[Nhân vật anh hùng thiên cổ Trung Quốc] Vua Nghiêu, Thuấn, Vũ (2): Thánh vương hạ thế, khai mở trời Nghiêu



[ChanhKien.org]

1. Thánh vương hạ thế

Sách Sử ký ghi lại: Cha của Nghiêu là Đế Khốc (có sách chép là Đế Cốc). Đế Khốc có bốn người vợ là: Khương Nguyên, Giản Địch, Khánh Đô và Thường Nghi.

Khương Nguyên là chính phi của Đế Khốc, Khương Nguyên ướm vào dấu chân người khổng lồ, sau đó thụ thai sinh được người con trai đặt tên là Cơ Khí (tức Hậu Tắc). Hậu Tắc chính là tổ tiên của nhà Chu sau này.

Giản Địch nuốt trứng chim Huyền Điểu mà sinh ra Tử Tiết, Tử Tiết chính là tổ tiên của triều đại nhà Thương sau này.

Khánh Đô, họ Trần Phong sinh ra ở dưới núi Y Kỳ. Truyền thuyết kể rằng Khánh Đô là con gái của một vị Thần nhân. Một ngày nọ, trời nổi sấm sét đánh vào người vị Thần nhân đó đến chảy máu, máu của vị Thần nhân này chảy đến tảng đá lớn, về sau chỗ máu đó hóa thành một đứa trẻ, đứa trẻ này chính là Khánh Đô. Sau này Đế Khốc cưới nàng làm phi rồi sinh ra Đế Nghiêu.

Người vợ thứ tư của Đế Khốc là Thường Nghi, bà sinh ra Đế Chí, Đế Chí là con trai trưởng của Đế Khốc. Sau này Thường Nghi còn hạ sinh được thêm một người con gái.

Theo sách Trúc thư kỷ niên ghi chép: Mẹ của Đế Nghiêu là Khánh Đô, bà được sinh ra ở cánh đồng Đấu Duy, thường có mây màu vàng che trên đầu. Sau khi lớn lên, bà đi du ngoạn Tam Hà, thường có rồng theo sát phía sau. Một ngày, rồng mang đến một bức tranh, trên đó viết rằng: “Diệc thụ thiên hữu” (Được trời ban phước). Phía dưới còn có bảy chữ “Xích đế khởi thành thiên hạ bảo” (Xích đế lớn lên trở thành báu vật của thiên hạ). Người trên hình có lông mày tám màu, tóc râu đều dài bảy thước hai tấc, khuôn mặt trên nhọn dưới đầy, chân dẫm lên chòm sao Dực. Chốc lát có gió lạnh từ bốn phương thổi lại, một con rồng đỏ xuất hiện rồi cùng Khánh Đô giao hợp. Khánh Đô hoài thai mười bốn tháng sinh ra Đế Nghiêu ở Đan Lăng, tướng mạo giống như miêu tả trong bức họa. Hai lòng bàn chân có hai mươi hai nốt ruồi đỏ, tựa như chòm Dực trên bầu trời vậy. Đây có thể gọi là sự tích ra đời của Xích đế, còn được gọi tên là “Phóng Huân”. Thụy hiệu là Đế Nghiêu, theo chương “Thụy pháp” sách Lễ ký chép, đấng quân chủ có bốn phẩm đức Dực Thiện Truyền Thánh, hoặc có bốn phẩm Thiện Hạnh Đức Nghĩa đều thụy là Nghiêu. (Chú thích: Dực là bổ trợ, nâng đỡ; Thiện là hành vi, phẩm chất tốt; Truyền là nhượng vị; Thánh thời xưa dùng để chỉ người có phẩm đức cao thượng, trí huệ cao siêu).

Sau khi sinh ra, Nghiêu Đế cùng mẹ sống ở nhà ông ngoại là Y Kỳ Hầu, vì vậy Nghiêu Đế mang họ Y Kỳ, hoặc Y.

Nghiêu Đế “thân cao mười thước”. Theo Xuân thu nguyên mệnh bao (thời Tây Hán) viết rằng: “Lông mày Nghiêu tám màu, là tướng thông minh. Làm lịch kính theo định luật của Trời, xem xét độ số Mặt Trời, Mặt Trăng, các ngôi sao; làm máy toàn cơ và ngọc hành để xem thiên văn” (toàn cơ và ngọc hành là hai loại máy để xem thiên văn của thời thượng cổ, cũng như hồn thiên nghi của đời Minh). Chính là nói lông mày của Nghiêu Đế có tám ánh sắc hào quang, ông thông hiểu thiên tượng và lịch số, hiểu rõ sự vận hành của các vì sao, Mặt Trời và Mặt Trăng. Trong Xuân thu vĩ – Hợp thành đồ nói rằng trán ông trông giống vầng thái dương.

