Tuyển tập kho tàng tri thức: Đạo đức và trí tuệ của người xưa (3)



Tác giả: Lục Thiện

 

[ChanhKien.org]

1. Đại phu họ Liễu nhã nhặn khen thưởng

Đại phu Liễu Tần triều Đường, bị giáng chức làm Thái Thú Hộ Châu (tên gọi cũ của Thượng Hải). Có một tú tài ở Dụ Châu tên là Mâu Ma, là con của Đô Hiệu (tên chức quan) Mâu Cư Hậu, tài văn không cao, Mâu Ma đã đem bài văn của mình đến bái kiến Liễu Tần. Liễu Tần khen tấm tắc. Các đệ tử cho rằng thế là quá mức.

Liễu Tần nói: “Đất Ba Thục, kẻ sỹ rất nhiều, Mâu Ma là con quan, tự mình học mà có thể làm được văn hay, việc này hiếm thấy. Giả như không hướng dẫn và khích lệ Mâu Ma, ý chí của Mâu Ma chắc sẽ bị sa sút. Vì sự ca ngợi của ta dành cho Mâu Ma, mọi người sẽ cho đó là vinh dự. Những người trẻ tuổi vì thế mà yêu thích học tập và viết văn, bớt đi những kẻ ngốc, có nhiều hơn những văn sỹ, chẳng phải là rất tốt sao?”.

Nhờ sự khích lệ của Đại phu Liễu, xã hội dần dần trở nên văn minh lên.

2. Đại thần Liêm Hi Hiến trọng vọng tú tài, phục hưng nho học

Đại thần Liêm Hi Hiến của triều Nguyên, chiêu hiền đãi sỹ, còn sợ rằng bản thân làm không chu toàn. Lúc ông còn làm Thừa tướng, Lưu Chỉnh ở Giang Nam (vốn là đại thần của Triều Tống) đến cầu kiến ông với danh nghĩa quan. Liêm Hi Hiến suốt cả buổi không cho phép Lưu Chỉnh ngồi. Tuy nhiên có một tú tài Triều Tống, áo quần rách rưới, mang theo bài thơ đến trước mặt xin gặp, Liêm Hi Hiến lại rất vội vàng và cung kính mời anh ta ngồi, cùng luận bàn kinh sử, hỏi thăm ân cần như người bạn lâu năm.

Sau khi vị tú tài đi, em trai của Liêm Hi Hiến là Liêm Hi Cống hỏi rằng: “Lưu Chỉnh là quan địa vị cao quý, nhưng anh lại đối đãi với ông ta rất qua loa; tú tài là kẻ sỹ cơ hàn, nhưng anh lại đối đãi với anh ta rất trọng vọng. Là vì duyên cớ gì vậy?”

Liêm Hi Hiến đáp: “Em không hiểu được việc này! Anh là đại thần của đất nước, nói hay không nói, tiến hay lùi, nặng hay nhẹ, đều có liên quan đến thiên hạ! Chức quan của Lưu Chỉnh tuy là tôn quý, nhưng lại là kẻ phản chủ phương Bắc đến quy hàng. Một vị tú tài Triều Tống, anh ta có lỗi gì? Ta lẽ nào lại đối xử với anh ta như những phạm nhân hạ cấp được? Bây giờ, triều đình ta (Triều Nguyên) quật khởi ở sa mạc phương Bắc, nếu ta không coi trọng kẻ sỹ thì Nho học từ đây sẽ suy vong”.

Phùng Mộng Long viết: Không chỉ chấn hưng văn học, mà thiên hạ hiện nay đều nên biết xem trọng lễ nghĩa! Liêm Hi Hiến đúng là người có nhãn quang của công thần khai quốc.

(Phụ Lục: Đại từ điển nhân vật lịch sử Trung Quốc)

Liêm Hi Hiến (1231-1280) là đại thần triều Nguyên, tên chữ Thiện Phủ, người Uất Ngột Nhi. Ông tôn sùng Nho học, giỏi kinh sử, từng lấy “thiện tính, chính nghĩa, nhân đức làm trọng”. Nguyên Thế Tổ khen ngợi xưng ông là “Liêm Mạnh Tử”. Lại giỏi bắn tên, được người đời ca ngợi là “văn võ song toàn”. Làm quan đến chức Trung thư hữu thừa, Bình chương chính sự. Trong Nguyên sử gọi ông là Tại Trung Thư, “Chấn hưng kỷ cương phép tắc, tài danh thực sự, loại bỏ tham nhũng, chọn cái lợi bỏ cái hại, làm việc không tùy tiện”. Năm 1275, quân Nguyên lấy được Giang Lăng, đảm nhận Hành Tỉnh, Kinh Nam (ý là giành được Trung Quốc), chấn hưng nho học, bình dẹp họa loạn. Ông cho rằng quốc gia “dùng người quân tử thì thịnh trị, dùng kẻ tiểu nhân thì loạn”. Như là “gian thần chuyên chính, tiểu nhân theo đuôi, tất sẽ hại nước hại dân”.

