Tuyển tập kho tàng tri thức: Đạo đức và trí tuệ của người xưa (Phần 2)
Tác giả: Lục Thiện
Tiếp theo Phần 1
[ChanhKien.org]
1. Trương Phi dùng hành động dạy dỗ cho Mã Siêu biết lễ độ
Tiên chủ Lưu Bị vừa thấy Mã Siêu, liền giao cho ông ta làm Bình Tây Tướng quân, phong làm Đô Đình Hầu. Mã Siêu thấy Tiên chủ đối đãi với mình rất hậu hĩnh, liền quên mất lễ tiết quân thần trên dưới, thường xưng tên với Tiên chủ.
Quan Vũ vô cùng tức giận, thỉnh cầu giết Mã Siêu. Tiên chủ không đồng ý.
Trương Phi nói: “Nếu không giết hắn, thì phải cho hắn biết thế nào là lễ độ”.
Ngày hôm sau, Tiên chủ Lưu Bị mở đại hội đãi các tướng lĩnh. Quan Vũ, Trương Phi, hai người cầm đao đứng hai bên Tiên chủ.
Mã Siêu tiến vào, không nhìn thấy ghế của Quan Vũ, Trương Phi. Lại cẩn thận nhìn quanh, thấy Quan Vũ và Trương Phi đứng ở hai bên Tiên chủ, trông rất nghiêm trang. Mã Siêu cả kinh biến sắc. Trương Phi (và Quan Vũ) đã dùng hành động thiết thực của mình để dạy cho Mã Siêu biết lễ độ.
Từ đó về sau, Mã Siêu rất mực cung kính Tiên chủ Lưu Bị.
Cổ nhân nói: “Thánh hiền có thể lấy mình làm gương, dùng hành động để dạy dỗ người khác”. Không ngờ rằng Trương Phi cũng có thể dùng hành động dạy dỗ cho Mã Siêu biết lễ độ.
Phùng Mộng Long viết: Trương Phi từng thể hiện vẻ nghiêm khắc. Bây giờ lại dùng hành động dạy dỗ cho Mã Siêu biết lễ độ. Đây đều là cử chỉ tinh tế, tỉ mỉ của ông. Người đời sau xem Trương Phi như người thô kệch, thực là oan cho tướng quân Trương Phi!
2. Trọng việc nước mà vứt bỏ oán hận cá nhân
Triệu Vương từ Thắng Trì về nước, cho rằng Lạn Tương Như mang ngọc bích trở lại nước Triệu là có công lao rất lớn, lập tức phong cho ông làm Thượng khanh, xếp trên Liêm Pha. Liêm Pha tự phụ cho rằng có chiến công, nhưng Lạn Tương Như lại dựa vào miệng lưỡi mà được phong chức cao hơn ông ta, trong lòng Liêm Pha rất không phục, nói: “Ta mà gặp Lạn Tương Như thì nhất định phải khiến ông ta nhục nhã”.
Lạn Tương Như nghe được những lời này, liền hết sức tránh giáp mặt với Liêm Pha, mỗi lần lên triều thường cáo bệnh không lên, không muốn tranh hơn thua với Liêm Pha. Một lần Lạn Tương Như ra ngoài, từ xa nhìn thấy Liêm Pha liền đánh xe tránh đi. Thấy vậy những môn khách trong nhà của Lạn Tương Như cùng nhau đến gặp ông, nói rằng muốn từ biệt ông ra đi. Lạn Tương Như tha thiết giữ họ lại, nói: “Các tiên sinh thấy Liêm Pha và Tần Vương ai đáng sợ hơn?” Mọi người nói: “Liêm Pha đương nhiên không đáng sợ như Tần Vương”. Lạn Tương Như nói: “Vậy lấy Tần Vương mà nói, uy phong của ông ta lớn như thế mà ta dám trách cứ ông ta trên triều đình, và còn dám nhiếc mắng quần thần của ông ta. Lạn Tương Như ta tuy bất tài, chẳng lẽ lại sợ Liêm Pha sao? Chỉ là ta nghĩ, nước Tần hùng mạnh sở dĩ không dám tấn công nước Triệu chính là vì có hai người ta và Liêm Pha ở đây! Nếu hai bên đấu với nhau, hai bên đều bị tổn thương, tức là bất lợi cho đất nước. Ta sở dĩ nhiều lần tránh né Liêm Pha, là trọng việc nước mà vứt bỏ oán hận cá nhân, đặt việc quốc gia lên trên mà bỏ chuyện riêng cá nhân ra khỏi đầu”.