Lúc tuổi về già, Đế Khốc chuyên tâm tìm hiểu về tu Đạo, nên ông phải cân nhắc thật kỹ lưỡng ai trong bốn người con sẽ thay ông kế thừa ngôi vị. Ông bắt đầu so sánh bốn người con trai, xét về tài đức thì có Nghiêu và Tiết, xét về danh phận thì mẹ của Khí là chính phi, còn xét về tuổi tác thì Chí là con cả, nhưng tài đức của Chí lại không bằng các huynh đệ của mình. Đế Khốc quyết định dùng quẻ bói để lựa chọn, kết quả là cả bốn người con đều có điềm báo lên ngôi trị vì thiên hạ (Chú thích: ứng với việc Chí lên ngôi, sau đó Nghiêu nối ngôi Chí, Cơ Khí là thủy tổ của nhà Chu, Tử Tiết chính là tổ tiên của triều đại nhà Thương). Cuối cùng Đế Khốc quyết định dựa vào tuổi tác để lập Chí làm Thái tử.

Sau khi Đế Khốc qua đời, Chí kế thừa ngôi vị, hiệu là Đế Chí.

Năm Nghiêu 13 tuổi, ông được phong ở đất Đào. Ông là người tài giỏi hiếu học, nổi tiếng xa gần với sở trường chế tác các loại dụng cụ gốm sứ. Nghiêu là người hiền đức và tài năng, ông quản lý chăm lo công việc ở đất Đào của mình vô cùng tốt.

Năm Nghiêu 15 tuổi ông lại được phong ở đất Đường, làm Đường Hầu, nhận mệnh trợ giúp quản lý triều chính, ông và thị tộc của mình được gọi là “Đào Đường thị”.

Đế Chí chưa đủ tài đức, thường kết thân với một số kẻ không lương thiện, nhập cùng với nhóm “Tam hung”. Nhóm “Tam hung” là ba kẻ xấu xa thời bấy giờ, gồm Cộng Công Khổng Nhâm, Hoan Đâu và Cổn.

Cộng Công Khổng Nhâm là kẻ luôn nói những lời lẽ sắc bén giả dối, bề ngoài tỏ ra kính cẩn hiền hòa, nhưng trong nội tâm lại cay nghiệt ác độc; Hoan Đâu tính tình hung ác, tàn bạo bất nhân, làm bại hoại phong tục, dụ dỗ mọi người làm loạn đất nước; Cổn là kẻ học rộng tài cao, giỏi về xây dựng, nên luôn tự cho mình là đúng, vô cùng bảo thủ và cố chấp.

Đế Chí phong chức cho Hoan Đâu làm Tư Đồ, quản lý chung chính sự; phong Khổng Nhâm làm Cộng Công, tổng quản các công trình; phong Cổn làm Tư Không, chuyên quản lý về đường thủy, đường bộ và trị thủy. Hoan Đâu và Khổng Nhâm thường dẫn dụ Đế Chí ăn chơi rượu chè, không để ý tới triều chính, xa lánh bách quan, không thương xót con dân, dân chúng nhiều lần oán thán, thiên tai liên miên không ngừng, mọi người nói đây là do Thiên tử vô đạo mà gây ra.

3. Bình định họa loạn

Đế Chí thất đức, dẫn tới một vài bộ lạc thiểu số phía Đông (thời xưa gọi là Đông di) nhân cơ hội lần lượt làm loạn, gây hại cho đất nước. Theo Hoài Nam Tử – Bản kinh huấn: Vào thời Nghiêu những thủ lĩnh bộ tộc như Áp Du, Tạc Xỉ, Cửu Anh, Đại Phong, Phong Hi, Tu Xà đều gây họa hại cho dân.

Theo Sơn hải kinh – Hải nội có ghi chép: “Đế Tuấn ban cho Nghệ cây cung màu đỏ và mũi tên màu trắng, để cứu giúp quốc gia ở dưới. Nghệ bắt đầu trải qua trăm nạn ở hạ giới”. Lúc đó Thiên đế là Đế Tuấn, Ngài thấy rằng thế gian sắp phải hứng chịu nạn lớn, liền phái Hậu Nghệ hạ thế trợ giúp nhân loại.

