Nhìn thế giới qua con mắt thứ ba – Giải mã thần thoại (Phần 2)



Tác giả: Lý Đạo Chân

[ChanhKien.org]

Phần 2. Nữ Oa vá trời

Kể đến Nữ Oa vá trời, trước tiên chúng ta nói một chút về truyền thuyết Cộng Công tức giận húc đổ núi Bất Chu.

Hiện nay truyền thuyết này lưu truyền vài phiên bản, nội dung về cơ bản đều giống nhau, chỉ có nhân vật giao tranh với Cộng Công thì khác, điều này sẽ được giải thích ở phần sau, vậy chúng ta hãy nói một chút về truyền thuyết Cộng Công đại chiến với vua Chuyên Húc.

Nền văn minh của Trung Hoa có lịch sử trên dưới 5000 năm, dựa trên sử liệu hiện có thì trước nền văn minh 5000 năm này đã tồn tại một thời kỳ văn minh tiền sử cực kỳ lâu dài, gọi là thời kỳ Tam Hoàng, đại biểu cho thời kỳ tiền sử này có các vị đế vương cổ như; Sảo Thị, Toại Nhân Thị, Phục Hy Thị, Thần Nông Thị v.v… Nền văn minh 5000 năm bắt đầu từ thời của Hoàng Đế, từ đây khởi đầu cho thời kỳ Ngũ Đế, như Hoàng Đế, Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Khốc, Nghiêu, Thuấn v.v… Tiếp theo vua Thuấn nhường ngôi cho Đại Vũ, sau khi Đại Vũ kế thừa đế vị đã khai sáng ra triều đại đầu tiên ―― triều Hạ, sau đó lần lượt thay đổi các triều đại: triều Thương, triều Chu, triều Tần, triều Hán…

Truyền thuyết kể rằng Chuyên Húc là cháu của Hoàng Đế, thời Chuyên Húc đại đế tại vị, thủy thần Cộng Công không phục tùng sự thống trị của ông nên đã khởi binh nhằm tranh đoạt đế vị. Kết quả Cộng Công bị Chuyên Húc đánh cho đại bại, Cộng Công vì thế mà tức giận đâm đầu húc đổ núi Bất Chu. Núi Bất Chu là một trong tám cột trụ trời, nằm ở phía Tây Bắc, trụ trời bị đụng gãy, trời phía Tây Bắc sụp xuống, đất phía Đông Nam nghiêng đổ. Đồng thời trời thủng một lỗ lớn, trên mặt đất hồng thủy dâng ngập trời, nhân loại đứng trước bờ vực diệt vong. Khi đó Nữ Oa xuất hiện, bà luyện đá ngũ sắc vá trời, cứu vớt nhân loại.

Trời là tầng khí quyển bên trên, nhiều nhất là hơi nước tạo thành mây, lên cao hơn thì chính là chân không của vũ trụ. Thứ đó đâu giống như nóc nhà mà cần có cột chống? Lại còn có thể bị thủng một lỗ? Thậm chí sau khi thủng còn có thể vá lại như vá một bộ quần áo? Hơn nữa vì sao lại có thể dùng khối đá để vá lại được?

Nếu như đây là sự thật, hẳn là nhiều người sẽ cười thầm trong bụng. Trong phần trước, chúng ta đã nói về việc nhân loại đang ở trong thời không có chiều khác với thời không của Thần, vậy nên chúng ta không thể dùng khái niệm tư duy của con người để lý giải ngôn ngữ của Thần, bởi vì nội hàm giữa hai bên là hoàn toàn khác nhau. Chúng ta cần đứng trong thời không nhiều chiều để lý giải.

Khi thuyết cơ học cổ điển của Newton không giải thích được chuyển động của vật thể có tốc độ lớn hoặc khối lượng lớn, thì Einstein đã đưa ra Thuyết tương đối. Thuyết tương đối đã nhảy ra khỏi hạn chế của thời không đơn nhất của chúng ta, cho rằng thời không bị uốn cong, điều này là một sự bổ sung hoàn hảo cho thuyết cơ học cổ điển trước đó, giúp vật lý học phát triển lên thêm một tầng mới, giải thích được những hiện tượng trước đây không giải thích được.

