Bút ký tu luyện (4): Tu luyện ở nơi thấp



Tác giả: Chân Ngu

[ChanhKien.org]

(1)

“Trong tu luyện có những người tu luyện không những [tăng] trưởng công hướng lên cao, mà còn [tăng] trưởng công hướng xuống dưới, đứng ở tầng thứ ấy mà nhìn con người, thì càng có một ý vị đặc biệt” (Giảng Pháp tại Pháp hội Houston [1996])

Trong những bài giảng Pháp ở thời kỳ đầu, Sư phụ cũng đã giảng Pháp có liên quan đến núi Tu Di. Núi Tu Di là do các nguyên tử tạo thành, nhưng đồng thời núi Tu Di cũng nằm trong vũ trụ tầng thứ hai.

Ở tầng thứ cá nhân tôi hiểu rằng: núi Tu Di tại vi quan tồn tại ở tầng bề mặt của nguyên tử; tại hồng quan, nó lại nằm trong vũ trụ tầng thứ hai. Nó nằm trong phạm vi cự đại giữa nguyên tử và vũ trụ tầng thứ hai, và cái tiểu vũ trụ này của chúng ta thậm chí không bằng một hạt bụi trong phạm vi này. Do đó núi Tu Di mà chúng ta có thể thấy trong tiểu vũ trụ này của chúng ta chỉ là một điểm rất nhỏ bé của toàn bộ núi Tu Di trong tồn tại thực tế mà thôi, chỉ là đối ứng của nó đến một phần rất nhỏ trong tiểu vũ trụ này của chúng ta.

Nhận thức cá nhân: dung lượng là phạm vi của vũ trụ chứa đựng các sinh mệnh ở đó, là mức độ mà sinh mệnh có thể dung nạp và chịu đựng được, là nội hàm sở tại của sinh mệnh.

Thế giới mà nhân loại chúng ta tồn tại vừa vặn nằm ở lớp trung gian nhất, bề mặt nhất, và ngoài cùng của vũ trụ, nội trong phạm vi không gian cực kỳ nhỏ bé giữa các phân tử (vi quan) và các hành tinh (hồng quan).

Để xem dung lượng của một sinh mệnh lớn đến đâu, không chỉ xem chỗ cao (vi quan) của anh ta là bao nhiêu, mà còn xem chỗ thấp (hồng quan) của anh ta là bao nhiêu, phạm vi bao gồm từ điểm cao nhất đến điểm thấp nhất, tức là phạm vi bao hàm từ nơi vi quan đến hồng quan của nó, đó mới là mức độ dung lượng thực sự của anh ta. Cho dù điểm cao rất cao, nhưng nếu điểm thấp mà nông cạn, không thể thấp được, thì dung lượng và phạm vi sẽ rất hạn chế, anh ta sẽ không thể bao dung và chứa đựng được các chúng sinh và nội hàm với lượng lớn hơn nhiều hơn.

Ở tầng thứ cá nhân tôi hiểu rằng: đệ tử Đại Pháp chúng ta tương ứng và đại diện cho toàn bộ phạm vi của vũ trụ to lớn, vì vậy trong tu luyện Đại Pháp, chúng ta không chỉ tăng công lên cao (ở vi quan), mà đồng thời còn tăng công xuống thấp (ở hồng quan), sau khi tu thành viên mãn, toàn thể đệ tử Đại Pháp chúng ta mới có thể bao hàm toàn bộ vũ trụ.

Trong tu luyện, rất nhiều người thường chỉ chú trọng đến “cao” mà bỏ qua tu luyện đến thấp. Đặc biệt là những người tu luyện có một chút năng lực giữa người thường.

(2)

Ở tầng thứ cá nhân thấy được rằng: nguyên nhân cơ bản ngăn cản người tu luyện tu xuống thấp vẫn là chữ “tư”. Tu lên cao hơn và tu xuống thấp là việc được tiến hành đồng bộ, là tương ứng với nhau, cuối cùng hợp lại làm một, chỉ là quá trình đó thể hiện ở hai phương diện. “Tư” chính là ngăn cản người tu luyện tu lên cao hơn, đồng thời cũng ngăn cản người tu luyện tu xuống thấp hơn, chỉ là biểu hiện khác nhau.

Sinh mệnh không thể xuống thấp hơn, là bởi vì có các thứ đệm lót ở dưới, cho nên bị bản thân đệm cao lên chứ không thể hạ xuống thấp. Nếu lấy đi các thứ đệm lót ở dưới, lấy đi một ít thì nó sẽ xuống một chút, nếu lấy hết ra thì nó sẽ xuống đến đáy, từ đó mà “vô đáy”.

