Vũ điệu cung đình Trung Quốc (Phần 4): Thời kỳ Đại Đường (1)
[ChanhKien.org]
Sự phát triển của vũ điệu cung đình trong các thời kỳ Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều và thời nhà Tùy đã tạo cơ sở cho vũ điệu cung đình Trung Quốc phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Đến thời nhà Đường, một trong ba triều đại thịnh vượng nhất ở Trung Quốc, vũ điệu cung đình đạt đến đỉnh cao.
Vũ điệu cung đình thời Đại Đường với đặc điểm thể loại phong phú, hình thức đa dạng, phân loại chi tiết, kỹ thuật điêu luyện, là điều chưa từng có ở các triều đại trước.
Trước hết, xét về thể loại, các vũ điệu cung đình được dùng trong yến tiệc cung đình triều Đường gồm có: Cửu bộ kỹ, Thập bộ kỹ, Tọa bộ kỹ, Lập bộ kỹ, Kiện vũ, Nhuyễn vũ, Đại khúc, Ca vũ kịch, tạp kỹ v.v.
Giai đoạn đầu thời Đường, nội dung chủ yếu của vũ điệu cung đình có “Cửu bộ kỹ và Thập bộ kỹ”. Hai loại này được chế định trên cơ sở “Thất bộ nhạc” thời nhà Tùy. Trong “Cựu Đường thư – Âm nhạc chí” ghi: “Sau khi Cao Tổ lên ngôi, thiết yến noi theo chế định cũ của nhà Tùy, dùng chín bộ nhạc, về sau phân thành hai bộ: Lập bộ và Tọa bộ (bộ nhạc đứng và bộ nhạc ngồi)”.
Trong cuốn “Thông điển” của Đỗ Hữu triều Đường, ghi rằng: “Phàm là đại yến tiệc thì sẽ thiết đặt mười bộ nhạc kỹ ở trong sảnh lớn, gồm cả nhạc kỹ trong nước và ngoài nước. Một là Yến nhạc kỹ, hai là Thanh nhạc kỹ (còn gọi là “Thanh Thương nhạc”), ba là Tây Lương kỹ, bốn là Thiên Trúc kỹ, năm là Cao Ly kỹ, sáu là Quy Tư kỹ, bảy là An Quốc kỹ, tám là Sơ Lặc kỹ, chín là Khang Quốc kỹ, mười là Cao Xương kỹ”.
“Yến nhạc” là âm nhạc và vũ điệu truyền thống của dân tộc Hán ở Trung Nguyên, với khung cảnh hoành tráng, không khí sôi nổi. Nội dung chủ yếu là ca ngợi Hoàng đế, chúc mừng cảnh phồn vinh thịnh vượng. “Yến nhạc” bao gồm bốn bộ nhạc vũ: “Phá trận nhạc”, “Khánh thiện nhạc”, “Cảnh vân nhạc”, “Thừa thiên nhạc”.
“Thanh nhạc” còn gọi là “Thanh Thương nhạc” cũng là một vũ điệu của dân tộc Hán ở Trung Nguyên. Vũ điệu này phát triển từ thời Hán qua các thời Ngụy, Tấn và Nam Bắc triều cho đến thời Đường. Nội dung bao gồm: “Bạch trữ vũ”, “Ba du vũ”, “Phất vũ”, “Tiền khê vũ”, “Bỉ vũ”. Một số vũ điệu dùng trong tế tự, nhưng cũng được biểu diễn khi thiết yến tiệc.
“Tây Lương nhạc” là vũ điệu có nguồn gốc từ vùng Cam Túc. Nó là kết quả của sự kết hợp giữa âm nhạc và vũ điệu của thời Hán, thời Tấn cùng âm nhạc và vũ điệu của Tây Vực. Vũ điệu tiêu biểu là điệu “Sư tử vũ”.
“Thiên Trúc nhạc” và “Cao Ly nhạc” đều là những vũ điệu của nước ngoài. “Thiên Trúc nhạc” có nguồn gốc từ Ấn Độ. Nó là âm nhạc và vũ điệu Phật giáo, truyền vào Trung Nguyên theo sự truyền nhập của Phật giáo. “Cao Ly nhạc” có nguồn gốc từ Triều Tiên cổ, là một vũ điệu mang tính nghệ thuật vô cùng mạnh mẽ.