Liêm Pha sau khi nghe được những lời đó, đã nhờ môn khách đến nói rõ sự tình, rồi cởi trần mang roi một mình đến trước mặt Lạn Tương Như để nhận lỗi. Hai người sau đó kết giao sinh tử.
Còn một chuyện khác, tướng lĩnh dưới quyền tướng quân Cổ Phục thời Đông Hán đánh chết người ở Toánh Xuyên, bị Thái thú Khấu Tuân bắt xử tử. Cổ Phục cảm thấy nhục nhã, lúc đi qua Toánh Xuyên nói với tùy tùng rằng: “Ta mà gặp Khấu Tuân, nhất định sẽ tự tay giết chết ông ta”. Khấu Tuân biết được dự định của Cổ Phục, liền không gặp mặt ông ta. Cháu ngoại Cốc Sùng Sùng thỉnh cầu cử hộ vệ ở bên cạnh Khấu Tuân phòng trừ bất trắc. Khấu Tuân nói: “Hà tất phải làm như thế, trước đây Lạn Tương Như không sợ Tần Vương mà khuất phục được Liêm Pha, là đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu”.
Thái thú Khấu Tuân biết được Cổ Phục tướng quân đi qua, liền lệnh cho các quan huyện chuẩn bị nhiều rượu, mỗi người hai phần. Khấu Tuân ra nghênh đón, rồi cáo bệnh ra về. Quân lính dưới quyền Cổ Phục truy đuổi lùng bắt Thái thú Khấu Tuân, nhưng vì quân tướng đã uống rượu say mèm nên sự việc vì thế mà trôi qua. Khấu Tuân mang việc này tấu lên triều đình, Hoàng đế triệu kiến Khấu Tuân và Cổ Phục, hạ lệnh cho họ kết bạn với nhau. Sau đó, sự việc qua đi.
Phùng Mộng Long viết: Phần Dương Vương Quách Tử Nghi cùng Lý Quang Bích, bái nhau tại công đường, giống với dụng tâm của Lạn Tương Như. Lai Công Khấu Chuẩn đem một con dê nướng đi tiếp đón Đinh Vị, cũng theo cách làm của Khấu Tuân. Sự việc cụ thể như sau:
An Tư Thuận thời nhà Đường làm Tiết độ sứ Sóc Phương, Quách Tử Nghi và Lý Quang Bích đều là thuộc tướng của nha môn, nhưng hai người không hòa hợp nhau. Tuy rằng ngồi cùng một bàn ăn thường liếc mắt nhìn nhau, không nói với nhau câu nào. Về sau Tử Nghi tiếp nhận vị trí của An Tư Thuận, Quanh Bích định bỏ đi, nhưng vẫn do dự chưa quyết định. Mười ngày sau, Hoàng đế ra lệnh cho Quách Tử Nghi dẫn quân tiến đến Sơn Tây và Hà Bắc. Quang Bích gặp Tử Nghi nói: “Xin ban cho tôi được chết, nhưng đừng liên lụy đến vợ con gia đình tôi”. Tử Nghi vội bước xuống, ôm lấy Quang Bích tại công đường, rơi nước mắt nói: “Hôm nay đất nước loạn lạc, ngôi vua thay đổi, không có ông thì không thể đi chinh chiến về phía đông. Đây đâu phải lúc hai người chúng ta bộc lộ mối thù hận cá nhân?” Rồi nắm tay Quang Bích mà bái lạy, hai người hợp mưu dẹp loạn tặc ở An Lộc.