Đối với thần thoại cũng cần như vậy, cần nhảy ra khỏi hạn chế của chiều thời không này của nhân loại thì mới có thể giải khai mật mã của thế giới loài người. Sinh mệnh cao tầng sáng tạo ra nhân loại và ẩn giấu trí tuệ trong những câu chuyện thần thoại, vì vậy chúng ta cần nhảy ra khỏi mô thức tư duy ít chiều này mới có thể giải khai nó.

Trời mà Thần vốn nói tới, không phải bầu trời trong khái niệm của nhân loại, bởi vì Thần ở trong thời không nhiều chiều hơn, cũng như “Đất” mà Thần vốn ám chỉ cũng không phải là đất trong khái niệm nhân loại. Nếu như Trời mà Thần ám chỉ là bầu trời trên đầu chúng ta, vậy thì bầu trời trên đỉnh đầu người nước Mỹ chính là ở dưới chân người Trung Quốc, bởi vì họ ở phía bên kia địa cầu. Chúng ta coi Mặt Trăng là ở trên trời, nếu như chúng ta lên Mặt Trăng, thì địa cầu chính là ở trên trời, như vậy tất cả mọi sự đều vô cùng lộn xộn.

Nhảy ra khỏi hạn cuộc của tư duy nhân loại, Trời mà Thần ám chỉ là thời không cao tầng hơn so với nhân loại, cũng giống như Đất mà Thần ám chỉ là thời không nhân loại. Thời không cao hơn nhân loại cũng có thể gọi là Trời. Căn cứ theo lý giải này, thì việc Thần Tiên lên Trời được kể trong thần thoại, là chỉ việc rời khỏi thời không nhân loại và tiến vào trong thời không cao tầng, chứ không phải bay ra ngoài không gian. Phi thuyền vũ trụ của nhân loại bay ra ngoài không gian, việc đó ở trong mắt của Thần thì không phải là lên Trời, mà vẫn còn đang ở trên mặt đất, bởi vì thời không nhân loại trong mắt Thần đều là đất. Giống như chúng ta nhìn xuống sinh mệnh tồn tại trên mặt phẳng ở thời không hai chiều này, cho dù chúng có thể chạy thế nào, bay thế nào đi nữa, thì chúng ta đều cho rằng chúng vẫn là đang ở trên mặt đất, bởi vì chúng chạy thế nào đều không thể thoát khỏi chiều thời không kia mà chúng vốn đang ở trong đó. Đều ở cái mặt phẳng thời không hai chiều này, đều là trên mặt đất cả.

Bây giờ tiếp tục trở lại chuyện Nữ Oa vá Trời, nói núi Bất Chu là một trong tám trụ Trời, cho dù Trời là chỉ thời không cao tầng, thì thời không cao tầng tại sao lại cần cột chống?

Chúng ta đã biết, một con đường bất kể dài bao nhiêu, cuối cùng là có điểm cuối, cuối cùng sẽ kết thúc. Chỉ có tạo hình tròn, hình thành tuần hoàn, nó mới không có đầu mút, vô thủy vô chung, trường tồn không ngừng.

Lý giải của tầng thứ cá nhân: vạn sự vạn vật vũ trụ đều là như vậy, nó phải hình thành tuần hoàn, mới có thể trường tồn không ngừng, bằng không thì sẽ đến điểm cuối cùng với sự hủy diệt.

Mặt Trăng quay xung quanh Trái Đất với quỹ đạo hình tròn, Trái Đất lại đang quay xung quanh Mặt trời, hết vòng này lại đến vòng khác, vĩnh viễn không ngừng nghỉ. Mặt Trời lại xoay quanh Hệ ngân hà, Hệ ngân hà lại xoay quanh Cụm thiên hà của nó…

Nhân thể (chỉ thân thể người) cũng giống như vậy, có tuần hoàn máu, tuần hoàn khí, tuần hoàn bạch huyết, tuần hoàn nước, tuần hoàn tiêu hóa, tuần hoàn kinh mạch… Bất kỳ một thứ tuần hoàn nào đứt đoạn, nhân thể cũng sẽ tử vong.

Trái đất cũng giống như vậy, có tuần hoàn nước, tuần hoàn chuỗi sinh vật, tuần hoàn không khí, tuần hoàn ngũ vận lục khí (ngũ vận: mộc vận, hỏa vận, thổ vận, kim vận, thủy vận; lục khí: phong, nhiệt/thử, hỏa, thấp, táo, hàn), tuần hoàn long mạch… Bất kỳ một thứ tuần hoàn nào đứt đoạn, nhân loại sẽ hủy diệt. Chỉ có khi tuần hoàn thông suốt thì vạn vật mới có thể sinh sôi không ngừng.