3. Phạm Trọng Yêm trọng dụng người hiền đức vì quốc gia, không quên những người bị giáng chức

Phạm Trọng Yêm vì nước trọng dụng người hiền đức, rất chú trọng khí tiết, nhưng lại không bỏ sót tiểu tiết. Như Tôn Uy Mẫn và Đằng Đạt Đạo đều kính trọng Phạm Trọng Yêm. Lúc ông dẫn binh trấn thủ biên giới Tây Bắc, đã lấy rất nhiều hiền sỹ bị triều đình giáng chức chưa được phục chức làm phụ tá. Có người hoài nghi cách làm của ông. Phạm Trọng Yêm nói: “Phàm là người có tài năng mà không có lỗi lầm, triều đình tự nhiên sẽ phải dùng họ. Nếu người thực sự có tài có thể dùng được, không may bị xử tội, không căn cứ theo nhu cầu mà sử dụng lại họ, thì họ sẽ trở thành người vô dụng”.

Cho nên, Phạm Trọng Yêm dùng người khoan hồng độ lượng, có thể tận dụng tài năng của họ.

Phùng Mộng Long viết: Nhân tài khó có được, dùng hiền tài có ích cho quốc gia. Thiên hạ không có người vô dụng, triều đình mới có thể không có việc thừa. Không phải là người nhìn xa hiểu rộng, thì sẽ không nhìn ra được điểm này.

4. Từ Tồn Trai độ lượng phi phàm

Từ Tồn Trai sau khi làm Học sỹ hàn lâm, nhậm chức Chiết trung đốc học, khi đó chưa đến 30 tuổi. Trong bài văn của một vị tú tài có câu “Nhan (uyên) khổ (não) Khổng (Khâu) chi trác (việt)” (tạm dịch: Nhan Uyên khổ não về sự trác việt của Khổng Tử), sau khi Từ Tồn Trai đọc, bình rằng, “bịa đặt (sao như thế được, vô căn cứ)” xếp vào hạng bốn. Nho sinh đó khi sắp phải chịu giáo huấn, ông cầm quyển văn tự thỉnh thị rằng: “Lời dạy của đại tôn sư rất đúng, nhưng ‘khổ Khổng chi trác’ là từ cuốn Pháp ngôn của Dương Tử, vậy không phải là câu từ Nho sinh bịa đặt ra”. Từ Tồn Trai lập tức đứng dậy, nói : “Học đài (chức quan quản lý giáo dục và việc thi cử của Nho sinh các tỉnh) này may mắn có nho sinh thi đỗ cao, không có học vấn cũng không có bản lĩnh, hôm nay không biết giáo huấn, thu được lợi ích không nhỏ”, liền sửa cho thí sinh thành hạng nhất. Trước hành động này của Từ Tồn Trai, dư luận thời đó đều nhất loạt tán thưởng sự độ lượng rộng rãi của ông.

Phùng Mộng Long viết (không chỉ bình, có lúc còn bổ sung thông tin mới): Không chỉ sửa lỗi sai lớn, chỉ nói việc này, đã có thể thấy kiến thức khí độ của tể tướng nổi tiếng.

Nghe nói những năm đầu Vạn Lịch, có một nhân sỹ viết một bài “oán nộ chương”, trong bài văn sử dụng câu “Vi Thuấn dã phụ, vi Thuấn dã mẫu”, bị Học đài đánh xuống hạng 4, phê hai chữ “không đạt”. Nhân sỹ này khiếu nại nói: “Cách viết này là từ Chương Thiện Cung – Lễ ký”. Học đài tức giận nói “Ngươi đã đọc Lễ ký rồi à?” rồi sửa lại cho nhân sỹ này tụt xuống hạng 5. Lòng người độ lượng khác nhau, sai khác đâu chỉ nghìn vạn dặm!

Tống Thái Tổ từng vì chuyện đó mà rất tức giận với Chu Hàn, phạt ông ta hình phạt đánh roi. Chu Hàn nói: “Thần bản thân đã phụ những người tài danh trong thiên hạ, bị đánh là rất đúng”. Thái Tổ bèn tha thứ cho ông. Từ xưa đến nay thánh chủ, danh thần tuyệt đối không nghe theo cảm tính, không làm việc bừa bãi!

