Bài viết nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập trang Chánh Kiến: Tây Thi (Phần 1)
Tác giả: Thiện Hỷ
[ChanhKien.org]
Lời của Ban biên tập:
Sau khi thông báo “Kêu gọi gửi bài viết kỷ niệm 20 năm Chánh Kiến” được công bố, chúng tôi đã nhận được một lượng lớn bài gửi về. Xin chân thành cảm ơn các đồng tu về sự hỗ trợ to lớn này. Vì hạn chót nộp bài là ngày 31 tháng 12 năm 2021 nên chúng tôi đã chọn ngày 13 tháng 5 năm 2021 – ngày sinh nhật Sư phụ và ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, để bắt đầu đăng tải lần lượt các bài mà chúng tôi đã nhận được. Hiện nay đã bước sang năm 2022, chúng ta đang trên hành trình quá độ sang Pháp Chính Nhân Gian, chúng ta hãy cùng nhau tinh tấn, nỗ lực cứu độ chúng sinh và xứng đáng với ơn cứu độ của Sư phụ.
Lời mở đầu
Mặt trời ló dạng phía đằng Đông, thành phố dần thức giấc trong ánh ban mai. Trong trời đất bao la, gió lạnh đã từng rít lên, hoa tuyết tung bay, bất chợt lại thấy băng chảy tuyết tan, hoa mơ chúm chím nở đầu cành.
Mấy hôm trước, vào một đêm khuya trăng sáng vằng vặc, bốn bề tĩnh lặng, tôi thấy toàn thân mệt mỏi và đã dần chìm vào giấc ngủ say, trong mơ tôi nhớ rõ mình đang tự do bay lượn trên bầu trời xanh, xuyên qua rất nhiều đường hầm thời-không và tầm mắt tôi đột nhiên rộng mở: cách đó không xa là một biển hoa màu hồng nhạt, cảnh sắc rất mỹ diệu. Tôi bay về phía biển hoa, những bông hoa trong biển hoa ấy có màu hồng nhạt và tươi sáng, tỏa ra ánh sáng rực rỡ như thuỷ tinh. Khi đi trong biển hoa, phía dưới mặt đất dọc theo con đường hoa kéo dài về phía trước có kết cấu giống như đá ngọc bích màu xám nhạt, đi dọc theo con đường hoa đến một cung điện rộng lớn và sáng sủa. Xuyên qua hai lớp cửa tôi thấy một cảnh tượng hết sức kinh ngạc: Sư tôn đang giảng Pháp ở đó, trong đại điện có rất nhiều đệ tử Đại Pháp đang nghe Pháp. Sư tôn đang giảng đến Tây Thi, khi vừa nghe đến hai chữ “Tây Thi”, trong tâm lập tức nghĩ rằng: “Ôi! Đây chẳng phải là đang nói về tôi hay sao? Chẳng qua Tây Thi chỉ là tên gọi trước đây của tôi, giờ đây tên của tôi không phải là Tây Thi nữa. Sư phụ lẽ nào không biết tên gọi hiện nay của tôi sao?” Tôi đang suy nghĩ một cách ngốc nghếch như vậy thì liền thấy Sư tôn đang nghiêm nghị nhìn tôi…
Sau khi tỉnh dậy, trong tâm nghĩ rằng bản thân ngộ tính quá kém, phải chăng Sư tôn điểm hoá để tôi viết ra câu chuyện lịch sử liên quan đến Tây Thi thời cổ đại? Trong hơn 20 năm độc tu Đại Pháp, những ký ức về bản thân trong luân hồi của sinh mệnh khi cái tâm bị phủ đầy bụi trần thỉnh thoảng lại xuất hiện một số ký ức, tuy rõ ràng nhưng không toàn diện. Vì vậy tôi đã đem những gì thấy được trong mơ cùng những suy nghĩ và các ghi chép về Tây Thi kể lại với một vị đồng tu trong trạng thái tiệm ngộ bên cạnh tôi. Sau khi đồng tu kiên nhẫn nghe tôi kể lại đã tĩnh tâm vận dụng công năng túc mệnh thông lội ngược dòng quá trình lịnh sử của sinh mệnh đặc biệt ấy, đồng thời còn hoàn nguyên lại diện mạo chân thực vốn có của lịch sử. Vị đồng tu nói rằng, nhìn tổng quan nền văn hóa Thần truyền 5.000 năm của Hoa Hạ thì tinh tuý của văn hóa lịch sử chân thực chính là văn hóa tu luyện. Trong các triều đại ngày xưa, từ bậc đế vương hoàng tộc, giai tầng sĩ phu cho đến thường dân áo vải thảy đều là những người tu luyện kính trời hướng đạo, trong đó không ít người là những người đầy lòng nhân ái có thành tựu trong tu luyện. Bài viết dưới đây là câu chuyện lịch sử liên quan đến Tây Thi (câu chuyện về cố quốc) do đồng tu tiệm ngộ ấy kể lại.