Khi cái “tư” bị loại bỏ hoàn toàn, khi cái “vô biên” ở trên và cái “vô đáy” ở dưới hợp lại làm một, thành một khối hoàn chỉnh, có lẽ là một vòng tròn đến mức vô lậu, bên trong là bên ngoài, bên ngoài là bên trong, bao hàm tất thảy và vô lậu bất phá. Đây là sự “viên dung bất phá” được lý giải ở tầng thứ cá nhân tôi.

Hãy nhìn lại ví dụ về bể cá, nếu chỉ nhìn từ một khía cạnh phiến diện: bể cá dung tích có hạn, một ít nước thì đã chứa đầy. Nếu phá vỡ biên giới của nó, đem chọc thủng đáy của nó, nó sẽ không bao giờ đầy và dung lượng của nó là vô hạn. Nhưng đồng thời, nó cũng không đọng lại một giọt nước nào, tất cả đều rò rỉ hết sạch, cuối cùng là công dã tràng, bởi vì trong toàn bộ quá trình, nó không có đáy, nên không đựng được nước và đã đi một vòng vô ích.

Vì vậy một phía khác phải được tu bổ, làm cho nó thành nơi có tác dụng thực tế, tiến hành đồng bộ. Làm cho nó có đáy và có thể chứa đựng, sau đó trong quá trình, hãy liên tục từng lớp loại bỏ cái “tư”, liên tục hạ thấp “đáy” của nó xuống tầng sâu hơn, mở rộng dung lượng của nó để chứa đựng, cho đến khi cuối cùng hoàn toàn loại bỏ hết cái “tư” và đạt được “vô đáy”, “vô biên”, đạt được bên trong tức là bên ngoài, bên ngoài tức là nhất thể hoàn chỉnh của bên trong, đó chính là đã hình thành một vòng tròn viên dung mà vô lậu. “Bên trong” là dung lượng của nó, “bên ngoài” cũng là dung lượng của nó. Vĩnh viễn chứa không đầy, nhưng lại chứa đựng tất cả mọi thứ, không có rò rỉ.

Ở tầng thứ cá nhân tôi thấy: đệ tử Đại Pháp chân chính, sau khi viên mãn tiến nhập vào vũ trụ mới, sẽ tương ứng với toàn bộ vũ trụ mới. Nếu tiến lên thì đệ tử Đại Pháp tương ứng với toàn bộ vũ trụ, vũ trụ chính là thân thể của đệ tử Đại Pháp. Nếu lùi lại thì đệ tử Đại Pháp sẽ là một lạp tử của Đại Pháp, lùi vào trong Đại Pháp thì sẽ vô hình không dấu vết, trở thành cầu nối câu thông giữa vũ trụ và Đại Pháp trong tương lai, bảo vệ sự trường tồn và không bao giờ bị hủy diệt của vũ trụ mới trong tương lai.

(3)

Cá nhân tôi cho rằng: “xả bỏ” không có nghĩa là “hạ thấp”. Hạ thấp nặng hơn, nội hàm của nó bao hàm sự chịu đựng.

Ví dụ: trong hạng mục do A phụ trách, A lại làm tổn thương gạt bỏ B hết lần này đến lần khác, B thì không so đo tị nạnh gì với A, anh có thể làm được bất động tâm, nhưng đồng thời cũng tránh xa A và hạng mục của anh, ở một phương diện nào đó, điều này cũng có thể nói là có thể “xả bỏ”. Nếu B không so đo với A đồng thời không từ bỏ A và hạng mục, chịu đựng sự xúc phạm và loại trừ của A hết lần này đến lần khác mà không oán không hận, từ từ bao dung A và hạng mục, cuối cùng có thể tự mình hạ thấp đến cùng, trở thành một viên đá làm bậc thang mà không ai biết đến, hóa giải hết mọi mâu thuẫn, giữ cho hạng mục không bị bất kỳ tổn thất nào, điều này được gọi là “hạ thấp”.

Từ một phương diện khác mà xét: trong quá trình này, từ bề ngoài mà xét thì A là người chịu trách nhiệm về hạng mục, lãnh đạo hạng mục, còn B chỉ là một viên đá lát bậc thang không dễ nhận thấy. Nhưng từ mức độ sâu hơn mà xét thì B mới là người chịu trách nhiệm cuối cùng thực sự, bởi vì anh ta gánh vác toàn bộ hạng mục, toàn bộ hạng mục nằm trong phạm vi của anh ta.

