Tôn chỉ Cuộc thi Võ thuật của đài truyền hình Tân Đường Nhân: Phục hưng truyền thống, hoằng dương võ đức
[ChanhKien.org]
Loạt bài viết điểm lại về Cuộc thi Võ thuật truyền thống Trung Hoa toàn thế giới lần thứ 7 năm 2022 của Đài truyền hình Tân Đường Nhân NTDTV (1)
Cuộc thi Võ thuật truyền thống Trung Hoa toàn thế giới (International Chinese Traditional Martial Arts Competition) lần thứ 7 năm 2022 của đài truyền hình Tân Đường Nhân đã bắt đầu.
Kể từ cuộc thi đầu tiên vào năm 2008 đến năm 2022, Cuộc thi Võ thuật của đài truyền hình Tân Đường Nhân đã trải qua 13 năm. Trong sáu cuộc thi trước đó, 22 thanh bảo kiếm giải vàng đã được trao với tổng số tiền thưởng là 272.300 đô la Mỹ.
Trên con đường quảng bá võ thuật truyền thống, sự kiên trì với võ thuật truyền thống của Cuộc thi Võ thuật Tân Đường Nhân đã thắp lên những hoài bão đang dần lụi tàn của thế hệ võ sĩ xưa, đã củng cố quyết tâm của thế hệ trung niên được kế thừa di huấn của thầy và định hướng tương lai cho các bạn trẻ học võ, đồng thời quy tụ ngày càng nhiều bạn đồng hành cùng nhau khôi phục lại môn võ thuật cổ truyền đang dần bị mai một.
Điểm lại Cuộc thi Võ thuật lần thứ 7 năm 2022, tôi xin dùng bài viết này để điểm lại một số nội dung trong giải đã qua, rất mong có nhiều người trong giới võ thuật và những người đam mê võ thuật cùng tham gia giải đấu, hoằng dương (phát huy) võ thuật truyền thống.
Võ thuật truyền thống chân chính là văn hóa Thần truyền
Mở đầu của “Cuộc thi Võ thuật truyền thống Trung Hoa toàn cầu của Đài truyền hình Tân Đường Nhân” năm 2022, tôn chỉ đầu tiên của cuộc thi nêu rõ: “Cuộc thi nhằm mục đích kế thừa và phát triển võ thuật truyền thống, hoằng dương võ đức và phục hưng văn hóa Thần truyền của Trung Hoa”.
Từ “võ thuật” đã ăn sâu vào trái tim của người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, khái niệm võ thuật của đa số người lại mơ hồ hoặc thậm chí là sai lầm. Có người cho rằng võ thuật là một môn thể thao rèn luyện thân thể, có người cho rằng võ thuật là kỹ thuật chiến đấu dùng trong đấu vật, giao tranh, cũng có người cho rằng võ thuật là những chiêu thức tay chân đẹp mắt dùng để biểu diễn. Trên thực tế, võ thuật truyền thống chân chính vừa không phải là một loại thể dục vận động, càng không phải là để mua vui cho quần chúng và những mánh khóe thủ đoạn của cái gọi là “tân võ thuật”.
Võ thuật đã xuất hiện ở Trung Quốc từ hàng ngàn năm trước, có thể bắt nguồn từ thời xa xưa khi Hoàng Đế sáng tạo ra binh khí và chiến đấu chống lại Xi Vưu, dùng võ thuật để ngăn chặn cái ác và trấn áp bạo lực. Một bộ phận thân pháp và hình thể của võ thuật đã được phát triển thành vũ đạo, được sử dụng trong tế tự và các buổi lễ trang trọng.
Trong Chu Dịch – Hệ Từ có ghi: “cổ chi vũ chi dĩ tẫn Thần”, có nghĩa là đánh trống và vũ đạo để bày tỏ lòng kính trọng hết mực với Thần. Lễ Ký – Minh Đường Vị có đoạn: “Miện nhi vũ Đại Vũ”. Đại Vũ là đề cập đến nhạc vũ Chu Vũ Vương chiến thắng Ân Trụ. Cũng tức là nói, nếu dùng để biểu dương cái thiện như tế lễ, kính Thần, chúc tụng, tán dương, vui mừng tuyên dương cái thiện thì là vũ trong vũ đạo; nếu dùng để ngăn chặn cái ác, đánh giặc, thể hiện sự dũng mãnh uy vũ và sức mạnh thì đó là chữ vũ trong võ thuật.
Võ (武) và vũ (舞), nhất vũ lưỡng dụng, đồng âm nhưng không đồng chữ, văn thì là vũ đạo, võ là dùng võ thuật ra trận đối địch, một âm một dương, một văn một võ, cân bằng âm dương, cân bằng chính phụ, trí huệ bác đại tinh thâm của văn hóa thần truyền được ẩn chứa trong đó.