Phần 1
Cách đây 2.400 năm, vào thời kỳ Xuân Thu, triều Chu thế nước suy bại, các nước chư hầu dưới quyền trỗi dậy. Ngô vương của nước chư hầu phía Nam là Hạp Lư nghe tin Việt vương Doãn Thường mới chết, con trai ông là Câu Tiễn nối ngôi, đã lợi dụng lúc quốc tang và vương vị của Câu Tiễn chưa ổn định mà xuất binh đánh nước Việt. Quân binh hai nước Ngô – Việt quyết đánh một trận sống mái ở Tuy Lý (thuộc địa phận Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang ngày nay), Câu Tiễn đã sử dụng mưu lược của tướng quân nước Việt là Phạm Lãi (thượng tướng quân nước Việt Phạm Lãi thời trẻ gặp được Tiên nhân truyền thụ phương pháp tu Đạo bí mật, thuận thiên ý nhập thế làm quan). Quân nước Việt đã đánh bại được quân Ngô có lượng binh lính gấp bội, Ngô vương Hạp Lư mất mạng trong trận chiến.
Sau khi Ngô vương Hạp Lư băng hà, con trai là Phù Sai kế vị, Phù Sai chịu tang cha ba năm, trong lòng ôm mối thù giết cha. Đến hạn mãn tang ba năm, Phù Sai đem tất cả tinh binh đánh nước Việt, Việt vương cũng đem đội quân hùng mạnh ra nghênh chiến. Việt vương Câu Tiễn đã sinh ra tâm lý khinh địch bởi vì ba năm trước từng đánh thắng quân Ngô, thêm nữa quốc lực và số lượng binh giáp hai nước Ngô – Việt chênh lệch khá lớn, kết quả quân Việt vương bị bao vây ở núi Cối Kê và bại trận, đành phải nghe lời can của Phạm Lãi mà đến cầu hoà với Ngô vương. Nước Việt lại hối lộ cho quan đại thần nước Ngô là Bá Dĩ, nhờ Bá Dĩ thuyết phục Ngô vương không trảm Câu Tiễn và cho phép hàng. Ngô vương ra lệnh cho Câu Tiễn ở lại nước Ngô làm nô dịch trong ba năm. Vợ chồng Câu Tiễn nhận phục dịch nuôi ngựa đánh xe trong ba năm mới được tha tội trở về nước Việt.