Cách đây nhiều năm, tôi đã từng thấy một câu thế này: “Đáy của sinh mệnh, đỉnh của vạn vật”. Cả hai chính là cái đồng bộ nhất thể.

Thời thượng cổ, vua còn được gọi là “hậu” (后 và 後 là hai từ đồng âm đều đọc là hậu, thời cổ cũng đã từng sử dụng thay thế nhau), là người cai trị một quốc gia hoặc dân tộc. Người dẫn đầu đi ở vị trí đầu tiên không nhất định phải là vua thực sự, cũng có thể là con chim dẫn đầu. Nhưng người ở phía sau điều khiển và gánh vác tổng thể và toàn cục nhất định phải là ông vua thực sự.

Bề ngoài Lão Tử dạy người ta làm vua thì phải thế nào, nhưng đồng thời lại dạy người ta tu Đạo để trở thành Tiên, đây là sự đồng bộ. Khi thực sự có thể trở thành một vị vua đạt tiêu chuẩn thì đồng thời cũng sẽ đắc Đạo thành Tiên, còn được gọi là “nội Thánh ngoại vương”.

Trong Lão Tử có nói: “Sở dĩ Giang Hải trở thành vương của trăm sông trong thiên hạ là vì nó ở dưới trăm sông nên tụ lại, dung nạp trăm sông mà thành vương”.

Trong tu luyện, không thể chỉ phấn đấu trở thành “con chim dẫn đầu”, “con dê dẫn đầu” (người dẫn đầu), “nổi bật giữa đám đông”, mà đồng thời phải học cách hạ mình xuống, làm một “viên đá lát bậc thang” không ai biết đến. Không cần phải làm nổi bật bản thân, một khi làm nổi bật bản thân, nó sẽ trở thành một chướng ngại vật, khiến các đồng tu và thậm chí cả các hạng mục bị vấp ngã. Cần phải đặt bản thân mình ở mức thấp nhất, để các đồng tu cùng hạng mục lên trên bản thân mình, từ đó hạng mục được nâng cao.

(4)

Trong quá trình diệt của vũ trụ, mọi thứ đều biến dị và bại hoại, đi về phía cực đoan. Đạo gia tu Chân, nhưng trong quá trình vũ trụ đến diệt vong, cái “Chân” này cũng sẽ trong quá trình tương sinh tương khắc mà đi đến cực đoan. Đạo gia chú trọng đến thanh tĩnh vô vi, thích tu đơn độc, làm một mình, siêu trần thoát tục. Khi điều này đi đến cực đoan, nó sẽ dần dần phát triển thành cao nhã, thanh cao, kiêu ngạo, thậm chí cuối cùng là kiêu căng và tự cao tự đại.

Từ xưa các văn nhân học giả trong người thường cũng đều mắc phải tật này, thích chia con người thành nhiều loại đẳng cấp, đối với những người mà mình không coi ra gì, thì tìm mọi cách để ghét bỏ coi thường, đây cũng là một nguồn gốc của tâm tật đố. Cá nhân tôi thấy rằng những người tu luyện với các đặc tính của Đạo gia hầu như ít nhiều đều mang theo một số thứ này bên mình.

Kỳ thực trong Đại Đạo chân chính, “Chân” phát triển triệt để lên trên sẽ sinh ra “thành”, sinh ra “lòng chân thành”: trong ngoài như một, trước sau như một, không bao giờ phản bội, không bao giờ thay đổi. Sau đó lại sinh ra “tín”, tín Sư tín Pháp, sinh ra “trung” và “trinh” v.v. Đồng thời lại sinh ra “kiền thành”, sinh ra “kính”, kính Sư kính Pháp, sinh ra “khiêm nhường” v.v. Đây đều là nội hàm của tầng thâm sâu thực sự.

Một trong những cốt lõi được nhấn mạnh trong tác phẩm Trung Dung của Nho gia là “lòng chân thành”, đây là nội hàm cơ bản nảy sinh khi “Chân” ở vị trí trung dung, không đi đến cực đoan. Đại Đạo chân chính là sự khiêm nhường.

Nếu không thể thực sự “hạ thấp” bản thân, sự tu luyện sẽ hời hợt bề mặt, tu không đến nơi đến chốn, vì vậy sẽ mơ mơ hồ hồ, kết cục có thể chỉ là công dã tràng.

