng là Dược Vương. Thần Nông khai sáng ra chợ để trao đổi hàng hóa, khai sáng ra việc thông thương buôn bán.

Tranh Thần Nông hái thuốc của Liêu Dật

Tiếp theo là đến thời đại của Hoàng Đế, mở màn cho lịch sử 5000 năm huy hoàng.

Hoàng Đế bình định thiên hạ, thống nhất và dung hợp các bộ lạc Hoa Hạ, trở thành chủ chung của thiên hạ. Đây là lần thống nhất đầu tiên của các dân tộc, bộ lạc và thị tộc của Trung Hoa, mở ra thời đại “văn trị võ công”, thể hiện đạo lý “binh chinh thiên hạ, vương giả trị quốc”. Hoàng Đế đặt ra bách quan, chế ra các điển chương, kiến lập nên rường cột của xã hội con người, tạo ra y phục, tàu xe, chữ viết, can chi, nhạc cụ, y học, lịch pháp và cách trồng dâu nuôi tằm v.v., khai sáng ra nền văn minh nhân loại huy hoàng. Hoàng Đế còn là người tu Đạo, về sau ông đắc Đạo cưỡi rồng bay về trời, từ đó tôn định nên văn hóa tu luyện khiến con người có thể tu luyện đắc Đạo thành Thần.

Ông được con người tôn xưng là thủy tổ của dân tộc Trung Hoa.

“Thương Hiệt tạo chữ” là một sự việc huy hoàng trong lịch sử loài người. Có ghi chép rằng, Thương Hiệt là một sử quan của Hoàng Đế, “sinh ra đã biết chữ, lại thông hiểu Hà đồ Lạc thư, hiểu rõ biến đổi của trời đất, trông lên quan sát hình thế của họa đồ Sao Khuê, trông xuống quan sát vẩy cá lông chim, hình dạng núi sông và quan sát bàn tay ngón tay người mà tạo ra chữ”. Hoài Nam Tử – Bản kinh có ghi chép: “Xưa Thương Hiệt tạo chữ, mà trời đổ mưa, quỷ khóc ngày đêm”. Chữ Hán là văn tự hình tượng, là chữ tượng hình, âm của chữ và hình của chữ đối ứng với thiên tượng, có thể câu thông với tín tức của trời, đất, con người và Thần. Từ những văn vật tìm được trong lòng đất, đã nhận dạng được hơn 5000 chữ giáp cốt, đó đều là những văn tự vô cùng thành thục. Đa phần các văn tự được khắc trên mai rùa, xương động vật, các dụng cụ bằng đồng, đồ gốm hoặc trên những miếng ngọc đều là những ghi chép về việc tế tự hoặc các quẻ bói, lý do là văn tự vào thời đó được dùng để ghi chép lại thiên tượng, lễ tế Thần hoặc kính ngưỡng Thần. Cũng tức là, văn tự trước thời nhà Chu là dùng để ghi chép lại những việc liên quan đến “Thần”, mà không phải dùng để ghi chép lại việc liên quan đến “người”.

Thời Chuyên Húc, xảy ra một sự việc “cắt đứt con đường thông giữa trời và đất”, tức là đoạn tuyệt mối liên hệ trực tiếp giữa con người và Thần, từ đó con người dần dần rời xa Thần.

Thời Nghiêu Đế xảy ra một trận đại hồng thủy, chỉ có một số ít người sống sót. Theo sự an bài của Sáng Thế Chủ, ba vị thánh quân là Nghiêu, Thuấn, Vũ đã tiếp nối các đời trước khai sáng nên vũ đài lớn ở Thần Châu. Họ là những người mở đường cho nền văn minh của con người sau trận đại hồng thủy, là những người sáng tạo nên một thế giới mới.

Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, là bước hoàn thiện cho vũ đài lớn ở Thần Châu này. Việc thống nhất chữ viết, thống nhất kích cỡ xe trong thời Tần Thủy Hoàng đã khai sáng thể chế văn hóa nghìn năm cho Thần Châu, tôn định nên thế cục chính trị nghìn năm cho Trung Hoa. Hán Vũ Đế trục xuất bách gia, đã sửa đổi tận gốc và đặt định nên nền văn hóa chính thống bên ngoài dùng Nho bên trong dùng Đạo, thiên nhân hợp nhất, từ trên nền móng thể chế của nhà Tần, đã kiến lập nên khung thể chế chính trị ổn định tồn tại mãi cho đến nhà Thanh sau này.

