Văn hóa Thần truyền của dân tộc thiểu số Trung Quốc (6): Kỹ thuật Trời ban tạo ra đồ vật



Tác giả: GZ

Tiếp theo Phần 5

[ChanhKien.org]

Lời tựa: Tôi đã có nhiều năm tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu nghệ thuật, trong quá trình công tác đã nghiên cứu nhiều đề tài về dân tộc thiểu số Trung Quốc. Tôi đã phát hiện thấy rằng các dân tộc thiểu số có một lịch sử rất cổ xưa, tuy nhiên rất nhiều điều họ bảo tồn được lại vô cùng khó hiểu đối với người hiện đại, người ta chỉ xem đó như một nền văn hóa thần bí để thỏa mãn tính hiếu kỳ của mình. Kể từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thoát khỏi sự đầu độc của chủ nghĩa vô thần và thuyết tiến hóa, tôi liên tục được Đại Pháp khai mở trí huệ, khi nhìn lại những sản phẩm văn hóa nghệ thuật của các dân tộc thiểu số này, tôi phát hiện rằng rất nhiều điều mà người bình thường không thể hiểu được đã được giải đáp trong các bài giảng Pháp của Sư tôn. Văn hóa nghệ thuật của các dân tộc thiểu số cũng chứng minh cho sự tồn tại của Thần, cũng là một phần của văn hóa Thần truyền, nhưng thuyết tiến hóa và chủ nghĩa vô thần đã cản trở con đường quay trở về truyền thống của con người thế gian. Tôi xin chia sẻ những hiểu biết này với các đồng tu, do tầng thứ tu luyện cá nhân có hạn, có chỗ nào không phù hợp, xin từ bi chỉ rõ.

6. Kỹ nghệ trời ban tạo ra vật dụng

Trong bài trước chúng ta đã điểm lại thời kỳ từ xa xưa, con cháu của Viêm Đế và Hoàng Đế đã trải qua quá trình liên tục phân hóa và hội nhập để hình thành nên quốc gia đa dân tộc cùng chung sống hoà hợp ngày nay. Trong quá trình hàng chục nghìn năm thăng trầm của lịch sử, các vị Thần đã liên tục truyền thụ cho con người các kỹ năng và kiến thức: Phục Hy sáng lập Bát Quái, Toại Nhân Thị truyền cách lấy lửa, Hữu Sào Thị bày cách quây cây làm tổ, Thần Nông Thị nếm hàng trăm loại cỏ và dạy cách làm nông nghiệp, Hoàng Đế tạo ra văn tự, Luy Tổ nuôi tằm nhả tơ… Có thể nói “Thần truyền kỹ thuật trời ban, tạo ra vật dụng tạo thành nghề nghiệp”, đã hình thành nên các ngành các nghề làm phong phú xã hội nhân loại và tạo nên cảnh tượng sinh khí bừng bừng.

Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong gần 200 năm qua đã dần thay thế nếp sống truyền thống mà nhân loại đã kế thừa hàng nghìn năm, mối quan hệ hài hòa giữa con người, thiên nhiên và vũ trụ thuận theo sự cạnh tranh kỹ thuật và cướp đoạt tài nguyên đã phát sinh biến đổi về bản chất, phương thức sống của nhân loại ngày nay đã bị khoa học kỹ thuật thay đổi hoàn toàn. Trong xã hội hiện đại tràn ngập thông tin khoa học kỹ thuật, con người đang làm những gì? Bật máy tính, di chuyển chuột, gửi và nhận tin nhắn văn bản trên điện thoại di động, hầu hết thời gian hai tay chúng ta tiếp xúc với các sản phẩm công nghiệp. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật khiến các chức năng của đôi bàn tay chúng ta ngày càng bị kìm hãm, sự cách biệt giữa chúng ta với thiên nhiên và văn hóa truyền thống càng ngày càng xa. Tuy nhiên trong ham muốn vật chất tràn lan ngày nay, dòng máu văn hóa truyền thống ở một số vùng dân tộc thiểu số vẫn được truyền từ đời này sang đời khác. Những dân tộc cổ xưa này đã trải qua hết những ma nạn này đến ma nạn khác trong gần vạn năm vật đổi sao rời, họ đã thoát khỏi trận Đại hồng thủy, từ phía tây dãy núi Côn Luân, tiến vào vùng Trung Nguyên, vượt qua sông Hoàng Hà băng qua sông Trường Giang, từ thời đại Tiên Tần đã tiến đến những dãy núi cao trùng điệp ở phía Tây Nam Trung Quốc để hình thành nên lãnh thổ của các dân tộc thiểu số ngày nay. May mắn thay, từ đó đến nay họ cách xa khỏi sự biến đổi thế sự của vùng Trung Nguyên, một số vùng vẫn còn duy trì được lối sống khá truyền thống. Chúng tôi phát hiện ra rằng một số đồ vật tưởng chừng như bình thường trên người họ đằng sau đó lại có mối liên hệ chặt chẽ với vũ trụ, thiên thể, thần thoại, lấp lánh ánh hào quang của văn hóa Thần truyền (Hình 1).

