Bài viết nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập trang Chánh Kiến: Tây Thi (Phần 3)



Tác giả: Thiện Hỷ

[ChanhKien.org]

Phần 3

Khi Tây Thi đang trong định, cô từng có lúc cảm nhận được bên ngoài hang có một linh vật đang nhìn trộm mình, cô mở pháp nhãn quan sát thấy đó là một con linh miêu trong núi với toàn thân trắng như tuyết, đôi mắt sáng rực, nó hấp thụ linh khí của trời đất và đã sống được hơn 200 năm. Quan sát xong Tây Thi lại tiếp tục tu định, khoảng thời gian ba năm trong định linh miêu trắng nhiều lần đến quanh quẩn bên ngoài động mà không chịu rời đi. Thời hạn đã đến, Tây Thi xuất định và bước ra khỏi hang động. Trời đương vào đầu xuân, cây rừng đâm chồi nảy lộc, cỏ non nhú lên những lá xanh mềm mại không ngừng rung rinh trong gió, cứ như đang nhẹ nhàng nhảy múa cùng gió xuân. Chỉ thấy Tây Thi đứng bên ngoài hang động, con linh miêu trắng đang cúi mình trên mặt đất cách cửa động không xa, mõm đặt giữa hai bàn chân trước trong tư thế phủ phục, miệng nó phát ra những tiếng meo meo liên tục. Tây Thi dùng công năng tha tâm thông để đoán biết suy nghĩ của linh miêu. Từ trong tư tưởng linh miêu phát ra giọng nói như của một bà lão, rằng: “200 năm trước, ta đang tìm thức ăn trên núi thì gặp phải một con gấu rừng cướp thức ăn làm ta bị thương nặng đến sắp chết. Có một vị Tiên nhân tu Đạo trong núi tình cờ đi ngang qua, thấy ta bị thương nặng chỉ còn chút hơi tàn, cái thai trong bụng cũng khó giữ được, ông không nỡ nhẫn tâm nhìn vậy nên đã ra tay cứu ta. Ông ấy cho ta uống tiên đan, lại bôi thuốc trị thương bên ngoài rồi để ta nghỉ ngơi dưỡng thương trong trăm ngày, sau đó ta bình phục trở lại như thường. Từ đó ta đi theo vị Tiên nhân ấy, ngài ấy đã đặt cho ta cái tên ‘Tiểu Bạch’. Đến khi vị Tiên nhân ấy đắc Đạo phi thăng đã để lại cho ta một lọ tiên đan và dặn rằng: ‘Sau này sẽ có một người mặc y phục trắng tu đạo trên núi, người ấy có duyên phận rất lớn với ngươi, hãy cứ chờ đợi’. Mấy năm nay ta thường thấy Tiên tử tu Đạo trong động mà tiên khí vờn quanh, từ thân Tiên tử tỏa ra thần quang rực rỡ, nên ta đặc biệt đến đây tìm. Xin Tiên nhân hãy thu nạp Tiểu Bạch, Tiểu Bạch nguyện làm hộ pháp cho Tiên nhân mà thành tựu công đức!” Tây Thi dùng công năng quan sát thấy mình quả thực cùng linh miêu Tiểu Bạch có quan hệ nhân duyên, liền nói: “Hãy ở lại đây hầu cận bên ta”. Tây Thi vẫy tay, linh miêu bò đến dưới chân Tây Thi, cô lấy từ tay áo ra một lọ tiên đan phục linh đưa cho Tiểu Bạch uống. Tiểu Bạch đứng dậy, khẽ cọ đầu vào quần áo của Tây Thi, từ cổ họng phát ra những tiếng gừ gừ vui vẻ. Tiểu Bạch theo Tây Thi trở về nông trại, già trẻ trai gái trên trại đều cảm thấy hết sức ngạc nhiên và thường xuyên quan sát Tiểu Bạch, nhưng nó lại tỏ vẻ thờ ơ và coi mọi người như không.

Chú linh miêu Tiểu Bạch thường quanh quẩn bên Tây Thi. Những khi Tây Thi đi vào sâu trong núi tìm thảo dược hoặc đả tọa tu định thì hậu duệ của Tiểu Bạch thường bắt đủ loại chim thú trong núi để cho nó ăn; khi có quá nhiều thịt thừa, Tây Thi hái thảo dược trộn với muối đem ướp thịt phơi khô, Tiểu Bạch cõng thịt khô về trang trại dưới chân núi cho người dân trại ăn. Dân làng lại làm hai cái túi vải đặt lên lưng Tiểu Bạch để nó mang quần áo và nhu yếu phẩm trở lại chỗ Tây Thi.

