Võ thuật truyền thống chú trọng công phu, tân võ thuật là sản phẩm của “Đại nhảy vọt”



[ChanhKien.org]

Loạt bài viết về cuộc thi võ thuật truyền thống Trung Hoa toàn thế giới lần thứ 7 năm 2022 của Đài truyền hình Tân Đường Nhân NTDTV (2)

Trung Nguyên đại địa là cội nguồn của võ thuật truyền thống, trải qua hàng ngàn năm tuế nguyệt xoay vần, sự phát triển của võ thuật truyền thống trong các triều đại nhà Minh và nhà Thanh đã đạt đến độ hưng thịnh chưa từng có. Cho đến thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, hai gia lớn là nội gia và ngoại gia và các môn các phái đều được truyền thừa và phát triển rộng rãi, các môn phái võ thuật mọc lên như nấm, nhiều như sao trời, hơn nữa các gia các phái đều có một bộ hệ thống lý luận và kỹ thuật hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, sau khi ĐCSTQ cướp đoạt chính quyền, cũng giống như các loại hình văn hóa truyền thống khác của Trung Hoa, võ thuật bị coi là “tứ cựu”, bị phá hoại một cách toàn diện và có hệ thống qua các cuộc vận động.

Tân võ thuật – Sản phẩm của “Đại nhảy vọt”

Trong thời kỳ “Đại nhảy vọt” năm 1958, võ thuật được yêu cầu phải “đại nhảy vọt”, vì vậy các cơ quan bộ ngành đã thêm một số động tác nhào lộn có độ khó cao và vũ đạo uyển chuyển vào trong các động tác võ thuật truyền thống, khiến nó trở thành cái gọi là tân võ thuật, còn được gọi là võ thuật tự chọn, võ thuật thi đấu hoặc võ thuật kiểu mẫu.

Trong thời kỳ Đại cách mạng Văn hóa, sự phá hoại võ thuật truyền thống càng triệt để hơn. Động tác của các môn các phái bị pha tạp với nhau, từ bộ động tác của môn này chọn ra vài động tác, từ động tác của môn kia chọn ra vài động tác, động tác vũ đạo, động tác thể thao, động tác diễn xiếc, thể thao nghệ thuật Tây phương, toàn bộ bị pha tạp với nhau, gọi là “lấy sở trường của các gia phái”.

Cái gọi là “tân võ thuật” thì thậm chí ngay cả động tác cơ bản của võ thuật cũng không có, chỉ còn lại cái danh “võ thuật”.

“Tân võ thuật” nhấn mạnh vào độ khó và đẹp mắt, do đó người ta thêm vào võ thuật những động tác thể thao, động tác kinh kịch, thậm chí động tác múa ba lê; để tăng thêm độ khó, họ còn thêm vào những động tác biểu diễn xiếc, đặt cho nó cái tên mỹ miều là “cổ vi kim dụng, Dương vi Trung dụng” (Ý nghĩa là tiếp thu, vận dụng những điều tinh túy của người xưa và của văn hóa phương Tây).

“Tân võ thuật” lập dị khác biệt, vừa giống như vũ đạo vừa giống thể thao, động tác đẹp mắt biến đổi, nhưng nó chỉ là những thứ sáo rỗng khua chân múa tay, nhấn mạnh vào kỹ năng, vừa không có tính thực tiễn, càng không có bất kể nội hàm nào. Tân võ thuật giống với các môn thể thao hơn, là môn thể thao nghệ thuật.

Lý Hữu Phủ, một chuyên gia nổi tiếng về võ thuật truyền thống Trung Hoa cho rằng: “‘Tân võ thuật’ ngày nay thậm chí đã không còn các động tác cơ bản của võ thuật truyền thống, “chạy lấy đà, nhảy, ném con dao lên không trung, lộn một vòng rồi bắt nó”, đó hoàn toàn là những thứ của thể thao nghệ thuật Tây phương, người phương Tây nhìn thoáng qua liền biết là những thứ của họ, như vậy làm sao có thể quảng bá ra công chúng? Nếu cứ tiếp tục như vậy, võ thuật truyền thống Trung Quốc sẽ biến mất, không còn gốc rễ và nếu muốn vươn ra thế giới sẽ rất khó”.

Có một số thí sinh nhìn thì có vẻ không thay đổi chiêu thức và kỹ thuật nhưng họ cũng đã đi theo con đường của tân võ thuật rồi. Ví dụ, một số người tập luyện binh khí rất tốt, nhưng đao họ dùng quá nhẹ và thương thì quá mỏng, Lý Hữu Phủ cho rằng họ làm vậy không phải để đạt được tốc độ nhanh, mà đã đi vào con đường của tân võ thuật rồi, “võ thuật truyền thống không yêu cầu nhanh, mà chú trọng công phu”.

Võ thuật truyền thống không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn hàm chứa nhiều nội hàm và mang tính thực dụng: vừa có thể giúp thân thể khỏe mạnh dưỡng sinh, vừa có thể khắc chế kẻ địch để phòng thân, ngoài ra, võ thuật truyền thống còn có nội hàm tu luyện, nhất là còn coi trọng võ đức.

Tân võ thuật không những đã đánh mất bộ phận công phu và bộ phận tu luyện trong nội hàm của võ thuật truyền thống, mà thậm chí còn đánh mất cả tác dụng rèn luyện sức khỏe và dưỡng sinh.