Hình 1: Làng cổ Ông Đinh ở A Ngọa Sơn, tỉnh Vân Nam

Một trong những biểu hiện của văn hóa truyền thống là con người thông qua kỹ nghệ thủ công để tạo ra công cụ trong cuộc sống, điều này trái ngược với nền văn minh công nghiệp, những kỹ nghệ này không chỉ là biểu hiện của cuộc sống truyền thống mà còn có nội hàm thâm sâu hơn. Trong thời mạt kiếp của vũ trụ, nếu như khi tất cả khoa học kỹ thuật hiện đại bỗng nhiên biến mất, thì nhân loại sẽ tiếp tục tồn tại như thế nào? Có lẽ chúng ta có thể tìm thấy một số khải thị nào đó từ lối sống truyền thống của các dân tộc thiểu số. Trong cách ăn, mặc, ở, đi lại của các dân tộc thiểu số, bài viết này chỉ lấy cách “mặc” của họ làm ví dụ, liệt kê một vài kỹ nghệ thủ công truyền thống để mọi người tham khảo.

Ngày nay rất nhiều dân tộc ở phía Nam vẫn duy trì truyền thống may quần áo kiểu thủ công, trong mắt họ trang phục có giá trị nhất không phải là thời trang hàng hiệu, mà là một bộ trang phục được làm hoàn toàn bằng thủ công phù hợp với điều kiện khí hậu. Vì vậy họ có thể mất đến bốn năm để làm một bộ quần áo, nhưng họ có thể mặc nó cả đời và truyền qua nhiều thế hệ. Quan niệm này khiến người dân tộc thiểu số có thái độ rất trân trọng đối với trang phục truyền thống, trang phục chính là danh thiếp của họ và cũng gửi gắm tinh thần của họ. Chẳng hạn, dân tộc Miêu sở hữu hơn 100 loại trang phục, được mệnh danh là “trang phục đẹp nhất của các dân tộc Trung Quốc”. Đại thi hào Đỗ Phủ đời Đường, khi đi qua khu vực Ngũ Khê (khu vực Hồ Nam, Quý Châu, Trùng Khánh và Hồ Bắc ngày nay), nhìn thấy những người dân tộc thiểu số địa phương mặc quần áo lộng lẫy, đã viết nên câu thơ bất hủ: “Ngũ thải y thường cộng vân thiên” (Nghĩa là: quần áo ngũ sắc quyện với mây trời). Và đây chính là sự đối ứng giữa văn hoá con người với thiên tượng trong vũ trụ, trong “Sử ký – Thiên quan thư” viết: “Thất tinh vi viên quan, Thần Tinh miếu, Man Di tinh dã” (Nghĩa là: sao thất tinh tượng trưng cho các viên quan, miếu thờ của Thần Tinh, cũng là sao ứng với dân tộc Man, Di) Điều này nói về mối quan hệ tương ứng giữa các dân tộc phía Nam và các vì sao trên bầu trời: một trong Tứ Tượng là Nam Cung “Chu Tước”, do bảy ngôi sao gồm “sao Tỉnh, sao Quỷ, sao Liễu, sao Tinh, sao Trương, sao Dực và sao Chẩn” tạo thành, ngôi sao thứ tư còn được gọi là “Thất Tinh”, nó từng thuộc về Chu Tước, là miếu thờ của Thần Tinh, là tương ứng với các dân tộc phía Nam ở trần gian. “Khai nguyên chiêm kinh” cũng viết: “Thất tinh, cũng là Xích Đế, quần áo chúa, vương miện hoàng đế, chăn mền quần áo cũng được thêu thùa”. Thất Tinh là tượng trưng cho Xích Đế, Xích Đế là Thiên Đế của phương Nam, trong Ngũ Hành thuộc về Hỏa Đức, còn gọi là “Viêm Đế”, hiệu là Thần Nông Thị, tổng cộng truyền được 17 đời. Vào thời thượng cổ, hậu duệ cuối cùng của Viêm Đế là Du Võng đã hợp với Hoàng Đế hình thành bộ lạc Hoa Hạ. Chức năng của Thất Tinh trên thiên thượng chính là phụ trách các công việc thủ công mỹ nghệ như thêu quần áo, chăn mền v.v. và cai quản các chủng tộc phương Nam, đó là lý do tại sao nhiều dân tộc ở phương Nam giỏi thêu thùa, in hoa nhuộm màu, dệt vải và các kỹ năng thủ công mỹ nghệ khác. Hình tượng “Chu Tước” thường được nhìn thấy trên trang phục của phụ nữ dân tộc thiểu số, nó tượng trưng cho vị thế của bản thân với “phẩm cách thiên phú” (Hình 2), dân tộc Khương, dân tộc Kinh, dân tộc Miêu và các dân tộc khác đều coi Viêm Đế là tổ tiên của họ.

