Võ đức: Tinh túy võ thuật truyền thống Trung Hoa
[ChanhKien.org]
Loạt bài viết về cuộc thi võ thuật truyền thống Trung Hoa toàn thế giới lần thứ 7 năm 2022 của Đài truyền hình Tân Đường Nhân NTDTV (3)
Văn hóa truyền thống Trung Hoa trước giờ vẫn luôn coi trọng đạo đức. Lão Tử giảng: “Đạo sinh, đức dưỡng”, vạn vật có đức thì tồn tại, mất đức thì diệt vong, mà võ đức lại chính là căn bản để võ thuật có thể tiếp tục truyền thừa, là thể hiện của cả đạo đức và võ nghệ.
Võ nghệ hàm chứa võ đức
Võ đức là gì? Từ “võ” (武) , được ghép bởi hai từ “chỉ” (止) và “qua” (戈), “chỉ qua” hội ý thành “võ”, có nghĩa là dùng võ để ngăn chặn cái ác, hoằng dương cái thiện, võ đức là đức dùng để chấm dứt xung đột.
Người học võ nếu như võ đức không tốt, không chỉ làm tổn hại người khác, mà còn làm hại tới tự thân. Trong Sách “Hình Ý quyền phổ” được viết bởi Bảo Hiển Đình, truyền nhân của Hình Ý quyền, có ghi chép lại về một số vị truyền nhân của Hình Ý quyền tuy rằng có thành tựu trong kỹ nghệ, nhưng do võ đức không tốt mà dẫn đến mất sớm.
Mã Tam Nguyên, truyền nhân của Hình Ý quyền, tính tình cương trực, tuy rằng công lực thâm hậu nhưng lại hiếu chiến, thích đánh nhau, từng hạ sát mấy chục võ sư xa gần, về sau ông ta mắc bệnh tâm thần, thấy cây lại tưởng là người mà dốc sức đánh, dẫn đến mất sớm.
Lão Cách Nhi, con trai của Trương Tụ, một truyền nhân khác của Hình Ý quyền, lúc 15 tuổi võ nghệ đã có thành tựu lớn, những võ sư ở Hà Nam chết dưới quyền của anh ta nhiều vô số kể, kết quả năm 20 tuổi không may chết trẻ.
Hơn nữa, người làm sư phụ nếu đem võ nghệ truyền cho người tâm thuật bất chính, còn có thể rước họa vào thân.
Trong “Mạnh Tử – Ly Lâu Hạ” có ghi chép lại, vào triều đại nhà Hạ có một người tên là Bàng Mông, theo một người tên Nghệ để học tiễn, sau khi học nghệ thành, trong lòng nghĩ: “Dưới trời đất này, so về tiễn thuật chỉ có thầy Nghệ là cao minh hơn mình, chỉ cần giết được Nghệ, ta sẽ là thiên hạ đệ nhất”. Thế là Bàng Mông bèn giết chết Nghệ. Đối với việc này, Mạnh Tử nói: “Ở đây Nghệ cũng có tội”, Mạnh Tử cho rằng Nghệ đã sai, lẽ ra ông không nên dạy võ nghệ cho kẻ tiểu nhân vô đức bất nghĩa như Bàng Mông, kết quả đã dẫn đến họa sát thân.
Thể hội về võ đức của các thí sinh tham dự cuộc thi các kỳ trước
“Võ đức” là giá trị cốt lõi mà đài truyền hình Tân Đường Nhân vẫn luôn nhấn mạnh kể từ khi bắt đầu cuộc thi võ thuật đầu tiên, cũng là trọng điểm trong vấn đề chấm điểm và đánh giá.
La Quốc Duy, huấn luyện viên của môn phái Võ Đang Tùng Khê, bày tỏ rằng cuộc thi do Tân Đường Nhân tổ chức khiến tất cả các tuyển thủ cảm thấy được tôn trọng. Cuộc thi đang tuyên dương võ đức một cách chân chính, võ đức đối với người học võ mà nói là rất trọng yếu. Ông nói, có rất nhiều võ sư thà mang võ công của mình chôn theo xuống mồ còn hơn là truyền thụ cho người khác, nguyên nhân đằng sau là có lý do của họ – nếu như dạy võ công cho kẻ không có quan niệm đạo đức, cũng bằng như trợ giúp cho người đó làm việc xấu, ngược lại còn làm hại họ. “Kẻ địch lớn nhất của một người chính là bản thân mình, luyện võ không phải là để vượt qua người khác, mà là tu luyện bản thân với cơ điểm là vượt qua chính mình”.
Rèn luyện bản thân, vứt bỏ tâm tranh đấu
Trương Ngộ Nạp, đệ tử đời thứ 13 của môn phái Huyền Môn Đan Võ Đang Trung Quốc, người đã giành chức quán quân đầu tiên của môn Nội gia quyền, đã bắt đầu luyện võ từ năm bốn tuổi, anh kể: “Đương nhiên lúc bắt đầu, muốn bảo trì tâm thái “không cầu thắng” là rất khó làm được, hồi tôi mới bắt đầu, mỗi lần tham gia cuộc thi thì trong tâm luôn mang theo tạp niệm “muốn giành chiến thắng”, nhưng tôi phát hiện, biểu hiện võ thuật của tôi sẽ thuận theo đó mà trở nên không tốt. Sau đó có một lần tôi giành vị trí á quân, trong tâm rất khó chịu, tôi nói với bản thân rằng không được như vậy, từ đó về sau, mỗi khi tôi tham gia thi đấu vẫn luôn rèn luyện bản thân mình không được có tâm tranh đấu”.
