Nhị long hý châu (3): Văn hóa Hoàng long màu vàng, văn hóa Xích long màu đỏ (Phần 2)



Tác giả: Liên Lý Chi

[ChanhKien.org]

2. Rồng đỏ Trường Giang

Sông Trường Giang có hình thế ngoằn ngoèo uốn khúc, trông giống như một con rắn to đang chạy trên mặt đất, đầu hướng về phía đông, đuôi thì vểnh về phía tây; cửa biển của sông Trường Giang loe ra như hình chiếc kèn đồng, nhìn trông giống như cái miệng của một con rắn lớn đang há ra trong tư thế muốn nuốt chửng hòn đảo Sùng Minh — tên đảo có nghĩa là “người tôn kính, ủng hộ ánh sáng” (Sùng Minh là đảo lớn thứ hai sau đảo Hải Nam, thuộc huyện Sùng Minh của Thượng Hải). Sông Trường Giang được gắn với hình tượng của một con rắn, việc đặt định vai trò lịch sử này không chỉ dựa trên hình dạng mà nó biểu hiện mà còn dựa vào sự thể hiện của nội hàm văn hóa được phân bố trên những khu vực khác nhau của sông Trường Giang.

Đầu tiên, chúng ta sẽ thông qua hình dạng mà sông Trường Giang biểu hiện để tìm hiểu vai trò mà lịch sử đã đặt định cho dòng sông này. Tên “Trường Giang” là tên gọi chung cho con sông này, bởi vì Trường Giang là do rất nhiều đoạn sông khác nhau hợp thành: khởi nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng, đến đoạn chảy qua Nghi Xuân tỉnh Tứ Xuyên được gọi là Kim Sa Giang; đoạn từ Nghi Xuân đến Nghi Xương tỉnh Hồ Bắc gọi là Xuyên Giang; đoạn từ Chi Giang tỉnh Hồ Bắc đến Thạch Lăng Cơ tỉnh Hồ Nam gọi là Kinh Giang; đoạn hạ lưu đi qua tỉnh Giang Tô gọi là Dương Tử Giang. Từ cách gọi tên của sông Trường Giang ta có thể biết được tên gọi “Trường Giang” là một khái niệm của một thể tập hợp, là thứ vô hình. Hình thức tên gọi này của sông Trường Giang, kỳ thực đã thể hiện ra đặc trưng ‘tiết’ đoạn của nó: ví như nơi khởi nguồn của Tam Hiệp sông Trường Giang là Phụng Tiết (thuộc tỉnh Trùng Khánh), Quý Châu có Tất Tiết, đều có chữ “Tiết” (节) ở trong đó. Xét từ bộ thủ của chữ “Giang” (江) trong từ “Trường Giang” (长江) là có bộ “công” (工) : trong ý nghĩa tượng hình của chữ công (工), thì nét sổ thẳng “丨” ở giữa là có hàm ý là chỉ sự phân chia, phân đoạn của dòng sông này.

Trường Giang được biểu hiện bằng hình tượng phân đoạn, kỳ thực điều này đã thể hiện cho thuộc tính sinh mệnh mà lịch sử đã trao cho Trường Giang: một con rắn. Bởi vì đặc trưng sinh mệnh của rắn là do nhiều tiết đoạn [phân đoạn] tổ hợp thành, rắn là có thể phân tiết, phân đoạn, nếu cắt bỏ bộ phận nửa phía sau thì nó vẫn sống như thường, chỉ khi làm cho thân thể nó hoàn toàn tách rời hoặc đứt thành nhiều đoạn thì nó mới hoàn toàn bị chết. Vì vậy hình thức đặt tên của sông Trường Giang là đặt tên theo từng đoạn, điều này càng khẳng định rằng: hình tượng sinh mệnh được giao phó của Trường Giang là một con rắn.