Hình 2: Mũ bằng bạc có hình “Chu Tước” (chim hồng tước) của dân tộc Miêu do Bảo tàng Nghệ thuật Chicago, Mỹ sưu tầm

1. Kỹ nghệ dệt vải

Ở sâu trong núi Đại Lương tỉnh Tứ Xuyên, phụ nữ dân tộc Di quay các bánh xe để xe sợi len từ lông cừu, công cụ này có thể đã được sử dụng trong hơn 30.000 năm, ở các di chỉ văn minh cổ đại trên khắp thế giới chúng ta có thể thấy được những hình ảnh bánh xe quay này, khi mọi người xe sợi, kỳ thực là tạo thành một đường xoắn ốc, đây chính là bước đầu để tạo ra một bộ trang phục. Trong vũ trụ bao la, khi từ không gian bên ngoài nhìn xuống thiên hà của chúng ta, thì nó cũng là một hình xoắn ốc, hình xoắn ốc là hình dạng do vũ trụ tạo ra (Hình 3). Chúng ta có thể tìm thấy hình xoắn ốc này ở rất nhiều nơi trong thế giới tự nhiên, trên đỉnh đầu và trên các dấu vân tay của con người cũng có những đường xoắn ốc, chu kỳ chuyển động hàng ngày của các hành tinh cũng tạo thành hình xoắn ốc, mà trong văn tự Giáp cốt thì đường xoắn ốc chính là chữ “hồi (回)” trong hồi gia nghĩa là trở về nhà. “Hồi gia” là ký ức trong sâu thẳm nhất nội tâm của mỗi chúng ta (Hình 4). Từ thế giới tự nhiên, đến xã hội loài người cho đến toàn bộ vũ trụ thì mối quan hệ nội tại tất cả sự vật đều tuân theo một trật tự giống nhau, nền văn minh nhân loại cũng đã sinh ra theo trật tự này.

Hình 3: Hình xoắn ốc cổ đại trong vũ trụ và thế giới tự nhiên

Hình 4: Chữ “hồi” trong văn tự Giáp cốt. “Hồi gia” là ký ức trong sâu thẳm nhất nội tâm của mỗi chúng ta

2. Kỹ nghệ thêu thùa

Các cô gái Miêu khi lên 7, 8 tuổi đã bắt đầu học thêu thùa, làm nữ công từ mẹ của họ. Đến khi 14, 15 tuổi, hầu hết mọi cô gái đều đã thành thạo nghề thêu, sau đó họ thêu cả đời cho đến khi tay không cầm nổi kim, mắt không nhìn rõ đường kim mũi chỉ mới thôi. “Thêu cắt chỉ” ở thị trấn Thi Động, châu Đông Nam, tỉnh Quý Châu là nghề thủ công đỉnh cao trong nghề thêu của dân tộc Miêu, khi thêu cần phải tách một sợi tơ bình thường thành 8-16 sợi nhỏ để thêu, thông thường phải mất hơn bốn năm để có một chiếc áo thêu thượng hạng (Hình 5). Tâm lý đã tốt rồi lại muốn tốt hơn nữa này thể hiện sự theo đuổi đỉnh cao nghề thủ công thêu ren của người Miêu. Trước khi xuất giá, các cô gái địa phương phải cùng với người nhà may 3-5 bộ quần áo thêu để làm của hồi môn, đây là vốn liếng quan trọng để chứng tỏ đức tính “đảm đang, chăm chỉ” của người phụ nữ.