Men theo núi Thái Hoà (thuộc dãy núi Võ Đang) về phía Tây là những dãy Tần Lĩnh, dãy Đại Ba, dãy Tần Ba trải dài hàng ngàn dặm. Những ngọn núi cao tráng lệ, thế núi hiên ngang, quần thể núi trùng điệp cheo leo hiểm trở, hùng vĩ hiếm thấy. Biển rừng bao la xanh như ngọc, những vách đá nối tiếp nhau, uốn lượn nhấp nhô, mây trắng vờn trong khe núi phủ đến tận đỉnh trời. Trên dãy núi không chỉ có nhiều loại mãnh thú như hổ, báo, gấu mà còn có nhiều loài thú kỳ lạ như trâu rừng, sói đầu lừa và kỳ lân. Kỳ lân trông giống như một con linh dương lớn, bộ lông màu nâu đen, giữa trán có một chiếc sừng cong màu đen, to như sừng bò. Chiếc sừng trên trán của kỳ lân cái khá nông và nhỏ.

Trên vách đá cheo leo của các mạch núi trong dãy Tần Lĩnh mọc ra rất nhiều nấm linh chi, là một loại thảo dược trong chín đại tiên thảo của Trung Hoa. Hơn một tháng sau Tây Thi tìm được một cây linh chi ngàn năm, đồng thời còn tìm trong núi được những dược liệu khác để phối luyện với linh chi thành đan dược. Cô tìm một động tiên để tu định, linh miêu Tiểu Bạch đang nằm yên ở cửa động cách đó không xa.

Thời gian trôi mau, vật dời sao đổi, trong định Tây Thi dựa vào huệ ngộ thấy được: Đời người tựa sương mai, người không có Đạo như cây không rễ, như nước không nguồn, đời người như ở quán trọ, đời đời trôi qua đều như khách qua đường. Nếu như chấp trước vào cái vỏ nhục thân này thì càng ngày bản tính sẽ càng suy mòn, nếu như buông xả thân người, mượn giả tu chân thì tư tưởng sẽ trống rỗng thuần tịnh, thanh khiết không nhuốm bụi trần, trở về với đạo thái hư, như thế ắt tâm sẽ không động, niệm trần sẽ không sinh, thân tâm tịch diệt, nhập định được thâm sâu mà không biết bao nhiêu năm tháng đã trôi qua. Mấy năm sau nữa Tây Thi mới xuất định, linh miêu Tiểu Bạch vẫn nằm trước của động, khi thấy Tây Thi bước ra Tiểu Bạch vui mừng nhảy lên, chạy quấn quýt quanh Tây Thi. Tây Thi đếm ngón tay, tính ra mình đã nhập định được chín năm. Tây Thi tự mình uống một viên tiên đan linh chi, lại cho Tiểu Bạch một viên. Họ trở về trang trại dưới chân núi Thái Hòa, nhìn thấy một con hổ vằn sặc sỡ trong một cái hang ở lưng chừng núi đang nhìn lên sườn núi và gầm lên. Khi này lông trên lưng Tiểu Bạch dựng cả lên, miệng nó không ngừng gầm gừ. Con hổ vằn sặc sỡ này đang rình nấp và định chạy lên sườn núi. Tây Thi đứng yên, tĩnh tâm định thần lại và bắt đầu niệm “địa cấm chú”, chỉ thấy con hổ tiến lên phía trước được vài bước thì thân thể bắt đầu run rẩy, nó kêu rống ầm ĩ rồi ngã xuống đất, toàn thân co giật. Sau khi Tây Thi niệm chú xong con hổ bất đắc dĩ đứng dậy, nó bước đi những bước vô hồn, đuôi cụp xuống vội bỏ chạy xuống núi. Tây Thi niệm thêm một lượt “địa cấm chú” rồi cùng Tiểu Bạch xuống núi.