Thứ hai, nếu xét từ nội hàm phân bố của các khu vực văn hóa trên các lưu vực sông Trường Giang, chúng ta cũng sẽ thấy rằng điều này cũng tương tự như hình ảnh của một con rắn. Lịch sử phân bố của các khu vực văn hóa của lưu vực sông Trường Giang là văn hóa “Ba” (巴) (Ba là một chữ tượng hình cho con rắn, danh từ này dùng để chỉ một giống rắn lớn trong truyền thuyết): lấy Lệ Giang làm ví dụ để biểu hiện cho Trường Giang, văn hóa Lệ Giang là văn hóa Ba Đông của dân tộc Ba Đông; hay như tỉnh Tứ Xuyên còn được gọi là Ba Thục, Trùng Khánh (thuộc tỉnh Tứ Xuyên) còn gọi là Ba Du; bờ bắc sông Trường Giang có núi Đại Ba Sơn (thuộc tỉnh Tứ Xuyên); huyện Ba Đông tỉnh Hồ Bắc thuộc vùng đất Tam Hiệp v.v. Văn hóa “Ba” được đặt định rất nhiều nơi dọc theo lưu vực sông Trường Giang. Về giải thích Hán tự thì Ba là con rắn, tượng hình của chữ Ba “巴” là con rắn đang cuộn tròn. Ngoài ra dọc theo sông Trường Giang đoạn qua Tỉnh Tứ Xuyên còn có Đại Lương Sơn, Đại Lương cũng là chỉ con rắn, bởi vì rắn là loại động vật máu lạnh, mà đại lương trong tiếng Hán được dùng để chỉ cho cái lạnh v.v…

Vì vậy, bất luận là xét từ hình dạng hay từ nội hàm phân bố của các khu vực văn hóa dọc theo hai bên sông Trường Giang, thì hình tượng mà lịch sử đặt định cho nó chính là một con rắn. Đặc trưng này của sông Trường Giang khiến nó hoàn toàn khác với sông Hoàng Hà. Sông Hoàng Hà chỉ phân thành thượng lưu, trung lưu, hạ lưu, đây là mẫu số chung của con sông này, Hoàng Hà một thể hoàn chỉnh.

Sông Trường Giang là địa long hay là con rồng đất. Hình tượng được lịch sử giao cho sông Trường Giang là một con rắn, vậy thì tại sao chúng ta lại nói Trường Giang là một con rồng? Bởi vì trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, rắn còn còn mang ý nghĩa là chỉ một con rồng nhỏ, vì vậy Trường Giang là con rắn, con rồng nhỏ, hơn nữa con rồng nhỏ này còn là địa long (rồng đất). Địa long chính là giun đất. Chúng ta nhìn vào khu vực trung, hạ lưu Trường Giang, dọc theo sông đại bộ phận là các đồi đất không cao: các đồi núi, đồi đất ở vùng trung lưu và hạ lưu đều có hình thế chạy hướng về phía biển Đông, là ngụ ý chỉ con giun đất, vì vậy mà Trường Giang còn được gọi là Địa long (giun đất). Địa long diễn giải nền văn hóa trên đất, mà cảnh giới của nên văn hóa trên đất thì không cao, đó chính là dùng văn hóa gò đồi không cao trên đất để dẫn dắt xã hội, do đó chính là “giun đất”.(Đây là các diễn giải mang tính chơi chữ của tác giả bằng việc lấy từ “qiū” (丘) trong chữ “丘陵” – có nghĩa là gò đồi, kết hợp với từ “yǐn” (引) trong chữ “引领” – có nghĩa là dẫn dắt để tạo ra mối liên hệ với từ “qiū yǐn” 蚯蚓 – có nghĩa là con giun đất).

