Từ văn hóa “tu luyện” trong “Tây Du Ký” lý giải cuộc sống thời nay (7)



Tác giả: Thiên Đồng Nhân

[ChanhKien.org]

7. Khải thị từ chuyện Mỹ Hầu Vương thật và giả

Mỹ Hầu Vương giả cũng là yêu quái. Vậy con người sao có thể sinh ra một người giả được? Đây chính là một thiên cơ khác được tiết lộ trong “Tây Du Ký”, cơ thể con người khi chịu ảnh hưởng bởi tư dục hậu thiên sẽ sinh ra một giả ngã (cái tôi giả), khi cái tôi giả này chiếm hữu cơ thể con người, nó sẽ thay thế chân ngã (cái tôi thật). Tu luyện là để thoát khỏi giả ngã, để chân ngã mạnh lên.

Quỷ rượu, quỷ thuốc lá, quỷ cờ bạc, quỷ keo kiệt, quỷ sắc, hút hít ma tuý, ấu dâm… những “con quỷ” này không phải ngay từ khi sinh ra đã là quỷ. Kỳ thực, nó là kết quả của những thói quen xấu được hình thành từ tư dục, khi nó khống chế con người để thỏa mãn sở thích và ngôn hành, thì con người sẽ đánh mất chân ngã của mình. Bởi vì con người cho rằng loại hành vi này mang lại sự thỏa mãn và khoái lạc cho nhục thể về mặt tình cảm và sinh lý, cho rằng nó là tốt, vì thế không thể buông bỏ. Kỳ thực, lúc đó một “giả ngã” đã được hình thành trong sinh mệnh của người ấy, những suy nghĩ về tư dục hình thành trong đại não, cũng chính là đại não của “giả ngã” này, từ đó chi phối ngôn hành cử chỉ con người, cuối cùng khiến cho “giả ngã” này cũng có tay chân và thân thể. Giả ngã này phản ứng lên sinh lý và tình cảm của con người khiến họ tưởng rằng đó là cảm giác của chính mình, phản ứng này xảy ra chưa đầy một giây, thỏa mãn một lần sẽ yên ổn một lần, cũng sẽ khỏe thêm một lần, đến lần sau khi có nhu cầu sẽ lại có phản ứng, con người sẽ sống vì giả ngã đó. Muốn tiêu diệt giả ngã, cần dựa vào ý chí kiên cường để khống chế bản thân không làm điều xấu, cứ kiên trì như thế, nó sẽ mờ dần và biến mất.

Bất cứ sự việc nào đi đến cực đoan đều là do giả ngã thao túng khiến tính cách con người trở nên quái dị. Điều này rất phổ biến trong các ngành nghề ở Trung Quốc đại lục, đặc biệt là trong giới quan chức, có thể nói trăm nghề đều thối nát.

Trong văn hóa truyền thống, chuyện thần thoại và trong giới tu luyện thường nói về thật và giả, khuyên con người tu bỏ giả ngã, phản bổn quy chân. Ví dụ như trong các tác phẩm “Tế Công Truyện”, “Bát Tiên Quá Hải”, “Hồng Lâu Mộng”. Trong “Hồng Lâu Mộng” nhà họ Giả dù có vinh hoa phú quý thế nào, cuối cùng cũng bị tịch thu, chỉ là huyễn hoặc, còn ông lão nhà họ Chân ở đối diện đã sớm xuất gia, nên mới thấy phản bổn quy chân mới là ý nghĩa chân thực sự của đời người.

Khi còn nhỏ xem “Tây Du Ký” không hiểu được chuyện Mỹ Hầu Vương thật và giả. Tôn Ngộ Không đầu tiên đánh chết mấy tên cướp và cũng giết chết luôn cả người con trai trộm cướp bất hiếu của nhà họ Dương nên bị đuổi về Hoa Quả Sơn. Kỳ thực đó là Ngộ Không giả được hình thành bởi sự hiếu chiến hậu thiên trong sinh mệnh của Mỹ Hầu Vương, tên Ngộ Không này đã đánh ngất Đường Tăng, cướp đoạt hành lý, muốn tự tổ chức đoàn đi lấy Kinh. Thế là tại Hoa Quả Sơn có thêm đoàn đi thỉnh Kinh giả gồm Đường Tăng, Trư Bát giới, Sa Tăng và Bạch Mã giả mạo. Kỳ thực trước đây ở nước Ô Kê, yêu quái từng giả làm Đường Tăng. Chân ngã, giả ngã thật khó phân biệt. Đương nhiên, Đường Tăng giả cuối cùng cũng bị pháp lực của Bồ Tát tiêu trừ. Còn Mỹ Hầu Vương thật và giả lại là đồng thể nhị tâm (cùng một thân thể mà khác tính cách), khiến cho ngay cả các chúng thần trên Thiên Thượng, Quan Âm, Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng, và Diêm Vương cũng không thể phân biệt được. Cuộc giao tranh giữa “chân ngã” và “tự ngã” (giả ngã) cuối cùng vẫn phải nhờ thần thông và pháp khí của Phật Tổ Như Lai mới trừ bỏ được.