Sự tu luyện của các đệ tử Đại Pháp không chỉ là “ngộ Không”, mà còn phải “cụ thể”. Phải biết gánh vác, phải hạ thấp. Cần phải vượt qua khoảng cách giữa “tri Đạo” và “đắc Đạo”, phải có chính ngộ đối với Pháp, đồng thời phải chứng thực Pháp.

(5)

Người thường có câu nói: “Nước trong thì không có cá”.

Có người thích quá rõ ràng nghiêm túc thành thật trong mọi việc, lấy “Chân” làm vỏ bọc che đậy, cho rằng mình đã tu lên cao, tỏ ra là “không thể nào để sót một hạt cát trong mắt”, lúc nào cũng tỏ ra tài năng sắc bén. Cuối cùng khuấy động tạo thành rất nhiều mâu thuẫn trong hoàn cảnh của bản thân, không thể hòa giải, để đến nỗi cuối cùng không thể hợp tác với người khác, không muốn tham gia vào bất kỳ hạng mục nào, dần dần tự cô lập mình, rất khó để mọi người lọt vào mắt mình, tiêu cực và thất vọng với mọi thứ, còn tự mình cảm thấy thanh cao.

Đây kỳ thực là sự nông cạn của sinh mệnh, là bởi vì không thể hạ thấp mình, không thể tu ở nơi thấp, cho nên sinh mệnh không có bề dày, không có dung lượng, đến nỗi khó có thể chịu đựng và bao dung. Cuối cùng, trong phạm vi của chính mình có thể trống rỗng, không thể bao bọc được bất kỳ chúng sinh nào, có thể thực sự là công dã tràng.

Tại nơi con người, thường không có đúng hay sai thực sự, có lúc “hồ đồ” ngược lại lại là sự khôn ngoan. Dù trong lòng đã hiểu rõ nhưng sự khôn ngoan nên giấu sâu trong tâm, không nên bộc lộ tài năng, dù biết rõ mọi chuyện trong lòng, nhưng về bề ngoài, khi nên “hồ đồ” thì “hồ đồ”, với cái vẻ vô tri vô thức và trong cái ngốc mà toát lên sự ngớ ngẩn, đây là cảnh giới của sự bao dung. Giống như mặt đất bao la, tuy ở nơi thấp nhưng hồn hậu, không ai thấp hơn nó, vì vậy nó không chọn vạn vật, mà gánh vác nâng đỡ vạn vật, cho dù là tốt, xấu, dơ bẩn, tinh khiết, nó bao dung tất cả. Nó có đầy đủ dung lượng chứa đựng mọi thứ, nên đồng thời có đủ năng lượng để hóa giải mọi thứ, mọi thứ không tốt đều bị tan chảy và hóa giải trong trường năng lượng khổng lồ của chính nó.

Có khi trong tâm trong như gương sáng, nhưng bề ngoài lại có vẻ như vũng nước đục, và trong lòng chứa đựng vạn vật, sức sống dâng trào. Đây là bậc đại trí huệ thực sự, gọi là “đại trí nhược ngu” (người có trí huệ có tài năng không khoe khoang mình nên trông bề ngoài có vẻ đần độn).

(6)

“Dù cho chư vị bất hảo đến đâu, những thứ xấu tệ đến đâu, những thứ giống như sắt thép thì trước uy lực từ bi của Phật Pháp đều sẽ bị tan chảy” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc [1999])

容、溶、熔 là ba chữ đồng âm, tiếng Trung đọc là “róng”, âm Hán Việt là “dung”. Cả 溶 (hòa tan) và 熔(nóng chảy) đều dựa trên cơ sở của 容 (dung nạp, chứa đựng).

Theo nhận thức cá nhân: 容 (dung nạp) là căn bản, chỉ sau khi bao dung thì mới có năng lượng để hóa giải; sau khi đã bao dung mọi thứ, mới có thể làm tan chảy mọi thứ không tốt, cho nên mới hóa giải được tất cả. Nếu không đạt đến bao dung một cách thực sự thì không nói đến hóa giải được, bởi vì đối phương không ở trong trường năng lượng của chính mình thì không thể động chạm đến được. Điều đó sẽ trở thành thủ đoạn và hành động cưỡng chế bề ngoài, cuối cùng cái gì cũng không thay đổi được.

Chỉ có buông bỏ tự ngã, lấy đi mọi thứ bên dưới đã nâng cao bản thân, buông bỏ một cách khiêm tốn đến cùng, âm thầm bao bọc tất cả chúng sinh, thì mới có thể đưa tất cả chúng sinh vào trong phạm vi của chính mình, vì vậy mọi thứ không tốt đều có thể tan biến trong trường từ bi hồng đại của mình, để mọi thứ được hóa giải và cải biến trong âm thầm lặng lẽ.

