Từ văn hóa “tu luyện” trong “Tây Du Ký” lý giải cuộc sống thời nay (9)
Tác giả: Thiên Đồng Nhân
[ChanhKien.org]
9. Đường Tăng thoát khỏi tình như thế nào?
Sau khi tiêu diệt con mãng xà đỏ, Tôn Ngộ Không đến nước Chu Tử khám bệnh cho quốc vương. Khi đến nước Chu Tử, Đường Tăng có thể đã có công năng chữa bệnh, tức là tầng thứ của ông không hề thấp. Nhưng là người tu luyện làm sao có thể giữa đường chữa bệnh cho người khác được? Hơn nữa, khi này người tu luyện hễ trị bệnh thì cơ bản sẽ đụng chạm đến nguyên nhân của bệnh, diệt trừ con yêu quái ở không gian khác đã gây ra bệnh cho quốc vương – tức là phải tiêu trừ yêu quái Trại Thái Tuế. Tại sao như vậy?
Trên đường đi Tây Thiên, Tôn Ngộ Không ngoài việc diệt trừ yêu ma hại người ra, đến đâu cũng làm việc tốt giúp xã hội con người. Đây cũng là biểu hiện có ích của người tu luyện giúp cho xã hội nâng cao đạo đức, giữ gìn trật tự nhân loại, giúp con người trừ bệnh khỏe thân, kiến công lập đức, mang lại các giá trị.
Ở nước Chu Tử, Ngộ Không tin rằng quốc vương cũng là một đấng minh quân, đáng được thông cảm và giúp đỡ, nên đã bỏ chút công sức giúp ông chữa bệnh, trừ yêu quái, mặc dù quốc vương có thể còn vướng vào sinh lão bệnh tử, nhưng đây đều là quy luật của vật chất, người tu luyện sau khi tu đến tầng thứ nhất định, đã xuất tâm từ bi, thì có thể giúp người trị bệnh ở một mức độ có hạn, việc này cũng được phép làm.
Tuy nhiên, ngay cả khi ở tầng thứ cao như vậy, Đường Tăng vẫn còn bị ràng buộc bởi sắc dục. Có thể thấy cái sắc dục này nhiều tầng thứ biết nhường nào!
Hồi thứ 74 của “Tây Du Ký”, “Trường Canh truyền báo ma hung dữ, Hành Giả ra tay trổ phép tài” đã viết ở phần đầu: Sa môn tu luyện thường xuyên, quên tình cắt dục là thiền đó thôi. Sửa ý tứ, tâm chẳng rời, bụi trần chẳng nhiễm, trăng ngời lung linh. Tu tri tiến bộ tăng nhanh, công quả viên mãn ấy thành đại tiên”.
Những lời mở đầu này được viết sau khi thầy trò Đường Tăng qua động Bàn Ty và giết chết con rết tinh kỳ lạ nhiều mắt. Đây chính là sự khác biệt giữa bậc Thần tiên và người phàm tục, người phàm tục đầy sắc dục, thậm chí làm những gì ma quỷ yêu cầu làm. Là một người tu luyện, có lúc sẽ có thể phạm phải những sai lầm của người phàm tục, ví dụ như Trư Bát Giới vì muốn trêu chọc đám yêu tinh nhện đã chủ động nhảy xuống ao tắm chung với yêu tinh, do đó đã bị tóm. Rõ là tự chuốc lấy khổ.
Thần tiên vô vi thanh tịnh, một chút bụi trần cũng không nhiễm, kiên cường, tỉnh táo và từ bi. Nhưng điều này đòi hỏi người tu luyện phải “mở tung lưới dục, ra khỏi lồng tình”, thoát khỏi thú tính do khối thịt này mang lại. Trong “Tây Du Ký”, tình là thứ luôn dai dẳng, là thứ nhằng nhịt rối ren không rõ ràng. Nó giống như những cành cây và dây leo của yêu tinh hoa mai trong rừng gai và tơ nhện trong động Bàn Ty. Khi người ta ở trong tình mà mắc sai lầm, thì thường là chủ động rước họa, rồi bị yêu tinh vin vào lý đó mà bắt “ăn thịt”. Vì vậy, ở đây không phải Phật không từ bi, mà là con người có lậu, nếu không chủ động tu cho tốt thì Phật cũng không cách nào giúp được.