Câu Tiễn sau khi trở về nước liền muốn cất binh chinh phạt Ngô, Phạm Lãi đã can gián: “Ngô quốc thế nước đang cường thịnh, muốn thay đổi nước Ngô thì 10 năm cũng không đủ”. Việt vương Câu Tiễn nói: “Cô vương nghe theo lời đại thần vậy”. Phạm Lãi lại nói: “Núi sông nước chảy, đều theo nguyên lý động – tĩnh, tinh tú thay đổi sẽ chiêu mời hung cát. Ban đêm thần quan sát thiên tượng, thấy có túc chủ của tuệ tinh (sao chổi) rơi xuống nước Ngô, đây là điềm vong quốc”. Câu Tiễn hỏi: “Giết vua Ngô như thế nào?” Phạm Lãi đáp: “Không thể được! Các vì tinh tú giáng xuống thế gian là thuận theo thiên mệnh. Phụng theo thiên mệnh mà hành sự ở thế gian, nếu như giết đi sẽ bị trời khiển trách, nước sẽ không còn là nước, dân chúng sẽ chết không có chỗ chôn thân”. Câu Tiễn hỏi: “Thiên thượng vì sao phái chủ của tinh tú hạ phàm?” Phạm Lãi đáp: “Là do thiên hạ hưởng thái bình đã lâu, con người thế gian buông thả thất tình, thỏa sức chạy theo lục dục, sát phạt quá nhiều, ấy là trái với thiên đạo; chúng sinh tích nghiệp đến mức đã thành kiếp nạn nên sẽ bị trời trừng phạt”. Việt vương hỏi: “Phá giải nạn ấy như thế nào?” Phạm Lãi đáp: “Không cách nào phá giải được, chỉ có chuyển họa hướng đến nước Ngô”.
Phạm Lãi dùng đạo pháp suy ra thời thần, khu vực, tướng mạo chủ của túc tinh đang chuyển sinh. Ấy là một nữ tử ở thôn Trữ La, huyện Chư Ký của Việt quốc sinh ra vào giờ âm tháng âm năm âm tên là Thi Di Quang (Tây Thi). Đêm hôm ấy thiên tượng thay đổi lạ thường, tuệ tinh xuất hiện ở phía tây, chiều dài của nó vắt qua cả bầu trời. Sau đó tướng nước Việt tìm trong dân gian được chín mỹ nữ nổi tiếng, trong đó có Tây Thi, để giao cho hoàng hậu nước Việt dạy họ học tập nghi lễ cung đình, nhạc khí, vũ đạo cho đến trú nhan thuật (2) v.v… Ba năm sau Phạm Lãi bí mật trao cho Tây Thi quyển một trong bộ Tu Đạo Tiên Pháp là “Trường sinh thuật” cùng các loại đan dược dưỡng sinh và các phương pháp bí mật pha chế đan dược tu luyện. Đồng thời còn dạy cho Tây Thi ba loại chú quyết bí mật của tu luyện Đạo gia, phân thành thiên cấm chú, địa cấm chú và nhân cấm chú, với công năng hữu hiệu nhắm vào các sự vật trong thiên, địa, nhân. Lại còn phái xuất hai nô tì từ nhỏ đã tập luyện kỹ thuật chém giết “bách nhân trảm” đi theo Tây Thi.
Trước khi Tây Thi đến nước Ngô, Phạm Lãi đã nói rằng: “Ngô vương Phù Sai một lòng muốn xưng bá Trung Nguyên, năm trước Ngô vương và nước Tề thay nhau chinh phạt nước Lỗ, hai con hổ đấu nhau ắt có một con bị thương, kẻ chiến thắng cũng phải hao tổn nguyên khí. Phù Sai bảo thủ cố chấp, không phân biệt được ai là bằng hữu tốt, mẹ Phù Sai vì Tấn vương mà kết thân, vương hậu của Ngô vương là ruột thịt của Tề vương. Sau khi tiến cung nếu có gì bất trắc thì có thể nhờ đến thái tể Bá Dĩ, còn tướng quốc Ngũ Tử Tư chính là cái gai trong mắt, phải đề phòng cẩn thận! Đêm qua ta quan sát thiên tượng thấy có tuệ tinh treo trên Ngưu Đấu tinh, đây là điềm đại cát – tượng trưng rằng Ngô quốc sẽ diệt vong. Đến ngày nước Ngô bị diệt ta sẽ đến đón cô trở về quê hương”.
