Thử bàn về Khổng Tử



Tác giả: Lâm Hòa

[ChanhKien.org]

Trong quá trình viết bài về luân hồi có liên quan đến Nho gia, tôi có cảm ngộ về một số trạng thái của Khổng Tử, sau đây xin trình bày một chút nhận thức nông cạn của bản thân:

1. Khổng Tử nói: “Ngô thập ngũ nhi chí ư học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ” (diễn nghĩa: Lúc 15 tuổi ta đã lo nỗ lực học tập. 30 tuổi đã xác định được chí hướng. 40 tuổi đã hiểu được lý sự, không còn bị lầm lẫn. 50 tuổi đã hiểu được mệnh trời. 60 tuổi nghe người khác nói đều thuận tai cả. 70 tuổi có thể theo lòng mong muốn mà không vượt ra ngoài giới hạn” (Luận ngữ – Vi Chính . Chương 2).

Đây là tự truyện về cuộc đời của Khổng Tử. Tôi nghĩ đây cũng là quá trình từng bước đề cao cảnh giới tư tưởng của ông.

Từ 15 đến 30 tuổi là giai đoạn học tập và tích lũy kiến ​​thức. Cách làm của ông rất đáng để học hỏi, đó là: “Tam nhân hành, tất hữu ngô sư yên. Trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi” (diễn nghĩa: Ba người cùng đi, tất có người là thầy ta. Ta chọn điều tốt để đi theo, còn điều không tốt thì tránh đi) (“Luận ngữ – Thuật nhi”). Tổng kết của tôi là: lấy người khác làm tấm gương để tự soi mình, để sửa chữa lời nói và suy nghĩ của bản thân.

Khi Khổng Tử 30 tuổi, hệ tư tưởng của ông bắt đầu được hình thành, cũng là lúc ông bắt đầu mở trường tư thục, đặt nền móng cho việc truyền bá tư tưởng của ông sau này.

Khi Khổng Tử 40 tuổi, ông có thể nhìn thấu tư tưởng ở thế gian, nhảy ra khỏi cái lý của con người mà không bị vẻ bề ngoài mê hoặc. Đây cũng là lý do sau khi được thỉnh giáo Lão Tử, ông đã nói rằng: “Triêu văn đạo, tịch khả tử” (dịch nghĩa: Buổi sáng nghe được Đạo, chiều tối chết cũng cam lòng). Ông đã chứng ngộ được Đạo.

Khi Khổng Tử 50 tuổi, ông đã hiểu được thiên mệnh là gì và sứ mệnh của mình trong đời này là truyền bá tư tưởng, lưu lại cho con người những đạo lý tu thân dưỡng tính, quy phạm đạo đức và luân lý trong xã hội. Bởi vì đây là sự an bài của Thần, là nền tảng tư tưởng cho các chế độ tương lai của Trung Quốc. Vì vậy, khi 55 tuổi, ông bắt đầu dẫn dắt các đệ tử của mình đi chu du khắp các nước (chư hầu) trong 14 năm, tìm hiểu thế sự, tích lũy kinh nghiệm và truyền bá tư tưởng Nho gia.

“Kỳ Lân Thổ Ngọc Thư” cũng tiết lộ nguồn gốc và sứ mệnh của ông: “Thủy tinh tử kế suy Chu vi Tô Vương” (diễn nghĩa: Con cháu Thủy tinh kế thừa nhà Chu suy tàn để trở thành Tố Vương).

“Thủy tinh tử” thường được giải thích là con trai của Thủy Thần, theo lý giải của tôi thì đó là “tinh hoa của nước” (ví như Lục Áp Đạo nhân ở một tầng cảnh giới nào đó từng là “tinh hoa của lửa”). Đây là nguồn gốc để con người có thể biết và lý giải được, ông còn có nguồn gốc cao hơn. “Tố Vương” là một vị vua không ngai, tuy không có vương miện hay thần dân nhưng lại là một vị vua thực sự, ngôi vị của ông sẽ trường tồn cùng với lịch sử và văn hóa.

Khi Khổng Tử 60 tuổi, ông đã có thể lắng nghe và tiếp nhận một cách đúng đắn các ý kiến ​​​​khác nhau, chính là ông đã không còn chấp trước vào tự ngã. Đến 68 tuổi, ông bắt đầu viết sách và chỉnh lý lại “Thi”, “Thư”, “Lễ”, “Nhạc”, “Dịch”, “Xuân Thu”, trình bày hệ thống tư tưởng Nho gia của mình. Trên thực tế Khổng Tử đã chỉnh lý một cách có hệ thống nền văn hóa Trung Hoa đã có trước đó, hình thành một thể hệ hoàn chỉnh và truyền lại cho hậu nhân, duy trì mạch văn hóa Trung Hoa, giúp cho nó liên tục được kế thừa và phát triển.