Con rết tinh kỳ lạ có nhiều mắt là một ẩn dụ cho sắc dục, nó và bảy con yêu tinh nhện có quan hệ khăng khít với nhau, sự hung ác của nó nằm ở chất độc của nó, nếu bị dính vào thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Giống như người tu luyện một khi bị gục ngã bởi sắc dục, thì sức tàn phá đối với sinh mệnh sẽ rất lớn. Nếu không nhờ sự “nỗ lực” của Tôn Ngộ Không thì việc đi lấy kinh của thầy trò Đường Tăng đã kết thúc ở đây rồi.
Đường Tăng từng ăn quả nhân sâm, chiến thắng được Bạch Cốt Tinh, thậm chí còn tu luyện được thân bất tử, tại sao còn bị trúng độc phải lo lắng đến tính mạng như thế? Giáo lý nhà Phật giảng về việc vứt bỏ nhục thân con người. Kỳ thực sinh mệnh của Đường Tăng thực sự đã là “trường sinh” rồi. Chỉ là ở các không gian khác nhau có các thân thể khác nhau, ở tầng con người chưa tu luyện tốt này, khi vượt quan mà xuất hiện tình huống này là điều hợp lý. Tất nhiên, thoát khỏi sắc dục không phải là chuyện dễ dàng. Tiếng khóc xót thương Sư phụ của Tôn Ngộ Không và tiếng khóc thương báo đền đạo nghĩa vợ chồng của người góa phụ do Lê Sơn Lão Mẫu biến hóa thành, tất cả đều ám chỉ đến “tính mệnh, tính mệnh”, đạo lý tu tính để bảo mệnh. Nếu không có sự giúp đỡ của Thần thì mỗi bước đi cũng thật khó để nhận ra nguy cơ mất đi nhục thân.
Tất nhiên, yêu quái, đặc biệt là những yêu quái sắc dục chuyên dụ dỗ con người, tất sẽ mang đến cho con người giả tướng tốt đẹp. Nếu không như thế, người tu luyện sẽ không bị dục vọng cám dỗ để rồi quay lại trêu ghẹo chúng. Trong “Tây Du Ký”, đặc biệt là động phủ của các yêu nữ đều là những cảnh tượng “tùng trúc trải màu xanh, hạnh đào tranh sắc đỏ”, “u nhã lạc thú, nước suối róc rách”. Khi yêu tinh chuột trong động Không Đáy núi Hãm Không biến thành cô gái cầu cứu Đường Tăng giúp đỡ, dù Đường Tăng đã được Ngộ Không nói rõ cho rằng đó là yêu quái, nhưng vẫn mấy hồi quay lại để cứu nó để cùng đi đến một ngôi chùa.
Những ham muốn, tội lỗi, những quan niệm và thói quen xấu hình thành trong thế tục của người tu luyện, cùng với những an bài phụ diện trong sinh mệnh, cùng nhau tạo thành một “giả ngã” điều khiển và ảnh hưởng đến các giác quan xung quanh xác thịt, chi phối suy nghĩ và hành vi của con người, thôi thúc bạn ôm giữ nó. Nếu phải đoạn tuyệt hoàn toàn với nó, nó sẽ đau đớn van xin: “Sống như thế thì còn vui thú gì nữa? Thà chết đi còn hơn”. Không thỏa mãn được điều đó thì nó sẽ dần dần chết đi, nó sẽ rất thống khổ, cho đến khi được thỏa mãn thì mới yên ổn.
Điều này đòi hỏi một ý chí kiên cường, chịu đựng nó, cái giả phải chết đi thì cái thực mới sống lại, đó mới là một cảnh giới đẹp đẽ chân thực và trường cửu.
