Bài viết nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập trang Chánh Kiến: Tây Thi (Phần 2)
Tác giả: Thiện Hỷ
[ChanhKien.org]
Khi đại quân của Việt vương Câu Tiễn công phá kinh thành Cô Tô của nước Ngô, Phạm Lãi sai binh sĩ bí mật hộ tống Tây Thi và hai thị nữ Anh Anh, Đào Đào ra khỏi thành, đồng thời còn dùng thuyền đưa họ đến tận hồ Chí Trạch (Thái Hồ) và gặp lại Phạm Lãi. Trời đổ mưa lất phất, mưa giăng giăng như những sợi tơ mảnh, mưa không ướt áo, đưa tay ra cũng không chạm được. Xa xa là núi xanh thấp thoáng, nước biếc nao nao, cả vùng gấm vóc đều chìm trong màn sương khói mịt mù. Rồi cơn mưa phùn ngớt dần, ánh hoàng hôn chiếu rọi lên mặt hồ, mặt nước sáng lấp lánh, sóng nước trong veo. Phạm Lãi đứng ở mũi thuyền, áo mũ chỉnh tề, vẻ mặt tĩnh lặng. Tây Thi hỏi: “Có phải tướng quân sẽ đưa tiểu nữ hồi hương?” Phạm Lãi buồn bã đáp: “Việt vương chinh phục được nước Ngô ắt sẽ tiến vào làm chủ Trung Nguyên và tranh bá với quần hùng, chúng sinh trong thiên hạ sắp gặp phải tai kiếp. Câu Tiễn là người lòng dạ nhỏ nhen, bạc bẽo vô ân, tàn nhẫn và thích giết chóc, nếu cô trở về nước sẽ chết, ở lại bên ngoài sẽ sống. Ta sẽ đưa cô đến núi Thái Hoà của nước Sở (thuộc dãy núi Võ Đang, tỉnh Hồ Bắc ngày nay) để cô tiếp tục Đạo duyên, sau đó ta sẽ quy ẩn sơn lâm”. Tây Thi quỳ trong thuyền, vẻ mặt bi thương, đôi mày hơi chau lại, đôi mắt ươn ướt gần như sắp khóc. Phạm Lãi lại nói: “Cô không phải là người phàm mà là một vì tinh tú giáng thế, Ngô Vương cũng giống như vậy. Cái thế lớn dưới gầm trời này vốn mênh mênh mang mang, thuận theo đại thế thì hưng thịnh, nghịch thế thì diệt vong. Bao việc chốn phàm trần rối rối rắm rắm nhưng thảy đều là thiên ý. Phúc và họa sinh ra từ Đạo Pháp chứ không phải từ yêu hay ghét. Vạn sự chốn phàm trần đều là sướng khổ đồng tồn, phúc họa dựa vào nhau mà tồn tại, xã tắc hưng vong, phú quý sinh tử v.v… xưa nay đều là cùng một đạo lý. Cô có tiên căn đạo cốt, hãy tu luyện và phản bổn quy chân, trở về thiên đình, đó mới là ưu tiên hàng đầu của cô”. Tây Thi nghe Phạm Lãi nói xong liền cung kính hành lễ đáp: “Tiểu nữ xin lĩnh giáo!”
Sau một tháng ròng bôn ba cuối cùng đoàn người của Phạm Lãi đã đến được huyện Thượng Dung của đất Sở (nay là khu Thập Yển tỉnh Hồ Bắc). Phạm Lãi mua cho Tây Thi một nông trại ước rộng 400 mẫu, trên nông trại có tám hộ nông nô với gần 50 nhân khẩu, bốn con bò, bốn con ngựa và các loại gia cầm khác, tổng cộng có 48 con. Sáng sớm Phạm Lãi ngồi trong đại sảnh của gian nhà chính, Tây Thi sau khi hành lễ xong thì ngồi ở phía bên phải của đại sảnh, Anh Anh và Đào Đào đứng hầu hai bên Tây Thi. Phạm Lãi nói: “Đạo sinh âm dương, hoá ra vạn vật”. Tuân theo âm dương của thiên địa vốn là điều huyền diệu vô song, là đạo cao nhất. Trên trời có Thần, dưới đất có quỷ, gia cầm có sinh, muông thú có tử, có trống rồi lại có mái, sinh sinh hoá hoá (vạn vật tương sinh biến hóa không ngừng), sinh trai đẻ gái, đó là số tự nhiên, không thể dễ dàng thay đổi được”.