Phạm Lãi mang cống phẩm vào kinh thành Cô Tô của nước Ngô (thuộc Tô Châu, tỉnh Giang Tô ngày nay), sau khi Ngô vương Phù Sai an tọa trên vương vị, văn thần võ tướng đứng xếp hai bên. Phạm Lãi dẫn 10 cô gái nước Việt (tên nước thời Chu, ở phía đông tỉnh Chiết Giang ngày nay, sau này mở rộng đến vùng Giang Tô, Sơn Đông) vào điện, Ngô vương Phù Sai thấy 10 cô gái Việt nổi danh này nhan sắc tuyệt trần, mỗi người mỗi vẻ. Chỉ có cô gái mặc váy lụa trắng thân hình cao ráo yểu điệu, dáng vẻ dịu dàng, phong thái tao nhã, giống như hoa lan trong cốc vắng, xuất sắc hơn người. Khi được Ngô vương cho gọi thì cô gái ấy như cành liễu mỏng phất phơ trong gió tiến đến trước mặt vua. Ngô vương ngắm nhìn thật kỹ: cô gái áo trắng vầng trán hơi rủ xuống, tóc mây đen bóng đến có thể soi gương lên đó được; nước da sáng mịn, xinh đẹp thanh tú; mũi đẹp môi son, mày ngài giống như vành trăng non lưỡi liềm, mắt như điểm nước sơn, trong suốt không tỳ vết, không nhiễm bụi trần; cô gái tự báo tên họ, má đào ửng hồng, đôi mắt đẹp e thẹn, tiếng như chim hoàng oanh, trong trẻo êm tai, eo thon gọn gàng, mùi hương cơ thể ngào ngạt, ánh mắt đung đưa xoay tròn, xinh đẹp không gì sánh được. Ngô vương nghĩ thầm: Thế gian lại có người con gái đẹp như thế này ư, thật là quốc sắc thiên hương, sắc đẹp tuyệt thế; ông trời khéo tạo vật thần kỳ đến như thế. Ngô Vương hỏi: “Mỹ nhân có giỏi ca hát nhảy múa không?” Tây Thi thi lễ đáp: “Tiểu nữ có biết đôi chút”. Ngô vương nói: “Đêm nay có thể cùng mỹ nhân ca múa rồi”. Từ đó Ngô vương hết lòng sủng ái Tây Thi.
Từ khi Việt quốc bị bại trận, Ngô quốc thôn tính cả nhân lực và tài vật của Việt quốc nên quốc lực mỗi ngày một tăng, cái tâm muốn xưng bá Trung Nguyên của Ngô vương cũng ngày càng mạnh mẽ. Mấy tháng trước Ngô vương đột nhiên mắc một chứng bệnh nặng: trong mộng thường thấy một ông lão râu bạc trắng bước đến gần giường hà hơi vào mặt mũi Ngô vương, Ngô vương liền thấy đầu đau như sắp nứt ra, toàn thân vô lực, mồ hôi ướt đẫm cả y phục. Ngô vương triệu quốc sư đến bói quẻ xem sao, quốc sư đáp: “Đấy là do yêu quái quấy phá, nó là con ba ba tinh đã tu hơn ngàn năm dùng yêu pháp làm hại quốc vương”. Ngô vương kinh ngạc hỏi: “Vì sao con yêu quái ấy muốn làm hại ta?” Quốc sư đáp:”Quốc vương thích ăn thịt ba ba, đã giết rất nhiều ba ba con, ba ba cháu của lão ta nên lão ba ba tinh ôm hận muốn làm hại quốc vương”. Ngô vương bèn hạ chỉ cho quốc sư và các tướng quân đi tìm ba ba tinh trong 10 ngày liên tiếp nhưng không có kết quả, mọi người đều mặt ủ mày chau. Tây Thi nghe vậy bèn hiến kế cho Ngô vương: “Đại vương cát nhân thiên tướng, con ba ba này không đáng để ngài lo lắng, có thể đốt sừng tê giác chiếu xuống vực sâu dưới nước, ba ba tinh ắt không thể ẩn nấp được”. Ngô vương làm theo lời ấy, 10 ngày sau ba ba tinh dưới đáy sông mắc lưới, nó to cỡ một chiếc thuyền nhỏ, nặng gần 150 ký, Ngô vương ăn thịt nó xong bệnh tật liền tiêu biến. Tây Thi lại dâng đan dược tẩm bổ dưỡng sinh được bí luyện, Ngô vương hồi phục sinh lực nhanh chóng, bèn xây dựng cung Quán Oa thưởng tặng để tỏ lòng sủng ái Tây Thi.