Lại nghe nói tiên sinh Từ Tồn Trai, khi nhậm chức Triết trung, có hai, ba người vì tranh giành mà không được đề bạt, làm huyên náo dưới công đường, tiên sinh Từ Tồn Trai vẫn chấm bài như cũ. Không lâu sau đó, lại có hai người đùn đẩy làm ồn ào dưới công đường, tiên sinh Từ Tồn Trai vẫn chấm bài như cũ. Sau việc đó, ông gọi mọi người đến nói: “Ta không muốn để mọi người tranh giành, cũng không thể để mọi người đùn đẩy. Mọi người không đọc ‘Điều lệ’ sao? Ngay cả Học đài cũng phải tuân thủ điều lệ, không thể tự làm theo ý mình, mọi người đều tuân theo điều lệ mà làm thì ổn rồi”. Từ đó, việc tranh đoạt và đùn đẩy không còn xảy ra nữa. Tiên sinh làm việc nắm được căn bản của sự việc, tất cả đều tuân theo quy tắc mà chấp hành, đều làm như thế.

5. Hồ Đình Quế trị tội mẹ chồng, đánh con dâu

Trong những năm Khai Khánh thời Tống Lý Tông, Hồ Đình Quế làm Chủ bộ huyện Duyên Sơn, không cho phép người dân tự nấu rượu, lệnh cấm rất nghiêm ngặt.

Có một cô con dâu kiện cáo mẹ chồng tự ý nấu rượu, Đình Quế hỏi cô này rằng: “Cô có hiếu thuận phụng dưỡng mẹ chồng không?” Cô con dâu đáp: “Có”.

Đình Quế nói: “Đã là cô con dâu hiếu thuận thì cô có thể thay mẹ chồng cô chịu phạt không?” Thế là ông phê bình bà mẹ chồng vì tội tự ý nấu rượu, rồi đánh cô con dâu một trận.

Từ đó, khuôn phép được thịnh hành, toàn huyện lập trật tự. Phong tục hiếu kính cũng được khởi xướng lên.

6. Trương Nhĩ dạy dỗ Trần Dư, nhẫn nhịn việc nhỏ để thành việc lớn

Trương Nhĩ và Trần Dư đều là danh sỹ của Ngụy Quốc. Khi Tần Thủy Hoàng diệt nước Ngụy đã treo trọng thưởng để truy bắt hai người này, hai người thay tên đổi họ, chạy đến nước Trần làm người gác cổng, rồi đến Hồ Khẩu. Vì Trương và Trần mắc lỗi, Huyện sử đã đánh đòn họ. Trần tức giận muốn phản kháng, Trương Nhĩ dẫm lên chân của ông ta, ý bảo ông ta hãy nhẫn nhịn.

Sau khi huyện sử đi xa, Trương Nhĩ kéo Trần Dư đến dưới gốc cây dâu, phê bình rằng: “Ban đầu tôi đã nói với anh thế nào? Giờ vừa chịu chút nhục đã muốn liều mạng với một tiểu quan sao?”

Việt Vương Câu Tiễn ở trong nhà ngục nằm gai nếm mật, Hoài Âm hầu Hàn Tín chịu nhục chui háng, đều là nhẫn nhịn nỗi nhục nhỏ để thành tựu đại nghiệp. Trần Dư nông cạn tự cao, vĩnh viễn không theo kịp Trương Nhĩ, cho nên cuối cùng, một người thì thành công, một người thì thất bại.

7. Địch Thanh không xóa đi dấu hiệu thích trên mặt

Đại tướng Địch Thanh thời Bắc Tống làm binh sỹ mười mấy năm, vì liên tục lập chiến công được thăng lên làm tướng quân. Tống Nhân Tông khuyên ông dùng thuốc đắp, xóa đi chữ thích trên mặt (vì phạm sai lầm, bị thích ký hiệu trên mặt), ông không nghe theo nói: “Thần lưu lại để có thể khích lệ sỹ khí”.

Phùng Mộng Long viết: Qua một việc đó, có thể thấy ông (Địch Thanh) sau này quyết không khuất phục quyền thế.

8. Kẻ thức thời mới là tuấn kiệt

Trong những năm Hy Ninh thời Tống Thần Tông, thực hiện theo pháp luật mới của Vương An Thạch, châu huyện rối loạn. Lúc đó, tiên sinh Khang Tiết đang ẩn cư ở trong rừng, các môn sinh, bạn cũ của ông đang làm quan trong triều, đều muốn từ quan về nhà, đến hỏi ý kiến của ông.

Khang Tiết tiên sinh trả lời rằng: “Đây chính là thời cơ để các vị tận lực báo đáp triều đình. Pháp luật mới tuy là nghiêm khắc, các vị có thể khoan dung một chút, thì người dân liền có thể được một chút lợi ích. Từ quan mà đi thì có ích gì?”