Hình 5: “Thêu tách sợi chỉ” là kỹ thuật thêu đỉnh cao của dân tộc Miêu ở thị trấn Thi Động

Kim giống như bút, chỉ như mực, dân tộc Miêu không có chữ viết nên đã dùng ngôn ngữ hoa văn trang trí phong phú thêu dệt lịch sử của họ lên y phục. Các vị Thần tổ tiên, các cổ ca sử thi, truyền thuyết thần thoại và con đường di cư của tổ tiên đều trở thành những hình mẫu tinh xảo thêu trên quần áo của người phụ nữ Miêu. Mỗi dịp lễ hội trọng đại là thời điểm để phụ nữ Miêu thể hiện mình, họ có thế giới tinh thần quá phong phú cần biểu đạt và một bộ trang phục lộng lẫy được đáng giá hơn ngàn vạn lời nói, sự theo đuổi tinh thần siêu việt khỏi vật chất này khiến những sản phẩm thêu cổ xưa của người Miêu không thể phục chế (Hình 6).

Hình 6: Phụ nữ làng Đài Giang dân tộc Miêu trong trang phục rực rỡ mừng tết người Miêu

3. Kỹ nghệ làm trang sức bạc

Tổ tiên của dân tộc Miêu là thị tộc cổ đại đầu tiên nắm vững kỹ thuật tinh luyện kim loại, cho nên người Miêu được thừa hưởng nghề thủ công làm đồ trang sức bằng bạc tinh xảo. Phụ nữ Miêu đặc biệt thích đeo nhiều loại trang sức bằng bạc, họ tin rằng bạc là Thần vật có thể trừ tà, trong nhà càng có nhiều trang sức bằng bạc thì càng giàu có và hạnh phúc. Vì vậy từ khi cô bé Miêu được sinh ra, cha mẹ đã bắt đầu tích bạc để làm trang sức cho cô, bạc được tích cho đến ngày cô xuất giá, cô dâu đeo trang sức bạc nặng mấy chục cân khắp người để cưới, đó là biểu tượng chứng minh cho địa vị của chính mình. Ngoài ra, những món trang sức bạc khác nhau cũng mang những ý nghĩa tượng trưng khác nhau, mũ “sừng trâu lớn” của phụ nữ Miêu ở khu Lôi Sơn, Quý Châu tượng trưng cho hoài niệm về tổ tiên Xi Vưu; “mũ chim hồng tước” của phụ nữ Miêu ở vùng Hoàng Bình tương ứng với chòm sao Chu Tước, một trong Tứ Tượng trên thiên thượng; trang phục bằng bạc ở khu vực Cách Nhất được khảm bằng những miếng bạc với các hình tượng mang lại may mắn như mặt trời, rồng, phượng, voi và hoa sen. Trong mắt đồng bào dân tộc thiểu số, bộ trang phục lộng lẫy được nạm đầy bạc này là bộ trang phục biểu tượng cho Thần đồng tại với tổ tiên, họ cho rằng tổ tiên mình chính là các vị Thần linh đến từ thiên thượng, vì vậy mỗi đường kim, mỗi mũi chỉ từ bàn tay con người đều được hoàn thành dưới sự chăm chú theo dõi của các vị Thần, trong đó ẩn chứa vũ trụ quan phong phú của cả dân tộc cho đến tri thức về trời đất, thiên nhiên và sinh mệnh. (Hình 7)

Hình 7: Phụ nữ và trẻ em dân tộc Miêu mặc áo khoác bạc, đội mũ bạc hình chim hồng tước, tham gia lễ hội khèn truyền thống ở huyện Cốc Lũng Hoàng Bình, tỉnh Quý Châu