“Tây Du Ký” hồi thứ 93 “Vườn Cấp Cô Hỏi cổ bàn nguồn – Nước Thiên Trúc, chầu vua được vợ” mở đầu viết: Khởi niệm là liền có ái, dậy tình ắt sẽ sinh tai.… Thanh tịnh trong veo sạch bụi trần, chính quả siêu thăng lên thượng giới. Tại nước Thiên Trúc, Đường Tăng gặp công chúa, bị cưỡng ép thành thân. Kỳ thực, nàng công chúa này cũng là một công chúa giả được hình thành bởi sắc dục và nghiệp chướng hậu thiên của sinh mệnh, tiểu thuyết đã mượn Thỏ Ngọc Tinh để thể hiện điều đó. Khi quốc vương biết chuyện, khóc lóc hỏi: Công chúa thật ở đâu? Kỳ thực công chúa thật đang ở trước mặt vua, nhưng mặt trong sáng và đức hạnh của nàng đã bị cái giả che đậy, Tôn Ngộ Không nói: “Cái giả bị tiêu diệt, thì cái thật tự nhiên sẽ trở lại”. Từ “tự nhiên” này được sử dụng rất đúng, có nghĩa là, loại bỏ đi cái hình người giả được hình thành bởi sắc dục và quan niệm hậu thiên, thì bản tính của chính mình sẽ chiếm giữ nhục thân, linh hồn của chính mình sẽ làm chủ cơ thể, thì đó chính là người thật. Tất nhiên, trong tiểu thuyết thông qua pháp lực của Tôn Ngộ Không để giúp giải cứu công chúa thực đang bị giấu trong chùa Lát Vàng, nhằm để minh họa cho sự phản bổn quy chân. Tiểu thuyết chỉ là tiểu thuyết, rất không rõ ràng.
Thực là “Tắm gội công ơn còn bản tính; Xa lìa vàng bạc rõ chân như”.
Tà và ác là một cặp song sinh gắn liền với nhau. Nếu nói nội hàm của sắc dục là có tà, thì bám gót theo sau tất phải là ác. Quả nhiên, ở phần sau là ba con yêu quái độc ác ở núi Sư Đà. Ba con yêu quái này rất hung ác, đặc biệt yêu quái thứ ba là yêu quái đại bàng, nó đã từng ăn thịt hết toàn bộ người của một nước, sự hung ác của nó đã vượt ra ngoài tam giới, ngay cả Tôn Ngộ Không cũng không phải là đối thủ của nó. Cuối cùng đích thân Phật Tổ Như Lai phải ra tay mới bắt được những ma vương này, nhưng phải không giết chúng thì mới cứu được Đường Tăng đang bị giam cầm suýt mất mạng. Có thể thấy, tu luyện muốn thành Phật chính là cần phải vượt qua những khổ nạn tương ứng, chỉ có như vậy mới có được Phật lực to lớn như thế. Tu luyện quả thật là lúc nào cũng có họa lớn có thể mất đi sinh mệnh, còn kẻ phàm phu tục tử thì chỉ nghĩ đến xương cứng thịt mềm. Dù là một nữ yêu dịu dàng với khuôn mặt xinh đẹp tuyệt trần mang đến cho bạn hạnh phúc ngọt ngào hay một ác quỷ hung dữ với hàm răng như thép há miệng ăn thịt người, thì đằng sau sự ngọt ngào hay hung dữ đó đều là muốn lấy mạng của người ta.
Tất nhiên, “Tây Du Ký” chỉ là một cuốn tiểu thuyết, một ví dụ bằng hình ảnh cho phương thức tu luyện trong quá khứ. Cơ thể của con người và việc tu luyện trong quá khứ đều có chỗ không hoàn mỹ, điều này ăn khớp với chương cuối của “Tây Du Ký” khi Đường Tăng lấy kinh trở về không may làm kinh sách bị rách mấy trang. Có lẽ, “Ngô Thừa Ân” nếu có viết tiếp “Tây Du Ký” thì “Đường Tăng” sẽ không gặp nhiều nạn như vậy nữa.
(Còn tiếp)
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/264916
Ngày đăng: 09-05-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.