Nhìn thế giới qua con mắt thứ ba: Giải mã thần thoại (Phần 9)
Tác giả: Lý Đạo Chân
[ChanhKien.org]
Phần 9: Hậu Nghệ bắn Mặt Trời
Tôn giáo giảng rằng, nhân loại chúng ta nằm trong Tam giới, là không gian tầng thấp nhất trong vũ trụ. Theo lý giải từ tầng thứ cá nhân, Tam giới là một thể hệ thời không vô cùng phức tạp, bao gồm rất nhiều chiều thời gian, không gian, và rất nhiều thế giới với thời không khác nhau. Nhân loại chúng ta chỉ là một thời không rất nhỏ, rất nhỏ trong Tam giới mà thôi. Chín tầng trời hay ba mươi ba tầng trời cũng là các thời không và tầng thứ khác nhau trong Tam giới. Tứ Đại Thiên Vương canh giữ cổng trời mà tôn giáo nhắc đến cũng chính là Thần bảo vệ các cánh cửa thời không bên trong Tam giới.
Năng lượng tuần hoàn
Thần thoại Bắc Âu kể về cây Thế giới Yggdrasil, là cây Thần khổng lồ nối liền chín thế giới trong vũ trụ. Yggdrasil cấu thành nên toàn bộ thế giới, gồm có vùng đất của các vị Thần Vanir, vùng đất của các vị Thần Aesir, vùng đất của yêu tinh ánh sáng, vùng đất của yêu tinh bóng tối, thế giới nhân loại, thế giới người lùn và thế giới của người khổng lồ, v.v. Cây Yggdrasil có ba rễ gắn vào ba mắt suối Thần ở một không gian rất thâm sâu: một rễ đi qua giếng Số Phận, một rễ đi qua suối Tri Thức, và một rễ đi qua giếng Chảo Sôi. Trên ngọn cây có một con gà trống khổng lồ (có tài liệu viết là một con chim ưng), còn dưới gốc cây là một con ác long không ngừng cắn rễ cây Thần. Nếu rễ cây bị cắn đứt, “hoàng hôn của các vị Thần” sẽ buông xuống, toàn bộ thế giới đều đối mặt với sự hủy diệt và tái sinh.
Theo lý giải từ tầng thứ cá nhân: Cây thiêng Yggdrasil trong Thần thoại Bắc Âu chính là cây Sự Sống, là một thể hệ năng lượng tuần hoàn trong Tam giới, là hình thái sinh mệnh ở thời không cao tầng. Yggdrasil cũng tương tự với cây Thần Phù Tang, chỉ là nó sinh trưởng trong các chiều không gian và thời gian khác nhau.
“Thánh Kinh” cũng ghi chép về cây Sự Sống, là cây Thần ở chính giữa vườn Địa Đàng, ai ăn trái của nó thì sẽ bất tử. Nếu đi theo đường mạch của cây Sự Sống thì có thể đề cao tầng thứ sinh mệnh, ra vào các thời không khác nhau, cuối cùng trở lại Thiên đường, đạt đến điểm cuối cùng.
“Sơn Hải Kinh” còn kể rằng cây Thần Kiến Mộc sinh trưởng ở vị trí trung tâm trời đất, là đầu mối trọng yếu nối liền giữa thiên và địa, con người có thể thông qua đó mà lên trời xuống đất. Người viết cho rằng, những cây Thần trong truyền thuyết và Thần thoại kể trên đều tồn tại chân thực, là thể hệ tuần hoàn với các đường mạch dẫn động năng lượng của vũ trụ, là hình thái sinh mệnh tồn tại trong các chiều không gian cao tầng. Chỉ có điều, nhân loại chúng ta đứng trong thời không tầng thấp thì không thể lĩnh hội được mà thôi.
Mặt Trời là trung tâm và là điểm truyền năng lượng của Thái Dương hệ. Như đã bàn luận trong phần 3, 10 Thiên Can là mười kinh mạch kết nối thời không cao tầng với Hệ Mặt Trời, một mạch cho đến thời không nơi nhân loại. 10 Thiên Can (kinh mạch thời không cao tầng) cùng với 12 Địa Chi (kinh mạch thời không nơi nhân loại) giống như bánh răng khớp vào nhau, kết nối tuần hoàn, cung cấp năng lượng cho thời không của nhân loại. Bởi Mặt Trời kết nối với năng lượng của 10 Thiên Can, do đó từ cao tầng mà nhìn, chẳng phải nó sinh trưởng trên cây Thần Phù Tang trong không gian cao tầng của hệ Ngân Hà đó sao?
