Nhìn thế giới qua con mắt thứ ba – Giải mã thần thoại (Phần 3)



Tác giả: Lý Đạo Chân

[ChanhKien.org]

Phần 3. Cây Thần Phù Tang

Trong “Sơn Hải Kinh” có đoạn ghi chép về cây Phù Tang và chim Thần Mặt Trời như sau: “Kể rằng Hy Hòa, thê tử của Thiên Đế đã sinh ra mười Mặt Trời và tắm rửa cho Mặt Trời tại Cam Uyên. Nơi này có Thang Cốc, bên trên Thang Cốc mọc ra một gốc cây Thần to lớn, tên là Phù Tang, là nơi Mặt Trời tắm rửa. Chín Mặt Trời nghỉ ngơi ở những cành cây bên dưới, một Mặt Trời còn lại nghỉ ngơi ở cành cây bên trên. Mỗi ngày sẽ có một Mặt Trời cưỡi chim Thần vàng từ nhân gian trở về, lúc này một Mặt Trời khác sẽ cưỡi chim Thần vàng xuống nhân gian làm nhiệm vụ. Cứ như vậy, mười Mặt Trời luân phiên nhau phụ trách mỗi ngày. Còn có một thê tử khác của Thiên Đế là Thường Hy sinh ra 12 Mặt Trăng, cũng tắm rửa cho Mặt Trăng”.

Tại di chỉ Tam Tinh Đôi nổi tiếng thế giới ở Tứ Xuyên, người ta từng khai quật được cây Thần bằng đồng và chim Thần Mặt Trời, điều này đã gây chấn động và là ấn chứng cho những điều ghi chép trong “Sơn Hải Kinh”.

Đứng tại thời không ba chiều nơi con người chúng ta đang sinh sống, đứng tại Trái Đất, Mặt Trời là nơi phát ra năng lượng, giúp vạn vật trên mặt đất có thể sinh trưởng, phong thủy tuần hoàn, đồng thời cũng là trung tâm năng lượng của hệ Mặt Trời của chúng ta.

Lý giải tầng thứ cá nhân của tôi: Mười Mặt Trời là chỉ mười Thiên can. Trên bầu trời, chúng là mười kinh mạch kết nối từ thời không cao tầng liên tiếp đến Hệ Mặt Trời, liên tiếp đến thời không nơi nhân loại. Chúng cung cấp nguồn năng lượng cao cho tầng thời không của con người, thúc đẩy sự vận chuyển của thời không nơi con người.

Mười Thiên can (kinh mạch thời không cao tầng) thay phiên nhau phòng thủ, cùng với 12 Địa chi (kinh mạch thời không của nhân loại) giống như bánh răng ăn khớp với nhau, kết nối tuần hoàn, cung cấp năng lượng cho thời không của nhân loại. Đây là cách lý giải ở tầng thứ cá nhân của tôi về ý nghĩa của mười Mặt Trời thay phiên nhau đến Trái Đất làm nhiệm vụ.

Cây Thần Phù Tang là gì?

Tại sao khi nhìn từ thời không tầng cao, hình ảnh của kinh mạch là hình cây? Cây Phù Tang bám rễ vào thời không tầng cao, mười nhánh cây thay phiên nhau kết nối với thời không của nhân loại, nối với 12 mạch chính (12 Địa chi) của thời không nhân loại, hình thành một vòng tuần hoàn đại chu thiên Thiên địa, cung cấp năng lượng cho thời không nhân loại, duy trì sự vận chuyển của thời không nhân loại.

Hi Hòa có thể là tên của vị Thần tại tầng thời không cao hơn, tương tự như mẹ của Trái Đất ở tầng thời không cao tầng, cho nên mười Thiên can là do bà sinh ra, từ thời không cao tầng, kết nối đối ứng đến Hệ Mặt Trời, và sau đó được kết nối với thời không của nhân loại. Đây là lý giải ở tầng thứ cá nhân của tôi về cây Thần Phù tang và chim Thần Mặt Trời.

Vậy Thường Hy sinh 12 Mặt Trăng nghĩa là gì? Thường Hy có thể là tên của vị Thần là mẹ Trái Đất của thời không nhân loại và 12 Mặt Trăng có thể là chỉ 12 Địa chi, 12 mạch chính của thời không nhân loại. Tại sao nó được gọi là Mặt Trăng?