Trong tu luyện Đạo gia có một thuật ngữ quan trọng, đó là “Chu thiên”. Từ tên gọi mà lý giải, thì “Chu thiên” chính là xoay một vòng trời, một vòng tuần hoàn giữa trời và đất được gọi là một chu thiên. Tỷ như Trái đất tuần hoàn một vòng quanh Mặt trời, thiên văn học gọi đó là một chu thiên. Trái đất tự mình quay một vòng, gọi là một tiểu chu thiên. Năng lượng nhân thể chạy dọc theo kinh mạch toàn thân, kỳ kinh bát mạch, 12 đường kinh chính mà đều tuần hoàn một lần thì gọi là một tuần hoàn đại chu thiên. Nếu dọc theo 2 mạch Nhâm, Đốc tuần hoàn một vòng nhỏ thì được gọi là một tiểu chu thiên.

Tầng tầng thời không với các chiều khác nhau trong vũ trụ cũng có thể là như vậy, thời không thấp tầng và thời không cao tầng cũng giống như các bánh răng, tầng tầng ăn khớp, tuần hoàn đối ứng. Vũ trụ có thể coi như là một thể tuần hoàn, sinh mệnh cũng là thể tuần hoàn. Nếu tuần hoàn đứt đoạn, sẽ đi đến kết thúc.

Nếu như thời không (đất) này mà nhân loại tồn tại tuần hoàn đối ứng với thời không cao tầng hơn (trời), vậy thì tuần hoàn này chính là tuần hoàn đại chu thiên trời đất.

Luyện công pháp Đạo gia có một quá trình, sau khi nhập môn, trước tiên là cần thông tiểu chu thiên, sau đó thông đại chu thiên. Tiểu chu thiên thông chính là đả thông 2 mạch Nhâm, Đốc, hình thành tuần hoàn nhỏ năng lượng nhân thể. Khi tiểu chu thiên thông, cần xung tam quan, theo thứ tự là Vĩ Lư quan, Giáp Tích quan, Ngọc Chẩm quan. Tam quan này chính là 3 điểm quan trọng ở trên mạch Đốc sau lưng, cần đề khí Đan Điền nghịch mạch Đốc mà xung quan đi lên, xung Vĩ Lư, thông Giáp Tích, qua Ngọc Chẩm, sau đó lên đỉnh đầu xong thì hội hợp với mạch Nhâm, lại trở về đan điền, hình thành tuần hoàn tiểu chu thiên. Tam quan này không đả thông, thì không cách nào thông tiểu chu thiên.

Nhận thức tầng thứ cá nhân: Đại chu thiên cũng lớn như thời không này (thời không mà chúng ta đang sống), là đại tuần hoàn từ trời xuống đất, từ đất đến trời của thời không này. Đại chu thiên trong mỗi tầng thứ chính là tuần hoàn lớn nhất trong tầng thứ đó, tất cả trong tầng thứ đó, vạn sự vạn vật, đều ở trong tuần hoàn này, không gì không bao hàm, không gì thoát ra khỏi. Chu thiên hình thành một cái “đại kết giới” (có thể hiểu là đường giới hạn bao bọc mọi thứ bên trong), cũng bao vây tất cả những gì ở trong tầng thứ đó. Nếu có thể nhảy ra khỏi tuần hoàn đại chu thiên đó, thì đã nhảy ra khỏi tầng thứ thời không đó, tiến vào trong tầng thứ thời không cao hơn, tiến vào trong tuần hoàn đại chu thiên của tầng thứ cao hơn, cũng có thể nói là lên Trời, đả khai cổng Trời của thời không cao hơn ―― cổng chu thiên.

Đại chu thiên của mỗi tầng thứ thời không đều là đại tuần hoàn độc lập, nhưng tất cả đại chu thiên của các thời không khác nhau trên chỉnh thể có phải giống như bánh răng ăn khớp đối ứng, tầng tầng tuần hoàn?