Thời cổ đại gọi 10 ngày là một tuần, một tháng phân thành ba tuần. “Tuần” chính là một vòng tuần hoàn năng lượng của Thái Dương hệ, cũng chính là năng lượng của 10 Thiên Can luân phiên tiến nhập vào một vòng tuần hoàn.
Từ phân tích trên, liệu có thể cho rằng: Cây Thần Phù Tang lấy năng lượng cao tầng của hệ Ngân Hà, thông qua điểm tiếp nhận năng lượng của Mặt Trời mà truyền nhập vào Thái Dương hệ, sau đó lại truyền nhập và tuần hoàn trong long mạch của đại địa, đi qua tầng tầng mà truyền nhập vào nhân gian?
Năng lượng cao tầng từ cây Thần Phù Tang (10 Thiên Can), đi qua tầng tầng thời không rồi truyền nhập vào vòng tuần hoàn long mạch của đại địa, đó chính là “sinh khí” hay “dương khí” mà phong thủy nói đến. Đây cũng là năng lượng đại Chu Thiên của trời đất, là năng lượng thúc đẩy sự tuần hoàn và sinh trưởng của vạn sự vạn vật. Nhưng năng lượng này tồn tại trong chiều không gian khác của địa cầu, do đó nhìn không thấy, sờ không được. Nhân loại chúng ta không biết đến sự tồn tại của nó, nhưng thông qua một vài phương thức đặc thù sẽ có thể cảm nhận được.
Quy luật tự nhiên
Cổ nhân giảng: “Xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng”, nghĩa là mùa xuân sinh sôi, mùa hạ trưởng thành, mùa thu thu hoạch, mùa đông tàng trữ. Đây là quy luật tự nhiên trong thời không nhân loại, kỳ thực cũng là quy luật vận hành của vòng tuần hoàn năng lượng đại Chu Thiên. Vào mùa xuân và mùa hạ, khí long mạch trong đại địa (dương khí) rất cường thịnh và nổi lên mặt đất, còn âm khí thì tiềm tàng và chìm xuống dưới lòng đất. Do đó vào mùa xuân vạn vật sinh sôi nảy nở, vào mùa hạ vạn vật sinh trưởng tốt tươi. Nhưng vào hai mùa thu và đông, dương khí lại dần dần suy giảm nên sẽ ẩn tàng xuống dưới đất, còn âm khí thì dần dần cường thịnh nên sẽ nổi lên trên mặt đất. Lúc này vạn vật cũng ngừng sinh trưởng, lá vàng rơi xuống đất, trái chín cuống rụng cành, do đó mới gọi là mùa thu thu hoạch, mùa đông cất trữ.
Lúc này nếu để ý thì sẽ phát hiện một hiện tượng kỳ lạ: Trên mặt đất là ‘đông lạnh hạ nóng’, còn dưới lòng đất lại là ‘đông ấm hạ mát’. Đây chính là nguyên nhân vì sao năng lượng của đại địa (dương khí) tùy theo mùa mà thăng lên hay giáng xuống, tùy theo mùa mà tăng hay giảm, thịnh hay suy. Ai từng múc nước giếng đều biết rằng, mùa đông trời lạnh giá nhưng nước giếng lại ấm nóng, còn mùa hạ trời nóng nực nhưng nước giếng lại mát lạnh. Ngoài ra, những công nhân đào quặng trong hầm sâu dưới lòng đất đều biết: Vào mùa hạ nóng bức, nếu chui xuống hầm sâu thì phải mặc áo bông, nếu không thì lòng đất lạnh lẽo cơ thể không chịu được. Còn mùa đông giá lạnh, nếu chui xuống hầm sâu thì chỉ nên mặc áo mỏng, nếu không sẽ nóng không chịu được. Đây là do quy luật tuần hoàn năng lượng đại Chu Thiên của thiên địa tạo thành. Thân thể người cũng đối ứng với thiên địa, dương khí tuần hoàn trong kinh mạch, mùa xuân và hạ dương khí nổi lên bề mặt, mùa thu và đông dương khí ẩn vào trong thân thể. Đông y căn cứ vào quy luật này mà dưỡng sinh, bệnh mùa hè thì trị vào mùa đông, bệnh mùa đông thì trị vào mùa hè, cũng chính là nguyên nhân này.