Lý giải ở tầng thứ cá nhân tôi cho rằng: Mặt Trăng vận hành đối ứng với 12 mạch chính (12 Địa chi) trên Trái Đất. Nó bảo vệ các cổng của Trái Đất, đồng bộ bao quanh Trái Đất và bảo vệ sự vận chuyển chu thiên của Trái Đất.

Như chúng ta đã thảo luận trước đó, Trái Đất là có sinh mệnh, nó là một thể sinh mệnh được chi phối bởi các vị Thần, cũng chính là điều mà cổ nhân gọi là Địa Mẫu hoặc Hậu Thổ.

Trong văn hóa Trung Hoa có một khái niệm trọng yếu gọi là Thiên nhân hợp nhất, cho rằng nhân thể và tự nhiên vũ trụ là đối ứng tương hợp. Nhân thể là tự nhiên và vũ trụ thu nhỏ, còn tự nhiên và vũ trụ là thân thể vĩ mô.

Sư phụ từng giảng cho chúng ta rất nhiều pháp lý vũ trụ cao thâm, cá nhân tôi đứng tại tầng thứ nông cạn lĩnh ngộ được rằng: Thần linh cao tầng cùng với tự nhiên, vũ trụ là một thể hợp nhất. Thần phỏng theo thân thể của chính mình mà tạo ra con người, cho nên nhân thể có đối ứng với Thần thể và cũng có đối ứng với tự nhiên vũ trụ.

Nhân thể có các cơ chế sinh mệnh như tuần hoàn máu, tuần hoàn khí, tuần hoàn dinh dưỡng, tuần hoàn kinh mạch… Trái Đất cũng có cơ chế sinh mệnh như tuần hoàn nước, tuần hoàn khí, tuần hoàn chuỗi sinh vật, tuần hoàn long mạch… Nhân thể có nhiệt độ cơ thể, có xương, thịt, tủy. Trái Đất cũng có nhiệt độ mặt đất, có đất, đá, nham thạch. Nhân thể có mạch máu, kinh mạch, Trái Đất cũng có thủy mạch, long mạch. Nhân thể có linh hồn làm chủ thể, chúng ta gọi là hồn phách và ba hồn bảy vía, Trái Đất cũng có Thần linh làm chủ thể, gọi là Địa Mẫu (Hậu Thổ), và Hà Lạc, Thần sông Thần núi… Vì sao cổ nhân coi trọng việc tế lễ như vậy? Nhất là tế tự thiên địa, sông núi hà lạc, đều phải do đế vương tự mình chỉ đạo việc tế tự, bởi vì đây là việc trực tiếp thông linh với Thần.

Trái Đất là có sinh mệnh, đối với nhân loại chúng ta mà nói, đây là sinh mệnh khổng lồ, chỉ là dấu hiệu sống của nó không được biểu hiện ra ngoài tại thời không tầng thấp nơi nhân loại chúng ta, cho nên con người không nhận biết được. Lại tiến thêm một bước lý giải: Khả năng vũ trụ cũng là một thể sinh mệnh khổng lồ, Thần linh cao tầng và tự nhiên, vũ trụ là hợp nhất, tương tự như sự hợp nhất giữa linh hồn và thể xác của con người.

Chúng ta thuận tiện nghiên cứu thảo luận một chút về kinh mạch

Nhân thể có động mạch, tĩnh mạch, hệ bạch huyết, hệ thần kinh…, đây là những thứ tồn tại ở trong nhục thể mà con người có thể nhìn thấy, sờ được. Nhưng Trung y cho rằng, nhân thể còn tồn tại kinh mạch, đây là thứ mà con người nhìn không thấy, sờ không được, bởi vì kinh mạch không tồn tại trong thời không tầng thấp nơi nhân loại, nó ở trong tầng thời không cao hơn.

Theo hiểu biết tại tầng thứ cá nhân: Thân thể con người phân ra rất nhiều tầng, nó tồn tại ở trong không gian đa chiều chứ không chỉ tồn tại trong không gian ba chiều. Bởi vì nhân thể là Thần phỏng theo thân thể của mình mà tạo ra, là kết nối với Thần thể, là tồn tại ở không gian đa chiều. Đây có thể là một trong những lý do tại sao con người có thể tu luyện thành Thần, có thể trở thành sinh mệnh cao tầng, có thể vượt qua thời không.