4. Kỹ nghệ dệt địu

Trong mắt người dân tộc thiểu số, chiếc địu sau lưng không chỉ là vật dụng để mẹ địu con, mà còn là sợi dây gắn kết giữa người mẹ và sinh mệnh của đứa trẻ, là tấm bùa hộ mệnh bảo vệ sự trưởng thành của đứa trẻ, là hiện thân của các vị Thần linh. Phụ nữ dân tộc thiểu số, bất kể giàu hay nghèo, sang hay hèn thì sự phồn vinh thịnh vượng của thế hệ con cháu đều có hy vọng tốt đẹp vô hạn, vì vậy từ khi còn là những cô gái họ đã dốc lòng chuyên tâm gửi hết tình cảm vào từng đường kim mũi chỉ để may những chiếc địu. Người Miêu khi làm địu thì cực kỳ thận trọng, thông thường họ chọn môi trường yên tĩnh khi nông nhàn, tránh may khâu những lúc bận rộn. Nếu gặp mùa gieo trồng vụ xuân khi ếch kêu thì phải ngừng công việc, nếu không sau này những đứa trẻ sinh ra khi địu sẽ hay khóc. Nhiều dân tộc thiểu số có quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng địu, trong sinh hoạt, lễ hội và khi đi thăm người thân bạn bè thì phải sử dụng các loại địu khác nhau. Giống như những chiếc địu bằng gấm của người Bố Y ở huyện Trấn Ninh, tỉnh Quý Châu, bình thường không thể được sử dụng tùy tiện, theo quy định của dân tộc Bố Y, chỉ ở hai đầu của cuộc đời con người là khi còn thơ ấu và lúc chết mới được sử dụng. Khi mở tiệc uống rượu đầy tháng, gia đình sẽ dùng chiếc địu đã chuẩn bị sẵn để địu bé ra ngoài gặp mặt người thân và bạn bè để nhận lời chúc phúc. Kể từ ngày đó trở đi, chiếc địu này chính là Thần bảo hộ của đứa bé, được giữ gìn cẩn thận cho đến cuối đời (Hình 8).

Hình 8: Địu thổ cẩm của người dân tộc Bố Y ở huyện Trấn Ninh, tỉnh Quý Châu

Các hoa văn trên chiếc địu có nội hàm sâu sắc, chúng là sợi dây kết nối với vũ trụ và Thần linh, là hiện thân của tư duy về Thần và vũ trụ quan cổ xưa của các dân tộc thiểu số. Trên chiếc địu của bộ tộc Mao Nam có thêu hình Lạc Thư và Bát Quái cổ xưa, dụng ý là để bảo vệ trẻ em được bình an (Hình 9); chữ Vạn nối tiếp nhau trên chiếc địu của bộ tộc Bố Y tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng và điềm lành liên tục (Hình 10); con bướm và “hoa văn hỗn độn” biểu thị trạng thái sơ khai của sinh mệnh trên chiếc địu của bộ tộc Thủy là những vị Thần hộ mệnh của người trong bộ tộc (Hình 11); mười mặt trời trên chiếc địu của dân tộc Động là ký ức thần thoại từ thời viễn cổ về việc mười mặt trời cùng xuất hiện (Hình 12); hoa sen nở trên chiếc địu của dân tộc Choang tượng trưng cho phẩm hạnh thánh khiết (Hình 13).

Hình 9: “Phần chính giữa chiếc địu” của dân tộc Mao Nam

Hình 10: Chiếc địu của dân tộc Bố Y

Hình 11. Chiếc địu của dân tộc Thủy

Hình 12. Chiếc địu của dân tộc Động

Hình 13. Chiếc địu của dân tộc Choang

Một số dân tộc đã dùng những kỹ thuật thủ công tinh mỹ để ghi lại phong tục địa phương trên những chiếc địu của họ, ví dụ hình dưới đây là một chiếc địu được người Mao Nam sử dụng trong đại lễ cúng tế ở khu vực Hoàn Giang, Quảng Tây, 108 nhân vật được thêu trên mảnh lụa chỉ có 25 cm2, thể hiện hoạt động cúng tế “Phì Sào” của người Mao Nam, miêu tả toàn bộ quá trình con người cúng tế tổ tiên, trời đất thật độc đáo và tài tình (Hình 14).