Võ thuật truyền thống coi trọng kế thừa chân truyền, không thể tùy ý thay đổi
Trước đây, võ thuật truyền thống được gọi là “võ thuật chân truyền” hay “võ thuật sư truyền”. Nó bao gồm những nội hàm khác nhau như tu dưỡng đạo đức, kỹ pháp nghệ thuật, dưỡng sinh, cường thân, phòng vệ và ngăn chặn bạo lực,… Vì vậy, võ thuật cổ truyền có những phong cách và đặc điểm của từng trường phái, dù là nội gia quyền hay ngoại gia quyền thì các trường phái đều rất rõ ràng và có những điểm đặc sắc riêng. Bất kỳ đệ tử nào đến bái sư học nghệ, đều không được thay đổi phong cách và đặc điểm của môn phái đó nếu không được phép, một khi thay đổi, nó có thể không phải là công phu của môn phái này nữa.
Trong lịch sử, học tập võ thuật là một việc rất nghiêm túc, là để ra trận chém giết. Trên chiến trường đao quang kiếm ảnh, nếu chỉ hơi có sơ suất một chút liền có thể chết trên sa trường. Động tác võ thuật là ở trong thực chiến cận chiến trên chiến trường trải qua trăm ngàn lần rèn giũa mà thành, là kết tinh của trí tuệ hay hệ thống công pháp của người xưa trong thực chiến đối địch, do đó một chiêu một thức không thể thay đổi dù chỉ một chút, nhờ đó mà những động tác này được đảm bảo lưu truyền hàng nghìn năm không thay đổi.
Ngày nay, võ thuật không còn được sử dụng để chiến đấu trong chiến trận, nhưng quyền thuật, biểu diễn kỹ năng sử dụng binh khí hoặc công lực của các môn phái, mỗi chiêu mỗi thức đều chứa đựng trí tuệ của người xưa và những ảo mật trong rèn luyện công pháp của môn phái, tự ý thay đổi và tạo ra bộ khác, sẽ dẫn đến việc nội hàm bị biến mất.
Mô tả về các nhóm thi đấu
Võ thuật Trung Quốc có rất nhiều môn phái, điều này ở trong võ thuật thế giới là rất hiếm gặp. Theo thống kê, những quyền pháp với “lịch sử rõ ràng, mạch lạc có trật tự, phong cách độc đáo, tự thành thể hệ” có hơn 300 loại. Có học giả cho rằng việc có nhiều trường phái võ thuật Trung Quốc là do sự khác biệt về địa lý, khí hậu và văn hóa giữa miền Bắc và miền Nam mà thành.
Người miền Bắc cao lớn, khí hậu lạnh giá khắc nghiệt nên phần lớn phong cách quyền thuật của Bắc phái đều là khí thế mạnh mẽ, cởi mở và dứt khoát. Miền Nam có nhiều sông nước, người miền Nam có vóc dáng thấp bé, và phong cách ra đòn tổng thể của họ có nhiều biến hóa, coi trọng tàng phong tụ khí, thiên về biến hóa thủ pháp, trước giờ vẫn có cách nói “Nam quyền Bắc thối” (Nam đấm Bắc đá).
Ngoài việc nhiều môn phái và lý thuyết hoàn chỉnh, võ thuật truyền thống không chỉ bao gồm luyện tập tay không, cũng như các loại vũ khí dài và ngắn khác như đao, thương, kiếm, gậy,… mà còn có luyện tập hô hấp nội công, cũng như có cả ngoại công.
Trong Cuộc thi Võ thuật truyền thống Trung Hoa toàn thế giới của đài truyền hình Tân Đường Nhân, các loại hạng mục thi đấu quyền trong cuộc thi bao gồm các loại trường quyền (Tra, Hoa, Pháo, Hồng, Hoa, Thiếu Lâm, v.v.), các loại ngoại gia quyền pháp như Miên Quyền, Thông Bối, Đường Lang, Phiên Tử, Bát Cực, và các loại quyền pháp nội gia như Bát Quái, Hình Ý, cùng với quyền pháp phương Nam như: Hồng, Lưu, Thái, Lý, Mạc, Phật, Hạc, Vịnh,…
Các loại vũ khí bao gồm các vũ khí ngoại gia như: đao, thương, kiếm và gậy,… và các vũ khí nội gia như: Hình ý thương, đao, kiếm, cùng với uyên ương việt, vòng càn khôn.
Cuộc thi được chia thành: nhóm quyền thuật nam, nhóm quyền thuật nữ, nhóm quyền thuật phương Nam, nhóm binh khí nam, nhóm binh khí nữ, nhóm quyền thuật Thiếu Lâm và nhóm binh khí thanh thiếu niên.
Cuộc thi Võ thuật truyền thống Trung Hoa toàn thế giới lần thứ 7 năm 2022 của NTDTV đã được tổ chức tại New York, Hoa Kỳ từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 8 năm 2022.
Để biết chi tiết, xin vui lòng theo dõi trang web của Cuộc thi Võ thuật truyền thống Trung Hoa toàn cầu của NTDTV: martialarts.ntdtv.com
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/274376
Ngày đăng: 15-05-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.