Văn hóa Thần truyền của người dân tộc thiểu số Trung Quốc (4): Khát vọng Trung Nguyên (phần 1)



Tác giả: GZ

Tiếp theo Phần 3

[ChanhKien.org]

Lời tựa:

Tôi đã có nhiều năm tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu nghệ thuật, trong quá trình công tác đã nghiên cứu nhiều đề tài về dân tộc thiểu số Trung Quốc. Tôi đã phát hiện thấy rằng các dân tộc thiểu số có một lịch sử rất cổ xưa, tuy nhiên rất nhiều điều họ bảo tồn được lại vô cùng khó hiểu đối với người hiện đại, người ta chỉ xem đó như một nền văn hóa thần bí để thỏa mãn tính hiếu kỳ của mình. Kể từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thoát khỏi sự đầu độc của chủ nghĩa vô thần và thuyết tiến hóa, tôi liên tục được Đại Pháp khai mở trí huệ, khi nhìn lại những sản phẩm văn hóa nghệ thuật của các dân tộc thiểu số này, tôi phát hiện rằng rất nhiều điều mà người bình thường không thể hiểu được đã được giải đáp trong các bài giảng Pháp của Sư tôn. Văn hóa nghệ thuật của các dân tộc thiểu số cũng chứng minh cho sự tồn tại của Thần, cũng là một phần của văn hóa Thần truyền, nhưng thuyết tiến hóa và chủ nghĩa vô thần đã cản trở con đường quay trở về truyền thống của con người thế gian. Tôi xin chia sẻ những hiểu biết này với các đồng tu, do tầng thứ tu luyện cá nhân có hạn, có chỗ nào không phù hợp, xin từ bi chỉ rõ.

4. Khát vọng Trung Nguyên – Các dân tộc thời thượng cổ sống hoà hợp (phần 1)

Trung Quốc chính là một vũ đài lớn, người này diễn xong thì người kế tiếp lên vũ đài. Cho dù kịch bản được sắp xếp như thế nào, các nhân vật lịch sử đóng vai nào, kỳ thực đều được an bài một cách hệ thống để phối hợp với thời khắc Chính Pháp cuối cùng.

Trong phần trước, chúng ta đã đề cập đến trong sử thi sáng thế của các dân tộc thiểu số có ghi chép rằng các vị Thần đã tạo ra một trận Đại hồng thủy để tiêu hủy tất cả những sinh mệnh không đạt tiêu chuẩn lúc bấy giờ, chỉ lưu lại một số rất ít người có chính niệm trong tâm và ban cho họ đặc ân để họ bắt đầu sinh sôi nảy nở làm chủng người của thời kỳ tiếp theo, lúc này sân khấu chính của người Trung Quốc bắt đầu dần dần chuyển sang vùng Trung Nguyên rộng lớn, vậy họ từ đâu đến?

Về nguồn gốc của người Trung Quốc, Đại sư Lý Hồng Chí đã giảng:

“Tại đại hồng thủy lần trước, khi văn minh nhân loại lần trước bị hủy diệt là đại hồng thủy. Trên Trái Đất, núi so với mực nước biển cao từ 2.000 mét trở xuống đều bị ngập hết, chỉ có người ở trên 2.000 mét còn sống. Chuyện thuyền Noah là thật. Đại hồng thủy lần ấy văn hóa phương Tây bị hủy diệt hoàn toàn. Văn hóa phương Đông cũng lọt vào hủy diệt, nhưng người miền núi ở núi Himalaya và núi Côn Luân, tựa nông dân ấy đã may mắn tránh thoát; người Trung Quốc sống ở núi Côn Luân đã sống sót. Vì lúc đó, văn hóa phương Đông rất phát triển, nên đã kế thừa được Hà Đồ, Lạc Thư, Kinh Dịch, Thái Cực, Bát Quái v.v. Người ta nói ấy là ai đó hậu nhân tạo ra, [kỳ thực] đó đều là họ sửa đổi chúng và đưa ra một lần mới, hoàn toàn không do họ tạo ra, [chúng] đều thuộc văn hóa tiền sử. Thế là Trung Quốc tuy lưu được những thứ này, chúng trong phát triển của lịch sử, mà không chỉ có ngần ấy, những gì được lưu lại thời cổ đại còn nhiều nữa, khi lưu truyền [chúng] càng ngày càng ít. Vậy nó chính là một dân tộc có nội hàm rất sâu, với lịch sử rất uyên nguyên, chính là Trung Quốc.” (Giảng Pháp tại thành phố New York – Giảng Pháp Tại Pháp Hội Mỹ Quốc [1997])

