Vũ điệu cung đình Trung Quốc (Phần 5): Thời kỳ Lưỡng Tống



Tác giả: Như Chi

[ChanhKien.org]

Vũ điệu cung đình Trung Quốc trải qua thời kỳ phát triển đỉnh cao vào thời Đường, đến thời Tống đã bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn chuẩn hóa cao độ.

Hình thức biểu diễn của vũ điệu cung đình thời Tống có sự khác biệt với thời Đường. Điểm khác biệt quan trọng nhất là sự xuất hiện của “Đội vũ” (múa theo đội nhóm) và “Đại khúc ca vũ” có tình tiết, diễn đạt câu chuyện theo tuyến tính nhân vật. Đặc điểm chung là vẫn mang tính trang nhã, chuẩn mực của thời kỳ trước. Mặc dù “Đội vũ” đã xuất hiện vào thời Đường, ví dụ như “Bồ Tát Man đội vũ” và “Thán Bách Niên đội vũ”. Nhưng đến thời Tống, đội vũ đã được chuẩn hóa cao độ. Tuy nhiên, về cơ bản nó kế thừa vũ điệu của thời Đường và thiếu sự sáng tạo.

Theo “Tống thư – Nhạc chí” ghi chép, đội vũ được chia thành “Tiểu Nhi đội” và “Nữ Đệ Tử đội”. Mỗi loại lại được chia thành mười đội múa độc lập.

“Tiểu Nhi đội” gồm 72 người, bao gồm: một là Chá Chi đội, vũ công mặc áo bào rộng bằng tơ mỏng ngũ sắc có thêu hoa văn, đội mũ Hồ, đeo thắt lưng bạc; hai là Kiếm Khí đội, vũ công mặc áo ngắn bằng tơ mỏng ngũ sắc có thêu hoa văn, trên đầu quấn khăn chít gấp chéo chân, trán đeo dải lụa đỏ, tay cầm binh khí; ba là Bà La Môn đội, vũ công mặc tăng y bằng tơ mỏng màu tím, áo choàng ngắn đỏ, cầm gậy thiếc hình trụ; bốn là Túy Hồ Đằng đội, vũ công mặc áo ngắn bằng gấm đỏ, đội mũ dạ; năm là Hộn Thần Vạn Tuế Nhạc đội, vũ công mặc áo rộng bằng tơ mỏng màu tím, màu đỏ và màu xanh, đầu vấn khăn chít cài hoa; sáu là Nhi Đồng Cảm Thánh Nhạc đội, vũ công mặc áo tơ mỏng màu xanh sáng, đeo thắt lưng lụa, (tóc) tết hình hai trái đào; bảy là Ngọc Thố Hồn Thoát đội, vũ công mặc áo ngắn bằng tơ mỏng tứ sắc có thêu hoa văn, đeo thắt lưng bạc, đầu đội mũ ngọc thố (thỏ ngọc); tám là Dị Vực Triều Thiên đội, vũ công đeo đai lưng bạc, đầu đội mũ di, tay cầm đĩa ngọc; chín là Nhi Đồng Giải Hồng đội, vũ công mặc áo ngắn màu tím đỏ có thêu hoa văn, đeo thắt lưng bạc, đầu đội mũ phượng cài hoa; mười là Xạ Điêu Hồi Cốt đội, vũ công mặc áo ngắn gấm có hình chim ưng lượn quanh, tay cầm khay khắc hình xạ điêu.