Chỉ khi 容 (dung nạp) thực sự thì mới hóa giải được.

(7)

Có đồng tu đã từng trao đổi với tôi về vấn đề ma và Đạo, anh ấy nói rằng trước đây anh ấy không bao giờ hiểu tại sao ma vĩnh viễn không cao hơn Đạo, sau này anh ấy hiểu rằng: nếu ma cao hơn Đạo, thì nó sẽ không thể dung hợp với Đạo, điều không phù hợp với nhận thức của nó, nó sẽ tiêu diệt hết. Như thế sẽ không có Đạo trong vũ trụ, chỉ còn lại ma, vũ trụ sẽ bị hủy diệt. Nếu Đạo cao hơn ma, thì Đạo có thể bao dung với sự tồn tại của ma, thậm chí khiến nó trở thành hộ Pháp, vũ trụ là muôn màu muôn vẻ.

(8)

Cá nhân tôi hiểu rằng: bao dung một cách thực sự không phải là từ trên xuống, không được đứng trên cao mà nhìn vạn vật sau đó mới bao dung vạn vật, đó là điều giả dối. Bởi vì khi chỗ thấp nhất của một người không đạt đến mức thấp hơn vạn vật, vậy thì vạn vật đều ở ngoài phạm vi của anh ta, thì không phải là sự bao dung và gánh vác nâng đỡ thực sự.

Lòng bao dung thực sự là “khiêm nhường”, là “chân thành”, là từ dưới lên trên, là hạ thấp mình xuống, làm cho chỗ thấp của mình thấp hơn vạn vật, chỗ cao của mình cao hơn vạn vật, vì vậy mà trở thành chứa đựng vạn vật, đem vạn vật dung nạp vào trong phạm vi của chính mình, đây là bao dung và hóa giải vạn vật một cách thực sự.

Chỉ khi đứng ở góc độ này mới có thể trân quý vạn vật, xem vạn vật như con cái của mình, sẵn sàng vì chúng mà phó xuất tất cả, nguyện dành mọi điều tốt đẹp nhất cho chúng. Đây không phải là điều được tạo ra trên bề mặt, không phải là điều cưỡng ép, đó là lòng từ bi thuần tịnh và hồng đại xuất phát từ tầng sâu thẳm, đó là sự bao dung thực sự.

(9)

Khi học kinh văn “Viên dung” và “Vô lậu” của Sư phụ, bản thân tôi đã ngộ được rằng: đầu tiên hãy tự mình từ trong tầng Pháp đó mà nhảy xuất ra, sau khi nhảy ra rồi, lại có thể tự mình lại quay trở lại, tức là đạt đến viên dung và quy chính Pháp ở tầng đó mới có thể ở trong tầng Pháp đó đạt được sự viên dung và vô lậu.

Nếu hoàn toàn không nhảy ra được, mà chỉ nói đến việc viên dung Pháp của tầng này, đây chỉ là sự cuồng vọng và chấp trước của con người, thậm chí sẽ vì điều này mà đi vào ma đạo. Nếu có thể nhảy ra được, nhưng không thể buông mình xuống để viên dung tầng Pháp này, thì tầng Pháp này sẽ vô tồn, cũng như là phiến diện và cực đoan.

Pháp lý là viên dung, là huyền diệu vô biên. Bất kỳ sự lý giải và cách làm phiến diện nào cũng có thể đi đến cực đoan và thậm chí dẫn đến đi sang ma đạo.

Trong tương sinh tương khắc, đang tồn tại lỗ hổng cự đại, càng cực đoan thì lỗ hổng càng lớn, đây là điều mà con người không nhìn thấy được, bởi vì con người đều trong quá trình tương sinh tương khắc mà hành động theo. Chỉ có cách ở trong Pháp mà thực hành trung dung, không đi đến cực đoan, mới có thể thoát ra khỏi tương sinh tương khắc, tu được vô lậu và viên dung bất phá.

Tầng thứ của cá nhân rất hữu hạn, lý giải cũng hữu hạn, chỉ là trong quá trình tu luyện, đem những điều tâm đắc nhỏ bé có được từ trong Đại Pháp để giao lưu với mọi người, để cùng nhau đề cao, xin mọi người hãy dĩ Pháp vi Sư.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/252835



Ngày đăng: 04-02-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.