Vũ điệu cung đình Trung Quốc (Phần 1): Thời Tây Chu và thời Xuân Thu Chiến Quốc



[ChanhKien.org]

Vũ điệu cung đình Trung Quốc được hình thành, xác lập và phát triển cùng với sự xuất hiện của các cung đình thời cổ đại. Nó đã lưu lại một chương đầy màu sắc trong lịch sử văn hóa huy hoàng của Trung Hoa.

Vào thế kỷ 21 trước Công nguyên, Khải kiến lập vương triều đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc – triều đình nhà Hạ. Thời đó, người ta tin vào quỷ Thần, nên mọi chuyện dù lớn hay nhỏ của đất nước đều tiến hành bốc quẻ xem bói toán và thực hiện các hoạt động tế tự. Vì vậy, vũ đạo thời đó chủ yếu được biểu diễn trong các dịp tế tự và mừng công.

Truyền thuyết kể rằng, Khải rất thích ca múa. Theo ghi chép trong “Trúc thư kỉ niên”, ông đã từng ra lệnh múa điệu “Cửu thiều”. Nội dung của điệu múa tuy người ngày nay không còn được biết đến, nhưng có thể đoán rằng nó có liên quan đến việc tế tự. Trong “Sơn hải kinh – Đại hoang tây kinh” cũng ghi chép, nói Khải đến nơi Thiên đế ở và nhận được từ Thiên thượng hai tác phẩm nhạc vũ “Cửu biện” và “Cửu ca” rồi mang chúng trở lại nhân gian. Từ hai tác phẩm này, ông lại chế thành vũ điệu “Cửu thiều”.

Vào thời Hạ Kiệt, vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Hạ, trong cung điện của ông có 30.000 nữ nhạc, âm nhạc dâm tục vang vọng khắp thành (“Quản Tử – Khinh trọng giáp”). Thời đó, vũ nhạc chuộng sự xa hoa nhưng bản thân Hạ Kiệt lại chìm đắm vào những thú vui dâm tục, cuối cùng dẫn đến mất nước.

Nhà Ân Thương thay thế nhà Hạ, kính trọng quỷ Thần giống như triều đại trước. Phàm lúc cử hành “lễ” trong các dịp tế tự đều biểu diễn ca múa. Người nhà Thương dùng âm nhạc để trò chuyện với quỷ Thần, ca hát để quỷ Thần nghe. Vũ nhạc trở thành thứ mà con người hiến dâng, kính phụng, làm vui lòng quỷ Thần, là phương tiện giao tiếp quan trọng giữa con người và các vị Thần. Đôi khi, các vị vua nhà Thương còn đích thân nhảy múa, chẳng hạn như trong giáp cốt văn thời Ân Khư đã ghi lại việc vua Thương biểu diễn vũ điệu “Vũ vũ” để tế Thần.

Sau khi nhà Thương sụp đổ, cùng với sự kiến lập của nhà Tây Chu, vương thất đã chế định chế độ lễ nhạc hoàn chỉnh và chi tiết, đánh dấu sự xác lập chính thức của vũ điệu cung đình Trung Quốc. “Lễ” dùng để chỉ các nghi thức như tế tự, tiệc thiết đãi trong cung đình, v.v. “Nhạc” dùng để chỉ âm nhạc và vũ điệu đi kèm với “Lễ”. Chế độ lễ nhạc của nhà Chu có hai nội dung cơ bản, một là quy định đẳng cấp, hai là quy định vũ nhạc đi kèm với lễ về cơ bản là nhã nhạc.

Theo chế độ lễ nhạc của nhà Chu, những người ở hoàn cảnh và địa vị khác nhau không chỉ có lễ nghi khác biệt, mà âm nhạc sử dụng cũng không giống nhau. Nhạc khí sử dụng cũng khác nhau, thứ bậc phân ra rất nghiêm ngặt.

Theo “Chu lễ – Xuân quan” ghi chép: ví dụ khi tế tự Thiên thần, “bèn tấu chuông vàng, hát bài Đại lữ, múa điệu “Vân môn”. Khi tế đất, “tấu Thái thấu, ca bài Ứng chung, múa điệu “Hàm trì”. Lúc tế núi sông, “tấu Nhuy tân, ca bài Hàm chung, múa điệu “Đại Hạ”. Khi cúng tế bốn phương, phải “tấu Cô tiễn, ca bài Nam lữ, múa điệu “Cửu thiều”.