Cung Quán Oa được xây trên núi Nghiên Thạch (nay là núi Linh Nham, Tô Châu), do mấy nghìn người ngày đêm thi công trong gần ba năm mới hoàn thành. Các bậc thềm từ chân núi đến trước cổng cung đều được lát bằng đá xanh, lan can được chạm khắc bằng ngọc thạch. Bên cạnh lan can là phong cảnh sơn thuỷ lâm tuyền, rừng trúc cao to rậm rạp. Cung Quán Oa là một hành cung được xây dựng với quy mô lớn thuộc quần thể kiến trúc cung điện theo kiểu lâm viên. Các toà lầu trong cung có vòm mái cong, tường trắng cửa đỏ, lầu cao cửa rộng, quang cảnh bao la hùng vĩ. Cung điện chính được lót bằng bạch ngọc, cột nhà làm bằng gỗ lim thếp vàng, lầu các nguy nga, mái nhà bát giác hai tầng uốn, rường cột được chạm trổ, bức bình phong phong cảnh làm bằng gấm vẽ hoa xuân tươi đẹp. Trong nội cung, lan can được làm bằng đồng kết hợp với ngọc, đồ trang sức làm bằng trân châu và đồi mồi tỏa ra ánh sáng lung linh, phát ra nhiều màu sắc. Khi mặt trời lặn về tây, hoàng hôn buông xuống, đường trên núi cách mỗi 100 mét là một cặp đèn minh châu được thắp, vô số ngọn đèn giống như những vì sao li ti trên bầu trời đêm chẳng khác chi dải ngân hà rực rỡ.
Đại sảnh của chính điện được thắp đèn đuốc sáng choang, ánh sáng phản chiếu vẻ rực rỡ của gạch vàng ngói xanh, Ngô vương mở tiệc khoản đãi quần thần, đàn sáo ca múa, âm thanh réo rắt không ngừng. Chén rượu được làm bằng sừng tê giác, đũa làm từ ngà voi, trên bàn trải đầy những món ngon rượu quý. Ba ngày sau lễ khánh thành, Tây Thi chuyển đến cung Quán Oa cư ngụ.
Tây Thi dần dần thích ứng với sinh hoạt trong cung, khi Ngô vương bận rộn với việc triều chính không ở trong cung thì mỗi ngày Tây Thi đều luyện tập kỹ năng ca múa gảy đàn, ban đêm lại tự mình pha chế các loại đan dược, đến khuya mới ngồi đả toạ tịnh tu. Ban ngày nàng thường cùng hai thị nữ là Anh Anh, Đào Đào và một số thị vệ tuỳ tùng đi đến núi Thạch Nghiên du ngoạn, bắt gặp một ổ mèo gồm bảy chú mèo con lông vàng, trong đó có một chú mèo toàn thân đen nhánh, đôi mắt màu vàng kim óng ánh rất hiếm thấy. Tây Thi đem bảy chú mèo về nuôi lớn, chỉ giữ lại chú mèo lông đen, sáu chú mèo còn lại thả về rừng. Trên thế gian này vạn vật đều có linh tính, đều biết thông nhân tính (hiểu ý của con người thông qua ngôn ngữ cơ thể) với loài khác. Dẫu là loài gà, chó, mèo, chuột cũng ẩn chứa linh tính của loài lân phượng. Con mèo lửa lông đen mình dài bốn thước, đuôi dài ba thước, to như con chó nhà, tính tình khôn ngoan, hiểu được ý người, thường nằm nghiêng mình dưới chân Tây Thi.