Lịch sử Trung Quốc là một triều đến một triều đi, diễn nên từng màn kịch lịch sử xúc động lòng người, triển hiện ra từng bức tranh lịch sử triều dâng sóng dậy, để lại vô số những câu chuyện buồn vui cảm động lòng người. Vũ Đế định ra chín châu sau đó là triều đại của vua Thang kế nghiệp, nhà Tần thôn tính sáu nước lại đến nhà Hán đăng cơ. Tranh giành Trung Nguyên, anh hùng lớp lớp xuất hiện, một triều đại kết thúc là một triều đại mới lên đài, không ngừng tôn định nên nội hàm văn hóa Trung Hoa lấy đạo đức làm trung tâm.

Quá trình 5000 năm văn hóa Thần truyền là quá trình Thần bồi luyện, thành tựu con người, là công trình vĩ đại để tạo ra kết cấu tư tưởng của con người. Mỗi triều đại đều mang theo đặc sắc của chúng sinh những thiên quốc khác nhau để hạ thế kết duyên, tất cả đều mang theo đặc điểm văn hóa riêng của tự mình, đều có những việc tự bản thân họ cần phải làm cũng như sứ mệnh phải hoàn thành. Sự bác đại tinh thâm tích lũy trong văn hóa 5000 năm đã tỏa ra ánh hào quang chói lọi.

Văn hóa truyền thống Trung Hoa là nền văn hóa mà Sáng Thế Chủ an bài cho các dân tộc trên mảnh đất Thần Châu cùng nhau sáng tạo nên qua các thời kỳ lịch sử.

Chương 1: Hồng thủy ngập trời, Phục Hy sáng thế

Phục Hy là thủy tổ của văn minh lần này của chúng ta. Phục Hy thuận theo chỗ huyền diệu của tạo hóa vũ trụ, phù hợp với thiên địa tự nhiên, noi theo trời phỏng theo đất để khai sáng ra tân vũ trụ, làm cho trời và đất tách nhau ra, bốn mùa và các vì sao tuần tự có thứ tự. Theo Lộ Sử ghi chép: “Mẹ của Phục Hy là Hoa Tư, sống ở bến sông Hoa Tư, thường cùng Thúc Cơ đến chơi ở bên bờ sông Phần. Thấy có dấu bàn chân khổng lồ, bà liền ướm thử, trong lòng cảm thấy xung động, rồi có cầu vồng vây quanh, từ đó mang thai, 12 năm sau sinh ra Phục Hy. Phục Hy sinh ra ở Cừu Di, lớn lên ở Khởi Thành”.

“Tam Hoàng bản kỷ” trong Sử ký viết: “Thái Hạo Bào Hy họ Phong, kế vị Toại Nhân, nối mệnh trời lên làm vua. Mẫu thân là Hoa Tư, ướm chân vào vết chân người khổng lồ ở đầm Lôi Trạch, vì thế có mang sinh ra Bào Hy ở Thành Kỷ. Ông có Thánh đức, ngửa lên xem tượng ở trời, cúi xuống xem khuôn mẫu ở đất, xem xét đặc điểm các giống điểu thú và cái nên chăng của đất, gần thì lấy ở trong thân người ta, xa thì lấy ở các loài vật, lúc đó mới bắt đầu vạch ra tám quẻ để thông thấu được với cái đức của Thần linh, biện biệt được cái tình của vạn vật”.

Trong Tấn thư – Ngũ hành chí của Lý Thuần Phong viết rằng: “Phục Hy nối mệnh trời lên làm vua, tiếp nhận “Hà đồ” mà thiên thượng ban, vạch ra “Bát quái”, Long Mã dâng “Hà đồ”, Bạch Quy dâng “Lạc thư”. Bát quái diễn ra tận cùng cái lý của âm dương thái cực, triển hiện ra đại đạo tiên thiên, “Bát quái” vốn đã có những thần thông kỳ diệu để câu thông với trời đất và tự nhiên, để lại cho con người phương tiện để kết nối với Thần, giúp con người có thể nhận được những chỉ dẫn và trợ giúp của Thần”. Dựa theo miêu tả trong “Kỳ môn độn giáp”: “Long Mã là tinh phách của trời đất, nó có hình dáng đầu rồng thân ngựa vẩy rồng, cho nên gọi là Long Mã. Long Mã cao 8 thước 5 tấc, cổ dài, có cánh, lội nước không chìm. Khi Thánh nhân tại vị, nó cõng hình vẽ xuất hiện ở sông Mạnh Hà”.

Thời Phục Hy trời đất xảy ra một biến động cực lớn, đó là trận đại hồng thủy hủy diệt nhấn chìm thế giới trong nhiều năm, chỉ có những người sống ở trên dãy núi Côn Lôn mới được sống sót. Thời kỳ này, ở các nơi trên thế giới đều có những truyền thuyết tương tự nhau, cách thời đại của chúng ta hiện nay khoảng 10.000 năm, như truyền thuyết Phục Hy và em gái nhờ một quả hồ lô mà thoát nạn hồng thủy, hay như truyền thuyết về sự hủy diệt của đại lục Atlantis và đại lục Mu.

