Vũ điệu cung đình Trung Quốc (Phần 6): Thời kỳ Nguyên – Minh



Tác giả: Như Chi

[ChanhKien.org]

Triều đại nhà Nguyên là chính quyền do người dân tộc thiểu số Mông Cổ kiến lập nên. Các vũ điệu cung đình trong thời kỳ này ngoài việc mang đậm đặc điểm của dân tộc Mông Cổ, còn dung nhập và tiếp nhận hình thức ca múa đại khúc cung đình triều Tống, từ đó tạo thành nét đặc sắc riêng. Đội vũ của thời kỳ này gồm có bốn đội: Nhạc Âm Vương đội, biểu diễn vào dịp Tết Nguyên Đán; Thọ Tinh đội, biểu diễn vào ngày lễ Thiên Thọ; Lễ Nhạc đội, biểu diễn trong các buổi triều hội. Ngoài ra còn có Thuyết Pháp đội, đại khái là dùng trong các dịp lễ Phật. Bốn đội này, mỗi đội cũng được chia thành mười đội nhỏ giống như thời Tống. Tuy nhiên, điểm khác với thời Tống là, các đội múa này không thể biểu diễn riêng lẻ mà phải kết hợp với nhau, giống như mười phần khác nhau của một tiết mục nhỏ.

Nét đặc trưng thứ nhất của vũ điệu cung đình thời Nguyên thể hiện ở phương diện mang đậm màu sắc tôn giáo. Chẳng hạn, theo “Nguyên sử – Lễ nhạc” ghi chép, trong các đội vũ nói trên, tiểu đội thứ hai của “Thuyết Pháp đội” gồm: “Mười người nữ, đội mũ tăng già, mặc thiền y màu tím, thắt lưng bằng dây lụa; tiếp theo là một người nữ mặc cà sa gấm”; tiểu đội thứ tư gồm: “Một người nam, đội mũ ẩn sĩ, mặc đạo bào lụa trắng, thắt lưng bằng dây lụa, tay cầm phất trần”; tiểu đội thứ chín gồm: “Hai mươi người nữ, đội mũ Bồ Tát bằng kim ngọc, mặc y phục đỏ thêu chỉ vàng, tay cầm bảo cái”; tiểu đội thứ mười gồm: “Tám người nữ, đội mũ thanh loa kế, mặc y phục trắng thêu chỉ vàng, tay cầm hoa sen vàng. Tiếp đến là tám người nam, mặc áo giáp vàng, đóng vai tám vị Kim Cương. Tiếp đến là một người nam đóng vai Bồ Tát Văn Thù, cầm gậy như ý; một người nam đóng vai Bồ Tát Phổ Hiền, tay cầm hoa sen Tây Tạng; một người đóng vai Phật Như Lai”. Trong đó, vừa có Phật gia vừa có Đạo gia, thể hiện tính dung hòa của các tôn giáo trong thời Nguyên. “Nhạc Âm Vương đội” cũng tương tự như “Thuyết Pháp đội”, cũng có sắm vai Ngũ Phương Bồ Tát và Lạc Âm Vương Bồ Tát.

Ngoài ra, thời Nguyên còn có một vũ điệu tán Phật (ca tụng Phật) rất nổi tiếng được gọi là “Thập lục Thiên ma vũ”. Vũ điệu kể về câu chuyện mười sáu vị Thiên ma xuất hiện dưới hình dạng của Bồ Tát, mê hoặc thế nhân, về sau bị Phật Thích Ca hàng phục. Mười sáu vũ công hóa trang thành hình dáng Bồ Tát, đầu đội mũ Phật, mặc thiên y, cổ đeo chuỗi ngọc, chân mang vân hài, một tay cầm pháp khí, một tay làm thủ ấn, hai cánh tay liên tục múa, biến hóa khôn lường. Tương truyền rằng, người xem điệu múa này đều cảm thấy nội tâm vô cùng rung động.

Ngoài các vũ điệu tán Phật, thời Nguyên còn có vũ điệu “Ngang loan thúc hạc chi vũ” rất nổi tiếng, mang đậm sắc thái của Đạo gia. Vũ điệu thông qua mô phỏng thần thái và động tác của Tiên loan, Tiên hạc để thể hiện khát vọng hướng tới cuộc sống của Tiên nhân.