Đinh Vị thời Nhà Tống, lúc phải đi lưu vong ở Thời Châu, đi qua Lôi Châu, Ty hộ Lôi Châu Khấu Chuẩn đem một con dê nướng nghênh tiếp Đinh Vị. Trước kia, lúc Đinh Vị làm Thừa tướng từng muốn gạt Khấu Chuẩn, nên giáng chức ông ta đến Lôi Châu. Lúc này, Đinh Vị muốn gặp Khấu Chuẩn, nhưng bị cự tuyệt. Khấu Chuẩn biết được gia bộc trong nhà mình muốn tìm Đinh Vị báo thù, liền nhanh chóng đóng cửa, gọi gia bộc đến đánh bạc, không cho đi ra. Đợi đến khi Đinh Vị đi xa mới xong.
3. Tài sản quốc gia không thể muốn lấy thì lấy!
Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận ban đầu phục sự cho Chu Thế Tổ Sài Vinh ở Thiền Châu. Tào Bân là thân tín của Chu Thế Tổ, quản lý trà và rượu. Thái Tổ từng xin ông ta rượu để uống, Tào Bân nói: “Đây là rượu dành cho quan, không thể cho”, liền tự mình mua rượu cho ông uống. Đến khi Thái Tổ lên ngôi Hoàng đế, ông nói với quần thần rằng: “Trong các thân tín của Thế Tông, người không lừa gạt chủ nhân chỉ có Tào Bân mà thôi.” Từ đó coi ông ta là tâm phúc, giao trách nhiệm trọng đại.
Tống Thái Tổ tiến đánh Trừ Châu, Chu Thế Tông lệnh cho Đậu Nghi kiểm kê vàng bạc, lụa là trong kho phủ. Vài ngày sau, Thái Tổ lệnh cho Thân Lại đến lấy lụa trong kho, Đậu Nghi nói: “Lúc tướng quân mới đánh phá châu thành, dù có lấy đi toàn bộ của cải, cũng không ai dám nói gì. Hôm nay kiểm kê sổ sách thì đã là của cải quốc gia, không phải ngài muốn lấy là lấy được”. Về sau Thái Tổ lên ngôi, thường tán thưởng Đậu Nghi kiên trì nguyên tắc, muốn đề bạt ông ta làm tể tướng.
4. Nghiêm Chấn bỏ tiền thu được kẻ sỹ
Thời Đường Túc Tông, Nghiêm Chấn làm Tiết độ sứ Sơn Nam Tây Đạo. Có một người đến trước cửa xin ông 300 xâu tiền sống qua ngày. Nghiêm Chấn triệu quan cấp dưới Công Bật đến hỏi về chuyện này.
Công Bật nói: “Đây là một tên điên, đại nhân hà tất phải để ý đến hắn”.
Nghiêm Chấn tức giận nói: “Ông định phá hủy gia phong của ta sao! Lẽ ra nên khuyên ta nỗ lực làm việc thiện, vì sao lại khuyên ta tiếc rẻ tiền tài? Vả lại người này lai lịch chưa rõ ràng, dám xin ta 300 xâu tiền, chắc chắn không phải là người bình thường!” Liền ra lệnh người dưới cho hắn đủ số tiền đó. Thế nên các hiền sỹ ở Tam Xuyên (tên gọi chung của ba thị trấn: Kiểm Nam Tây Xuyên, Kiểm Nam Đông Xuyên, Sơn Nam Tây Đạo), không ai không kính phục quy thuận ông. Nhưng về sau, không có ai lại đến xin tiền của Nghiêm Chấn nữa. (Nỗi lo lắng của Công Bật hoàn toàn không xảy ra).
Phùng Mộng Long viết: Trong thiên hạ có rất nhiều việc xấu đều là từ “không nỡ mất tiền” mà ra, có rất nhiều việc tốt đều là từ “nỡ mất tiền” mà ra. Từ xưa đến nay, không có người tốt nào mà không nỡ mất tiền. Lỗ Túc nước Ngô thời Tam Quốc, Vu Thuận thời Đường, Phạm Trọng Yêm thời Tống, đều là người rất mạnh tay, vui lòng giúp đỡ những bần sĩ. Đổng Thượng Thư ở Tây Ngô (nay là Ô Trình, Giang Tô), gia đình sung túc mà lại chăm giao tế, hễ gặp bần sỹ thì đều không do dự mà cho tặng tiền của.