“Đại Đạo ẩn tàng không dấu vết, đơn giản mà vô hình. Người tu Đạo cần gột rửa thân tâm để tiến nhập vào cảnh giới thực sự của cõi Thái Hư, siêu phàm nhập thánh, thoát khỏi sinh tử. Hoà cùng một thể với Đạo, không sinh không diệt, không tăng không giảm, mãi tồn tại với thiên địa, tỏa sáng cùng nhật nguyệt. Phạm Lãi lại giảng giải thêm về ý nghĩa của các đạo lý trong quyển “Trường Sinh Thuật”, nói rằng Tây Thi có rất nhiều sự liên hệ với tiên duyên, sau khi dùng tiên đan thì tầng thứ tu Đạo có thể siêu việt cảnh giới “Địa Tiên”. Phạm Lãi cũng truyền lại cho Tây Thi quyển thứ hai của “Thần Tiên thuật” nói về phép tu Tiên tu Đạo, ông còn giảng Đạo thêm trong 100 ngày rồi mới rời đi.
Vài năm sau Đào Đào được gả cho một nông dân trên nông trại, về sau sinh được sáu con trai và một con gái, cô phụ giúp chồng đảm đương công việc đồng áng; Anh Anh sau khi lấy chồng lại gặp cảnh không may, chồng chết nên cũng không có con, cô trở về hầu hạ bên cạnh Tây Thi. Ngoài những lúc đả tọa tu định cả ngày ra Tây Thi thường cùng Anh Anh, Đào Đào vào núi Thái Hoà thu hái các loại kỳ trân dị thảo về bào chế thành đan dược, trong mấy mươi năm Tây Thi đã đi khắp các vùng Thần Nông Giá, dãy Tần Lĩnh và khu Ba Thục.
Một tối mùa đông nọ, bên ngoài tuyết muộn phủ đầy non, vạn vật tiêu điều, màn đêm mỏng lơ thơ, gió thổi rét buốt, trong nhà ngọn “nhạn ngư đăng” tỏa ra ánh sáng huyền ảo, sắc vàng ấm áp của ngọn đèn hắt lên giấy dán cửa sổ phản chiếu bóng dáng của chủ nhân và người thị nữ. Anh Anh giờ đây tóc đã ngả hoa râm, những nếp nhăn ngang dọc hằn trên khuôn mặt, ánh mắt của người từng trải bao thăng trầm giờ trông hiền hoà, Tây Thi ngồi đối diện với cô. Thật ngạc nhiên thay! Qua mấy mươi năm tinh tấn tu Đạo trong từng ngày cộng với việc uống tiên đan linh dược, thời gian dường như không thể để lại dấu vết trên sinh mệnh Tây Thi, gương mặt cô vẫn giữ nguyên vẻ thanh khiết không tì vết, thần sắc rạng rỡ, nét mặt tươi sáng, mắt hạnh đen lay láy, nụ cười diễm lệ.
Nhờ trường kỳ tu định, tư tưởng của Tây Thi đã rất thanh tỉnh, có thể ra vào cõi tiên, luyện hình đắc đạo, thăng đến cảnh giới “thiên tiên”. Nhìn được vạn vật hình trạng đa dạng, hiểu thấu tạo hoá. Thân tuỳ tâm động, cưỡi gió không rơi, thiên biến vạn biến, biến hoá rất kỳ diệu. Mấy năm sau đó Anh Anh và Đào Đào lần lượt qua đời, Tây Thi thường một mình đi vào trong núi tìm các hang động của Thần Tiên và ngồi đả tọa tu định, đồng thời ngăn cản mọi việc phàm can nhiễu đến tu luyện, cô ở trong đó nhiều năm không quay về nhà.
Tây Thi vân du đến vùng trung bộ của Ba Thục. Trời đương vào cuối thu, bầu trời trong veo cao vòi vọi, những hàng cây cổ thụ vươn đến tận tầng mây, những cây thông và bách ôm lấy nhau, lá thu vàng óng, từng lớp từng lớp rừng nhuộm màu rực rỡ, cảnh sắc tươi đẹp. Núi non tĩnh lặng, u tịch, sâu hun hút, chỉ có tiếng chim kêu cốc cốc. Càng đi về phía trước khung cảnh càng thay đổi, núi, đá, suối, rừng phản chiếu sắc mùa thu, núi cao khe sâu, khói sương mờ ảo khó nhìn đến được đáy khe, đến giữa lưng chừng núi mây và mưa dường như chỉ cách mặt đất tầm gang tấc, bước lên không trung mây mọc dưới chân. Trong làn sương khói bồng bềnh các hang động của Thần Tiên hiện ra thấp thoáng.
