Thiển đàm về sáng tác tiểu thuyết (1)



Tác giả: Thụy Thần

[ChanhKien.org]

“Trong tác phẩm văn hóa nếu không có chỗ viết về tình dục, thì dường như cuốn sách đó không bán được, bởi vì phải xét đến vấn đề số lượng [sản phẩm] tiêu thụ; trên truyền hình hay điện ảnh nếu thiếu mấy cảnh chăn gối, thì dường như [chương trình] truyền hình điện ảnh ấy sẽ không có người xem, vì phải xét đến vấn đề tỷ lệ khán giả; còn trong tác phẩm mỹ thuật, thì không ai biết nổi rằng đó là nghệ thuật chân chính hay là một cái gì đó; nền nghệ thuật dân tộc cổ xưa của Trung Quốc chúng ta vốn không hề có những thứ ấy. Mà truyền thống dân tộc Trung Hoa của chúng ta cũng không phải là do ai phát minh, ai sáng tác ra cả. Khi giảng về văn hóa tiền sử tôi đã nói rồi, hết thảy mọi thứ đều có căn nguyên của nó. Chuẩn mực đạo đức của nhân loại đã méo mó hẳn rồi, đã thay đổi rồi; tiêu chuẩn nhận định tốt và xấu đều đã thay đổi rồi; ấy là việc tại cõi người thường; còn tiêu chuẩn đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ là tiêu chuẩn duy nhất nhận định người tốt và xấu, nó không thể thay đổi” (Chuyển Pháp Luân).

Tôi lý giải rằng, thông qua đoạn Pháp này, Sư phụ đã chỉ ra các tác phẩm văn học nên được viết như thế nào. Trong các tác phẩm văn học hiện nay chứa đầy rẫy những thứ sắc tình, bạo lực. Đương nhiên, người tu luyện sẽ không viết những thứ này, nhưng bởi vì chúng ta sống trong hoàn cảnh này, những thứ biến dị đó vẫn cứ tồn tại. Ví dụ, khi viết tiểu thuyết dường như tuyến chính của câu chuyện không thể thoát khỏi chủ đề nam nữ, không nói chuyện gió trăng dường như không hấp dẫn người đọc. Kỳ thực, tôi lý giải rằng, lấy tình cảm nam nữ làm chủ tuyến là một cách tiếp cận hạn hẹp.

Ngoảnh đầu nhìn lại tứ đại danh tác của Trung Quốc, và cả các tác phẩm kinh điển như “Nhạc Phi truyện”, “Dương Gia tướng”, “Tam hiệp ngũ nghĩa”,… đều không nói về tình ái gió trăng, từ bề mặt mà xét, đều là xuyên suốt chủ đề “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, đương nhiên còn có những nội hàm sâu sắc hơn. Vậy nhưng, những tác phẩm này vẫn có những cảnh tượng hoành tráng, tình tiết vô cùng ly kỳ, hấp dẫn người đọc, trải qua năm tháng vẫn không lỗi thời, đọc trăm lần vẫn không chán, đã diễn dịch một phần văn hóa 5000 năm của dân tộc Trung Hoa. Tôi hiểu rằng đây mới là mẫu mực cho việc sáng tác tiểu thuyết, là một bộ phận của văn hóa Thần truyền.

“Hồng Lâu Mộng” trên bề mặt có vẻ như nói về tình yêu nam nữ, nhưng ngay cả như vậy, tình cảm giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc chỉ là sự câu thông của tâm linh, trao đổi qua thơ từ, chứ không hề có những mô tả về thể xác giữa nam và nữ. Vậy nhưng, “Hồng Lâu Mộng” triển hiện ra là một bức tranh thu nhỏ của một triều đại xã hội, với những cảnh tượng phong phú, phức tạp, nhân vật được khắc họa sống động, cốt truyện cũng không phải là tình yêu nam nữ.

Do đó, tôi cho rằng một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn không nhất thiết phải lấy chuyện tình cảm nam nữ gió trăng làm cốt truyện chính để thu hút người đọc, đó là đặc điểm của các tác phẩm văn nghệ trong xã hội đã bị biến dị ngày nay. Mà người tu luyện lại chính là người cần phải nhảy thoát ra khỏi mô thức này, khai sáng và khôi phục lại văn hóa Thần truyền, đồng thời quy chính lại con đường sáng tác tiểu thuyết.

Trên đây chỉ là những kiến giải nông cạn của tôi về việc sáng tác tiểu thuyết, nếu có chỗ không thỏa đáng, mong được chỉ rõ.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/53526



Ngày đăng: 09-12-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.