Từ xưa đến nay đều nói rằng con người thông qua tu luyện có thể thành tiên, bất kể Phật gia hay Đạo gia đều nói như vậy. Tu luyện làm sao có thể thành tiên? Người viết cho rằng: Tu luyện đều yêu cầu trước tiên thông chu thiên thân thể người, con người là do Thần tạo ra, nhân thể là đối ứng với tự nhiên và vũ trụ. Thông chu thiên thân thể người chính là làm cho năng lượng trong thân thể người tuần hoàn, đối ứng liên tiếp đến đại chu thiên của thời không tầng cao hơn, thu lấy năng lượng vũ trụ của tầng thứ thời không cao hơn tiến nhập vào tuần hoàn trong thân thể người, từ đó đề cao năng lượng thân thể người, nhảy ra khỏi tuần hoàn đại chu thiên tầng thấp, tiến vào trong tầng thứ thời không cao hơn, trở thành sinh mệnh của tầng cao hơn.

Trong bài thơ dự ngôn “Mai hoa thi” của nhà tiên tri Thiệu Ung có một câu: “Đãng đãng thiên môn vạn cổ khai, kỷ nhân quy khứ kỷ người lai”.

Thiên môn là gì? Người viết cho rằng: Thiên môn không phải là cánh cửa mà nhân loại nhận thức, nó là cổng đại chu thiên của tầng thứ thời không này. Đại chu thiên là tuần hoàn lớn nhất của tầng thứ thời không này, không chỗ nào không có mặt, từ bất kỳ vị trí sở tại nào đều có thể “lên trời”, tiến nhập thời không cao tầng hơn. Thời cổ có câu chuyện như vậy: Trong rừng sâu núi thẳm có một căn nhà tranh rách nát, một vị lão đạo tu hành tại đó. Thoạt nhìn thì ngôi nhà đó hết sức sơ sài, thế nhưng sau khi tiến vào, thì mới phát hiện ra trong ngôi nhà tranh là một dạng trời đất khác, bên trong là một thế giới tân kỳ rộng lớn không gì sánh được. Cũng có người tu luyện nơi núi sâu, đến vách núi đá sau khi chui người qua liền tiến vào một thế giới khác rộng lớn thần kỳ. Cái thế giới khác vốn được nói tới trong những câu chuyện này, chính là chỉ “lên Trời” ―― tiến nhập vào trong thời không cao hơn, chứ không phải bay lên bầu trời thì được gọi là lên trời. Đương nhiên bay lên trên bầu trời cũng có thể lên trời, bởi vì thiên môn không chỗ nào là không tồn tại, cho nên cũng thường thấy trong sách cổ ghi chép rằng người tu luyện nào đó bạch nhật phi thăng, bay lên trời.

Cổ nhân giảng Thiên can, Địa chi. Giáp Ất Bính Đinh Mậu Kỷ Canh Tân Nhâm Quý, là 10 Thiên can; Tí Sửu Dần Mão Thìn Tị Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi, là 12 Địa chi. 10 Thiên can phối hợp với 12 Địa chi, giống như các bánh răng quay ăn khớp với nhau, đối ứng tuần hoàn. Như Giáp Tý, Ất Sửu, Bính Dần… Sau khi qua 60 lần tổ hợp, thì lại quay về Giáp Tý, làm một đại tuần hoàn, cũng gọi là “Một Giáp”.

Cổ nhân dùng thiên can địa chi để tính năm, tháng, ngày, thời giờ v.v… như năm 2019 là năm Kỷ Hợi, năm nay là năm Canh Tý (chỉ thời điểm năm 2020). Toán mệnh, xem thiên tượng, Trung Y v.v. đều cần dùng đến Thiên can địa chi để làm đối ứng, suy tính.

Thiên can, địa chi là gì?

Nhận thức từ tầng thứ cá nhân: Thiên can, địa chi là kinh mạch của tuần hoàn đại chu thiên Trời Đất. Can là mạch Can, giống như thụ can (thân cây), làm mạch dương, ở tại Trời (một tầng thể hệ thời không cao hơn chúng ta một tầng). Chi là mạch chi, giống như cành cây, làm mạch âm, ở tại đất (mạch của thời không nhân loại). Thiên can, địa chi giống như bánh răng, đối ứng ăn khớp, vận động tuần hoàn, đây chính là tuần hoàn đại chu thiên của thời không nhân loại. Đây cũng là đại tuần hoàn âm dương từ trời đến đất, từ đất đến trời, vạn sự vạn vật bên trong thời không nhân loại đều ở trong đó, vô sở bất bao.