Hình 14: “Mảnh chính giữa chiếc địu” của người dân tộc Mao Nam ở vùng Hoàn Giang, Quảng Tây

5. Kỹ nghệ in và nhuộm

Kỹ thuật nhuộm màu của đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo cách tự nhiên, thuốc nhuộm được lấy từ thực vật, thể hiện năm màu trắng, xanh, đen, đỏ, vàng tương ứng với Ngũ Hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Bộ tộc Miêu có hơn 100 chi, được phân chia theo màu sắc phân thành Bạch Miêu, Thanh Miêu, Hắc Miêu, Hồng Miêu và Hoa Miêu; Người Di cũng được phân biệt theo màu sắc, được chia thành Hắc Di, Bạch Di và Hồng Di. Màu sắc của tự nhiên được biến đổi thành các quan niệm và chế độ truyền thống, đây là sự tương ứng của “thiên văn và nhân văn”, là vũ trụ quan truyền thống của người xưa. Huyền (màu đen) và thanh (màu xanh lá) là những màu sắc đặc trưng của các dân tộc thiểu số. Huyền là gì? “Thiên địa huyền hoàng, vũ trụ hồng hoang”, huyền dùng để chỉ màu sắc của trạng thái trời đất thuở hồng hoang khi vũ trụ sơ khai, đó là một loại màu đen đặc biệt. Trong “Thuyết văn” giải thích rằng “màu đen mà có sắc đỏ là huyền”, thời xưa, huyền là màu sắc cao cấp thể hiện địa vị cao quý, kỹ thuật nhuộm màu của nó vô cùng phức tạp và rườm rà, đã thất truyền từ lâu ở vùng Trung Nguyên, nhưng người Miêu ở châu Kiềm phía đông nam tỉnh Quý Châu vẫn bảo tồn được kỹ thuật nhuộm cổ xưa này. Một tấm vải huyền hảo hạng trước hết cần một người thợ dệt có tay nghề cao để dệt thủ công một tấm vải lụa với đường vân phẳng hoặc tấm vải xô rất mịn và khít, rồi trải qua hai tháng nhuộm lặp đi lặp lại không ngừng bằng kỹ thuật nhuộm phức tạp mới có thể tạo ra một tấm vải huyền thượng hạng. Tấm vải được tạo ra theo cách này thì sẽ rộng và phẳng, nó có màu đen pha chút đỏ, khẽ lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời, tỏa ra mùi thơm thực vật, trông quý phái và thuần phác cổ xưa. Khi vải huyền được hoàn thành, những người phụ nữ Miêu đầu tiên sử dụng vải này để may quần áo “vạt phải” truyền thống của Trung Quốc, sau đó mất bốn năm để hoàn thành việc thêu các hình vẽ trên vải tơ lụa bằng kỹ thuật “thêu cắt chỉ” tinh xảo, tiếp đó thêu những mảnh vải này lên trên quần áo màu đen, như thế là bộ trang phục đẹp có thể lưu truyền qua nhiều thế hệ cuối cùng đã hoàn thành. (Hình 15)

Hình 15: “Huyền” – màu sắc cổ xưa

Thanh (màu xanh lá) cũng là màu yêu thích của người dân tộc thiểu số, người xưa nói: “Thanh xuất ư lam nhi thắng ư lam” (màu xanh lá vốn sinh ra từ màu lam nhưng vượt trội hơn màu lam), chúng ta có thể thấy sự độc đáo của màu xanh lá. Sử dụng các loại cây thảo dược Trung Quốc như cây Tùng Lam, Liễu Lam, Mã Lam, rễ cây Bản Lam để làm thuốc nhuộm màu lam của màu xanh lá, chúng không chỉ có mùi thơm, mà còn có chức năng ngăn côn trùng và xua đuổi tà ma. Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số thích vẽ hoa văn và trang trí phong phú bằng dung dịch sáp nóng chảy trên vải, sau đó lại nhuộm màu lam để làm cho nó trang nhã và thuần phác cổ xưa (Hình 16).