Ngô vương độc sủng Tây Thi khiến cho các phi tần trong hậu cung, đặc biệt là hoàng hậu Ngô vương vô cùng ghen ghét, nhiều lần buông lời gièm pha nhưng chưa thành. Tây Thi khi nghe những lời đồn ấy không những không động tâm mà còn thường lặng lẽ niệm nhân cấm chú, nhiều lần đánh bại âm mưu của kẻ ác. Lúc ấy nước Ngô và nước Tề liên kết với nhau chinh phạt nước Lỗ, nước Lỗ không địch lại nên xin cầu hoà, Ngô vương rời cung giải hòa với nước Lỗ. Hoàng hậu sai cung nữ trong cung Quán Oa bỏ độc vào canh. Trong cái nắng hè oi bức, khi tấm màn che khẽ vén lên, Tây Thi thấy cổ họng khô lấy bát canh định uống. Chú mèo bên cạnh Tây Thi bỗng có thái độ khác lạ, hai mắt nó phóng ra kim quang, lông đen trên thân dựng đứng, gào lên một tiếng, chân trước vươn tới hất đổ bát canh, khi nước canh đổ xuống đất trong chốc lát nổi lên những bọt khí nhỏ và có mùi hăng hắc bốc lên. Tây Thi đứng ngây người một lúc, còn những thị nữ xung quanh thấy vậy đều kinh hãi ôm miệng không nói được gì.
Ngô vương sau khi hồi cung nghe được chuyện này đã tra xét sự tình, ông suy nghĩ trong giây lát rồi liền đem thị nữ theo hầu trong cung ra trảm, lại cắt cử tổng quản đi theo mình phái người tiếp quản cung Quán Oa, rồi Ngô vương nói với Tây Thi: “Vương hậu và tể tướng (Ngũ Tử Tư) từng can gián ta, nói ta chỉ duy sủng ái khanh, bỏ bê triều chính, không biết tiến thủ, nên việc này chắc là do vương hậu và tể tướng làm ra”. Tây Thi dáng vẻ nghiêm nghị, mặt mày ảm đạm, hướng về phía Ngô vương hành lễ rồi nói: “Thiếp chỉ là một nữ tử yếu đuối, đem thân tâm làm vui lòng đại vương, đó là bổn phận của thần thiếp. Xin đại vương chớ trách cứ vương hậu. Tề quốc là thượng quốc của đại vương, vương hậu vốn là ruột thịt của Tề quốc, xin đại vương chớ vì tiểu nữ mà kết oán với Tề quốc”. Rồi Tây Thi lại nói: “Bốn mùa luân phiên thay đổi, quốc gia hưng vong là thiên ý khiến như thế. Thiên mệnh đang khống chế tất cả, chứ sức người không làm được. Thế nhân phàm tục tâm thuận theo nghiệp chuyển, còn vạn vật trên thế gian thì không thoát khỏi sự ước chế của thiên lý. Con người sống trên đời cần giữ thiện niệm trong tâm, thiện đãi vạn vật”. Phù Sai trầm mặc rất lâu, vẻ mặt u ám dần dần tươi tỉnh, thở dài một câu “mệnh ta là do trời, không do người” rồi quay mình rời đi.
Mấy ngày sau, Ngô Vương Phù Sai sau khi bãi triều liền đến cung Quán Oa. Từ xa đã nghe tiếng đàn réo rắt sôi nổi, giọng ca thê lương buồn da diết: “Đông lưu thủy, cầm thanh nhất khúc, đoạn tà dương, dục ngữ ảnh giác kinh; tẩy tẫn duyên hoa, uổng tự tu, vô ngữ thoại phong lưu, đãn thính yên vũ thanh. Tây lâu nguyệt, ức sơ kiến thời, tiếu doanh mâu, lương tiêu dạ vị ương; vấn quân tâm sự, kỉ đa trọng, vi thùy khinh thán tức, ly tình khổ nan lưu”.” (Nghĩa là “Nước chảy về đông, một khúc nhạc, chặn ngang ánh tà dương, muốn nói hình ảnh kinh hãi; rửa sạch vẻ đẹp hoa lệ bề ngoài, xấu hổ cũng vô ích, phóng đãng không nói nên lời, nhưng nghe tiếng mưa bụi. Tháng Tây lầu, còn nhớ khi mới gặp, mắt cười rạng rỡ, đêm đẹp chưa quá nửa đêm; hỏi thăm nỗi lòng quân vương, bao nhiêu nặng nề, vì ai mà thở dài, cách tình khổ nạn lưu).