Rồng đất Trường Giang là con xích long màu đỏ. Tại sao lại nói Trường Giang là màu sắc của địa long, là màu đỏ và màu hồng? Bởi vì nó khác với đất màu vàng (đất hoàng thổ) ở lưu vực sông Hoàng Hà, đất ở lưu vực sông Trường Giang và đất sa thạch nên về cơ bản đều là màu đỏ. Dọc theo lưu vực sông Trường Giang, Vân Nam có vùng đất gọi là hồng thổ tức đất đỏ; Tứ Xuyên, Quý Châu, Trùng Khánh đều phân bố những dải đất đỏ và đất sa thạch đỏ; ở Trùng Khánh, Hồ Bắc có những loại đá nham thạch màu đỏ như hai bên bờ Tam Hiệp của Trường Giang; đất đỏ và đá nham thạch màu đỏ của Giang Tây cũng là đặc trưng địa lý chủ yếu của Giang Tây, vì thế biểu hiện về địa lý lưu vực sông Trường Giang chính là màu đỏ, màu hồng. Tức là, hình tượng của sông Trường Giang được xem là con rắn hay con rồng nhỏ, mà con rồng nhỏ này là rồng đất màu hồng, là rồng đỏ. Vì thế chúng ta nhìn thấy chữ “Hồng” (红) và chữ “Giang” (江) trong từ “Trường Giang” đều cùng có bộ “Công” (工) nằm ở bên phải.

Văn hóa rồng đỏ màu hồng là nền văn hóa phụ. Vì rồng vàng sông Hoàng Hà là đại biểu cho văn hóa màu vàng của Trung Hoa, đại biểu cho văn hóa chính {chính thống}; vậy thì rồng đỏ Trường Giang là đại biểu cho văn hóa màu đỏ, là văn hóa phụ phi chính thống, nguồn gốc của văn hóa phụ này chính là bắt nguồn từ Viêm Đế.

Viêm Đế và Hoàng Đế là hai vị tổ tiên của dân tộc Hoa Hạ, kỳ thực họ đại biểu cho hai nền văn hóa có tính chất khác nhau của dân tộc Trung Hoa, hai nền văn hóa có tính chất khác nhau này lại được biểu hiện bởi hai màu sắc khác nhau, tức là màu vàng và màu đỏ. Hoàng Đế là màu vàng, Viêm Đế biểu hiện là màu hồng, hay màu đỏ, bởi vì chữ “Viêm” (炎) chính là được ghép thành từ hai chữ “hỏa” – lửa (火) xếp chồng lên nhau, màu của lửa là màu hồng, Viêm Đế còn được gọi là Xích Đế (xích là chỉ màu đỏ), vì vậy Viêm Đế ‘mặt hồng tai đỏ’. Hoàng Đế đại biểu cho văn minh màu vàng, tức là văn hóa rồng vàng, rồng vàng biểu hiện là sông Hoàng Hà; Viêm Đế đại biểu cho văn hóa màu đỏ, tức là văn hóa rồng đỏ, rồng đỏ thể hiện là Trường Giang. Vậy vì sao cho rằng sông Trường Giang là biểu hiện của nền văn hóa rồng đỏ của Viêm Đế?

Đầu tiên, đất đỏ và đá đỏ ở lưu vực sông Trường Giang là màu đỏ, Trường Giang còn là rồng đất màu đỏ, điều này là phù hợp với màu đỏ – màu đại biểu cho Viêm Đế (Xích Đế).

Thứ hai, vùng đất đầu tiên mà gia tộc Viêm Đế đặt chân tới là ở lưu vực sông Trường Giang. Trong chương Hải Nội Kinh của “Sơn Hải Kinh” có ghi chép: “Vợ của Viêm Đế là con gái của Xích Thủy tên là Thính Áo sinh ra Viêm Cư, Viêm Cư sinh ra Tiết Tịnh, Tiết Tịnh sinh ra Hí Khí, Hí Khí sinh ra Chúc Dung, Chúc Dung đến sống ở vùng giang thuỷ, sinh ra Cộng Công”. Trong ghi chép lịch sử trọng yếu này, chúng ta có được thông tin là: văn hóa màu đỏ được duy trì tiếp nối bởi các bậc hậu duệ của Viêm Đế, thể hiện chủ yếu ở lưu vực sông Trường Giang (“Viêm Cư”). Xích Thủy ở đây là chỉ sông Xích Thủy Hà của tỉnh Quý Châu; Giang được nói đến trong đoạn “Chúc Dung đến sống ở vùng giang thuỷ” là chỉ sông Tương Giang, đây là một nhánh của sông Trường Giang. Thần lửa Chúc Dung (Dung Quang) và Thần nước Cộng Công của gia tộc Viêm Đế là những điển hình mang tính đại biểu nhất trong lịch sử cho văn hóa màu đỏ mà Xích Đế đại biểu. Văn hóa mà Thần lửa Chúc Dung (Dung Quang) được biểu hiện tại núi Nam Nhạc Hoành Sơn ở Tỉnh Hồ Nam, còn văn hóa của Thần nước Cộng Công là biểu hiện ở sông Trường Giang. Tại đây chúng tôi xin nói khái quát về Cộng Công như vậy.