Khi cúng tế phụ mẫu, phải “tấu Di tắc, ca bài Tiểu lữ, múa điệu “Đại hoạch”. Khi cúng tế tiên tổ, phải “tấu Vô tạ, ca bài Hiệp chung, múa điệu “Đại vũ”. Hai bậc quân vương gặp nhau, phải dùng điệu “Văn vương” đại nhã. Chư hầu thiết bày yến tiệc chiêu đãi sứ thần đến thăm, phải dùng các điệu múa tiểu nhã như “Lộc minh”, “Tứ độ”, “Hoàng hoàng giả hoa”. Còn như lúc Thiên tử tế tổ tiên thì phải dùng “Ung tụng”, kẻ sĩ đại phu không được dùng điệu này.

Trong nhã nhạc thời Chu, nhạc cụ, vũ đạo và ca hát thường được biểu diễn riêng biệt, không hoàn toàn kết hợp cùng một lần. Vũ điệu được phối hợp với ca xướng và sáo hoặc nhạc cụ tương tự như sáo. Ca xướng đi kèm với nhạc cụ đàn, như đàn sắt, hoặc các loại như quản, sênh. Nhạc khí được gọi là “kim tấu”, là sự hòa tấu của chuông, trống và khánh. “Kim tấu” có tiêu chuẩn rất cao, chỉ có Thiên tử và Chư hầu mới sử dụng, còn kẻ sĩ đại phu chỉ được sử dụng trống.

Vào thời kỳ đó, có thể nhìn thấy “âm nhạc và vũ điệu của sáu triều đại”, gồm “Vân môn” thời Hoàng Đế, “Hàm trì” thời vua Nghiêu, “Cửu thiều” thời vua Thuấn, “Đại hạ” thời vua Vũ, “Đại hoạch” thời nhà Thương và “Đại vũ” thời nhà Chu.

Các điệu múa cung đình thời nhà Chu chủ yếu được biểu diễn vào những dịp sau:

1. Dùng trong tế tự

“Chu Lễ – Địa quan” ghi rằng: “Nhiệm vụ của vũ sư bao gồm: dạy múa binh, lúc tế tự núi sông hướng dẫn mọi người vũ đạo; dạy múa lụa, lúc tế tự xã tắc, hướng dẫn mọi người vũ đạo; dạy múa lông, lúc tế tự bốn phương, hướng dẫn mọi người vũ đạo; dạy múa hoàng, lúc đại hạn cầu mưa hướng dẫn mọi người vũ đạo”. “Người múa lụa, toàn thân khoác lông vũ. Người múa điệu lông, bỏ bớt lông vũ. Người múa điệu hoàng, dùng lông làm mũ đội lên đầu, y phục cũng bằng lông ngọc bích.”

2. Dùng trong các nghi lễ cầu cúng

“Chu Lễ – Địa quan” ghi chép: “Tư vu chưởng quản những thầy tế, nếu trong nước xảy ra hạn hán nghiêm trọng, người này sẽ dẫn đầu nhóm thầy tế nhảy múa cầu mưa. Ngoài ra, khi tế tự vị thần của vạn vật, người này sẽ múa vũ điệu binh và dải lụa”.

3. Dùng để xua đuổi dịch bệnh

4. Dùng trong giáo dục

“Chu Lễ – Địa quan” ghi rằng: “Nhạc sư chưởng quản chính sự quốc học, giáo dục con em quý tộc học tập tiểu vũ (chỉ vũ điệu được học khi còn nhỏ)”. Tiểu vũ bao gồm “Bạt vũ”, “Vũ vũ”, “Hoàng vũ”, “Mao vũ”, “Can vũ” và “Nhân vũ”.

Thông qua việc học âm nhạc và vũ điệu, những con em quý tộc này có thể nhảy “Vân môn”, “Hàm trì”, “Đại thiều”, “Đại hạ”, “Đại hoạch” và “Đại vũ”. Âm luật hài hòa, vũ điệu ứng hợp thì có thể dùng để tế tự Thiên thần, nhân quỷ, Địa chi, giúp quốc gia hòa thuận, vạn dân hòa hợp, tân khách yên vui, người ở xa thần phục, vạn vật hưng thịnh.

5. Dùng trong yến tiệc

Vũ điệu biểu diễn vào thời đó có các điệu múa cung tên. Vũ điệu cung đình thời Tây Chu dựa trên âm nhạc và vũ điệu của triều đại Ân Thương. Với quan niệm “dùng đức phối trời”, vũ điệu cung đình phát triển theo hướng mang tính lễ nghi và làm suy yếu chức năng giải trí. Nội dung chính của vũ điệu là múa nhã nhạc, với đặc trưng cao quý và trang nghiêm.