Những chủng tộc cổ xưa sống sót qua Đại hồng thủy này hiện nay đang sống ở vùng núi phía Tây Nam Trung Quốc, họ đã trở thành những “hóa thạch sống” minh chứng cho lịch sử. Một số dân tộc vẫn còn lưu giữ những truyền thuyết về nguồn gốc của tổ tiên họ, ví dụ trong một bài hát sáng thế cổ của dân tộc Di có tên là “Bài hát trống đồng” lưu hành ở huyện Na Pha tỉnh Quảng Tây và huyện Phú Ninh tỉnh Vân Nam có lời hát rằng:

“Tổ tiên của người Di, Cư trú tại Côn Luân. Núi Côn Luân sừng sững, Cỏ xanh mọc mơn mởn. Tổ tiên nuôi trâu ngựa Du mục qua tháng ngày. Núi Côn Luân già cỗi, Gia súc khắp mọi nơi ……..”

Dân tộc Di chữ Di (彝) thời cổ là (夷), trong phong trào cải cách ruộng đất của Trung Cộng năm 1956 bị đổi thành chữ Di (彝), họ là một nhánh của người Tây Khương thời kỳ thượng cổ, tổ tiên của họ đến từ dãy núi Côn Luân. (Hình 1)

Hình 1: Phụ nữ dân tộc Di ở huyện Phú Ninh, Vân Nam mặc trang phục dân tộc, tổ tiên của họ đến từ núi Côn Luân

Trước trận Đại hồng thủy, những thị tộc cổ xưa sống trên dãy núi Côn Luân ở phía Tây Trung Quốc này có nền văn minh cao, môi trường địa lý lúc ấy khác với bây giờ, khí hậu ấm và ẩm, đất đai màu mỡ thích hợp cho việc trồng trọt, ngoài ra đây cũng là đầu mối quan trọng kết nối với các vùng Đông Á, Trung Á và Tây Nam Á. Núi Côn Luân từ xưa đến nay được gọi là Vạn sơn chi tổ (thủy tổ của vạn ngọn núi), là nơi ở của các vị Thần linh và các vị thánh nhân, trong Sơn Hải kinh ghi: “Đế Nghiêu đài, Đế Cốc đài, Đế Đan Chu đài, Đế Thuấn đài, Đế Cách Nhị đài, đài tứ phương đều nằm ở phía bắc núi Côn Luân”. Các vị hoàng đế thời thượng cổ đã xây dựng các “đài đế vương” ở đây để thờ cúng tổ tiên và quan sát thiên văn, đây là vùng đất thánh người thường bất khả xâm phạm. Trước Đại hồng thủy, trong số các thị tộc cổ đại này có các thị tộc lớn như Hữu Hùng thị, Thần Nông thị, Hữu Kiểu thị, lại còn phân hóa thành các bộ lạc khác nhau, trong đó tổ tiên của Thần Nông thị nhờ giáo hóa con người nắm vững kiến thức y học, nông nghiệp và thương mại nên đã trở thành bá chủ của liên minh các bộ tộc. Cùng với sự phát triển của nông nghiệp, những người ở phía Tây liên tục giao thương với vùng Trung Nguyên, họ mang ngọc thạch, trâu, bò, cừu, ngựa v.v. trao đổi với vùng Trung Nguyên để đổi lấy ngũ cốc và hạt giống; trong lịch sử, những người đến từ phía Tây này có một tên gọi thống nhất là “người Tây Khương” (còn gọi là người Khương cổ, Hình 2).

Hình 2: Ảnh một cặp vợ chồng già người Khương do nhiếp ảnh gia Trang Học Bổn chụp vào những năm 30 của thế kỷ 20.

Vậy những tổ tiên được gọi là “người Tây Khương” này bắt đầu di cư đến vùng Trung Nguyên từ khi nào?