Phù Sai xua tay bảo những thị vệ tuỳ tùng dừng lại, một mình bước vào chính điện. Phù Sai ngước nhìn bầu trời xanh sâu thẳm, chỉ cảm thấy tiếng hát trầm bổng xuyên qua bầu trời đêm, chầm chậm rót vào màn đêm tĩnh lặng…
Những ngày thu, tì nữ Anh Anh vào núi Nghiên Thạch tìm sơn trân thì gặp một con hươu mẹ sắp sinh đang nằm trong bụi cỏ, hơi thở yếu ướt, tứ chi cứng đờ, e rằng không sống được bao lâu nữa. Anh Anh trở về cung Quán Oa báo với Tây Thi, Tây Thi cho triệu thú y và thị vệ theo Anh Anh tìm đến bên bụi cỏ, chú hươu con đã sinh ra được một nửa cơ thể, hươu mẹ do yếu quá nên không có sức sinh con. Hươu mẹ thấy nhóm người đến bên cạnh thì hoảng sợ bất an, nghi ngờ thấp thỏm, khóe mắt ươn ướt, đôi mắt to của con hươu tỏ ý van xin, Tây Thi cúi người nhẹ nhàng nói: “Ta đến để cứu ngươi thoát nạn!” Nhờ thú y cứu chữa, hươu mẹ đã sinh được hươu con, nhưng hươu mẹ yếu quá không đứng dậy được, Tây Thi dặn dò cung nữ mang hươu mẹ lẫn hươu con về cung nuôi dưỡng 10 ngày, đợi khi hươu mẹ hồi phục thể lực sẽ thả về núi rừng. Vài tháng sau, thị vệ bẩm báo có một con hươu mẹ dắt theo hươu con quanh quẩn mãi trước cửa cung không chịu đi. Tây Thi ra cửa cung xem, hóa ra là chú hươu được nàng cứu lúc trước dẫn theo hươu con đến, trong miệng hươu mẹ ngậm một cây nấm linh chi khổng lồ, nó đi đến gần trước mặt Tây Thi rồi đặt cây nấm linh chi lên tay nàng, Tây Thi vô cùng vui mừng đón nhận linh chi. Hươu mẹ hướng về phía Tây Thi kêu một tiếng dài, tỏ ý quyến luyến không nỡ rời xa, rồi dẫn chú hươu con chầm chậm rời đi.
Chuyện này đã làm chấn động đến vua và dân nước Ngô trong vòng mấy ngày. Các đại thần tới tấp dâng tấu chương lên Ngô vương, nói rằng đây là điềm lành báo hiệu nước Ngô sẽ hưng thịnh. Ngô vương ở cung Quán Oa đã lắng nghe kỹ lưỡng câu chuyện hươu dâng bảo vật, cảm thấy vui mừng khôn xiết, Tây Thi hành đại lễ với Ngô vương rồi dâng lên nấm linh chi ngàn năm, Ngô vương nói: “Bảo vật này là do ái khanh hành thiện mới có được, lẽ ra nó là của ái khanh, cô vương ta không nên tham tưởng”. Tây Thi nói: “Vật này là điềm cát của quốc gia, thần thiếp không thể một mình hưởng thụ. Thần thiếp lúc nhỏ may mắn gặp được tiên duyên, được tiên nhân tu Đạo truyền Tiên pháp, thần thiếp biết cách điều chế cây linh chi ngàn năm này thành tiên đan dâng lên đại vương uống, thỉnh đại vương ân chuẩn”. Ngô vương kinh ngạc hỏi: “Ái khanh là người tu Đạo à?” Tây Thi cười đáp: “Tu Đạo bao nhiêu năm, cách bào chế các loại đan dược thiếp đều biết”. Ngô vương nói lớn: “Tốt! Cô vương lệnh cho quan thái y đem kỳ trân dị bảo cất giữ trong cung giao cho ái khanh bào chế đan dược”. Tây Thi nói: “Bẩm không biết trong cung có kỳ trân dị bảo gì?” Ngô vương nói: “Trong cung có cất giữ các linh vật ngàn năm như thủ ô, phục linh, sơn bá (sâm núi). Nếu như cần các thứ khác nàng cứ bảo các thái y tìm cho!” Tây Thi hành lễ nói: “Tạ ơn đại vương yêu mến!” Những ngày sau đó Tây Thi chiểu theo những gì viết trong sách Đạo “Trường sinh thuật” bí mật đem cây linh chi ngàn năm điều chế ra 18 viên đan dược, Ngô vương lấy 10 viên để lại 8 viên. Ngô vương sau khi dùng tiên đan linh chi thì tinh lực dồi dào, ba ngày không ngủ cũng không thấy mệt mỏi, xử lý triều chính thì hiệu quả cũng tăng gấp bội. Ngô vương vội giục Tây Thi đem các linh vật ngàn năm khác luyện thành đan để uống dần. Còn phái xuất quan ngự y đi khắp thiên hạ thu thập các loại linh vật kỳ trân dị bảo nhằm luyện ra đan dược.