Hậu Nghệ nhận lệnh Nghiêu Đế, Bắc trảm Tiết Thâu, Tây diệt Cửu Anh, Trung trừ Phong Hi, Nam giết Ba Xà, Đông bắn Đại Phong, sau đó giết Tạc Xỉ. Dẹp yên họa loạn, từ đó danh tiếng đức hạnh của Nghiêu nổi khắp thiên hạ, khắp nơi đều quy phục.

Chư hầu bốn phương thấy rằng uy đức của Nghiêu sáng tỏ như Mặt Trời, đều muốn ông lên ngôi đế vị. Đế Chí cũng cảm giác thấy mình không đủ tài đức sáng suốt như Nghiêu, vì vậy sau khi tại vị được chín năm đã hạ chiếu chỉ nhường ngôi lại cho Nghiêu.

Tương truyền Nghiêu gặp phải một giấc mộng kì lạ, mơ thấy mình đang dạo chơi trên núi Thái Sơn, đột nhiên xuất hiện một con thanh long, sau đó ông cưỡi rồng mà bay lên, hạ xuống đỉnh núi rồi ngẩng đầu nhìn lên, thấy cổng Thiên Cung mở toang, chỉ cách đỉnh đầu chưa đầy năm thước, hai tay ông nắm lấy cửa Thiên Cung, bước lên Thiên Thượng, cảm thấy ngân đài kim khuyết, ngọc vũ quỳnh lâu lộng lẫy huy hoàng.

Nghiêu nối tiếp Đế Chí trở thành chủ chung của thiên hạ, định đô ở Bình Dương.

Sau khi Đế Nghiêu kế thừa ngôi vị ông thường vào trong dân gian tìm người hiền tài để trợ giúp đất nước. Nghiêu tìm đến Xích Tương Tử Dư, Phiệt Khanh, Vu Hàm… mời họ vào triều nhậm chức, ngoài ra còn được trợ giúp của Bách Thành Tử Cao, Trương Quả Lão…

Nghiêu đến núi Cô Xạ ở bờ Bắc sông Phần Thủy viếng thăm bốn vị tu luyện đắc Đạo là Phương Hồi, Thiện Quyển, Phi Y (Bồ Y) và Hứa Do. Nghiêu dùng lễ đối đãi họ như bậc trưởng lão, hay như học trò đến thăm hỏi thầy, khiêm tốn xin chỉ giáo. Nghiêu còn từng là học trò của thầy Doãn Thọ Tử.

Năm thứ năm thời Đế Nghiêu, ở Nam di có nước Việt Thường phái sứ thần đến chúc mừng triều đình, cống tặng một con rùa lớn. Sứ giả nói rằng, con rùa này chính là rùa thần đã sống thọ được hơn một ngàn năm rồi, đường kính nó dài hơn một mét, trên lưng rùa chằng chịt vết khắc loại chữ khoa đẩu, ghi chép lịch sử nhân loại từ khi khai thiên tịch địa. Nghiêu Đế hết sức vui mừng, mệnh lệnh sử quan ghi chép lại toàn bộ vào sách sử.

Đế Nghiêu phân thiên hạ làm chín châu (cửu châu), định kỳ tuần du bốn phương, trưng cầu ý kiến của chư hầu ở bốn phương để khảo sát điểm hay điều dở trong việc trị quốc của mình. Ngài lại cho người dựng “Báng Mộc” (bảng trách lỗi) để nghe nỗi lòng người dân trăm họ, hết lòng trị vì thiên hạ xã tắc.

Sử ký ghi chép rằng: Nghiêu Đế “nhân đức như Trời, trí tuệ như Thần, ở gần ông tựa như được ánh Mặt Trời sưởi ấm, từ xa nhìn lại ông tựa như đám mây cao quý”. Lòng nhân đức hàm dưỡng của Nghiêu Đế rộng lớn như bầu trời, trí tuệ của ngài sáng suốt như một vị Thần, ở gần thì ông như vầng thái dương tỏa sáng khắp nơi, từ xa nhìn thì ông như áng mây sáng lạn rực rỡ. Ngài là người phú mà không kiêu căng, quý nhưng chẳng ngạo mạn. Ông luôn tôn kính những người có đạo đức, tâm thường nghĩ đến con dân trăm họ, khiến cho cửu tộc trở nên thân thiết với nhau, trăm họ hòa thuận. Ông là vị vua nhân từ sáng suốt, nhân đức phủ trùm thiên địa, làm rõ chức trách của trăm quan, các bộ lạc cùng nhau sống chung hòa bình.