Hình 16: Khăn đội đầu nhuộm hoa bằng sáp của dân tộc Miêu , vùng Quý Định, Quý Châu

6. Kỹ nghệ dệt vải

May quần áo cho người trong gia đình là một trong những nhiệm vụ cơ bản của mỗi phụ nữ dân tộc thiểu số, vì vậy họ phải có khung cửi làm của hồi môn. Lịch sử về việc sử dụng khung dệt của con người có thể đã bắt nguồn từ thời tiền sử, ở các di chỉ tiền sử của tỉnh Chiết Giang như Hà Mẫu Độ và Lương Chử đã khai quật được các bộ phận của khung cửi, phụ nữ dân tộc Lê ở Hải Nam cho đến nay vẫn sử dụng loại khung cửi lâu đời nhất này để dệt vải (Hình 17). Ngoài ra, phụ nữ các dân tộc thiểu số còn lưu giữ được kỹ thuật dệt với hàng chục loại khung cửi cổ như khung cửi bàn đạp go, khung cửi vân hoa nổi, khung cửi lồng tre, khung cửi Đinh Kiều, khung cửi thổ cẩm dân tộc Động, những tấm thổ cẩm tinh xảo này đều thể hiện sự rực rỡ của nền văn minh Trung Hoa (Hình 18).

Hình 17. Phụ nữ dân tộc Lê ở Hải Nam cho đến nay vẫn sử dụng loại khung cửi lâu đời nhất này để dệt vải

Hình 18: Gấm lụa tơ tằm hình chim hồng tước có nhiều hoa văn chữ “卍” của dân tộc Mao Nam ở Quảng Tây

Cho đến ngày nay, khi bước vào một ngôi làng ở miền Tây Nam, bạn vẫn có thể bắt gặp cảnh phụ nữ địa phương nhà nhà dệt vải, chúng tôi nhận thấy rằng những hành vi tưởng như rất bình thường hàng ngày ở địa phương này nhưng đằng sau nó thực ra lại chứa đựng trí huệ tuyệt vời của văn hóa truyền thống. Điều này không thể không khiến chúng ta suy nghĩ: rốt cuộc điều gì mới là nền văn minh mà loài người nên có? Người xưa đã nhận biết đầy đủ về điều này:

“Cương nhu giao thác, thiên văn dã. Văn minh dĩ chỉ, nhân văn dã. Quan hồ thiên văn, dĩ sát thời biến. Quan hồ nhân văn, dĩ hóa thành thiên hạ.” (Nghĩa là: Nhu với cương giao trộn với nhau, mà thành thiên văn. Văn minh mà lại có hạn chế, ấy là nhân văn. Quan sát sự vận hành của thiên văn, để xem biến đổi thời thế. Coi trọng nhân văn, để giáo hoá người trong thiên hạ) (“Chu Dịch- Quẻ Bí- Quẻ Thoán”)

Cương nhu đan xen tức là sự luân chuyển của Âm và Dương, quy luật thay đổi này tạo thành hệ thống thời gian và không gian. Nhưng trước những biến hóa của thiên tượng, con người cần phải giữ vững một cách tương đối tư tưởng và đạo đức của mình. Điều đó thể hiện nền văn hóa truyền thống bất biến và vĩnh hằng, như thế tư tưởng nhân văn truyền thống và các quan niệm tư tưởng và đạo đức mới có thể được truyền tiếp lại về sau, nền văn minh nhân loại mới có thể tồn tại dài lâu. “Văn minh dĩ chỉ” là để thông báo cho mọi người biết: Sự phát triển của nền văn minh không phải kiến lập dựa trên cơ sở sự tiến bộ kỹ thuật của con người, theo đuổi vật chất quá mức, khai thác không giới hạn đối với tài nguyên thiên nhiên là nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của nền văn minh nhân loại. Vì vậy, nền văn minh của nhân loại nên coi trọng tinh thần và xem nhẹ vật chất, đó có lẽ cũng là nguyên nhân tại sao văn hóa của các dân tộc thiểu số được lưu truyền đến ngày nay qua hàng nghìn năm biến đổi thăng trầm.

