Nhìn thế giới qua con mắt thứ ba – Giải mã thần thoại (Phần 8)
Tác giả: Lý Đạo Chân
[ChanhKien.org]
Phần 8: Đại Vũ trị thủy
Việc Cộng Công húc đổ núi Bất Chu là một sự kiện lớn trong lịch sử văn minh Trung Hoa, nó đã cải biến rất nhiều phương diện, không chỉ khiến Chuyên Húc “tuyệt địa thiên thông” (cắt đứt đường thông giữa trời và đất) mà còn dẫn đến kiếp nạn đại hồng thủy.
Đại hồng thủy Noah được ghi chép lại trong “Kinh thánh” phương Tây cũng phát sinh vào cùng thời gian này. Vậy việc Cộng Công húc đổ núi Bất Chu khiến cho trời thủng một lỗ lớn, đã dẫn tới trận đại hồng thủy như thế nào?
Chúng ta hãy nhắc lại một chút: Truyền thuyết kể rằng, thời Chuyên Húc đại đế tại vị, Thủy thần Cộng Công không chịu phục tùng nên đã khởi binh nhằm tranh đoạt đế vị. Sau khi bị Chuyên Húc đánh cho đại bại, Cộng Công tức giận húc đầu vào núi Bất Chu – một trong tám cột trụ trời nằm ở phía Tây Bắc. Trụ trời bị đụng gãy, trời phía Tây Bắc sụp xuống, đất phía Đông Nam nghiêng đổ, nền trời thủng một lỗ lớn, hồng thủy ngập tràn, nhân loại đứng trước bờ diệt vong.
Người xưa nói “Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai” (Nước sông Hoàng Hà từ trên trời xuống).
Thần thoại Ấn Độ cũng có câu chuyện rằng: nước sông Hằng là do nữ thần Ganga dẫn từ Thiên thượng xuống nhân gian. Vì không thể để nước trực tiếp trút xuống đất, bởi nếu làm như vậy sẽ hủy diệt đại địa, nên Thần Shiva phải dùng đầu để hứng lấy. Sau đó nữ Thần Ganga lại dẫn nước sông Hằng chảy qua đầu tóc và chân của Thần Shiva xuống mặt đất. Nước đổ vào đại địa, tưới tắm và tẩy tịnh vạn vật chốn nhân gian.
Nước là nguồn của sự sống, là căn bản của sinh mệnh, cấu thành nên vạn vật đều không thể tách rời khỏi nước. Ngoài long mạch trên đất thì còn có vô số thủy mạch. “Thủy mạch” hoàn toàn không phải là chỉ đường tuần hoàn của nước trên mặt đất như sông, suối, biển, hồ… mà giống như huyết quản và kinh mạch. Thủy mạch giống như kinh mạch, nằm ở chiều không gian khác của đại địa. Nếu như lưu thông trong kinh mạch là khí, thì lưu thông trong thủy mạch là nước. Nước ở thời không cao hơn thông qua thủy mạch mà chảy đến nhân gian. Nước ở nhân gian lại thông qua thủy mạch, sau khi liên thông và chuyển hóa sẽ lại nhập vào các chiều thời không khác, hình thành nên vòng tuần hoàn của nước ở thời không cao tầng. Những điều này đều là đứng tại tầng thứ cá nhân mà lý giải.
Chúng ta thấy trong cổ thư viết rằng ở một số địa phương nào đó có “Hải nhãn” (mắt biển), “Tuyền nhãn” (mắt suối). Họ cho rằng Hải nhãn tương thông với biển lớn, thông thường đều có Thần trấn thủ, nếu như khai phá Hải nhãn thì hồng thủy ngập trời, đại địa sẽ biến thành biển cả bao la.
Ngoài ra, một số người tu luyện có công năng có thể nhìn thấy Tuyền nhãn trên đất. Ví như nơi nào đó đất đai cằn cỗi, không thể tìm thấy một giọt nước. Nhưng nếu được người tu Đạo chỉ điểm và đào xuống, giống như đào đứt động mạch, thì nước suối vụt bắn lên ào ạt, từ đó không còn khô cạn nữa, hơn nữa trong nhiều năm liền luôn có nước, cũng không biết được nước ấy là từ đâu đến.