Nét đặc trưng thứ hai thể hiện ở phong cách đậm chất dân tộc. Nhiều tiết mục biểu diễn trong các đội múa đều thể hiện phong cách phóng khoáng, hào sảng, nhiệt tình, đầy sức sống của người Mông Cổ. Tiêu biểu là vũ điệu “Đảo lạt”. Theo ngôn ngữ Mông Cổ thì “Đảo lạt” có nghĩa là “ca hát”. Tuy nhiên, theo tư liệu của thời Thanh, thì đây là một hình thức biểu diễn kết hợp giữa ca hát, múa, và nhạc. Vũ điệu này gần giống với các vũ điệu phổ biến như “Đăng vũ” (múa đèn) hay “Chung oản vũ” (múa bát) của người Mông Cổ ngày nay. Đều là những vũ điệu múa đơn của nữ yêu cầu kỹ thuật cao.

Nét đặc trưng thứ ba là, âm nhạc và vũ điệu cung đình thời Nguyên còn tiếp nhận phong cách múa của người Hán ở Trung Nguyên. Chẳng hạn như, quy mô và hình thức biểu diễn đều mô phỏng “Đội vũ” và “Đại khúc ca vũ” thời Tống, bao gồm cả các nghi lễ tế tự và triều hội. Vẫn duy trì hai loại “múa văn” và “múa võ” dùng để tế tự Trời đất, tổ tiên, Thần linh…, cùng với phong cách phục sức, đạo cụ và nhạc khúc.

Sau khi người Hán kiến lập triều Minh, âm nhạc và vũ điệu cung đình đã quay trở về phong cách múa truyền thống của người Hán. Vũ điệu cung đình thời Minh cũng được chia thành vũ điệu Nhã nhạc và vũ điệu Yến nhạc, nhưng thiếu sự đổi mới. “Đại khái là vẫn dựa trên các vũ điệu cũ của các thời Hán, Đường, Tống, Nguyên và chỉ thay đổi đôi chút về tên gọi”, nên ít có tác phẩm lưu truyền cho hậu thế.

Vũ điệu Nhã nhạc thời Minh vẫn duy trì hai loại “múa văn” và “múa võ”, chủ yếu dùng trong các nghi lễ tế tự, không có gì khác biệt so với các thời kỳ trước đó. Vũ điệu Yến nhạc cũng không có điểm đặc biệt nổi bật, chỉ là càng coi trọng tính lễ nghi và nghi thức. Theo “Minh sử – Nhạc chí” ghi, trong các buổi thiết đãi yến tiệc lớn, thường sử dụng “cửu tấu tam vũ” (chín bản tấu nhạc và ba điệu múa). Tam vũ gồm: “Bình định thiên hạ chi vũ”, “Phủ an tứ di chi vũ”, và “Xa thư hội đồng chi vũ”. Sau khi cửu tấu, yến tiệc kết thúc bằng một tiết mục đội vũ. Trong các buổi chầu lớn, Giáo phường ty sẽ sắp xếp Trung và Thiều Nhạc tại phía Đông và phía Tây trong điện, hướng về phía Bắc; xếp đội vũ lớn ở phía Đông và phía Tây thềm đỏ cung điện, cũng hướng về phía Bắc. Sau khi Hoàng đế tuyên chế xong, bách quan vừa múa vừa tung hô, đại nhạc được tấu lên. Nếu có sứ thần ngoại quốc đến triều kiến, khi Hoàng đế ban yến tiệc, có thể kết hợp sử dụng đại nhạc, tế nhạc và đội múa. Các đội múa trong dịp này gồm “Chư quốc lai triều chi vũ” và “Trường sinh đội chi vũ” v.v.

Tuy nhiên, vũ điệu cung đình thời Minh tiếp tục kế thừa truyền thống uyển chuyển và trang nhã trong vũ điệu của người Hán. Trong một số bản khắc hình vẽ minh họa thời Minh, có thể thấy nhiều hình ảnh thể hiện dáng múa uyển chuyển, duyên dáng. Chẳng hạn như hình ảnh vũ công múa đơn trong “Đường thi diễm dật phẩm”, hay điệu múa “Kinh hồng vũ” của Mai Phi trong “Thái Phi toàn truyện” …

Nhìn chung, vũ điệu cung đình thời Minh không có được sự hưng thịnh, bao dung và đa dạng, đạt đến đỉnh cao như ở thời Đường. Đặc điểm nổi bật của vũ điệu cung đình thời Minh là tính hình thức hóa.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/43874



Ngày đăng: 06-01-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.