Trước trận Đại hồng thủy, thiên tượng trong vũ trụ đang âm thầm phát sinh một biến hóa quan trọng: trong khoảng thời gian từ năm 3000 đến năm 2800 trước Công nguyên, các giáo sĩ của các khu vực có nền văn minh lớn trên thế giới đều kinh ngạc khi phát hiện rằng sao Bắc Cực “Thiên đế” vốn được coi là ở vị trí trung tâm của vũ trụ đã biến mất. Mãi đến khoảng năm 2800 trước Công nguyên, sao Bắc Cực mới lại xuất hiện – nó chính là sao alpha của chòm sao Thiên Long, nó thay thế cho sao Chức Nữ trước đây trở thành “Đế Tinh” mới (hiện nay lại trở thành sao alpha thuộc chòm sao Tiểu Hùng, Hình 3). Đây là một biến đổi thiên tượng quan trọng trước trận Đại hồng thủy, hơn 2000 năm sau người ta mới phát hiện ra hiện tượng thiên văn này là một “tuế sai” (hiện tượng cực địa cầu chuyển động xung quanh cực hoàng đạo theo một đường tròn) xảy ra sau mỗi 25.771,5 năm, nó được hoàn thành trong một khung thời gian rất lâu dài, mặc dù vậy người xưa quan sát các hiện tượng thiên văn vẫn nắm bắt được những biến động huyền diệu và tinh vi của các vì sao trên bầu trời, sự dịch chuyển vị trí liên tục của các chòm sao khiến cho tất cả các hoạt động tâm linh trên mặt đất đối ứng với thiên tượng bị sai lệch, vào thời kỳ cuối của rất nhiều thời đại, sự dịch chuyển trục địa cực này đều dẫn tới Đại hồng thủy.

Hình 3: Từ 14.000 năm trước đến nay tổng cộng đã xảy ra ba lần sao Bắc Cực biến động

Vào thời kỳ thiên thể đang xảy ra tuế sai này, Trái đất cũng theo đó diễn ra những thay đổi. Pharaoh Khufu đã cho xây dựng một đường hầm dài 100 mét dưới Đại kim tự tháp, đối ứng với sao alpha thuộc chòm sao Thiên Long, ông ra lệnh cho các quan tư tế ở trong đường hầm ngày đêm quan sát chòm sao Bắc Cực mới sinh này; Ở lưu vực sông Lưỡng Hà, siêu thành phố tên Uluk do người Sumer đã xây dựng đang dần mất đi sự phù hộ của Thần, các thành bang xung quanh đầy mầm mống bạo loạn; các đại chủ tế của người Maya cổ đại ở châu Mỹ đã căn cứ trên hiện tượng tuế sai để tính toán rằng sau hơn 5.000 năm sau tức là năm 2012 thì nhân loại sẽ kết thúc, cùng với đó một kỷ nguyên mới sẽ đến.

Vào thời điểm đó, khi thiên hạ của Viêm Đế Thần Nông thị truyền đến đời Du Võng, đạo đức đã suy bại, trong các thị tộc chư hầu kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu, đánh nhau liên miên, dân chúng khốn khổ, thiên tai nhân họa liên tục xảy ra … quy luật của vũ trụ là thành trụ hoại diệt, biểu hiện tại không gian vật chất chính là toàn bộ nền văn minh nhân loại đã đến hồi kết thúc.

Những biến hóa của thiên tượng dẫn đến việc trung tâm của nền văn minh Trung Quốc bắt đầu dần chuyển từ núi Côn Luân xuống vùng Trung Nguyên, biểu hiện tại nhân gian chính là cuộc đại di cư của các chủng tộc. Điều này thể hiện ở sự xuất hiện của ba nhân vật có ảnh hưởng lớn đến nền văn minh Hoa Hạ, đó là: Viêm Đế Du Võng vị vua cuối cùng của Thần Nông thị, Hiên Viên Hoàng đế của nước Hữu Hùng và Xi Vưu của Cửu Lê tộc, ba người này đều thuộc tộc người Thần Nông thị và cũng là người kết thúc thời đại Thần Nông thị.

Mọi người đều rất quen thuộc với ba nhân vật lịch sử nổi tiếng này, nhưng dưới góc nhìn của một người tu luyện thì mỗi tình tiết của vở kịch đều được an bài kỹ lưỡng, mỗi người cũng đều để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình mà được phân những vai diễn khác nhau. Có đen thì có trắng, có chính thì có phụ, âm dương vận động, tương sinh tương khắc. Lúc đó, cùng với sự biến hóa của thiên tượng họ phải hoàn thành một sứ mệnh quan trọng, đó chính là “khát vọng đến vùng Trung Nguyên”.