Ví dụ, khi Thiên tử nhà Chu tế tự vào ngày Đông chí và Hạ chí, lúc Thiên tử đăng đàn cầu đảo, đội múa hiến điệu “Vân môn” và “Hàm trì”. Người múa nhanh chậm vừa phải, tiến thoái có trật tự, ung dung, làm nổi bật sự trang trọng, Thần thánh, trung dung và an tĩnh.

“Tả truyện” có ghi lại cảm khái của Quý Trát, công tử nước Ngô, khi xem vũ điệu tao nhã ở nước Lỗ. Khi xem vũ điệu “Tượng tiêu” và “Nam thược”, ông nói: “Đẹp thay, nhưng thật đáng tiếc!” Khi xem vũ điệu “Đại vũ”, ông nói: “Đẹp thay sự thịnh vượng của nhà Chu, nay còn có thể được nhìn thấy vũ điệu này sao!” Khi xem vũ điệu “Thiều hoạch”, ông nói: “Đây là sự vĩ đại của bậc Thánh nhân, còn có đức khiêm nhường, đó là cái khó của bậc Thánh nhân vậy!”

Khi nhìn thấy vũ điệu “Đại hạ”, ông nói: “Đẹp thay! Cần chuyên nhưng không có đức. Ngoài Vũ ra, ai có sửa được!” Khi nhìn thấy vũ điệu “Thiều sóc”, ông nói: “Đức ấy lớn thay! Sự to lớn ấy như trời không nơi nào không thể che phủ, như đất không nơi nào không thể gánh vác! Tuy đức ấy rất thịnh, nhưng đã thêm vào sự khinh thường. Dừng lại thôi! Nếu có nhạc khác, ta không dám thỉnh mời!”

Từ đó có thể thấy, vũ điệu “Thiều sóc” mà Quý Trát đánh giá rất cao là do “đức” đã đạt tới cực điểm. Sự khoan hậu và nhân từ to lớn trong đó không có âm nhạc hay vũ điệu nào có thể sánh cùng.

Đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, với sự suy yếu quyền lực của vương thất nhà Chu, chế độ lễ nhạc từng được kiến lập cũng bắt đầu sụp đổ. Một số chư hầu bắt đầu sử dụng âm nhạc và vũ điệu vượt lễ.

Chẳng hạn, trong “Luận ngữ” ghi chép: “Khổng Tử nói Quý Thị múa bát dật trong cung đình. Điều này có thể nhẫn được thì có cái gì không thể nhẫn. Đó là vượt lễ với bề trên vậy.” Cũng thời gian đó, “tân nhạc” (cho rằng người hát xướng xuất sắc là nữ nhạc) bị chỉ trích là “Trịnh Vệ chi âm” (Âm của nước Trịnh, nước Vệ) cũng tiến nhập vào cung đình, khiến nhã nhạc nguyên sơ bị ảnh hưởng bởi nhạc tục dân gian.

Vì thế, Khổng Tử đã than thở “ghét màu tím vì nó át màu đỏ son, ghét âm thanh của Trịnh vì nó làm loạn nhã nhạc”. Từ đó trở đi, vũ nhạc thông tục của dân gian bắt đầu tiến nhập vào cung đình và cả hai dần hòa nhập vào nhau.

Ngoài ra, chức năng giải trí của vũ điệu cung đình lúc này cũng được tăng cường. Vũ điệu trở nên nhẹ nhàng, phiêu dật, duyên dáng hơn, khiến nó càng đẹp mắt và đặt nền móng cho sự phát triển ổn định của vũ điệu cung đình về sau. Vũ điệu tương đối phổ biến vào lúc ấy là điệu múa tay áo dài, eo nhỏ. Chúng ta có thể có cái nhìn sơ lược từ những ghi chép sau đây.

“Sở từ” chép: “Hai mươi tám vũ công xếp hàng uyển chuyển bắt đầu múa vũ điệu của nước Trịnh, tay áo như giao hòa với sào tre dưới nhịp điệu”. Còn viết: “Lông vũ bay tà tà theo điệu thúy tằng (Tằng là điệu múa. Ý nói kỹ năng của người múa giống như chuyển động của chim trả), xướng thơ và nhảy múa”.

(Bài viết đăng lại theo bản dịch của Epoch Times Tiếng Việt)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/43656



Ngày đăng: 17-08-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.