Câu chuyện tu luyện Đạo gia: Tịch Sanh tranh cãi đánh mất cơ hội tu Đạo thành Tiên
Tác giả: Đức Huệ
[ChanhKien.org]
Trong truyền thuyết Trung Hoa cổ xưa, đào tiên và táo tiên là những loại hoa quả có ở nơi tiên giới. Ví như, Tây Du Ký đã miêu tả tác dụng thần kỳ của trái đào tiên. Hay như trong tác phẩm Ký Vương Ốc sơn nhân Mạnh Đại Dung (Gửi Mạnh Đại Dung người ở núi Vương Ốc) của Lý Bạch cũng có đoạn miêu tả: Ngã tích Đông Hải thượng / Lao Sơn xan tử hà / Thân hiện An Kỳ Công / Thực táo đại như qua (Tạm dịch: Ta xưa nơi Đông Hải / Ăn mây tím Lao Sơn / An Kỳ Công tặng táo / Trái táo lớn như dưa). Hôm nay, tôi sẽ kể một câu chuyện về trái táo tiên.
Vào thời nhà Minh, tại khu vực núi Động Đình thuộc huyện Ngô (nay là thành phố Tô Châu), có một vị thư sinh họ Tịch, thường gọi là Tịch Sanh. Vào những năm cuối đời, người này xuất tâm một lòng cầu Đạo tu hành. Một ngày nọ, Tịch Sanh đang tản bộ một mình dưới đỉnh Mạc Ly, là đỉnh chính của núi Đông Sơn thuộc Tô Châu, thì bất ngờ nhìn thấy một vị Đạo sỹ đang “lướt đi như gió” trên đường núi, hoàn toàn khác với người thường. Vị Đạo sỹ này lướt qua Tịch Sanh, đột nhiên quay lại nhìn ông, rồi dừng lại nói: “Tiểu tử này xương cốt thanh tịnh, có thể độ được”. Sau đó, Đạo sỹ lấy ra một quả táo nhỏ từ chiếc áo choàng của mình, đưa cho Tịch Sanh và nói “Ăn thứ này vào sẽ không bị đói”.
Tịch Sanh thường ngày luôn nhất tâm hướng Đạo, nên lập tức hiểu rằng đây là cơ duyên, biết rằng thứ mà mình được tặng là một quả táo tiên. Sau khi liên tục cảm tạ Đạo sỹ, ông kính cẩn nuốt quả táo nhỏ. Khi Tịch Sanh trở về nhà, thì quả thực ‘không hề muốn ăn’, và cũng không còn thiết nghĩ đến những món ăn phàm tục của người thường nữa. Kể từ đó, cơ thể ông trở nên nhẹ nhàng, bước đi thanh thoát, mái tóc trở nên đen bóng, dung nhan thoát phàm. Người nhà vô cùng kinh ngạc trước sự thay đổi này.
Hai mươi năm sau, vào một ngày nọ, khi Tịch Sanh đang đi trên phố thì phát sinh mâu thuẫn với người ta, tranh chấp cãi vã, tâm lý phẫn uất, lửa giận bừng bừng. Lúc này, ông đột nhiên nghe thấy có tiếng người nói: “Tưởng rằng ngươi có thể được cứu, vậy mà gốc rễ của lửa giận vẫn chưa được tiêu trừ!” Tịch Sanh băn khoăn tự hỏi đó là giọng của ai, lần theo hướng âm thanh phát ra, thì bất ngờ vị Đạo sỹ xuất hiện. Đạo sỹ bước tới, dùng lòng bàn tay vỗ mạnh vào cổ Tịch Sanh, lập tức từ miệng Tịch Sanh phun ra một quả táo nhỏ và rơi xuống đất. Vị Đạo sỹ nhặt quả táo tiên lên, thở dài, đọc một bài thơ, rồi từ từ biến mất. Người qua đường xúm vào xem náo nhiệt chỉ nhớ được hai câu cuối cùng: “Tòng lai phàm cốt nan khinh độ / Xuy lạc Bồng Lai nhất trận sa” (Tạm dịch: “Xương phàm được độ chẳng hề dễ, một nhúm cát thổi mất Bồng Lai”).
Khi Tịch Sanh trở về nhà, người thân đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy mái tóc của ông bỗng nhiên bạc trắng. Lúc này, Tịch Sanh mới nhận ra rằng mình đã nôn ra quả táo tiên, đồng nghĩa với việc bản thân đã đánh mất cơ duyên tu Đạo thành Tiên. Hối hận tột cùng, đau đớn khôn nguôi, chưa đến 10 ngày, Tịch Sanh qua đời. Sự việc này được Tri huyện lúc bấy giờ của huyện Ngô là Triệu Nhất Hạc kể lại cho Tiền Hy Ngôn. Tiền Hy Ngôn là một trong những văn nhân nổi tiếng thời bấy giờ, đã ghi lại sự việc. Hơn nữa, người kể chuyện lại chính là Tri huyện địa phương nên mức độ tin cậy rất cao.
Nhìn lại câu chuyện này, ta không khỏi cảm thán trước sự khó khăn của việc tu luyện trong quá khứ. Tịch Sanh nhất tâm hướng Đạo, nhưng vị Đạo sỹ chỉ cho ông quả táo tiên mà không hề giảng Đạo, cũng không giảng về yêu cầu tu luyện, hết thảy đều dựa vào Tịch Sanh tự ngộ mà ra. Hai mươi năm sau, Tịch Sanh vì tư lợi đã tức giận, tranh cãi với người ta, phạm phải sai lầm trên con đường tu luyện. Bởi thế mà Tịnh Sanh mất đi quả táo tiên cũng như cơ duyên tiếp tục tu luyện. Thời xưa tu Đạo khó như vậy, con người hiện đại chẳng phải không còn hy vọng tu thành sao? Thực ra không phải vậy.
Con người hiện đại ngày nay đang sống trong một thời đại cực kỳ đặc thù. Thông qua hình thức khí công, Sư phụ Lý Hồng Chí đã truyền cấp cho nhân loại môn tu luyện cao tầng, Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Pháp Luân Công không chỉ dạy các bài công pháp, mà còn giảng Đại Pháp tu luyện – Đại Đạo, từ tối căn bản giảng về đặc tính vũ trụ “Chân – Thiện – Nhẫn”, giảng ra các Pháp lý tăng trưởng công tại các tầng thứ một mạch cho đến viên mãn.
Qua câu chuyện trên, nhìn sơ qua có thể thấy rằng Tịch Sanh đã không biết tu luyện tâm tính, không đủ sức chịu đựng, không thể nhẫn nại nên đã phạm sai lầm mà đánh mất quả táo tiên. Hôm nay, với tất cả những ai mong muốn thực hành tu luyện, tôi chân thành khuyên quý vị: Pháp Luân Đại Pháp là công pháp chân chính từ bi cứu độ chúng sinh, phù hợp với người tu luyện ở mọi giai tầng, dân tộc, quốc gia. Nếu quý vị có thể thực sự buông bỏ các chủng quan niệm, đọc tài liệu chân tướng Đại Pháp, thậm chí cả sách Đại Pháp, chắc chắn quý vị sẽ tìm ra giá trị chân thực sinh mệnh cuộc đời của mình.
Nguồn tham khảo: Quái Viên (còn được gọi là Quái Viên Chí Dị) của Tiền Hy Ngôn thời nhà Minh.
Dịch từ:
https://www.zhengjian.org/node/271928
https://www.pureinsight.org/node/7691
Ngày đăng: 02-08-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.