Đây chính là thủy mạch đã được đả thông, là nước từ chiều không gian khác chuyển hóa rồi chảy đến không gian này, do đó không thể tìm được nguồn, trường kỳ cũng không cạn.
Đại hồng thủy
Từ Thần thoại có thể ngộ ra rằng, nước ở không gian tầng thấp là nước đã chuyển hóa từ không gian cao tầng, phía sau có liên kết với thủy mạch, chảy qua tầng tầng mà đến nơi đây. Thủy thần Cộng Công hoàn toàn không giống như kẻ phàm nhân chúng ta, vì phát tiết phẫn nộ mà đập đầu vào tường. Ông ta húc đầu vào núi Bất Chu là có mục đích, có ẩn ý: Vì không thể thao túng được nhân loại nên mới dùng hồng thủy để hủy diệt loài người. Ông ta húc đổ Bất Chu Sơn, mục đích là để nước ở chiều thời không khác trút vào nhân gian, gây ra kiếp nạn toàn nhân loại.
Chuyên Húc vốn là Thần linh từ thời không cao tầng hạ thế và trở thành đế vương ở nhân gian, bảo hộ cho con người. Cộng Công vì muốn tranh đoạt vương quyền để thỏa sức thống trị, liền từ Thiên thượng đánh xuống nhân gian, ông ta bị đại bại trong vô vọng nên mới đâm vào Bất Chu Thiên, khiến nước ở chiều không gian khác nhấn chìm đại địa.
Trong “Thánh Kinh”, chương 7 và chương 8 sách Sáng Thế chép:
“Vào ngày mười bảy, tháng hai, năm sáu trăm của đời Nô-ê, trong chính ngày ấy, mọi nguồn nước của các đại vực thẳm vỡ tung, các cửa sổ trên trời mở toang. Mưa tuôn đổ xuống đất bốn mươi ngày và bốn mươi đêm.” (Trích bản dịch 2011 trên Bible.com)
“Nước lụt tuôn đổ liên tục bốn mươi ngày trên đất. Mặt nước dâng cao, nâng chiếc tàu lên, khiến tàu nổi cao trên mặt đất. Mặt nước cứ tiếp tục dâng cao và gia tăng nhiều vô kể trên đất. Chiếc tàu nổi bồng bềnh trên mặt nước. Nước cứ tiếp tục dâng cao khủng khiếp trên đất, đến nỗi tất cả các ngọn núi cao ở dưới trời đều bị nước phủ ngập. Nước dâng cao hơn các ngọn núi, khiến chúng chìm sâu bảy mét rưỡi dưới mặt nước. Mọi loài xác thịt di động trên đất đều chết hết, nào chim trời, gia súc, thú rừng, mọi sinh vật bò lúc nhúc trên đất, và mọi người. Tất cả loài vật sống trên cạn và có sinh khí trong lỗ mũi đều chết hết.” (Trích bản dịch 2011 trên Bible.com)
“Ðức Chúa Trời khiến một trận gió thổi qua mặt đất, nước bèn hạ xuống. Các nguồn vực thẳm và các cửa sổ trên trời đóng lại; mưa từ trời tạnh hẳn. Nước từ từ rút khỏi mặt đất. Sau một trăm năm mươi ngày, nước hạ xuống. Vào ngày mười bảy, tháng bảy, chiếc tàu hạ xuống trên núi A-ra-rát. Nước cứ tiếp tục hạ xuống cho đến tháng mười. Ðến ngày mồng một tháng mười, các đỉnh núi mới bắt đầu lộ ra.” (Trích bản dịch 2011 trên Bible.com)
Có thể thấy, đại hồng thủy năm xưa đã nhấn chìm núi Ararat, đó là ngọn núi cao nhất ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ, do hai đỉnh núi chính tổ thành. Đỉnh lớn tên là Greater Ararat cao 5.137m, là đỉnh cao nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, đỉnh nhỏ tên là Lesser Ararat cao 3.896m, nằm ở mặt phía đông nam của Greater Ararat, nối liền giữa hai đỉnh là một triền núi dài khoảng 13km.