Nhục thể con người không chỉ tồn tại trong thời không của nhân loại, đây chỉ là một phần nhỏ của nhân thể, tại các chiều thời không khác cũng đều tồn tại nhân thể, giống như trong Đông y nói lục phủ ngũ tạng, kinh mạch…, chính là bộ phận thân thể tồn tại ở các chiều thời không khác. Nhưng nhân thể ở không gian khác là một thể với nhục thể của chúng ta trong thời không này, là đồng thời tồn tại, không thể tách rời, chỉ là bộ phận kia ở tại chiều không gian khác mà chúng ta không thể chạm đến, cũng không lý giải được. Giống như đặt bàn tay ba chiều vào mặt nước hai chiều, những gì xuất hiện trong không gian hai chiều chỉ là một phần nhỏ, chỉ là một mặt cắt mà không phải toàn bộ bàn tay, nhưng nó là một phần của bàn tay, là một thể.

Lý giải tầng thứ cá nhân, tôi cho rằng: Nhân thể ở chiều không gian khác đang ngủ đông. Hiện tại, những gì con người khai mở và sử dụng chỉ là nhục thể tầng bề mặt trong thời không ba chiều của nhân loại. Nói cách khác, con người bị nhốt trong nhục thể ở không gian ba chiều tầng ngoài cùng này.

Con người có con mắt thứ ba thần bí, hay còn gọi là thiên nhãn, thiên mục… Trong tu luyện giảng khai thiên mục, sau khi thiên mục khai mở, có thể nhìn thấy các sự vật ở chiều thời không cao hơn mà con người bình thường không nhìn thấy, có thể thấu thị… Từ một phương diện khác mà lý giải, đây chính là khai mở con mắt của nhân thể trong chiều thời không cao hơn, đánh thức và kích hoạt nó.

Vì sao cây Thần Mặt Trời được tìm thấy ở Tam Tinh Đôi lại chân thực đến như vậy? Vì sao Đông y có thể giải thích kết cấu của mạch lạc, huyệt vị… của thân thể người ở chiều không gian khác một cách kỹ càng, chuẩn xác đến như vậy? Đây hẳn là cổ nhân đã khai mở con mắt thứ ba – thiên mục, dùng thiên mục trực tiếp nhìn thấy, đồng thời ghi lại, giống như chúng ta bây giờ nhìn đồ vật bằng mắt thường vậy. Khi nhảy ra khỏi thời không nhân loại này, sẽ nhìn thấy thế giới này và vũ trụ là một cảnh tượng khác, kỳ diệu vô cùng, không thể tả xiết. Chúng ta là phàm nhân bị hãm trong thời không ba chiều, chẳng khác nào ếch ngồi ở đáy giếng, vĩnh viễn chỉ có thể nhìn thấy bầu trời lớn chừng bàn tay, mà lại cho rằng đây chính là toàn bộ vũ trụ và thế giới, những gì tồn tại bên ngoài miệng giếng cũng không tin, cũng không tiếp xúc được, quả thực rất đáng thương!

Trong tu luyện xuất hiện công năng đặc dị, từ xưa đến nay, bao gồm cả hiện tại, nhân loại có rất nhiều người xuất hiện công năng đặc dị, đây là sự thật không thể chối cãi. Ví như thiên mục, dao thị, thấu thị, tha tâm thông (biết hết tất cả mọi ý nghĩ trong tâm của chúng sinh trong lục đạo), túc mệnh thông (biết quá khứ, tương lai), đằng không phi hành (bay lên không trung), cách không thủ vật (ban vận công – vận chuyển đồ vật ở khoảng cách xa), thuật xuyên tường v.v., rất nhiều. Những hiện tượng này là tồn tại chân thực, hiện tại vẫn có rất nhiều người như vậy.

Theo lý giải cá nhân, đây là bởi vì họ đã đánh thức thân thể của con người ở các chiều không gian khác, kích hoạt bộ phận thân thể kia, vì vậy họ có khả năng đặc dị mà nhục thể không có, có thể vận dụng năng lượng ở tầng cao hơn. Tu luyện có thể đánh thức thân thể ở tầng tầng các chiều không gian khác, cuối cùng thành Thần, trở thành sinh mệnh cao cấp. Bởi vì nhân thể là có sự kết nối với Thần thể, là Thần phỏng theo Thần thể mình mà tạo ra.