Người đầu tiên chiếm lĩnh vùng Trung Nguyên là “Chiến Thần” Xi Vưu. Đầu tiên ông thoát khỏi sự quản lý của Viêm Đế rồi dẫn đầu đoàn quân Cửu Lê hùng mạnh, thiện chiến, dũng mãnh chiếm lĩnh phần lớn các vùng đất thuộc lưu vực sông Hoàng Hà, thành lập 81 bộ lạc và trở thành bá chủ mới của Trung Nguyên. Tiếp đó do uy tín và danh vọng của Hiên Viên không ngừng tăng lên, nên các chư hầu liên tục quy thuận ông, cuối cùng đã diễn ra một trận đánh ác liệt tại vùng hoang vu Phản Tuyền giữa Viêm Đế Du Võng và Hiên Viên, đây chính là trận Phản Tuyền nổi tiếng trong lịch sử. Sau khi hai bên trải qua ba trận đại chiến, Hiên Viên đại thắng, Viêm Đế đầu hàng, đã chủ động nhường ngôi vị cho Hiên Viên, Hiên Viên thuộc về thổ đức cho nên từ đó được gọi là “Hoàng đế”. Tiếp theo Hoàng Đế và Viêm Đế bắt tay nhau làm một việc lớn là chinh phục Xi Vưu. Được sự ủng hộ của các chư hầu, hai vua Viêm Hoàng đã phát động trận chiến thế kỷ được ghi vào sử sách (Hình 4).

Hình 4: Hoàng Đế và Viêm Đế liên minh

Vở kịch lớn của nền văn minh Trung Hoa chính là lấy cuộc chiến này làm màn mở màn, rất nhiều sử sách đã ghi lại những tình tiết của cuộc chiến này: Hoàng Đế và Xi Vưu đánh chín trận bất phân thắng bại, Xi Vưu tạo ra sương mù dày đặc suốt ba ngày ba đêm, Phong Hậu theo sự khải thị của chòm sao Bắc Đẩu đã phát minh ra xe chỉ nam, nhờ đó mới giúp Hoàng Đế thoát khỏi sương mù. Sau đó Hoàng Đế lại được Cửu Thiên Huyền Nữ giúp đỡ đã tạo ra trống Quỳ Ngưu 80 mặt, quỳ là Thần thú ở biển Đông, “giống như con bò, thân màu xanh nhưng không có sừng”, “Khi xuống nước ắt sẽ nổi gió mưa, ánh sáng của nó như mặt trăng mặt trời, âm thanh của nó như tiếng sấm”. Hoàng Đế dùng da của nó bọc trống và dùng xương của lôi thú làm dùi trống, “tiếng vang năm trăm dặm, uy phong khắp thiên hạ”. Cuộc chiến giữa Hoàng Đế và Xi Vưu kéo dài khá lâu, trận quyết chiến cuối cùng diễn ra ở vùng hoang dã Quỳ Châu, sách Sơn Hải Kinh – Đại Hoang Bắc Kinh ghi lại rằng: Hoàng đế gọi Ứng Long có cánh phun nước nhấn chìm quân đội Xi Vưu, Xi Vưu cũng mời Thần gió và Thần mưa trợ giúp, bỗng chốc mưa gió nổi lên, quân của Hoàng Đế lại một lần nữa gặp khó khăn, trong cơn nguy cấp, Hoàng Đế đành phải nhờ Thiên Nữ Hạn Bạt đến ngăn mưa gió, đột nhiên trời quang mây tạnh, quân của Xi Vưu vô cùng kinh ngạc, Hoàng Đế nhân cơ hội đó chỉ huy đại quân đột kích, giành thắng lợi cuối cùng. Đây là trận Trác Lộc nổi tiếng trong lịch sử (Hình 5).

Hình 5: Trận Trác Lộc

Thắng lợi của Hoàng Đế không hề dễ dàng, sau chiến thắng lại gặp thêm nhiều khó khăn mới, đầu tiên là nữ Thần hạn hán chặn mưa gió xong thì thần lực suy giảm nên không thể quay về trời ngay; tiếp đến là Ứng Long sau khi tham chiến cũng không kịp trở về Thiên đình để thực hiện nhiệm vụ làm mưa làm gió, khiến mặt đất liên tiếp mấy năm đại hạn. Các nghiên cứu khảo cổ về môi trường vào thời kỳ cận đại đã phát hiện: trong khoảng thời gian từ 5000 đến 4000 năm trước đây từng một lần xảy ra sự biến động bất ngờ của khí hậu tự nhiên, nhiệt độ không khí không ngừng tăng lên, mưa liên tục và các sông băng liên tục tan chảy đột nhiên dừng lại. Cách đây khoảng 5000 năm từ bán đảo Liêu Đông đến vùng châu thổ sông Trường Giang còn lưu lại những vết tích về sự hạ xuống của mực nước biển, bắt đầu từ 4.700 năm trước lại xuất hiện những biến động nhỏ. Trong trận chiến Trác Lộc, những cơn giông bão dữ dội do thần lực triệu hoán đến và trận hạn hán sau đó vừa vặn trùng hợp với tình hình khí hậu từ ổn định đến biến động, có thể thấy những câu chuyện thần thoại này không hoàn toàn vô căn cứ, chúng cô đọng những ký ức cổ xưa.