Học võ hơn 30 năm, đã học được “nhẫn nại”
Tống Oánh, quán quân nhóm quyền thuật nữ năm 2009, cho biết cô đã tập võ hơn 30 năm và một trong những thu hoạch lớn nhất chính là cô đã học được “nhẫn nại”. “Khi làm bất kể việc gì, nhất định cần phải nhẫn, đề cao cảnh giới của bản thân. Là người luyện võ, bạn nhất định cần phải tu luyện thân và tâm, điều quan trọng nhất là làm người, nếu không có võ đức thì đừng nên học võ”. Cô cười và nói, trước đây khi bản thân gặp phải chuyện bất bình, lúc đầu thường muốn động tay chân, thế nhưng, cần phải khắc chế bản thân, nghĩ rằng không thể động thủ, không thể làm thương tổn người khác.
Kỹ thuật càng cao, càng cần khiêm tốn
Huấn luyện viên Tinh Vũ Môn Đài Loan Lâm Chí Kiệt là người thường xuyên giành chiến thắng trong Cuộc thi võ thuật của đài truyền hình Tân Đường Nhân, ông bày tỏ: “Từ nhỏ luyện tập võ thuật là vì để rèn luyện thân thể, là một sở thích, sau khi đã đạt đến một trình độ nhất định thì chính là tu hành. Bây giờ, những gì tôi học được chính là đạo đức trong võ thuật. Kỹ thuật có cao đến đâu cũng cần phải rất khiêm tốn mà đối đãi người khác. Điều quan trọng mà tôi ngộ được là: “Kỹ thuật càng cao, càng cần khiêm tốn”.
Học được trí huệ khi đối mặt với việc bị bắt nạt
Hai cha con của Lưu Văn Hòa và Lưu Thượng Bằng đã giành được huy chương bạc và đồng trong nhóm quyền thuật nam năm 2009. Sau này, họ vẫn tích cực tham gia các cuộc thi tiếp theo, và đã trở thành người bạn tốt của mọi người. Thượng Bằng bắt đầu luyện võ từ năm chín tuổi, cha anh đã nghiêm khắc giáo huấn: “Bát Cực Quyền mà con luyện rất có lực sát thương, trừ phi gặp phải vấn đề liên quan đến sinh tử, còn đâu con không được phép ra tay”. Kể từ đó, Thượng Bằng ngoan ngoãn khắc cốt ghi tâm. Nhưng sau này, khi còn ở Trung Quốc, Thượng Bằng liên tục bị bắt nạt bởi những người bạn cùng lớp do ghen tị vì thành tích xuất sắc của anh. Thượng Bằng ghi nhớ lời dạy của cha mình, chỉ nhẫn chịu thống khổ, trước giờ không đánh lại. Một lần, cha cậu phát hiện trên thân của Thượng Bằng có những vết thương, sau khi gặng hỏi mới biết được Thượng Bằng ở trường học đã nhẫn chịu sự bắt nạt của những bạn cùng lớp trong nhiều năm. Cũng may là Lưu Văn Hòa cũng là một người học võ có võ đức, ông nén nhẫn chịu sự tức giận và thương xót Thượng Bằng, rồi suy nghĩ bình tĩnh lại để tìm phương án giải quyết chuyện này, cuối cùng dùng thiện niệm đã giải quyết tốt đẹp việc này.
Những thể hiện võ đức cao thượng của các tuyển thủ trong cuộc thi có ở khắp nơi, đây chỉ là một vài ví dụ, trong quá trình thi đấu, mọi người cùng nhau quan sát học hỏi, lặng lẽ chuyên chú quan sát màn trình diễn của các thí sinh trên sân khấu, cũng là một loại thể hiện của võ đức. Nhiều thí sinh cho biết, đến với cuộc thi của Tân Đường Nhân, cảm giác rất được tôn trọng và cảm nhận được sự tiếp đãi long trọng, không khí tường hòa, trang trọng trong suốt cuộc thi.
Cuộc thi võ thuật của Tân Đường Nhân lấy “võ thuật truyền thống” làm cốt lõi, và coi trọng đến việc kế thừa truyền thống và hoằng dương võ đức. Người dự thi phải là người kế thừa môn phái võ thuật truyền thống, những võ sư đoạt giải không chỉ là những người có công phu truyền thống thực chiến cao siêu mà còn là những người vừa giỏi võ thuật vừa có võ đức.
Hai chữ “công phu” còn chứa đựng những câu chuyện võ thuật có cả máu và nước mắt của từng môn, từng phái, từng thế hệ nối nghiệp trong quá trình kế thừa, có môn quy, có tổ huấn, dạy người phải tu dưỡng đạo đức, chọn người mà dạy, nếu như không gặp được người có đạo đức và không truyền dạy đồng nghĩa với việc những giá trị truyền thống sẽ bị xã hội hiện đại dần dần lãng quên, những thứ này đã đang được tìm lại và bảo lưu trong cuộc thi của Tân Đường Nhân. Lấy võ tu đức, võ nghệ và đạo đức cùng tu, mới có thể kế thừa võ đức của văn minh Thần truyền Trung Hoa 5000 năm.
Năm 2022, cuộc thi võ thuật truyền thống Trung Hoa toàn thế giới lần thứ 7 của NTDTV đã được tổ chức tại New York, Hoa Kỳ từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 8 năm 2022.
Có hai địa điểm thi đấu trong cuộc thi, New York và Đài Loan, các tuyển thủ có thể đăng ký vòng sơ khảo ở bất kỳ địa điểm nào. Hiện tại đã bắt đầu báo danh đăng ký.
Để biết chi tiết, xin vui lòng theo dõi trang web của Cuộc thi võ thuật truyền thống Trung Hoa toàn cầu của NTDTV: martialarts.ntdtv.com
Đường dây nóng: 1-888-77-9228
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/274676
Ngày đăng: 25-08-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.