Vì vậy, Trung y chữa bệnh có thể trị tận gốc, còn Tây y chữa bệnh chỉ trị phần ngọn. Bởi vì Trung y chữa bệnh là trực tiếp nhằm vào trị liệu các bộ phận thân thể ở các chiều không gian khác ở tầng cao, nơi đó là gốc, là rễ của nhân thể, là nơi bệnh tật thực sự phát ra, còn nhục thể chỉ là cành lá ở bề ngoài nhất. Tây y chỉ là nhắm vào trị liệu cho bộ phận nhục thể ở tầng ngoài nhất tại thời không nhân loại này, chỉ là trị bề mặt rất nông cạn. Dẫu nhân loại cho rằng khoa học phát triển như thế nào, có lẽ trong mắt của một sinh mệnh cao tầng chỉ là một đám trẻ con đang chơi xếp gỗ, trí tuệ của con người và trí tuệ của Thần vĩnh viễn không cùng đẳng cấp.

Vì vậy, từ xưa người học Trung y cần phải có trí tuệ lớn vượt trên người bình thường mới có thể lý giải và nắm vững. Các bác sĩ Trung y cổ đại như Kỳ Bá, Lôi Công, Biển Thước, Hoa Đà… đều là người tu luyện Đạo gia, là người có trí tuệ vượt trên phàm nhân. Phàm nhân không thể tiếp thụ được Trung y, nhất là đến thời hiện đại, khi con người bị ô nhiễm bởi thuyết vô thần, thuyết tiến hóa, cùng với sự trượt dốc của đạo đức con người, dường như đã không còn ai có thể nắm bắt được Trung y. Vì vậy, hiệu quả trị bệnh của Trung y rớt xuống ngàn trượng, biểu hiện thậm chí không bằng Tây y, thậm chí bị một số người bài xích, tố là ngụy khoa học. Đây là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết của nhân loại.

Trung y, Chu dịch, Bát quái, Tinh tượng, Thái cực…, đều là những tinh hoa mà Thần từ thời thượng cổ truyền lại cho nhân loại, là bắt nguồn từ Thần chứ không phải văn hóa của phàm nhân. Vấn đề này tôi sẽ bàn luận kỹ tại phần sau.

Nhục thể của chúng ta có mạch máu, huyết dịch lưu thông, năng lượng vận chuyển trên bề mặt nhục thể, dinh dưỡng, oxy…. Mạch máu phân thành động mạch, tĩnh mạch, mao mạch… Động mạch là dương, đưa máu từ tim đi ra ngoài; tĩnh mạch là âm, đưa máu từ xa trở về lại tim. Đây là tuần hoàn máu trên bề mặt cơ thể con người.

Các kinh mạch tồn tại trong thân thể ở chiều không gian khác, ví như Trung y nhận biết kỳ kinh bát mạch, thập nhị chính kinh, mười hai kinh mạch, mười lăm lạc mạch, mười hai khu da (bì bộ), tôn lạc, phù lạc…., đều thuộc về hệ thống kinh mạch của nhân thể. Kinh mạch là đường thông đạo lưu thông dòng năng lượng của nhân thể ở các chiều không gian khác, năng lượng lưu thông trong các chiều không gian đó còn được gọi là Khí.

Khí mà Trung y và tu luyện Đạo gia nói tới, không phải khí mà con người chúng ta hô hấp, mà là năng lượng vi tế hơn ở chiều không gian khác. Ví dụ thân thể con người, tiên thiên có khí tinh nguyên, chân khí; hậu thiên có khí chuyển hóa từ thức ăn, vệ khí… Đây đều là những năng lượng trong chiều không gian khác, vận hành cùng với kinh mạch thân thể ở các chiều không gian khác.

Nhân thể có đối ứng với tự nhiên, vũ trụ. Nhân thể có kinh mạch, tự nhiên, vũ trụ cũng đều có kinh mạch, ví như Trái Đất có long mạch, thủy mạch. Nhân thể có khí, tự nhiên, vũ trụ cũng có khí, khí thiên dương, khí địa âm…

Học thuyết ngũ vận lục khí của Trung y có nguồn gốc từ “Hoàng đế nội kinh”. Nó coi thân thể người và thiên địa, tự nhiên hoàn toàn đối ứng với nhau, cho rằng tự nhiên chính là một nhân thể to lớn, nhân thể là một tự nhiên thu nhỏ, ảnh hưởng lẫn nhau, kết nối với nhau, có thể dùng để chẩn đoán, chữa trị bệnh tật và dưỡng sinh…. Giống như đại ôn dịch năm 2020, có người căn cứ vào học thuyết ngũ vận lục khí, từ năm trước đó đã dự đoán ra đại dịch này, đây là loại trí tuệ cao hơn.