Sử sách ghi chép rằng: Sau khi Hoàng Đế đại thắng “đã tụ hợp quỷ thần trên núi Thái Sơn, cưỡi chiến xa có sáu con giao long dẫn, chim tất phương màu xanh (thường gọi là quạ lửa), Xi Vưu dẫn đầu, Thần gió đi trước, Thần mưa theo sau, hổ sói phía trước, quỷ thần phía sau, rắn nhảy theo điệu thanh giác (thanh giác là một bản nhạc cổ mãnh liệt, bi tráng)”, ý nói Hoàng Đế đã chiến thắng, những kẻ thù trước kia là Xi Vưu, Thần gió, Thần mưa và các vị thần linh phương Đông đều đã đầu hàng. Thắng lợi của trận Trác Lộc đã đặt nền móng vững chắc cho nền văn minh Hoa Hạ ở vùng Trung Nguyên, có tác dụng thúc đẩy hơn nữa sự hòa hợp giữa các bộ lạc.

Hoàng Đế “Nãi tu đức chấn binh, trì ngũ khí, nghệ ngũ chủng, phủ vạn dân, độ tứ phương” (Sử ký – Ngũ Đế Bản kỷ) (tạm dịch: tu dưỡng đạo đức, chỉnh đốn quân đội, nghiên cứu sự thay đổi của bốn mùa theo Ngũ Hành để gieo trồng ngũ cốc, chăm lo cho muôn dân, đo đạc đất đai bốn phương), được sự đồng tình ủng hộ các dân tộc trong thiên hạ. Sau chiến tranh, tư tưởng lấy đức trị quốc của ông còn thể hiện ở lòng nhân từ đối với các tù nhân của tộc Cửu Lê. Theo ghi chép trong Thập Di ký: Sau khi Hoàng Đế giết Xi Vưu, ông đã đưa những người bản tính thiện lương của bộ tộc Cửu Lê đến ba nơi là nước Trâu (nay là dải hồ Vi Sơn ở Tế Ninh, Sơn Đông), nước Đồ (nay là Tây An, Thiểm Tây) và nước Lê (nay là huyện Trường Trị, tỉnh Sơn Tây) và đã cấp thái ấp cho họ ở ba vùng này. Đây chính là tổ tiên của các họ Trâu, Đồ, Xi, Lê trong Hán tộc ngày nay, sau đó họ dần dần hợp nhất thành một phần của bộ tộc Hoa Hạ. Cùng với đó, Hoàng Đế lưu đày những người tàn bạo độc ác đến phương bắc lạnh giá, những tàn quân còn lại của Xi Vưu thì lưu tán tứ phương và quay trở về sinh sống tại vùng trung du sông Trường Giang là Hồ Bắc, Giang Tây và Hồ Nam thành lập liên minh bộ lạc Tam Miêu, (trong Quốc Ngữ – Sở Ngữ viết: “Tam Miêu là đời sau của Cửu Lê”). Tam Miêu sau đó dần dần phát triển thành dân tộc Miêu ngày nay, mũ “sừng trâu lớn” của phụ nữ Miêu là vật tưởng nhớ tổ tiên Xi Vưu (Hình 6).

Hình 6: Trang phục của người dân tộc Miêu ở vùng Lôi Sơn, Đông Nam Châu, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, chiếc mũ đội đầu có sừng trâu lớn là vật tưởng nhớ tổ tiên Xi Vưu

Vỏn vẹn mấy dòng ghi trong sử sách này có ý nghĩa rất lớn trong tiến trình lịch sử. Thần Nông thị từ đó chia thành hai nhánh: Một là dân tộc Hoa Hạ thừa hưởng dòng máu của Hoàng Đế trở thành nhân vật chính trong vở kịch lớn của nền văn minh 5.000 năm; hai là hậu duệ của Cửu Lê tộc thừa hưởng dòng máu của Xi Vưu cư trú ở các vùng biên giới, về sau dần dần phát triển thành các dân tộc thiểu số khác nhau, cùng Hán tộc tiếp tục mở mang lãnh thổ Trung Quốc và cùng diễn vở kịch lớn của nền văn minh Hoa Hạ 5000 năm. Lúc này khái niệm dân tộc nguyên sơ dần được hình thành, bắt đầu chuyển từ “thị tộc” sang “dân tộc”, mà hết thảy điều này đều là kết quả của lý tương sinh tương khắc và sự vận hành của âm dương.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/259451



Ngày đăng: 16-11-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.