Trong bóng núi những cành thông và dây tử đằng đan chen nhau dệt nên một vùng xanh thẳm, mùi dược liệu phảng phất như có như không, hương thơm lạnh tràn vào mũi. Dưới đáy vách núi mọc ra nhiều hoa cỏ kỳ dị. Trong khe hở của vách núi này mọc ra một cành cây trông thô như cái thùng gỗ, da cây bị rách toạc để lộ ra nửa thân hình một người phụ nữ màu xanh lục, hình người này không có tóc và lông mày, đầu hơi cúi, mắt nhắm, hình người có đủ cả ngũ quan, trán nhô hẹp và bộ ngực cao. Theo sách tiên ghi chép lại thì loài này là linh vật của tiên gia, thường được gọi là nhục khuê. Nó đã sống qua 1000 năm ở nơi đại âm này, thu thập tinh hoa của trời đất rồi hoá thành hình tượng con người, theo y học thì nó có tính âm hàn, có tác dụng giúp tư âm dưỡng thể, thanh tâm dưỡng thần. Người tu Đạo ăn loài thực vật này vào sẽ có được tác dụng to lớn trong việc bồi bổ bản thể, là vật cực kỳ hiếm có. Từ chỗ gốc cây đột nhiên có tiếng sột sột soạt soạt vang ra, Tây Thi lắng nghe kỹ, hoá ra là năm con chuột núi khổng lồ đang gặm rễ cây, suýt nữa thì làm rễ cây đứt đoạn. Tây Thi vội vận dụng pháp thuật đuổi lũ chuột núi đi, nhưng rễ của cây nhục khuê đã bị cắn đứt, thân người nữ màu xanh lục trên cái cây dường như đang vô cùng đau đớn, vẻ mặt bi thương rồi sau đó lặng đi. Tây Thi mang hình người của cây nhục khuê vào động tiên hấp lên ăn. Mùi vị thanh tao, thơm lừng, ăn vào thấy mềm dẻo, hương vị tinh tế. Sau khi ăn nhục khuê được vài ngày cô cảm thấy thân thể khoan khoái, trăm mạch lưu thông, từ lông, tóc và da tỏa ra mùi hương thanh thoát đặc trưng của thực vật. Da trở nên rất trắng trẻo, mềm mại, mịn màng. Tây Thi không hề cảm thấy đói hay khát, cứ như vậy cô đã đả tọa tu định trong ba năm.
Sau khi xuất định Tây Thi quay trở về nông trại trên núi Thái Hoà nghỉ ngơi vài tháng rồi đi sâu vào vùng núi Thần Nông Giá. Chỉ thấy những đỉnh núi cao chọc trời, những hẻm núi sâu hun hút, trong núi kỳ sơn dị thạch, kỳ hoa dị thảo, kỳ thú dị điểu có ở khắp mọi nơi. Thi thoảng cô gặp những người hoang dã với thân mình mọc đầy lông màu nâu, tóc cũng nâu. Những người hoang dã này cao lớn, khỏe mạnh, hành động nhanh nhẹn, họ có đôi mắt màu nâu sẫm, không nói được tiếng người, chỉ biết hú và gầm. Tây Thi ở trong hang động tu định, quan sát và phát hiện ra nguồn gốc của tộc người hoang dã: Tổ tiên của những người này là một nhánh tộc người miền núi dưới thời cai trị của Thần Nông Viêm Đế, mặc dù họ tôn Thần Nông làm hoàng đế nhưng thực tế họ tin vào tà Thần và thờ phụng quỷ mị, không nghe theo sự giáo hoá của vương pháp, không có đức và làm việc ác nên bị trời khiển trách, khiến ngoại hình của họ dần dần trở nên giống với thú, nhưng tộc người ấy vẫn còn chút huyết mạch của Thần Nông lưu lại nên vẫn tồn tại được đến ngày nay. Những người hoang dã này ở trên núi hái quả dại, ăn thịt sống, dựng nhà trên chỗ chạc ba của các cây đại thụ, dân làng sống dưới chân núi gọi họ là quỷ núi hay đô núi (những kẻ sống trên núi).
Tây Thi ở trong núi tu Đạo, rời xa khỏi chốn phàm trần phồn hoa huyên náo, trong định cô dùng trí huệ quan sát thấy: tháng năm qua mau như nước chảy, hồng trần như cõi mộng, trong vạn vật thì cái diệt gắn liền với cái sinh, cuối cùng tất cả đều không thể trường cửu.
(còn tiếp)
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/267150
Ngày đăng: 26-02-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.