Sau khi hồng thủy rút đi, trời và đất không phân tách, rơi vào trạng thái hỗn độn, khi này đã xuất hiện thần tích Phục Hy sáng thế. Sở Bạch Thư ghi lại quá trình Phục Hy sáng thế như sau: “Thời thượng cổ có một con rồng lớn được gọi là Phục Hy, sinh ra ở Lôi Trạch, sống ở sông Hoài Thủy. Lúc đó trời đất, ngày đêm còn chưa phân tách, thế giới ở trong tình trạng hỗn độn mông muội, chỉ là một khoảng tối đen mênh mông, không còn bất cứ điều gì tồn tại. Chỉ có gió mưa tích tụ, hồng thủy tràn lan. Phục Hy hợp hôn với Nữ Oa sinh ra bốn người con trai. Bốn người con trai này là bốn vị Thần cai quản bốn mùa và bốn phương. Con trai cả là Thanh Can cai quản mùa xuân và phương Đông, con trai thứ hai là Chu Tứ Thiện cai quản mùa hạ và phương Nam, con trai thứ ba là Liệu Hoàng Nan cai quản mùa thu và phương Tây, con trai thứ tư là Huề Mặc Can cai quản mùa đông và phương Bắc. Bốn vị Thần mở mang, sửa sang lại trời và đất, quản lý các vì sao, làm cho trời và đất tách nhau ra, bốn mùa và các vì sao tuần tự có thứ tự”.

Vũ trụ non sơ vừa được tạo ra thì lại bị mất cân bằng. “Thời gian trôi quá nhanh, Mặt Trời và Mặt Trăng không phù hợp với sự sống. Cửu châu không bằng phẳng, toàn là núi non trùng điệp, thấy thế bốn vị Thần bèn ra tay, làm cho trời cân bằng lại”. Dùng tinh hoa của năm loại mộc là thanh mộc, xích mộc, hoàng mộc, bạch mộc, hắc mộc để chống đỡ cho mặt đất đã bị phá hủy, sửa chữa vá lại mái trời. “Sửa sang lại bốn cực”, chỉnh sửa lại vũ trụ bị mất cân bằng. Sau thời Phục Hy, là đến Nữ Oa kế vị làm chủ chung thiên hạ. Cộng Công không phục, phát động cuộc phản loạn, Nữ Oa lệnh cho Chúc Dung thảo phạt, Cộng Công bị thua, tức giận húc đầu vào núi Bất Chu, làm núi bị sập, cột chống trời bị gãy, làm đứt dây níu đất, trời bị lệch về phía Tây Bắc, khiến cho Mặt Trời, Mặt Trăng và các vì sao bị chuyển dời vị trí. “Bốn cực bị phá, cửu châu tách ra, trời không còn toàn vẹn để che chở, đất không còn tròn vẹn để nâng đỡ; lửa cháy bừng bừng không tắt, nước dâng ầm ầm không ngừng”. Nghĩa là, trời đã sập đất đã lở, lửa lớn bùng lên, hồng thủy tràn lan, loài chim bay phơi xác khắp nơi, loài thú chạy ngổn ngang khắp đất. Trời không thể che chở toàn bộ cho đất, đất không thể nâng đỡ hoàn toàn cho muôn vật, hỏa hoạn bùng không dứt, hồng thủy cuồn cuộn không dừng. Nữ Oa “luyện đá ngũ sắc để vá trời” tiếp nối lại bốn cực, diệt hắc long để cứu Ký Châu, lấy tro cây sậy để ngăn hồng thủy, đã quy chính trật tự vận hành của trời đất, nhờ thế mà con người được an cư lạc nghiệp.

Phục Hy nối mệnh trời làm vua, đứng đầu trăm vua nên gọi là Hy Hoàng. Vào dịp đầu năm, ông đi về phía Đông, đến núi Thái Sơn lập đàn tế trời đất, khai sáng ra lễ Phong thiện Thái Sơn (lễ tế trời đất ở núi Thái Sơn) cho người ở lưu vực sông Hoàng Hà.

Trải qua hàng nghìn năm, đến thời kỳ của vua Nghiêu, trời đất lại một lần nữa phát sinh biến hóa to lớn, trận đại hồng thủy quy mô toàn thế giới gần như đã hủy diệt văn minh nhân loại. Vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ đã tiếp nối các đời trước, một lần nữa khai sáng thế giới mới.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.epochtimes.com/b5/16/3/28/n7467618.htm



Ngày đăng: 14-09-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.