Đến thời cận đại, người ta đã tìm thấy di chỉ Durupınar ở độ cao 1.989m trong khu vực núi Ararat. Những tàn tích còn lại của Durupınar có hình dạng của một chiếc tàu, chiều dài chính xác là 150m, hoàn toàn khớp với kích thước con tàu Noah được ghi trong “Kinh Thánh”. Một số chuyên gia cho rằng đây chính là xác tàu Noah từng bị đất đá vùi lấp trong lịch sử.
Trang The Sun và Fox News cũng đưa tin rằng, vào cuối năm 2019, nhà khảo cổ học Andrew Jones cùng nhà địa vật lý John Larsen đã tiến hành nghiên cứu địa điểm Durupınar nổi tiếng. Họ sử dụng công nghệ hình ảnh 3D mới nhất để gửi tín hiệu điện xuống lòng đất và quét phần ngầm của di tích Durupınar. Họ phát hiện ra rằng, bộ phận nằm dưới lòng đất là của một con tàu! Bức ảnh sẽ là tư liệu quý giá cho nhà sản xuất phim Cem Sertesen để thực hiện bộ phim tài liệu mới “Noah’s Ark 2”.
Nhà sản xuất phim Cem Sertesen cho biết, trong “Noah’s Ark 2” ông sẽ công bố loạt ảnh gốc quét 3D dưới lòng đất của tàn tích Durupınar. Cem Sertesen cũng nói thêm, những bức ảnh quét 3D mới nhất cho thấy có một con tàu bị chôn vùi dưới lòng đất ở Durupınar! Bộ phim vẫn chưa chính thức mở màn, thời gian sẽ sớm cho chúng ta câu trả lời.
Đại Vũ trị thủy
Ở phương Tây, đại hồng thủy Noah dâng cao khoảng 2000m khiến núi non đều bị nhấn chìm, toàn bộ nền văn minh Tây phương gần như xóa sổ.
Nhưng lúc ấy, trung tâm của nền văn minh Trung Hoa nằm ở khu vực sa mạc Tân Cương phía bắc dãy Côn Lôn. Vào thời điểm ấy, đây là vùng đất màu mỡ phì nhiêu, mãi về sau mới dần dần phong hóa thành sa mạc.
Năm xưa trong quá trình trị thủy, Đại Vũ từng xây dựng các đài Chúng Đế. Sơn Hải Kinh chép: “Đế Nghiêu đài, Đế Khốc đài, Đế Đan Chu đài, Đế Thuấn đài, Các Nhị đài, đài tứ phương, tại côn luân bắc”, và “Chúng đế chi đài, tại côn luân chi bắc”, nghĩa là: đài vua Nghiêu, đài vua Khốc, đài vua Đan Chu, đài vua Thuấn, đài Các Nhị, đài khắp bốn phương ở phía bắc Côn Lôn; và đài của các bậc đế vương nằm ở phía bắc Côn Lôn.
Thông thường, lầu đài của các bậc đế vương đều xây dựng ở kinh đô hoặc vùng phụ cận kinh đô, là văn minh của quốc gia, đồng thời là trung tâm kinh tế và chính trị. Đây cũng là ấn chứng rằng lúc ấy trung tâm văn minh của Trung Hoa nằm tại khu vực núi Côn Lôn.
Dãy núi Côn Lôn khởi lên từ phía Tây, bắt đầu từ bộ phận phía đông của cao nguyên Pamir, đi ngang qua Tân Cương, Tây Tạng, mở rộng đến Thanh Hải, tổng chiều dài khoảng 2500km, độ cao trung bình 5500-6000m, rộng 130-200km, tổng diện tích đạt hơn 500.000km vuông.
Vào thời điểm xảy ra đại hồng thủy, những người cư trú ở khu vực này nhờ có địa thế cao, lại kịp thời chạy thoát lên núi Côn Lôn, cho nên không bị đại hồng thủy nhấn chìm. Phần lớn họ đều may mắn sống sót, bảo lưu được nhiều thành tựu từ văn minh tiền sử. Những tinh hoa như Chu Dịch, Bát Quái, Trung y, Thái Cực, Hà Đồ, Lạc Thư, v.v. đều là văn minh tiền sử di lưu lại.
Khi đại hồng thủy qua đi, trong quá trình phát triển, người trên núi Côn Lôn dần dần di chuyển về phía đông, sau đó lại di cư đến vùng trung nguyên ở lưu vực sông Hoàng Hà, cuối cùng đến lưu vực sông Trường Giang và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay.