Trung Cộng truyền bá chủ nghĩa vô thần, đề cao khoa học và trào lưu tư tưởng biến dị của phái hiện đại, khiến người ta hàng ngày tai nghe mắt thấy, mà hình thành thêm những giả ngã khó có thể phân biệt được, tư tưởng giả, ác, bạo của Trung Cộng đã gắn lên cơ thể con người để làm hại người ta. Ở trong mê, con người rất khó mà phân rõ thật giả. Muốn giết được yêu quái, con người phải nhận rõ và tránh xa nó, như thế mới không gây nguy hại đến tính mạng con người, nhưng đây là một việc rất lớn và không hề dễ dàng.

Sau khi Ngộ Không giả bị trừ bỏ, Đường Tăng lại đồng ý cùng Ngộ Không đi Tây Thiên. Tôn Ngộ Không từng giết nhiều tên cướp như vậy, Quan Âm Bồ Tát vì sao vẫn để Đường Tăng đồng ý cho Ngộ Không đi cùng? Vì sao lại để cho Ngộ Không đánh chết bọn cướp? Ở đây, đã nói rõ một điều, Đường Tăng được dự đoán trước sẽ đạt được quả vị Phật, trong thế giới của ông đã định trước sẽ có những nhân tố và sinh mệnh này, nếu không, ông chắc chắn sẽ không thể đi đến Tây Thiên và cũng không gặp được Phật Tổ. Đương nhiên, một Đường Tăng mà đến một con thiêu thân sa vào đèn còn thương tiếc thì chắc chắn ông sẽ không thể và không dám sát sinh.

Có người hỏi: người tu hành không làm ra của cải vật chất, chỉ biết đi khất thực, ăn đồ ăn người khác bố thí, họ tu luyện cũng chỉ để thành tựu cho bản thân mình, tu bỏ nhân tố giả và bất hảo trong sinh mệnh của mình, vậy họ có đóng góp gì cho xã hội không? Tôi nói rằng các nhà sư không chỉ tạo ra nền văn minh tinh thần, đảm bảo hòa bình và hạnh phúc cho mọi người, mà còn cứu tế bách tính, hóa độ và hỗ trợ những người hữu duyên, họ có đóng góp rất to lớn. Ví dụ, sau khi dập tắt lửa ở Hỏa Diệm Sơn, bách tính xung quanh đã được an cư lạc nghiệp.

Có người nói rằng Hỏa Diệm Sơn vốn là họa do Ngộ Không khi xưa đại náo Thiên cung gây ra (đạp đổ lò luyện đan của Lão Quân, làm rơi mấy viên gạch xuống), mang tai họa đến cho lê dân. Đúng vậy, đó cũng là chuyện trong sinh mệnh của Đường Tăng, nó đã sớm được an bài từ trước cho Đường Tăng. Thần thổ địa của Hỏa Diệm Sơn cũng là một đạo sĩ canh giữ lò trong cung Đâu Suất, Ngộ Không đã ba lần mượn quạt của công chúa Thiết Phiến, đã phải chịu khổ coi như trả hết nợ nghiệp từ trước. Ngưu Ma Vương cứng đầu và cố chấp cuối cùng cũng bị Tam Thái Tử thu phục về Tây Thiên hỏi tội, Tôn Ngộ Không cũng được coi là đã xóa sạch ma tính khi kết bạn với yêu quái cách đây 500 năm, Thần Thổ địa cũng được ân xá quay về trời, trở về cung Đâu Suất giao nạp cho Lão Quân. Mọi việc đều được thiện quả, có thể nói đó chính là nhân quả thiện báo mà Phật gia giảng.

Khi gặp khó khăn, người tu luyện luôn phải tự mình vượt qua, không có ai khác để dựa dẫm. Ví dụ, đối mặt với ma nạn ở Hỏa Diệm Sơn, Tôn Ngộ Không không thể cầu cứu những cư dân xung quanh rằng: “Giúp chúng tôi với, cầu xin mọi người hãy xách nước và gánh nước để dập lửa”. Đó là một chuyện khôi hài. Cũng giống như khi đối mặt với tà ác của Trung Cộng, những người tín Thần, có thần thông không thể dựa vào Liên Hợp Quốc, Hoa Kỳ hoặc các quan chức cấp cao trong Đảng Cộng sản, hay tổng thống và thủ tướng của bất kỳ quốc gia nào để tiêu diệt nó.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/264916

 



Ngày đăng: 25-04-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.