Thiển đàm về sáng tác tiểu thuyết (5)



Tác giả: Thụy Thần

[ChanhKien.org]

Người viết bài này cho rằng, thơ từ ca phú chính là bộ phận tinh hoa nhất trong các tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Thơ từ ca phú với văn từ độc đáo đã đưa biểu đạt của tác giả lên đến đỉnh cao, khởi được hiệu quả mà các thể loại văn học khác khó mà đạt được. Nội hàm nghệ thuật đẹp đẽ lại đầy ý vị của nó thường dẫn dắt độc giả vào những cảnh giới tuyệt mỹ mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn.

Thứ nhất, dẫn dắt toàn bộ tác phẩm, chỉ ra mạch truyện chính, kết hợp giữa ngắn gọn, súc tích và hoa mỹ.

Ví dụ, trong “Phong Thần diễn nghĩa”, tác giả không tiếc dùng một bài ca phú dài để làm rõ mạch truyện chính, chậm rãi hé lộ nguyên nhân hậu quả của toàn bộ câu chuyện. Đây cũng là một trong những thủ pháp thường gặp trong tiểu thuyết cổ điển. Hay trong “Tùy Đường diễn nghĩa”, dùng một bài thơ thất ngôn để mở đầu, tiên đoán rằng tác phẩm sẽ kể về những câu chuyện của những anh hùng hào kiệt xuất chúng trong lịch sử thời Tùy Đường.

Thứ hai, dùng để miêu tả cảnh vật, hoặc là cảnh tượng tráng quan phồn hoa, hoặc là chi tiết tỉ mỉ, phát huy như ý những gì muốn miêu tả.

Thơ từ ca phú được dùng để miêu tả cảnh núi non sông nước, trong tiểu thuyết cổ điển lại càng phổ biến đến mức hạ bút thành văn, đâu đâu cũng gặp. Chúng có thể thu hút độc giả, đưa họ tiến nhập vào không gian tưởng tượng vô hạn. “Tây du ký” chính là tác phẩm ví dụ điển hình. Người viết bài này nhớ lại khi còn nhỏ đọc “Tây du ký”, thường bị lưu luyến mãi trong những miêu tả mỹ diệu trong thơ từ của tác phẩm.

Ví như, bài thơ miêu tả động Thủy Liêm trong “Tây du ký” khi đọc thật kỹ khiến người ta không khỏi ngâm nga cảm thán, quả là chốn bồng lai tiên cảnh:

Hán Việt

Nhất phái bạch hồng khởi,
Thiên tầm tuyết lãng phi,
Hải phong xuy bất đoạn,
Giang nguyệt chiếu hoàn y,
Lãnh khí phân thanh chướng,
Dư lưu nhuận thuý vi,
Sàn viên danh bộc bố,
Chân tự quải liêm duy

Dịch nghĩa

Một dải cầu vồng trắng nổi lên,
Ngàn trượng sóng tuyết cuốn bay xa,
Gió biển thổi chẳng ngừng,
Trăng trên dòng sông vẫn chiếu sáng,
Khí lạnh vờn quanh núi biếc xanh,
Dòng chảy dịu mát thấm nhuần núi biếc,
Thác nước róc rách mang danh suối,
Tựa như rèm ngọc vắt cửa tranh

Dịch thơ

Một dải trắng xóa cầu vồng
Nghìn tầm sóng tuyết mịt mùng bay ngang
Vi vu gió biển thổi tràn
Mặt sông soi tỏ vầng trăng thuở nào
Khí lạnh tê buốt non cao
Nước nguồn mát lạnh xanh màu cỏ cây
Thác trong cuồn cuộn đêm ngày
Xa trông nom tựa rèm mây lưng trời

Thứ ba, khắc họa nhân vật có lúc mềm mại, có khi mạnh mẽ, sống động như thật, như thể nhân vật đang hiện ra trước mắt.

Người xưa từng nói: Trong thơ có họa, trong họa có thơ. Việc sử dụng thơ từ ca phú để miêu tả nhân vật giống như một bức tranh chân dung được vẽ bằng bút pháp tỉ mỉ, vô cùng sinh động.

Ví dụ, trong “Tam Quốc diễn nghĩa” có một bài thơ mô tả về việc Khổng Minh khi chưa rời khỏi lều tranh đã thấu tỏ thiên hạ chia ba:

Hán Việt

Dự châu đương nhật thán cô cùng,
Hà hạnh nam dương hữu Ngọa Long!
Dục thức tha niên phân đỉnh xứ,
Tiên sinh tiếu chỉ hoạ đồ trung.

Dịch nghĩa

Ngày ấy ở Dự Châu thở than cảnh cô đơn nghèo khó,
May mắn thay Nam Dương có Ngọa Long!
Muốn biết năm nào chia ba theo thế chân vạc,
Tiên sinh cười chỉ vào trong bức họa.

Dịch thơ

Dự Châu đương oán bước đường cùng
Nay tới Nam Dương gặp Ngọa Long.
Muốn biết sau này chia thế vạc,
Địa đồ cười trỏ, đứng mà trông!

Thứ tư, tác giả dùng thơ bày tỏ lòng mình, ẩn dụ hoặc mượn đề tài để phát triển ý tứ.

Trong “Hồng lâu mộng” có một đoạn thơ như thế này:

Hán Việt

Mãn chỉ hoang đường ngôn,
Nhất bả tân toan lệ!
Đô vân tá giả si,
Thuỳ giải kì trung vị?