Về đến nông trại tất cả già trẻ lớn bé, nam nữ trên trại đều gọi Tây Thi là lão tổ tông hoặc là bà lão Thần Tiên, quỳ xuống bái lạy không ngừng. Tây Thi thầm nghĩ: “Đạo lớn được thi hành thì thiên hạ là của chung, vậy cần phải giáo hoá chúng sinh, ban ân cho vạn vật”. Thế là Tây Thi đã giảng dạy chân lý đạo pháp cho dân chúng trên nông trại, dạy con người hãy lấy đức làm gốc, trừ bỏ hành vi ác, thanh tâm quả dục, hành thiện tích đức, phản bổn quy chân. Người dân trên trang trại thấy Tây Thi đã hơn trăm tuổi mà tóc vẫn đen mượt như lụa, gương mặt trẻ trung đẹp như ngọc, khí chất thanh nhã dịu dàng, điềm đạm xinh đẹp, trông cứ như thiếu nữ. Mọi người thì thầm với nhau, họ cảm phục trước Đạo pháp cao thâm của Tây Thi nên đã vui vẻ quy phục và tuân theo lời dạy của chủ nhân, từ đấy tai họa trên nông trang được tiêu trừ, quanh nông trang mây lành bao phủ, phúc phận trường tồn.

Tây Thi hành tẩu chốn phàm trần thế tục đầu đội một chiếc mũ màn (còn gọi là mũ nhã mạo, là loại mũ rộng vành, mép vành có tấm màn bằng vải trắng phủ xuống che lấy mặt), mình mặc váy trắng, bên cạnh có một con con linh miêu khổng lồ cùng tháp tùng, con linh miêu toàn thân lông trắng tính tình ôn hoà, rất biết nghe lời. Con người thế gian nhìn thấy thảy đều kinh ngạc trước người phụ nữ kỳ lạ trong trang phục trắng như tuyết này, họ cho rằng cô là Thần Tiên trên núi vô tình lạc vào chốn hồng trần nên tranh nhau đến bái lạy.

Một hôm Tây Thi đang vân du qua một sơn thôn của huyện Hy Thủy (nay là thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc) thì thấy trước nhà nào cũng treo khăn trắng, trong nhà vọng ra tiếng khóc. Tây Thi bước tới hỏi một bà lão rằng tại sao lại như vậy. Bà lão đáp: “Quý nhân không biết đâu, cách đây mấy hôm trong thôn có hơn 20 người già trẻ lớn bé đi thuyền đến chợ huyện, thuyền đi được mấy dặm thì mặt sông vẫn thanh bình, rồi bỗng đâu sóng dữ nổi lên nhấn thuyền chìm xuống nước, tất cả thôn dân đều vùi thây nơi đáy nước. Thi thoảng có người đi ngang qua núi nhìn thấy có một con giao long đang khuấy nước dưới sông, ắt hẳn thuyền chìm là do con ác long ấy tác quái rồi”. Nói xong bà lại khóc lên một trận, nét mặt buồn bã bi thương.

Tây Thi đi từ cửa thôn ra đến bờ sông, lấy từ tay nải ra chiếc bát gỗ đổ nước sông vào làm phép rồi đổ nước trở lại sông và triệu con giao long đến chất vấn. Ước chừng một khắc sau bỗng có gió mạnh nổi lên, trời đất tối đen, sấm chớp ầm ầm, âm thanh chấn động tứ phía, mưa to như trút, sóng lớn dâng tới trời. Rồi có một con giao long một sừng đang vùng vẫy trong làn sóng đục ngầu, khi nó yên lặng thì cái đầu rồng một sừng khổng lồ ló trên mặt sông, mắt giao long nửa đen nửa đỏ sáng như hai hòn than, nó hướng về phía Tây Thi rống lên như trâu; khi ấy trong tư tưởng của Tây Thi nghe thấy giọng nói hung bạo của một người đàn ông trung niên truyền đến: “Cô là ai, tại sao lại đến quấy rầy giấc ngủ của ta, còn gọi ta có việc gì?” Tây Thi đáp: “Ngươi sao lại dám dìm hơn 20 mạng người xuống lòng sông?”

Giao long đáp: “Thôn dân vùng này bất kính với Thần minh, thường đổ phân, nước tiểu xuống sông làm ô nhiễm thủy phủ. Ta giết người cũng chẳng qua là để cảnh cáo bọn phàm phu đó thôi”. Tây Thi nói: “Quốc có quốc pháp, Tiên có tiên quy, những việc này nên báo lên thiên đình để trừng phạt kẻ ác, chứ không nên lạm sát thế nhân như vậy. Tội lỗi! Tội lỗi!” Ác long gầm lên nói: “Cô là người phương nào, chuyện này có can hệ gì tới cô, hãy mau rút lui nếu không ta sẽ giết”.