Chương Đại Hoang Tây Kinh trong sách Sơn Hải Kinh miêu tả về Cộng Công là: “Cộng Công, mặt người thân rắn tóc đỏ”. Không khó để nhận thấy rằng, thân rắn của Cộng Công tương tự với hình tượng con rắn của sông Trường Giang; màu tóc đỏ chu sa của Cộng Công cũng giống như với màu đỏ tượng trưng của sông Trường Giang, bởi vì màu đỏ chu sa cũng chính là màu đỏ; chữ “Giang” (江) trong “Trường Giang” cũng có bộ công (工), nhìn từ góc độ văn hóa lịch sử, thì bộ công (工) này có nguồn gốc từ chữ Cộng Công. Ở thành phố Nghi Tân tỉnh Tứ Xuyên có huyện Củng, cái tên huyện “Củng” (珙) này cũng là do từ chữ Cộng (共) và chữ Công (工) ghép thành.

Bên cạnh Thần nước Cộng Công còn có một đại thần nổi danh ác độc tên là Tương Liễu. Dựa theo chương Hải Ngoại Bắc Kinh trong sách Sơn Hải Kinh có ghi chép: Tương Liễu thân rắn, có chín đầu, ăn người vô số, ông ta đi đến đâu thì nơi đó biến thành vùng đầm lầy ngập nước. Chúng ta biết rằng vùng Hồ Bắc có một câu ngạn ngữ: “Chim chín đầu trên trời, người Hồ Bắc trên đất”, chim chín đầu ở đây là chỉ đại thần thân rắn chín đầu Tương Liễu của Cộng Công.

Vì vậy chúng ta thấy, màu đỏ của Viêm Đế là tương đồng với màu đỏ của sông Trường Giang; Chúc Dung Dung Quang đại biểu cho văn hóa màu đỏ của Viêm Đế lạc cư ở Núi Hoành Sơn tỉnh Hồ Nam; Cộng Công là kế tục của Viêm Đế đã dung nhập vào sông Trường Giang. Vì vậy, không còn nghi ngờ gì nữa khi nói rằng vai trò lịch sử của sông Trường Giang chính là nơi truyền thừa nối tiếp văn hóa rồng đỏ của Viêm Đế.

Nếu văn hóa Rồng Vàng mà Hoàng Đế đại biểu là văn hóa chính thống của dân tộc Trung Hoa, là văn hóa chính; vậy thì văn hóa Rồng Đỏ màu đỏ mà Viêm Đế đại biểu chính là văn hóa phi chính thống của dân tộc Trung Hoa, là văn hóa phụ. Chính là dương, phụ là âm; Trời là dương, đất là âm, vì vậy chúng ta thấy, sông Hoàng Hà lấy hình tượng con sông treo để biểu hiện rồng bay, là thiên long (rồng trời); còn Trường Giang dùng hình tượng rắn, uốn khúc ngoằn ngoèo để biểu hiện con rồng nhỏ, là địa long (rồng đất).

Như vậy ở phần trình bày phía trên chúng ta đã phân tích sự khác biệt giữa văn hóa rồng vàng sông Hoàng Hà và văn hóa rồng đỏ của sông Trường Giang từ góc độ hình dạng địa lý và nội hàm văn hoá của mỗi con sông. Ở phần sau, chúng ta sẽ lần lượt làm rõ sự khác biệt từ biểu hiện lịch sử và biểu hiện thực tế giữa văn hóa rồng vàng sông Hoàng Hà và văn hóa rồng đỏ của sông Trường Giang. Mời các bạn cùng đón đọc.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/261047



Ngày đăng: 30-01-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.