“Nữ Đệ Tử đội” có tổng cộng 153 người, bao gồm: một là Bồ Tát Man đội, vũ công mặc áo xếp tầng hẹp màu đỏ, đội mũ quyển vân; hai là Cảm Hóa Nhạc đội, vũ công mặc áo suông tơ mỏng màu xanh sáng, tóc bối sơ kế, đeo thắt lưng lụa; ba là Phao Cầu Nhạc đội, vũ công mặc áo rộng bằng tơ mỏng tứ sắc có thêu hoa văn, đeo thắt lưng bạc, nâng tú cầu (quả cầu thêu nhiều màu); bốn là Giai Nhân Tiễn Mẫu Đơn đội, vũ công mặc áo xếp tầng màu đỏ tươi, đội kim quan, tay cầm cành hoa mẫu đơn tươi; năm là Phất Nghê Thường đội, vũ công mặc áo xếp tầng màu đỏ thanh thoát, choàng khăn quàng vai xanh ngọc, đội mũ tiên, trán đeo dải lụa đỏ thêu đẹp đẽ; sáu là Thải Liên đội, vũ công mặc áo suông rộng bằng tơ mỏng màu đỏ, váy hồng, tóc vấn vân hoàn kế, ngồi thuyền hoa, tay cầm hoa sen; bảy là Phượng Nghênh Nhạc đội, vũ công mặc y phục xếp tầng màu hồng thanh thoát, tóc vấn vân hoàn phượng kế; tám là Bồ Tát Hiến Hương Hoa đội, vũ công mặc y phục xếp tầng hẹp màu tươi sáng, đầu đội bảo quan, tay cầm khay hoa thơm; chín là Thải Vân Tiên đội, vũ công mặc Đạo y màu vàng tươi, choàng khăn quàng vai màu tím, đầu đội mũ tiên, tay cầm cờ tiết, quạt hạc; mười là Đả Cầu Nhạc đội, vũ công mặc áo ngắn hẹp bằng tơ mỏng thêu hoa văn, đeo thắt lưng bạc, đầu vấn khăn chít có gắn hoa xếp thuận chiều, tay cầm cây trượng gắn hình cầu.

Hai mươi đội vũ đề cập ở trên biểu diễn trong các buổi tế tự, điển lễ, yến tiệc của cung đình triều Tống.

Ngoài những đội vũ nêu trên, thời Tống còn xuất hiện “Đại khúc ca vũ”, kết hợp giữa thơ ca, đọc lời thoại, đội vũ và tình tiết câu chuyện. Hơn nữa có sự phân công và tên hiệu cho các nhân vật. Chẳng hạn như người cầm gậy trúc, chỉ huy đội vũ lên xuống sân khấu và đọc lời giới thiệu gọi là “Trúc can tử”, có lẽ tương đương với người dẫn chương trình ngày nay. “Trúc can tử” còn được gọi là “Tham quân sắc”, khi biểu diễn dẫn dắt đội múa lên sân khấu, gọi là “Câu đội”, khi biểu diễn kết thúc, dẫn dắt vũ đội rời khỏi sân khấu gọi là “Khiển đội” hoặc “Phóng đội”. Đội nhạc phía sau đội vũ gọi là “Hậu hành”. Vũ công múa đơn gọi là “Hoa tâm”, có lời kịch đối thoại với “Trúc can tử”, v.v.

Đại khúc thời Đường vẫn là những tổ khúc ca vũ đơn giản, được chia thành “Tán tự”, “Trung tự” và “Phá”, thông thường dài vài chục đoạn. Trong khi đó, đại khúc thời Tống ngắn hơn, chỉ lấy một bộ phận để biểu diễn, gọi là “trích biên”. Khi diễn xuất, thông thường phần ca vũ bắt đầu từ phần “Trung tự”, cũng có khi sử dụng từ phần “Nhập phá” trở xuống. Để hiểu về trình tự biểu diễn của đại khúc thời Tống, hãy lấy “Kiếm vũ” làm ví dụ.

Khi bắt đầu biểu diễn “Kiếm vũ”, “Trúc can tử” ra sân khấu trước tiên, đọc lời kịch, sau đó chỉ huy đội vũ vào ra sân khấu. Nội dung biểu diễn được chia thành hai phần:

Phần một: “Nhạc bộ hát từ khúc, múa một đoạn phá khúc điệu Kiếm khí”. (Sau khi múa xong, hai người đứng hai bên. Lại có hai người mặc Hán phục đi ra, ngồi đối diện nhau, trên bàn bày trái cây). “Trúc can tử” giới thiệu bối cảnh vũ đạo, giới thiệu về Hồng môn yến thời Hán Sở tương tranh. Tiếp đó, nhạc bộ hát một khúc phần phá khúc của điệu Kiếm khí. Lại có hai người lên sân khấu, một người thực hiện vũ điệu để hành thích người mặc Hán phục bên phải; người kia cũng thực hiện điệu múa để ngăn cản. Sau khi hai người múa xong thì rời sân khấu, hai diễn viên mặc Hán phục cũng rời sân khấu. Từ phần giới thiệu và vũ đạo nói trên có thể thấy nội dung của màn biểu diễn nói về chuyện gì. Hai người mặc Hán phục, một là Lưu Bang, một là Hạng Vũ; người múa kiếm, kẻ ám sát là Hạng Trang, người cản lại là Hạng Bá.