Trong y học Trung Hoa có một học thuyết là ngũ vận lục khí, nó phải căn cứ Thiên can địa chi để suy diễn biến hóa vận khí giữa trời đất mỗi năm để dự báo và điều trị bệnh tật, có nghĩa là đối ứng thân thể người với tự nhiên, thông qua tuần hoàn của kinh mạch trời đất (thiên can địa chi) mà suy diễn ra biến hóa của mạch tượng tự nhiên, từ đó đưa ra cách chữa trị đối ứng với bệnh tật xuất hiện trên thân thể người.

Bây giờ chúng ta nói tiếp một chút vì sao trời cần cột chống. Trong sách cổ ghi chép, cái trụ trời này là một ngọn núi. Cá nhân người viết thấy rằng, ngọn núi này là vị trí trọng yếu, điểm nút, hoặc gọi là trạm gác, cũng có thể nói là huyệt vị trọng yếu trên kinh mạch tuần hoàn đại chu thiên của/giữa thời không nhân loại và thời không tầng cao hơn.

Đại sư Lý Hồng Chí từng nói cho chúng ta biết rằng: Trái Đất mà nhân loại chúng ta sinh tồn này là một thể sinh mệnh.

Lý giải từ tầng thứ cá nhân, trái đất có kinh mạch của tuần hoàn năng lượng, gọi là long mạch. Long mạch kéo dài đến mặt đất chính là núi, sơn mạch trên mặt đất. Chúng ta đứng trên mặt đất không biết được, nhưng từ vệ tinh của Google là có thể xem được rõ ràng. Từ vệ tinh của Google, từ trên cao nhìn xuống mặt đất, khi kéo đến đến độ cao nhất định, quý vị xem qua mạch núi non phân bố trên bề mặt trái đất, có đúng là các mạch lạc hay không? Không chỉ là hình tượng giống như các mạch lạc, quả thực là giống như đúc với các mạch lạc của thân thể người, một chút cũng không sai chệch.

Ba ảnh bên trên là hình ảnh sơn mạch từ trên vệ tinh nhìn Trái đất của Google

Trong phong thủy học cho rằng, các mạch lạc hoành quan có mặt ở khắp nơi trong giới tự nhiên, thì lấy núi làm hình thức tồn tại, đây là hình thức mạch lạc của giới tự nhiên. Cho nên khi xem phong thủy thì khi tìm âm trạch điểm huyệt đất, đều phải dựa theo thế núi, hướng đi, tra ra ngọn ngành. Huyệt vị là điểm nối, trạm gác trọng yếu, là “cửa khẩu” ra vào của năng lượng kinh mạch, cho nên cũng sẽ lấy núi làm hình thức tồn tại.

Lý giải từ tầng thứ cá nhân: Tám trụ trời là tám trạm gác, huyệt vị trọng yếu của kinh mạch tuần hoàn đại chu thiên trời đất, hình thức biểu hiện là tám ngọn núi tiên, nhưng không tồn tại ở thời không 3 chiều này của nhân loại chúng ta, mà là tồn tại ở trong thời không tầng cao hơn. Đó là nội hàm của cột chống trời mà tầng thứ cá nhân sở tại lý giải.

Trụ trời bị đụng gãy, cái huyệt vị này liền đứt, tuần hoàn đại chu thiên trời đất cũng liền đứt đoạn, xuất hiện sơ hở. Cho nên nói trời bị rách, bị thủng, thời không nhân loại kia liền bị đẩy đến bờ hủy diệt. Tựa như kinh mạch trọng yếu của thân thể người bị đứt đoạn, huyệt vị trọng yếu của thân thể người bị phong bế, thì con người sẽ tử vong.

Cho nên thần linh tới từ thể hệ thời không cao tầng ― Nữ Oa xuống thời không tầng thấp để vá trời, chính là tu bổ chỗ sơ hở của tuần hoàn đại chu thiên, để bảo vệ nhân loại vốn do bà sáng tạo ra. Nữ Oa luyện đá ngũ sắc, có thể lý giải là tinh luyện ngũ hành. Cổ nhân cho rằng ngũ hành cấu thành vạn sự vạn vật của thế giới chúng ta, toàn bộ nhân loại chúng ta và tam giới đều là do 5 loại nguyên tố cơ bản của ngũ hành cấu thành. Ngũ hành là siêu xuất 108 loại nguyên tố trong hóa học mà hiện nay người ta nói đến, 108 loại nguyên tố cũng có thể đưa vào trong ngũ hành.

Đó là lý giải của tầng thứ cá nhân đối với chuyện Nữ Oa vá trời.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/258531



Ngày đăng: 31-10-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.