Tây Thi đáp: “Người tu Đạo là thay trời hành Đạo, bảo vệ thiên pháp nhân Đạo là trách nhiệm của người tu Đạo, chớ nói nhiều lời”. Con ác long nói một cách khinh bỉ: “Là mi tự tìm cái chết!” Rồi nó lặn xuống sông, trong phút chốc, nước sông dâng cao, trời mưa to như trút nước, nước sông dâng lên cuồn cuộn, nước tràn cả lên đê.

Tây Thi đứng bất động dưới trận mưa như vũ bão, nét mặt thản nhiên, miệng bắt đầu niệm “thiên cấm chú”. Chỉ thấy vô số tia ánh sáng trắng phát ra từ cơ thể Tây Thi, những luồng ánh sáng trắng từ miệng cô bắn về phía con giao long trong nước, con ác long vốn kiêu ngạo hống hách giờ bỗng như bị đao chém, đầu tiên nó nằm im bất động sau đó vùng vẫy giãy giụa. Phút chốc sau nó nổi lên mặt sông, thân nó chuyển sang trắng bệch bất động, Tây Thi dừng niệm chú, con giao long mở giọng cầu xin một cách yếu ớt: “Xin đừng niệm nữa!” Tây Thi phán: “Chớ hành ác với thế nhân làm nhiễu loạn phép tắc chốn hồng trần! Hãy quay về thủy phủ cho mau!” Giao long bẩm: “Xin nghiêm cẩn tuân mệnh!” Nó lăn qua lộn lại trong nước rồi rời đi. Mưa to bỗng tạnh, mây tan mù tản, bầu trời xanh thẳm như được ai gột rửa trong veo, gió nhẹ từng đợt thổi, sắc núi đẹp mênh mang. Tây Thi thấy việc đã xong bèn cùng linh miêu Tiểu Bạch rời đi.

Tây Thi vân du khắp thiên hạ, khuyến thiện trừ ác, hợp nhất hành động và tri thức, thực hành ý nghĩa chân chính của đạo pháp, học theo thiên địa, thực hành đạo thiện như nước, đức như núi, khiêm nhường cung kính, tâm nghĩ đến chúng sinh, hậu đức tải vật, cần mẫn thông thái, thanh tĩnh vô lo, vô tư quên mình, từ đó ngộ triệt để đại đạo. Tuy thân tại hồng trần nhưng tâm tại thế ngoại.

Thời gian vụt trôi như nước chảy, chẳng bao lâu mà 500 năm chốn trần thế đã trôi qua. Vạn sự trong chốn hồng trần chớp mắt đã thành dĩ vãng.

Tây Thi vân du đến núi Tây Nhạc Thái Hoa Sơn, tìm được một động tiên ở Thần Phủ rồi vào đó nhập định thâm sâu trong 18 năm. Một đêm nọ Tây Thi cảm thấy ở chỗ bụng dưới có một viên đan to như trứng bồ câu phát ra ánh sáng rực rỡ tứ phía, viên đan to dần lên, rồi bỗng đâu một tiếng động lớn vang lên, tứ chi và xương cốt của Tây Thi đều bị chấn động mạnh, trong nháy mắt cô biết được tất cả những gì xảy ra trong quá khứ và tương lai: chân thân của cô vốn là Túc Tinh (sao Tinh), do thiên tượng biến hoá mà lạc vào cõi phàm trần, thuận theo thiên ý mà diễn một màn kịch chốn hồng trần, bây giờ sứ mệnh đã hoàn thành, chính là có thể đắc Đạo quy vị, cô đang liên tưởng về vô vàn những chuyện xảy ra trong quá khứ và tương lai. Linh miêu Tiểu Bạch đang ngủ say thì bị tiếng nổ của viên đan đánh thức, Tiểu Bạch vội chạy vào hang động thì thấy Tây Thi đang ngồi ngay ngắn nhập định, nó thở phào nhẹ nhõm chạy đến nằm bên cạnh Tây Thi, tựa đầu vào chân Tây Thi; trong khoảnh khắc từ miệng và mũi Tiểu Bạch bay ra một luồng khí trắng rồi tụ lại thành một quả cầu ánh sáng trắng ngưng lại trước mặt Tây Thi rất lâu mà không tản đi. Tây Thi nói: “Ta và Tiểu Bạch nhiều năm nương tựa lẫn nhau, trải qua bao ma nạn, cùng nhau đi qua 500 năm chốn hồng trần, thật là đáng quý. Mọi việc trên thế gian đều có quan hệ nhân duyên, duyên còn nên tụ, duyên hết nên tản, như hôm nay công đức của ngươi đã viên mãn, tương lai thật tươi sáng, ta và ngươi mỗi người đều có chốn quay về khác nhau, đều có thiên mệnh của riêng mình. Đạo pháp hư vô, vô thủy vô chung, duyên khởi duyên diệt, duyên phận giữa chúng ta đến đây là tận, ngươi hãy trở về đi!”