Trong những năm Hoằng Trị, chùa Chiêu Khánh bị hư hại muốn tu sửa lại. Án sát sứ đến hỏi thăm ba phú hộ, kêu gọi họ cùng bỏ tiền tu sửa. Ngô Mỗ Nhân người huyện Trường Hưng cũng nằm trong số đó. Ngô Mỗ nói: “Việc này tốn không hết bao nhiêu tiền, tiểu nhân xin một mình đảm trách”. Án sát sứ rất vui. Ngô Mỗ về nhà báo cho phụ thân của ông biết, phụ thân nói: “Đứa con trai này của ta có can đảm như thế, tương lai tất có thể kế thừa gia nghiệp của ta!” Hiểu biết của ông lão này quả thực là trác việt phi phàm!
5. Trí tuệ tương thông của Tiêu Hà và Nhâm Mỗ
Lưu Bang công phá kinh thành Hàm Dương của nhà Tần, chư tướng đều tranh nhau tìm kho tiền trước để chia nhau. Duy chỉ có Tiêu Hà, tuy vào thành Hàm Dương trước, nhưng lại đi lục soát và lấy đi các sách pháp luật của Tể tướng và quan Ngự sử nhà Tần. Lưu Bang sở dĩ có thể biết được những điểm mấu chốt, dân số nhiều ít, những điểm mạnh yếu, và những khó khăn của người dân, đều là nhờ Tiêu Hà thu được bản đồ lãnh thổ, sổ hộ tịch và hồ sơ của nhà Tần.
Nhâm Mỗ người huyện Tuyên Khúc, cụ thân sinh ra ông từng làm quan thương khố châu quận. Sau khi nhà Tần diệt vong, hào kiệt các nơi đều đi tranh cướp vàng bạc châu báu. Nhưng Nhâm Mỗ một mình đi đào hầm tích trữ lương thực. Lúc Hán Sở giao tranh ở Huỳnh Dương, chiến loạn liên miên, dân chúng không thể trồng trọt lương thực. Giá một thạch gạo cao đến vạn quan tiền, thế là rất nhiều vàng bạc châu báu của các hào kiệt không thể ăn được, phải mang vàng bạc châu báu đi đổi lương thực. Vì thế, tất cả vàng bạc châu báu đều thuộc về Nhâm Mỗ.
Phùng Mộng Long viết: Trí tuệ của Tiêu Hà và Nhâm Mô khó phân cao thấp, hoán đổi vị trí hai người đều có thể làm được như nhau.
Lại như Trác Thị ở đất Thục, tổ tiên là người nước Triệu, giàu lên nhờ nghề luyện thép, khi nhà Tần diệt nước Triệu, chuyển Trác Thị tới đất Thục, hai vợ chồng đẩy xe đi bộ. Các nhà khác đem số tiền ít ỏi hối lộ quan lại để xin chuyển đến chỗ gần, liền được sắp xếp ở vùng Gia Manh, Xuyên Bắc.
Chỉ có Trác Thị nói: “Nơi này đất đai cằn cỗi, ta nghe nói dưới núi Mân Sơn, đất đai màu mỡ dễ trồng khoai, dân không lo chết đói, người dân dệt vải buôn bán”. Liền xin chuyển tới nơi xa, đến Lâm Cung, dựa vào núi làm nghề đúc luyện, vận chuyển buôn bán, sau đó ông ngày càng giàu có. Hiểu biết của ông quả là hơn người.
6. Dùng binh lính vận chuyển quân lương
Đổng Bác Tiêu người Từ Châu, năm Chí Chính thứ 16 triều Nguyên (năm 1356) kiến nghị lên triều đình, ở vùng Hải Ninh tàu bè không lưu thông được, quân lương chỉ có để vận chuyển bằng đường bộ. Người dân ven biển thường xuyên bị hải tặc quấy nhiễu, cần được quan tâm nhiều hơn. Tạm thời giao cho quân đội vận chuyển lương thực, biện pháp vận chuyển đường bộ là mỗi người đi 10 bước, 36 người có thể đi được 1 dặm, 360 người có thể đi được 10 dặm, 3600 người có thể đi được trăm dặm. Mỗi người gánh bốn đấu gạo, đựng gạo bằng bao vải, được quan lại lý và quận niêm phong lại. Mỗi người gánh gạo vận chuyển liên tục, mỗi ngày 500 lần, tổng cộng vận chuyển được 28 dặm. Đi nhanh 14 dặm, mỗi ngày chuyển đến 200 đấu, mỗi lần vận chuyển có thể cung cấp cho 2 vạn người. Tính ra mỗi ngày vận chuyển lương thực trăm dặm.