Dịch nghĩa

Đầy giấy những lời hoang đường,
Một nắm lệ cay đắng!
Ai cũng nói tác giả là kẻ si,
Nhưng ai thấu hiểu được vị trong đó?

Dịch thơ

Đầy trang những chuyện hoang đường,
Tràn trề nước mắt bao nhường chua cay.
Đừng cho tác giả là ngây,
Ai hay ý vị chứa đầy ở trong?

Có hoang đường hay không, giọt lệ cay đắng thế nào, xin để độc giả tự mình suy ngẫm.

Mở đầu “Tam Quốc diễn nghĩa” có bài từ “Lâm Giang Tiên”, cũng thể hiện trực tiếp tâm ý của tác giả:

Hán Việt

Cổn cổn Trường Giang đông thệ thuỷ,
Lãng hoa đào tận anh hùng.
Thị phi thành bại chuyển đầu không.
Thanh sơn y cựu tại, Kỷ độ tịch dương hồng.
Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
Quán khan thu nguyệt xuân phong.
Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.
Cổ kim đa thiểu sự,
Đô phó tiếu đàm trung.

Dịch nghĩa

Nước sông Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông,
Bọt sóng tung lấp vùi hết anh hùng.
Đúng sai, thành bại cũng đều trở thành hư không.
Núi xanh vẫn mãi như xưa,
Dù trải bao lần ráng chiều đỏ.
Những người chài cá và tiều phu đầu bạc trên bến sông,
Đã quen nhìn trăng thu, gió xuân.
Một bầu rượu đục, vui mừng gặp nhau.
Bao nhiêu chuyện xưa nay,
Đều mang vào trong những câu chuyện, tiếng cười.

Dịch thơ

Trường giang cuồn cuộn chảy về Đông
Sóng dập dồn đãi hết anh hùng
Được thua phải trái thoắt thành không
Non xanh nguyên vẻ cũ
Mấy độ bóng tàn hồng!
Bạn đầu bạc ngư tiều trên bãi
Mảng trăng thanh gió mát vui chơi
Gặp nhau, hồ rượu đầy vơi
Xưa nay bao nhiêu việc
Phó mặc cuộc nói cười

Điều thú vị là, “Tây du ký” còn sử dụng thơ để ẩn chứa tên các vị thuốc Trung y:

Hán Việt

Tự tòng Ích Trí đăng sơn minh,
Vương bất lưu hành tống xuất thành.
Lộ thượng tướng phùng tam lăng tử,
Đồ trung thôi toản mã đâu linh.
Tầm pha chuyển giản cầu kinh giới,
Mại lĩnh đăng sơn bái phục linh.
Phòng kỉ nhất thân như trúc lịch,
hồi hương hà nhật bái triều đình?

Dịch nghĩa

Từ khi lên núi Ích Trí kết nghĩa,
Vương không giữ lại, tiễn ra khỏi thành.
Trên đường gặp Tam Lăng Tử,
Giữa đường giục ngựa Mã Đâu Linh.
Trèo đèo vượt suối tìm cỏ Kinh Giới,
Vượt núi leo lên đỉnh bái Phục Linh.
Bảo vệ bản thân giống như Trúc Lịch,
Hồi Hương đến ngày nào mới được bái triều đình?

Dịch thơ

Từ ngày Ích Trí thề non ấy,
Vương giữ không lại tiễn ngoại thành.
Gặp gỡ dọc đường Tam Lăng Tử,
Thúc roi trên nẻo Mã Đâu Linh.
Trèo non lội suối tìm Kinh Giới,
Vượt vách qua khe bái Phục Linh.
Phòng kỷ một thân như Trúc Lịch.
Hồi Hương bao thuở đến triều đình?

(Chú thích: Trong bài này, tam lăng tử (cây tam lăng) là một loại thuốc có tác dụng hành khí, phá ứ; mã đâu linh là một loại cây có tác dụng thanh nhiệt, giải độc; kinh giới có tác dụng giải cảm, tán phong; phục linh là một loại nấm có tác dụng lợi tiểu, an thần; trúc lịch có tác dụng thanh nhiệt, bổ máu…)

Thứ năm, những bài thơ từ ca phú cổ điển dài thường xuyên xuất hiện trong tiểu thuyết cổ điển. Ví dụ, trong “Hồng lâu mộng” có bài “Phù dung lụy”, “Táng hoa từ”; trong “Tam Quốc diễn nghĩa” có “Bài phú đài Đồng Tước”, “Đại vụ Thùy Giang phú”,… Dùng một bài thơ cổ để kết thúc toàn bài văn. Những đoạn văn này tái hiện công phu thâm hậu, trí tưởng tượng phong phú và ngôn từ đẹp đẽ của tác giả.

Một bộ tiểu thuyết giàu thơ từ ca phú giống như một bản giao hưởng hoành tráng, với những nốt thăng trầm lên xuống, khi thì thầm thì như suối chảy róc rách, khi lại hùng vĩ như sóng lớn vỗ bờ, đan xen lẫn nhau, tạo nên những chương hồi lộng lẫy. Nếu nói rằng thơ là ngôn ngữ trên Thiên thượng, vậy tất nhiên nó có mang âm vận của Thần. Cũng tức là nói, bộ tiểu thuyết này có ý vị.

Trên đây chỉ là những kiến giải nông cạn của tôi về việc sáng tác tiểu thuyết, nếu có chỗ không thỏa đáng, mong được chỉ rõ.

Ghi chú: Phần dịch thơ trong bài có tham khảo từ bản dịch của Nhà xuất bản Văn học.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/53648



Ngày đăng: 17-12-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.