“Quy Tư nhạc”, “An Quốc nhạc”, “Sơ Lặc nhạc”, “Cao Xương nhạc” đều xuất xứ từ Tây Vực. Vũ điệu của Tây Vực có đặc điểm là tiết tấu nhanh sôi động, điệu múa mới lạ, độc đáo. Trong vũ điệu của “Quy Tư nhạc” có các động tác như lắc đầu, nâng mắt, búng ngón tay v.v. Trong vũ điệu của các dân tộc thiểu số vùng Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Uzbekistan ngày nay vẫn còn mang những đặc điểm này. “Khang Quốc nhạc” còn được gọi là “Hồ Toàn vũ”, là điệu múa xoay tròn nhanh và mạnh mẽ như gió.
Thời Đường Huyền Tông đã phân chia vũ điệu cung đình thành “Lập bộ kỹ” và “Tọa bộ kỹ” dựa trên cơ sở của “Cửu bộ kỹ”, “Thập bộ kỹ”. “Lập bộ kỹ” thường biểu diễn ở dưới sảnh đường, quy mô khá nhỏ, tiết mục biểu diễn tương đối trang nhã. “Tọa bộ kỹ” thường biểu diễn trên sảnh đường, quy mô to lớn, chú trọng khí thế và phô trương. Nhà thơ Bạch Cư Dị từng viết rằng: “Diễn trên sảnh đường thì tọa (ngồi), dưới sảnh đường thì lập (đứng)… Lập thì rẻ rúng, tọa sang quý, Tọa bộ lui xuống Lập bộ thay, đánh trống thổi sênh và diễn tạp kỹ.”
Theo “Cựu Đường thư – Âm nhạc chí” ghi: “Nay Lập bộ kỹ gồm có “An nhạc”, “Thái bình nhạc”, “Phá trận nhạc”, “Khánh thiện nhạc”, “Đại định nhạc”, “Thượng nguyên nhạc”, “Thánh thọ nhạc”, “Nhạc thánh nhạc”, tổng cộng có tám bộ. Tọa bộ kỹ gồm có “Yến nhạc”, “Trường thọ nhạc”, “Thiên thu nhạc”, “Điểu ca vạn thọ nhạc”, “Long trì nhạc”, “Phá trận nhạc”, tổng cộng có sáu bộ.
“An nhạc” trong Lập bộ kỹ là kế thừa âm nhạc và vũ điệu của thời Bắc Chu. Bởi vì hàng ngũ của Lập bộ kỹ xếp ngay ngắn, vuông vức giống như thành quách, cho nên thời Bắc Chu còn gọi là “Thành vũ” (điệu múa thành quách). Đội ngũ biểu diễn có tám mươi người, đều đeo mặt nạ gỗ, miệng chó tai thú, cài chuỗi trang sức màu vàng kim buông xuống dọc theo mái tóc, đầu đội mũ da họa hình thú dữ. Vũ điệu mang phong cách Hồ vũ (điệu múa của người Hồ).
“Thái bình nhạc” cũng gọi là Ngũ phương sư tử vũ, người biểu diễn đông đảo, là vũ điệu nổi tiếng trong thời Đường.
“Phá trận nhạc” là điệu múa do Hoàng đế Đường Thái Tông sáng tạo. Vũ điệu ca ngợi võ công của Hoàng đế Đường Thái Tông, với 120 người biểu diễn. Điệu múa phát huy tinh thần mạnh mẽ, âm nhạc khẳng khái, hào hùng.
“Khánh thiện nhạc” cũng do Hoàng đế Đường Thái Tông sáng tạo, có 64 người biểu diễn. Vũ điệu này chủ yếu thể hiện tư tưởng dùng văn đức cai quản thiên hạ, làm cho thiên hạ an ổn, yên vui của Đường Thái Tông. [Đặc trưng của] vũ điệu là chậm rãi, tao nhã.
