Nhìn thế giới qua con mắt thứ ba – Giải mã thần thoại (Phần 7)



Tác giả: Lý Đạo Chân

[ChanhKien.org]

Phần 7: Cắt đứt đường thông giữa trời và đất

Khi lật giở từng trang sách cổ, chúng ta thường thấy có rất nhiều hiện tượng bí ẩn khó lý giải, vì thế mà có người hoài nghi lịch sử, cho rằng thần thoại cổ đại chỉ là tưởng tượng huyễn hoặc của người xưa. Nhưng có thực vậy không?

Trong truyền thuyết và các tư liệu lịch sử thời thượng cổ có thể thấy một vài chi tiết mâu thuẫn với nhau, ví dụ như cùng một nhân vật lại có mặt tại những thời đại khác nhau, khiến trật tự thời gian dường như hỗn loạn. Nữ Oa từng hiện diện trước thời Tam Hoàng, vậy mà sau thời Phục Hy lại góp mặt. Hữu Sào từng tồn tại trước thời Toại Nhân, vậy mà sau thời Phục Hy lại trở lại. Ngoài ra, các nhân vật như Nữ Oa, Cộng Công, Hậu Nghệ, v.v. đều đồng thời xuất hiện tại các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Lại nói, cùng một người nhưng có rất nhiều tên gọi: Phục Hy còn có tên khác là Bào Hy Thị, Phục Hy Thị, Pháo Hy Thị, Phục Huy, Thái Hạo, Hy Hoàng, Hùng Hoàng Thị, Hoàng Hùng Thị, v.v.

Lại ví như cùng một câu chuyện nhưng có rất nhiều phiên bản: Trong chuyện Cộng Công giận dữ húc đầu vào núi Bất Chu, có thuyết là Cộng Công chiến đấu với Chuyên Húc, có thuyết là chiến đấu với Nữ Oa, có thuyết là với Đế Khốc, có thuyết là với Thần Nông, lại có thuyết là tranh chiến với Chúc Dung…   Rốt cuộc là chuyện gì vậy? Như đã thảo luận trong phần trước, nền văn minh nhân loại không chỉ một lần, mà là tuần hoàn lặp lại. Cũng giống như mỗi đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành đều trải qua trình tự: học đi, học nói, học nhận biết thế giới xung quanh, học cách sống tự lập… Vậy thì trong lịch sử hàng trăm triệu năm của Trái đất chúng ta, nền văn minh nhân loại đã lặp lại không biết bao nhiêu lần. Tuy rằng mỗi vòng quay lịch sử đều không giống hệt như trước, nhưng đại khái là giống nhau.

Mỗi lần nhân loại đạo đức suy đồi, nhân tâm suy thoái, quay lưng lại với thần, thì cũng chính là lúc nhân loại tự đoạn tuyệt với thần. Điều này cũng giống như các tế bào ung thư đã cắt đứt mối liên hệ với cơ thể, sau khi tự sinh sôi chúng sẽ trở thành khối u, cuối cùng khiến thân thể hủy hoại và tử vong. Cho nên mỗi khi đạo đức bại hoại thì toàn nhân loại sẽ gặp kiếp nạn, nền văn minh do đó cũng sẽ bị hủy diệt.

Theo ghi chép trong “Thánh Kinh”, kiếp nạn gần đây nhất khiến nền văn minh nhân loại bị hủy diệt là trận đại hồng thủy Noah, cũng chính là trận lũ lịch sử mà Đại Vũ trị thủy năm xưa. Văn minh nhân loại lúc ấy vô cùng phát triển, rất nhiều người có thể đã nghe nói về một nền văn minh thất lạc thời tiền sử, đó là lục địa Atlantis trong truyền thuyết. Atlantis từng là “vương quốc hạnh phúc” với trình độ phát triển vượt bậc, và theo miêu tả của Platon thì Atlantis “có sức mạnh to lớn diệu kỳ”. Nhưng dù có kỹ thuật tiên tiến đến đâu, cuối cùng Atlantis vẫn không thể thoát khỏi kiếp nạn phải diệt vong.   Nhân loại luôn cho mình là xuất sắc, rằng khoa học kỹ thuật phát triển thế này thế kia, rằng phi thuyền vũ trụ đã thám hiểm tới các tinh cầu xa xôi… Nhưng khi đứng trước thiên tai thảm họa, con người lại trở nên nhỏ bé vô năng, chưa cần nói đến đại kiếp nạn mà chỉ cần một thảm họa nhỏ cũng đủ khiến nhân loại phải kinh hoàng bất lực.