Khi Khổng Tử 70 tuổi, ông đã đạt đến trạng thái tùy tâm sở dục (có thể theo lòng mong muốn) mà không vượt quá cảnh giới Pháp độ, “Pháp độ” này không chỉ là nói pháp lý của nhân gian mà còn là “Pháp độ” của vũ trụ tại tầng thứ rất cao, tức là lý của vũ trụ ở một tầng thứ nhất định.

2.「Tử bất ngữ quái lực loạn thần」(Luận ngữ – Thuật nhi đệ thất)và 「Kính quỷ thần nhi viễn chi」(Luận ngữ – Ung dã đệ lục)

Khổng Tử tin vào Thần và cũng kính Thần, ông chỉ là “không nói ra”, “né tránh”. Khổng Tử biết một số việc vượt khỏi thế gian, nhưng sứ mệnh của ông không phải là làm việc này, việc ông làm là những việc trong thế gian nên không thể nói về những việc của “quỷ thần”. Việc vượt khỏi thế gian là việc mà Lão Tử cần làm, hai người họ không thể can nhiễu lẫn nhau.

Khổng Tử 50 tuổi bắt đầu nghiên cứu Kinh Dịch và say mê nghiên cứu nó suốt phần đời còn lại. “Dịch” (易) nghĩa là Mặt Trời (日) ở trên, Mặt Trăng (月) ở dưới, tức là sự thay đổi, biến hóa. Đúng như tên gọi, Kinh Dịch nói về Đạo của trời đất. Cho nên, những điều mà Khổng Tử nghiên cứu và theo đuổi sau khi ông 50 tuổi chính là Đạo của trời đất. Văn hóa Trung Hoa là nền văn hóa thiên nhân hợp nhất, cội nguồn của văn hóa là Thiên Đạo. Thiên Đạo dẫn dắt nhân đạo và nhân đạo là sự kế thừa của Thiên Đạo.

3. Trạng thái tu luyện của Khổng Tử

Thuận theo việc tầng thứ được đề cao, ông tự nhiên hiểu biết được rất nhiều sự việc và an bài ở tầng thứ cao, nhưng không phải nhìn thấy bằng thiên mục. Ví dụ, Khổng Tử từng học đàn từ nhạc sư Tương Tử, lúc đầu học đàn nhạc khúc, sau đó nắm vững thành thạo các kỹ thuật chơi đàn, khi kỹ năng đàn của ông không ngừng được nâng lên, ông dần lĩnh hội được nội hàm của khúc nhạc. Ông nói: “Cuối cùng ta cũng hiểu được người sáng tác khúc nhạc này là người như thế nào. Người đó khuôn mặt ngăm đen mà chất phác, dáng người cao lớn khôi ngô, có tầm nhìn xa trông rộng và có tướng mạo của một vị đế vương thống trị thiên hạ. Đây không phải là Chu Văn Vương thì còn có thể là ai?”

Thầy Tương Tử cũng khẳng định phán đoán của ông: Tiên sinh, ngài quả là Thánh nhân, thầy của ta từng nói cho ta biết, tên khúc nhạc này là “Văn Vương thao”.

Đây là điều Khổng Tử cảm nhận được, không phải nhìn thấy được.

Trạng thái này được các đồng tu đề cập trong bài viết “Vài lời nói: Những ràng buộc sâu sắc của ngôn từ” trên trang web Chánh Kiến ngày 31 tháng 05 năm 2023: “Tôi tu trong trạng thái bị đóng kín. Có thể là cùng với việc con người không ngừng nhận thức Pháp, tư tưởng không ngừng thoát ly khỏi quan niệm của tầng thứ thấp và ràng buộc của nghiệp lực, bản năng của con người có thể hiển hiện ra ngoài. Có một số bản năng mà không ảnh hưởng đến việc tu luyện có thể được bảo lưu không bị khóa lại. Những tín tức đó con người không nhìn thấy được thông qua thiên mục mà là tự nhiên cảm nhận được, vì trong thời gian dài đã quen với trạng thái này nên cho rằng người khác cũng như vậy, thực ra người khác không như vậy”.