Phùng Mộng Long viết: Lúc đi chinh chiến phía bắc ở Trường Lăng, vì đường xa, hiểm trở, xe nặng, người dân mệt mỏi, lương thực thiếu thốn. Liền chọn nơi bằng phẳng, chia đều chặng đường, bố trí trạm canh giữ. Mỗi người dân phu vận chuyển một thạch gạo. Người này chuyển cho người kia, đến hoàng hôn. Người dân không mệt, mà lương thực lại dồi dào, cũng là cách làm này.
7. Hưng Lợi trừ bỏ tệ nạn
Từ xưa, lương thực cấp cho kinh thành dựa vào nguồn cung ứng bằng đường thủy, chỉ có kho của Thông Châu gần sông là thuận tiện. Từ Thông Châu đến kho của kinh thành, vận chuyển bằng đường bộ hơn 40 dặm, chi phí vận chuyển cao mà lại tổn thất lớn, quân đội các nơi vào kinh thành thao luyện thời gian dài, chi phí không đủ. Lưu Bản Đạo suy nghĩ về hai vấn đề nan giải này, liền tấu xin triều đình phê chuẩn cho kho lương Thông Châu, mỗi tháng vào dịp binh sỹ thao luyện không có việc, yêu cầu các binh sỹ luân chuyển lương thực tới kinh thành, cứ vận chuyển 20 thạch thì phát thưởng 1 lượng. Lương thực vận chuyển đường thủy, toàn bộ đều giao nộp cho Thông Châu. Xây dựng thêm 300 gian kho lương để tiện cho việc thu trữ lương thực. Mỗi năm tích lũy dư ra hơn 50 vạn thạch gạo tốt, mở rộng kho tích trữ lương thực của kinh thành, Hoàng thượng đã ban thưởng trang phục nhị phẩm để biểu dương Lưu Bản Đạo.
Phùng Mộng Long viết: Lưu Bản Đạo, người Giang Âm, Thường Châu, lúc làm Chuyên lại được Bá Ngọc Ký ở Tĩnh Viễn khen ngợi, cho làm phụ tá, lại tấu xin Thánh thượng cho làm Bộ hình chiếu ma, đi viễn chinh đến Vân Nam, thường tiếp thu sách lược của ông. Trong những năm Chính Thống (1436-1449), ông theo Thượng thư Kim Liêm đi thảo phạt Phúc Kiến, bắt được hơn vạn tù binh, được thăng chức Viên ngoại lang Bộ Hộ. Đầu những năm Cảnh Thái (năm 1450), biên giới Tây Bắc bất ổn, dân chúng sống không yên. Lưu Bản Đạo tấu xin phê chuẩn ngân khố cấp tiền mua 2000 con trâu, đổi lấy lương thực phát cho dân. Sự kiện kho lương thực biên phòng Quý Châu bị trộm được tiết lộ đã liên lụy đến rất nhiều người, Lưu Đạo Bản được cử đến xử lý, không đầy một tháng, toàn bộ sự việc được làm rõ tường tận, không oan sai bỏ sót. Thánh thượng khen ngợi ông liêm khiết, tài giỏi, ban thưởng cho ông vải ngũ sắc. Đầu những năm Thiên Thuận (năm 1457), ông được thăng chức Hữu thị lang Bộ Hộ, tổng quản lý việc dự trữ lương thực ở các vùng ven kinh thành, Thông Châu, Hoài An.
Lưu Bản Đạo được thăng chức nhờ vào tài năng của mình, hơn nữa bậc tiền bối đề cử người hiền tài không xét thân thế, Hoàng đế dùng người không mang thiên kiến. Người thời nay nên noi theo (ngôn từ ở đây rất súc tích, có thể nói là lời vàng ngọc. Người thời nay xác thực nên làm theo).