Đại sư Lý Hồng Chí đã giảng:

“Trên cao tầng thì [nhận] thấy như thế; chư vị cho rằng đang tiến lên, nhưng trên thực tế là thoái lùi. Nhân loại cho rằng khoa học đang phát triển tiến bộ, thực ra cũng chỉ bất quá là đi theo quy luật vũ trụ. Trương Quả Lão trong bát tiên cưỡi lừa ngược; rất ít người biết được tại sao ông lại cưỡi lừa ngược. Ông phát hiện rằng đi về trước lại chính là thụt lùi, nên ông quay trở lại cưỡi như thế.” (Bài giảng thứ ba – Chuyển Pháp Luân)

Văn tự có thể sẽ mai một qua những năm tháng đằng đẵng, nhà cửa có thể sẽ suy chuyển, trang phục của các dân tộc thiểu số ở Tây Nam Trung Quốc giống như một cuốn thiên thư không chữ, họ đã dùng các hình vẽ và phù hiệu ghi lại lịch sử và những câu chuyện thần thoại vốn bị bụi trần phủ kín. Họ luôn hoài niệm về tín ngưỡng cổ xưa, kiên định tín tâm vào sự tồn tại của Thần, duy trì lối sống truyền thống để tiếp nối trí tuệ cổ xưa trong xã hội đương đại.

Lời kết

Dựa trên cơ điểm về “dân tộc”, loạt bài viết này đã điểm lại một cách ngắn gọn quá trình hình thành và phát triển của nền văn minh Trung Hoa. “Vạn tổ quy tông”, nền văn minh Trung Hoa kỳ thực là lịch sử của các dân tộc phân hóa từ con cháu của Viêm Hoàng qua các triều đại khác nhau cùng nhau tiếp diễn, trong suốt quá trình phát triển của dân tộc 5000 năm này, tất cả các văn hóa do Thần bày xếp ra đều là để chuẩn bị cho sự hồng truyền Đại Pháp ngày nay, văn hóa mà các dân tộc thiểu số được thừa hưởng như chúng ta đã thấy cũng là một phần của văn hóa Thần truyền, tư duy tín ngưỡng Thần của nó, vũ trụ quan cổ xưa và nội hàm tâm linh của nó đều có sự liên kết tương thông với Phật, Đạo, Thần. Chỉ là, Trung Cộng trong nhiều thập kỷ qua đã liên tục phá hủy văn hóa truyền thống và bóp méo lịch sử chân thực, để đạt được mục đích độc tài chuyên chế đã cố tình tạo ra mâu thuẫn giữa các tộc người khác với người Hán. Trong các cuộc xung đột được cố tình tạo ra, các đặc tính và nội hàm tâm linh của văn hóa Thần truyền của các dân tộc liên tục bị loại bỏ, loại văn hóa đảng “giả, ác, đấu” này cuối cùng sẽ chia rẽ đất nước dẫn đến sụp đổ. Trong những năm gần đây, Trung Cộng đã đẩy nhanh sự khai thác và cướp đoạt tài nguyên vật chất, dưới sự kích thích của danh lợi, toàn bộ xã hội đầy rẫy những ham muốn vật chất, lối sống truyền thống bị vứt bỏ, do đó môi trường sinh thái cũng bị tàn phá nghiêm trọng, “Văn hóa truyền thống” đã trở thành một cái vỏ rỗng mang tính hình thức ở Trung Quốc, nội hàm tinh thần và hệ thống đạo đức đằng sau nó đã biến mất hoàn toàn. Đồng thời sự phát triển nhanh chóng của du lịch cũng đã gây ra tác động rất lớn đến môi trường sinh thái và nhân văn ở vùng Tây Nam Trung Quốc. Tuy như vậy, ở một số vùng sâu vùng xa chúng ta vẫn có thể tìm thấy dấu vết của văn hóa truyền thống, người dân ở đó vẫn mang tín ngưỡng vào các vị Thần linh tổ tiên của họ, duy trì mối quan hệ cân bằng giữa trời, đất và con người, cuộc sống của họ tuy mộc mạc nhưng vẫn phong phú về tinh thần, điều này tạo nên sự tương phản mạnh mẽ với những người sống ở thành phố. Những người dân tộc thiểu số này gánh vác sứ mệnh mà lịch sử trao cho họ, đó là đời đời truyền tụng những sử thi từ thời cổ đại, kế thừa những nghề thủ công được Thần ban cho, sự tồn tại của họ đã chứng minh cho ý nghĩa của nền văn minh tiền sử, đây là đòn tấn công mạnh mẽ nhất vào thuyết vô thần và thuyết tiến hóa, họ hoàn toàn xứng đáng là “hóa thạch sống của nền văn minh tiền sử”.

(Kết thúc)

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/260282



Ngày đăng: 29-12-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.