Trong Trung y cho rằng: Trong kinh mạch lưu thông năng lượng (Khí) cao hơn, vòng tuần hoàn năng lượng trong kinh mạch trên cơ thể người gọi là chu thiên. Trên kinh mạch có một điểm trọng yếu, mấu chốt, được gọi là cửa quan, hoặc gọi là “huyệt vị”. Huyệt vị khác nhau có thể đóng mở các mạch lạc đối ứng, khống chế lưu lượng lưu thông của mạch lạc, là cửa ra vào của năng lượng. Huyệt vị bị tắc nghẽn, mạch lạc tương ứng cũng sẽ bị ngăn chặn, năng lượng của nhân thể sẽ tuần hoàn không tốt, nhân thể sẽ xuất hiện các vấn đề tương ứng. Huyệt vị đứt gãy, mạch lạc tương ứng cũng sẽ bị đứt gãy, năng lượng nhân thể bị thất thoát, có thể sẽ dẫn đến nhân thể tử vong.

Mặt khác, trong tầng thứ cá nhân mình, bản thân tôi nhận thức được rằng huyệt vị còn có một tác dụng vô cùng trọng yếu, chính là xuyên qua, kết nối tầng thời không khác nhau. Ví như kinh mạch là cơ chế của thân thể trong chiều thời không nhiều chiều, chúng ta ở trong thời không này không chạm đến được, nhưng các huyệt vị trên kinh mạch lại kết nối thời không nhiều chiều với thời không của nhục thể. Cho nên Trung y thông qua châm cứu, xoa bóp các huyệt vị trên nhục thể… có thể đả thông kinh mạch lạc của thân thể con người tại thời không nhiều chiều, từ đó đạt tới mục đích chữa bệnh. Mà huyệt vị đứt gãy, thì cái kết nối này cũng đứt gãy, năng lượng sẽ bị rò rỉ. Đây là lý giải bổ sung cho việc Nữ Oa vá trời ở phần trước.

Trái Đất là một thể sinh mệnh, con người có hô hấp, Trái Đất cũng có hô hấp. Hiện tại trên Trái Đất có một hiện tượng kỳ lạ, gọi là “triều tịch”.

Tức là nước biển trên mặt đất sẽ biến động theo chu kỳ thời gian. Những người sống bằng nghề biển biết rằng, thủy triều lên xuống trong thời gian cố định, không sai lệch chút nào, từ xưa tới nay không thay đổi. Ngoài ra, sự lên xuống của thủy triều mỗi ngày đều tuân theo quy luật chu kỳ tuần hoàn cố định. Mỗi tháng, nó sẽ đạt tới cực điểm vào một thời điểm cố định, và nó cũng sẽ lùi xuống mức thủy triều thấp nhất vào một thời điểm cố định, nó cũng phù hợp với chu kỳ của Mặt Trăng.

Không riêng gì nước biển có hiện tượng thủy triều, đất liền cũng có hiện tượng này. Đất liền cũng có chu kỳ dao động tuần hoàn giống như nước biển, gọi là địa triều. Không khí cũng có hiện tượng khí triều. Thủy triều, địa triều, khí triều được giới khoa học hiện đại gọi chung là hiện tượng triều tịch.

Sự thay đổi của triều tịch là đối ứng với sự thay đổi của Mặt Trăng, giới khoa học hiện đại cho rằng nó là do lực hút của Mặt Trăng gây ra. Ở cấp độ cá nhân, tôi cho rằng nó không phải do lực hút của Mặt Trăng, mà là Trái Đất đang hô hấp, Trái Đất đang tuần hoàn và trao đổi năng lượng, và nó được tạo ra bởi sự tuần hoàn năng lượng của các long mạch trên Trái Đất. Không chỉ triều tịch, mà các hiện tượng sinh lý của cơ thể con người, đặc biệt là phụ nữ cũng có chu kỳ thay đổi theo sự thay đổi của Mặt Trăng, điều này cũng là do nhân thể tương ứng với tự nhiên thể. Năng lượng luân chuyển trong long mạch của Trái Đất (khí của long mạch) bắt nguồn từ tầng thời không cao hơn, là năng lượng được đưa vào từ tầng thời không tầng cao theo tuần hoàn đại chu thiên của thiên địa (tuần hoàn Thiên can Địa chi).

Trên đây là lý giải cá nhân về nội hàm của cây Thần Phù Tang.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/258531



Ngày đăng: 21-11-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.