Sau mỗi kiếp nạn thường chỉ có một số rất ít người sống sót, ví dụ như gia đình Noah trong “Thánh Kinh”. Được lưu lại đều là người có đạo đức, thiện lương, và vẫn còn tín thần, giữ được mối liên hệ với thần, như vậy mới được bảo hộ để trở thành nhân chủng cho nền văn minh tiếp theo. Khi nền văn minh mới bắt đầu, hết thảy khoa học kỹ thuật, công cụ sản xuất… đều bị hủy diệt, nhóm người sống sót buộc phải bắt đầu từ xã hội nguyên thủy. Họ chế tạo công cụ bằng đá, đốt nương làm rẫy, sống trong sơn động. Trải qua tuế nguyệt lâu dài, tháng năm trường cửu, loài người lại sinh sôi đông lên thành xã hội mới. Khi nhân loại mới sinh sôi đông lên rồi, văn minh còn sót lại từ trước có thể đã mất, các vị thần lại hạ xuống nhân gian để truyền thụ văn minh cho con người.

Có lúc khá nhiều người may mắn sống sót, bảo lưu được một số thành tựu thời tiền sử và dung nhập vào lần văn minh mới. Ví dụ như Bát Quái, Chu Dịch, Hà Đồ, Lạc Thư, v.v. đều là từ lần văn minh trước di lưu lại. Đó chính là thần đã hữu ý an bài để truyền thụ và cấp trí tuệ cho nhân loại, vậy nên khoa học hiện đại không cách nào giải thích được những thứ này.

Mỗi chu kỳ mới bắt đầu có thể sẽ lại trải qua quá trình lịch sử tương tự như chu kỳ trước, và các vị thần lại hạ thế dạy cho con người văn minh. Các nhân vật như Phục Hy thị, Nữ Oa thị, Toại Nhân thị, Thần Nông thị, Hoàng Đế, v.v. đều là thần từ tầng cao giáng hạ xuống nhân gian, họ hóa thân thành đế vương hay kỳ nhân để truyền thụ văn minh cho con người. Do đó có thể phát sinh tình huống là cùng một vị thánh nhân nhưng lại có rất nhiều tên gọi, cùng một vị thánh nhân lại xuất hiện tại các thời kỳ khác nhau, cùng một câu chuyện lại có nhiều dị bản, v.v. Có thể chính là bởi vì mỗi thời kỳ văn minh đều có Thần hạ xuống truyền thụ cho nhân loại, làm ra những sự tình tương tự như các chu kỳ trước đó. Lại kinh qua tháng năm đằng đẵng, trải qua nhiều lần kiếp nạn, chu kỳ sau nối tiếp chu kỳ trước, lịch sử tuần hoàn… hậu thế đã không còn nhận thức được lịch sử chân thực trong thần thoại hay các truyền thuyết xa xưa nữa.

Thời viễn cổ có những giai đoạn người và thần đồng thời tồn tại, lúc ấy thần tích đại hiển, xác thực đã lưu lại rất nhiều thần thoại và truyền thuyết huy hoàng. Không chỉ lần văn minh này của chúng ta, mà từ mấy chu kỳ văn minh trước đó cũng có một vài thần tích lưu truyền lại. Những gì lưu truyền đến thời kỳ văn minh lần này đã trở thành truyền thuyết mà từ nhỏ ông bà vẫn kể lại cho chúng ta.   Mỗi truyền thuyết hay thần thoại đều bắt đầu bằng câu: “Ngày xửa ngày xưa”… Xác thực là từ rất lâu về trước, ai cũng không phân biệt được là sự việc phát sinh vào lần văn minh nào, cho nên mới trở thành thần thoại.

Lý giải Sơn Hải Kinh

Từ các sách cổ như “Sơn Hải Kinh”, từ lời dạy của các bậc tu luyện giác ngộ nói với thế nhân, từ trong các câu chuyện thần thoại được kể từ thế hệ này sang thế hệ khác mà chúng ta biết rằng: Thời thượng cổ là “Thần – nhân đồng tại”, các vị thần từ cao tầng hạ xuống nhân gian truyền thụ văn hóa, đạo đức, luân lý, và dẫn dắt con người tiến nhập vào nền văn minh, giống như cha mẹ cầm tay dắt trẻ học đi, học nói, học làm người.