Rất nhiều thứ trong nhân loại nhìn bề ngoài thì là vật chất vô tri vô giác, không có sự sống. Nhưng kỳ thực tại cao tầng mà nhìn thì hết thảy đều có sinh mệnh, thậm chí còn là thể sinh mệnh cự đại. Họ có thể ở các thời không khác nhau mà “tụ chi thành hình”, “hóa chi thành vật”, nhưng chúng ta không nhận thức đến được. Cổ nhân giảng “vạn vật hữu linh”, kỳ thực nếu đứng ở cao tầng mà nhìn, hết thảy đều có sinh mệnh. Nhưng vì nhân loại bị khóa kín trong thời không tầng thấp nhất, nên mới nhìn không tới, cũng không tiếp xúc đến được. Giống như 10 Thiên Can và thể hệ các đường kinh mạch của thời không này, rất có thể ở thời không cao hơn lại chính là một cây Thần, sinh trưởng trong hệ Ngân Hà. Đây không phải là ví von hình tượng, mà là trong mỗi không gian khác nhau sinh mệnh sẽ triển hiện ra các hình thái khác nhau. Do đó ở các tầng thứ khác mà nhìn, thì hình thái sinh mệnh cũng không ngừng biến đổi. Chỉ khi đứng tại thời không tối cao mới có thể nhìn rõ toàn bộ diện mạo và hình thái chân thực của nó.
Địa hình trên mặt đất cũng như vậy. Rất nhiều người trong chúng ta từng nghe nói đến “Tây Tạng trấn ma đồ”. Truyền thuyết kể rằng, năm xưa khi công chúa Văn Thành của nhà Đường gả cho vua Tây Tạng là Tùng Tán Cán Bố (Songtsen Gampo), nàng đã nhận thấy địa hình cao nguyên Tây Vực giống như một nữ quỷ nằm ngửa, không chỉ gây ra rất nhiều tai họa mà còn khiến Phật giáo không thể phổ truyền nơi đây. “Tây Tạng trấn ma đồ” miêu tả hình ảnh Ma Mẫu nằm ngửa, mười hai vị trí trọng yếu trên tứ chi đều có chùa miếu trấn yểm, gọi là Trấn Ma Tự.
Từ tầng thứ cá nhân lý giải rằng: Địa hình và long mạch của Tây Tạng đối ứng với một ma nữ khổng lồ. Chúng ta đứng trong không gian nhân loại thì chỉ thấy núi non trùng điệp. Nhưng ở thời không khác, đó là một ma nữ, là tồn tại chân thực, có liên kết với địa hình của khu vực này, đây chính là phạm vi trường năng lượng của nó. Dưới sự chỉ dẫn của Văn Thành công chúa, vua Tây Tạng đã cho xây dựng mười hai tu viện để trấn ma nữ, khóa chặt năng lượng của nó vào trong chiều thời không khác, không cho tiến nhập vào nhân gian. Từ đó, Phật giáo mới có thể hưng thịnh và hồng truyền ở Tây Tạng.
Những sự tình tương tự như vậy trong lịch sử có rất nhiều. Chúng ta thường thấy cổ thư ghi chép rằng ở đâu đó xây dựng bảo tháp hoặc tu sửa tự viện, v.v. ấy đều là để trấn phong thủy, chính là ý nghĩa này. Trong lịch sử, rất nhiều cao nhân “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” đều có thể nhìn thấy tình huống chân thực trong không gian khác, nhưng người bình thường lại không thể thấy được.
Hậu Nghệ bắn Mặt Trời
Trong “Sơn Hải Kinh” và “Hoài Nam Tử” đều ghi chép Thần thoại Hậu Nghệ bắn Mặt Trời. Kể rằng, Thiên Đế ban cho Hậu Nghệ cây cung thần màu đỏ và mũi tên thần màu trắng, sau đó lệnh cho Hậu Nghệ xuống hạ giới để cứu giúp chúng sinh chốn nhân gian. Lúc ấy là vào thời Nghiêu Đế, trên bầu trời xuất hiện mười Thái Dương, dưới mặt đất cỏ cây cháy xém, vạn vật điêu linh, con người và động vật cũng gần như không còn sức sống. Hậu Nghệ đã dùng thần tiễn bắn hạ chín Mặt Trời, cả chín Mặt Trời liền hóa thành những con quạ ba chân rơi xuống, từ đó nhân gian mới trở lại yên bình.
Lý giải từ tầng thứ cá nhân: Con quạ ba chân kể trên không phải là Thái Dương Thần Điểu trong truyền thuyết. Những gì Thái Dương Thần Điểu truyền đi là năng lượng 10 Thiên Can đến từ cây Thần Phù Tang. Chỉ riêng Mặt Trời không bị bắn hạ mới là Mặt Trời thật sự, mới là năng lượng 10 Thiên Can được chuyên chở bởi Thái Dương Thần Điểu. Nhưng chín Mặt Trời bị bắn hạ đều là giả, vậy chúng là gì?