Phần hai: (Lại có hai người mặc trang phục thời Đường xuất hiện, ngồi đối diện nhau. Trên bàn bày bút, nghiên mực, giấy. Hai diễn viên khác đứng, một người mặc trang phục phụ nữ). “Trúc can tử” đọc lời bạch. Sau đó, nhạc bộ hát một đoạn phần phá khúc của vũ điệu Kiếm khí. Hai diễn viên múa, một nam một nữ múa với nhau. Màn biểu diễn này kể về câu chuyện của vũ công nổi tiếng thời Đại Đường là Công Tôn đại nương múa điệu “Kiếm khí”. Diễn viên mặc trang phục phụ nữ chính là Công Tôn đại nương, múa kiếm “tạo thành thế long xà múa lượn uyển chuyển”, anh vũ mạnh mẽ. Hai người mặc trang phục thời Đường, một là thư pháp gia nổi tiếng Trương Húc, một là thi Thánh Đỗ Phủ. Trên bàn có bút, nghiên và giấy, vừa thể hiện “thảo thư đại tiến” của Trương Húc, vừa thể hiện “lệ cú tân thành” của Đỗ Phủ, ý nói về danh tác “Quan Công Tôn đại nương đệ tử vũ Kiếm khí hành” của Đỗ Phủ.

Qua hình thức biểu diễn “Kiếm vũ”, có thể thấy rằng biểu diễn đại khúc bình thường đều có một chủ đề và thể hiện những nội dung câu chuyện lịch sử nhất định. Kết hợp với việc sắm vai nhân vật đơn giản, cùng với những bài hát trữ tình và nhạc đệm phù hợp với tình tiết câu chuyện, tạo thành một loại vũ kịch đơn giản lấy ca múa là chủ yếu.

Tuy nhiên, không phải tất cả đại khúc thời Tống đều coi trọng nhân vật và tình tiết, có một số đại khúc không có nhân vật và tình tiết, chỉ có đối thoại, âm nhạc và vũ điệu. Chúng gần gũi hơn với đại khúc thời Đường, điểm khác biệt là có hình thức “Đội vũ”. Ví dụ như đại khúc “Thải liên vũ”.

Ngoài hai mươi đội vũ kể trên, trong đại khúc cũng bao gồm đội vũ tương xứng như “Thái thanh vũ”, “Ngư phụ vũ”, “Hoa vũ”, “Kiếm vũ”, v.v. Các tư liệu lịch sử ghi chép lại rằng, thời Tống có ít nhất bốn mươi bộ đại khúc nổi tiếng như “Nam lữ bạc mị”, “Hàng hoàng long”, v.v.

Thời Tống, ngoại trừ các đội vũ và các đại khúc ca vũ cung đình, còn rất nhiều vũ điệu xuất sắc từ thời Đường như “Hồ toàn”, “Bạch”, “Tiền khê”, “Lục yêu” v.v. vẫn tồn tại độc lập.

Sự chuẩn hóa cao độ vũ điệu vào thời Tống đã đặt định nền tảng cho hý khúc vũ đạo. Nhưng một trong những ảnh hưởng tiêu cực mà nó mang lại là hạn chế sự biểu đạt cảm xúc trong vũ điệu.

Vào năm Hội Đồng thứ chín thời Liêu (năm 946), ở Biện Lương đã tiếp nhận nhã nhạc, tán nhạc từ Trung Nguyên, từ đó có đại khúc, trở thành tiết mục biểu diễn quan trọng trong các hoạt động yến tiệc, khánh chúc của cung đình. Những năm Thiên Phụ (1117-1122), Kim Thái Tổ Hoàn Nhan A Cốt Đả tấn công nước Liêu và tiếp nhận đại khúc của Liêu. Về sau, người Kim diệt Bắc Tống, lại tiếp nhận đại khúc của Bắc Tống. Do vậy thể loại đại khúc vô cùng hưng thịnh ở thời Liêu và thời Kim. Biểu diễn điệu vũ toàn (múa xoay người) trong đại khúc của người Kim đã phát triển trở thành múa đối diễn giữa hai người là chính.

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/43698



Ngày đăng: 13-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.