Lúc ấy, trên Trái đất, các chiều thời gian và không gian khác cũng được mở ra, cũng chính là nói cánh cửa lớn nối liền nhân gian với các chiều thời không khác đã mở ra, Chu thiên tương thông. Lúc đó dưới nhân gian là trạng thái nửa thần nửa nhân, rất nhiều người có năng lực có thể tự do đi xuyên qua các thời không khác, “Sơn Hải Kinh” cũng có rất nhiều ghi chép về điểm này. “Sơn Hải Kinh” là nói về tình huống của Trái đất ở tầng cao hơn, hoàn toàn không chỉ giới hạn trong thời không nhân loại. Lúc ấy, người trên mặt đất có thể đại hiển thần thông, nhưng không ai cho đó là sự việc đặc biệt gì, mà là bản năng của thân thể người. Bởi vì nhân thể đối ứng với tự nhiên, thời không của nhân loại cũng tương thông với thời không của địa cầu ở tầng cao hơn, bộ phận thân thể người ở tầng cao hơn cũng được mở ra, tương thông với thân thể xác thịt, và có thể phát huy năng lực. Do đó con người thời thượng cổ có những khả năng mà người hiện đại cho là công năng đặc dị, nhưng lúc đó họ không cảm thấy kỳ lạ, bởi vì ai ai cũng như vậy, chỉ là bản năng của con người mà thôi. Đây là lý giải từ tầng thứ của cá nhân.

Vì sao Bát Quái, Chu Dịch, Hà Đồ, Lạc Thư, tinh tượng (xem sao đoán mệnh), v.v. lại trở thành chỗ mê khó giải, khiến nhân loại hiện đại cảm thấy cao thâm khôn lường, mờ mịt khó hiểu? Nhưng vào thời thượng cổ, những điều này lại có thể dễ dàng lý giải và được chấp nhận rộng rãi. Là bởi lúc ấy các chiều thời không ở tầng cao hơn đã được mở ra.

Bởi vì văn hóa thượng cổ chính là văn hóa cao tầng mà thần truyền cấp cho con người, vậy nên không nhảy ra khỏi hạn chế của tầng thời không nhân loại thì không cách nào lý giải được.

Giống như một người mù bẩm sinh, chưa từng thấy vầng thái dương, muốn sờ cũng không sờ được, vậy làm sao lý giải được Mặt trời? Họ chỉ có thể tưởng tượng Mặt trời giống như mặt đĩa hoặc cây nến, tưởng tượng thành thứ mà họ có thể sờ được, có thể nhận thức được. Vậy thì nhân loại đứng trong thời không hạn hẹp này thì sao có thể lý giải sự việc ở cao tầng đây?

Lý giải Cộng Công húc đổ núi Bất Chu, làm đứt đường thông giữa trời và đất

Sau khi đại bại với Chuyên Húc, Cộng Công húc đầu vào cột trụ trời Bất Chu Sơn, khiến trời long đất lở, màn trời thủng một lỗ làm hồng thủy tràn ngập khắp nhân gian. Như đã bàn luận ở phần trước, núi Bất Chu là huyệt vị trọng yếu trong vòng tuần hoàn Đại chu thiên ở tầng thời không cao hơn so với thời không của nhân loại. Ban đầu gọi là Chu Sơn, là ngọn núi của tuần hoàn Chu thiên, sau khi bị đâm gãy mới gọi là Bất Chu Sơn.   Theo lý giải ở tầng thứ cá nhân, khi núi Bất Chu chưa bị đâm gãy thì thời không của nhân loại được kết nối với thời không ở tầng cao hơn, cánh cửa thời không ở nhân gian khai mở, các sinh mệnh có thể tự do ra vào. Bởi vì nhân thể và thể tự nhiên là đối ứng với nhau, nên khi Chu thiên trong thời không nhân loại thông thấu với Chu thiên ở thời không cao tầng trên cơ thể tự nhiên, thì Đại Chu Thiên của cơ thể người cũng thông, các bộ phận khác ở tầng cao hơn của nhân thể cũng được mở ra tương ứng. Lúc này con người có thể ra vào giữa nhân gian và các chiều thời không khác.

