Thiển đàm về sáng tác tiểu thuyết (3)
Tác giả: Thụy Thần
[ChanhKien.org]
Tôi lý giải rằng thể loại tiểu thuyết chương hồi cổ điển của Trung Quốc cũng là Thần truyền cho con người. Trong tiểu thuyết chương hồi chứa đựng lượng lớn thơ từ ca phú và văn ngôn (là hình thức văn viết trong Hán ngữ cổ, từng được người Trung Quốc sử dụng trong suốt thời gian hàng nghìn năm trước năm 1919). Chúng ta từ trong Pháp biết được rằng ngôn ngữ trên Thiên thượng giống như thơ ca vậy.
Trong tiểu thuyết chương hồi, một trong những đặc điểm của nó là mỗi chương tiết đều sử dụng thơ từ hoặc câu đối. Tứ đại danh tác của Trung Quốc đều theo hình thức này. Nó không những chỉ rõ nội dung được kể trong chương tiết đó mà còn triển hiện ra vẻ đẹp giản dị của lời văn.
Thứ hai, trong tiểu thuyết chương hồi, đa phần dùng thơ từ để bắt đầu và kết thúc, đồng thời xuyên suốt tác phẩm thường xen lẫn thơ từ, ca phú. Ví dụ, phần mở đầu trong “Tây Du Ký” có viết: “Tự tòng Bàn Cổ phá hồng mông, Khai tịch tòng tư thanh trọc biện. Phú tải quần sinh ngưỡng chí nhân, Phát minh vạn vật giai thành thiện. Dục tri tạo hóa hội nguyên công, Tu khán Tây Du Thích Ách truyền”. (Tạm dịch: Từ khi Bàn Cổ khai phá hồng hoang, Khai thiên tịch địa, từ đó mới phân ra thanh trọc. Che chở cho chúng sinh ngưỡng vọng tới chí nhân, Tạo ra vạn vật vốn đều thiện. Muốn biết được công đức to lớn của tạo hóa, Phải xem Tây Du Thích Ách Truyện). Ngụ ý sâu xa, khiến người đọc suy ngẫm mới có thể thưởng thức. Hoặc trong tác phẩm có những đoạn văn dài trích dẫn thơ từ để biểu đạt và miêu tả. Ví dụ, trong “Tam Quốc”, đoạn “Thuyền cỏ mượn tên” có bài thơ “Đại Vụ Thùy Giang Phú” miêu tả cảnh sương mù dày đặc. Cũng như trong “Hồng Lâu Mộng”, bài thơ “Táng Hoa Từ” khởi tác dụng đề cao toàn bộ tác phẩm, vẽ rồng điểm mắt, thêu hoa dệt gấm, hoặc ẩn tàng huyền cơ.
Cổ nhân có câu: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh; Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh” (Tạm dịch: Núi không trọng ở cao hay thấp, có tiên ắt sẽ là danh sơn; Nước không trọng ở nông hay sâu, có rồng ắt sẽ là nước linh – Trích trong bài thơ “Lậu Thất Minh” của Lưu Vũ Tích). Một bộ tác phẩm tiểu thuyết nếu không có thơ ca ẩn chứa trong đó, có thể coi là văn chương thiếu sức sống, giống như một điệu múa có kỹ xảo nhưng không có thân vận, vậy chỉ là văn bạch thoại mà thôi. (Văn bạch thoại là hình thức văn viết gắn liền với văn nói (khẩu ngữ), còn gọi là văn Hán ngữ hiện đại).
Trên đây chỉ là những kiến giải nông cạn của tôi về việc sáng tác tiểu thuyết, nếu có chỗ không thỏa đáng, mong được chỉ rõ.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/53592
Ngày đăng: 15-12-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.