Sách Khải Huyền của “Thánh Kinh” chép rằng:
“Khi ấy cũng có một hiện tượng lạ khác xảy ra trên trời: kìa, một Con Rồng lớn, màu đỏ, có bảy đầu và mười sừng; trên các đầu nó có bảy vương miện. Ðuôi nó quét sạch một phần ba các ngôi sao trên trời và quăng chúng xuống đất.” (Khải Huyền 12:3, Bản dịch 2011)
“Bấy giờ có một trận chiến ở trên trời, Mi-chên và các Thiên sứ của Ngài đánh nhau với Con Rồng. Con Rồng và các quỷ sứ của nó đánh lại; nhưng chúng bị đánh bại, và không còn tìm thấy chỗ nào trên trời cho chúng nữa. Con Rồng lớn bị ném xuống, đó là Con Rắn thời xưa, có tên là Ác Quỷ và Sa-tan, kẻ lừa dối dân cư trên khắp thế gian; nó bị ném xuống đất, và các quỷ sứ của nó cũng bị ném xuống chung với nó.” (Khải Huyền 12:7-9, Bản dịch 2011)
Từ tầng thứ cá nhân lý giải rằng: Trong hệ Ngân Hà có một con ác thú màu đỏ, còn gọi là tà linh, do hận và các loại vật chất bại hoại ở tầng thấp của vũ trụ cấu thành. Nó vốn dĩ là một con rắn, đến không gian bề mặt thì thể hiện dưới hình thức một con rồng đỏ. Con ác long màu đỏ này xâm nhập vào hệ Mặt Trời, lấy năng lượng của nó thâu nhập vào Thái Dương hệ. Mục đích của nó là thao túng nhân gian, nó cần ở nhân gian mà hình thành trường năng lượng của mình. Do đó, nó lấy kinh mạch của bản thân cấy vào Thái Dương hệ, lấy năng lượng đạo nhập vào nhân gian trong Tam giới, hình thành trường năng lượng của mình. Chín Mặt Trời giả chính là điểm tiếp nhập năng lượng mà nó cấy vào Thái Dương hệ.
Hậu Nghệ là Thần đến từ Thiên thượng, thân mang sứ mệnh, từ tầng cao trong vũ trụ tiến nhập vào Tam giới, canh giữ Thiên Môn. Điểm năng lượng mà ác long cấy vào Thái Dương hệ bị bắn hạ hóa thành quạ rơi xuống núi Ốc Tiêu trong không gian khác. Người đời sau không biết rõ, nói rằng trong Mặt Trời có con quạ ba chân, cá nhân tôi thấy rằng ấy đều là hiểu lầm. Từ không gian cao tầng mà nhìn, Thái Dương Thần Điểu trong Mặt Trời có nhiệm vụ truyền năng lượng Thập Thiên Can từ cây Thần Phù Tang, chứ không phải con quạ ba chân. Quạ ba chân là năng lượng mà ác long cấy nhập vào, không phải đến từ Mặt Trời, cũng không phải đến từ cây Thần Phù Tang.
Truyền thuyết kể rằng Hằng Nga là thê tử của Hậu Nghệ. Hậu Nghệ từ Tây Vương Mẫu mà đắc được thần dược, nhưng Hằng Nga đã trộm lấy để uống rồi bay lên cung trăng, ngụ trong cung Quảng Hàn, làm bạn với thỏ ngọc. Đây là cố sự “Hằng Nga bôn nguyệt” mà chúng ta vẫn biết.
Lý giải từ tầng thứ cá nhân: Hằng Nga và Hậu Nghệ đều là Thần từ cao tầng hạ xuống nhân gian, có sứ mệnh bảo hộ nhân gian trong các thời khắc đặc thù. Hậu Nghệ được lệnh canh giữ Thiên Môn, bắn hạ chín Mặt Trời giả. Còn Hằng Nga thì canh giữ Địa Môn, là cánh cổng dẫn đến cung Quảng Hàn ở chiều không gian khác của Mặt Trăng. Cả hai đều là Thần từ thời không cao tầng giáng hạ, cùng mang sứ mệnh bảo hộ nơi đặc thù là không gian nhân loại.
Vậy, vì sao nhân gian lại trở thành tiêu điểm tranh đoạt và là trung tâm đại chiến giữa Thần và ma trong vũ trụ? Vì sao Thần lại chiểu theo hình tượng của bản thân để tạo ra con người nơi đây, rồi lại truyền cấp cho nhân loại văn minh và luôn âm thầm bảo hộ nhân loại?
Chúng ta sẽ cùng bàn luận về chủ đề ấy trong phần tiếp theo của “Giải mã Thần thoại”.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/258531
Ngày đăng: 18-04-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.