9. Dùng cây củ cải để đắp đê
Tô Thức nhận chức Tri châu ở Hàng Châu, năm đó đại hạn, nạn đói, bệnh dịch hoành hành. Tô Thức tấu xin triều đình miễn trừ 1/3 số thóc gạo người dân Hàng Châu phải nộp cho triều đình, cho nên giá gạo không tăng cao, lại nhận được ban thưởng 100 tăng độ điệp, dùng để đổi gạo, cứu tế cho dân. Mùa xuân năm sau còn giảm giá bán gạo, giúp người dân dần thoát khỏi khó khăn do hạn hán gây ra.
Hàng Châu là vùng sông nước, địa thế trũng, nước suối vừa mặn vừa đắng, dân cư thưa thớt. Lý Bí nhà Đường bắt đầu dẫn nước Tây Hồ xây sáu cái giếng lớn, người dân mới có đủ nước dùng, nhân khẩu của các thôn làng càng ngày đông đúc. Bạch Cư Dị đến nhậm chức quan, lại khơi thông Tây Hồ, dẫn nước vào sông Vân, từ sông Vân chảy vào ruộng, tưới nước cho hơn ngàn thửa ruộng. Tuy nhiên, trong hồ mọc đầy cây củ cải, rễ cây bám dày đặc. Bắt đầu từ thời nhà Đường, mỗi năm đều phải xử lý mới có đủ nước trong hồ để dùng. Sau thời Tống lại bị bỏ hoang, không thường xuyên xử lý, vì thế trong hồ mọc lên rất nhiều bụi cây củ cải, rễ mọc dày đặc, trở thành ruộng củ cải rộng hơn 150.000 trượng (1 trượng khoảng 3m), nước còn lại không nhiều, sông Vân cạn nước, phải dẫn nước từ Giang Hồ, nước hồ vẩn đục đầy bùn, sông chảy qua thành thị ba năm phải nạo vét một lần, đây là một vấn đề lớn của thành thị, mà sáu cái giếng cũng bỏ hoang nhiều năm.
Tô Thức vừa tới nhậm chức liền cho khơi thông hai dòng sông Mao Sơn và Diêm Kiều. Để sông Mao Sơn thông với Giang Hồ, sông Diêm Kiều thông với Hồ Thủy. Tiếp theo là xây các đập nước, dùng để khống chế lượng nước chứa và thoát ra từ Hồ Thủy, để nước Hồ Thủy không chảy qua thành phố nữa. Đồng thời lại cho tu sửa sáu cái giếng để người dân trăm họ được chung hưởng lợi ích.
Lúc đến thăm hồ, Tô Thức quan sát rất lâu, nói: “Bây giờ muốn diệt trừ cây củ cải, thì bỏ nó đi đâu đây? Phía nam và phía bắc hồ cách nhau 30 dặm, một ngày không đi hết một vòng hồ. Nếu chất những rễ cây củ cải trong hồ tạo thành con đê dài, trừ hết tác hại của cây củ cải, thì có thể thông suốt dòng chảy bắc nam, thuận lợi cho mọi người đi lại. Người nước Ngô (ý chỉ Nam Giang Tô, Bắc Chiết Giang) trồng lúa mạch, mùa xuân thì cắt đi, không để lại một tấc nào. Nếu bỏ những ruộng cây củ cải này đi, chiêu mộ người trồng lúa mạch, thu hoạch xong để chuẩn bị cho việc sửa hồ. Trong hồ sẽ không xảy ra tình trạng ngập úng và tắc nghẽn, thế là dùng tiền và lương thực còn dư từ việc cứu đói, được hơn 1 vạn thạch, ông lại tấu xin triều đình và được ban thưởng 100 tăng độ điệp dùng để chiêu mộ dân công xây dựng đê, trên đê lại trồng cây phù dung và dương liễu, nhìn từ xa giống như một bức tranh tráng lệ và thú vị! Để ca tụng ân đức của ông, người Hàng Châu gọi đó là “Đê Tô Công”.