Theo Thuyết Uyển: Nghiêu là người đặt tâm vì thiên hạ. Gặp phải người đói khát, ông nói: “Là ta đã khiến anh phải đói!”; gặp phải người đang rét lạnh, ông nói: “Là ta không cai quản tốt thiên hạ mới khiến anh phải rét lạnh”; gặp phải người phạm tội, ông nói: “Chính ta đã khiến anh ta phải phạm tội”. Vua Nghiêu lấy lòng nhân từ mà gây dựng đức hạnh, dùng hiểu biết mà thay đổi mọi việc, không thưởng mà khuyến khích người, không phạt mà giúp người sửa lỗi sai, đó là Đạo của Nghiêu Đế.

Thiên hạ thái bình, có ông lão 80 tuổi vừa gõ vừa hát ca rằng: “Mặt Trời mọc thì ta đi làm, Mặt Trời lặn thì nghỉ ngơi, đào giếng lấy nước uống, làm ruộng lấy thức ăn, Đế có sức gì giúp được ta đâu!”.

Người xem than rằng: “Vĩ đại thay, đó là đức của vua Nghiêu đó”.

5. Hậu Nghệ bắn chín Mặt Trời

Lúc bấy giờ, nước Hoa Ấp báo lên: từ Mặt Trời có một luồng khí đen tới, bao quanh vài vòng chu vi núi Thái Hoa, sau đó tìm thấy một vật ở Thái Hoa, hình dáng như rắn, có sáu chân, bốn cánh. Theo truyền thuyết, thì vật đó báo hiệu thiên hạ sẽ có hạn hán lớn.

Sau đó nước Trác Lộc phương Bắc báo rằng: Khi Hoàng Đế chiến đấu với Xi Vưu, Nữ Bạt (tức Hạn Bạt, con gái của Hoàng Đế) sau khi đã trợ giúp Hoàng Đế phá vỡ “trận mưa lũ lớn” do Xi Vưu bày ra, đã đi về phía Nam đến Ký Châu, vì vậy vùng Ký Châu trời hạn hán không đổ mưa.

Tiếp theo, trên trời xuất hiện bốn Mặt Trời. Mọi người đều nói, trời không thể có hai Mặt Trời, vì vậy ba Mặt Trời kia nhất định là ba quái tinh (tinh cầu yêu quái).

Đế Nghiêu lệnh cho Hậu Nghệ đi diệt trừ quái tinh, cứu muôn dân. Hậu Nghệ e rằng khó phân biệt được Mặt Trời nào là thật, lỡ bắn hạ Mặt Trời thật thì chẳng phải tội lớn hay sao? Đế Nghiêu nói: “Nếu là Mặt Trời thật thì không thể bắn hạ được”.

Sau đó, trên bầu trời xuất hiện cùng lúc mười Mặt Trời. Hậu Nghệ lấy cung tiễn ra, đi tới quân trường luyện quân, lấy các mũi tên bắn liên tục lên trời. Đợi hồi lâu, nhưng chẳng thấy Mặt Trời nào rơi xuống.

Đế Nghiêu lo lắng bất an. Xích Tương Tử Dư nói: “Hồng Nhai Tiên nhân có nói rằng, bệ hạ trước tiên trai giới, thành kính cầu khẩn thiên địa tổ tông. Mặc dù Nghệ có mũi tên thần, nhưng còn phải có lòng thành của Thánh chủ mới được”. Đế Nghiêu tắm gội trai giới trong ba ngày, cúng tế khẩn cầu thiên địa.

Sơn Hải Kinh – Đại Hoang Nam Kinh có chép: Ngoài biển Đông Nam, ở giữa Cam Thủy, Đế Tuấn cùng thê tử mình là Hi Hòa sinh ra mười Mặt Trời. Truyền thuyết kể rằng mười Mặt Trời đó chính là con của Thiên đế Đế Tuấn, mười Mặt Trời này sống tại Dương Cốc bên ngoài của vùng biển phương Đông. Mười Mặt Trời đồng thời ở trên bầu trời khiến cỏ cây khô héo, sông nước khô cạn, đất đai là một mảnh khô cằn. Mọi người bị nóng đến nỗi không thể thở được.