Sau khi uống các loại đan dược mà Tây Thi bào chế ra, Ngô vương Phù Sai như trở thành một người khác, dũng khí cuồn cuộn, khí thế có thể nuốt trọn núi sông, Phù Sai từng nói rằng: “Nhà Chu mất con hươu, thiên hạ cùng săn đuổi!” (ý là muốn tranh giành thiên hạ). Một ngày nọ Ngô vương ở cung Quán Oa uống rượu suốt đêm, tỉnh dậy thấy trong cung sương trắng dày đặc, cứ như sương mù đang quấn quanh các cột trụ trong điện, Phù Sai bước ra khỏi tẩm cung đứng trên sân nhìn ra xa: trời trong cao rộng, nắng mai lấp lánh, mây trời mênh mông, bao trùm khắp bốn bề, trên không phảng phất những áng mây bay, chín tầng không rực rỡ ánh sáng. Quan cận thần chỉ cho nhà vua: Tây Thi mặc một chiếc váy lụa màu xanh nhạt, mảnh mai lả lướt, duỗi tay múa những điệu múa thoắt ẩn thoắt hiện trong màn mây, điệu múa biến chuyển linh động mà phóng khoáng, dịu dàng mà thanh tú, cốt cách tao nhã xuất trần, không còn là cảnh tượng của nhân gian nữa. Trong màn sương mờ ảo, hình bóng Tây Thi lúc gần lúc xa, bước chân Tây Thi khi xoay tròn khi bay bổng, lượn lờ bay nhảy…. Phù Sai tự cảm thấy mình như kẻ phàm phu vô tình lạc vào cõi tiên và may mắn gặp được nàng tiên của thiên cung, tay áo nàng tung bay theo gió, điệu múa uyển chuyển, dáng dấp xinh đẹp như tiên, ánh sáng rực rỡ, Phù Sai bất giác mê mẩn…
Ngô vương Phù Sai sau khi chinh phục được nước Việt lại tích cực mở cuộc bắc phạt diệt nước Trần, nước Tề. Các nước Ngô, Chu, Lỗ… liên minh với nhau sau đó liên minh với nước Tấn và các nước chư hầu Trung Nguyên ở Hoàng Trì (nay thuộc thành phố Thương Khâu, Hà Nam). Lợi dụng cơ hội nước Ngô binh lực rỗng không, Câu Tiễn thống lĩnh quân binh tấn công kinh đô nước Ngô, Ngô vương rút quân về, Câu Tiễn lui binh. Bốn năm sau nước Ngô xảy ra nạn đói, Câu Tiễn lại nhân cơ hội ấy dẫn quân tấn công và đánh bại quân Ngô. Ngô vương Phù Sai cố thủ kinh thành, ba năm sau thành bị công phá, Phù Sai mất, đất nước diệt vong.
Ghi chú:
(1) Cô vương: Các hoàng đế thời cổ đại ở Trung Quốc tự xưng mình là cô vương, bắt đầu từ thời Tần Thủy Hoàng.
(2) Trú nhan thuật: Công pháp nội đan giữ được vẻ thanh xuân.
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/267150
Ngày đăng: 21-02-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.