“Đại định nhạc” bắt nguồn từ “Phá trận nhạc”, là âm nhạc và vũ điệu thời Hoàng đế Đường Cao Tông, có 140 người biểu diễn. Vũ điệu này lấy biểu tượng bình định Liêu Đông để ổn định vùng ven biên cảnh.
“Thượng nguyên nhạc” do Hoàng đế Đường Cao Tông sáng tạo, có 180 người biểu diễn. Vì người biểu diễn mặc y phục nhiều màu sắc, tượng trưng cho nguyên khí, nên gọi là “Thượng nguyên”. Vũ điệu này mang sắc thái Đạo gia.
“Thánh thọ nhạc” do Võ Hậu của Hoàng đế Đường Cao Tông sáng tạo, gồm 140 người biểu diễn. Khi biểu diễn vũ điệu, những vũ công sắp xếp thành hàng lối, và không ngừng thay đổi. Mỗi lần thay đổi sẽ xếp thành một chữ. Vũ điệu sẽ kết thúc sau khi xếp thành 16 chữ: “Thánh siêu thiên cổ, Đạo thái bách vương, Hoàng đế vạn niên, Bảo tộ di xương”.
“Quang thánh nhạc” do Đường Huyền Tông sáng tạo, gồm 80 người biểu diễn. Vũ điệu này mang nội dung của “Thượng Nguyên” và “Thánh thọ”, là bộ nhạc vũ ca ngợi Đường Huyền Tông.
Từ “Phá trận vũ” trở xuống, “đều sử dụng đại cổ (trống lớn) âm như sấm, kết hợp với âm nhạc Quy Tư, âm thanh vang xa chấn động trăm dặm, rung chuyển cả sơn cốc”. “Đại định nhạc” kết hợp thêm nhạc cụ chiêng vàng. Chỉ có “Khánh thiện vũ” dùng nhạc Tây Lương, và là vũ điệu tao nhã nhất.
Ba vũ điệu “Phá trận”, “Thượng nguyên”, “Khánh thiện” cũng được biểu diễn trong các lễ tế tự tổ miếu. “Phá trận” là múa võ, gọi là “Thất đức”; “Khánh thiện” là múa văn, gọi là “Cửu công”. Về sau, sau khi Võ Tắc Thiên soán vị, bà đã phá hủy Thái miếu của nhà Đường. Các nghi lễ tế tự kể trên chỉ còn danh mà không còn cử hành trong thực tế.
“Yến nhạc” trong Tọa bộ kỹ gồm có bốn phần: “Cảnh vân nhạc”, “Khánh thiện nhạc”, “Tiểu phá trận nhạc”, “Thừa thiên nhạc”. Tất cả đều là các vũ điệu ca ngợi thành tựu huy hoàng của triều Đại Đường.
“Trường thọ nhạc” là vũ điệu được sáng tạo dưới thời Võ Tắc Thiên, thể hiện nội dung chúc thọ Hoàng đế.
“Thiên thụ nhạc” là vũ điệu sáng tạo khi Võ Tắc Thiên làm Hoàng đế, chủ yếu là ca ngợi công đức của Võ Tắc Thiên.
“Điểu ca vạn thọ nhạc” cũng là vũ điệu được sáng tạo dưới thời Võ Tắc Thiên. Vũ điệu này do ba người hóa trang thành hình chim, biểu diễn thể hiện lòng tôn sùng đối với Võ Tắc Thiên.
“Long trì nhạc” do Đường Huyền Tông sáng tác, là vũ điệu tao nhã, ưu mỹ.
“Tiểu phá trận nhạc” cũng là vũ điệu do Đường Huyền Tông sáng tạo và cải biên, thể hiện cuộc sống chiến đấu.
Từ “Trường thọ nhạc” trở xuống, đều sử dụng nhạc Quy Tư, các vũ công đều mang giày ủng. Chỉ có “Long trì nhạc” sử dụng nhã nhạc, không có chuông khánh, các vũ công mang giày gõ xuống nền.
(Bài viết đăng lại theo bản dịch của Epoch Times Tiếng Việt)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/43680
Ngày đăng: 25-08-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.