Nghệ phụng mệnh đi tới núi Côn Luân, ngửa mặt lên trời cầu khẩn, khuyên Mặt Trời hãy quay trở về, nhưng vẫn không có kết quả. Hậu Nghệ dùng thần tiễn, lần nữa bắn từng mũi tên, sau đó từng Mặt Trời lần lượt rơi xuống. Cuối cùng, trên trời chỉ còn lại một Mặt Trời, khí trời trở nên tươi sáng mát mẻ, âm dương được điều hòa.

6. Tạo ra lịch pháp để điều hòa bốn mùa và âm dương

Thế gian thời kỳ thượng cổ, con người cần làm theo ý Trời, vì vậy quan sát thiên văn và thiên tượng, dựa theo bốn mùa, điều hòa theo âm dương và cúng tế thiên địa là những việc quan trọng hàng đầu, đó cũng là một trong những phương cách để con người câu thông với Thần.

Khi Đế Nghiêu mới kế vị, bốn mùa không có tuần tự, âm dương không cân bằng, thiên địa vận hành không có chu kỳ. Thế nên, tất phải tạo ra lịch pháp để quy chính lại trật tự vận hành của thiên địa. Đế Nghiêu mệnh lệnh bốn người: Hi Trọng, Hi Thúc, Hòa Trọng, Hòa Thúc đi đến bốn phương, lệnh cho bốn người họ quan sát đo đạc thiên văn, trông coi thời tiết mùa vụ, quan trắc trời trăng sao và vạn vật sinh linh, cắt đặt các công việc cần làm trong bốn mùa, lập ra lịch pháp, hướng dẫn người dân trồng trọt vào các mùa vụ.

Lệnh cho Hi Trọng đến Dương Cốc ở phía Đông, nghênh đón Mặt Trời mọc, quan sát và ghi chép chi tiết mọi thời khắc Mặt Trời mọc. Thấy rằng ngày nào có ngày và đêm dài bằng nhau, vào lúc hoàng hôn Sao Chu Điểu ở phương Nam đi đến phương chính Nam, đó chính là tháng trọng xuân (tháng giữa mùa xuân), lấy ngày đó gọi là ngày xuân phân.

Hi Thúc đến Giao Chỉ (ngày nay là Việt Nam) ở phía Nam, cẩn thận quan sát phân biệt mọi thời khắc Mặt Trời mọc ở vùng đất phương Nam đó. Thấy ngày nào có thời gian ban ngày dài nhất, Sao Hỏa (tức Sao Thái Hỏa, một trong bảy ngôi sao thuộc chòm sao Thương Long hay Thanh Long) ở phương Đông đi đến phương chính Nam, đó chính là tháng trọng hạ (tháng giữa mùa hạ), lấy ngày đó gọi là ngày hạ chí.

Hòa Trọng đến Muội Cốc ở phía Tây, cẩn thận quan sát mọi thời khắc Mặt Trời lặn. Thấy rằng ngày nào có ngày và đêm dài bằng nhau, vào lúc hoàng hôn Sao Hư (một trong bảy ngôi sao thuộc chòm sao Huyền Vũ) ở phương Bắc xuất hiện ở phương chính Nam, đó chính là tháng trọng thu (tháng giữa mùa thu), lấy ngày đó gọi là ngày thu phân.

Hòa Thúc đến U Đô ở phía Bắc, quan sát và ghi chép sự vận hành của Mặt Trời ở phương Bắc nơi đó. Thấy ngày nào có thời gian ban ngày ngắn nhất, vào lúc hoàng hôn Sao Mão (một trong bảy ngôi sao thuộc chòm sao Bạch Hổ) ở phương Tây xuất hiện ở phương chính Nam, đó chính là tháng trọng đông (tháng giữa mùa đông), lấy ngày đó gọi là ngày đông chí.

Căn cứ theo các quan sát đo đạc, Đế Nghiêu đã định ra một năm có ba trăm sáu mươi ngày, bốn mùa xuân hạ thu đông, cứ ba năm sẽ có một tháng nhuận, dùng tháng nhuận để điều chỉnh lịch pháp cho phù hợp với thời tiết bốn mùa, để điều chỉnh chính xác các hoạt động trồng cấy mỗi năm. Thượng thư – Nghiêu điển viết: “Một năm có 366 ngày, dùng tháng nhuận để điều chỉnh đặt ra bốn mùa, thành một năm”.