Một đồng tu cũng kể một ví dụ về Kinh văn giả: sau ngày 20 tháng 07 năm 1999, một nữ học viên mang đến cho anh xem một cuốn Kinh văn. Sau khi đọc xong, anh ấy nói rằng Kinh văn này là giả. Nhìn thấy vẻ mặt khó hiểu của đồng tu, anh ấy giải thích mấy câu: “Kinh văn giả này là do một người phụ nữ viết, dáng người không cao, khoảng hơn 40 tuổi, mập mạp! Không phải Sư phụ viết!” Những tín tức này không phải do anh ấy nhìn thấy qua thiên mục mà là cảm nhận được.

4. Khổng Tử lưu lại khái niệm “Thế giới đại đồng”, Thôi Bối Đồ dự đoán về Thế giới đại đồng

Khái niệm “đại đồng” lần đầu tiên xuất hiện trong sách “Lễ ký” (“Lễ ký – Lễ Vận – Đại đồng”). Khổng Tử và đệ tử Ngôn Yển khi trò chuyện nói rằng nếu xã hội có thể thực hành “Đại Đạo” thì dưới sự lãnh đạo của những người có đức hạnh, mọi người sẽ coi trọng chữ tín, theo đuổi sự hòa hợp, giúp đỡ, yêu thương lẫn nhau, cũng không theo đuổi sự giàu có cá nhân. Do đó xã hội sẽ không xuất hiện âm mưu quỷ kế, trộm cắp hay chiến tranh. Khổng Tử nói, thế giới lý tưởng như vậy gọi là “đại đồng”.

Tượng thứ 59 trong “Thôi Bối Đồ” tiên đoán: “Vô thành vô phủ, Vô nhi vô ngã, Thiên hạ nhất gia, Trị trăn đại hóa”. Tụng viết: “Nhất nhân vi đại thế giới phúc, thủ trì thiêm đồng bạt khứ trúc, hồng hoàng hắc bạch bất phân minh, đông nam tây bắc tận hòa mục”. (Diễn nghĩa: Sấm rằng: Không thành không phủ, Không bạn không tôi, Thiên hạ một nhà, Trị tới đại hóa. Tụng rằng: Một người là lớn thế giới phúc, Tay cầm ống thẻ nhổ bạt trúc, Đỏ vàng đen trắng không phân biệt, Đông Nam Tây Bắc cùng hòa thuận).

“Nhất nhân vi đại” là chữ “đại”「大」, “Thủ trì thiêm đồng bạt khứ trúc” là chữ “mê” (謎), còn chữ “đồng” (筒) bỏ đi chữ “trúc” (竹) là chữ “đồng” (同). Ghép lại là “đại đồng” (大同). Hơn nữa, “hồng hoàng hắc bạch” chỉ ra bốn màu da, “đông nam tây bắc tận hòa mục” có nghĩa là “thiên hạ nhất gia” (thế giới là một nhà), là thế giới “đại đồng”.

Thể ngộ cá nhân: cảnh tượng được dự đoán trong tượng thứ 59 của “Thôi Bối Đồ” là cảnh sau khi Sư phụ Pháp chính nhân gian, tất cả các dân tộc trên thế giới (đỏ, vàng, đen, trắng) tiến nhập vào vũ trụ mới, đều sẽ đồng hóa với Đại Pháp, đạo đức nhân loại được nâng cao trở lại, văn hóa truyền thống được phục hưng, Đại Pháp sẽ bước vào thời kỳ thịnh vượng tại nhân gian.

Sau thời kỳ này, những người tu luyện viên mãn sẽ quy vị trở về thiên giới, những người ở lại sẽ làm nhân chủng, lịch sử nhân loại sẽ bắt đầu lại từ đầu và bước vào một kỷ nguyên mới.

Quá trình Sư phụ dẫn dắt đệ tử Đại Pháp làm Chính Pháp và Pháp chính nhân gian sẽ trở thành huyền thoại vĩnh viễn được con người tương lai lưu truyền.

5. Khổng Tử thường hay mộng thấy Chu Công

Nhà Chu là một thể hệ thiên nhân tại nhân gian được Thần an bài để lưu lại “Chu lễ”, trên thực tế là thiết lập nên trật tự xã hội, đặt định ra các nguyên tắc cơ bản làm người và thể hiện mối quan hệ giữa các sinh mệnh.

“Nhân” là cốt lõi trong tư tưởng học thuyết của Khổng Tử. Trong thể hệ tư tưởng của Khổng Tử, “nhân” có mối liên hệ tương quan với nghĩa, đức, trung, lễ, nhạc, v.v. để tạo thành một cấu trúc luân lý toàn diện, là tổng hòa của mọi đức hạnh.

