Câu chuyện tu luyện Đạo gia: Lý Thường Minh
Tác giả: Đức Trọng
[ChanhKien.org]
Lý Thường Minh là một đạo sĩ nổi tiếng sống vào cuối triều Minh đầu triều Thanh, hiệu là “Tử Khí Chân Nhân”. Ông tên thật là Lý Cơ, người vùng Tế Nam tỉnh Sơn Đông, vốn là tiến sĩ trong những năm Vạn Lịch triều Minh. Từ nhỏ ông đã kính ngưỡng tu luyện Đạo gia, về sau ông rời gia đình đến xuất gia ở động Bạch Vân, thuộc Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông. Ông tu luyện theo Đạo pháp trong Toàn Chân Phái của Đạo giáo, được khẩu truyền tâm thụ, khổ tâm tu hành trong 30 năm. Vào năm Thuận Trị thứ 5 triều Thanh (tức năm 1648), vì “vốn ngưỡng mộ dấu tích của thần tiên ở núi Lao Sơn” mà ông đã đông du đến núi Lao Sơn, thuộc quận Tức Mặc, huyện Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông để thăm viếng dấu tích của tiên nhân. Sau đó, ông phát hiện ở Mã Sơn Tức Mặc lại có một đạo quán hoang, đáng tiếc là đạo quán ấy chỉ còn lại cảnh hoang tàn đổ nát, khói lạnh đìu hiu. [Thế là] ông quyết định ở lại Mã Sơn tu đạo, hơn nữa còn trùng tu lại đạo quán và bắt đầu truyền Đạo.
Thuận theo việc ông truyền Đạo thì thần tích cũng dần hiển lộ. Chẳng hạn như đạo quán ban đầu của Mã Sơn bị hoang phế đã lâu, quỷ quái sơn tinh kéo nhau đến chiếm cứ, thường xảy ra những chuyện kỳ lạ, yêu tinh thậm chí còn quấy phá làm hại đến dân lành. [Thấy thế] Lý Thường Minh đã ngồi tọa một mình trong núi, trải qua 15 ngày đêm, cuối cùng trời quang mây tạnh, từ đó không còn bóng dáng của đám yêu ma nữa, dân chúng ở đó hết sức kinh ngạc, cũng biết ông là người tu Đạo, có thần thông có thể đuổi tà trừ ma. Hơn nữa khi truyền Đạo ông còn dùng đất bùn nặn thành viên để chữa bệnh cho người dân, tức “Sơ dĩ dược tề hoạt nhân, hậu ứng tiếp bất hạ, hòa thổ vi hoàn, dĩ trị bách bệnh, vị hữu bất dũ giả” (nghĩa là: ban đầu lấy việc bốc thuốc để chữa bệnh cứu người, sau đó đáp ứng không xuể, bèn dùng đất làm thành viên để trị bách bệnh, không ai là không khỏi bệnh). Vậy nên người dân bèn gọi ông là ‘Nê hoàn tổ sư’ hoặc ‘Nê hoàn Đạo nhân’. Trong quá trình tu sửa Đạo miếu, nếu như có đá to gỗ lớn mà người dân không nhấc lên nổi, Lý Thường Minh bèn thắp hương niệm chú, [rồi sau đó] vận chuyển đá to gỗ lớn hết sức dễ dàng, như thể được Thần giúp đỡ vậy.
Lý Thường Minh không chỉ kêu gọi những tín đồ cùng tu sửa Đạo quán mà còn nhiệt tâm vì lợi ích chung. Vì để giải quyết tình hình đi lại khó khăn của người dân mà ông đã bỏ không ít công sức để sửa đường, sửa cầu ở những vùng lân cận; những cây cầu đá ở các huyện như Bắc Hà, Cô Hà, Điếm Khẩu Hà, Ngũ Long Hà đều là do ông đóng góp xây dựng. Vào năm Khang Hy thứ 13 (tức năm 1674), người ta đã khắc một tấm bia công đức trên vách núi ở huyện Phúc Tiên Khẩu để ghi nhận tinh thần tạo phúc cho dân của Lý Thường Minh. Trên đỉnh của bia đá có bức hoành thư viết bốn chữ lớn “Thiên thịnh nhân thiện”. Ở giữa bia đá có khắc dòng chữ “Khai sơn tu lộ Đạo nhân Lý húy Thường Minh chi bia” (nghĩa là: bia của người mở núi sửa đường – Đạo nhân họ Lý tên Thường Minh), dẫu trải qua hàng trăm năm gió dập mưa vùi nhưng [đến nay] những dòng chữ trên bia đá vẫn có thể nhìn thấy rõ ràng như xưa.
Khi Lý Thường Minh tu Đạo và truyền Đạo thì luôn giữ nghiêm giới luật, về mặt tài vụ thì ông tuyệt đối không chiếm dụng bất kỳ số tiền từ thiện nào, lưu lại cho đời sau câu chuyện ‘cưỡi ngựa đoạt lại tiền’. Thường ngày, Lý Thường Minh giữ nghiêm giới luật, chi tiêu cho cá nhân rất đạm bạc, chỉ đi giày cỏ mặc áo vải thường dân, hành vi đoan chính, mang tác phong của một người theo trường phái tu khổ hạnh. Một lần nọ, con trai của Lý Thường Minh thời trước khi xuất gia đã lên núi thăm phụ thân. Lúc cậu rời đi, các đệ tử của Lý Thường Minh đã đem khoản tiền của những tín đồ quyên góp cho đạo quán gửi tặng cậu con trai một ít. Lý Thường Minh sau khi biết chuyện đã nổi giận nói: “Con ta từ xa trăm dặm tới đây, nếu các ngươi không để nó mài dũa rèn luyện, thì trái lại chính là tiễn nó xuống địa ngục đấy!” Nói rồi lập tức lên ngựa đuổi theo cậu con trai, đoạt tiền trả lại [đạo quán]. Từ lời nói của Lý Thường Minh chúng ta có thể thấy khoản tiền đóng góp từ thiện là tuyệt đối không thể chiếm dụng, tiêu xài bừa bãi, dùng vào việc khác hay tham ô, lãng phí, nếu không có thể sẽ bị đày xuống địa ngục, những người tu luyện ngày nay nhất định phải đối đãi nghiêm túc về phương diện này, tuyệt đối không thể xuất hiện vấn đề ở phương diện tiền tài!
Năm Khang Hy thứ 19 (tức năm 1680), Lý Thường Minh thường nói với các đệ tử của mình rằng: “Ngày ba tháng ba năm sau ta sẽ từ biệt các con”. Quả nhiên đúng ngày ba tháng ba năm Khang Hy thứ 20 (tức năm 1681), ông đã rời cõi trần trong tư thế ngồi toạ ngay ngắn. Lúc ông rời đi khói lành bay khắp nhà, ông được chôn cất ở phía Nam khe núi Mã Sơn, cả đời tu hành của ông thu nhận hơn trăm đệ tử từ Nam chí Bắc.
Nguồn tư liệu: “Mã Sơn chí” và “Tức Mặc huyện chí” bản thời vua Càn Long triều Thanh.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/269318
Ngày đăng: 26-08-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.