Theo Tống sách – Phù Thụy Chí ghi chép lại: Có một loại cây tên là Minh Giáp thảo sinh trưởng trên các bậc thềm nơi sân vườn, bắt đầu từ thượng tuần hàng tháng, mỗi ngày kết một quả, sau nửa tháng được 15 quả, sang ngày thứ mười sáu thì mỗi ngày bắt đầu rụng một quả, đến cuối tháng thì rụng hết. Nếu như tháng đó là tháng thiếu (thiếu một ngày), thì đến ngày cuối cùng lá cây chỉ héo tàn chứ không rụng. Đế Nghiêu cho là vô cùng hiếm thấy, nên gọi là “Minh Giáp” (cỏ may mắn), hay còn gọi là “Lịch thảo”. Kết hợp với việc quan sát Minh Giáp thảo, mà cuối cùng định ra một năm có 365 ngày; lại kết hợp với quan sát thiên văn, khí hậu và vòng tuần hoàn của con người, chiểu theo chu kỳ 365 ngày và tính toán số mục mà định ra tháng nhuận, ngày sóc vọng, tháng thiếu tháng đủ, từ đó tạo ra lịch pháp mới. Lịch pháp mới đã xác định chính xác tiết khí và thời điểm nóng lạnh của bốn mùa v.v., cứ ba tháng là một mùa, 12 tháng là một năm, dựa theo một vòng quay 365 ngày để định ra tháng nhuận, tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu có 29 ngày. Một ngày chia thành 12 canh giờ, mỗi một canh giờ có 8 khắc, mỗi thời mỗi tiết đều có quy luật và có thể đo lường. Đến lúc này, bốn mùa đã vận hành theo thứ tự.

7. Sao Cảnh hiển điềm lành

Thời kỳ của Đế Nghiêu, trong dân gian có bài ca dao: “Kỳ nhân như Thiên, kỳ trí như Thần, như nhật ôn tâm, như vân cái địa, đế đức chiêu chiêu, phổ thiên đồng khánh…” (tạm dịch: Lòng nhân của ngài như Trời, trí tuệ của ngài như Thần, ngài như vầng thái dương chiếu sáng ấm áp, ngài như vầng mây che phủ mặt đất, đức của ngài ngời ngời, khắp chốn mừng vui…)

Thuật dị ký ghi chép: “Nghiêu là vị quân vương nhân nghĩa, thời ngài trị vì, một ngày hiện mười điềm lành”. Nghiêu Đế dùng đức mà quản lý chính sự rõ ràng, dùng văn trị quốc thì hưng thịnh, dùng võ chinh phạt thì công tích hiển hách, muôn dân an cư lạc nghiệp. Đức hạnh của Nghiêu Đế đã cảm động đến Trời nên Trời giáng xuống mười điềm tốt lành cho Nghiêu Đế.

Dấu hiệu rõ ràng nhất là Sao Cảnh hiển điềm lành. Trúc thư kỷ niên ghi chép: Đế Nghiêu “năm thứ 42, Sao Cảnh xuất hiện ở Sao Dực”; “Vua Nghiêu tại vị năm thứ 70, Sao Cảnh xuất hiện ở Sao Dực”.

Hán thư – Thiên văn chí ghi chép: “Sao Cảnh là Đức tinh, hình dáng nó bất định, thường xuất hiện ở nước có Đạo”.

Sách Chính nghĩa viết: “Sao Cảnh giống hình bán nguyệt, xuất hiện vào khoảng cuối tháng để trợ sáng cho Mặt Trăng. Nhìn thấy Nó tức là quân vương có đức, Nó xuất hiện để chúc mừng bậc Thánh minh”.

Tôn thị thụy ứng đồ cũng viết: “Sao Cảnh, nếu bậc làm vua không có lòng tư thì sẽ nhìn thấy được”.

Sao Cảnh là ngôi sao may mắn cát tường, khi quân chủ đức dày có Đạo, không coi thiên hạ là của riêng thì sẽ cảm động Thượng Thiên, khi đó Sao Cảnh mới xuất hiện. Sao Cảnh hình dáng tuy giống nửa vầng trăng nhưng ánh sáng của nó sáng hơn trăng. Chòm sao Dực là một trong 28 chòm sao, bao gồm 22 ngôi sao, nằm ở phương Nam, màu đỏ. Có ghi chép cho rằng, Đế Nghiêu là tinh phách của Sao Dực. Hai lần Sao Cảnh xuất hiện đều ở Sao Dực, đó là biểu thị Đế Nghiêu là Thần đến thế gian.

Dịch từ: https://www.epochtimes.com/b5/16/3/28/n7467643.htm



Ngày đăng: 16-09-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.