Lý Phần (đệ tử của Chu Hy) thường bàn luận: Người không cần đợi đến lúc làm quan có quyền lực, mới có thể lập công dựng nghiệp, chỉ cần trong phạm vi năng lực có thể làm mà làm một số việc có ích, đã là có sự nghiệp.

Phùng Mộng Long viết: Liên Trì Miệt Hồng đại sư khuyên mọi người làm việc thiện. Có người nói: “Tôi không có khả năng làm việc thiện”. Đại sư chỉ vào cái ghế nói: “Như cái ghế kia, đổ xuống thì chắn vướng đường, ta chuyển nó đi, đây chính là một việc thiện.” Với thiện tâm như thế, ông cảm thấy việc quốc sự quá khó liền từ quan không làm, như đi vào núi ngọc mà về tay không, thật đáng tiếc.

Lúc Tiên Vu Ưu làm phó sứ vận chuyển ở Lợi Châu, những nông dân dưới quyền ông không mượn tiền của nhà nước để mua mạ non. Tể tướng Vương An Thạch phái người đến hỏi Tiên Vu Ưu, trách cứ ông không chấp hành chính sách. Ông nói: “Theo luật lúa non, việc nông dân mượn tiền của đất nước là tự nguyện, nếu bây giờ người dân không tự nguyện, làm sao có thể ép buộc được?” Tô Đông Pha khen ngợi hành động này của Tiên Vu Ưu là “Trên không làm tổn hại pháp luật, giữa không làm tổn hại đến bản thân, dưới không làm tổn hại đến nông dân”. Ba cái không này, kẻ sỹ phải noi theo.

9. Dương Văn Trinh nghĩa khí bảo vệ Từ Kỳ

Bố chính sứ Quảng Đông là Từ Kỳ, khi vào triều diện kiến Hoàng thượng, ông mang theo những chiếc sọt nhỏ bằng mây được làm ở Lĩnh Nam, muốn tặng cho các quan đại thần triều đình. Kẻ thù của ông là nịnh thần trong triều, có được danh sách người được tặng quà, liền dâng tấu lên cho Hoàng thượng. Hoàng thượng xem qua, trên đó không có tên của Dương Sỹ Kỳ (thụy Văn Trinh), bèn triệu một mình Dương Sỹ Kỳ vào cung, tra hỏi rõ nguyên nhân vì sao. Dương Sỹ Kỳ bẩm báo rằng: “Từ Kỳ từ chức Cấp cự trung, nhận lệnh làm Bố chính sứ Quảng Đông, trước khi đi, mọi người đều làm thơ đưa tiễn, cho nên mới có việc biếu tặng này, thần lúc đó đang bị bệnh, không có thơ đưa tiễn, nếu không trong danh sách này cũng sẽ có tên thần. Hôm nay mặc dù có tên trong danh sách, nhưng người ta có tiếp nhận hay không, cũng còn chưa biết. Huống nữa lễ vật rất nhỏ, chỉ là một cái sọt nhỏ bằng mây thô kệch của người dân mà thôi, xem ra ông ta không có ý gì khác”. Nghi ngờ của Hoàng thượng đã được giải tỏa, liền đem danh sách giao cho hoạn quan, lệnh đốt đi, không truy cứu việc này nữa.

Phùng Mộng Long viết: Danh sách này bị đốt cháy, khiến cho những kẻ vu khống bị ngăn chặn, không đạt được mục đích, tránh đi tai họa cho rất nhiều đại thần, hơn nữa còn khiến Hoàng thượng xóa bỏ hoài nghi với các đại thần, việc này không phải chuyện nhỏ. Nhìn qua có vẻ không phải điều gì trí tuệ cho lắm, nhưng thực tế lại là hành động đại trí đại đức.

Thời Tống Chân Tông, có người dâng tấu báo cáo việc trong cung cấm, Hoàng thượng nổi giận, sai người kê biên sung công tài sản của người đó, thu được thư coi bói hung cát mà các sĩ phu nhờ người đó xem, định giao cho Ngự xử nha môn xử lý.

Tể tướng Vương Đán mang bức thư coi bói hung cát của mình ở nhà đến dâng lên Hoàng thượng, thỉnh cầu cùng xử tội chung. Hoàng thượng mới dần dần từ bỏ ý định xử tội. Vương Đán đi đến nha môn, đem đốt toàn bộ những bức thư này. Sự việc qua đi không lâu, Hoàng thượng lại đổi ý, lại sai người đòi những bức thư này. Vương Đán trả lời: “Những bức thư đã bị đốt rồi”, Hoàng thượng cũng không tiếp tục truy cứu nữa. Việc này cũng giống như Dương Sỹ Kỳ, đều là ví dụ về việc xả thân cứu người.

(Theo Trí nang của Phùng Mộng Long thời nhà Minh)

 

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/246129



Ngày đăng: 23-08-2020

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.