Quả cầu ánh sáng rơi xuống đất hóa thành hình tượng trước kia của linh miêu Tiểu Bạch và bước ra khỏi hang, hồn phách của linh miêu Tiểu Bạch đang rơi lã chã những giọt châu, thuận theo khi những giọt nước mắt rơi xuống thì khuôn mặt của con thú dần dần biến thành mặt người, bốn chân thú lần lượt biến thành tay chân của con người, cuối cùng toàn thân nó biến thành hình tượng một cô gái trẻ tuổi rồi cùng Thần hộ pháp Kim Giáp bay lên không trung. Tây Thi quan sát biết được: Tiểu Bạch vốn là địa sát tinh chuyển thế, giờ đây sứ mệnh viên mãn phi thiên trở về.

Đến khi trời sáng thì âm thanh của thiên nhạc vang lên trên bầu trời, một vị Tiên quan mặc y phục tím đến truyền pháp chỉ của Thiên Tôn (Nguyên Thủy Thiên Tôn), tuyên bố rằng Tuệ Túc Tinh Chủ có thể quy vị. Rất nhiều thiên binh thiên tướng hiện ra trên bầu trời hộ giá cỗ xe thiên mã do hai con ngựa kéo, dẫn đầu là một đội 12 thiên nữ, chân thần của Tây Thi khi ấy vội vứt bỏ lớp vỏ nhục thân, khoát tay phong kín hang động lại rồi theo các thiên nữ tiếp dẫn lên thiên xa, trở về thiên đình…

Lời kết

Thời gian thấm thoắt đưa, năm tháng thanh xuân rồi cũng hết, hình dáng đẹp đẽ kia từ lâu đã không còn tồn tại trong tâm tôi nữa, mất đi cái hình hài ấy lâu như vậy rồi tôi mới biết trước giờ tôi chưa từng “sở hữu” nó. Những khi sinh mệnh ở trong thống khổ của ma nạn và những lúc bất lực không biết phải làm sao khiến tâm tôi xao động, tôi luôn tự hỏi mình rằng: Vì sao tôi lại đến với thế giới này? Vì sao kiếp nhân sinh của tôi lại có nhiều thống khổ đến như vậy?

Đời này may mắn nghe được Phật Pháp, thông qua tu luyện Đại Pháp cuối cùng tôi cũng minh bạch được sinh mệnh vì sao tồn tại, ý nghĩa thực sự của sự tồn tại của sinh mệnh là để “phản bổn quy chân”, quay trở về. Trong 21 năm tu luyện Chính Pháp tôi đã trải qua khoảng thời gian luyện ngục nhân tính tàn khốc nhất trong cái thế giới đen tối nhất, trong khoảng thời gian ấy nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp giống như ngọn hải đăng trong đêm tối dẫn dắt vượt qua cạm bẫy của lầm lạc và cái chết, khi trong ma nạn phải chịu uy hiếp của sinh tử tôi đã thực sự buông bỏ sinh tử và thực hiện lời hứa mà tôi đã hứa với Sáng Thế Chủ cùng các vị Thần từ tiền sử, kiên định bước trên con đường thực hành chân lý của vũ trụ.

Tôi thành tâm hy vọng rằng mỗi từng con người thiện lương trên thế giới có thể tìm thấy đích đến thực sự của cuộc đời trong Pháp Luân Phật Pháp và có được hạnh phúc và tương lai tốt đẹp nhất.

Hết.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/267150



Ngày đăng: 29-02-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.