Nhiều người luyện tập tân võ thuật đều cho biết, do tân võ thuật quá chú trọng đến việc phô diễn sức mạnh thể lực và kỹ xảo nên cơ thể họ chịu tổn thương lớn trong quá trình luyện tập và thi đấu.

Thí sinh người Pháp Guthwan, người đã vượt qua vòng loại giải võ thuật truyền thống Trung Hoa toàn thế giới lần thứ 6 năm 2019 cho biết, khi anh tập luyện tân võ thuật ở Trung Quốc Đại lục thì bị gãy sụn ở đầu gối, không thể luyện tập được nữa, đi đường cũng thấy đau, sau đó anh đổi sang luyện võ thuật dưỡng sinh truyền thống.

Sau khi vòng sơ khảo của cuộc thi lần thứ 3 khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2011 được công bố, trọng tài chính của cuộc thi, ông Lý Hữu Phủ, đã nghiêm túc nói với các thí sinh có mặt: “Tôi mừng cho những bạn đã lọt vào danh sách rút gọn, về những bạn không lọt vào, tôi còn cảm thấy buồn hơn các bạn. Có người thêm lẫn những thứ của tân võ thuật để luyện tập, điều này đang hại các bạn, đây là lời tôi nói từ tận đáy lòng!”

Môn phái võ thuật truyền thống đa dạng, phong cách Bắc Nam khác biệt

Võ thuật truyền thống Trung Hoa coi trọng môn phái và sư phụ truyền thừa, có rất nhiều môn phái, mỗi môn phái đều có bộ lý luận và kỹ thuật hoàn chỉnh của riêng mình, hơn nữa mỗi môn phái đều có những điểm đặc sắc và sở trường riêng từ phong cách đến phương pháp chiến đấu.

Trường phái võ thuật truyền thống có thể tạm chia thành hai thể hệ lớn là võ thuật phương Bắc và võ thuật phương Nam, người phương Bắc thân hình cao lớn, tính tình hào sảng, đường quyền phóng khoáng, ra quyền và đá chân đều mạnh, võ thuật phương Nam đa số đi quyền là chính, dùng chân ít hơn, cho nên có câu “Nam quyền Bắc thối”.

“Võ thuật phương Bắc” đặc biệt chú trọng đến “một tấc dài một tấc mạnh” (vũ khí dài nên phạm vi tấn công rộng), trong chiến đấu coi trọng “tay chân cùng ra đòn”, chẳng hạn như trường quyền (gồm các võ phái Tra quyền, Hoa quyền, Pháo quyền, Hồng quyền, Hoa quyền), Đường Lang, Bát Cực quyền, Thông Bối, Phiên Tử, Lục Hợp, Phách Quải,…

Vùng phía Nam nhiều sông hồ, thực chiến võ thuật phần lớn là ở trên thuyền, cho nên chú trọng đứng vững, đặc biệt chú trọng đánh áp sát, gọi là “một tấc ngắn, một tấc hiểm” (vũ khí ngắn nên đánh áp sát càng có lợi), như năm gia lớn ở Quảng Đông (Hồng, Lưu, Thái, Lý, Mạc), Vịnh Xuân, Kim Ưng, Đường Lang phương Nam,…

Mỗi môn phái đều có những đặc điểm riêng. “Thông Bối quyền” dùng lực dẫn thông suốt sống lưng và toàn thân, đồng thời chú trọng cả chiến đấu và dưỡng sinh; “Đường Lang quyền” thì thủ pháp tinh tế, thân pháp linh hoạt và có tính thực dụng cao; “Bát Cực quyền” phong cách mạnh mẽ cổ quái, được coi là bá vương đoản quyền; “Vịnh Xuân quyền” trong giao chiến không liều mạng tung quyền với đối thủ, mà sử dụng phương pháp “mượn lực phát lực, mượn lực chế ngự lực, vừa hóa giải vừa tấn công, coi trọng nội hàm võ học “lai lưu khứ tống” (đến thì đón đi thì tiễn).

Không chỉ vậy, trong võ thuật truyền thống, cùng một môn phái võ thuật ở các vùng khác nhau cũng phát triển theo các phong cách khác nhau, ví dụ như Hình Ý quyền, Hình Ý quyền của phái Hà Nam phong cách dũng mãnh, chắc khỏe, Hình Ý quyền của phái Hà Bắc tư thế vươn dài và vững vàng, Hình Ý của Sơn Tây chắc chắn và khéo léo.

Ngoài ra, so với võ thuật truyền thống với các trường phái đa dạng, “tân võ thuật” do ĐCSTQ quảng bá trộn lẫn các động tác của nhiều môn phái với nhau, cũng khiến các môn các phái dần biến mất.

Cuộc thi võ thuật truyền thống Trung Hoa toàn thế giới lần thứ 7 năm 2022 của NTDTV được tổ chức tại New York, Hoa Kỳ từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 8 năm 2022.

Để biết chi tiết, xin vui lòng theo dõi trang web của Cuộc thi võ thuật truyền thống Trung Hoa toàn cầu của NTDTV: martialarts.ntdtv.com

Đường dây nóng: 1-888-77-9228

(Tân Đường Nhân)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/274377



Ngày đăng: 06-08-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.