Đại hồng thủy lần trước ngập địa cầu khoảng 2000m, nhưng trên trái đất lại không có nhiều nước đến như vậy. Theo tính toán, cho dù toàn bộ nước mưa trên trời giáng xuống, toàn bộ các núi băng ở Nam Cực và Bắc Cực đều tan chảy, cộng thêm tất cả nguồn nước từ sông, hồ, ao, suối… thì cũng chỉ có thể khiến địa cầu ngập 70m. Do đó có thể nói, đại hồng thủy thời ấy là đến từ không gian khác.
Nhờ có Nữ Oa vá trời, hồng thủy mới dần dần rút đi, hiển lộ ra một số địa khu cao hơn so với mực nước. Nhưng trên mặt đất vẫn còn lũ lụt, rất nhiều vùng đất thấp hơn so với mực nước vẫn bị ngập, do đó mới có câu chuyện Đại Vũ trị thủy thời vua Nghiêu, Thuấn.
Đại Vũ trị thủy không chỉ là khiến nước trên mặt đất dẫn nhập vào giang hà, quy nhập đại hải, mà chủ yếu là đả thông thủy mạch trên đất, khiến đường nước trở về chiều thời không khác. Nếu không thì nhiều nước như vậy, giang hà hồ hải trên đất cũng không thể chứa hết được.
Đại Vũ cũng là Thần linh giáng thế, là từ không gian cao tầng hạ xuống để giúp nhân loại thoát khỏi thủy tai và tái thiết lập nền văn minh. Trong quá trình trị thủy, Đại Vũ thường sử dụng thần thông, có thể ra vào giữa người và trời, lại có thể đả thông thủy mạch ở thời không khác, dẫn nước trở về thời không khác.
“Sơn Hải Kinh” là ghi chép trong quá trình Đại Vũ trị thủy. Những nội dung trong đó về thủy mạch, quái thú, Thần nhân, Thần tộc v.v. đều là cảnh tượng trong chiều không gian khác của địa cầu, không phải là thời không nhân loại. Địa lý ở nhân gian là đối ứng với thời không khác, cũng giống như nhục thể là đối ứng với nhân thể ở thời không cao tầng, nhất thể đồng tại. Do vậy rất nhiều thứ trong đó không thể tìm thấy ở cõi nhân gian, người đời sau liền cho rằng đó chỉ là huyễn tưởng của người xưa. Những cuộc đại chiến Thần-ma ghi chép trong sách, một số là phát sinh từ thời văn minh tiền sử, một số là từ thời văn minh lần này, rất nhiều đều là sự việc phát sinh trong thời không cao tầng, không ở tại nhân gian.
Các Thần thú như long, phượng, kỳ lân v.v. cũng thuộc về không gian khác của địa cầu, nhưng cũng có lúc tình cờ tiến nhập vào cõi người. Mỗi khi có bậc đế vương thánh đức, hoặc bách tính có đạo đức cao thượng, Thần thú sẽ thường xuất hiện ở nhân gian, Thiên thượng cũng sẽ triển hiện điềm lành.
Cha của Vũ là Cổn trị thủy 9 năm không thành, đó là bởi ông Cổn không thuận theo thủy tính, đáng lẽ nên đả thông thủy mạch để đường nước nhập thời không cao tầng, thì ông lại sử dụng phương thức bao vây ngăn chặn, do đó nạn lụt càng ngày càng dữ dội. Theo “Sơn Hải Kinh”, ông Cổn vì nóng lòng trị lụt nên đã lấy trộm bảo bối “tức nhưỡng” của Thiên Đế, vốn là một chiếc túi đựng đất ở trên trời. Sử dụng tức nhưỡng, ông Cổn đã xây dựng được một con đập khổng lồ và hy vọng rằng nó có thể ngăn được nước lũ. Nhưng kết quả lại hoàn toàn trái ngược, tức nhưỡng khiến thủy mạch bị tắc nghẽn, nạn lụt lại càng thêm nghiêm trọng, việc trị thủy do đó mà thất bại.
Trên đây là lý giải từ tầng thứ cá nhân đối với câu chuyện Đại Vũ trị thủy.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/258531
Ngày đăng: 04-04-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.