“Lễ” là một phạm trù quan trọng khác trong học thuyết tư tưởng của Khổng Tử. “Lễ” mà Khổng Tử nói bao gồm hai phương diện là tinh thần bên trong và hình thức bên ngoài. Tinh thần bên trong duy hộ các mối quan hệ luân lý khác nhau. Hình thức bên ngoài của “Lễ” bao gồm các nghi thức lễ tiết như tế lễ, nghi lễ, bái triều, cưới xin, ma chay, hội minh (hội họp để kết giao đồng minh), v.v. Đối với những nghi lễ này, Khổng Tử không chỉ nghiêm túc học hỏi, thực hiện mà còn yêu cầu các đệ tử của mình phải nghiêm khắc tuân thủ. Ông yêu cầu mọi người hành sự theo quy định của “lễ”, “lập vu lễ” (lập thân ở lễ), “ước chi dĩ lễ” (quy định ở lễ), nói: “bất học lễ, vô dĩ lập” (không học lễ không thể lập thân). Biến các quy phạm của “lễ” thành ý thức tự giác trong tư tưởng và hành vi, “phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (không có lễ không nhìn, không có lễ không nghe, không có lễ không nói, không có lễ không làm). Khổng Tử cho rằng một xã hội luân lý hài hòa chính là con người biết tôn kính trời đất, sắp xếp đúng vị trí quân thần, hòa hợp cha con, hiểu được thứ bậc anh em, v.v., nhấn mạnh vào việc điều chỉnh mối quan hệ giữa trời với người, giữa người với người và giữa các hình thái ý thức khác nhau nhằm thiết lập một trật tự xã hội viên dung, ổn định và hài hòa.

Cá nhân tôi hiểu rằng hình thức bên ngoài của “Chu lễ” rất giống với giới luật của Phật gia, trực tiếp chỉ dạy cho con người những quy tắc ứng xử cần phải tuân theo và phép tắc làm người.

Thời đại mà Khổng Tử sống đúng vào lúc nhà Chu suy yếu, lễ nhạc băng hoại, kỷ cương hỗn loạn, các truyền thống văn hóa từ thời Hạ, Thương, Chu đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Khổng Tử thường mơ thấy Chu Công, không phải chỉ đơn thuần là mộng khi ngủ, mà Chu Công ở trong mộng đã truyền lại cho ông một số khải thị. Khổng Tử sinh ra ở nước Lỗ, cũng là sự an bài của Thần, bởi nước Lỗ là đất phong của Bá Cầm – con trai của Chu Công Đán, được mệnh danh là “lễ nghi chi bang” và là quốc gia bảo tồn tốt nhất các văn vật và điển tịch của nhà Chu. Đây là nơi mà Khổng Tử có thể học được nhiều nhất về “Chu lễ”, nhưng dù vậy vẫn không hoàn chỉnh. “Lễ” là do Thần hữu ý truyền dạy cho con người chứ không phải do con người tự tưởng tượng ra. Khổng Tử mơ thấy Chu Công, đó là Chu Công đã thông qua phương thức này để truyền thụ, điểm hóa nhằm hoàn thiện tư tưởng của Khổng Tử, lưu lại cho hậu nhân những lý luận cần thiết.

Khổng Tử suốt đời truyền bá đạo đức, đề xướng việc dùng đạo đức để quy phạm tư tưởng và hành vi của con người, đồng thời khuyến khích con người tu thân, biết người, biết trời và trở thành Thánh nhân.

“Đạo” là chỉ Thiên Đạo, “Đức” là nhân đức, tức là tiêu chuẩn hành vi của con người, đức của con người là được xây dựng dựa trên cơ sở của quy luật Thiên Đạo, con người cần tuân theo “Đạo”. Khổng Tử cho rằng những người hành “Thánh nhân chi Đạo” (Đạo của bậc Thánh nhân) phải “kính Thiên, tri mệnh” thì mới đạt được cảnh giới tương thông với trời đất và thiên nhân hợp nhất.

Văn hóa Nho gia thực ra là một loại văn hóa tu luyện, khi lên cao tầng thì quy về Đạo gia, làm người sống theo tư tưởng Nho gia thì dù không thực sự tu Đạo nhưng đã ở trong Đạo rồi.

Bài viết này chỉ là nhận thức của cá nhân trong trạng thái tu luyện hiện tại, tầng thứ có hạn. Nếu có chỗ nào không phù hợp, kính mong đồng tu từ bi chỉ chính. Hợp thập!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/286851



Ngày đăng: 01-11-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.