Sau khi núi Bất Chu sụp đổ, thời không của nhân loại bị ngăn cách khỏi Đại Chu thiên trong thời không ở cao tầng. Mặc dù Nữ Oa đã vá trời nhưng vẫn không khôi phục được về trạng thái trước đó, do đó thời không nhân loại không còn được kết nối một cách hoàn mỹ với Đại Chu thiên ở không gian cao tầng nữa. Cho nên, vòng tuần hoàn Đại Chu thiên đối ứng với cơ thể người cũng “ngủ đông” bất động, khiến bộ phận nhân thể ở cao tầng của nhân loại cũng dần dần “ngủ đông”.

Tu luyện Đạo gia có một quá trình: đầu tiên phải thông Tiểu Chu thiên của nhân thể, sau đó lại phải thông Đại Chu thiên, như thế mới có thể đột phá thời không của nhân loại. Đạo gia gọi Đại Chu thiên là Tí ngọ Chu thiên, cũng gọi là Hà xa vận chuyển, Càn khôn vận chuyển.

Theo lý giải ở tầng thứ cá nhân: “Hà” là chỉ Thiên hà, hệ Ngân hà. “Xa” chính là vận chuyển. “Hà xa vận chuyển” chính là một vòng đại vận chuyển quanh hệ Ngân hà, là vòng đại tuần hoàn năng lượng trong hệ Ngân hà. Sau khi thông Đại Chu thiên đạt đến một tầng thứ nhất định thì có thể nhảy ra khỏi năng lượng của hệ Mặt trời, trực tiếp đưa năng lượng ở tầng cao hơn hệ Ngân hà tiến nhập vào hệ tuần hoàn của nhân thể.

Khi thông Chu thiên thì cần chạm đầu lưỡi vào hàm trên, gọi là “đáp thước kiều” (bắc cầu chim Ô Thước), để “Ngưu Lang” và “Chức Nữ” gặp nhau. Ngưu Lang và Chức Nữ là hai ngôi sao ở hai đầu sông Ngân, bị ngăn cách bởi hệ Ngân hà. Bắc cầu chim Ô Thước chính là kết nối các đường kinh mạch để năng lượng vận chuyển khắp hệ Ngân hà. Trong thân thể người thì Ngưu Lang chính là mạch Đốc thuộc Dương, Chức Nữ là mạch Nhâm thuộc Âm. Khoang miệng trong cơ thể là trống rỗng, không có mạch lạc, do đó hai mạch Nhâm Đốc bị gián đoạn ở chỗ này nên cần phải chạm đầu lưỡi vào hàm trên để năng lượng được truyền thông suốt.

Sau khi núi Bất Chu bị đâm gãy, thời gian và không gian nhân loại bị cách ly khỏi vòng Chu thiên ở thời không tầng cao hơn, khiến Chu thiên đối ứng trong nhân thể cũng bị đoạn khai, thân thể người ở tầng cao hơn cũng theo đó “ngủ đông”, không cách nào tự do ra vào chốn nhân gian. Tu luyện có thể đả thông lại Chu thiên, tiếp nối với chiều thời gian và không gian cao tầng. Khi tu luyện thông Chu thiên, đầu tiên phải xung quan, phải xung qua vài trạm kiểm soát then chốt đó thì mới có thể đả thông Chu thiên, mới có thể kết nối với thời không ở cao tầng.

Trong một số cuốn cổ thư như “Sơn Hải Kinh”, “Hoài Nam Tử”, v.v. đều có ghi chép về một loài cây linh thiêng gọi là Kiến Mộc, sinh trưởng ở vị trí trung tâm của trời đất, là đầu mối trọng yếu nối liền thiên địa, có thể thông qua đó mà lên trời xuống đất. Ý nghĩa chính là thời không nơi nhân loại tương thông với thời không ở cao tầng, người trên Trái đất có thể tự do ra vào các chiều thời gian và không gian khác nhau.   Trong các sách cổ như “Thượng Thư” và “Quốc Ngữ” có câu chuyện “Chuyên Húc cắt đứt đường thông giữa trời và đất”. Lúc ấy, các sinh mệnh cao tầng có thể tùy ý giáng hạ xuống trần gian, ở trên mặt đất mà đại hiển thần thông, hô mưa gọi gió, người bình thường cũng nhờ đường thông ấy mà có thể lên Trời. Dần dần, ở nhân gian xuất hiện tình huống người trộn lẫn với Thần, làm loạn trật tự giữa thiên và địa, thường xuất hiện các cuộc đại chiến Thần-ma khiến trần gian bị khuấy động đến mức long trời lở đất. Điều này cũng giống như khi Cộng Công đến nhân gian tác loạn, suýt chút nữa đã hủy diệt nhân loại.