9. Trương Nhu giúp dân chúng tăng sản nghiệp, trăm họ đều vui mừng
Trương Nhu lãnh đạo dân chúng rất có phương pháp. Ban đầu ông làm phụ tá Cốc Châu, kênh dẫn nước bị ứ tắc, ruộng lúa nước để hoang phế đã mấy chục năm, các Thái thú kỳ trước đều không thể khơi thông dòng chảy. Trương Nhu vừa mới nhậm chức, Thái thú liền bàn chuyện này với ông, lo rằng sẽ tiêu tốn rất nhiều công sức của dân chúng. Sau khi đích thân khảo sát hiện trường, Trương Nhu nói với Thái thú rằng, nếu có một số nhân lực thì trong ba ngày có thể làm xong. Thái thú cảm thấy kì lạ, cho rằng ông nói khoa trương. Trương Nhu bèn triệu tập nhân lực, tuyển đủ nhân lực cần thiết, mang dụng cụ đến đo đạc đầy đủ số phần phải thi công, phân chia trách nhiệm người phụ trách từng đoạn, mọi người đều tranh nhau làm. Sau ba ngày là hoàn thành. Thái thú kinh ngạc, cho rằng có Thần lực tương trợ! Vì thế đã báo cáo lên triều đình, thăng chức cho Trương Nhu làm Thái thú Bá Châu.
Người dân Bá Châu đi lang bạt rất nhiều. Ở mỗi làng Trương Nhu cho thiết lập một quyển sổ, trong đó đăng ký từng hộ, viết rõ số nhân khẩu, giới tính, tuổi tác của từng người trong gia đình, phân phối nhà ở, lúa mì, giống cây dâu táo, công cụ nghề dệt và định ra số lợn gà phải chăn nuôi, loan truyền rộng rãi cho mọi nhà đều biết. Trương Nhu lúc có thời gian còn thường hạ cố đi đến các hộ dân để kiểm tra sổ dân, nhân khẩu không đủ liền bị xử phạt. Thế là người dân đều cần cù làm lụng, không dám lười biếng, không đến hai năm, người dân đều có tài sản. Trương Nhu giúp cho dân chúng tăng sản nghiệp, bách tính đều vui mừng, phấn khởi.
10. Trừng trị người xấu, ức chế kẻ gian
Huyện Pha thuộc An Phong, trước kia đã xây dựng hai con kênh nước nối hai phía Nam Bắc, tưới tiêu cho đất canh tác vùng sở tại, mang lại lợi ích lớn cho người dân. Về sau do có hạn hán, mọi người đều muốn gieo trồng gấp cho kịp thời vụ, có một số người mưu lợi riêng, thừa cơ lén dẫn nước vào ruộng mình, nên kênh mương bị phá hoại, mất khả năng tưới tiêu. Mọi người đều thiệt hại nặng nề. Lý Nhược Cốc làm Tri Châu ở Thọ Xuân ra lệnh cho Huyện Pha tu sửa kênh mương bị hỏng bờ, không được kêu gọi dân phu rộng rãi, chỉ huy động người dân vùng ven kênh mương đến tu sửa: Vì họ trộm nước dẫn vào ruộng nên kênh nước mới bị phá hoại, gây ra tai họa lớn, làm như vậy để người dân ở đó nhận thức được rằng: trộm cắp, mưu lợi riêng là hành vi tự hại mình, từ nay về sau không dám phá trộm kênh mương nữa.
Ở vùng Vân Hùng, các nhà phú hào rơm rạ đầy đồng, nhưng lại thường hay sai gia bộc đi đào trộm đê quan. Những năm Hàm Bình (998-1003), Triệu Xương Ngôn làm Thái thú, biết rõ tình hình nhưng chưa từng tìm hiểu thêm về vấn đề này. Một hôm đê bị vỡ, quan địa phương khẩn cấp báo cáo lên. Triệu Xương Ngôn hạ lệnh: Những nhà phú hào bỏ ra nhân lực và vật lực, lập tức dùng củi, rơm của nhà phú hào để gia cố cho đê đập. Từ đó về sau, những nhà phú hào không ai còn dám đi đào trộm đê quan nữa.
(Theo Tri Nang toàn thư của Phùng Mộng Long đời nhà Minh)
Ghi chú:
Thạch: đơn vị đo lường (1 thạch tương đương 120 cân)
Tăng độ điệp: một loại chứng nhận được miễn trừ nghĩa vụ phục dịch cho triều đình.
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/246294
Ngày đăng: 28-07-2020
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.