Vì để khôi phục trật tự thiên địa và bảo vệ con người, đồng thời lại cấp cho nhân loại hoàn cảnh để khai sáng văn minh và phát triển ổn định, Chuyên Húc bèn lệnh cho Trọng và Lê phân khai ranh giới giữa trời và đất, cắt đứt mối liên hệ giữa thời không nhân loại và các tầng thời không khác.

Sau khi Cộng Công đâm gãy núi Bất Chu và Chuyên Húc cắt đứt đường thông giữa trời và đất, cõi nhân gian đã bị cách khai và được bảo hộ một cách đặc thù. Tà ma từ các tầng trời không thể tùy tiện xuống nhân gian tác loạn mà phải đầu thai làm người, có thân người thì mới có thể tiến nhập vào thời không nhân loại. Cùng lúc ấy, nhân loại cũng bị khóa kín trong thời gian và không gian ở tầng thấp và bề mặt nhất, một mạch cho đến hiện nay.

Rất nhiều bậc đế vương và Thánh nhân thời thượng cổ như Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông, Hoàng Đế, Chuyên Húc, v.v. đều là Thần linh hạ thế để truyền thụ văn minh cho nhân loại. Họ không chỉ làm đế vương ở cõi người mà còn có thể ra vào các thời không cao tầng, trên trời là Thần, dưới đất là Thánh, đồng thời tồn tại trong cao tầng.

Trong “Sơn Hải Kinh” chép rằng, một số vị đế vương thời thượng cổ được mai táng tại núi nào đó, vì sao người ngày nay không tìm ra được? Vì đó là ở thời không khác của Trái đất chứ không phải thời không của con người. Núi ấy là một thể đối ứng, nó nằm ở chiều không gian khác.

Theo lý giải trong tầng thứ cá nhân: Các đảo tiên trong truyền thuyết như Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu, v.v. đều là núi trên Trái đất, nhưng không phải ở chốn nhân gian mà là trong chiều không gian khác của Trái đất. Khi đi từ thành phố Bồng Lai của tỉnh Sơn Đông, qua hải khẩu tiến vào biển Bột Hải, nếu như tiến nhập được vào chiều không gian cao hơn thì có thể bước vào chốn tiên cảnh Bồng Lai, cũng có thể nhìn thấy cây thần Phù Tang trong truyền thuyết. Bằng không, thì chỉ nhìn thấy đại dương mênh mông, sóng biển tít tắp xa đến tận chân trời.

Không ít sách cổ có câu chuyện kể rằng, một người nào đó khi đang đi trong núi sâu hoặc bất cẩn rơi vào sơn động thì tình cờ bước vào một thế giới thần kỳ, đó là chốn Đào Nguyên mỹ lệ, hoàn toàn không phải cảnh phàm gian. Sau này trở về cố hương, họ mới phát hiện cảnh cũ người xưa đã không còn, thời gian cũng đã qua rất nhiều rất nhiều năm rồi, nhưng muốn quay lại Đào Nguyên thì không còn tìm được đường nữa, chỉ có thể ôm hận đến cuối đời. Vì sao? Là vì họ có duyên phận nên mới có thể bước vào chiều thời không ấy. Nhưng một số nơi đặc thù như trong thâm sơn cùng cốc, v.v. có thể vẫn còn giữ được mối liên hệ với chiều thời không khác, nhưng người bình thường không thể tùy tiện tiến nhập vào.

Sau khi Chuyên Húc “cắt đứt đường thông giữa trời và đất” thì cũng đồng thời kết thúc thời đại “nhân thần đồng tại”, thời thượng cổ, văn minh nhân loại cũng dần dần bước vào thời đại có văn hóa. Giống như con cái trưởng thành và rời xa vòng tay cha mẹ, khi văn minh nhân loại ngày càng hoàn thiện và càng thành thục, thì thần tích cũng ngày càng ít, ngày càng ẩn giấu, nhưng không hoàn toàn biến mất.

Theo hiểu biết trong tầng thứ cá nhân, thời không của nhân loại được các vị thần âm thầm bảo hộ, bởi vì đại khung thiên thể sẽ diễn ra đại sự tối hậu. Do đó thần cần tiến hành các an bài một cách hệ thống, đợi chờ đến thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử vũ trụ…

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/258531



Ngày đăng: 03-03-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.